Văn hóa Hòa Bình sau 85 năm được thế giới công nhận
1. Giới thiệu
Vào năm đầu thế kỷ XX (1901), người Pháp thành lập Viện Viễn Đông Bác Cổ (École française d'Extrême - Orient) tại Hà Nội. Đây là trung tâm nghiên cứu duy nhất của người phương Tây nghiên cứu chủ yếu về lịch sử và văn hoá ba nước Đông Dương. Phát hiện và nghiên cứu văn hoá Hoà Bình là một trong những thành tựu quan trọng nhất của khảo cổ học tiền sử Đông Dương đầu thế kỷ XX. Công lao phát hiện và xác lập văn hoá Hoà Bình thuộc về nữ học giả người Pháp Madeleine Colani; còn những nỗ lực nhằm làm sáng tỏ mọi khía cạnh của nền văn hoá này thuộc về nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á, trong đó có đóng góp quan trọng của các nhà khảo cổ học Việt Nam.
Trong thời gian từ 1926 đến 1932, M. Colani đã phát hiện và khai quật trên 50 di tích văn hoá Hoà Bình ở Việt Nam [32], [33], [34], [35]. Đầu năm 1932, tại Đại hội các nhà tiền sử Viễn Đông lần thứ nhất họp tại Hà Nội, thuật ngữ “Văn hoá Hoà Bình” do M. Colani đưa ra đã được thừa nhận và phổ biến rộng rãi. Có thể nói, M. Colani là người đặt nền móng cho việc phát hiện và nghiên cứu văn hoá Hoà Bình ở Việt Nam. Dẫu còn những hạn chế tất yếu nào đó, nhưng trên 20 công trình nghiên cứu về văn hoá Hoà Bình của bà đã để lại dấu ấn sâu đậm trong văn hoá khảo cổ học Việt Nam nói riêng, Đông Dương nói chung.
Tiếp sau những phát hiện của các học giả Pháp trên lãnh thổ Việt Nam, các nhà nghiên cứu tiền sử học trong khu vực Đông Nam Á đã lần lượt phát hiện được di tích văn hóa Hòa Bình ở Lào, Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Malaysia, và Indonesia. Tựu trung lại, nhiều học giả trên thế giới đều công nhận rằng, văn hóa Hòa Bình là hiện tượng Đông Nam Á lục địa và cho đến nay; nơi tìm được nhiều di tích nhất của văn hóa Hòa Bình là Việt Nam.
Ngay sau khi hình thành, ngành khảo cổ học non trẻ Việt Nam bắt tay vào việc nghiên cứu nền văn hoá nổi tiếng này. Bên cạnh việc chỉnh lý phân loại các bộ sưu tập văn hoá Hoà Bình ở kho Viện Bảo tàng Lịch sử, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã tiến hành điều tra, khảo sát, khai quật nhiều di tích Hoà Bình ở các vùng khác nhau.
Cho đến nay, ở Việt Nam đã phát hiện trên 150 di chỉ Hoà Bình. Không những số lượng di tích tăng nhiều mà phạm vi phân bố cũng trải rộng hơn. Ngoài Hoà Bình, Thanh Hoá tập trung nhiều nhất (106 địa điểm), di tích Hoà Bình còn có mặt ở vùng núi các tỉnh phía bắc như Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Ninh Bình, Hà Tây (cũ); về phía nam trải rộng đến các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình và Quảng Trị; về phía đông đến tỉnh Quảng Ninh.
Những bộ sưu tập hiện vật đá, tàn tích động thực vật thu thập qua các cuộc khai quật được xử lý rất khoa học. Đáng chú ý là, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã áp dụng nhiều phương pháp khai quật mới và ứng dụng các khoa học tự nhiên trong nghiên cứu; điều đó khiến cho nhận thức của chúng ta về nền văn hoá này ngày càng hệ thống, toàn diện hơn và các nhận định cũng có sức thuyết phục hơn. Cho đến nay, hơn 20 di tích Hoà Bình đã được xác định niên đại bằng phương pháp C14, một số được định niên đại bằng phương pháp AMS [28, tr.86-90]. Nhiều địa điểm đã được phân tích mẫu bào tử phấn hoa [2].
Chúng ta không những đã phát hiện và khai quật nhiều di tích Hoà Bình, mà còn phát hiện nhiều di tích tiền Hoà Bình và hậu Hoà Bình. Điều này giúp ta tìm hiểu được bước phát triển trước, sau của văn hoá Hoà Bình.
Những thành tựu to lớn đó đã được phản ánh qua nhiều ấn phẩm sách, báo chuyên ngành (như tạp chí Khảo cổ học, hay kỷ yếu Những phát hiện mới về khảo cổ học của Viện Khảo cổ học, hoặc trong những ấn phẩm của Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam). Đáng chú ý là, những công trình nghiên cứu “Văn hoá Hoà Bình ở Việt Nam” (1989) và “Khảo cổ học Việt Nam, tập I: Thời đại Đá Việt Nam” (1998) đã phản ánh được phần lớn những kết quả nghiên cứu văn hoá Hoà Bình cho đến cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước [18], [1].
Có hai mốc lớn đáng ghi nhớ trong chặng đường nghiên cứu văn hoá Hoà Bình. Thứ nhất, Hội nghị khoa học cấp quốc gia kỷ niệm 50 năm phát hiện và nghiên cứu văn hoá Hoà Bình được tổ chức tại Hà Nội vào cuối năm 1982. Hầu hết các báo cáo khoa học đã được đăng trong tạp chí Khảo cổ học số 1, 2 năm 1984 và số 2 năm 1986. Thứ hai, Hội nghị Quốc tế kỷ niệm 60 năm văn hoá Hoà Bình tổ chức ở Hà Nội vào năm 1993 đã thu được kết quả rực rỡ. Ngoài các nhà khảo cổ học Việt Nam, hội nghị đã đón hàng chục học giả nuớc ngoài từ 5 châu (Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Úc và Châu Phi). Phần lớn bài tham gia hội nghị được công bố trên tạp chí Khảo cổ học số 3, số 4 năm 1994 và tạp chí Vietnam Social Sciences số 5 năm 1994. Tài liệu về văn hoá Hoà Bình dần dần được các học giả Việt Nam và nước ngoài giới thiệu rộng rãi trên thế giới.
