Đề tài cấp Bộ “Tôn giáo, tín ngưỡng ở khu vực Tây Nguyên hiện nay” nghiệm thu đạt loại xuất sắc

Cập nhật 09:00 ngày 23/12/2022
(Đề tài nghiên cứu) - Sáng ngày 21/12/2022, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức nghiệm thu cấp Bộ đề tài “Tôn giáo, tín ngưỡng ở khu vực Tây Nguyên hiện nay”, (Thuộc nhiệm vụ cấp Bộ 2 “Xây dựng lựa chọn chủ đề, biên soạn tài liệu phục vụ hoạt động thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo” của Đề án hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo năm 2022), do PGS.TS. Chu Văn Tuấn làm chủ nhiệm, Viện Nghiên cứu Tôn giáo là cơ quan chủ trì, đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá đạt loại xuất sắc.
Tây Nguyên là khu vực có vị trí địa lý đặc biệt quan trọng về an ninh, quốc phòng, là nơi có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, có nền văn hoá đậm đà bản sắc tộc người. Tây Nguyên là nơi cư trú lâu đời của các tộc người thiểu số tại chỗ với nền văn hoá đặc sắc, riêng có của mình. Cùng với quá trình đổi mới, mở cửa hội nhập quốc tế, Tây Nguyên cũng thu hút rất đông người từ khắp các vùng miền về quần tụ, sinh sống. Cho đến nay, ở Tây Nguyên có đủ 54 dân tộc ở khắp các vùng miền trên cả nước. Đây là một đặc điểm mà không một vùng miền nào trên cả nước có được.
 
Cùng với sự đa dạng về văn hoá, tộc người, khu vực Tây Nguyên cũng khá đa dạng với các loại hình tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống gắn với tộc người. Hiện nay, ở Tây Nguyên có 4 tôn giáo gồm: Công giáo, Tin Lành, Phật giáo, Cao Đài. Ngoài ra, Tây Nguyên còn có các tín ngưỡng truyền thống của các tộc người cùng nhiều hiện tượng tôn giáo mới. Trong số các tôn giáo ở Tây Nguyên, Công giáo là Tôn giáo xuất hiện sớm nhất, khoảng giữa thế kỷ XIX. Trong khi đó, Tin Lành là tôn giáo xuất hiện sau nhưng tốc độ phát triển nhanh chóng trong cộng đồng các dân tộc ít người ở Tây Nguyên. Hiện nay, có khoảng gần 90% tín đồ tin Lành ở Tây Nguyên là người dân tộc ít người. Phật giáo ở Tây Nguyên phát triển chủ yếu trong cộng đồng dân tộc Kinh, chưa có nhiều tín đồ Phật giáo là người dân tộc thiểu số. Sự phát triển của kinh tế-xã hội, sự hội nhập của đất nước trong bối cảnh toàn cầu hoá và những yếu tố khác như rừng bị phá huỷ, việc xuất hiện các tôn giáo mới, v.v.. đã khiến cho các tín ngưỡng, phong tục truyền thống dần dần bị mai một. Không ít những vấn đề xã hội phức tạp nảy sinh do sự biến đổi nhanh chóng của Tây Nguyên thời gian qua, đặc biệt, sự lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo của các thế lực thù địch đã khiến cho Tây Nguyên có những thời điểm trở thành điểm nóng về tôn giáo.
 
PGS.TS. Chu Văn Tuấn, Chủ nhiệm đề tài trình bày báo cáo kết quả
 
Đề tài ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Danh mục tài liệu tham khảo và Phụ lục, nội dung được kết cấu thành 3 chương: Chương 1: Tình hình và đặc điểm của tôn giáo, tín ngưỡng ở Tây Nguyên; Chương 2: Tôn giáo, tín ngưỡng trong đời sống văn hoá, xã hội ở Tây Nguyên hiện nay; Chương 3: Một số vấn đề đặt ra đối với tôn giáo, tín ngưỡng ở Tây Nguyên hiện nay và khuyến nghị.
 
