Ý niệm về sự bất tử và tái sinh trên đèn đồng Đông Sơn

Cập nhật 08:39 ngày 02/03/2018
(Văn hóa) - LTS: Lửa được xem là vị thần hộ mệnh của nhiều dân tộc trên thế giới. Đối với con người thời xa xưa, lửa luôn mang tính thiêng. Lửa gắn với đời sống tinh thần của con người. Việc giữ lửa là vấn đề sống còn, do vậy cây đèn ra đời, được sử dụng trong đời sống và trở thành đồ tùy táng với quan niệm duy trì ánh sáng cho con người khi sang thế giới bên kia. Không chỉ có vậy, những tạo hình đặc biệt của cây đèn còn chứa đựng nhiều bí ẩn về thế giới quan, nhân sinh quan của người xưa. VHNT giới thiệu một nghiên cứu ban đầu về những quan niệm nhân bản (một dạng/hình thức tín ngưỡng vật linh) của người Việt trong giai đoạn văn hóa Đông Sơn thuộc nền văn minh sông Hồng, thông qua những tạo hình đặc biệt của cây đèn đồng tìm thấy trong các di chỉ khảo cổ.

Số lượng đèn đồng Đông Sơn (1) tìm được qua các đợt khảo cổ không nhiều nhưng lại phong phú về loại hình. Nhờ sự phát triển của kỹ thuật đúc đồng, người ta đã tạo ra được những cây đèn có kết cấu phức tạp. Dựa vào kết cấu của đèn, có thể phân thành bốn loại: đèn đĩa có tay cầm, đèn treo, đèn chùm và đèn có chân thuộc dạng tượng tròn. Riêng loại đèn cuối cùng còn được chia làm ba nhánh nhỏ: chân đèn có hình tượng người, hình tượng chim hoặc thú và chân đèn kết hợp cả hai loại trên. Đa phần các chân đèn được tạo hình rất sinh động, thường gặp nhất là hình người, hình chim, rồng, voi, hươu, rùa, nghê, cóc, lợn cõng đèn…; các quai đèn, nhánh đỡ đĩa đèn đôi khi cũng được cách điệu thành những nhánh, thân cây có đốt như đốt tre hay đốt mía…

Yếu tố phồn thực trong nghệ thuật tạo hình đèn

Trong nghệ thuật và tín ngưỡng nguyên thủy, các yếu tố phồn thực luôn được phản ánh một cách tự nhiên, giản dị, đặc biệt khi người ta tiến hành các nghi lễ, nơi không thể thiếu nguồn sáng từ những cây đèn. Điều đáng kể là chính tạo hình của các cây đèn lại chuyên chở một cách đầy đặn, hoặc cụ thể hoặc ý vị, yếu tố phồn thực.

Chiếc đèn ở Pompeii (2) có lối thể hiện táo bạo: bầu đựng dầu gợi tả tạo hình dương vật của người đàn ông được phóng đại kích cỡ; đầu của bầu đựng dầu đặt bấc đèn. Những chiếc đèn trong hình tượng mẹ Laskmi của Ấn Độ được thể hiện như hình một âm hộ lớn. Trong những trường hợp này, chiếc đèn mang ý nghĩa tâm linh: thắp lên ánh sáng khởi nguồn và tái sinh, mở ra sự sống mới. Không quá trần trụi và rõ ràng như vậy, song trên các đèn đồng Đông Sơn, vẫn dễ dàng nhận ra yếu tố phồn thực.

Đĩa đèn là thành phần quan trọng nhất trên mỗi đèn đồng. Những đĩa đèn hình tròn, hình lá sen cách điệu, hình oval… trong đó nổi lên mỏ bấc lớn có thể xem là khá gần gũi với hình ảnh âm hộ của người đàn bà (3). Chiếc mỏ bấc của đèn ký hiệu P162 trong sưu tập Hioco Galerie có tạo hình vừa như là một cành hoa sen đồng thời cũng tượng trưng cho một chiếc linga (4). Hình tượng sinh thực khí cũng dễ nhận thấy ở nhiều chân đèn khác.

Cùng được tìm thấy trong mộ Lạch Trường số 3 (5), hai cây đèn hình người quỳ và hình người ôm ngõng đều có những dấu hiệu khá rõ nét về biểu tượng linga - vật biểu trưng cho sức mạnh sinh tồn nòi giống. Vai trò của linga được nhấn mạnh khi khuếch đại tỷ lệ so với cơ thể. Cây đèn có hình người ôm ngõng thể hiện rõ hình người đang ôm một cần cong có dáng cái linga, mọc ra từ dưới ngực. Bức tượng gợi về một trạng thái tinh thần đặc biệt trong phút giây hoan lạc đầy nhục cảm của con người. Dường như nó gắn liền với một nghi lễ quan trọng hơn là chức năng chiếu sáng thông thường. Chân đèn Lạch Trường trong hình thức một người đang quỳ, hai tay bưng một cái khay. Trên hai bắp tay và đằng sau lưng có hình người nhỏ tựa người vào, mỗi người ôm một ngõng đèn cong hình chữ S mà thực chất là một linga kéo dài. Tư thế thả lỏng cơ thể với hai chân buông thõng, hai tay ôm giữ cần đèn gợi người ta liên tưởng tới hành động giao phối, một trạng thái dâng hiến trọn vẹn.

Nhìn rộng ra, trên các đồ dùng lễ nghi thuộc giai đoạn văn hóa Đông Sơn, các hình ảnh sinh thực khí không hiếm gặp. Trong ngôi mộ do Olov Janse khai quật ở Thung Thôn (Thanh Hóa), người ta cũng phát hiện được một thứ gợi hình linga, bằng chất liệu sừng, dài 15cm, đường kính 2,5cm, được chạm trổ và trang trí khắp mặt (6). Một hiện vật khác, có vẻ là bùa, gợi hình dương vật, bằng đồng, phía trên có gắn tượng hai người ngồi bó gối quay lưng lại cũng tìm được trong một ngôi mộ khác ở khu vực Bắc Trung Bộ...

