Cách trình bày một bài báo khoa học

Cập nhật 09:13 ngày 14/12/2017
(Văn hóa) - Triều Đông (dựa trên tài liệu trực tuyến của các trường đại học và tạp chí khoa học nghiên cứu của Mỹ)
Phần lớn các Tạp chí khoa học ở Mỹ đều áp dụng một dạng thức chuẩn (standard format) cho các bài báo khoa học (scientific papers) thuộc loại cống hiến nguyên thuỷ (original contributions) bao gồm những mục sau, mỗi mục đều có chủ đích nhất định:
 
1. Tựa bài (Title): Tựa bài thường từ 10 –15 từ (có tạp chí còn rút ngắn xuống dưới 10 từ), phản ánh nội dung chính của bài viết. Một tựa bài tốt không phải nhằm mục đích lôi cuốn hấp dẫn độc giả mà là đề cập thẳng vấn đề muốn giải quyết và dùng những từ chủ yếu (keywords) để những ai nghiên cứu trong cùng một lĩnh vực có thể nhận biết được. Sau tựa bài là tên tác giả, có tạp chí ghi chú chức danh, học hàm học vị, có tạp chí không nhưng cho biết nơi làm việc, địa chỉ email và còn ghi tên người biên tập, ngày nhận bài và ngày chấp thuận đăng (tạp chí PNAS – Proceedings of the National Academy of Sciences).
 
2. Tóm tắt (Summary or Abstract): Mục đích của phần tóm tắt là giúp độc giả nhận biết bài viết có phù hợp với đề tài mình họ đang quan tâm không. Phần này tóm tắt ngắn gọn (từ 100 đến 200 từ) mục đích của bài viết, dữ liệu trình bày và kết luận chính của tác giả. Có tạp chí (Nature và Science) xem phần này như lời giới thiệu ngắn (brief introduction) về bài viết.
 
3. Introduction (Giới thiệu): Trong phần này, tác giả xác định đề tài nghiên cứu, phác thảo mục tiêu nghiên cứu và cung cấp cho độc giả đầy đủ cơ sở khoa học để hiểu biết phần còn lại của bài viết. Cần chú ý giới hạn những kiến thức cơ sở này trong các thử nghiệm của tác giả. Mục này sẽ đạt yêu cầu nếu trả lời được những câu hỏi như: (1) Lý do thực hiện nghiên cứu này? (xuất phát từ hiện tượng tự nhiên hay các tư liệu đã có trước), (2) Những kiến thức nào đã có trước về đề tài này? (tổng kết tư liệu, quá trình phát triển ý tưởng trước đó của các tác giả khác, những khẳng định, mâu thuẫn, và khác biệt giữa các tài liệu đã có về đề tài này), (3) Mục đích chính của nghiên cứu là gì?
 
4. Dữ liệu và phương pháp nghiên cứu (Materials and Methods): Mục này còn được gọi là Experimental details (Dữ liệu thử nghiệm) hay Theoretical basis (Cơ sở lý thuyết). Dữ liệu thu thập được và phương pháp nghiên cứu của tác giả được trình bày ở đây. Mục này khó viết nhất ở chỗ cung cấp vừa đủ chi tiết để hiểu được thử nghiệm nghiên cứu nhưng không làm rối trí độc giả. Nhìn chung, tác giả sẽ phải trả lời những câu hỏi sau: (1) Dữ liệu nào đã sử dụng? (2) Chúng được sử dụng như thế nào? (3) Địa điểm và thời gian hoàn thành thử nghiệm?
 
5. Kết quả (Results): Mục này tóm tắt những kết quả thử nghiệm và không đề cập đến ý nghĩa của chúng. Dữ liệu được trình bày theo bảng biểu, đồ thị hình vẽ, hình ảnh v.v…Những dữ liệu đã ghi theo bảng không nên trình bày lại theo hình vẽ hay biểu đồ. Những số liệu và bảng biểu tự chúng đã trình bày đầy đủ thông tin mà không cần phải giải thích thêm bằng lời. Mục này nên tập trung vào những xu hướng và khác biệt chính chứ đừng sa vào những chi tiết nhỏ nhặt.
 
