Định cư–Văn hóa của cư dân mặt nước ở vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và đầm phá Tam Giang – Cầu Hai (Thừa Thiên Huế)
Cập nhật 09:45 ngày 29/03/2022
(Giới thiệu sách) - Định cư–Văn hóa của cư dân mặt nước ở vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và đầm phá Tam Giang – Cầu Hai (Thừa Thiên Huế) của tác giả TS Lê Duy Đại (Chủ biên), PGS.TS. Lê Hải Đăng, ThS. Hoàng Thị Thu Hằng, TS. Lê Anh Hòa, TS. Vũ Hồng Nhi, PGS.TS. Phạm Minh Phúc, PGS.TS. Nguyễn Duy Thiệu. Năm xuất bản: 2021
Việt Nam có bờ biển dài 3.260 km cùng với hệ thống sông ngòi dày đặc, với 2.360 con sông, trong đó có 106 con sông lớn đổ ra biển đã tạo nên những vùng nước cửa sông rộng lớn, xuất hiện nhiều cảnh quan địa lý đặc trưng như cửa sông, bãi triều, rừng ngập mặn, đầm phá, vùng vịnh nông ven bờ và trong đó, đáng chú ý hơn cả là vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và đầm phá Tam Giang – Cầu Hai (Thừa Thiên Huế).
Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và đầm phá Tam Giang – Cầu Hai (Thừa Thiên Huế) đã nổi tiếng cả trong nước và thế giới. Ngoài giá trị cảnh quan, địa chất, địa mạo, đa dạng sinh học, giàu tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch, những nơi này còn là nơi tập trung đông nhất nhóm cư dân mặt nước/cư dân thủy diện… ở Việt Nam. Sự phức hợp đó đã phát sinh nhiều vấn đề nội tại, phần nhiều bởi xung đột giữa ý thức bảo tồn giá trị tự nhiên, đa dạng sinh học với nhu cầu đánh bắt mưu sinh, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống… của cư dân sống quanh đầm phá. Khi các vấn đề ngày càng gia tăng, cũng là lúc vịnh Hạ Long và đầm phá Tam Giang – Cầu Hai nhận được nhiều quan tâm hơn của các cấp chính quyền cũng như các học giả. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào đi sâu vào các khía cạnh văn hóa, xã hội cũng như bức tranh tổng thể để hiểu một cách sâu sắc và toàn diện về nhóm cư dân thủy diện ở vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và đầm phá Tam Giang – Cầu Hai (Thừa Thiên Huế).
Để nhận định các hình thức bất biến và chuyển đổi góp phần khẳng định sức mạnh giá trị văn hóa tích lũy qua nhiều thế hệ, khả năng sinh tồn cũng như thấy được những việc cần làm nhằm tăng cơ hội hòa nhập, ổn định đời sống của nhóm cư dân này, năm 2021, Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản cuốn sách chuyên khảo: “Định cư – Văn hóa của cư dân mặt nước ở vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và đầm phá Tam Giang – Cầu Hai (Thừa Thiên Huế)” do TS. Lê Duy Đại làm chủ biên. Cuốn sách là kết quả nghiên cứu đề tài “Định cư trên bờ và sự biến đổi văn hóa của cư dân thủy diện ở vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và đầm phá Tam Giang – Cầu Hai (Thừa Thiên Huế) (Mã số IV5.3-2012.21) do TS. Lê Duy Đại làm chủ nhiệm cùng các thành viên tham gia thực hiện, được tài trợ bởi Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (Nafosted).
Ngoài Phần Mở đầu, Kết luận và Kiến nghị, nội dung chính của cuốn sách được kết cấu thành 3 phần với 8 chương:
Phần Một. Khái quát về tự nhiên và dân cư
Phần này bao gồm 2 chương, tập trung khái quát về điều kiện tự nhiên và đặc điểm dân cư – dân số ở Vịnh Hạ Long và đầm phá Tam Giang – Cầu Hai. Nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng, nguồn gốc của cư dân mặt nước ở vịnh Hạ Long và đầm phá Tam Giang – Cầu Hai chủ yếu là từ Thanh – Nghệ và các tỉnh ở đồng bằng Bắc Bộ di cư tới. Với các số liệu điều tra kinh tế- xã hội của cư dân thủy diện do nhóm nghiên cứu thu thập được đã chỉ ra những đặc trưng về cộng đồng cư dân mặt nước, trong đó dân số ở nhóm cư dân này có tốc độ phát triển dân số tự nhiên cao, nhiều biến động, nhất là cư dân ở đầm phá Tam Giang – Cầu Hai trước đây. Đối với cư dân mặt nước nói chung, cư dân mặt nước ở vịnh Hạ Long và đầm phá Tam Giang- Cầu Hai nói riêng, con thuyền của họ như ngôi nhà ở của cư dân nông nghiệp sống trên bờ nên có nhiều phong tục tập quán có liên quan: chọn gỗ, làm lễ phạt mộc trước khi đóng thuyền đến nghi lễ hạ thủy, và những điều kiêng cữ khi sống trên đó…Những năm gần đây, khi thực hiện chủ trương lên bơ định cư, các điểm cư trú của cư dân mặt nước định cư có quy mô lớn hơn. Cùng nhờ vậy, thế hệ trẻ ở các hộ gia đình định cư trên bờ ngày càng có trình độ giáo dục tốt hơn…
Phần Hai. Định cư ven bờ