Việc gắn lên đồ vật hoặc tạo hình đồ vật tùy táng theo những biểu trưng phồn thực sinh sôi nảy nở cho thấy ý niệm của con người thời đó về mối tương quan giữa sự sống - cái chết: con người khi chết đi là bắt đầu một cuộc sống mới. Khi quả chín rụng xuống, nó ươm trong mình mầm cây mới. Trên thạp đồng Đào Thịnh, vật vốn dùng để mai táng, có hình bốn cặp nam nữ đang giao phối. Các tượng nam khi được tạc trong trạng thái lõa thể, thường đều có dương vật phóng đại so với kích thước thực. Ngày nay, tục lệ trai gái giao duyên vào ngày hội mùa, mong cho mùa màng tốt tươi, là vết tích của tín ngưỡng phồn thực dân gian Việt Nam.

Hình ảnh các loài động vật được trang trí trên đèn đồng cũng thể hiện quan niệm của người xưa về sự sống và cái chết. Chim là một hình ảnh đa nghĩa xuất hiện nhiều trên đèn đồng: đèn cách điệu hình chim, chim đậu trên các quai đèn treo, đĩa đèn cách điệu hình chim… Chim xuất hiện rất nhiều trên vô số quai đèn tìm được.

Đối với dân tộc Kinh cũng như nhiều tộc người khác trên đất nước ta, chim được xem như thủy tổ. Truyền thuyết Việt kể mẹ chim Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng, nở trăm người con trai và con trưởng là vua Hùng. Huyền thoại Mường kể đôi chim AlƯa đẻ ra người và các con vật. Trên mặt nạ châu Phi, chim là biểu tượng của sự sống, sự sinh sản. Nhiều tộc người trên thế giới tin rằng hồn người chết sẽ hóa thành chim. Con chim bay lên trời gợi đến hình ảnh của linh hồn thoát khỏi thể xác. Chim là biểu tượng chính thống nhất và đối lập với biểu tượng rắn, tạo thành cặp biểu tượng lưỡng phân, lưỡng hợp phổ biến.

Đèn hình người quỳ Lạch Trường do O.Janse phục chế Nguồn: sách Bí mật của cây đèn hình người, O.Janse 

Cùng xuất hiện trên các đĩa đèn của hình người quỳ tìm thấy ở khu vực Lạch Trường, Thanh Hóa, rắn và chim như hai thực thể âm dương đối nghịch, thể hiện sự giao hòa. Có âm, có dương thì mới tạo ra sự sống. Mặt khác, rắn lại là biểu tượng của cái nhất nguyên, bằng với cội nguồn của sự sống. Quan niệm rắn là tổ tiên của người cũng lại phổ biến trên thế giới. Tại Haiti, rắn là thần sông suối, mây mưa, sấm chớp, là thần cho sức mạnh phồn thực giữa các hòn đá sấm. Các môtip trứng rắn nở ra người, người đàn bà mang thai với rắn, rồng khá phổ biến trong các huyền tích, thần tích của nhiều vị anh hùng, vua chúa, thần làng ở người hoa (như Hán Cao Tổ Lưu Bang) và người Việt (như Linh Lang Đại Vương). Trong tâm thức Ấn Độ giáo, rắn Ananta nằm cuộn ở chân trục vũ trụ, nâng đỡ và bảo đảm sự ổn định cân bằng của thế giới. Rắn chính là con vật đầu tiên đóng vai trò nâng đỡ cả thế giới trên mình và voi, rùa, trâu, bò… chỉ là những con vật thay thế.

Cây đèn có hình rùa ngậm nhĩ bôi tìm được ở mộ số 7 Bỉm Sơn (Thanh Hóa) không còn nguyên vẹn, nhưng với ba cái chốt rỗng gắn ở đuôi và hai bên sườn, ta hoàn toàn có thể suy đoán đó là một cây đèn chùm, một hình thức nâng đỡ vũ trụ trên lưng? Con voi cõng đèn làng Vạc hẳn cũng có nhiệm vụ như vậy. Trên lưng voi, ta còn nhận thấy cả một hoạt động nghi lễ quan trọng đang được tiến hành: lễ hiến sinh. Hai nhân vật ngồi ở phía trên đang tập trung vào một công việc thần bí, sau lưng họ là hai con vật như đã sẵn sàng cho lễ hiến sinh.

Đèn đồng ký hiệu P162, nguồn: Hioco Galerie 

Khi xem xét các loài vật được thể hiện trên đèn đồng dưới cái nhìn về sự sinh sôi, nảy nở ta sẽ nhận ra vô vàn các lớp ý nghĩa biểu tượng. Các hình ảnh rồng, rắn, tê, ngưu cho tới hươu, chim, cóc, lợn… gắn trên các vật dụng đã thể hiện tư duy của người xưa về thế giới: chết không phải đã hết mà là sự bắt đầu của cuộc sống mới tốt đẹp hơn.

Ý nghĩa và biểu tượng vũ trụ thể hiện trên đèn đồng

Ý nghĩa và biểu tượng vũ trụ trên đèn đồng được thể hiện ra trong hình tượng cây vũ trụ và chim ba chân. Đây cũng là những hình ảnh được bắt gặp khá đa dạng trong nhiều nền văn hóa thế giới có sự gần gũi với văn hóa Hán đương thời.

Dạng đèn chùm tượng trưng cho cây vũ trụ được tìm thấy rất nhiều ở những khu vực thuộc nền văn hóa Hán với tạo hình phong phú, kỹ thuật tạo tác tinh xảo. Ở Việt Nam, hình tượng cây vũ trụ có thể nhận thấy ở những hiện vật điển hình như cây đèn hình người quỳ Lạch Trường, đèn người quỳ làng Vạc, đèn voi cõng nhiều nhánh trên lưng, đèn đĩa mỏ bấc dài trong sưu tập Hioco Galerie hay những quai đèn có chim đậu. Nhiều quai đèn và tay cầm của bình đốt trầm - một vật có chức năng khá gần gũi với đèn còn được tạo thành các đốt, khấc thậm chí còn gợi cả mắt lá. Trong ý niệm thần thoại, đó là biểu tượng của cây vũ trụ, cây mặt trời hay còn gọi là cây của sự sống.