Cho đến nay, các nhà khảo cổ học vẫn tiếp tục phát hiện và khai quật mới nhiều di tích Hòa Bình ở nhiều vùng trên đất nước ta. Gần đây, các học giả Vân Nam, Trung Quốc cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến nền văn hóa này [35]. Bài viết này đề cập những nhận thức cơ bản và những nhận thức mới về nền văn hoá Hòa Bình; những vấn đề tồn tại cần tiếp tục nghiên cứu về khái niệm, phức hợp kỹ thuật, cấu trúc xã hội, văn hóa phi vật thể của Hòa Bình.
2. Nhận thức cơ bản về văn hóa Hoà Bình
Thứ nhất, từ năm 1960 đến nay, với sự ra đời của ngành khảo cổ học Việt Nam, công tác nghiên cứu văn hóa Hòa Bình đã bước vào giai đoạn mới, cùng với việc kiểm tra, khảo sát lại các di tích, di vật mà người Pháp đã khai quật và để lại.
Với số lượng hơn 150 di tích, các di tích Hòa Bình chủ yếu tập trung ở những vùng núi đá vôi tại các thung lũng hoặc trong các hang động, mái đá; số ít các di tích ở ngoài trời và thềm sông.
Có một quy luật phân bố cư trú rất dễ nhận thấy của cư dân Hòa Bình, đó là sự phân bố theo từng cụm, mỗi cụm có từ 3 đến 10 di chỉ liền khoảnh và chiếm cứ vài ba thung lũng đá vôi. Trong các thung lũng là những cánh rừng nhiệt đới nhiều tầng xanh tốt quanh năm với nhiều suối nhỏ chảy qua. Xung quanh các thung lũng là những dãy núi đá vôi bao bọc, mà ở đó chứa nhiều hang động lớn nhỏ, nơi cư trú lý tưởng của những chủ nhân văn hóa Hòa Bình.
Thứ hai, trong các hang động thuộc văn hóa Hòa Bình thường có tầng văn hóa dày trung bình trên 1m, có địa điểm như hang Làng Đồi tầng văn hóa dày tới 4,5m, chứa vỏ các loài nhuyễn thể, tàn tích xương răng động vật. Đó là tàn tích thức ăn để lại của người tiền sử, cùng với các di vật đá, than tro và di cốt người. Các tích tụ này thường nằm trực tiếp trên nền hang đá vôi, hoặc trong lớp đất sét vôi màu vàng, thường có kết cấu bở rời, có tuổi sau Canh Tân.
Các di tích động vật trong các di chỉ văn hóa Hòa Bình gồm các loài nhuyễn thể, chủ yếu là ốc núi, ốc suối và xương cốt động vật có xương sống. Tất cả di cốt động vật trong các di tích Hòa Bình là động vật hoang dã mà ngày nay vẫn đang tồn tại, động vật nhỏ chiếm đa số so với động vật lớn. Đó là những đối tượng săn bắn của người Hòa Bình.
Các nhà nghiên cứu cho rằng nhuyễn thể là đối tượng chủ yếu trong hoạt động thu lượm của cư dân văn hóa Hòa Bình. Khối lượng vỏ các loại trai ốc trong các hang động Hòa Bình rất lớn, một số di chỉ đạt tới hàng trăm mét khối như ở hang Làng Đồi, hay Hang Muối (Hòa Bình). Điều này khiến một số nhà nghiên cứu xem đặc trưng văn hóa Hòa Bình như là văn hóa của cư dân “ăn ốc”. Những tàn tích còn lại trong các hang động Hòa Bình chỉ phản ánh phần nào kết quả hoạt động tìm kiếm thức ăn của chủ nhân văn hóa này. Điều đó cho thấy vai trò săn bắt thú rừng và thu lượm các loài trai ốc là phương thức sống chủ yếu của cư dân Hòa Bình.
Vết tích thực vật trong văn hóa Hòa Bình phát hiện chưa nhiều và hầu như chưa thấy giống loài đã được con người thuần hóa. Trong các hang động tiền sử Hòa Bình, dấu tích bếp lửa thường gặp ở giữa hang, đôi khi ở cửa hang.
Thứ ba, đặc trưng nổi bật của văn hóa Hòa Bình là tổ hợp di vật gồm đồ đá, đồ xương. Trong đó đồ đá là chủ yếu. Người Hòa Bình cổ sử dụng đá cuội sông, suối để chế tác công cụ với kỹ thuật ghè đẽo còn thô sơ. Người Hòa Bình cũng đã biết đến kỹ thuật mài, tuy mới ở mức sơ khai. Loại hình công cụ đá Hòa Bình phong phú và ổn định trong một số loại hình đặc trưng như công cụ có hình hạnh nhân, hình tam giác, hình đĩa, hình ô van cùng rìu ngắn, rìu dài được làm từ cuội nguyên hoặc cuội bổ và chủ yếu được ghè một mặt.
Công cụ xương, công cụ bằng vỏ trai trong văn hóa Hòa Bình có số lượng rất ít. Bước đầu xác nhận ở đây có mặt rìu xương, đục xương, mũi nhọn xương, nạo vỏ trai. Phần lớn công cụ xương trong văn hóa Hòa Bình được mài và được chuốt nhẵn cẩn thận. Trên một số rìu xương được khắc vạch.
