Những yếu tố cấu thành môi trường văn hóa ở khu vực nông thôn mới
Cập nhật 09:00 ngày 16/06/2022
(Văn hóa) - Trong bối cảnh đổi mới và hội nhập, văn hóa đã trở thành một lĩnh vực hết sức quan trọng, có vai trò làm bệ đỡ cho mọi hoạt động của tổ chức, cộng đồng và quốc gia. Điều này càng được khẳng định mạnh mẽ ở khu vực nông thôn, nơi văn hóa gắn bó mật thiết với đời sống sinh hoạt và lao động của người nông dân, có khả năng tác động trực tiếp tới mỗi người dân và tạo ra những nét bản sắc riêng. Việc làm thế nào để tạo ra một môi trường văn hóa (MTVH) tích cực, phong phú, đa dạng và giàu bản sắc ở Việt Nam nói chung và khu vực nông thôn nói riêng đã trở thành yêu cầu quan trọng và cấp thiết hiện nay
Khái niệm MTVH lần đầu tiên được GS sinh - nhân chủng học người Pháp Georges Olivier đề cập đến trong tác phẩm Sinh thái nhân văn (1975). Theo ông, MTVH hay môi trường nhân văn được tạo nên bởi sự “tác động của con người tới con người” và “tổ chức xã hội của chúng ta” (1), còn sự tác động của con người với tự nhiên cũng như sản phẩm từ nền công nghiệp đương nhiên đã có và phải có. Ông cho đó là chuyện bình thường - con người vốn bản chất là một sinh thể có văn hóa.
Trong cuốn giáo trình Cơ sở lý luận văn hóa Mác - Lênin, các tác giả đã cụ thể hóa hơn khi cho rằng: “MTVH là một tổng thể ổn định những yếu tố vật thể và nhân cách, nhờ đó các cá thể tác động lẫn nhau. Chúng ảnh hưởng tới hoạt động khai thác và sáng tạo giá trị văn hóa, tới nhu cầu tinh thần, hứng thú và định hướng giá trị của họ. MTVH không chỉ là tổng hợp những yếu tố văn hóa vật thể mà còn có những con người hiện diện văn hóa” (2).
Ở Việt Nam trong những năm gần đây, quan niệm về MTVH được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, bởi đây là vấn đề có tính cấp thiết cả về lý luận và thực tiễn. Tuy đề cập và tiếp cận MTVH từ nhiều góc độ, cấp độ với những mục đích nghiên cứu khác nhau, nhưng đều có chung một nhận định khi cho rằng, MTVH là một bộ phận quan trọng không thể thiếu được trong môi trường sống của con người. Trong cuốn sách viết về Quản lý hoạt động văn hóa, các tác giả nhấn mạnh: “MTVH là một tổng thể các sản phẩm văn hóa, chương trình văn hóa, hành vi văn hóa, thiết chế, phương tiện và cảnh quan văn hóa... mà cá nhân tiếp xúc trong suốt đời mình và có ảnh hưởng qua lại với mình” (3).
Tác giả Đỗ Huy, trong cuốn Xây dựng môi trường văn hóa ở nước ta hiện nay, từ góc nhìn giá trị học, cũng đã lựa chọn thước đo giá trị để tiếp cận vấn đề MTVH, từ đó nhận diện và xác định MTVH là một di sản có nhiều năng lượng quý hiếm mà các thế hệ sau cần kế thừa, tiếp nối. Ông nhận định: “MTVH chính là sự vận động của các quan hệ của con người trong quá trình sáng tạo, tái tạo, đánh giá, lưu giữ và hưởng thụ các sản phẩm vật chất, tinh thần của mình” (4). Hay trong công trình nghiên cứu khoa học Nuôi dưỡng giá trị văn hóa trong nhân cách người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam của Bộ Quốc phòng, khi đề cập đến vấn đề MTVH, các tác giả đã khẳng định: “MTVH là tổng hòa những thành tố vật chất và tinh thần tương đối ổn định, trong một thời gian và không gian cụ thể, ở đó các cá nhân tác động đến nhau, con người là yếu tố quan trọng nhất của MTVH” (5). Tác giả Mai Hải Oanh, trong bài Bàn về môi trường văn hóa lại có một cách nhìn nhận khác: “MTVH là tổng hòa các loại điều kiện văn hóa tinh thần tồn tại xung quanh chủ thể và tác động tới hoạt động chủ thể, yếu tố chủ yếu tạo thành MTVH là giáo dục, khoa học, kinh tế, văn nghệ, đạo đức, tôn giáo, triết học, tâm lý dân tộc và tập tục truyền thống” (6). Trong bài viết, tác giả cũng khẳng định tính độc lập tương đối và xu hướng ổn định, bền vững của MTVH so với môi trường xã hội.