Đèn duy trì và phát ra ánh sáng, đại diện cho nguồn sinh lực vũ trụ dồi dào, khơi dậy nguồn sống, kiến thành vạn vật và cho ý niệm về sự bất tử. Tất cả những hình ảnh thể hiện trên đèn đều cho thấy tính biểu tượng thiêng liêng của mặt trời. Cây mặt trời là nơi chim đậu. Chim trong một giới hạn nào đó cũng là biểu tượng thiêng liêng của mặt trời. Họ nhà chim được thể hiện với tần số dày đặc trên những đồ đồng, đồ gốm Đông Sơn. Một điều rất đặc biệt đó là sự xuất hiện của những con chim 3 chân thường được biết đến với tên gọi phổ biến là kim ô (quạ 3 chân). Vật dụng Đông Sơn giai đoạn thuộc Hán hầu hết đều có 3 chân. Nhiều đĩa đèn Đông Sơn được cách điệu thành hình chim 3 chân; đôi khi chúng (kim ô) cũng được thể hiện đơn giản là những con chim nhỏ đậu trên cây vũ trụ. Trên cây đèn hình người quỳ Lạch Trường có ba đĩa đèn, trong đó có một đĩa trang trí hình đầu rắn, hai đĩa hình chim, các đĩa đèn này đều có 3 chân.

Ý niệm về cây vũ trụ trước kia và gần đây rất phổ biến ở châu Âu và châu Á, Trung Quốc cũng như các dân tộc thiểu số Việt Nam. Trên nhiều chiếc đèn gốm trước CN ở châu Âu, người ta thường trang trí hình các loài cây thiêng (7). Huyền thoại ở Ấn Độ, Assyria mô tả cây vũ trụ như những cây mọc ngược. Các vị thần thường được gắn sau lưng những cành cây bất tử. Tâm linh về cây cuộc sống cũng có ở các dân tộc Việt, Lào. Cây là hiện thân số phận của con người trong dân tộc người Ê đê. Người Tày ở Bái Thượng (Thanh Hóa) có tục thể hiện hình cây với ý nghĩa liên quan đến lễ nghi mai táng. Khi có đám ma, họ thường làm một cây giả bằng gỗ có những con chim cũng bằng gỗ đậu trên đó. Cây giả được đặt vào trong nhà người chết. Cây nêu dùng để cọc trâu trong lễ hiến sinh (hội đâm trâu) của nhiều tộc người cũng phản ánh tín ngưỡng tôn thờ cây thần thánh. Hình ảnh voi cõng đèn cũng phần nào gợi tả về cây vũ trụ. Nhiều huyền thoại và huyền tích Việt Nam đều có hình tượng cây mọc ngược tượng trưng cho sự sống. Trong tâm linh và thần thoại người Mường về sáng tạo vũ trụ, cây cuộc sống biểu hiện nguyên lý về trật tự thế giới đối nghịch với trạng thái hỗn mang khi thế giới tạo lập (8).

Một trong số những truyền thuyết rất phổ biến ở Trung Quốc và có lẽ cả ở Việt Nam là câu chuyện về chàng Hậu Nghệ bắn rụng mặt trời. Mặc dù có nhiều dị bản khác nhau đôi chút về chi tiết song nội dung cơ bản như sau: Cây đại thụ (cây dâu) mọc ở trên trời. Trên cây có 10 con quạ 3 chân (kim ô) trú ngụ, mỗi con quạ như một mặt trời. Sức nóng của cả 10 mặt trời quá lớn đến mức nhân gian không chịu nổi. Vua Nghiêu giao cho Hậu Nghệ, người có tài bắn cung, bắn rụng 9 mặt trời đó. Hậu Nghệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình và được nhà vua ban thưởng cho một loại nước chiết, uống vào sẽ trường sinh bất tử. Vợ Hậu Nghệ đã uống trộm thứ nước này và kết quả là bị đày lên mặt trăng. Nàng bị biến thành con thỏ (hay con cóc 3 chân, cũng có khi là con chó) và có nhiệm vụ hàng ngày phải nghiền hoa quả từ cây vũ trụ để chiết xuất ra nước trường sinh. Cứ đến ngày rằm, Hậu Nghệ lên thăm vợ và giúp nàng hái quả cây thần để chế thuốc trường sinh. Ta thấy bóng dáng của câu chuyện này đã được thể hiện trên một viên gạch Lim (9). Điều đáng lưu ý là dường như, những hình ảnh xuất hiện trên viên gạch này cũng thể hiện quan hệ âm dương đối đãi và sự trường sinh. Hình ảnh người và chó giã cối dưới gốc cây trường sinh chắc là nhắc tới câu chuyện chàng Hậu Nghệ và vợ đang chế thuốc trường sinh. Có điều ở đây không phải là con thỏ giã cối mà là con chó; điều này phản ánh câu chuyện cổ tích của dân tộc Mường và dân tộc Thái về Hậu Nghệ còn được truyền miệng đến ngày nay. Vợ chàng Hậu Nghệ bị biến thành con chó. Điều này cũng gắn với sự tích chú cuội cây trăng của người Việt khi nhắc tới việc vợ chàng Cuội bị giết, chàng phải dùng ngũ tạng của con chó để cứu sống vợ mình. Như vậy, chủ nhân ngôi mộ gạch ở Lim này hẳn có nguồn gốc bản địa, hay chí ít là chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa bản địa. Bản thân câu chuyện về việc chế thuốc trường sinh dưới gốc cây vũ trụ cũng được thể hiện nhiều trên gương đồng thời Hán với nhân vật giã cối, ở đây là con thỏ có đôi tai dài. Ở Trung Quốc, vào thời Hán việc tôn thờ cây thần trở nên rất thịnh hành. Cây thần là biểu tượng của quý tộc đem lại sự giàu có và tốt lành. Trong các ngôi mộ Hán, người ta tìm được nhiều hiện vật thể hiện cây thần, đây là giai đoạn thịnh hành các tín ngưỡng về bùa chú, về cuộc sống sau cái chết nên việc chôn theo cây thần cũng phổ biến trong dân gian.

