Văn hóa du lịch trong bối cảnh đại dịch COVID-19

Cập nhật 00:00 ngày 05/05/2022
(Văn hóa) - Văn hóa du lịch (VHDL) là một nhân tố quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của du lịch hướng đến sự phát triển bền vững của Việt Nam. Trên cơ sở phân tích quan niệm về VHDL, bài viết tập trung khái quát một số biện pháp phát triển VHDL theo hướng thích ứng an toàn và hiệu quả trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
VHDL là một phạm trù rộng lớn, xung quanh vẫn còn nhiều hướng tiếp cận và phương pháp nghiên cứu khác nhau. Một số nghiên cứu thiên về cách tiếp cận ứng xử và số khác nghiên cứu chủ yếu ở cách tiếp cận giá trị. Tuy nhiên, cũng có những nghiên cứu dưới góc độ tiếp cận ứng xử và giá trị là cơ bản. Hơn nữa, việc xác định đối tượng nghiên cứu, nội dung nghiên cứu của VHDL vẫn chưa có sự thống nhất giữa các nghiên cứu trong và ngoài ngành Du lịch.
 
Trên cơ sở các nghiên cứu của các tác giả trong và ngoài nước, chúng tôi tiếp cận: VHDL là một hệ thống của văn hóa do các đối tượng tham gia tích lũy và sáng tạo trong quá trình hoạt động du lịch. VHDL “thể hiện những giá trị văn hóa của toàn bộ hoạt động du lịch” (1). Nghiên cứu về VHDL tập trung vào các giá trị văn hóa nhằm phục vụ cho phát triển du lịch. Bởi vì, văn hóa là nguồn lực quyết định đến chất lượng và hiệu quả của hoạt động du lịch về quy mô, loại hình. Đồng thời, văn hóa cũng là điều kiện, môi trường cho du lịch hình thành và phát triển. Nói một cách khác, văn hóa là yếu tố quyết định đến sự thành công của du lịch. Do vậy, du lịch phát triển đến đâu, như thế nào đều phụ thuộc chính vào các giá trị văn hóa. Bên cạnh đó, mọi hoạt động du lịch đều hướng đích hình thành nên những bản sắc văn hóa của mỗi quốc gia. Mối tương quan giữa văn hóa và du lịch về bản chất luôn có sự thẩm thấu vào nhau. Trong hoạt động du lịch đã có tính văn hóa, nhưng sự kết hợp giữa chúng sẽ tạo ra những sản phẩm du lịch truyền tải đầy đủ, đậm nét các giá trị văn hóa một cách tốt nhất. “Việc nghiên cứu, khai thác các giá trị văn hóa để phát triển du lịch đã ra đời khoa học VHDL” (2). Từ cách hiểu này, có thể thấy sự khác biệt giữa du lịch văn hóa và VHDL. Du lịch văn hóa tập trung hướng vào mục đích tìm hiểu và bảo tồn các giá trị văn hóa. Thêm vào đó, VHDL lại có sự thể hiện ở hành vi ứng xử, đạo đức của con người đối với các giá trị đó. Như vậy, VHDL hay văn hóa trong hoạt động du lịch được hiểu là các hành vi ứng xử, đạo đức, tác phong làm việc của nhân viên phục vụ, người kinh doanh du lịch, cư dân, thái độ ứng xử của du khách đối với nơi họ đến tham quan. VHDL thể hiện cách ứng xử giữa chủ thể hoạt động du lịch (du khách), khách thể (tài nguyên du lịch), ngành Du lịch (công ty cung ứng dịch vụ du lịch,...) và cộng đồng địa phương. Thiếu một trong bốn nhân tố trên thì không thể hình thành VHDL. Tách khỏi khách thể du lịch, du khách sẽ mất đối tượng thưởng thức; không có môi giới (ngành Du lịch) thì không thể tiến hành hoạt động du lịch; không có du lịch cũng không thể nảy sinh VHDL và VHDL bao giờ cũng gắn với yếu tố cộng đồng nơi diễn ra các hoạt động du lịch.
 
