Sự sinh tồn của các ngôn ngữ ở Việt Nam hiện nay
1. Mở đầu
Nguy cơ tiêu vong không những là nguy cơ đối với ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, mà là nguy cơ đối với các ngôn ngữ khác trên toàn cầu. Thuật ngữ “ngôn ngữ nguy cấp” (endangered languages) ngày càng được nhiều người sử dụng, đặc biệt trong ngôn ngữ học thế giới. Báo cáo điều tra của tổ chức Worldwatch cảnh báo: nhiều ngôn ngữ trên thế giới hiện nay đang thực sự đứng trước khả năng bị tiêu vong vào cuối thế kỷ XXI. Thế giới đang ngày càng mất đi sự đa dạng về ngôn ngữ và văn hóa; trên thế giới hiện nay có khoảng 6.800 ngôn ngữ khác nhau, trong đó có 3.400 (50%) đến 6.120 (90%) ngôn ngữ có nguy cơ bị tiêu vong vào năm 2100. David Crystal cho rằng, trong vòng 100 năm trở lại đây, cứ hai tuần lại có một ngôn ngữ bị tiêu vong [9]. Suzanne Romaine khẳng định, ngày càng nhiều ngôn ngữ trên thế giới bị mai một. Theo tác giả, 60% đến 90% số ngôn ngữ trong tổng số ngôn ngữ trên thế giới có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ tiêu vong trong vòng 100 năm tới [10, tr.115- 132]. Một số tác giả đưa ra nhận xét: ở thời hiện đại, cứ một thế kỷ thì 50% số ngôn ngữ sẽ bị mất. Có người lại đưa ra con số: do tác động của toàn cầu hóa, trong thế kỉ XXI, khoảng 90% số ngôn ngữ trên thế giới sẽ chỉ còn trong kí ức của nhân loại. Nhân “Ngày Quốc tế về tiếng mẹ đẻ” (21/2), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công bố kết quả một nghiên cứu cho rằng, một nửa trong số ngôn ngữ trên thế giới đang có nguy cơ biến mất [11]. Lời cảnh báo trên không loại trừ đối với thực tế Việt Nam: nguy cơ tiêu vong đang đe dọa phần lớn các ngôn ngữ.
Theo kết quả điều tra dân số năm 2009, Việt Nam có 54 dân tộc, tổng số dân là 85.846.997 người. Trong số 54 dân tộc, dân tộc Kinh có dân số 73.594.427 người, chiếm 85,6 % tổng dân số cả nước, là dân tộc đa số. Với dân số 12.252.570 người, chiếm 14,4 % tổng dân số, 53 dân tộc còn lại là các dân tộc thiểu số. Trong Danh mục các thành phần dân tộc Việt Nam (do Tổng cục Thống kê công bố ngày 21/03/1989), trên lãnh thổ Việt Nam có các dân tộc anh em cùng chung sống, bao gồm: Kinh, Tày, Thái, Mường, Khmer, Mông, Nùng, Hoa, Dao, Gia Rai, Ê Đê, Ba Na, Sán Chay, Chăm, Cơ Ho, Xơ Đăng, Sán Dìu, Hrê, Ra Glai, Mnông, Xtiêng, Thổ, Bru - Vân Kiều, Khơ Mú, Cơ Tu, Giáy, Ta Ôi, Mạ, Gié - Triêng, Co, Chơ Ro, Xinh Mun, Hà Nhì, Chu Ru, Lào, Kháng, La Chí, Phù Lá, La Hủ, La Ha, Pà Thẻn, Lự, Ngái, Chứt, Lô Lô, Mảng, Cơ Lao, Bố Y, Cống, Si La, Pu Péo, Rơ Măm, Brâu, Ơ Đu.
Như cách hiểu phổ biến, tương ứng với 54 dân tộc thiểu số phải là 54 ngôn ngữ. Tuy nhiên, trên thực tế thì tình hình lại không đơn giản vậy. Hiện nay, việc xác định một cách chính xác số lượng các ngôn ngữ ở Việt Nam đang có những khó khăn nhất định. Từ thực tế nghiên cứu trong nhiều năm gần đây, có thể khẳng định: số lượng các ngôn ngữ ở Việt Nam phải lớn hơn con số 54. Có dân tộc thiểu số gồm các nhóm với những tiếng mẹ đẻ khác nhau. Theo một số tài liệu: Việt Nam có khoảng trên 90 ngôn ngữ khác nhau và rất
nhiều các tiếng địa phương (phương ngữ, thổ ngữ). Các ngôn ngữ này đại diện cho 5 ngữ hệ: Nam Á, Thái - Kađai, Nam Đảo, Mông - Miền và Hán - Tạng.