Tuy các quan niệm có những điểm khác biệt, nhưng hầu hết đều có chung nhận định rằng, MTVH phải gắn với một phạm vi không gian và thời gian tác động xung quanh con người. Như vậy, không phải bất cứ giá trị vật chất, tinh thần nào cũng tham gia vào MTVH. Chúng chỉ thực sự thuộc về MTVH khi nằm trong mối quan hệ tác động trực tiếp hoặc gián tiếp với con người và cộng đồng. Khi đời sống con người với các mặt như phong tục, tập quán, lối sống, xu hướng đạo đức, ý thức pháp quyền, mặt bằng dân trí, tính năng động hay mức độ bảo thủ của một xã hội… được xem như là điều kiện, cơ sở, hoàn cảnh cho sự hình thành nhân cách, phát triển cá nhân, phát triển nhóm hoặc cộng đồng… thì đó chính là MTVH.
Tuy nhiên, trong sự phát triển năng động và phong phú của đời sống, MTVH có ảnh hưởng như thế nào, quy định những gì và quyết định đến đâu đối với hành vi, thái độ, ý thức và bản chất của mỗi người và cộng đồng? Nếu như MTVH có ảnh hưởng lớn đến mỗi người và cộng đồng, thì ngược lại, mỗi người và cộng đồng có vai trò gì và có trách nhiệm đến đâu trong việc tạo ra MTVH bình thường (hay lý tưởng) cho sự phát triển của xã hội nói chung và sự phát triển tự do của mỗi cá nhân nói riêng? Đành rằng, hệ thống nào, cơ chế nào thì cá nhân ấy, nhưng cá nhân chẳng bao giờ thuần túy chỉ là sản phẩm thụ động của cơ chế. Ngày nay, vai trò cá nhân còn có ý nghĩa lớn đối với việc cải tạo hoặc thay đổi MTVH hay không? Khả năng làm thay đổi hệ thống và cơ chế, làm thay đổi MTVH bên ngoài (chủ thể) trong điều kiện toàn cầu hóa cũng là điều mà lý thuyết về MTVH cần phải hướng tới.
Để tạo nên một MTVH ở khu vực nông thôn, cần có sự cấu thành của nhiều yếu tố, bao gồm cảnh quan văn hóa, hệ thống các thiết chế văn hóa, hệ thống những quan hệ ứng xử văn hóa và con người văn hóa ở mỗi cộng đồng. Các yếu tố này có mối quan hệ mật thiết với nhau để tạo nên MTVH, đồng thời góp phần tạo ra sự khác biệt về sắc thái văn hóa ở từng vùng, miền, khu vực.
Cảnh quan văn hóa
Cảnh quan văn hóa khu vực nông thôn được hiểu là không gian vật chất gắn liền với các hoạt động sản xuất, sinh hoạt và hoạt động văn hóa của người dân ở nông thôn. Là những yếu tố có thể nhận biết thông qua việc quan sát bằng mắt thường. Quá trình xây dựng nông thôn mới trong một thập kỷ qua, cảnh quan nông thôn đã biến đổi mạnh mẽ, nhưng người ta vẫn có thể nhận thấy những cảnh quan ấy có sự đan xen giữa truyền thống và hiện đại, giữa cái mới và cái cũ, giữa xưa và nay… để tạo nên một bản sắc riêng ở từng vùng miền, khu vực.
Hệ thống các thiết chế văn hóa
Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam, “Thiết chế văn hóa là chỉnh thể văn hóa hội tụ đầy đủ các yếu tố: cơ sở vật chất, bộ máy tổ chức, nhân sự, quy chế hoạt động, nguồn kinh phí, chỉ riêng ngôi nhà hoặc công trình văn hóa chưa đủ để gọi là thiết chế văn hóa” (7).
Cơ sở vật chất là yếu tố dễ thấy nhất trong hệ thống thiết chế văn hóa, có mối liên hệ biện chứng với những yếu tố phi vật thể. Ngoài điện, đường, trường, trạm, cơ sở vật chất còn có hệ thống cơ sở văn hóa, thể thao phục vụ cộng đồng như nhà văn hóa, khu thể thao ở thôn và tương đương, trung tâm văn hóa - thể thao ở xã, phường, thị trấn, quận, huyện; hệ thống cơ sở văn hóa, thể thao phục vụ thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, bao gồm: nhà thiếu nhi, trung tâm hoạt động thanh, thiếu nhi; hệ thống cơ sở văn hóa, thể thao phục vụ công nhân, viên chức, người lao động bao gồm: nhà văn hóa lao động. Những cơ sở vật chất trên phải đi liền với trang thiết bị, tổ chức bộ máy, số lượng và trình độ cán bộ. Có như vậy, hệ thống thiết chế văn hóa mới phát huy hết vai trò của nó.
