Chiến lược tăng trưởng xanh trong mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam
Cập nhật 09:31 ngày 27/03/2022
(Giới thiệu sách) - Chiến lược tăng trưởng xanh trong mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam của tác giả: PGS.TS. Bùi Quang Tuấn (Đồng chủ biên), TS. Hà Huy Ngọc (Đồng chủ biên), TS. Trần Thị Hà, ThS. Đồng Bích Ngọc, ThS. Trần Văn Hoàng, TS. Phạm Lan Hương... Năm xuất bản: 2021.
Bắt đầu từ năm 2020, đại dịch Covid-19 đã gây ra cuộc khủng hoảng chưa từng có trên toàn cầu, bởi vậy, việc kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh và phục hồi sau suy thoái kinh tế là ưu tiên hàng đầu của các chính phủ. Tại Việt Nam, đại dịch Covid-19, đa thiên tai miền Trung, triều cường, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu… càng cho thấy sự cấp thiết và quan trọng của việc xây dựng mô hình tăng trưởng mới để sự thịnh vượng về kinh tế hài hòa với bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực chống chịu hiệu quả với biến đổi khí hậu, đảm bảo chất lượng cuộc sống của người dân.
Hiện nay, các quốc gia đang bắt đầu lựa chọn định hướng mô hình phát triển để đạt được sự thịnh vượng kinh tế một cách bền vững, lâu dài, bảo vệ môi trường và nguồn vốn tự nhiên, đồng thời mong muốn thúc đẩy phát triển xã hội mạnh mẽ, bao trùm. Xu hướng đầu tư cho các hoạt động sản xuất thông minh nhờ vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng xây dựng chính phủ điện tử, đô thị thông minh, công nghiệp và nông nghiệp thông minh… đang trở nên phổ biến và tăng trưởng xanh cũng vì thế đang trở thành một xu hướng khách quan, là mục tiêu ưu tiên trong lựa chọn định hướng phát triển của nhiều quốc gia.
Trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn ra phức tạp như hiện nay, Việt Nam đang đứng giữa ngã rẽ để phục hồi hậu Covid-19. Theo nhiều chuyên gia nhận định, đây là cơ hội lớn giúp chúng ta lựa chọn lộ trình tăng trưởng xanh để đối mặt với tác động của dịch bệnh trong tương lại, rủi ro do biến đổi khí hậu và thiếu bền vững về môi trường và cũng là hướng đi đúng đắn để thực hiện tăng trưởng xanh và phát triển bền vững trong thời gian tới. Đồng thời Chiến lược tăng trưởng xanh sẽ giúp Việt Nam thực hiện khát vọng thịnh vượng và bao trùm, đi tắt, đón đầu để bắt kịp và tiến cùng với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Trước thực tế đó, năm 2021, Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản cuốn sách chuyên khảo với tựa đề: “Chiến lược tăng trưởng xanh trong mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam” do PGS.TS. Bùi Quang Tuấn và TS. Hà Huy Ngọc đồng chủ biên. Cuốn sách giúp người đọc hiểu rõ vì sao tăng trưởng xanh là con đường tất yếu của sự phát triển và phù hợp với mô hình tăng trưởng mới của Việt Nam để định vị con đường hướng đến một tương lai “Thịnh vượng về kinh tế gắn liền tính bao trùm và tình bền vững về môi trường, chống chịu hiệu quả với tác động của biến đổi khí hậu và các cú sốc.”
Ngoài Lời nói đầu và Kết luận, nội dung chính của cuốn sách được kết cấu thành 5 chương:
Chương I. Cơ sở lý luận và kinh nghiệm quốc tế về mô hình tăng trưởng xanh
Trong chương này, các tác giả làm rõ một số khái niệm và lý thuyết liên quan đến mô hình tăng trưởng xanh và chỉ ra sự khác biệt về mối quan hệ giữa các khái niệm khác với tăng trưởng xanh như: phát triển bền vững, biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế biển xanh, đồng thời giới thiệu khung đánh giá và đo lường tăng trưởng xanh của một số cơ quan, tổ chức uy tín trên thế giới. Nội dung nổi bật trong chương này là những kinh nghiệm quốc tế về xây dựng chiến lược tăng trưởng xanh được nhóm nghiên cứu tổng hợp và phân tích trên một số chiều cạnh: (i) Cách tiếp cận xây dựng chiến lược dài hạn theo hướng tăng trưởng xanh của các quốc gia; (ii) Tổng quan về lập kế hoạch và thực hiện chiến lược; (iii) Tổng quan về mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể của các chiến lược dài hạn theo hướng tăng trưởng xanh của các nước; (iv) Tổng quan về các kịch bản và lộ trình; (v) Kinh nghiệm về xây dựng các giải pháp; (vi) Kinh nghiệm về huy đông nguồn lực cho chiến lược, giám sát và đánh giá việc thực hiện; (vii) Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Chương II. Thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh ở Việt Nam giai đoạn 2012-2020
Dựa vào kết quả rà soát, đánh giá triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh ở Việt Nam giai đoạn 2012-2020, nhóm tác giả tập trung phân tích một số nội dung sau: Thứ nhất, xây dựng thể chế và chính sách tăng trưởng xanh; Thứ hai, cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; Thứ ba, xanh hóa sản xuất; Thư tư, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; Thứ năm, thực trạng huy động nguồn lực cho tăng trưởng xanh; Thứ sáu, tổ chức thực hiện. Nhóm nghiên cứu nhận định rằng mặc dù Việt Nam đã ban hành khung thể chế, chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh tương đối toàn diện, bao trùm lên nhiều lĩnh vực/ngành và dịa phương, song khuôn khổ pháp lý mới chỉ dừng ở dạng các văn bản mang tính định hướng, chưa mang tính pháp lý có tính bắt buộc các chủ thể phải thực hiện. Điểm hạn chế lớn nhất trong hoạt động điều phối của Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020 là không hình thành được Ban điều phối triển khai Chiến lược tăng trưởng xanh như trong Quyết định 1393/QĐ-TTg đã đề ra. Bởi vậy, cần phải xem xét các mục tiêu đã đạt được, chưa đạt được, các khoảng trống của chiến lược giai đoạn trước so với bối cảnh quốc tế và trong nước, lựa chọn mục tiêu, giải pháp nào tiếp tục trong giai đoạn 2021-2030.