Như vậy, thành phần ngôn ngữ tham gia vào cảnh huống ngôn ngữ ở Việt Nam đã tạo nên một bức tranh đa thành tố, nhiều màu sắc. Nhìn khái quát, mỗi cộng đồng dân tộc thiểu số ở Việt Nam đều có tiếng mẹ đẻ (hay “ngôn ngữ tộc người”), đồng thời sử dụng tiếng Việt (tiếng dân tộc Kinh) làm ngôn ngữ giao tiếp chung (gọi là “tiếng phổ thông”). Bài viết trình bày về các nhân tố ảnh hưởng, mức độ sinh tồn của các ngôn ngữ ở Việt Nam hiện nay, đặc biệt là ngôn ngữ các dân tộc thiểu số trước nguy cơ tiêu vong3.
2. Những nhân tố ảnh hưởng đến sự sinh tồn của các ngôn ngữ ở Việt Nam
Nhân tố ảnh hưởng đến sự sinh tồn của các ngôn ngữ ở Việt Nam bao gồm các nhân tố khách quan và chủ quan. Trong đó chủ yếu là các nhân tố: dân số, văn hóa - ngôn ngữ, tâm lí xã hội, chính sách của nhà nước...
2.1. Nhân tố dân số
Ở Việt Nam, số người nói các ngôn ngữ dân tộc thiểu số không nhiều (đặc biệt ít so với tiếng Việt). Các dân tộc thiểu số có số dân trên một triệu người rất ít (Tày, Thái, Mường, Khmer). Hầu hết dân tộc thiểu số ở Việt Nam có dân số dưới 1 triệu người. Các dân tộc dưới 10 ngàn người là La Hủ, La Ha, Pà Thẻn, Lự, Ngái, Chứt, Lô Lô, Mảng, Cơ Lao, Bố Y, Cống, Si La, Pu Péo, Rơ Măm, Brâu, Ơ Đu. Các dân tộc thiểu số ở Việt Nam lại thường cư trú phân tán xen kẽ với các dân tộc khác, do đó, số lượng người nói một ngôn ngữ trong một đơn vị hành chính không cao và không tập trung. Số người nói được các ngôn ngữ dân tộc thiểu số thường thuộc lứa tuổi già và trung niên. Nhiều trẻ em không biết (chuyển sang nói ngôn ngữ khác) hoặc nói ngôn ngữ khác nhiều hơn, thạo hơn so với tiếng mẹ đẻ của mình. Tóm lại, ngôn ngữ các dân tộc thiểu số có xu hướng được sử dụng giảm dần ở các thế hệ, trong đó thế hệ trẻ có xu hướng ưu tiên tiếng Việt và các ngoại ngữ hơn tiếng mẹ đẻ của mình. Theo lẽ tự nhiên, các ngôn ngữ có số lượng người nói ít, phân tán, không có nhiều độ tuổi sử dụng... thì rất cần báo động về sự sinh tồn của chúng.
2.2. Nhân tố văn hóa - ngôn ngữ
Hiện nay, quá nửa số dân tộc thiểu số ở Việt Nam đã có chữ viết. Đó là các dân tộc Tày, Thái, Hoa, Khmer, Nùng, Mông, Dao, Gia Rai, Ê Đê, Ba Na, Chăm, Sán Chay, Xơ Đăng, Hrê, Cơ Ho, Cơ Tu, Ra Glai, M'nông, Xtiêng, Bru - Vân Kiều, Lô Lô, Gié-Triêng, Co, Chơ Ro, Lào, Pà Thẻn, Lự... Các dân tộc này có hệ thống chữ cổ truyền hoặc mới, có chữ dạng vuông gốc Hán (trong đó có các hệ chữ Nôm), dạng Sanskrit, dạng Latinh và cả dạng chữ hình vẽ. Có dân tộc có tới vài ba bộ chữ (Chăm, Thái, Tày, Mông...).
