Thực trạng bảo vệ di sản Hán Nôm tại các di tích quốc gia đặc biệt ở Hà Nội
1. Những nhân tố tác động tiêu cực đến quá trình bảo vệ di sản
Nhân tố chủ quan
Do con người tác động đến di sản theo chiều hướng tiêu cực, không chỉ thờ ơ với di sản mà còn góp phần trực tiếp phá hoại di sản. Hiện tượng mất hoành phi, câu đối, sắc phong trong các di tích đã xảy ra ở nhiều nơi trong đó có các di tích ở Hà Nội.
Khách tham quan khi tới các di tích nói chung và văn miếu nói riêng có xảy ra hiện tượng dùng tay xoa hay ngồi lên đầu rùa, bia đá, khắc tên mình vào di sản làm kỷ niệm, vứt rác bừa bãi làm ô nhiễm môi trường… cũng góp phần không nhỏ làm xuống cấp di tích và mai một di sản, trong đó có DSHN.
Chiến tranh vừa là nguyên nhân chủ quan vừa là nguyên nhân khách quan, nhưng cơ bản vẫn do sự chủ quan, chủ động của con người dẫn tới chiến tranh. Nước ta có lịch sử gắn với nhiều cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, trong đó, nhà Minh sang xâm lược nước ta cũng đốt phá khá nhiều di sản của Hà Nội trong đó có DSHN.
Đặc biệt, vấn đề nhận thức sai lệch và thiếu hiểu biết về di sản là nhân tố góp phần tàn phá di sản mạnh mẽ. Điều kiện bảo quản kém, thiếu diện tích, phương tiện, thiết bị kỹ thuật, các kệ, giá, tủ để lưu giữ khiến hiện tượng bảo quản DSHN bị nhồi, xếp chặt, đặc biệt là khi lưu trữ các hiện vật giấy có khổ lớn như sắc phong. Thậm chí ngay cả cán bộ chuyên môn trong quá trình bảo quản nếu không tuân thủ đúng quy trình khoa học cũng góp phần làm di sản bị hư hại.
Nhân tố khách quan
Điều kiện tự nhiên, môi trường, côn trùng, nấm mốc, chất hóa học... là nguyên nhân khách quan đã gây ra những hư hại, rủi ro cho DSHN. Khí hậu nóng, ẩm làm gia tăng tác động của axít làm mềm độ kết dính, đặc biệt là hiện vật chất liệu hữu cơ. Độ ẩm cao còn là môi trường tạo điều kiện cho nấm mốc, vi sinh vật, côn trùng phát triển. Vì vậy, việc chống ẩm được đặt lên hàng đầu trong công tác bảo quản tài liệu, DSHN ở nước ta.
Bức xạ ánh sáng là nguyên nhân gây hiện tượng quang hóa làm cho hiện vật hữu cơ bị yếu đi, mực và màu bị mờ, bạc hay vàng ố… Vì ánh sáng có tia tử ngoại sẽ làm biến đổi cấu trúc của sợi giấy, cấu trúc của phân tử mực và chất kết dính nên không để ánh sáng chiếu trực tiếp vào tài liệu, hiện vật.
Các loại côn trùng và gặm nhấm (đa dạng về nơi cư trú, nguồn gốc thức ăn và tập tính hoạt động) là kẻ thù nguy hiểm của DSHN trong bảo tàng, di tích, thiệt hại do chúng gây ra rất nhanh và nghiêm trọng. Những côn trùng thường gặp trên các hiện vật hữu cơ là mối, mọt, nhậy, bọ bạc, bọ cánh cứng… Các loài gặm nhấm là gián, chuột… thường cắn tài liệu, hiện vật và làm hỏng phương tiện bảo quản. Vì vậy, việc phòng, chống côn trùng và các loài gặm nhấm trong bảo quản tài liệu, hiện vật cũng là vấn đề cần chú trọng tại các di tích quốc gia đặc biệt ở Hà Nội hiện nay.
