Các vấn đề giáo dục cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học, thấu đáo

Cập nhật 08:25 ngày 01/06/2022
(Văn hóa) - Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2022-2026 tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng, sáng 13/5.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2022-2026 tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng - Ảnh: VGP/Đình Nam
 
Các thành viên Hội đồng, chuyên gia, nhà khoa học đã thảo luận chuyên đề đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá trong giáo dục phổ thông; chương trình làm việc của Hội đồng trong cả nhiệm kỳ.
 
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, việc kiểm tra, đánh giá học sinh được triển khai ở các cấp học trong chương trình giáo dục phổ thông được cải tiến theo từng giai đoạn trên cơ sở tiếp thu về khoa học đo lường đánh giá và kinh nghiệm triển khai đánh giá của các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.
 
Hiện việc đánh giá được xem là nguồn cung cấp các chỉ số về học tập và tuân theo trình tự: Người dạy thực hiện việc giảng dạy, kiểm tra kiến thức người học và tiến hành đánh giá kết quả của người học và dựa trên kết quả kiểm tra đó để làm cơ sở cho các hoạt động tiếp theo.
 
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết sẽ thành lập các tiểu ban chuyên môn bao gồm các chuyên gia, nhà khoa học về giáo dục - Ảnh: VGP/Đình Nam
 
Tuy nhiên, gần đây, cách tiếp cận này đang vấp phải thử thách rất lớn trước yêu cầu của xã hội khi mà sự thay đổi của khoa học đã cung cấp những vấn đề bản chất của việc đánh giá do không chỉ dừng lại việc thu thập và phân tích dữ liệu về kết quả học tập mà còn thực hiện chức năng, nhiệm vụ cao hơn với mục đích cuối cùng là sự tiến bộ không ngừng của đối tượng người học.
 
Bộ GD&ĐT đề xuất 7 giải pháp đổi mới kiểm tra, đánh giá, trong đó xây dựng và ban hành quy định về chuẩn đánh giá theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Tăng cường đánh giá năng lực thực hành, vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề, tình huống thực tiễn. Đổi mới nội dung và hình thức thi tốt nghiệp trung học phổ thông bảo đảm đồng bộ với việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các hình thức kiểm tra, đánh giá bảo đảm thuận lợi trong quá trình thực hiện.
 
Các thành viên Hội đồng thống nhất cho rằng hoạt động kiểm tra, đánh giá trong giáo dục phổ thông đã có nhiều chuyển biến tích cực, có tiếp cận về kỹ thuật. Trong thời gian tới, công tác này cần tiếp tục đổi mới, mang tính liên tục dựa trên khung chuẩn năng lực thống nhất, liên thông đối với từng lứa tuổi, cấp học bằng cả kiến thức và kỹ năng; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin….
 
Bên cạnh đó, việc kiểm tra, đánh giá cần tạo không gian cho nhà trường, giáo viên sáng tạo hơn nữa về các biện pháp thực hiện; huy động sự tham gia nhiều hơn của các bên như phụ huynh, cộng đồng cùng với giáo viên và học sinh.
 
Ông Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP/Đình Nam
 
Về chương trình làm việc của Hội đồng, Bộ GD&ĐT, Cơ quan Thường trực của Hội đồng, đã đưa ra 12 nhóm vấn đề lớn, bao gồm: Hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ chương trình, phương pháp dạy và học; quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo; đổi mới quản lý giáo dục và quản trị nhà trường; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; tăng cường huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; nâng cao chất lượng, hiệu quả Nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học; tăng cường hội nhập quốc tế; bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục; xây dựng xã hội học tập và văn hoá khởi nghiệp; hoàn thiện cơ chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.
 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Đổi mới giáo dục là quá trình liên tục, phải phù hợp với xu thế thế giới, tính đến điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá của Việt Nam - Ảnh: VGP/Đình Nam
 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ: Một trong những nhiệm vụ của Hội đồng là giúp chuẩn bị tổng kết Nghị quyết 29-NQ/TW khoá XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
 
Hội đồng cần lần lượt đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ đặt ra trong Nghị quyết 29-NQ/TW khoá XI như: Khung hệ thống giáo dục quốc dân; khung chương trình bảo đảm hội nhập phù hợp với khung chương trình của ASEAN, tiệm cận với quốc tế; đổi mới chương trình, sách giáo khoa; phương thức dạy và học; đánh giá, kiểm tra; đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT và quản trị cơ sở giáo dục, nhất là quản trị trong trường phổ thông; nghiên cứu về khoa học giáo dục; thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương; hợp tác quốc tế…
 
Phó Thủ tướng đề nghị mỗi phiên họp của Hội đồng bàn sâu về từng chuyên đề, trong đó cần phát huy hiệu quả, thực chất vai trò của các chuyên gia, nhà khoa học về giáo dục thông qua các tiểu ban chuyên môn, bao gồm cả các thành viên Hội đồng nhiệm kỳ mới và nhiệm kỳ cũ. Hội đồng có trách nhiệm kết nối các hội chuyên ngành, cơ quan chuyên môn để thống nhất những định hướng lớn trong giáo dục.
 

Phiên họp sáng 13/5 của Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực thảo luận về chuyên đề đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá trong giáo dục phổ thông; chương trình làm việc cả nhiệm kỳ - Ảnh: VGP/Đình Nam
 
Theo Phó Thủ tướng, xã hội, người dân luôn rất quan tâm đến giáo dục. Trong thời đại thông tin, các vấn đề giáo dục cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học, bàn bạc thấu đáo, có định hướng ra công luận, đúng theo tư tưởng đổi mới mà Nghị quyết 29-NQ/TW khoá XI đã đề ra.
 
"Đổi mới giáo dục là quá trình liên tục, phải phù hợp với xu thế thế giới, tính đến điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá của Việt Nam. Từng bước đi phải kiên trì; điều chỉnh tiến độ, cách làm nhưng kiên định xu thế, mục đích", Phó Thủ tướng lưu ý và đề nghị "xây dựng chương trình làm việc cả nhiệm kỳ của Hội đồng theo các nhóm vấn đề, có thể bổ sung, điều chỉnh theo yêu cầu thực tiễn của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, định hình những nét lớn, bảo đảm tính liên tục trong từng năm".
 
Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2022-2026 có 29 thành viên. Chủ tịch Hội đồng là Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam. Phó Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.
 
Nguồn: Baochinhphu.vn
 
Cập nhật tin tức về khoa học xã hội tại: tapchikhxh.vass.gov.vn