Đó là những đặc trưng mang tính thống nhất trong tổ hợp di vật của nền văn hóa Hòa Bình.
Thứ tư, người Hòa Bình thường chôn người chết ngay trong địa điểm cư trú. Điều này phản ánh tâm lý của người tiền sử không muốn xa rời người thân của mình, mong muốn người chết được “yên nghỉ” ở chỗ sinh hoạt thường ngày của cộng đồng như bếp lửa, hoặc nơi nghỉ ngơi. Qua những tư liệu khai quật khảo cổ học cho thấy, phương thức chôn nằm co, hoặc nằm nghiêng bó gối là hình thức chôn phổ biến của người tiền sử Hòa Bình, thứ đến là chôn ngửa, chân tay duỗi thẳng. Phần lớn là những mộ chôn đơn, cũng có trường hợp bắt gặp hiện tượng chôn tập thể như địa điểm hang Làng Gạo (tỉnh Hòa Bình).
Đặc biệt chú ý là, tại hang Lam Gan II (huyện Lương Sơn), các nhà khoa học đã phát hiện được một chỏm sọ người lớn, bên trong chứa đựng một vài nhánh xương sườn của một đứa trẻ. Hiện tượng này được các nhà khảo cổ lý giải như sau: người Lam Gan II lấy một chỏm sọ của người lớn để đựng một bộ phận xương cốt trẻ con. Đó chính là bằng chứng của tục cải táng [3, tr.10-13].
Hầu hết các mộ táng đều có chôn theo đồ tùy táng. Đó là những dụng cụ lao động, sinh hoạt hàng ngày như công cụ đá, đồ trang sức. Phần lớn các thi hài người chết đều được rắc thổ hoàng.
Thứ năm, ngày nay, trên cơ sở những cứ liệu khoa học mới được phát hiện, cùng với sự hỗ trợ của các phương tiện khoa học hiện đại, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã khá thống nhất đưa ra một phác đồ về khung niên đại của nền văn hóa Hòa Bình tại Việt Nam như sau: niên đại mở đầu của nền văn hóa Hòa Bình là khoảng từ 18.420 ± 50 năm cách ngày nay (di chỉ hang Xóm Trại) đến 16.470 ± 80 năm (di chỉ Làng Vành); niên đại kết thúc của nền văn hóa Hòa Bình là trên 7.000 năm cách ngày nay (di chỉ Hang Đắng).
Tuy còn có nhiều điều cần thảo luận, nhưng về cơ bản, văn hóa Hòa Bình được xem là văn hóa thuộc sơ kỳ Đá mới ở Việt Nam.
Thứ sáu, nghiên cứu kinh tế, xã hội của cư dân văn hóa Hòa bình, thực chất là tìm hiểu phương thức tìm kiếm thức ăn, giải quyết vấn đề lương thực của các tập đoàn người cổ Hòa Bình. Phần đông các nhà khoa học thừa nhận, săn bắn, hái lượm là phương thức tìm kiếm thức ăn chủ đạo của cư dân văn hóa Hòa Bình. Khi nghiên cứu thành phần các giống loài động vật trong các di chỉ Hòa Bình cho thấy, người Hòa Bình là những cư dân săn bắn đa tạp, không nhằm vào một vài giống loài động vật nào cụ thể, trong điều kiện cổ khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm, nghĩa là săn bắt theo phổ rộng.
Đối tượng hoạt động hái lượm của cư dân Hòa Bình khá phong phú, bao gồm các động vật nhỏ, trứng chim, nấm, hoa quả và đặc biệt là các loài thủy sinh thân mềm sống ở dưới sông, suối.
Về cơ cấu tổ chức xã hội của người Hòa Bình, nhiều ý kiến cho rằng người Hòa Bình thuộc về chế độ mẫu hệ. Đời sống tinh thần của người Hòa Bình khá phong phú thể hiện qua tri thức sơ khai về tự nhiên và con người.
3. Một số nhận thức mới về văn hóa Hòa Bình
Thứ nhất, về niên đại, ngay từ lúc mới phát hiện, M. Colani đã cho rằng văn hoá Hoà Bình có ba giai đoạn phát triển từ hậu kỳ Đá cũ đến Đá giữa và sang Đá mới Bắc Sơn. Tiếp theo M. Colani, giới học giả đã có những tranh luận sôi nổi về tuổi của văn hoá Hoà Bình. Một số ý kiến xem xét Hoà Bình như văn hoá Đá giữa với ý nghĩa là thời đại văn hoá trung gian giữa Đá cũ và Đá mới [11], [7], một số người lại cho văn hoá Hoà Bình hoàn toàn thuộc về thời đại Đá mới [20], [1], [2]. Sau những cuộc khai quật ở hang Xóm Trại và Mái đá Điều, tình hình có đổi khác. Một loạt những niên đại C14 ở các tầng vị khác nhau của hai di chỉ trên cho thấy niên đại giai đoạn sớm của văn hoá Hoà Bình lùi sâu vào thế Pleistocene. Đến nay, quan điểm được thừa nhận phổ biến là, văn hoá Hoà Bình đã bắt đầu trong thế Pleistocene và tồn tại lâu dài ở thế Holocene, trong sự chuyển tiếp từ thời đại Đá cũ sang thời đại Đá mới. Như vậy có một bộ phận Hoà Bình thuộc hậu kỳ Đá cũ.