Hệ thống thiết chế văn hóa đáp ứng nhu cầu sáng tạo, học tập, trao đổi, hưởng thụ, gìn giữ văn hóa, luyện tập thể dục thể thao của các tầng lớp nhân dân ở khu vực nông thôn mới. Cơ sở vật chất của hệ thống thiết chế văn hóa tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân thường xuyên đến sinh hoạt, trao đổi thông tin, rèn luyện thân thể để có sức khỏe lao động, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, học hỏi lẫn nhau và thắt chặt thêm tình đoàn kết. Thực tế cho thấy, nhiều giá trị văn hóa quý báu của dân tộc, như hát xoan, hát bội, đờn ca tài tử, quan họ... đã được giữ gìn, nuôi dưỡng, phát huy từ thế hệ này sang thế hệ khác từ những nhà văn hóa, trung tâm văn hóa giản dị của xã, thôn... mà không nhất thiết phải ở các nhà hát, sân khấu lớn với trang thiết bị hiện đại.
Hệ thống thiết chế văn hóa giữ vai trò nòng cốt trong tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, xã hội ở khu vực nông thôn mới, là cơ sở vật chất, công cụ trực tiếp và đắc lực của cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo quần chúng thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Các quan điểm, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước có đến được với đại đa số quần chúng nhân dân hay không một phần quan trọng là nhờ ở hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở. Đây cũng là nơi để nhân dân “tăng thêm sức đề kháng” đối với những luận điệu sai trái, chống phá cách mạng, chống phá Đảng và Nhà nước... trong tình hình nước ta vẫn phải cảnh giác, đấu tranh với âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch.
Các nhà văn hóa, trung tâm văn hóa chính là nơi nâng cao đời sống tinh thần và hiểu biết về pháp luật của nhân dân, từ đó giảm thiểu các tệ nạn xã hội, như ma túy, mại dâm, trộm cắp, vi phạm trật tự an toàn giao thông, vi phạm cảnh quan đô thị... Các buổi sinh hoạt văn hóa ở khu vực nông thôn mới là môi trường thuận lợi để nhân dân mạnh dạn đóng góp ý kiến với các cấp ủy đảng, chính quyền, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh. Mỗi công dân tốt, mỗi gia đình văn hóa ngay tại địa phương chính là một viên gạch để xây dựng ngôi nhà Tổ quốc. Điều này đã, đang và sẽ được chứng minh từ hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa khi người dân chủ yếu chỉ gần gũi với già làng, trưởng bản, cán bộ xã...
Các thiết chế văn hóa đang góp phần phát triển xã hội một cách bền vững. Cơ sở vật chất của hệ thống thiết chế văn hóa là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa phù hợp với tư tưởng, chuẩn mực đạo đức, lối sống và nhất là phong tục, tập quán của từng vùng, miền, dân tộc... Một xã hội muốn phát triển bền vững đòi hỏi không chỉ có kinh tế vững mạnh mà còn phải đặc biệt quan tâm đến văn hóa. Con người không chỉ có nhu cầu ăn, mặc, đi lại... mà đang ngày càng hướng tới lối sống lành mạnh, chất lượng cuộc sống tốt hơn. Các thiết chế văn hóa hiện có đang phát huy tác dụng này.
Hệ thống thiết chế văn hóa có ý nghĩa thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhất là trong việc xây dựng nông thôn mới. Trong 19 tiêu chí để được công nhận là nông thôn mới có tiêu chí: nhà văn hóa và khu thể thao xã đạt chuẩn của Bộ VHTTDL; tỷ lệ thôn có nhà văn hóa và khu thể thao thôn đạt chuẩn của Bộ VHTTDL là 100%. Tiêu chí này, một mặt, góp phần xây dựng nông thôn mới; mặt khác, tạo điều kiện để người dân nông thôn nâng cao mức thụ hưởng văn hóa, khắc phục tình trạng chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân giữa thành thị và nông thôn.