6. Diễn giải và Phân tích kết quả (Discussion): Mục này nhằm: (1) Diễn giải phân tích kết quả, những ưu điểm và hạn chế, tách bạch rõ ràng dữ liệu và suy luận, (2) Mối liên hệ giữa kết quả nghiên cứu của tác giả với những phát hiện khác trong các nghiên cứu trước đó. Điều này cho thấy đóng góp của tác giả bổ sung cho lý thuyết và kiến thức, hay điều chỉnh những sai sót của các đề tài nghiên cứu trước đó. Tất nhiên, người viết phải có những lý lẽ thật lôgích cho những thử nghiệm và suy luận của mình và cũng có thể đề nghị tiếp tục những thử nghiệm trong tương lai để làm sáng tỏ những vấn đề còn bỏ ngỏ trong kết quả của mình.
 
7. Phần cảm ơn (Acknowledgements) hay Tài liệu tham khảo (Reference): Người viết cảm ơn những người đã cộng tác nghiên cứu với mình và liệt kê tất cả tài liệu đã trích dẫn trong bài viết. Cách trình bày theo thứ tự, tên tác giả, tác phẩm, năm tháng, nơi xuất bản v.v.. có thể khác nhau giữa các tạp chí (trước sau, in nghiêng, in đậm v.v..).
 
Phần lớn các tạp chí khoa học đều theo cách trình bày trên, tuy nhiên cũng có thể khác nhau chút ít như ghép chung các mục Results và Discussion, hoặc xếp mục Materials and Methods sau mục Discussion. Đối với những tạp chí có đối tượng bạn đọc rộng rãi như Science và Nature thì các bài viết khoa học được rút gọn tối đa vì phải dành trang cho những bài viết khác. Những dữ liệu ít quan trọng và phần lớn nội dung trình bày phương pháp và thử nghiệm, độc giả có thể tìm hiểu thêm trên tạp chí trực tuyến của họ. Cũng có tạp chí không nhất thiết sử dụng đầy đủ tên gọi các tiểu mục như trên tuy nội dung vẫn như vậy, như họ không đặt tiểu mục là Tóm tắt, hay Dữ liệu và phương pháp nghiên cứu, Kết quả, Diễn giải và Phân tích …Ví dụ như bài Evaluating Living Wage Laws in the United States: Good Intentions and Economic Reality in Conflict? đăng trong Economic Development Quaterly (2.2005) có nội dung như sau: What Is a Living Wage? Quantifying the Concepts Measuring Poverty, Thresholds Regional Living Costs, Estimating Costs of Living Wage Ordinances, Data Sources, Wage and Benefit Increases, Cost Estimates, Alternative Adjustments for Covered Firms, Contractors – Only Ordinances, Adjustments under Areawide Ordinances, Labor Substitution, Conclusions, Notes, References (không đánh số La Mã); bài Estimation with Price and Output Uncertainty đăng trên Journal of Applied Economics (12.2005) với nội dung I. Introduction, II. Additive output uncertainty, III. Multiplicative output certainty, IV. Empirical exercise, V. Results & Conclusing và References, hay bài Employment Generation for the Rural Poor in Asia:
 
Perspectives, Patterns, and Policies đăng trên Asian Development Review (1.2006) với I. Introduction, II. Models of Rural Development, III. Rural Employment: the Evidence , IV. Other Stylized Patterns In Rural Employment, V. Policies for Employment Generation, VI.Concluding Remarks và References.
 
Theo CIVILLAWINFOR TỔNG HỢP TỪ NGUỒN TẠP CHÍ PHÁT TRIỂN KINH TẾ
Cập nhật tin tức về khoa học xã hội tại: tapchikhxh.vass.gov.vn