Liên quan đến vấn đề niên đại là vấn đề nguồn gốc của văn hóa Hòa Bình, trước đây quan điểm phổ biến cho rằng văn hóa Sơn Vi là nguồn gốc của văn hóa Hòa Bình. Niên đại văn hóa Sơn Vi được xác định từ 30.000 năm đến 11.000 năm cách nay. Trước đây, di chỉ hang Thẩm Khương (Lai Châu), được xác định thuộc văn hóa Hòa Bình có niên đại lên đến 32.100±150 năm cách nay (BP). Mới đây, đợt khai quật di chỉ hang Con Moong năm 2012-2013 đã đem lại cho chúng ta nhiều nhận thức mới. Ðịa tầng hang Con Moong dầy 9,5m, chia làm 4 giai đoạn văn hóa. Giai đoạn văn hóa III (độ sâu 6,8m) có niên đại ước đoán từ 30,000-40.0000 năm cách nay, xuất hiện của kỹ nghệ Hòa Bình trên những công cụ bằng đá vôi và đá quartz [9]. Với những tư liệu mới, liệu có cần phải xem xét lại quan điểm cho văn hóa Sơn Vi là cội nguồn của văn hóa Hòa Bình? Ðấy là vấn đề mới cần đặt ra để tiếp tục nghiên cứu.
Mới đây (2015) trên tạp chí Quaternary International, các nhà khoa học Trung Quốc đã công bố phát hiện được phức hợp văn hóa Hòa Bình ở hang Tiêu (Xiao dong- 硝 洞 ), vùng Vân Nam Trung Quốc có niên đại lên đến 43.000 năm cách nay. Họ cho rằng, Vân Nam là quê hương của văn hóa Hòa Bình và từ Vân Nam, phức hợp kỹ thuật Hòa Bình lan tỏa xuống vùng Đông Nam Á [35]. Đây là vấn đề lớn, thách thức với quan điểm truyền thống coi khu vực Bắc Việt Nam là quê hương buổi đầu của nền văn hóa Hòa Bình. Trong bối cảnh nghiên cứu khu vực, chúng ta nhận thức vấn đề này như thế nào? Như trên đã trình bày, ở Việt Nam đã có những địa điểm tiền sử như hang Con Moong mà ở đấy kỹ nghệ Hòa Bình xuất hiện trong tầng văn hóa có niên đại đoán định từ 30.000- 40.000 năm cách nay. Đến nay, công việc nghiên cứu và công bố kết quả cuối cùng về hang Con Moong vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Chúng ta cần nhiều kết quả nghiên cứu và khai quật giống như hang Con Moong. Một mặt cần đổi mới phương pháp khai quật, áp dụng phương pháp khai quật mà Đoàn khảo cổ Việt-Nga thực hiện ở hang Con Moong. Mặt khác, cần tăng cường các phân tích niên đại bằng các phương pháp khác nhau ở các địa điểm văn hóa Hòa Bình đã và đang nghiên cứu. Đến nay, mới có hơn 20/ trên 150 địa điểm Hòa Bình được phân tích niên đại tuyệt đối, tỷ lệ này vẫn còn thấp. Những di tích Hòa Bình quan trọng như hang Làng Đồi (Hòa Bình), Mái đá Làng Bon (Thanh Hóa), hang Đán Cúm (Hà Giang), hang Phia Vài (Tuyên Quang)..., vẫn chưa có kết quả niên đại tuyệt đối. Nếu làm tốt được những điều này, chúng ta sẽ nâng chất lượng nghiên cứu lên tầm cao mới, góp phần khách quan và khoa học giải quyết vấn đề nguồn gốc và quê hương của văn hóa Hòa Bình.
Thứ hai, trước đây, nhận thức chung của các nhà nghiên cứu khảo cổ là, các di tích Hoà Bình chủ yếu là loại hình di tích hang động. Đã có người gọi văn hóa Hoà Bình là nền văn hoá hang động.
Trong mấy chục năm qua, ngoài di tích Sập Việt tìm thấy vào thập kỷ 70 của thế kỷ XX, chúng ta đã phát hiện thêm hàng chục địa điểm Hoà Bình ngoài trời. Đó là hơn 10 địa điểm Hòa Bình trên thềm cổ sông Hồng thuộc các huyện Bảo Thắng, Bảo Yên tỉnh Lào Cai; địa điểm Bến Mậu A cũng ven sông Hồng thuộc tỉnh Yên Bái; và các địa điểm Khuổi Bốc, Nà Thìn, Bắc Giòn, Nà Đứa, Pá Van trên thềm Sông Gâm thuộc tỉnh Tuyên Quang [3]. Đã có một số phác thảo về các hệ sinh thái văn hoá Hoà Bình [17], [1], [14], [22, tr.3-17]. Nguồn tư liệu mới cho phép chúng ta có nhận thức mới về các định hướng sinh thái khác nhau của người Hoà Bình. Đó là: môi trường sinh thái thung lũng Karst. Đây là môi trường sinh thái chủ yếu của cư dân Hoà Bình; môi trường sinh thái đồi, gò có nguồn gốc thềm sông cổ (đây là hệ sinh thái khá phổ biến của người Hoà Bình ở vùng núi Đông Bắc); môi trường sinh thái vùng núi cận biển (Trường An, Ninh Bình), thềm thấp ven biển (Giáp Khẩu, Quảng Ninh)
Thứ ba, văn hoá Hoà Bình là một văn hoá tiêu biểu trong truyền thống công cụ cuội ở Việt Nam và Đông Nam Á.
Hầu hết các công trình nghiên cứu về văn hoá Hoà Bình đều xác nhận rằng, cư dân Hoà Bình chủ yếu sử dụng cuội sông, suối để chế tác công cụ. Trước đây, người ta cho rằng người Hoà Bình mới chỉ biết chế tác công cụ đá bằng những kỹ thuật ghè đẽo truyền thống. Kỹ thuật chế tác công cụ Hoà Bình là sự kết hợp các thủ pháp ghè đẽo, chặt, đập, bổ, bẻ; trong đó kỹ thuật ghè đẽo trực tiếp đóng vai trò chủ đạo. Kỹ thuật mài xuất hiện rất muộn trong văn hoá Hoà Bình. Kỹ thuật cưa, khoan vắng mặt [1].
