Kinh tế tư nhân - một động lực cơ bản cho phát triển

Cập nhật 14:30 ngày 15/10/2017
(Giới thiệu sách) - Quan điểm, định hướng và giải pháp để khu vực kinh tế tư nhân là một động lực cơ bản cho phát triển ở Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.

Tác giả: PGS.TS. Vũ Hùng Cường (Chủ biên)

Nxb Khoa học xã hội, năm 2016, 351 trang

Tóm tắt nội dung:

Chương 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn về vai trò động lực của khu vực kinh tế tư nhân đối với phát triển. Trong chương này, tác giả phân tích một số vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản về khu vực kinh tế tư nhân với vai trò động lực cho phát triển hệ chỉ tiêu và tiêu chí đánh giá vai trò động lực cho phát triển.

Chương 2: Thực trạng vai trò động lực của khu vực kinh tế tư nhân đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế. Trong chương này, tác giả trình bày thực trạng phát triển doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân; vai trò động lực của kinh tế tư nhân giai đoạn 2001-2013. Theo tác giả, khu vực kinh tế tư nhân có đóng góp lớn trong tăng trưởng GDP, trong tổng vốn đầu tư phát triển, trong xuất khẩu và chiếm ưu thế lớn trong tạo việc làm cho xã hội. Khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng và phát triển kinh tế. Khu vực kinh tế tư nhân cũng là động lực thúc đẩy cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Các yếu tố cơ bản cản trở khu vực kinh tế tư nhân phát huy vai trò động lực cho phát triển bao gồm: quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam về vai trò của kinh tế tư nhân qua các giai đoạn phát triển; các nhân tố môi trường kinh doanh từ góc nhìn của doanh nghiệp tư nhân; những vấn đề nội tại trong phát triển của doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân; khả năng tiếp cận các nguồn lực phát triển của doanh nghiệp khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Những rào cản này đang cản trở sự phát triển cũng như làm giảm khả năng của khu vực kinh tế tư nhân thực hiện vai trò động lực cho phát triển của nền kinh tế.

Chương 3: Quan điểm, định hướng và giải pháp để khu vực kinh tế tư nhân là một động lực cơ bản cho phát triển ở Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Trong chương này, tác giả đưa ra các quan điểm cơ bản để khu vực kinh tế tư nhân thực sự là động lực cho phát triển kinh tế Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 đó là: bảo đảm sự đồng thuận xã hội; phát huy vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong quan hệ tương hỗ với khu vực kinh tế nhà nước; phát huy vai trò của khu vực kinh tế ngoài nhà nước trong quan hệ tương hỗ với khu vực kinh tế tư nhân và khu vực FDI; nâng cao năng lực nội sinh trên cơ sở phát huy mặt mạnh, hạn chế và khắc phục mặt yếu của khu vực kinh tế tư nhân; phát huy vai trò của khu vực kinh tế tư nhân gắn với đổi mới quản lý nhà nước phù hợp với các nguyên tắc của kinh tế thị trường; thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế của khu vực kinh tế tư nhân. Tác giả cũng đưa ra các kiến nghị và giải pháp để khu vực kinh tế tư nhân thực sự là động lực cho phát triển kinh tế.

Mai Ngọc

 

PGS.TS. Vũ Hùng Cường (Chủ biên)

Nxb Khoa học xã hội

Cập nhật tin tức về khoa học xã hội tại: tapchikhxh.vass.gov.vn