VHDL được xem là yếu tố quan trọng tạo nên nét đặc trưng và sự khác biệt của dân tộc Việt Nam. Nó được xác định vừa là mục tiêu, vừa là sự khẳng định bản chất đích thực và tạo nên bản sắc, độ cuốn hút của sản phẩm du lịch Việt Nam, góp phần tạo dựng hình ảnh quốc gia trong lòng du khách và bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, thực trạng ứng xử thiếu văn hóa đối với môi trường sinh thái hiện nay đã và đang là vấn đề đặt ra đối với các địa điểm du lịch ở nước ta. Môi trường nước, không khí bị ô nhiễm tại nhiều nơi, sự xuống cấp của không ít khu du lịch sinh thái, sự suy giảm hệ động thực vật... tạo ra nguy cơ lớn từ sự xâm hại của các loại dịch bệnh đến con người. Thêm vào đó, còn tồn tại những biểu hiện không phù hợp, ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh du lịch quốc gia. Mặt khác, ngành Du lịch Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và chưa thực sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn. Điều đó, cũng phản ánh những hạn chế, bất cập của ngành Du lịch Việt Nam, đặc biệt là trước tác động trực tiếp, sâu rộng của đại dịch COVID-19 và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bước đột phá trong chiến lược phát triển bền vững nền kinh tế nói chung và kinh tế du lịch nói riêng phải đặt trọng tâm ở chất lượng, giá trị sản phẩm và du lịch hàm chứa giá trị văn hóa dân tộc. Vì vậy, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của mỗi người, xây dựng và phát triển VHDL ở Việt Nam là vấn đề có ý nghĩa cấp thiết, nhất là trước tác động khôn lường của đại dịch COVID-19 hiện nay. Để VHDL là mũi nhọn trong công cuộc phục hồi và phát triển kinh tế đất nước, thích ứng an toàn, hiệu quả với đại dịch COVID-19, cần thực hiện một số biện pháp:
 
Nâng cao nhận thức về VHDL đối với các đối tượng tham gia và tiếp tục đổi mới tư duy, phương thức lãnh đạo, quản lý VHDL
 
VHDL chính là quá trình thẩm thấu giá trị văn hóa Việt Nam đối với mọi đối tượng tham gia vào hoạt động du lịch, kinh doanh du lịch. Bên cạnh đó, VHDL được hình thành và phát triển cùng với hoạt động du lịch là một phạm trù lớn, vừa thể hiện những giá trị văn hóa của hoạt động quản lý, kinh doanh, trải nghiệm du lịch, vừa góp phần tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hóa và nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Theo đó, có thể nói đối tượng của VHDL là văn hóa Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu của các đối tượng tham gia hoạt động du lịch trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay. Tuy nhiên, nhận thức về du lịch đã có sự thay đổi so với thời kỳ trước đại dịch COVID-19. Trước đó, du khách có thể thoải mái lựa chọn hình thức du lịch trong nước hay nước ngoài, thì hiện nay khi dịch bệnh diễn biến phức tạp họ phải trải qua các thủ tục kiểm tra y tế, hay mang theo vật dụng không thể thiếu như giấy chứng nhận tiêm vaccine, khẩu trang… trong một thời gian dài.
 
Đối với các lực lượng lãnh đạo, quản lý cũng cần hiểu VHDL là lĩnh vực rộng lớn, đa dạng, thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Qua đó, thấy được giá trị văn hóa, đặt văn hóa trong sự phát triển và trong mối quan hệ với du lịch, nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững về kinh tế, sự ổn định về chính trị. Trên cơ sở tình hình thực tế diễn biến của đại dịch COVID-19, các cơ quan liên quan đến du lịch cần có quan điểm, định hướng, giải pháp để phục hồi và phát triển du lịch trong thời gian tới, có tư duy mở trong thích ứng lâu dài và an toàn trong đại dịch.
 