Đã có một thời, rất nhiều người phản đối giả thuyết của W.Solheim II về kỹ thuật mài xuất hiện trong văn hoá Hoà Bình từ 20.000 năm trước [27]. Giả thuyết của W. SolheimII bị coi là phán đoán thiếu cơ sở khoa học. Nay, kết quả nghiên cứu từ hang Xóm Trại và Mái Đá Điều cho thấy, kỹ thuật mài với những chiếc rìu mài lưỡi đã xuất hiện khá phổ biến từ hơn 16.000 năm cách nay, sớm hơn nhiều so với các nhận định trước kia.
Đã có nhiều nhà nghiên cứu đưa ra các cách phân loại công cụ Hoà Bình khác nhau [1], [25], [15], [23]. Theo Hà Văn Tấn, dù bằng cách phân loại nào thì công cụ kiểu Sumatra hay Sumatralith được ghè đẽo một mặt vẫn là loại hình trung tâm của sự chú ý. Sumatralith không những là công cụ điển hình của văn hoá Hoà Bình, mà còn là biểu hiện một kỹ thuật chế tác đặc biệt, có thể gọi là kỹ thuật Sumatralith. Do vậy, không thể gọi là di tích Hoà Bình nếu không có Sumatralith. Tuy nhiên, không phải nơi nào có Sumatralith thì ở đó có Hoà Bình chân chính [28]. Đây là một nhận thức mới về kỹ nghệ Hoà Bình.
Thứ tư, mặc dù gốm tìm thấy ở khá nhiều di chỉ Hoà Bình, nhưng phần lớn phân bố ở các lớp đất trên, do vậy, nhiều người cho rằng, đồ gốm không xuất hiện trong văn hoá Hoà Bình, thậm chí mới đây, vẫn có người còn giữ quan điểm như vậy [2].
Trước đây, M. Colani cho rằng đồ gốm đã xuất hiện ở tầng II - tầng giữa, tầng văn hoá Hoà Bình điển hình với rìu mài lưỡi sơ khai [34]. Điều đáng tiếc là, ở phần lớn các di tích Hoà Bình do Colani khai quật, di vật gốm chưa được coi trọng đúng mức. Sau này, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã khắc phục được phần nào khiếm khuyết đó.
Năm 1975, tại địa điểm hang Sũng Sàm, trong lớp văn hoá sớm nhất, sát đáy hang có niên đại 11.365±80 BP và 10.770±75 BP, các nhà khảo cổ đã tìm thấy gốm. Gốm Sũng Sàm dày, xương đỏ nâu pha cát thô và bã nhuyễn thể, bên ngoài màu nâu đen, văn thừng. Gốm bở, nặn bằng tay, làm bằng đất sét lấy tại chỗ do người Hoà Bình ở Sũng Sàm khai thác [8, tr.124-125].
Năm 1998, trong hố đào khảo sát hang Đán Cúm, một di chỉ Hoà Bình sớm trên đất Hà Giang, các nhà khảo cổ đã thu được một số mảnh gốm thô dày, văn thừng thô, xương màu xám, pha nhiều cát ở độ sâu 1,7m cùng với những công cụ Hoà Bình điển hình [9, tr.81-87].
Mới đây, tại khu vực Tràng An, Ninh Bình, đã tìm thấy đồ gốm có tuổi 8.720 ± 235 năm BP tại di tích Mái Đá Vàng [16, tr.79-92].
Dựa vào sự có mặt của gốm tìm thấy ở di chỉ Hang Đắng có niên đại C14 là 7.665± 100 BP và 7.508± 100 BP, một số ý kiến cho rằng gốm đã có mặt vào giai đoạn muộn của văn hoá Hoà Bình [10]. Việc phát hiện ra những mảnh gốm thô tại Sũng Sàm, Đán Cúm, Mái đá Vàng khiến chúng ta phải nhìn nhận lại vấn đề gốm trong văn hoá Hoà Bình.
Gần đây, khi nói về sự xuất hiện của gốm sớm vùng Nam Trung Quốc, các nhà khảo cổ học Trung Quốc cho rằng sự xuất hiện của đồ gốm trong văn hoá tiền sử nói chung không nhất thiết phải gắn với kinh tế sản xuất với lối sống định cư, mà là do nhu cầu bức thiết của kinh tế hái lượm, đánh bắt những loại thuỷ sinh như ốc, cua, cá… Chúng tôi tán đồng luận điểm này và xem nó thích ứng với trường hợp văn hoá Hoà Bình. Sự hiện diện của các tầng ốc dày trong các di chỉ Hoà Bình thể hiện một lối sống định hướng ven sông, ven suối, ven biển. Để làm chín thức ăn từ nguồn thuỷ sinh đó, họ không thể duy trì cách nướng từng con ốc, con cua, con cá. Sự ra đời của đồ gốm với chức năng là đồ nấu dường như là một hệ quả tất yếu của những cư dân Hoà Bình chuyên “ăn ốc”. Do vậy có nhiều khả năng đồ gốm đã xuất hiện vào đầu giai đoạn phát triển của văn hoá Hoà Bình mà không phải đến giai đoạn muộn Hoà Bình như đã có người chủ trương.
Thứ năm, trong một thời gian dài, chúng ta vẫn đinh ninh rằng, cư dân văn hóa Hòa Bình sống trong điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa và khí hậu khá ổn định trong thời gian vài nghìn năm. Từ năm 2005 đến nay, quan điểm trên dần dần được thay đổi.