2. Thực trạng bảo vệ DSHN tại các di tích quốc gia đặc biệt
Về phân cấp quản lý và nguồn nhân lực
Phân cấp quản lý: Hiện nay việc phân cấp quản lý đối với các di tích quốc gia đặc biệt rất đa dạng, như: Văn Miếu - Quốc Tử Giám trực thuộc Sở VHTTDL Hà Nội; đền Ngọc Sơn trực thuộc Ban Quản lý di tích, danh thắng; đền Cổ Loa trực thuộc Trung tâm Bảo tồn di sản Hoàng thành Thăng Long; đền Sóc, đền thờ Hai Bà Trưng, chùa Thầy, chùa Tây Phương trực thuộc UBND các huyện; đền Phù Đổng, Hát Môn, đình Tây Đằng trực thuộc UBND các xã quản lý. Việc phân cấp quản lý khác nhau dẫn đến hiệu quả và chất lượng quản lý giữa các di tích khác nhau, khó có thể đưa ra được mô hình áp dụng chung do bản thân quy mô, đặc thù các di tích đã khác nhau. Tuy nhiên, phân cấp quản lý như hiện nay, rõ ràng có điều vẫn phải xem xét lại và cần có giải pháp cho vấn đề này.
Nguồn nhân lực: Nguồn nhân lực trực tiếp hoạt động bảo vệ di tích rất đa dạng. Đối với các di tích trực thuộc cấp huyện, cấp sở quản lý, nguồn nhân lực cơ bản có trình độ học vấn, được đào tạo đúng chuyên ngành về lịch sử, văn hóa và đang trong độ tuổi lao động, nhưng dường như không có cán bộ tốt nghiệp đại học đúng chuyên ngành Hán Nôm. Đối với các di tích do cấp xã quản lý, nguồn nhân lực đều chưa được qua đào tạo, tập huấn chuyên môn, qua khảo sát cho thấy, 90% các thành viên trong Ban quản lý đều đã quá độ tuổi lao đông, cá biệt có thành viên đã gần 80 tuổi, chủ yếu là các cán bộ về hưu thay mặt cho dân làng đứng ra quản lý khu di tích. Vì vậy đội ngũ cán bộ quản lý, nghiên cứu và hướng dẫn ở các di tích này cũng bị hạn chế khi phải trực tiếp nghiên cứu các vấn đề liên quan đến Hán Nôm.
Hoạt động bảo quản đối với DSHN
Thực trạng bảo quản phòng ngừa: Trên thực tế, bảo quản phòng ngừa là tạo môi trường tốt, trong đó các hiện vật được cất giữ, kiểm soát sự bức xạ ánh sáng và tia cực tím, kiểm soát độ ẩm và nhiệt độ, các vật nuôi sinh học, bụi và ô nhiễm môi trường giúp ngăn chặn các DSHN hư hại và phân hủy. Bảo quản phòng ngừa cũng có nghĩa các kỹ thuật trong vận chuyển, cất giữ và trưng bày được sử dụng đúng cách, đúng lúc nhằm kéo dài tuổi thọ của các tư liệu DSHN.
Hiện nay, qua khảo sát các di tích quốc gia đặc biệt ở thành phố Hà Nội cho thấy DSHN cơ bản đều được tiến hành các hoạt động bảo quản phòng ngừa khá tốt. Đối với các hoành phi, câu đối, minh chuông, văn khánh đều được treo ở các vị trí cao ráo trên thân cột, hoành, xà, trên giá gỗ… Các văn bia hầu hết được có nhà bao che để tránh mưa, nắng. Đối với hệ thống sắc phong, thần tích do làm bằng chất liệu giấy kém tính bền vững nên cũng được bảo quản trong các hộp gỗ đặt ở các vị trí cao thoáng tại hậu cung của các di tích. Tuy nhiên, bên cạnh đó ở một số di tích công tác bảo quản phòng ngừa đối với DSHN vẫn chưa được chú trọng dẫn đến tình trạng bị hư hỏng ở các mức độ khác nhau. Trường hợp tại khu di tích đình Tây Đằng, do không được vệ sinh thường xuyên nên hệ thống câu đối đắp bằng chất liệu vôi vữa trên thân trụ biểu đã bị bào mòn do thời tiết, có vế đối không thể nhận dạng các ký tự chữ Hán. Trường hợp tại khu di tích chùa Thầy, hệ thống câu đối ở chùa Thượng bị độ ẩm cao làm mục các chữ Hán ở phía chân cột… Riêng đối với hệ thống sắc phong, tuy được bảo quản trong hộp gỗ, song do không có kỹ thuật bảo quản phòng ngừa nên một số bị mối mọt xông mục nát các góc, diềm, tiêu biểu như các sắc phong ở đền Hai Bà Trưng, Hát Môn, Phù Đổng.
