Văn học trung đại Việt Nam: Nhìn từ loại hình tác giả nhà nho hành đạo và nhà nho ẩn dật
Cập nhật 15:41 ngày 05/04/2020
(Giới thiệu sách) - Cuốn sách là thành quả nghiên cứu công phu và tâm huyết của tác giả, đồng thời là tư liệu hữu ích cho những người làm công tác nghiên cứu và giảng dạy Ngữ văn ở bậc đại học và bậc phổ thông.
Hiện nay, trong xu thế trăm hoa đua nở, có rất nhiều lý thuyết văn học của nước ngoài đang được vận dụng vào Việt Nam để giải mã các thực thể văn học, nhưng có lẽ lý thuyết về loại hình học văn học (literature typology) được đề xuất bởi các nhà nghiên cứu văn học của Nga từ những năm đầu thế kỷ XX đến nay vẫn có sức sống bền bỉ, thu hút những nhà nghiên cứu và tiếp nhận nó. Phương pháp nghiên cứu loại hình học văn học là một phương pháp tiếp cận có nhiều ưu thế, nhất là khi nó được kết hợp linh hoạt với lí thuyết, phương pháp hệ thống và phương pháp so sánh trong việc nhận diện, luận giải nhiều hiện tượng văn học tương đồng trong các nền văn học cổ trung đại.
Văn học trung đại Việt Nam trải dài gần 10 thế kỉ, không thể không nói đến vai trò chủ lực của đội ngũ tác giả nhà nho. Đội ngũ này từng được chia ra làm ba loại: nhà nho hành đạo, nhà nho ẩn dật và nhà nho tài tử. Sau những gợi ý ban đầu của GS. Trương Tửu, người đặt nền móng với những nghiên cứu chung có GS. Trần Đình Hượu, tiếp nối nghiên cứu về nhà nho tài tử có GS. Trần Ngọc Vương, sau này tác giả Lê Văn Tấn đi sâu vào nhánh tác giả còn lại là nhà nho ẩn dật và làm rõ thêm một số tác giả nhà nho hành đạo. Chuyên tâm theo hướng nghiên cứu loại hình học, sau công trình sách chuyên khảo Tác giả nhà nho ẩn dật và văn học trung đại Việt Nam, mới đây tác giả Lê Văn Tấn tiếp tục cho ra mắt bạn đọc cuốn Văn học trung đại Việt Nam: nhìn từ hai loại hình tác giả nhà nho hành đạo và nhà nho ẩn dật (Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2019, 356 trang, khổ 16x24). Cuốn sách là tập hợp 30 bài báo, báo cáo khoa học đã được công bố trên các Tạp chí khoa học chuyên ngành, trong các kỉ yếu hội thảo khoa học từ 2001 đến nay, với hai phần chính: Loại hình tác giả nhà nho hành đạo và Loại hình tác giả nhà nho ẩn dật. Trên thực tiễn phong phú và đầy tính phức tạp của đối tượng nghiên cứu, tác giả đã rất nỗ lực trong việc nghiên cứu từ tổng quan, khái quát hóa những điểm chung nhất của từng loại hình tác giả nhà nho đến việc phác họa cụ thể theo chiều lịch đại chân dung các tác giả văn học, tiếp cận các tác phẩm văn học thể hiện tư tưởng hành đạo hay ẩn dật theo hướng loại hình trong lịch sử văn học trung đại Việt Nam. Ở loại hình thứ nhất, sau bài khái quát, cuốn sách đi vào khảo cứu các tác giả Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Trực, Nguyễn Như Đổ, Vũ Quỳnh, Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Tông Quai, Ninh Tốn, Ngô Thì Nhậm, Vũ Trinh, Nguyễn Thông, Từ Diễn Đồng, Lương Trúc Đàm. Ở loại hình thứ hai, sau phần nhận diện loại hình tác giả và loại hình tượng nhân vật trong văn chương nhà nho ẩn dật, cuốn sách đề cập đến các tác giả tiêu biểu Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Dữ, Nguyễn Khuyến cùng những cách hiểu về một số tác phẩm cụ thể.
Tác giả đã khắc phục những cách hiểu xưa cũ, theo lối mòn, và có phần khiên cưỡng; bằng cách kết hợp phương pháp loại hình với cách tiếp cận phương pháp hệ thống và nguyên tắc logic chỉnh thể tác phẩm; với cái nhìn mang tính khơi mở, cách diễn giải mạch lạc, tác giả đã khám phá, đặt lại vấn đề, tường giải, trao đổi, hiểu lại, hiểu thêm các vấn đề liên quan đến nội dung và nghệ thuật của những tác phẩm văn chương được nghiên cứu và giảng dạy trong chương trình Ngữ văn phổ thông và đại học.
Cuốn sách là thành quả nghiên cứu công phu và tâm huyết của tác giả, đồng thời là tư liệu hữu ích cho những người làm công tác nghiên cứu và giảng dạy Ngữ văn ở bậc đại học và bậc phổ thông. Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam trân trọng giới thiệu!
Nguyễn Văn Nhượng
Sự kiện:
Giới thiệu sách
Cập nhật tin tức về khoa học xã hội tại: tapchikhxh.vass.gov.vn