Nâng cao chất lượng sản phẩm VHDL trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ
 
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, trên cơ sở văn hóa dân tộc, hoạt động du lịch mang đến cho du khách những sản phẩm ẩn chứa giá trị văn hóa dân tộc. Sản phẩm văn hóa và du lịch luôn có sự đan cài vào nhau, tạo nên một loại hàng hóa đặc biệt mang đặc trưng văn hóa cao, thỏa mãn nhu cầu của đối tượng hưởng thụ dịch vụ du lịch. Chính vì vậy, cần có sự khai thác hiệu quả các sản phẩm văn hóa, biến chúng trở thành một yếu tố không thể thiếu của các sản phẩm du lịch, tăng tính giá trị trong thực hiện hoạt động này. Đặc biệt, trong nền kinh tế thị trường, vấn đề cốt lõi của du lịch là tạo ra những sản phẩm có hàm lượng văn hóa và trí tuệ cao đáp ứng nhu cầu của du khách mọi lúc, mọi nơi. Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ phương hướng: “Xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu du lịch quốc gia gắn với hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Đến năm 2030, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 47-50 triệu lượt, du lịch đóng góp khoảng 14-15% GDP và nâng tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GDP lên trên 50%” (3).
 
Trên cơ sở ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với những công cụ như AI, VR, AR, Bigdata, Cloud... ngành Du lịch trong nước cần có sự chuyển mình trong phương pháp tiếp cận khách hàng để thích ứng với đại dịch COVID-19. Mỗi sản phẩm du lịch phải được nghiên cứu kỹ lưỡng về nội dung, phương thức thể hiện nhằm khai thác tối đa hiệu quả của khoa học công nghệ số. Tổ chức các dịch vụ tham quan, các tour du lịch thông qua công nghệ thực tế ảo, các loại hình nghệ thuật truyền thống xây dựng trên cơ sở dữ liệu lớn, điện toán đám mây lưu trữ và kết nối đến khách hàng. Từ đó, không chỉ giới thiệu quảng bá sản phẩm du lịch, mà còn là phương pháp hữu hiệu để văn hóa Việt Nam có sức lan tỏa trong và ngoài nước. Nhất là trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, đòi hỏi công tác đảm bảo về y tế, nâng cao văn hóa cộng đồng, ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ mọi người xung quanh đã và đang đặt ra yêu cầu không nhỏ đối với các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ du lịch. Để hạn chế tối đa các ca bệnh liên quan, đòi hỏi sự vận hành đồng bộ, nhịp nhàng và nguyên tắc từ các nhà quản lý, nhân viên, hướng dẫn viên du lịch nhằm tăng tính hiệu quả trong kinh doanh.
 
Tổ chức các hoạt động du lịch một cách linh hoạt, thích ứng hiệu quả với tình hình phòng chống dịch. Phương án đặt ra với các doanh nghiệp du lịch là phải đầu tư công nghệ hiện đại trong hoạt động du lịch như: hệ thống dữ liệu về VHDL, không gian du lịch, robot thông minh thay thế hướng dẫn viên du lịch, các dịch vụ thông tin liên lạc, ngân hàng số, dịch vụ lưu giữ hình ảnh, công nghệ 3D, 4D tái dựng lại các sự kiện, di tích lịch sử, văn hóa, các di sản thiên nhiên và đưa lên internet hoặc trình chiếu tại điểm du lịch... Bên cạnh đó, cần xây dựng du lịch an toàn, du lịch xanh. Trong bối cảnh hiện nay, du khách nội địa đang hướng đến du lịch nghỉ dưỡng, vì vậy cần mở các tour du lịch nghỉ dưỡng, xây dựng du lịch văn hóa; kết hợp du lịch nghỉ dưỡng với du lịch văn hóa.
 