Thực trạng bảo quản xử lý: Là khâu nghiệp vụ được áp dụng song hành với bảo quản phòng ngừa để chống lại các tác hại đến DSHN ở các di tích quốc gia đặc biệt. Qua khảo sát thực tế cho thấy có nhiều loại hình tư liệu DSHN đang trong tình trạng bị xâm hại và các chủ thể quản lý đã áp dụng các biện pháp sử dụng hóa chất để bảo quản: đối với các câu đối bị bạc màu, được xử lý bằng cách sơn lại theo chất liệu cũ; với sắc phong, ngọc phả/thần tích được hút ẩm (bằng chè khô, hạt hút ẩm…) và chống mối, gián, được đặt trong các hộp gỗ, song hành với đó là việc đem bồi lại các sắc phong, thần tích/ngọc phả bị rách bằng phương pháp gắn keo trên giấy gió và viết lại chữ Hán, vẽ lại hoa văn trang trí bị mất… Cá biệt ở một số di tích quốc gia đặc biệt đã sử dụng hóa chất phun lên chất liệu giấy để ngăn ngừa sự xâm lại của các côn trùng, vi sinh vật gây hại.
Thực trạng công tác sưu tầm, tư liệu hóa DSHN
Trong hoạt động quản lý di tích, cơ quan quản lý luôn nhìn nhận hoạt động sưu tầm, tư liệu hóa DSHN tại các di tích là việc làm quan trọng và là mục tiêu lớn để hoàn thiện các nguồn tư liệu do các thời kỳ lịch sử ghi chép lại. Bởi tính chất quan trọng của tư liệu văn tự minh chứng cho các khía cạnh lịch sử của di tích như sự ra đời, quá trình phát triển, lai lịch về nhân vật phụng thờ, về vùng đất di tích tồn tại… nên các nhà quản lý di tích ở các địa phương đã luôn quan tâm và chú ý đến hoạt động này.
Qua thực tế khảo sát cho thấy, hiện nay ở các khu di tích quốc gia đặc biệt, Ban quản lý đã tổ chức công tác sưu tầm tư liệu DSHN ở các nguồn khác nhau như tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam, Viện Thông tin Khoa học xã hội, Trung tâm lưu trữ quốc gia, chủ yếu là hệ thống sắc phong, ngọc phả/thần tích, văn bia... Cho đến nay, nguồn tư liệu DSHN sưu tầm được của các di tích đã tổ chức dịch thuật, xuất bản thành các ấn phẩm sách giới thiệu về DSHN, tiêu biểu như tại khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đền Sóc, Hai Bà Trưng.
Song hành với công tác biên dịch, xuất bản ấn phẩm sách, các tư liệu Hán Nôm đều được lưu trữ bằng bản mềm trên đĩa CD, các phần mềm sử dụng mạng internet… để tiện dụng trong việc nghiên cứu, tra cứu tư liệu dành cho mọi đối tượng quan tâm. Đặc biệt, ở khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã xây dựng website lưu trữ tư liệu di sản văn bia ký ức. Khu di tích đền thờ Hai Bà Trưng đã xây dựng chuyên mục tư liệu Hán Nôm trong website giới thiệu về đền thờ…
3. Giải pháp nâng cao hiệu quả bảo vệ DSHN ở các di tích quốc gia đặc biệt
Hoàn thiện cơ sở pháp lý
Do chưa có hệ thống văn bản quản lý có tính đặc thù, nên việc bảo vệ và phát huy giá trị DSHN gặp nhiều khó khăn. Do vậy trong thời gian tới, ngành văn hóa cũng cần có kế hoạch tư vấn UBND Thành phố ban hành văn bản quy phạm đặc thù dành riêng cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị DSHN trong hệ thống di tích lịch sử văn hóa, trong đó có các di tích quốc gia đặc biệt.
Kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy
Như trên đã trình bày về cơ cấu tổ chức bộ máy, tuy các khu di tích quốc gia đặc biệt hiện đã có Ban quản lý di tích, song số lượng thành viên, cơ chế làm việc và chế độ hưởng giữa các Ban quản lý di tích chưa có sự tương đồng. Mặt khác, các khu di tích chịu sự quản lý của các cơ quan khác nhau, nên việc thống nhất mô hình quản lý cũng gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, trong tương lai, việc kiện toàn bộ máy quản lý là điều hết sức cần thiết cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt ở thành phố Hà Nội, trong đó có DSHN.
Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực
Do mô hình, cơ chế và việc phân cấp quản lý khác nhau nên việc tuyển dụng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cũng gặp nhiều khó khăn giữa Ban quản lý di tích ở các di tích quốc gia đặc biệt trên địa bàn Hà Nội. Đặc biệt là các di tích quốc gia đặc biệt do cấp xã quản lý chưa chú trọng đến việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực mà chủ yếu là giao cho Hội người cao tuổi các làng đứng ra trông nom và quản lý. Các di tích do cấp huyện quản lý cũng chỉ mới kiện toàn được tổ chức bộ máy và cũng chưa thực sự chú ý đến việc phát triển nguồn nhân lực. Đối với các di tích do Sở VHTT, Ban quản lý di tích và Danh thắng, Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Hoàng thành Thăng Long quản lý, ngoài việc kiện toàn tổ chức bộ máy đã hướng đến việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại cơ quan. Vì vậy, trong thời gian tới, Ban quản lý di tích ở các di tích quốc gia đặc biệt do cấp huyện, xã quản lý cần có kế hoạch tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực theo các hình thức tập huấn, ngắn hạn, cử đi học tại các cơ sở đào tạo chuyên ngành.
Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sưu tầm DSHN
Trên thực tế, nguồn tư liệu DSHN tại các di tích quốc gia đặc biệt ở thành phố Hà Nội đã cơ bản được sưu tầm và biên dịch sang chữ quốc ngữ và chuyển đổi thành các bản mềm lưu trữ. Tuy nhiên, công tác nghiên cứu tư liệu DSHN này vẫn chưa được triển khai (ngoài 4 khu di tích: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đền thờ Hai Bà Trưng, đền Sóc đã triển khai thực hiện được một số nội dung chính và hiện nay họ vẫn đang tiếp tục kế hoạch thực hiện chương trình này) và chưa được quan tâm trong thời gian qua. Vì vậy, trong thời gian tới, Ban quản lý di tích ở các di tích quốc gia đặc biệt, nhất là các di tích do cấp xã, huyện quản lý cần đầu tư thời gian, nhân lực và tài chính cho việc nghiên cứu các nguồn tư liệu DSHN tại khu di tích, đồng thời tổ chức lồng ghép các chương trình nghiên cứu Hán Nôm vào chương trình nghiên cứu tổng thể về khu di tích.
Thực hiện chương trình gìn giữ DSHN bằng công nghệ số hóa
Trên thực tế, các nguồn tư liệu DSHN ở các di tích quốc gia đặc biệt (ngoài tư liệu văn bia ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã được số hóa) hầu hết chưa được đưa vào chương trình kế hoạch số hóa bằng công nghệ. Việc tư liệu hóa nguồn tư liệu này mới chỉ dừng lại ở việc sưu tầm, dịch thuật và tạo các tệp trên máy vi tính, song chưa có công cụ lưu trữ, quản lý và khai thác tư liệu một cách chuyên nghiệp. Vì vậy, trong thời gian tới, UBND thành phố Hà Nội, Sở VHTT cũng cần có các văn bản chỉ đạo các đơn vị quản lý trực tiếp Ban quản lý di tích ở các di tích quốc gia đặc biệt triển khai hoạt động bảo quản tư liệu bằng công nghệ số hóa. Việc làm này cần phải mang tính đồng bộ như thực hiện chung trên một phần mềm được thiết kế để áp dụng cho các di tích quốc gia đặc biệt, cử cán bộ nhân viên tham gia theo học khóa đào tạo vận hành công nghệ số hóa.
Các giải pháp trên được thực thi sẽ đem lại hiệu quả nhất định cho công tác bảo vệ di tích nói chung và bảo vệ DSHN nói riêng ở các di tích quốc gia trên địa bàn Hà Nội.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 403, tháng 1-2018
Tác giả : NGUYỄN SỸ TOẢN - LƯU NGỌC THÀNH