Mặc dù công tác tuyên truyền, quán triệt, phổ biến các chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước được các cấp, các ngành triển khai nhưng còn hạn chế, chưa thật sự sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và đội ngũ chức sắc, tín đồ các tôn giáo. Vì vậy, nhận thức về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với vấn đề tôn giáo và công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo chưa đầy đủ, chưa thống nhất, do đó quá trình tổ chức thực hiện còn gặp những khó khăn; Công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động tôn giáo còn thiếu đồng bộ, có nơi còn quá cứng nhắc trong giải quyết vấn đề tôn giáo, nhất là đối với việc thực hiện chủ trương công tác bình thường hóa đối với đạo Tin lành. Công tác vận động quần chúng tín đồ chưa được chú trọng đúng mức, nhiệm vụ xây dựng thực lực chính trị và cốt cán ở vùng dân tộc thiểu theo các tôn giáo còn hạn chế, yếu kém. Lực lượng cốt cán chưa phát huy hết khả năng của mình; Việc phối hợp trong công tác tôn giáo giữa các cơ quan chức năng ở tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố chưa được đồng bộ, có nơi còn quá cứng nhắc trong công tác quản lý, nhất là việc buông lỏng quản lý việc xây dựng, sửa chữa cơ sở thờ tự trái phép; việc truyền đạo, giảng đạo, tổ chức lễ hội không tuân thủ quy định của pháp luật của các tổ chức tôn giáo…
 
Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu, từ những mặt tích cực và tồn tại, hạn chế đối với tôn giáo, tín ngưỡng ở Tây Nguyên hiện nay, đề tài rút ra một số kiến nghị, giải pháp góp phần vào việc hoạch định chính sách về tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam hiện nay như sau:
 
1- Đối với công tác thông tin, tuyên truyền: Thứ nhất, cần tăng cường thông tin, truyền thông về những giá trị, đóng góp của các tôn giáo, tín ngưỡng ở Tây Nguyên. Thứ hai, Cần lưu ý những vấn đề nhạy cảm khi thông tin truyền thông về tôn giáo, tín ngưỡng nhằm tăng cường đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo. Thứ ba, cần nâng cao hiệu quả truyền thông, nâng cao hình thức truyền thông phù hợp. Thứ tư, cần có sự quan tâm hơn nữa, chú trọng hơn nữa đối với công tác tôn giáo; cần có sự phối hợp tốt hơn nữa trong công tác tôn giáo, tránh tình trạng ngại ngùng, né tránh, hoặc làm cho qua, không thực sự sâu sát với các tôn giáo và những vấn đề nảy sinh liên quan đến tôn giáo. Thứ năm, cần xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp giữa chính quyền với các
chức sắc tôn giáo, đặc biệt là những chức sắc tôn giáo đứng đầu các tổ chức tôn giáo. Thứ sáu, cần phải gắn chặt chính sách tôn giáo với chính sách dân tộc. Thứ bảy, tiếp tục tăng cường công tác đấu tranh chống các hoạt động tôn giáo trái pháp luật và vi phạm pháp luật.
 
2- Một số kiến nghị, giải pháp nhằm phát huy vai trò của tôn giáo phục vụ phát triển bền vững Tây Nguyên: (i) Trước hết, cần phải thay đổi nhận thức về tôn giáo ở Tây Nguyên, phải có được một nhận thức khoa học về tôn giáo, đồng thời đó phải là sự nhận thức phản ánh đúng đắn thực tiễn của các tôn giáo ở Tây Nguyên hiện nay. Cần nhận thức một cách đầy đủ rằng, tôn giáo là một thực thể tồn tại khách quan, là một yếu tố cấu thành quan trọng của xã hội với tính cách là một hệ thống, một chỉnh thể. (ii) Thực hiện chính sách và công tác tôn giáo gắn với mục tiêu giữ dân, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc. (iii) Chủ động đấu tranh làm thất bại âm mưu lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch; từng bước loại bỏ tư tưởng ly khai tự trị, dân tộc hẹp hòi và sự tồn tại ý thức về “nhà nước Đê ga” trong một bộ phận chức sắc và quần chúng tín đồ.