Trong đời sống, chữ viết (một dạng của ngôn ngữ) có vai trò đáng kể trong bảo tồn và phát triển ngôn ngữ (để giáo dục; biên soạn các sách công cụ như từ điển, ngữ pháp, sách giáo khoa; để hình thành ngôn ngữ văn học...), giúp cho việc ghi chép và truyền bá các tác phẩm nghệ thuật truyền thống và sáng tác mới, dùng trong in ấn, phát thanh và truyền hình. Chính chữ viết giúp cho ngôn ngữ có thể phát huy chức năng xã hội rộng lớn hơn, là điều kiện để sinh tồn cho các ngôn ngữ.
Tuy nhiên, trên thực tế, các hệ thống chữ dân tộc thiểu số nói trên có phạm vi sử dụng rất hẹp, chưa được nhiều người biết, nên không có được ích lợi rõ rệt. Ngoài ra, vẫn còn gần một nửa số dân tộc chưa có chữ viết. Một số ngôn ngữ chỉ ở dạng lời nói, chưa được ghi bằng chữ, thì khó trở thành ngôn ngữ văn học, không có được vai trò tích cực trong việc làm nên những thành tựu văn hoá cũng như bảo tồn, kế thừa và phát triển chúng.
Không thể không nhắc tới vai trò của tôn giáo với ngôn ngữ các dân tộc thiểu số. Ở Việt Nam, hầu hết các hệ thống chữ viết gắn với tôn giáo tín ngưỡng. Trong nhà thờ và chùa chiền, các tu sĩ và nhà sư sử dụng các ngôn ngữ dân tộc thiểu số để truyền đạo, với các bản dịch Kinh thánh, những lời giảng đạo, thánh ca, những câu chuyện mang màu sắc cổ tích về Đức Chúa Trời và Đức Phật, đã góp phần khiến các ngôn ngữ được sử dụng tích cực, trở nên phong phú về từ vựng và cách diễn đạt. Chữ Quốc ngữ (chữ ghi tiếng Việt) ra đời trong một hoàn cảnh rất đặc biệt, gắn liền với lịch sử mở đạo, với vai trò của các giáo sĩ Dòng Tên ở Đàng trong (từ năm 1615), nhờ vậy có vai trò tích cực đối với tiếng Việt. Tuy nhiên, ở các dân tộc thiểu số Việt Nam, chữ ghi tiếng dân tộc không phổ biến.
Hiện nay, ở vùng đồng bàocác dân tộc thiểu số, việc sử dụng đồng thời hai ngôn ngữ (tiếng Việt và tiếng mẹ đẻ của các dân tộc thiểu số) là phổ biến. Tuy nhiên, số người thuộc các dân tộc thiểu số biết tiếng mẹ đẻ thật sự sâu sắc, biết chữ và tạo lập được văn bản bằng chữ, còn rất ít. Đa số ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay không được truyền dạy có tổ chức, chỉ được truyền dạy tự nhiên hoặc đang “thử nghiệm”, và chỉ được dùng dưới dạng khẩu ngữ, trong phạm vi gia đình, làng bản, thường bị các ngôn ngữ của các dân tộc có số dân lớn hơn (trong đó có tiếng Việt) lấn át trong rất nhiều hoàn cảnh giao tiếp, kể cả ở gia đình, làng bản. Tiếng nói riêng của các dân tộc thiểu số hiện đang đứng trước nguy cơ bị lãng quên, hoặc pha trộn đến mức nhiều khi mất cả nét bản sắc, bị giảm thiểu các chức năng xã hội, chỉ được dùng trong một số hoàn cảnh giao tiếp nhất định ở gia đình và làng xóm, chỉ ở dạng khẩu ngữ (không ở dạng ngôn ngữ thành văn với sự tham gia của chữ viết...), trở nên nghèo nàn và kém dần sức biểu cảm do không được bảo tồn và phát triển.