Xây dựng và hoàn thiện các thiết chế văn hóa là một trong những nhiệm vụ góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc mà Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đã đề ra. Xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa các cấp trở thành một nhu cầu bức thiết, đòi hỏi chính đáng của nhân dân. Mỗi người dân, thôn, xóm... là một minh chứng sống động, trực quan của bản sắc văn hóa dân tộc. Bản sắc văn hóa này chỉ có thể hiện hữu, phát triển mạnh mẽ và trường tồn trong điều kiện thiết chế văn hóa đầy đủ, vững mạnh, hoạt động hiệu quả.
Hệ thống những quan hệ ứng xử văn hóa
Ứng xử văn hóa là một biểu hiện của giao tiếp, là sự phản ứng của con người trước sự tác động của người khác với mình trong một tình huống nhất định được thể hiện qua thái độ, hành vi, cử chỉ, cách nói năng của con người nhằm đạt kết quả tốt trong mối quan hệ giữa con người với nhau. Xét trên bình diện nhân cách, bản chất của ứng xử chính là đặc điểm tính cách của cá nhân được thể hiện qua thái độ, hành vi, cử chỉ và cách nói năng của cá nhân với những người xung quanh. Toàn bộ biểu hiện văn hóa ứng xử tạo ra giá trị định hướng chuẩn mực trong hành vi của con người. Các giá trị này ăn sâu trong tiềm thức của cá nhân một cách tự nhiên, hướng dẫn hành vi, định hướng cách suy nghĩ, nhận thức của cá nhân.
Các quan hệ văn hóa được tạo nên nhờ những hành vi ứng xử giữa các cá nhân và nhóm cá nhân với nhau. Hành vi ứng xử văn hóa được thể hiện ở lối sống, nếp sống, suy nghĩ và cách ứng xử của con người đối với bản thân, với những người xung quanh, trong công việc và môi trường hoạt động hằng ngày. Tuy nhiên, hành vi ứng xử của mỗi cá nhân lại khác nhau, nó được hình thành qua quá trình học tập, rèn luyện và trưởng thành, là kết quả của quá trình nhận thức, tình cảm, ý chí, niềm tin của con người trong quá trình sống, học tập và lao động. Để vun đắp hành vi ứng xử đạo đức, các quan hệ giao tiếp phải được thiết lập trên cơ sở sự tôn trọng, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau.
Trong cuộc sống cũng như trong thực hiện công việc tại các tổ chức, cách ứng xử qua mỗi tình huống giúp cho con người hiểu, gần gũi nhau hơn. Mối quan hệ giữa người với người nếu không có ứng xử phù hợp trên cơ sở chia sẻ thông tin để thấu hiểu lẫn nhau sẽ dẫn đến hiểu lầm, mâu thuẫn, đối đầu, bất hợp tác và mất đoàn kết nội bộ. Những xung đột về lợi ích, quan điểm, sở thích luôn có khả năng tạo ra mâu thuẫn. Vì vậy, thái độ và kỹ thuật ứng xử là cách thức quan trọng để mỗi cá nhân rèn luyện cho mình cách thức xử lý các xung đột, hướng mọi người đến sự tôn trọng chuẩn mực chung trong mối quan hệ hài hòa về lợi ích và sở thích, quan điểm giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với tập thể. Những cách ứng xử đẹp, có văn hóa sẽ tạo ra những mối quan hệ gắn bó, nhân văn và bền vững.
Như vậy, văn hóa ứng xử phù hợp sẽ góp phần quan trọng gắn kết mọi người, giúp mọi người thống nhất về cách hiểu vấn đề, đánh giá, lựa chọn và định hướng hành động. Ngay cả khi giữa các cá nhân có xu hướng xung đột lẫn nhau thì văn hóa chính là yếu tố giúp mọi người hòa nhập và thống nhất lại với nhau.
Văn hóa giao tiếp ứng xử là một sự tổng hợp các nghi thức được biểu hiện ra trong cách giao tiếp, nhưng không phải là những ứng xử một cách máy móc mà là những việc làm, lời ăn tiếng nói linh hoạt, phù hợp với các chuẩn mực của nơi mình sống, gắn với từng hoàn cảnh, từng môi trường cụ thể và tùy theo đối tác giao tiếp. Qua đó, góp phần xây dựng hình ảnh cá nhân trên cơ sở cách thức hành xử, hành vi thực hiện trên thực tế được người xung quanh đánh giá. Khi mỗi cá nhân có văn hóa ứng xử phù hợp đồng nghĩa với hình ảnh của bản thân được đặt trong các mối quan hệ cá nhân với cá nhân sẽ được nâng cao.
