Bộ GD-ĐT cân nhắc phương án dạy môn Lịch sử
Cập nhật 08:10 ngày 31/05/2022
(Văn hóa) - Sáng 12/5, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn chủ trì buổi tham vấn ý kiến chuyên gia về triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 và môn Lịch sử bậc THPT trong chương trình này.
Tham gia cuộc làm việc có thành viên Ban phát triển chương trình giáo dục phổ thông 2018; thành viên Hội đồng thẩm định chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và Hội đồng thẩm định chương trình môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Tại buổi làm việc, đại diện Bộ GD-ĐT đã lắng nghe ý kiến trao đổi về quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, đặc biệt trao đổi và lắng nghe những ý kiến phân tích sâu về cách bố trí và tổ chức dạy học môn Lịch sử.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Các chuyên gia đều khẳng định Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng theo đúng đường lối chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ; công phu, khoa học, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Riêng với việc dạy học môn Lịch sử cấp THPT, trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia, Bộ GD-ĐT sẽ cân nhắc các phương án trong thời gian sắp tới và xin ý kiến các cấp có thẩm quyền.
Cử tri quan tâm
Vấn đề môn Lịch sử trở thành môn học tự chọn ở chương trình phổ thông mới cũng là chủ đề được quan tâm, tranh luận ở nhiều khắp các diễn đàn, hội nghị trên cả nước trong những ngày gần đây.
Ảnh minh họa.
Tại buổi tiếp xúc cử tri quận 12 của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đơn vị 4, cử tri Nguyễn Ngọc Phương, phường Thạnh Lộc, cho rằng đây là điều không phù hợp với điều kiện thực tế tại nước ta mà nên đưa môn Lịch sử làm môn học bắt buộc.
Theo cử tri Phương, nếu học sinh ít học về lịch sử thì sẽ không hiểu hết lịch sử Việt Nam. Trong khi đó để bảo vệ nền độc lập dân tộc thì học sinh phải am hiểu lịch sử nước nhà.
“Trên thực tế, nhiều bạn trẻ khi hỏi đến lịch sử Trung Quốc có khi nhớ rõ lắm, vì xem phim rất nhiều, còn khi hỏi đến lịch sử Việt Nam thì không biết” - cử tri Phương nhìn nhận. Ông cho rằng nếu để môn Lịch sử làm môn tự chọn thì nhiều học sinh sẽ không chọn… Do đó, ông đề nghị ĐBQH nên có ý kiến với Quốc hội về vấn đề này.
Còn tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 11/5, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho hay, sau khi được Quốc hội giao, Ủy ban đã nghiên cứu và tổ chức tọa đàm với chuyên gia, đại diện một số cơ quan về vấn đề này.
Theo đó, sơ bộ ý kiến của các chuyên gia thấy rằng về tính cần thiết, môn học lịch sử nên xem xét là một môn học đặc thù, môn học đặc biệt quan trọng và theo hướng là môn bắt buộc. Đồng thời, về mặt kỹ thuật có thể giải quyết được, không có vấn đề gì khó khăn.
Trước đó, tại hội nghị trực tuyến lần thứ 12 ngày 8/5 nhằm cho ý kiến vào dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân để gửi tới kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng nêu vấn đề dư luận xã hội băn khoăn, có ý kiến trái chiều về việc đưa môn Lịch sử thành môn học tự chọn ở bậc THPT, có thể sẽ gây ra hậu quả, hệ lụy khó lường. Trong khi, một số nước phát triển, có nền văn hóa tương đồng với Việt Nam (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) đã đưa trở lại hoặc vẫn duy trì môn Lịch trong chương trình giáo dục phổ thông.
Do đó, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị Bộ GD-ĐT xem xét một cách thận trọng, đánh giá khách quan, toàn diện về việc đưa Lịch sử là môn học tự chọn ở bậc THPT. Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị Lịch sử phải là môn học chính thức. Vấn đề là dạy và học như thế nào để nâng cao chất lượng chứ không nên để môn sử là môn tự chọn.
Nguồn Vietnamnet.vn