Ở Việt Nam trước đây và hiện nay, có một số ngôn ngữ dân tộc thiểu số được sử dụng như đối tượng hoặc phương tiện dạy - học (hoặc vừa là đối tượng vừa là phương tiện) trong một số trường phổ thông và các cơ sở giáo dục khác ở vùng dân tộc thiểu số ở một phạm vi và hoàn cảnh nhất định, chủ yếu là “thử nghiệm”). Đó là ngôn ngữ các dân tộc H'mông, Chăm, Khmer, Gia Rai, Hoa, Ê Đê, Thái, Xơ Đăng.... Một số ngôn ngữ đang được sử dụng trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, kênh VTV5, các đài phát thanh và truyền hình địa phương. Ví dụ ngôn ngữ các dân tộc: Khmer, Ê Đê, Gia Rai, Ba Na, Chăm, Mông, Thái, Xơ Đăng, Tày, Hà Nhì, Hrê, Cơ Tu... Một số ngôn ngữ dân tộc thiểu số đã được sử dụng để in ấn (bằng chữ của các dân tộc này) các tác phẩm văn nghệ truyền thống, các sáng tác mới; để biên soạn các từ điển đối chiếu song ngữ, các sách miêu tả ngữ pháp, các sách giáo khoa (như ngôn ngữ các dân tộc H'mông, Thái, Chăm, Ba Na, M'nông, Xơ Đăng, Cơ Ho, Ta ôi, Bru - Vân Kiều, Ra Glai, Hrê, Gia Rai, Ê Đê, Khmer...). Đây thường là tiếng nói của các dân tộc có số dân đông (như một nghịch lí: ngôn ngữ có số người nói ít - tức là có nguy cơ tiêu vong lớn, thì lại rất ít được quan tâm). Theo lẽ tự nhiên, một ngôn ngữ ít được truyền dạy và sử dụng trong đời sống cộng đồng, thì sức sống rất hạn chế.
Cho đến nay, có không ít các ngôn ngữ ở Việt Nam được nghiên cứu. Nhiều công trình đã được xuất bản (cả về nghiên cứu cơ bản lẫn thực hành). Từ những năm 90 của thế kỉ XX, trong khuôn khổ hợp tác Việt - Xô (từ 1979, sau này là Việt - Nga), chương trình “Hợp tác Việt - Xô (sau này là Việt - Nga) khảo sát điền dã ngôn ngữ dân tộc thiểu số Việt Nam” đã điều tra nhiều ngôn ngữ làm cơ sở biên soạn nhiều công trình Tiếng Xinhmul (1990), Tiếng Pu Péo (1992), Tiếng Rục (1993), Tiếng Cơ Lao (2011).Viện Ngôn ngữ học Việt Nam tiếp tục các chương trình nghiên cứu về tiếng nói và chữ viết có nguy cơ mai một. Tư liệu điều tra (1997 - 1999) của Dự án điều tra tổng thể về các ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam đã được xử lí bằng công nghệ số hóa và CD - ROM. Có thể kể đến một số cuốn sách chuyên khảo về từng ngôn ngữ đã được biên soạn: Tiếng Pu Péo (1992), Tiếng Rục (1993), Tiếng Hà Nhì (2001), Tiếng Mảng (2008)… Tuy nhiên, những nghiên cứu này nhìn chung chưa ở diện rộng và sâu, phần lớn chưa được ứng dụng vào thực tế.
2.3. Nhân tố tâm lí - xã hội
Ở Việt Nam, không hoặc rất ít gặp thái độ kì thị dân tộc cũng như sự kì thị ngôn ngữ các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, chủ yếu vì lí do kinh tế, các bậc cha mẹ thuộc dân tộc thiểu số thường phải hướng con cái chủ yếu tới việc nắm vững tiếng Việt và các ngoại ngữ (Anh, Pháp, Hoa, Hàn Quốc...), tạm gác lại nỗi lo lắng về sự lãng quên tiếng mẹ đẻ của mình. Do cách hiểu có phần phiến diện trước các giá trị văn hóa, chưa hình dung đủ rõ về phương thức tiến hành, một số nhà quản lí và các chuyên gia cũng lảng tránh hoặc trả lời chung chung trước những câu hỏi: dạy và học ngôn ngữ các dân tộc thiểu số để làm gì? nên dạy-học và sử dụng chúng như thế nào?