Dựa vào kết quả khai quật và nghiên cứu độ tự cảm ở một số di tích hang động như hang Con Moong (Thanh Hóa), hang Chổ (Hòa Bình), hang Mòi, hang Thung Bình và Mái Đá Ông Hay (Ninh Bình), các nhà nghiên cứu cho rằng, khí hậu Việt Nam từ 17.000 đến 9.000 BP có một số pha nóng, lạnh và mát xen kẽ nhau; đặc biệt xuất hiện một pha lạnh đột ngột (được gọi là Younger Dryas) có tuổi khoảng 11.400 cách nay [12, tr.410-417]. Sau 11.000 năm, khí hậu chuyển sang chế độ nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều với nhiều pha nóng, lạnh, mát xen kẽ.
Đáng chú ý là, nghiên cứu độ từ cảm hang Chổ (Hòa Bình) cho thấy từ 11.400 đến 8.800 năm cách ngày nay, tốc độ hình thành trầm tích trong hang này tăng gấp 10 lần so với giai đoạn 20.500 - 11.400 năm cách nay. Hiện tượng tăng trầm tích tạo thành hang động đột biến như vậy cũng thấy ở các hang Con Moong, Hang Mòi, hang Thung Bình vào giai đoạn Toàn tân sớm. Điều này cho thấy, lượng mưa ở giai đoạn này lớn hơn nhiều lần so với các giai đoạn trước đó. Thời kỳ mưa nhiều tương ứng với giai đoạn lạnh đột ngột [12].
Kết quả nghiên cứu trên đem lại cho chúng ta những hiểu biết mới về điều kiện tự nhiên của cư dân văn hóa Hòa Bình.
Thứ sáu, trước năm 2004, trong toàn bộ số sọ cổ thời đại Đá, chưa bao giờ chúng ta phát hiện được một sọ mà nhìn theo đỉnh chuẩn có dạng tròn và thuộc loại sọ ngắn mang đặc điểm Mongoloid.
Năm 2004, các nhà khảo cổ phát hiện ra sọ Đú Sáng (sọ tròn và rất ngắn). Năm 2005, phát hiện ra bộ xương chôn theo tư thế nằm co ở Phia Vài (Tuyên Quang) với hộp sọ nhìn theo chuẩn đỉnh rất tròn và ngắn. Cả hai sọ trên đều thuộc cư dân văn hóa Hòa Bình. Có thể nói rằng, chỉ từ khi phát hiện ra sọ cổ Đú Sáng và Phia Vài, ngành cổ nhân học Việt Nam đã có bước ngoặt đáng ghi nhớ. Theo nhà nhân chủng học Nguyễn Lân Cường, đây là những bằng chứng đầu tiên về sự xuất hiện những sọ Mongoloid đầu tròn và ngắn.
Dựa vào phát hiện di cốt người cổ ở Phia Vài và Đú Sáng, các nhà nhân chủng học Việt Nam đưa ra nhận định, ở miền Bắc Việt Nam cũng có khả năng diễn ra quá trình hỗn chủng giữa Australoid và Mongoloid vào cuối hậu kỳ thời đại Đá cũ [6, tr.3-4]. Đây là những nhận thức hoàn toàn mới về cư dân văn hóa tiền sử Việt Nam, trong đó có chủ nhân văn hóa Hòa Bình.
4. Một số vấn đề tồn tại
Thứ nhất, trong chuyên khảo bàn về “Hoà Bình ở Đông Nam Á: Văn hoá, những văn hoá hay phức hợp kỹ thuật” được công bố năm 1994, Hà Văn Tấn đã lưu ý chúng ta về tính đa dạng, phức tạp của bản thân khái niệm văn hoá Hoà Bình [28, tr.3-8]. Đây là vấn đề lý thuyết công cụ rất cơ bản vì nó liên quan đến hướng nghiên cứu và phương pháp tiếp cận vấn đề Hoà Bình.
Không ít người trong giới nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á đã băn khoăn khi đứng trước một thực trạng là, với một thời gian tồn tại dài hơn 10.000 năm, lại phân bố trên một khu vực rất rộng lớn ở khu vực Đông Nam Á, liệu khái niệm “văn hoá khảo cổ Hoà Bình” có chuyển tải nổi khúc chuyển giữa hai thời đại văn hoá tiền sử? Từ những nghiên cứu tài liệu khai quật hang Ma ở Thái Lan, nhà khảo cổ học Mỹ C.F. Gorman đã nhiều lần chối bỏ khái niệm văn hoá Hoà Bình và thay vào đó là thuật ngữ “Phức hệ kỹ thuật Hoà Bình” (Hoabinhian Technocomplex)[24]. Tinh thần của quan điểm này có ảnh hưởng rất lớn đến những học giả thuộc thế hệ sau C.F. Gorman, trong đó bà Rasmi Shoocongdej nhà khảo cổ học người Thái Lan, là một minh chứng điển hình. Sau những khai quật ở hang Lang Kamnan thuộc miền tây Thái Lan, nhà khảo cổ học này đã khuyến cáo các nhà khảo cổ từ bỏ khái niệm “Hoabinhian” vì nó không thích ứng với khung cảnh Đông Nam Á [26]. Cũng giống như C.F. Gorman, nhà khảo cổ học Danny Tân đã gắn phức hợp kỹ thuật Hoà Bình vào một số sưu tập cuội ở Australia và New Guinea [29, tr.74]. Hay như W.Solheim II đã không quan niệm Hoà Bình như là một văn hoá mà xem nó như một phức hợp kỹ thuật khi xem xét một số di tích đá cuội ở Nhật Bản [27, tr.19-26].
Cho đến nay, giới khảo cổ học Việt Nam vẫn kiên trì khái niệm văn hoá khảo cổ để chuyển tải những nội dung của một tập hợp những di tích như Hoà Bình ở Việt Nam và Đông Nam Á. Có một thực tế là, các nhà tiền sử học Việt Nam còn vắng bóng trên lĩnh vực khảo cổ học lý thuyết. Mặt khác, chúng ta chưa quan tâm đầy đủ các vấn đề chung đặt ra cho tiền sử Đông Nam Á, do vậy, đã đến lúc chúng ta cần phải đẩy mạnh việc nghiên cứu khảo cổ học lý thuyết; trước hết cần làm rõ Hoà Bình là một văn hoá, hay những văn hoá hoặc phức hợp kỹ thuật.