Dẫn chứng về hình tượng cây sự sống và kim ô trên viên gạch Lim để thấy rằng người Việt bản địa ở khoảng trước - sau CN có sự giao lưu và tiếp biến văn hóa bên ngoài một cách sâu rộng. Các hình tượng trang trí trên đèn đồng thời kỳ này cũng phản ánh sâu sắc đời sống văn hóa tinh thần, tâm linh của chủ nhân những ngôi mộ cổ.

Ý niệm về sự bất tử, hay đi tìm sự trường sinh bất tử gắn với Đạo giáo. Những câu chuyện siêu nhiên thần thánh và những nhân vật bất tử cũng đã xuất hiện rất sớm ở Việt Nam ở giai đoạn Đông Sơn hậu kỳ (10). Cư dân bản địa vốn có tín ngưỡng vạn vật hữu linh và tín ngưỡng ma thuật nên nếu như họ có chịu ảnh hưởng của những hình thức tín ngưỡng mang màu sắc Đạo giáo, như đi tìm sự bất tử, thì cũng không phải điều gì lạ. Mặt khác, ý niệm cây mặt trời là bắt nguồn và phát triển lên từ tục thờ thần mặt trời, nảy sinh ở giai đoạn đầu thời kỳ nguyên thủy. Chủ nhân của văn hóa Đông Sơn cũng có tục thờ thần mặt trời trên trống đồng. Hình ảnh cây vũ trụ và chim ba chân là những biểu tượng quen thuộc trong nhiều nền văn hóa trên thế giới, điều này cũng cho thấy mối giao lưu rộng rãi giữa văn hóa Đông Sơn và các nền văn hóa bên ngoài.

Việc tìm được hàng loạt các đồ minh khí trong mộ táng Đông Sơn cho thấy sự phát triển của tục tùy táng và các nghi thức đối với việc chôn cất và quan niệm về sự sống - cái chết của con người thời đó. Đây là cả một quá trình phát triển tự nhiên, có nền tảng từ văn hóa bản địa trước đó và sự giao lưu với văn hóa bên ngoài. Đáng lưu ý trong số những đồ tùy táng tìm được ở đây là những cây đèn đồng. Đèn trong sinh hoạt văn hóa cổ xưa, không đơn thuần chỉ là một vật dùng để thắp sáng hay giữ lửa. Đèn để trong ngôi mộ tương trưng cho một nguồn sáng bất diệt, vĩnh hằng, soi rọi cho một thế giới tồn tại khác của chủ nhân. Có lẽ vì vậy mà trên các cây đèn đồng, người ta gửi gắm nhiều ước vọng của con người về một kiếp sống mới hạnh phúc, no đủ, một sự tái sinh hay thậm chí là sự trường sinh, bất tử. Cây đèn trở thành vị thần giữ lửa soi đường, là cành cây bất tử hay mang các dấu hiệu phồn thực, là thứ sẽ giúp cho mộ chủ an nhiên, tự tại trong một thế giới khác.

______________

1. Cách gọi chung đối với hiện vật khảo cổ học là gọi tên chúng theo tên riêng của khu vực nơi phát hiện ra chúng. Bên cạnh đó, tên địa phương, khu vực ấy còn thường được dùng chỉ một niên đại, một giai đoạn văn hóa được định dạng thông qua hệ thống các hiện vật khảo cổ. Do phát hiện được một số đồ đồng Đông Sơn trong mộ táng thời Đông Hán nên niên đại văn hóa Đông Sơn, ở đồng bằng sông Hồng và sông Mã, được giới khảo cổ học và nghiên cứu văn hóa nhất trí định vị từ TK VIII - VII trước CN tới hết TK II sau CN. Những hiện vật ở giai đoạn Đông Sơn muộn này tương đương với cách gọi đồ Hán - Việt thời kỳ Giao Chỉ. Tiến sĩ Nguyễn Việt, Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á đặt ra thuật ngữ Văn hóa Lạch Trường.

2. Đèn đồng Pompeii, Italy, TK I-III trước CN, trưng bày tại Bảo tàng Khảo cổ học quốc gia Naples, Italy.

3. Tham khảo thêm ngõng đèn của chiến đèn có tên Người cầm đèn làng Vạc, Nghệ An, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam.

4. Đèn đồng dài 35cm, niên đại khoảng từ TK I trước CN - TK III, tìm được ở Việt Nam, ký hiệu P162 được giới thiệu trên Hioco Galerie chuyên doanh nghệ thuật châu Á. Nguồn: www.galeriehioco.com.

5, 6. Olov Janse, Archaeological research in Indo-china (Nghiên cứu khảo cổ học ở Đông Dương), Cambridge, Massachusetts, Harvard University Press, 1947. Cuốn chuyên khảo này được chia làm nhiều phần, giới thiệu kết quả các công trình khai quật khảo cổ tại Đông Dương trong suốt các năm từ 1934-1939. Tác giả đã tổng hợp được một số thông tin, hình ảnh về đèn đồng và trong đó, ông dành một phần ưu ái cho cây đèn hình người quỳ tìm được ở Lạch Trường. Bản tiếng Việt của cuốn sách này được dịch với mục đích làm tài liệu tham khảo của Viện Mỹ thuật, Đại học Mỹ thuật Việt Nam, ký hiệu từ D-55/cdd79 đến D-57/dd79, người dịch là nhà nghiên cứu mỹ thuật Triệu Thúc Đan.

7. Xem thêm trong Jean Chevalier, Alain Gheerbrant, Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Nxb Đà Nẵng, 2002.

8. Trích trong sử thi Đẻ đất đẻ nước: Cây cuộc sống xuất hiện, chấm dứt tình trạng hỗn mang: Mọc lên một cây xanh xanh/Cây xanh có chín mươi cành/Cành mọc lên trời lá xanh biết cựa/Thân trên mặt đất thân cây biết rung/Cành bung xung có tiếng đàn bà con gái/Cành chọc trời biến nên cật đứa cái/Là ông Thu Tha/Cành bung xung biến nên cật đứa con mái/Là bà Thu Thiên/Ra truyền: làm nên đất nên trời… (Đẻ đất đẻ nước, sử thi, Nxb Thông tấn, 2012).