2.4. Nhân tố chính sách ngôn ngữ
Nhà nước Việt Nam thừa nhận và đảm bảo về mặt pháp lí quyền có ngôn ngữ (tiếng nói và chữ viết) riêng của tất cả các dân tộc ở Việt Nam; thừa nhận và đảm bảo về mặt pháp lí quyền bình đẳng giữa các ngôn ngữ, quyền bảo tồn và phát triển tiếng nói chữ viết riêng của các dân tộc thiểu số; tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số sử dụng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình trong các phạm vi và lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội; khuyến khích các dân tộc thiểu số học tiếng Việt, đưa tiếng Việt thực sự trở thành ngôn ngữ giao tiếp chung giữa các dân tộc, là phương tiện để đoàn kết, củng cố khối thống nhất các dân tộc anh em trong một quốc gia.
Chẳng hạn, Điều 5, Chương 1, Hiến pháp Việt Nam năm 1980, ghi: “Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết giữ gìn và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình”. Điều 7, Luật Giáo dụcban hành năm 2005 ghi: “Nhà nước tạo điều kiện để người dân tộc thiểu số được học tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giúp học sinh người dân tộc thiểu số dễ dàng tiếp thu kiến thức khi học tập trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác”. Quyết định 53-CP ngày 22 tháng 2 năm 1980 của Chính phủ đã chỉ rõ: “Tiếng nói và chữ viết của mỗi dân tộc thiểu số ở Việt Nam vừa là vốn quý của dân tộc đó, vừa là tài sản văn hóa chung của cả nước”. Trong Nghị định 05 của Chính phủ tháng 05 năm 2011 ghi: “Tiếng nói, chữ viết và truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc được đưa vào chương trình giảng dạy trong các trường phổ thông, trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng, trường dạy nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học phù hợp với địa bàn vùng dân tộc”.
Chính sách nói trên của Nhà nước Việt Nam hoàn toàn phù hợp với tinh thần và những cố gắng của cộng đồng quốc tế. Ngày 21 tháng 2 hàng năm đã được quy ước là Ngày Quốc tế về tiếng mẹ đẻ. Ý nghĩa của ngày này là cảnh báo về nguy cơ tiêu vong của các ngôn ngữ trên thế giới, là lời kêu gọi các nhà nước, tổ chức và cá nhân hãy bảo vệ sự đa dạng của các ngôn ngữ, vì điều đó gắn liền với sự đa dạng văn hóa của nhân loại, là sự tôn trọng đối với phẩm giá và quyền của con người.
Các luận điểm trên có thể xem là cơ sở pháp lí trong bảo tồn và phát triển ngôn ngữ các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có việc đưa ra và thực hiện những biện pháp cụ thể, nên ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam chưa có đủ điều kiện thoát khỏi nguy cơ tiêu vong.
3. Mức độ sinh tồn của các ngôn ngữ ở Việt Nam hiện nay
Ở Việt Nam hiện nay, có đủ các mức độ về sức sống của các ngôn ngữ các dân tộc thiểu số. Đó là: khỏe mạnh, suy yếu, nguy cấp, hầu như chỉ còn trong kí ức. Ở đây xin nói về các mức độ có thể dẫn đến nguy cơ tiêu vong.
- Suy yếu. Biểu hiện của mức suy yếu là các ngôn ngữ đang mất dần các chức năng làm phương tiện giao tiếp; phạm vi sử dụng hẹp (chủ yếu chỉ ở gia đình, làng bản); số lượng người nói ít (dưới 1 triệu người) và không sử dụng thường xuyên... Đa số các ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam thuộc loại này hoặc ở mức thấp hơn. Các ngôn ngữ này có thể phân biệt thành 2 nhóm. Nhóm 1: có từ một chục nghìn đến vài ba chục nghìn người sử dụng, vẫn được các thành viên trong cộng đồng sử dụng trong giao tiếp hàng ngày và truyền lại cho thế hệ sau qua khẩu ngữ. Tuy nhiên, các ngôn ngữ này có xu hướng dễ bị “hòa” vào các ngôn ngữ có vị thế cao hơn. Đó là các ngôn ngữ như Hà Nhì, Giáy, Khơ Mú, Chu Ru, Pa Cô, Ta Ôi... Nhóm 2: có nguy cơ bị mất dần ở thế hệ trẻ, hiện chỉ còn khoảng trên dưới 1.000 người sử dụng, phần lớn là người già. Đó là các ngôn ngữ Mảng, Kháng, Xinh Mun, Cống, Si La, Xá Phó, Phù Lá, La Hủ...
