Giới thiệu sách: Hôn nhân xuyên biên giới với phát triển xã hội

Cập nhật 14:30 ngày 12/10/2017
(Giới thiệu sách) - Để xuất các nhóm giải pháp quản lý hôn nhân xuyên biên giới trong bối cảnh phát triển và hội nhập: 1/ định hướng giải pháp chung; 2/ xây dựng các nội dung truyền thông trong quản lý hôn nhân xuyên biên giới; 3/ giải pháp tăng cường hợp tác quốc tế trong giải quyết các vấn đề liên quan đến hôn nhân xuyên biên giới; 4/ nhóm các giải pháp cụ thể.

Tác giả: TS. Đặng Thị Hoa (Chủ biên)

Nxb Khoa học xã hội, năm 2016, 456 trang

Tóm tắt nội dung:

Chương 1: Một số vấn đề lý luận về hôn nhân xuyên biên giới với phát triển xã hội. Trong chương này, nhóm tác giả trình bày khái quát tổng quan tình hình nghiên cứu về hôn nhân xuyên biên giới với phát triển xã hội cũng như mối quan hệ của nó với phát triển xã hội nói chung, bên cạnh đó đưa ra một số kinh nghiệm trong quản lý hôn nhân xuyên biên giới của một số nước và vùng lãnh thổ trong khu vực như Trung Quốc, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Singapore và Đài Loan.

Chương 2:Thực trạng hôn nhân xuyên biên giới ở các tỉnh miền núi. Trong chương này, nhóm tác giả đã tiến hành điều tra thực địa trong 2 năm 2014-2015 bằng các phương pháp điều tra xã hội học và điền dã dân tộc học ở 6 tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Nghệ An và Kon Tum. Trong đó nhóm nghiên cứu thực hiện điều tra chủ yếu đối với 7 dân tộc như: Kinh, Tày, Nùng, Thái, Hmông, Xơ-Đăng, Gia-Rai. Qua khảo sát thực tế, nhóm tác giả cho rằng, kết hôn xuyên biên giới có sự khác biệt giữa 3 vùng biên giới; tình trạng kết hôn xuyên biên giới ở vùng biên giới Việt Nam - Trung Quốc diễn ra khá rầm rộ và phổ biến ở tất cả các tộc người có mối quan hệ đồng tộc bên kia biên giới với Trung Quốc. Cuốn sách cũng đi sâu phân tích thực trạng về nhận thức và quan niệm về kết hôn xuyên biên giới.

Chương 3:Đặc điểm và xu hướng của các cuộc hôn nhân xuyên biên giới. Ở chương 3, nhóm tác giả tập trung phân tích 4 vấn đề lớn: 1/ đặc điểm của các cuộc hôn nhân xuyên biên giới; 2/ hoàn cảnh và đời sống hôn nhân; 3/ các yếu tố tác động tới hôn nhân xuyên biên giới; 4/ xu hướng kết hôn. Qua đó, nhóm tác giả đưa ra những xu hướng kết hôn xuyên biên giới ở ba vùng biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia và cho rằng, xu hướng này vẫn tiếp tục diễn ra và có chiều hướng gia tăng; mối quan hệ đồng tộc, quan hệ gia đình và các nhu cầu di cư, tìm việc làm… vẫn là những nguyên nhân chính dẫn tới xu hướng tăng của các cuộc hôn nhân xuyên biên giới.

Chương 4: Hôn nhân xuyên biên giới và một số vấn đề xã hội ở các tỉnh miền núi. Trong chương này, nhóm tác giả đã phân tích thực trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em và mục đích hôn nhân ở 3 vùng biên giới và khẳng định hôn nhân xuyên biên giới đã và đang tạo ra một mạng lưới ngầm, có ảnh hưởng không nhỏ tới nhiều vấn đề trong quản lý xã hội và phát triển xã hội ở vùng biên giới. Các yếu tố tác động của hôn nhân với các vấn đề xã hội xảy ra ở hai chiều. Nhiều vấn đề xã hội đang đặt ra trong quản lý vùng biên giới có liên quan đến hôn nhân xuyên biên giới. Đó là tình trạng đi thăm thân, lôi kéo người thân đi tìm việc làm ở bên kia biên giới; khó khăn trong việc kiểm soát qua lại vùng biên giới…

Chương 5:Thực trạng quản lý hôn nhân xuyên biên giới ở các tỉnh miền núi hiện nay. Trong chương này, nhóm tác giả tập trung phân tích thực trạng quản lý hôn nhân xuyên biên giới ở các tỉnh miền núi hiện nay, trong đó vấn đề về quản lý con nuôi, đăng ký khai sinh, hộ tịch cho con của phụ nữ kết hôn xuyên biên giới ở các tỉnh miền núi. Bên cạnh đó, nội dung chương này cũng đề cập đến một số vấn đề cơ bản về thực trạng nhận thức và hỗ trợ pháp lý đối với người kết hôn xuyên biên giới dựa trên việc tìm hiểu nhận thức của cán bộ và sự hiểu biết của người dân ở vùng biên giới về các chính sách và luật pháp.

Chương 6. Giải pháp quản lý hôn nhân xuyên biên giới với phát triển xã hội ở các tỉnh miền núi trong bối cảnh phát triển và hội nhập. Trên cơ sở khảo sát và phân tích thực trạng hôn nhân xuyên biên giới ở các tỉnh miền núi, nhóm tác giả để xuất các nhóm giải pháp quản lý hôn nhân xuyên biên giới trong bối cảnh phát triển và hội nhập: 1/ định hướng giải pháp chung; 2/ xây dựng các nội dung truyền thông trong quản lý hôn nhân xuyên biên giới; 3/ giải pháp tăng cường hợp tác quốc tế trong giải quyết các vấn đề liên quan đến hôn nhân xuyên biên giới; 4/ nhóm các giải pháp cụ thể.

Mai Ngọc

Cập nhật tin tức về khoa học xã hội tại: tapchikhxh.vass.gov.vn