9, 10. Tích Hậu Nghệ, Hằng Nga trên viên gạch ở mộ Hán thuộc hậu kỳ Đông Sơn, vùng Lim, đã được gửi sang Bảo tàng Cernuschi ở Paris, xem thêm O.Janse, sđd.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 404, tháng 2 - 2018

Tác giả : VŨ THỊ HẰNG

Số lượng đèn đồng Đông Sơn (1) tìm được qua các đợt khảo cổ không nhiều nhưng lại phong phú về loại hình. Nhờ sự phát triển của kỹ thuật đúc đồng, người ta đã tạo ra được những cây đèn có kết cấu phức tạp. Dựa vào kết cấu của đèn, có thể phân thành bốn loại: đèn đĩa có tay cầm, đèn treo, đèn chùm và đèn có chân thuộc dạng tượng tròn. Riêng loại đèn cuối cùng còn được chia làm ba nhánh nhỏ: chân đèn có hình tượng người, hình tượng chim hoặc thú và chân đèn kết hợp cả hai loại trên. Đa phần các chân đèn được tạo hình rất sinh động, thường gặp nhất là hình người, hình chim, rồng, voi, hươu, rùa, nghê, cóc, lợn cõng đèn…; các quai đèn, nhánh đỡ đĩa đèn đôi khi cũng được cách điệu thành những nhánh, thân cây có đốt như đốt tre hay đốt mía…
Yếu tố phồn thực trong nghệ thuật tạo hình đèn
Trong nghệ thuật và tín ngưỡng nguyên thủy, các yếu tố phồn thực luôn được phản ánh một cách tự nhiên, giản dị, đặc biệt khi người ta tiến hành các nghi lễ, nơi không thể thiếu nguồn sáng từ những cây đèn. Điều đáng kể là chính tạo hình của các cây đèn lại chuyên chở một cách đầy đặn, hoặc cụ thể hoặc ý vị, yếu tố phồn thực.
Chiếc đèn ở Pompeii (2) có lối thể hiện táo bạo: bầu đựng dầu gợi tả tạo hình dương vật của người đàn ông được phóng đại kích cỡ; đầu của bầu đựng dầu đặt bấc đèn. Những chiếc đèn trong hình tượng mẹ Laskmi của Ấn Độ được thể hiện như hình một âm hộ lớn. Trong những trường hợp này, chiếc đèn mang ý nghĩa tâm linh: thắp lên ánh sáng khởi nguồn và tái sinh, mở ra sự sống mới. Không quá trần trụi và rõ ràng như vậy, song trên các đèn đồng Đông Sơn, vẫn dễ dàng nhận ra yếu tố phồn thực.
Đĩa đèn là thành phần quan trọng nhất trên mỗi đèn đồng. Những đĩa đèn hình tròn, hình lá sen cách điệu, hình oval… trong đó nổi lên mỏ bấc lớn có thể xem là khá gần gũi với hình ảnh âm hộ của người đàn bà (3). Chiếc mỏ bấc của đèn ký hiệu P162 trong sưu tập Hioco Galerie có tạo hình vừa như là một cành hoa sen đồng thời cũng tượng trưng cho một chiếc linga (4). Hình tượng sinh thực khí cũng dễ nhận thấy ở nhiều chân đèn khác.
Cùng được tìm thấy trong mộ Lạch Trường số 3 (5), hai cây đèn hình người quỳ và hình người ôm ngõng đều có những dấu hiệu khá rõ nét về biểu tượng linga - vật biểu trưng cho sức mạnh sinh tồn nòi giống. Vai trò của linga được nhấn mạnh khi khuếch đại tỷ lệ so với cơ thể. Cây đèn có hình người ôm ngõng thể hiện rõ hình người đang ôm một cần cong có dáng cái linga, mọc ra từ dưới ngực. Bức tượng gợi về một trạng thái tinh thần đặc biệt trong phút giây hoan lạc đầy nhục cảm của con người. Dường như nó gắn liền với một nghi lễ quan trọng hơn là chức năng chiếu sáng thông thường. Chân đèn Lạch Trường trong hình thức một người đang quỳ, hai tay bưng một cái khay. Trên hai bắp tay và đằng sau lưng có hình người nhỏ tựa người vào, mỗi người ôm một ngõng đèn cong hình chữ S mà thực chất là một linga kéo dài. Tư thế thả lỏng cơ thể với hai chân buông thõng, hai tay ôm giữ cần đèn gợi người ta liên tưởng tới hành động giao phối, một trạng thái dâng hiến trọn vẹn.
Nhìn rộng ra, trên các đồ dùng lễ nghi thuộc giai đoạn văn hóa Đông Sơn, các hình ảnh sinh thực khí không hiếm gặp. Trong ngôi mộ do Olov Janse khai quật ở Thung Thôn (Thanh Hóa), người ta cũng phát hiện được một thứ gợi hình linga, bằng chất liệu sừng, dài 15cm, đường kính 2,5cm, được chạm trổ và trang trí khắp mặt (6). Một hiện vật khác, có vẻ là bùa, gợi hình dương vật, bằng đồng, phía trên có gắn tượng hai người ngồi bó gối quay lưng lại cũng tìm được trong một ngôi mộ khác ở khu vực Bắc Trung Bộ...
 Việc gắn lên đồ vật hoặc tạo hình đồ vật tùy táng theo những biểu trưng phồn thực sinh sôi nảy nở cho thấy ý niệm của con người thời đó về mối tương quan giữa sự sống - cái chết: con người khi chết đi là bắt đầu một cuộc sống mới. Khi quả chín rụng xuống, nó ươm trong mình mầm cây mới. Trên thạp đồng Đào Thịnh, vật vốn dùng để mai táng, có hình bốn cặp nam nữ đang giao phối. Các tượng nam khi được tạc trong trạng thái lõa thể, thường đều có dương vật phóng đại so với kích thước thực. Ngày nay, tục lệ trai gái giao duyên vào ngày hội mùa, mong cho mùa màng tốt tươi, là vết tích của tín ngưỡng phồn thực dân gian Việt Nam.