Chương III. Bối cảnh mới và dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam
Trong chương này, nhóm nghiên cứu tập trung phân tích bối cảnh mới ở trong nước, quốc tế và khu vực và chỉ ra những cơ hội và thách thức ở giai đoạn 2021-2030 trong việc thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh như: Chuyển đổi hệ thống hạ tầng sang nền tảng hoàn toàn mới, kết cấu hạ tầng thông minh; Cơ hội thu hút các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào quá trình chuyển đổi xanh. Nhờ các chính sách thúc đẩy và khuyến khích theo hướng xanh của chính phủ, nhiều lĩnh vực thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư vừa sản xuất ra các sản phẩm tiêu dùng ít gây ô nhiễm môi trường vừa tạo ra những lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Trên cơ sở những nhận định trên, các tác giả đưa ra một số dự báo phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2050.
Chương IV. Xu hướng chuyển dịch đầu tư xanh và tiềm năng ứng dụng công nghệ trong các ngành xanh
Theo nhóm nghiên cứu, đầu tư xanh là một quá trình đưa ra các quyết định đầu tư dựa trên các tiêu chí bảo vệ môi trường với mục đích (i) Tác động tích cực đến môi trường; (ii) Tạo ra một khoản lợi nhuận tài chính nhất định đối với các khoản đàu tư được thực hiện. Trong đó, tác động tích cực đến môi trường được đánh giá là tiêu chí then chốt, quyết định đối với đầu tư xanh. Với các phương pháp nghiên cứu chuyên sâu, thống kê và phân tích, các tác giả tập trung phân tích thực trạng về đầu tư tư nhân xanh và chỉ ra tiềm năng ứng dụng công nghệ xanh trong phát triển như Y học điện tử, học trực tuyến, hệ thống năng lượng thông minh, tòa nhà thông minh, giao thông thông minh… Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng đưa ra những tính toán tác động và từ đó đề xuất một số khuyến nghị đối với Chính phủ và doanh nghiệp nhằm thúc đẩy đầu tư xanh ở khu vực tư nhân.
Chương V. Quan điểm, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030
Trong chương này, nhóm nghiên cứu đã phân tích những quan điểm, mục tiêu về chuyển đổi mô hình theo hướng tăng trưởng xanh ở Việt Nam cũng như định vị tăng trưởng xanh giai đoạn 2012-2020 trong các chiến lược phát triển ở Việt Nam từ đó, đề xuất một số nhóm giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xanh cũng như nhóm giải pháp về tổ chức thực hiện và giám sát. Trong đó, nhấn mạnh đến nhóm giải pháp xuyên suốt và nhóm giải pháp cho các ngành ưu tiên như giao thông, năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, xây dựng… Ngoài ra, để đảm bảo cho vấn đề thực thi Chiến lược tăng trưởng xanh một cách có hiệu quả, nghiên các tác giả khẳng định, cần thiết phải xây dựng hệ thống tổ chức bộ máy thực thi chiến lược; trách nhiệm của các bên liên quan (Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh…) cùng với bộ chỉ tiêu giám sát đánh giá thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh và khung huy động nguồn lực thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh.
Cuốn sách là công trình nghiên cứu công phu của tập thể tác giả được thể hiện qua những số liệu cụ thể, tài liệu phân tích và các phương pháp nghiên cứu liên ngành và đa ngành... Đặc biệt với kết cấu tổ chức nội dung rõ ràng, dễ hiểu cùng 118 trang phụ lục đã mang đến cho người đọc cái nhìn sâu chuỗi và logic về chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam cũng như những tham vấn từ các bên liên quan trong quá trình thực hiện. Hy vọng, với những nội dung trên cuốn sách đáp ứng nhu cầu của các nhà hoạch định chính sách, giới nghiên cứu bạn độc giả quan tâm.
Xin trân trọng giới thiệu!
Theo Nguyễn Minh Hồng/tapchikhxh.vass.gov.vn