Công bố kết quả thực hiện Đề án Nghiên cứu khu di tích khảo cổ học Óc Eo – Ba Thê, Nền Chùa và ấn phẩm “Văn hóa Óc Eo- Những phát hiện mới Khảo cổ học tại di tích Óc Eo- Ba Thê và Nền Chùa 2017-2020”

Cập nhật 09:00 ngày 19/04/2022
(Đề tài nghiên cứu) - Sáng ngày 25/3/2022, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Văn hoá Óc Eo – những phát hiện mới khảo cổ học tại di tích Óc Eo – Ba Thê và Nền Chùa 2017-2020” nhằm công bố các kết quả thực hiện Đề án Nghiên cứu khu di tích khảo cổ học Óc Eo – Ba Thê, Nền Chùa (Đề án Óc Eo).
PGS.TS. Bùi Nhật Quang và Đồng chí Trần Anh Thư chủ trì buổi lễ

Tham dự Hội thảo, có sự có mặt của các đồng chí Lãnh đạo tỉnh An Giang; các đồng chí lãnh đạo Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, các đồng chí lãnh đạo Sở văn hoá, thể thao và du lịch tỉnh An Giang và tỉnh Kiên Giang, đại diện Bộ Khoa học và công nghệ, đại diện Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch, các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực sử học, khảo cổ học, di sản văn hoá, các đồng chí lãnh đạo và các nhà khoa học của ba viện nghiên cứu nghiên cứu khảo cổ học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam bao gồm Viện Khảo cổ học, Viện Nghiên cứu Kinh thành, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ.
 
Thay mặt Lãnh đạo Viện Hàn lâm, phát biểu khai mạc tại buổi lễ, PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, chủ nhiệm Đề án Óc Eo khẳng định, đây là đề án khoa học có quy mô lớn, được Thủ tướng chính phủ giao thực hiện từ năm 2015. Sau một thời gian thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng, Đề án Óc Eo chính thức được thực hiện vào năm 2017. Tham gia thực hiện Đề án gồm 03 đơn vị hàng đầu về khảo cổ học tại Việt Nam, đó là Viện Nghiên cứu Kinh thành, Viện Khảo cổ học và Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ. Nhiệm vụ chính của Đề án là khai quật, nghiên cứu khảo cổ học văn hóa Óc Eo tại các di tích ở Óc Eo – Ba Thê (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) và di tích Nền Chùa (huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang) nhằm thu thập tư liệu, làm rõ lịch sử hình thành và phát triển của văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam, đồng thời nghiên cứu sâu hơn về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của đô thị cổ Óc Eo trong lịch sử Việt Nam, khu vực Đông Nam Á và Châu Á; cung cấp cơ sở khoa học cho công tác quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị cũng như cho công tác xây dựng hồ sơ đề cử UNESCO xem xét công nhận khu di tích Óc Eo- Ba Thê và Nền Chùa là di sản văn hóa thế giới. Chủ tịch Bùi Nhật Quang thay mặt Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam gửi lời cảm ơn đến các thế hệ lãnh đạo của Viện Hàn lâm trong thời gian qua đã có những đóng góp quan trọng trong công việc quản lý, điều hành để Đề án đi đến những thành công như ngày hôm nay; đồng thời cũng đánh giá cao những đóng góp quan trọng của các nhà khoa học trong giới khảo cổ học, đặc biệt là lãnh đạo của 03 viện nghiên cứu về khảo cổ học của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
 
PGS.TS. Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh Thành, Phó Chủ nhiệm Đề án trình bày báo cáo kết quả của Đề án

Thay mặt 03 hợp phần thực hiện Đề án Óc Eo, PGS.TS. Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành, đã báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Đề án Óc Eo trong giai đoạn 2017-2020. Kết quả thực hiện của Đề án có rất nhiều phát hiện mới quan trọng, góp phần làm sáng rõ hơn tính chất, chức năng, niên đại và vai trò của khu di tích Óc Eo – Ba Thê trong lịch sử Vương quốc Phù Nam. Thành tựu quan trọng nhất của Đề án Óc Eo là đã minh chứng và làm sáng rõ những giá trị nổi bật của khu di tích Óc Eo – Ba Thê trong lịch sử. Đây là một trung tâm dân cư, trung tâm đô thị, trung tâm kinh tế, trung tâm chính trị, trung tâm tôn giáo lớn và quan trọng nhất của Vương quốc Phù Nam. Khu di tích Quốc gia đặc biệt này hội tụ đầy đủ các tiêu chí của UNESCO về Di sản văn hoá của nhân loại.
 
Tại Hội thảo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cũng giới thiệu cuốn sách “Văn hoá Óc Eo – Những phát hiện mới khảo cổ học tại di tích Óc Eo – Ba Thê và Nền Chùa 2017-2020”. Đây là công trình công bố bước đầu về những kết quả thực hiện của Đề án Óc Eo giai đoạn 2017-2020, là tư liệu quý, cung cấp cơ sở dữ liệu khoa học quan trọng trong việc xây dựng hồ sơ trình UNESCO ghi danh Khu di tích văn hoá Óc Eo – Ba Thê vào Di sản văn hoá thế giới.
 