- Nguy cấp. Biểu hiện của mức nguy cấp là ít được sử dụng; chỉ được dùng ở gia đình làng bản, nhưng hoàn toàn không được dùng ở thế hệ trẻ; số lượng người nói rất ít (từ trên dưới 100 người đến vài nghìn người); chịu áp lực rất mạnh từ các ngôn ngữ khác... Các ngôn ngữ ở mức này có thể tiêu vong trong vài thập kỉ tới. Đó là ngôn ngữ của các dân tộc: Pu Péo, Cơ Lao (Trắng), La Chí, La Ha, Cống, Si La, Rơ Măm, Đan Lai, Li Hà, Tày Poọng, Mã Liềng, Rục, Mày, Sách, A Rem...
- Hầu như chỉ còn trong kí ức. Người Tu Dí (của dân tộc Bố Y) hiện chỉ nói bằng tiếng Hoa, người Ơ Đu chỉ nói bằng tiếng Thái, người San Chí (dân tộc Sán Chay) chỉ biết nói tiếng Hoa và tiếng Việt, người Cơ Lao (Đỏ) đã chuyển sang nói tiếng Hoa và tiếng Tày. Ngôn ngữ của các dân tộc này thuộc loại hầu như chỉ còn trong ký ức. Đây là các ngôn ngữ hiện không có số lượng người nói hoặc có số lượng hiếm hoi (khoảng từ 1 đến 15 người sử dụng). Một số ngôn ngữ chỉ có vài ba người già còn nhớ, và chỉ dùng trong một số hoàn cảnh đặc biệt (cúng bái, bói toán, gặp người đồng tộc nơi khác đến...). Đa số người các cộng đồng này thậm chí coi tiếng dân tộc khác là tiếng mẹ đẻ hay ngôn ngữ tộc người của mình.
Nhìn chung, ở Việt Nam hiện nay, suy yếu, nguy cấp, hầu như chỉ còn trong kí ức là những trạng thái ngôn ngữ thường gặp ở các vùng dân tộc thiểu số. Các trạng thái này có thể gặp ở cả dân tộc, hoặc một bộ phận của dân tộc. Tình trạng một hoặc một số bộ phận của dân tộc quên tiếng dân tộc mình tương đối phổ biến ở Việt Nam.
4. Kết luận
Trên thực tế, nhiều dân tộc ở Việt Nam đang đứng trước nguy cơ tiêu vong ngôn ngữ, đồng thời thất lạc các hình thái văn hóa được lưu giữ và phát triển bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Nguy cơ đó trong hoàn cảnh thực tế hiện nay ngày càng lớn. Trước khi bàn đến chuyện phát triển các ngôn ngữ này, cần phải làm cho chúng dừng lại trước cánh cửa tiêu vong. Trước hết, cần báo động về nguy cơ nói trên với các nhà hoạch định và thực hiện chính sách dân tộc, cũng như với những chủ nhân của các ngôn ngữ. Trong tương lai ảm đạm, có thể các dân tộc ở Việt Nam rốt cuộc sẽ nói bằng tiếng Việt hoặc một ngoại ngữ khác; nhiều tiếng mẹ đẻ có thể chỉ còn trong kí ức. Cần có những biện pháp cấp bách và thiết thực giúp các ngôn ngữ này dừng lại trước ngưỡng cửa tiêu vong. Về mặt lí thuyết, để bảo tồn và phát triển các ngôn ngữ có nguy cơ tiêu vong, cần thực hiện các biện pháp như sau: Một là, điều tra, nghiên cứu ngôn ngữ - xã hội - tộc người, xác định danh sách và phân loại các ngôn ngữ có nguy cơ tiêu vong; xác định phương hướng kế hoạch hóa và xây dựng chính sách ngôn ngữ. Hai là, nghiên cứu đầy đủ và sâu hơn về cấu trúc (ngữ âm, từ vựng - ngữ nghĩa và ngữ pháp), tình hình chữ viết và những văn bản chữ viết hiện có, tình hình xã hội ngôn ngữ học ở các ngôn ngữ có nguy cơ tiêu vong; cải tiến và xây dựng các hệ thống chữ viết; biên soạn các sách công cụ (sách giáo khoa, sách ngữ pháp, từ điển...); sưu tập các văn bản (vốn văn nghệ truyền thống; sáng tác