Hình ảnh các loài động vật được trang trí trên đèn đồng cũng thể hiện quan niệm của người xưa về sự sống và cái chết. Chim là một hình ảnh đa nghĩa xuất hiện nhiều trên đèn đồng: đèn cách điệu hình chim, chim đậu trên các quai đèn treo, đĩa đèn cách điệu hình chim… Chim xuất hiện rất nhiều trên vô số quai đèn tìm được.
Đối với dân tộc Kinh cũng như nhiều tộc người khác trên đất nước ta, chim được xem như thủy tổ. Truyền thuyết Việt kể mẹ chim Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng, nở trăm người con trai và con trưởng là vua Hùng. Huyền thoại Mường kể đôi chim AlƯa đẻ ra người và các con vật. Trên mặt nạ châu Phi, chim là biểu tượng của sự sống, sự sinh sản. Nhiều tộc người trên thế giới tin rằng hồn người chết sẽ hóa thành chim. Con chim bay lên trời gợi đến hình ảnh của linh hồn thoát khỏi thể xác. Chim là biểu tượng chính thống nhất và đối lập với biểu tượng rắn, tạo thành cặp biểu tượng lưỡng phân, lưỡng hợp phổ biến.
   Đèn hình người quỳ Lạch Trường do O.Janse phục chếNguồn: sách Bí mật của cây đèn hình người, O.Janse   Cùng xuất hiện trên các đĩa đèn của hình người quỳ tìm thấy ở khu vực Lạch Trường, Thanh Hóa, rắn và chim như hai thực thể âm dương đối nghịch, thể hiện sự giao hòa. Có âm, có dương thì mới tạo ra sự sống. Mặt khác, rắn lại là biểu tượng của cái nhất nguyên, bằng với cội nguồn của sự sống. Quan niệm rắn là tổ tiên của người cũng lại phổ biến trên thế giới. Tại Haiti, rắn là thần sông suối, mây mưa, sấm chớp, là thần cho sức mạnh phồn thực giữa các hòn đá sấm. Các môtip trứng rắn nở ra người, người đàn bà mang thai với rắn, rồng khá phổ biến trong các huyền tích, thần tích của nhiều vị anh hùng, vua chúa, thần làng ở người hoa (như Hán Cao Tổ Lưu Bang) và người Việt (như Linh Lang Đại Vương). Trong tâm thức Ấn Độ giáo, rắn Ananta nằm cuộn ở chân trục vũ trụ, nâng đỡ và bảo đảm sự ổn định cân bằng của thế giới. Rắn chính là con vật đầu tiên đóng vai trò nâng đỡ cả thế giới trên mình và voi, rùa, trâu, bò… chỉ là những con vật thay thế.
Cây đèn có hình rùa ngậm nhĩ bôi tìm được ở mộ số 7 Bỉm Sơn (Thanh Hóa) không còn nguyên vẹn, nhưng với ba cái chốt rỗng gắn ở đuôi và hai bên sườn, ta hoàn toàn có thể suy đoán đó là một cây đèn chùm, một hình thức nâng đỡ vũ trụ trên lưng? Con voi cõng đèn làng Vạc hẳn cũng có nhiệm vụ như vậy. Trên lưng voi, ta còn nhận thấy cả một hoạt động nghi lễ quan trọng đang được tiến hành: lễ hiến sinh. Hai nhân vật ngồi ở phía trên đang tập trung vào một công việc thần bí, sau lưng họ là hai con vật như đã sẵn sàng cho lễ hiến sinh.
   Đèn đồng ký hiệu P162, nguồn: Hioco Galerie   Khi xem xét các loài vật được thể hiện trên đèn đồng dưới cái nhìn về sự sinh sôi, nảy nở ta sẽ nhận ra vô vàn các lớp ý nghĩa biểu tượng. Các hình ảnh rồng, rắn, tê, ngưu cho tới hươu, chim, cóc, lợn… gắn trên các vật dụng đã thể hiện tư duy của người xưa về thế giới: chết không phải đã hết mà là sự bắt đầu của cuộc sống mới tốt đẹp hơn.
Ý nghĩa và biểu tượng vũ trụ thể hiện trên đèn đồng
Ý nghĩa và biểu tượng vũ trụ trên đèn đồng được thể hiện ra trong hình tượng cây vũ trụ và chim ba chân. Đây cũng là những hình ảnh được bắt gặp khá đa dạng trong nhiều nền văn hóa thế giới có sự gần gũi với văn hóa Hán đương thời.
Dạng đèn chùm tượng trưng cho cây vũ trụ được tìm thấy rất nhiều ở những khu vực thuộc nền văn hóa Hán với tạo hình phong phú, kỹ thuật tạo tác tinh xảo. Ở Việt Nam, hình tượng cây vũ trụ có thể nhận thấy ở những hiện vật điển hình như cây đèn hình người quỳ Lạch Trường, đèn người quỳ làng Vạc, đèn voi cõng nhiều nhánh trên lưng, đèn đĩa mỏ bấc dài trong sưu tập Hioco Galerie hay những quai đèn có chim đậu. Nhiều quai đèn và tay cầm của bình đốt trầm - một vật có chức năng khá gần gũi với đèn còn được tạo thành các đốt, khấc thậm chí còn gợi cả mắt lá. Trong ý niệm thần thoại, đó là biểu tượng của cây vũ trụ, cây mặt trời hay còn gọi là cây của sự sống.
Đèn duy trì và phát ra ánh sáng, đại diện cho nguồn sinh lực vũ trụ dồi dào, khơi dậy nguồn sống, kiến thành vạn vật và cho ý niệm về sự bất tử. Tất cả những hình ảnh thể hiện trên đèn đều cho thấy tính biểu tượng thiêng liêng của mặt trời. Cây mặt trời là nơi chim đậu. Chim trong một giới hạn nào đó cũng là biểu tượng thiêng liêng của mặt trời. Họ nhà chim được thể hiện với tần số dày đặc trên những đồ đồng, đồ gốm Đông Sơn. Một điều rất đặc biệt đó là sự xuất hiện của những con chim 3 chân thường được biết đến với tên gọi phổ biến là kim ô (quạ 3 chân). Vật dụng Đông Sơn giai đoạn thuộc Hán hầu hết đều có 3 chân. Nhiều đĩa đèn Đông Sơn được cách điệu thành hình chim 3 chân; đôi khi chúng (kim ô) cũng được thể hiện đơn giản là những con chim nhỏ đậu trên cây vũ trụ. Trên cây đèn hình người quỳ Lạch Trường có ba đĩa đèn, trong đó có một đĩa trang trí hình đầu rắn, hai đĩa hình chim, các đĩa đèn này đều có 3 chân.