Ấn phẩm “Văn hóa Óc Eo- Những phát hiện mới Khảo cổ học tại di tích Óc Eo- Ba Thê và Nền Chùa 2017-2020”

Đánh giá về ấn phẩm này, PGS.TS. Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội khảo cổ học Việt Nam cho rằng giới khảo cổ học Việt Nam rất hoan nghênh công trình này của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Cuốn sách đã có nhiều phát hiện mới về một địa tầng văn hoá dày dặn, niên đại trải dài liên tục từ trước Công nguyên đến thế kỷ 10-11 qua một hệ thống di tích phong phú trải dài theo các thời kỳ lịch sử văn hoá, bao gồm các dấu tích: tường bao, móng nền kiến trúc đền miếu, nhà sàn, dấu tích đường đi lối lại, giếng nước vuông, giếng nước tròn, hồ nước, đường nước, lung lớn, lung nhỏ… Kết quả khai quật cũng phát hiện một hệ thống di vật khá phong phú, nhiều loại hình chất liệu và kiểu dáng khác nhau, nếu các di vật này được khai thác thật tốt, thật kỹ sẽ thổi hồn làm lung linh thêm hệ thống di tích văn hoá Óc Eo. Kết quả nghiên cứu của Đề án thông qua ấn phẩm này đã đem lại cho đất nước thêm hai bảo vật quốc gia được Chính phủ công nhận năm 2021 và đạt các tiêu chí nổi bật của việc xây dựng hồ sơ Di sản thế giới về văn hoá Óc Eo.
 
Phát biểu về cuốn sách, PGS.TS. Đặng Văn Thắng, Trường ĐHKHXH và NV, ĐHQG TP Hồ Chí Minh cho rằng, những phát hiện mới khảo cổ học tại di tích Óc Eo – Ba Thê và Nền Chùa đã góp phần phác hoạ và tô đậm hơn lịch sử ra đời cùng với sự phát triển rực rõ của nền văn hoá Óc Eo và vương quốc Phù Nam trong lịch sử dân tộc, đặc biệt là mối quan hệ giao thương rộng lớn của đô thị Óc Eo trên con đường thương mại biển với các nước Đông Nam Á – Đông Bắc Á- Tây Nam Á – Nam Á - Ấn Độ và La Mã qua các loại hình di vật quý hiếm của nước ngoài được phát hiện tại khu di tích này từ những năm trước Công nguyên. Cuốn sách công bố kết quả của Đề án Óc Eo, rất có giá trị, đáp ứng kịp thời nhu cầu kịp thời tìm hiểu về văn hoá Óc Eo và vương quốc Phù Nam, góp phần khẳng định chủ quyền vùng đất phía nam của Viêt Nam và là tư liệu rất quý cung cấp cơ sở dữ liệu khoa học quan trọng trong việc xây dựng hồ sơ trình UNESCO ghi danh khu di tích văn hoá Óc Eo – Ba Thê vào Di sản văn hoá thế giới.
 
Toàn cảnh Lễ công bố

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đánh giá cao kết quả thực hiện của Đề án Óc Eo và những phát hiện giá trị trong cuốn sách. Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cũng bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc đến các nhà khảo cổ học trong và ngoài nước đã rất tâm huyết với Đề án cũng như đã phát hiện được tầm ảnh hưởng lớn của Văn hóa Óc Eo đối với các nước Đông Nam Á thông qua sự giao thương quốc tế. Đây là công trình khảo cổ học hội tụ “nhiều cái nhất”, đó là: công trình đồ sộ nhất, phát hiện nhiều di vật nhất (gần ba triệu di vật, hiện vật), phát hiện nhiều cái mới nhất, huy động nhiều nhà khoa học nhất. Chủ trương lập hồ sơ trình UNESCO đã được sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ và sự chung tay của Bộ, ngành, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và các tỉnh thành có di tích tại An Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp.
 
Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm

Phát biểu bế mạc Hội thảo, PGS.TS. Bùi Nhật Quang một lần nữa ghi nhận những thành quả nghiên cứu chung của Đề án. Đây là sự ghi nhận về những đóng góp quan trọng và thiết thực của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam trong nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam. Chủ tịch Viện Hàn lâm mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, các nhà khoa học để tiếp tục thực hiện Đề án có kết quả tốt hơn nữa, hướng tới làm rõ hơn nữa các giá trị của Văn hóa Óc Eo – Ba Thê trong thời gian tới.
 
Theo Nguyễn Thu Trang/Vass.gov.vn
 
Cập nhật tin tức về khoa học xã hội tại: tapchikhxh.vass.gov.vn