Bao gồm 2 chương, tập trung phân tích về quá trình thực hiện việc định cư trên bờ và những vấn đề đặt ra đối với định cư trên bờ. Nhóm nghiên cứu khẳng định, việc được lên bờ định cư, sống hòa nhập với cộng đồng là khát vọng của hầu hết cư dân mặt nước, đặc biệt đối với cư dân tại những điểm khảo sát như vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và đầm phá Tam Giang – Cầu Hai (Thừa Thiên Huế) và khát vọng đó là hoàn toàn chính đáng. Quá trình định cư trên bờ của cư dân mặt nước tại các điểm này được phân tích khá chi tiết. Vấn đề đưa cư dân mặt nước lên bờ định cư luôn được Đảng Cộng Sản và Nhà nước Việt Nam quan tâm và chủ trương này hợp với lòng dân. Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều vấn đề được đặt ra như tình trạng “tái đò”, “tái thuyền”…Điều này xảy ra do nhiều nguyên nhân gồm cả khách quan và chủ quan. Một trong những nguyên nhân gốc rễ của vấn đề mà nhóm tác giả chỉ ra đó là xuất phát từ các yếu tố nằm trong phần quản lý nhà nước, chưa có sự gắn kết chặt chẽ và hữu cơ giữa các chính sách phát triển kinh tế với chính sách bảo vệ tài nguyên môi trường, còn chồng chéo trong cách thức quản lý theo chiều dọc lẫn chiều ngang…
Quang cảnh vùng đầm phá xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế)
Phần Ba. Văn hóa cư dân mặt nước – truyền thống và biến đổi sau khi lên bờ định cư
Phần này bao gồm 4 chương, tập trung phân tích về văn hóa của cư dân mặt nước dưới góc độ truyền thống và những biến đổi sau khi lên bờ định cư. Nghiên cứu chỉ ra rằng, các phong tục tập quán của cư dân mặt nước ở vịnh Hạ Long và đầm phá Tam Giang – Cầu Hai có nhiều điểm tương đồng với cư dân Việt nói chung. Nhưng trong các nghi lễ tưởng chừng giống nhau đó lại có nhiều nét riêng và rất độc đáo thể hiện sự thích nghi và hài hòa của con người sống trên môi trường sông nước đầm phá thể hiện qua một số nét văn hóa cơ bản sau: Về văn hóa mưu sinh, bên cạnh hoạt động đánh bắt thủy sản, cư dân mặt nước còn nuôi thủy sản, bảo quản chế biến các sản phẩm từ đánh bắt cũng như một số ngành nghề dịch vụ khác liên quan, trong đó có cả vận tải, du lịch; Về văn hóa vật chất, ở đây tập trung tìm hiểu về ẩm thực, các món ăn cũng như kỹ thuật chế biến, trang trí và bày biện trước và sau khi lên bờ định cư; Đối với văn hóa ứng xử, trong đó bao gồm quan hệ xã hội, quan hệ dòng họ và gia đình, những nghi lễ liên quan đến chu kỳ vòng đời… Ví dụ như thai phụ đến ngày sinh nở thường chỉ ở nhà hoặc ở trên thuyền của nhà mình, tránh đi đến nhà người khác hoặc sang thuyền của người khác bởi lẽ nếu không may sinh ở nhà hoặc thuyền của của người khác thì nhà đó đen đủi, mạt vận và không nghi lễ nào có thể giải được; Những người trong gia đình có tang ma, đặc biệt là các con, vợ/chồng phải kiêng trong vòng 2-3 năm, họ không được lên thuyền/nhà của người khác…; Về văn hóa tinh thần, nhóm nghiên cứu đi sâu vào phân tích một số nội dung chủ yếu như: (i) Tín ngưỡng dân gian; (ii) Cúng lễ trong các ngày lễ tết, lễ hội; (iii) Các nghi lễ liên quan đến nghề đánh bắt cá; (iv) Văn học nghệ thuật và tri thức dân gian; (v) Biến đổi trong đời sống tinh thần của cư dân. Nhìn một cách tổng thể, đời sống văn hóa tinh thần của các cư dân mặt nước ở vịnh Hạ Long, Quảng Ninh và đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, Thừa Thiên Huế đã có sự vận động, biến đổi so với truyền thống bởi sự thay đổi môi trường sống và những tác động của quá trình đô thị hóa cùng với sự biến đổi của xã hội. Tuy nhiên, nhóm tác giả nhận định, đời sống văn hóa cộng đồng, các giá trị văn hóa tín ngưỡng truyền thống liên quan đến biển, người và cá sẽ vẫn được lưu giữ và phát triển thông qua các lễ cúng mừng năm mới, giỗ chạp, lễ cầu ngư…Cuối cùng, từ những phân tích trên, các tác giả đề xuất một số kiến nghị nhằm phát huy và bảo tồn giá trị văn hóa, giá trị tự nhiên, địa mạo – địa chất cũng như tính đa dạng sinh học nơi đây.
Cuộc sống của cư dân mặt nước lên bờ định cư tại khu 8, phường Hà Phong (thành phố Hạ Long)
Cuốn sách là công trình Nghiên cứu khoa học công phu của tập thể tác giả trên cơ sở tiếp cận các tài liệu nghiên cứu của các học giả đi trước cùng với các phương pháp nghiên cứu chuyên sâu, đặc biệt vận dụng lý thuyết về Sinh thái văn hóa, thuyết Tương đối văn hóa và thuyết Biến đổi văn hóa, nhóm nghiên cứu đã phân tích, đánh giá về định cư - văn hóa của cư dân mặt nước ở vịnh Hạ Long và đầm phá Tam Giang- Cầu Hai một cách khoa học và thuyết phục. Có thể nói, với những nội dung trên, chắc chắn cuốn sách là tài liệu không thể thiếu dành cho những độc giả, giới nghiên cứu muốn tìm hiểu chuyên sâu về vấn đề định cư - văn hóa của cư dân mặt nước.
Xin trân trọng giới thiệu!
Theo Nguyễn Minh Hồng/tapchikhxh.vass.gov.vn