Thứ hai, chúng ta đã thu được rất nhiều thành tựu trong việc nghiên cứu văn hoá Hoà Bình. Song những vấn đề về cấu trúc xã hội của cư dân Hoà Bình vẫn chưa được làm rõ. Có chăng chỉ là những thử nghiệm, nặng tính suy đoán, và thiếu cơ sở vững chắc. Đã có những nghiên cứu thành công về sự phát triển kinh tế và tổ chức xã hội của cư dân cổ Cúc Phương [14]. Từ việc nghiên cứu hệ thống sinh thái nhân văn vùng Đông Bắc, Hà Hữu Nga đã gắng dựng lên các cấu trúc xã hội tiền nhà nước vùng Đông Bắc [13]. Mới đây, bằng phương pháp nghiên cứu “vi khảo cổ học” (Micro studies of archaeology), Nguyễn Việt đã cho chúng ta biết phần nào tổ chức kinh tế xã hội tiền sử thể hiện rõ nét qua chiến lược lương thực của người Hoà Bình [30, tr.4432-462]. Rõ ràng là, chúng ta cần có nhiều hơn những công trình như vậy.
Thứ ba, về văn hoá phi vật thể của người Hoà Bình, chúng ta cũng còn hiểu biết rất ít. Một số viên cuội hoặc tảng đá có những vết khắc trên bề mặt đã được tìm thấy ở di chỉ Lam Gan, Làng My, Làng Bon, Kim Bảng, Yên Lạc, Xóm Trại. Vết khắc đó là ký hiệu ghi chép hay là những biểu tượng nghệ thuật? Đây vẫn còn là những ẩn số chưa được giải mã. Những mầm mống nghệ thuật tạo hình nguyên thuỷ thể hiện trên vách hang Đồng Nội cho đến nay vẫn chưa được chứng minh một cách chắc chắn là sáng tạo của người Hoà Bình.
Sự cảm thụ thế giới xung quanh của người Hòa Bình rất nhạy bén, trong đó con người là trung tâm, là vĩnh hằng, linh thiêng và vô cùng cao quý. Nhận thức như vậy về con người được cư dân Hòa Bình thể hiện sinh động qua việc cư xử với người chết. Trong những năm gần đây, số lượng mộ táng Hoà Bình phát hiện nhiều hơn, được xử lý có kết quả hơn. Đây là nguồn tài liệu quý không chỉ giúp cho việc nghiên cứu về thành phần nhân chủng mà còn cả vấn đề lễ nghi táng thức. Năm 2005, tài liệu mộ táng phát hiện được ở hang Phia Vài, Tuyên Quang đã đem lại cho chúng ta nhận thức mới về táng thức của người Hoà Bình. Đó là cách khâm liệm đặt vỏ ốc vào hốc mắt người chết [6]. Hành vi này là tư duy thẩm mỹ hay là táng tục đặc biệt? Có ý kiến cho rằng đây là một biểu hiện của tôn giáo nguyên thủy, có ý kiến cho rằng đây thuần túy chỉ là tư duy thẩm mỹ làm người chết đẹp hơn, sống động hơn.
Còn rất nhiều những biểu hiện khác của đời sống tinh thần cư dân Hòa Bình, cũng như còn rất nhiều việc cần được tiếp tục nghiên cứu trong thời gian tới.
5. Kết luận
Kể từ khi giới khảo cổ học thế giới vinh danh văn hóa Hòa Bình cách đây 85 năm đến nay, ngành khảo cổ học Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành tựu trong việc nghiên cứu nền văn hóa này. Đã có nhiều vấn đề được sáng tỏ. Từ những kết quả nghiên cứu mới, nhiều nhận thức mới được hình thành, nhưng cũng không ít vấn đề mới nảy sinh. Đối với khảo cổ học, còn rất nhiều việc phải làm với văn hóa Hòa Bình. Với những giá trị lịch sử văn hóa nổi bật, văn hóa Hòa Bình là di sản văn hóa quý hiếm của dân tộc có giá trị quốc tế cao. Sau gần một thế kỷ phát hiện và nghiên cứu, văn hóa Hòa Bình vẫn luôn là một nền văn hóa tiền sử độc đáo, đầy sức cuốn hút với nhiều thế hệ khảo cổ học nói riêng và khoa học xã hội nhân văn nói chung. Trong điều kiện khoa học phát triển như hiện nay, công cuộc nghiên cứu tiếp tục về văn hóa Hòa Bình sẽ hứa hẹn khai mở được nhiều điều bí ẩn của nền văn hóa khảo cổ xa xưa rất nổi tiếng này.
Tài liệu tham khảo
[1] Hoàng Xuân Chinh (Chủ biên) (1989), Văn hoá Hoà Bình ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
[2] Hoàng Xuân Chinh (2005), Các nền văn hoá cổ Việt Nam, Nxb Lao động, Hà Nội.
[3] Trình Năng Chung (1993), “Nhân một phát hiện chưa công bố của M. Colani, bàn về tục cải táng của cư dân văn hoá Hoà Bình”, Tạp chíKhảo cổ học, số 3.
[4] Trình Năng Chung, Bùi Vinh (1999), “Khai quật hang Đán Cúm và Nà Chảo, Hà Giang”, Những phát hiện mới khảo cổ học năm 1999, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
[5] Trình Năng Chung (Chủ biên) (2009), Tiền sử và sơ sử Tuyên Quang, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
[6] Nguyễn Lân Cường (2007), “Một phát hiện độc đáo về cổ nhân học tại hang Phia Vài (Tuyên Quang)”, Tạp chí Khảo cổ học, số 4.
