Giới thiệu sách: Chính sách thúc đẩy hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ của Việt Nam

Cập nhật 14:30 ngày 14/10/2017
(Giới thiệu sách) - Quan điểm và định hướng chính sách hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Tác giả: GS.TS. Đỗ Hoài Nam

 

Nxb Khoa học xã hội, năm 2016, 288 trang

Tóm tắt nội dung:

Chương 1: Cơ sở lý luận về xây dựng chính sách hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ. Trong chương này, tác giả đã phân tích khái quát các cơ sở lý luận về việc xây dựng chính sách hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ, trong đó đi sâu phân tích những đặc trưng cơ bản của quá trình hoạch định chính sách hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ hiện nay và đưa ra các quan điểm lý thuyết về xây dựng chính sách hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ.

Chương 2: Xu hướng phát triển và hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ của các nước trên thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa. Nội dung chương 2 bàn về xu hướng phát triển và hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ của các nước trên thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa. Tác giả cho rằng sự phát triển nhanh như vũ bão của khoa học và công nghệ  đã trở thành một trong những đặc trưng cơ bản của thời đại ngày nay. Sự phát triển khoa học và công nghệ còn thể hiện ở sự phân hóa sâu của các chuyên ngành; điều đó mở ra những cơ hội cho sự phát triển của công nghệ trong các lĩnh vực đời sống của con người. Bên cạnh đó, tác giả cho rằng, các xu hướng hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ thế giới ngày càng biểu hiện rõ nét. Trên cơ sở đó, tác giả đã phân tích 13 xu hướng đẩy mạnh hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ, đồng thời phân tích chiến lược, chính sách và cơ chế quản lý khoa học và công nghệ của một số quốc gia chủ yếu trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Cộng hòa Liên bang Đức, Cộng hòa Pháp, Vương quốc Anh, Cộng hòa Liên bang Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc và Ấn Độ.

Chương 3: Thực trạng hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ của Việt Nam giai đoạn 2001-2015. Trong chương này, tác giả tập trung đánh giá thành tựu phát triển và hạn chế, yếu kếm của  khoa học và công nghệ ở 3 nội dung chính: đóng góp của khoa học và công nghệ đến sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong bối cảnh mới, điều kiện mới; tiềm lực khoa học và công nghệ; cơ chế quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ. Nhìn chung thể chế và chính sách phát triển kinh tế nói chung và phát triển khoa học và công nghệ nói riêng vẫn đang là khâu yếu nhất, lực cản lớn nhất và là nguyên nhân chủ yếu nhất để chính sách hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ đã không đạt được những mục tiêu kỳ vọng.

Chương 4: Quan điểm và định hướng chính sách hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong chương này, tác giả đã phân tích những quan điểm và định hướng chính sách sách hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ của Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Để rút ngắn khoảng cách tụt hậu về trình độ phát triển của khoa học và công nghệ, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ; cần phải xác định rõ hội nhập kinh tế là trọng tâm, hội nhập khoa học công nghệ là then chốt;  tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức, quan điểm đến hành động Tác giả gợi ý 3 nhóm giải pháp nhằm đảm bảo tính khả thi trong thực hiện chính sách hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ: tăng cường nội lực; điều chỉnh cChiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2030; đối với thể chế và chính sách phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2030.

Mai Ngọc

Cập nhật tin tức về khoa học xã hội tại: tapchikhxh.vass.gov.vn