mới...) và ghi bằng các ngôn ngữ có nguy cơ tiêu vong; dạy và học các ngôn ngữ có nguy cơ tiêu vong, sử dụng chúng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ba là, thu thập, lưu trữ xây dựng ngân hàng dữ liệu; phổ biến các ngôn ngữ có nguy cơ tiêu vong; giúp cho người bản ngữ hiểu rõ hơn về vai trò di sản - ngôn ngữ đối với bản sắc văn hóa truyền thống của họ và có ý thức bảo tồn, phát triển tiếng mẹ đẻ; giúp cho xã hội nói chung và các nhà quản lí nói riêng hiểu sâu sắc hơn về vai trò ngôn ngữ các dân tộc, có hành động thiết thực hơn đối với sự đa dạng văn hóa truyền thống trong quốc gia đa dân tộc Việt Nam.
Trong những năm qua ở Việt Nam, các biện pháp trên chỉ được áp dụng lẻ tẻ, mang tính thời đoạn và không đồng bộ, chưa mang tính kế hoạch và chưa đầu tư đúng mức. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến trạng thái ngôn ngữ các dân tộc thiểu số trên thực tế nói chung là không lạc quan. Nhân tố quan trọng nhất đem lại sức sống cho các ngôn ngữ là ở chỗ chúng được truyền dạy và có vai trò (được sử dụng) trong đời sống xã hội. Ngoài ra, cần có những biện pháp khác như: kế hoạch hóa và xây dựng chính sách ngôn ngữ; nghiên cứu cơ bản; cải tiến và xây dựng các hệ thống chữ viết; biên soạn các sách dạy và học; xây dựng ngân hàng dữ liệu... Đây có thể xem là những điều kiện tồn tại của ngôn ngữ các dân tộc thiểu số, giúp chúng thoát ra khỏi tình trạng suy yếu hoặc nguy cấp, và có thể trở thành khỏe mạnh.
Chú thích
3 Bài viết này đã được đăng bằng tiếng Anh trên
Tạp chí Vietnam Social Sciences, No. 1, 2018.
Tài liệu tham khảo
[1] Baker, Colin (2008), Những cơ sở của giáo dục song ngữ và vấn đề song ngữ, Nxb
Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh.
[2] Nguyễn Hữu Hoành, Nguyễn Văn Lợi, Tạ Văn Thông (2013), Ngôn ngữ, chữ viết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, Nxb Từ điển bách khoa, Hà Nội.
[3] Phạm Quỳnh (2007), Tiểu luận, Nxb Tri thức, Hà Nội.
[4] Tạ Văn Thông (1993), “Mối quan hệ giữa chữ và tiếng các dân tộc thiểu số với chữ và tiếng Việt”, Những vấn đề chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
[5] Hoàng Tuệ (1984), Ngôn ngữ các dân tộc thiểu số Việt Nam và chính sách ngôn ngữ, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
[6] Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc tại Băng Cốc (2007), Tài liệu hướng dẫn Phát triển Chương trình Xóa mù chữ và Giáo dục cho người lớn tại cộng đồng ngôn ngữ thiểu số, Nxb Giao thông Vận tải,
Hà Nội.
[7] Viện Ngôn ngữ học (1993), Những vấn đề chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
[8] Viện Ngôn ngữ học (2002), Cảnh huống và chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
[9] Crystal, David (2000), Language Death, Cambridge University Press.
[10] Romaine, Suzanne (2007), “Preserving Endangered Languages”, Language and Linguistics Compass Journal, Volume 1, Issue 1-2, Wiley-Blackwell Publishers.
[11] Wurm, Stephen A. (2001), Atlas of the World's Languages in Danger of Disappearing, UNESCO Publishing.