Kết hợp hài hòa giữa phát triển VHDL, có chính sách phù hợp, từng bước thích ứng với đại dịch
 
Du lịch có vai trò quan trọng trong nền kinh tế ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, nó được ví von là ngành công nghiệp không khói, con gà đẻ trứng vàng. Nếu khơi dậy và phát huy tiềm năng, thế mạnh về du lịch, thì các nước sẽ có cơ hội lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, du lịch không trên cơ sở sự cân đối, hài hòa trong mối tương quan với sự phát triển văn hóa thì sẽ thiếu tính bền vững, không phát huy hiệu quả của hoạt động này. Văn kiện Đại hội Đảng XIII xác định: “Gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch, đưa du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời bảo vệ, gìn giữ tài nguyên văn hóa cho các thế hệ mai sau” (4). Vấn đề “khai thác những giá trị di sản văn hóa phù hợp với truyền thống của dân tộc, của địa phương mà không làm suy giảm tiềm năng du lịch không phải là dễ dàng” (5). Thực tiễn cũng cho thấy, không ít hoạt động du lịch bị lạm dụng để kinh doanh, thu lợi nhưng lại làm méo mó, thậm chí phai nhạt và mất đi tính văn hóa truyền thống. Do đó, bên cạnh phát triển du lịch, nhà nước cần có các cơ chế, chính sách, giải pháp giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tổ chức quản lý tài nguyên du lịch...
 
Để từng bước thích nghi trong trạng thái “sống chung với COVID-19” và phục hồi, phát triển sau đại dịch, mỗi địa phương cần có những chính sách, quy định riêng phù hợp thực tế du lịch, song, giải pháp an toàn vẫn phải được ưu tiên hàng đầu đối với du khách, cho những người hoạt động trong lĩnh vực du lịch và xã hội. Qua đó, tạo sự tin tưởng của khách du lịch về những điểm du lịch an toàn, các đơn vị được lựa chọn đáp ứng đủ tiêu chuẩn đón khách trong giai đoạn tình hình dịch vẫn còn phức tạp.
 
Đối với chủ thể tổ chức, quản lý điều hành du lịch phải phát huy vai trò định hướng, tổ chức cho du khách tiếp cận các giá trị văn hóa qua các sản phẩm du lịch. Cùng với đó, cần có các chính sách “mở” cho doanh nghiệp phát triển để thu hút du khách. Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cũng như phòng, chống dịch COVID-19 phải nhất quán và đồng bộ giữa các địa phương trong toàn quốc. Đồng thời, hoạt động du lịch phải mang tính bản sắc về văn hóa trong từng hoạt động cụ thể nhằm tận dụng các lợi thế về VHDL hướng đến bảo đảm sự phát triển bền vững của nền kinh tế đất nước.
 
VHDL là sự thể hiện nội dung văn hóa trong lĩnh vực du lịch, được tích lũy và sáng tạo trong hoạt động du lịch. VHDL ngày càng được quan tâm của tất cả các cấp quản lý từ trung ương đến địa phương, của các doanh nghiệp và những tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động du lịch. Nó được xem như là chìa khóa để nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, có tiềm năng to lớn và hướng tới trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nước ta. Khai thác VHDL cần phát huy trong mọi thời điểm, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp hiện nay.
______________
 
1. Nguyễn Thị Lõn, Du lịch và văn hóa du lịch ở nước ta hiện nay, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 319, 2011, tr.24-28.
 
2. Dương Văn Sáu, Văn hóa du lịch:sản phẩm của văn hóa Việt Nam trong tiến trình toàn cầu hóa hiện nay, Tạp chí Lý luận chính trị và truyền thông, số 1, 2011, tr.39-43.
 
3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, Hà Nội.
 
4. Phạm Hoài Anh, Bàn về mối quan hệ giữa văn hóa và du lịch, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 12, 2012, tr.75-78.
 
5. Võ Văn Thành, Văn hóa du lịch - tình hình nghiên cứu và hướng vận dụng, Tạp chí Văn hóa và Nguồn lực, số 2, 2021, tr.43-58.
TS TRỊNH THỊ HẠNH
 
Nguồn: Tạp chí VHNT số 494, tháng 4-2022
 
Theo vanhoanghethuat.vn
 
Cập nhật tin tức về khoa học xã hội tại: tapchikhxh.vass.gov.vn