Con người văn hóa ở mỗi cộng đồng
Trong các mối quan hệ xã hội, con người giao tiếp với nhau, chia sẻ, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau và phát sinh tình cảm. Vì vậy, ứng xử đúng đắn, chuẩn mực sẽ tạo ra những mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người trong cộng đồng. Một hành vi, một lời nói, một cử chỉ hay thái độ nhỏ có thể làm cho con người nhớ đến nhau với ấn tượng tốt đẹp. Ngược lại, sẽ tạo ra sự bức xúc, đối đầu, mâu thuẫn, thiếu tinh thần hợp tác, cản trở các mối quan hệ phối hợp khiến môi trường sống trở nên căng thẳng, khó hợp tác và thống nhất trong thực hiện các công việc chung.
Nếu có văn hóa ứng xử tốt giữa người với người trong xã hội hay trong một cộng đồng nhất định, mỗi cá nhân sẽ thấy tự tin khi được đánh giá đúng, công bằng, khách quan đối với công sức, tâm huyết, năng lực, trách nhiệm của cá nhân đối với hoạt động chung. Qua đó, tìm thấy niềm vui trong cuộc sống, công việc cũng như trong các mối quan hệ, luôn tích cực, hăng hái, sáng tạo. Văn hóa ứng xử kết hợp giữa lý và tình còn giúp cho cá nhân nhìn nhận được lỗi lầm, hạn chế, yếu kém của bản thân, giúp mỗi người thêm trân trọng những mối quan hệ mình đang có, qua đó, tạo ra môi trường, bầu không khí giao tiếp, làm việc hiệu quả, gần gũi, chuẩn mực trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau.
Có thể nói, con người có văn hóa luôn có sự kết hợp hài hòa hai yếu tố căn bản gồm tri thức và hành vi ứng xử đúng mực. Điều này được biểu hiện ở sự nhã nhặn lịch thiệp, kính trên nhường dưới, biết tôn trọng thuần phong mỹ tục, cổ vũ cái tốt và đấu tranh chống cái xấu, có trách nhiệm công dân, là những hành động thiết thực nhằm quảng bá lối sống đẹp, có tri thức cao, đồng thời, khuếch tán giá trị tri thức với cộng đồng. Tri thức và lối sống tạo nên nhân cách hoàn chỉnh của con người có văn hóa, nhưng cái gốc của nó nằm ở là tính nhân bản sâu sắc.
Ở nhiều khu vực nông thôn mới, dù dân trí và mức sống còn thấp, nhưng hương ước làng xã rất bài bản, tích cực duy trì bảo tồn nề nếp tốt đẹp xưa, đã góp phần tạo ra “bức tường văn hóa” ngăn cản cái xấu xâm thực. Rõ ràng, con người có văn hóa không thể tách rời những tố chất cần thiết của tinh hoa truyền thống dân tộc, đồng thời cần khẳng định rằng, trình độ tri thức cao luôn phải gắn liền lối sống nhân văn lương thiện, sống có ích cho gia đình và xã hội.
Có thể nói, MTVH khu vực nông thôn là một chỉnh thể thống nhất, luôn vận động và biến đổi. Trong đó, con người và quan hệ ứng xử văn hóa của con người là nhân tố trung tâm, quyết định nội dung, tính chất của MTVH khu vực nông thôn. Xây dựng MTVH ở khu vực này cần phải được tiến hành đồng bộ, toàn diện. Đặc biệt, cần quan tâm đến những yếu tố trọng yếu để từ đó có những giải pháp thích hợp nhằm bảo vệ và xây dựng MTVH khu vực nông thôn lành mạnh, văn minh, hiện đại... Đây là vấn đề có ý nghĩa to lớn, có khả năng thúc đẩy sự phát triển xã hội, nhất là trong công cuộc đổi mới và hội nhập ở nước ta hiện nay.
____________
1. Georges Olivier, Sinh thái nhân văn, Nxb Thế giới, Hà Nội, 1992.
2. A.I.Ac- Nôn- Đốp (chủ biên), Cơ sở lý luận văn hóa Mác- Lênin, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1981.
3. Tập thể tác giả, Quản lý hoạt động văn hóa, Nxb Văn hóa Thông tin - Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Hà Nội, 1998.
4. Đỗ Huy, Xây dựng môi trường văn hóa ở nước ta hiện nay, từ góc nhìn giá trị học, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2001.
5. Tổng cục Chính trị, Nuôi dưỡng giá trị văn hóa trong nhân cách người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1999.
6. Mai Hải Oanh, Bàn về môi trường văn hóa, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 334, 2012.
7. Hội đồng quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam, Từ điển Bách khoa Việt Nam, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2002.
TS ĐINH THỊ CẨM LÊ
Nguồn: Tạp chí VHNT số 497, tháng 5-2022