[7] Nguyễn Gia Đối (2017), “Văn hóa Hòa Bình trong bối cảnh thời đại đá giữa: Vấn đề và thảo luận”, Hội thảo khoa học 85 năm thế giới công nhận nền văn hóa Hòa Bình, Hòa Bình.
[8] Diệp Đình Hoa (1978), “Thành phần hoá học của đồ gốm cổ ở một số địa điểm thuộc thời đại đá mới Việt Nam”, Những phát hiện mới khảo cổ học năm 1978, Viện Khảo cổ học, Hà Nội.
[9] Hội thảo Khoa học Quốc tế về hang Con Moong (2014), Hội thảo Quốc tế về di chỉ hang Con Moong và phức hợp di chỉ khảo cổ học ở khu vực lân cận, Tp.Thanh Hóa.
[10] Phạm Lý Hương (1984), “Gốm trong văn hoá Hoà Bình”, Tạp chí Khảo cổ học, số 1, 2.
[11] Hán Văn Khẩn (Chủ biên) (2008), Cơ sở Khảo cổ học, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
[12] Lưu Thị Phương Lan, Ellwood B. B., Nguyễn Chiến Thắng (2009), “Chu kỳ Younger Dryas trong số liệu từ cảm tại hang Con Moong (Thanh Hoá)”, Tạp chí Các khoa học về trái đất, t.31.
[13] Hà Hữu Nga (2004), “Khảo cổ học Đông Bắc Việt Nam: Từ những hệ sinh thái nhân văn tới cấu trúc xã hội tiền nhà nước”, Một thế kỷ khảo cổ học Việt Nam, t.I, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
[14] Nguyễn Khắc Sử (1983), “Sự phát triển kinh tế và tổ chức xã hội của cư dân cổ Cúc Phương”, Tạp chí Khảo cổ học, số 1.
[15] Nguyễn Khắc Sử (1984), “Nghiên cứu công cụ văn hóa Hòa Bình”, Tạp chí Khảo cổ học, số 1,2.
[16] Nguyễn Khắc Sử, Nguyễn Anh Tuấn (2012), “Khai quật di chỉ Mái đá Vàng”, Tạp chí Khảo cổ học, số 5.
[17] Hà Văn Tấn (1982), “Các hệ sinh thái nhiệt đới tiền sử Việt Nam và Đông Nam Á”, Tạp chí Khảo cổ học, số 3.
[18] Hà Văn Tấn (Chủ biên) (1998), Khảo cổ học Việt Nam, t.I: Thời đại đồ Đá, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
[19] Seonbok Yi, Jeong Lee, Lâm Mỹ Dung, Vũ Thế Long và Nguyễn Kim Thuỷ (2004), “Niên đại AMS của một số địa điểm khảo cổ học Việt Nam”, Tạp chí Khảo cổ học, số 2.
[20] Bùi Vinh (1984), “Văn hóa Hòa Bình trong buổi đầu thời đại đá mới Việt Nam”, Tạp chí Khảo cổ học, số 1, 2.
[21] Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (1967), Những hiện vật tàng trữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam về văn hoá Hoà Bình, Hà Nội.
[22] Trần Quốc Vượng, Lâm Mỹ Dung (1994), “Không gian văn hoá Hoà Bình”, Tạp chí Khảo cổ học, số 3.
[23] Trinh Nang Chung (1994), “Technological and typological characteristics of the chipped tools in the Hoa Binh culture”, Vietnam Social Sciences Review, No.5.
[24] Gorman.C.F. (1969), “Hoabinhian: A pebble-tool complex with early plant association in Southeast Asia”, Science, Vol.16.
[25] Matthews J.M. (1964), The Hoabinhian in Southeast Asia and Elsewhere, Ph.D. Thesis, Australian National University, Canberra.
[26] Rasmi Shoocongdej (1966), “Forager mobility organization in seasonal torpical environments: a view from Lang Kaman cave, Western ThaiLand”, Ph.D. Thesis, the University of Michigan.
[27] Solheim W.G. II (1974), “The Hoabinhian and Island Southeast Asia”, Regions - Proceedings of the fisrt Seminar on Southeast Asian Prehistory and Archaeology, National Museum of the Philippines, Manila.
[28] Ha Van Tan (1994), “The Hoabinhian in Southeast Asia: Culture, Cultures or Technocomplex”, Vietnam Social Sciences Review, No.5.
[29] Danny Tân (2000), “Hoabinhian artifacts from greater Australia: diffusion of a single technology”. Bulletin of the Indo-Pacific Prehistory Association, Vol.1.
[30] Nguyen Viet (2004), “Hoabinhian Food strategy in Viet Nam”, Southeast Asian archaeology by Wilhelm G.Solheim II Festchrift, The University of the Philippines Press, Diliman, Quezon City.
[31] Xueping Ji et all (2015), “The oldest Hoabinhian technocomplex in Asia (43.5 ka) at Xiaodong rockshelter, YunnanProvince, southwest China”, Quaternary International.
[32] Colani. M. (1926), “Découverte du Paléolithique la province de Hoa Binh” L’Anthropologie, Vol.XVI.
[33] Colani. M. (1927), “L’Âge de la pierre dans la province de Hoa Binh”, Memoires du Service Geologique de l’Indochine, Vol. XIV.
[34] Colani. M. (1930), “Quelques stations Hoabinhiennes”. Bulletin l’Ecole francaise d’ Extreme-orient, Hanoi-Paris, Vol.XXIX.
[35] Colani. M. (1932), “Différent aspects du néolithique Indochinois”, Préhistoris Asiae Orientalis. Premier Congrès des Préhistoriens d’Extrême- Orient.