Ý niệm về cây vũ trụ trước kia và gần đây rất phổ biến ở châu Âu và châu Á, Trung Quốc cũng như các dân tộc thiểu số Việt Nam. Trên nhiều chiếc đèn gốm trước CN ở châu Âu, người ta thường trang trí hình các loài cây thiêng (7). Huyền thoại ở Ấn Độ, Assyria mô tả cây vũ trụ như những cây mọc ngược. Các vị thần thường được gắn sau lưng những cành cây bất tử. Tâm linh về cây cuộc sống cũng có ở các dân tộc Việt, Lào. Cây là hiện thân số phận của con người trong dân tộc người Ê đê. Người Tày ở Bái Thượng (Thanh Hóa) có tục thể hiện hình cây với ý nghĩa liên quan đến lễ nghi mai táng. Khi có đám ma, họ thường làm một cây giả bằng gỗ có những con chim cũng bằng gỗ đậu trên đó. Cây giả được đặt vào trong nhà người chết. Cây nêu dùng để cọc trâu trong lễ hiến sinh (hội đâm trâu) của nhiều tộc người cũng phản ánh tín ngưỡng tôn thờ cây thần thánh. Hình ảnh voi cõng đèn cũng phần nào gợi tả về cây vũ trụ. Nhiều huyền thoại và huyền tích Việt Nam đều có hình tượng cây mọc ngược tượng trưng cho sự sống. Trong tâm linh và thần thoại người Mường về sáng tạo vũ trụ, cây cuộc sống biểu hiện nguyên lý về trật tự thế giới đối nghịch với trạng thái hỗn mang khi thế giới tạo lập (8).
Một trong số những truyền thuyết rất phổ biến ở Trung Quốc và có lẽ cả ở Việt Nam là câu chuyện về chàng Hậu Nghệ bắn rụng mặt trời. Mặc dù có nhiều dị bản khác nhau đôi chút về chi tiết song nội dung cơ bản như sau: Cây đại thụ (cây dâu) mọc ở trên trời. Trên cây có 10 con quạ 3 chân (kim ô) trú ngụ, mỗi con quạ như một mặt trời. Sức nóng của cả 10 mặt trời quá lớn đến mức nhân gian không chịu nổi. Vua Nghiêu giao cho Hậu Nghệ, người có tài bắn cung, bắn rụng 9 mặt trời đó. Hậu Nghệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình và được nhà vua ban thưởng cho một loại nước chiết, uống vào sẽ trường sinh bất tử. Vợ Hậu Nghệ đã uống trộm thứ nước này và kết quả là bị đày lên mặt trăng. Nàng bị biến thành con thỏ (hay con cóc 3 chân, cũng có khi là con chó) và có nhiệm vụ hàng ngày phải nghiền hoa quả từ cây vũ trụ để chiết xuất ra nước trường sinh. Cứ đến ngày rằm, Hậu Nghệ lên thăm vợ và giúp nàng hái quả cây thần để chế thuốc trường sinh. Ta thấy bóng dáng của câu chuyện này đã được thể hiện trên một viên gạch Lim (9). Điều đáng lưu ý là dường như, những hình ảnh xuất hiện trên viên gạch này cũng thể hiện quan hệ âm dương đối đãi và sự trường sinh. Hình ảnh người và chó giã cối dưới gốc cây trường sinh chắc là nhắc tới câu chuyện chàng Hậu Nghệ và vợ đang chế thuốc trường sinh. Có điều ở đây không phải là con thỏ giã cối mà là con chó; điều này phản ánh câu chuyện cổ tích của dân tộc Mường và dân tộc Thái về Hậu Nghệ còn được truyền miệng đến ngày nay. Vợ chàng Hậu Nghệ bị biến thành con chó. Điều này cũng gắn với sự tích chú cuội cây trăng của người Việt khi nhắc tới việc vợ chàng Cuội bị giết, chàng phải dùng ngũ tạng của con chó để cứu sống vợ mình. Như vậy, chủ nhân ngôi mộ gạch ở Lim này hẳn có nguồn gốc bản địa, hay chí ít là chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa bản địa. Bản thân câu chuyện về việc chế thuốc trường sinh dưới gốc cây vũ trụ cũng được thể hiện nhiều trên gương đồng thời Hán với nhân vật giã cối, ở đây là con thỏ có đôi tai dài. Ở Trung Quốc, vào thời Hán việc tôn thờ cây thần trở nên rất thịnh hành. Cây thần là biểu tượng của quý tộc đem lại sự giàu có và tốt lành. Trong các ngôi mộ Hán, người ta tìm được nhiều hiện vật thể hiện cây thần, đây là giai đoạn thịnh hành các tín ngưỡng về bùa chú, về cuộc sống sau cái chết nên việc chôn theo cây thần cũng phổ biến trong dân gian.
Dẫn chứng về hình tượng cây sự sống và kim ô trên viên gạch Lim để thấy rằng người Việt bản địa ở khoảng trước - sau CN có sự giao lưu và tiếp biến văn hóa bên ngoài một cách sâu rộng. Các hình tượng trang trí trên đèn đồng thời kỳ này cũng phản ánh sâu sắc đời sống văn hóa tinh thần, tâm linh của chủ nhân những ngôi mộ cổ.