(iv) Quán triệt thực hiện nghiêm túc nguyên tắc lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong quá trình xử lý, giải quyết vấn đề tôn giáo. Tập trung giải quyết nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của nhân dân trên cơ sở lấy dân làm gốc, bảo đảm sự lựa chọn về tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào có đạo. (v) Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác vận động quần chúng, xây dựng thực lực chính trị trong tôn giáo làm nền tảng để nắm dân. (vi) Sớm nghiên cứu giải quyết vấn đề đồng bào Mông di cư tự do, trong đó có vấn đề đạo Tin lành. (vii) Tăng cường công tác vận động, tranh thủ chức sắc, chức việc và giải quyết vấn đề chức sắc một cách hợp lý. (viii) Tập trung đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả hoạt động truyền đạo trái phép trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt đối với đạo Công giáo và Tin lành tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nhằm khai thác nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của quần chúng để đưa Kitô giáo đến với vùng dân tộc thiểu số.
 
3- Một số giải pháp nhằm phát huy vai trò của tôn giáo cho phát triển bền vững: Một là, có những chế tài mạnh, xử phạt nghiêm khắc đối với những kẻ lợi dụng tôn giáo, đối với những cá nhân, tổ chức tôn giáo vi phạm pháp luật, vi phạm chính sách, đường lối của Đảng và Nhà nước. Hai là, khai thác, phát huy đến mức cao nhất có thể những giá trị của tôn giáo. Làm sao để chính bản thân các tôn giáo, các tín đồ tôn giáo, các chức sắc tôn giáo hỗ trợ tích cực với chính quyền trong việc thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội. Thứ ba, cần xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp giữa chính quyền với các chức sắc tôn giáo, đặc biệt là những chức sắc tôn giáo đứng đầu các tổ chức tôn giáo. Thứ tư, cần phối hợp tốt với các chức sắc tôn giáo trong việc xây dựng các cộng đồng tôn giáo thành những cộng đồng sống tốt đời, đẹp đạo, ổn định, đoàn kết, tích cực xây dựng quê hương, đất nước. Thứ năm, cần có một cơ chế đặc thù đối với Tây Nguyên trên tất cả các lĩnh vực như chính sách, pháp luật tôn giáo; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo; chế độ đãi ngộ đối với người làm công tác tôn giáo. Đồng thời, cần có chế tài xử lý khi có những vi phạm về tôn giáo.
 
Quang cảnh buổi lễ bảo vệ đề tài
 
Mặc dù công tác tôn giáo ở khu vực Tây Nguyên đã được quan tâm, củng cố, chú trọng hơn trước; đời sống của tín đồ các tôn giáo, nhất là tín đồ người dân tộc thiểu số đã được chăm lo, nâng cao cả về tinh thần lẫn vật chất, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đã được đảm bảo tốt hơn, nhưng tình hình tôn giáo, tín ngưỡng và công tác tôn giáo ở khu vực Tây Nguyên vẫn còn nhiều vấn đề đang đặt ra cần giải quyết. Đặc biệt, khu vực Tây Nguyên luôn tiềm ẩn nguy cơ các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc để chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, tôn giáo, kích động biểu tình, chống đối, kích động ly khai… Để giải quyết vấn đề này, trong thời gian tới cả hệ thống chính trị cần quan tâm làm tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa công tác tôn giáo ở khu vực Tây Nguyên.
 
Việc nghiên cứu về tôn giáo, tín ngưỡng ở Tây Nguyên, ngoài cung cấp các tri thức mang tính chất cơ bản, có hệ thống về tôn giáo, tín ngưỡng ở khu vực Tây Nguyên, đề tài còn chỉ ra những nét đẹp, giá trị, đặc trưng, vai trò, đóng góp của tôn giáo, tín ngưỡng trong đời sống của các dân tộc ít người nói riêng, trong đời sống xã hội ở khu vực Tây Nguyên nói chung. Đề tài được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao về mặt lý luận và thực tiễn. Dự kiến đề tài sẽ được in thành sách và ra mắt bạn đọc trong thời gian tới.
 
Theo Vass.gov.vn
Cập nhật tin tức về khoa học xã hội tại: tapchikhxh.vass.gov.vn