Ý niệm về sự bất tử, hay đi tìm sự trường sinh bất tử gắn với Đạo giáo. Những câu chuyện siêu nhiên thần thánh và những nhân vật bất tử cũng đã xuất hiện rất sớm ở Việt Nam ở giai đoạn Đông Sơn hậu kỳ (10). Cư dân bản địa vốn có tín ngưỡng vạn vật hữu linh và tín ngưỡng ma thuật nên nếu như họ có chịu ảnh hưởng của những hình thức tín ngưỡng mang màu sắc Đạo giáo, như đi tìm sự bất tử, thì cũng không phải điều gì lạ. Mặt khác, ý niệm cây mặt trời là bắt nguồn và phát triển lên từ tục thờ thần mặt trời, nảy sinh ở giai đoạn đầu thời kỳ nguyên thủy. Chủ nhân của văn hóa Đông Sơn cũng có tục thờ thần mặt trời trên trống đồng. Hình ảnh cây vũ trụ và chim ba chân là những biểu tượng quen thuộc trong nhiều nền văn hóa trên thế giới, điều này cũng cho thấy mối giao lưu rộng rãi giữa văn hóa Đông Sơn và các nền văn hóa bên ngoài.
Việc tìm được hàng loạt các đồ minh khí trong mộ táng Đông Sơn cho thấy sự phát triển của tục tùy táng và các nghi thức đối với việc chôn cất và quan niệm về sự sống - cái chết của con người thời đó. Đây là cả một quá trình phát triển tự nhiên, có nền tảng từ văn hóa bản địa trước đó và sự giao lưu với văn hóa bên ngoài. Đáng lưu ý trong số những đồ tùy táng tìm được ở đây là những cây đèn đồng. Đèn trong sinh hoạt văn hóa cổ xưa, không đơn thuần chỉ là một vật dùng để thắp sáng hay giữ lửa. Đèn để trong ngôi mộ tương trưng cho một nguồn sáng bất diệt, vĩnh hằng, soi rọi cho một thế giới tồn tại khác của chủ nhân. Có lẽ vì vậy mà trên các cây đèn đồng, người ta gửi gắm nhiều ước vọng của con người về một kiếp sống mới hạnh phúc, no đủ, một sự tái sinh hay thậm chí là sự trường sinh, bất tử. Cây đèn trở thành vị thần giữ lửa soi đường, là cành cây bất tử hay mang các dấu hiệu phồn thực, là thứ sẽ giúp cho mộ chủ an nhiên, tự tại trong một thế giới khác.
______________
1. Cách gọi chung đối với hiện vật khảo cổ học là gọi tên chúng theo tên riêng của khu vực nơi phát hiện ra chúng. Bên cạnh đó, tên địa phương, khu vực ấy còn thường được dùng chỉ một niên đại, một giai đoạn văn hóa được định dạng thông qua hệ thống các hiện vật khảo cổ. Do phát hiện được một số đồ đồng Đông Sơn trong mộ táng thời Đông Hán nên niên đại văn hóa Đông Sơn, ở đồng bằng sông Hồng và sông Mã, được giới khảo cổ học và nghiên cứu văn hóa nhất trí định vị từ TK VIII - VII trước CN tới hết TK II sau CN. Những hiện vật ở giai đoạn Đông Sơn muộn này tương đương với cách gọi đồ Hán - Việt thời kỳ Giao Chỉ. Tiến sĩ Nguyễn Việt, Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á đặt ra thuật ngữ Văn hóa Lạch Trường.
2. Đèn đồng Pompeii, Italy, TK I-III trước CN, trưng bày tại Bảo tàng Khảo cổ học quốc gia Naples, Italy.
3. Tham khảo thêm ngõng đèn của chiến đèn có tên Người cầm đèn làng Vạc, Nghệ An, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam.
4. Đèn đồng dài 35cm, niên đại khoảng từ TK I trước CN - TK III, tìm được ở Việt Nam, ký hiệu P162 được giới thiệu trên Hioco Galerie chuyên doanh nghệ thuật châu Á. Nguồn: www.galeriehioco.com.
5, 6. Olov Janse, Archaeological research in Indo-china (Nghiên cứu khảo cổ học ở Đông Dương), Cambridge, Massachusetts, Harvard University Press, 1947. Cuốn chuyên khảo này được chia làm nhiều phần, giới thiệu kết quả các công trình khai quật khảo cổ tại Đông Dương trong suốt các năm từ 1934-1939. Tác giả đã tổng hợp được một số thông tin, hình ảnh về đèn đồng và trong đó, ông dành một phần ưu ái cho cây đèn hình người quỳ tìm được ở Lạch Trường. Bản tiếng Việt của cuốn sách này được dịch với mục đích làm tài liệu tham khảo của Viện Mỹ thuật, Đại học Mỹ thuật Việt Nam, ký hiệu từ D-55/cdd79 đến D-57/dd79, người dịch là nhà nghiên cứu mỹ thuật Triệu Thúc Đan.
7. Xem thêm trong Jean Chevalier, Alain Gheerbrant, Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Nxb Đà Nẵng, 2002.
8. Trích trong sử thi Đẻ đất đẻ nước: Cây cuộc sống xuất hiện, chấm dứt tình trạng hỗn mang: Mọc lên một cây xanh xanh/Cây xanh có chín mươi cành/Cành mọc lên trời lá xanh biết cựa/Thân trên mặt đất thân cây biết rung/Cành bung xung có tiếng đàn bà con gái/Cành chọc trời biến nên cật đứa cái/Là ông Thu Tha/Cành bung xung biến nên cật đứa con mái/Là bà Thu Thiên/Ra truyền: làm nên đất nên trời… (Đẻ đất đẻ nước, sử thi, Nxb Thông tấn, 2012).
9, 10. Tích Hậu Nghệ, Hằng Nga trên viên gạch ở mộ Hán thuộc hậu kỳ Đông Sơn, vùng Lim, đã được gửi sang Bảo tàng Cernuschi ở Paris, xem thêm O.Janse, sđd.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 404, tháng 2 - 2018
Tác giả : VŨ THỊ HẰNG
Cập nhật tin tức về khoa học xã hội tại: tapchikhxh.vass.gov.vn