Giới thiệu sách: Con đường củng cố an ninh và hợp tác ở Đông Á
Cập nhật 11:27 ngày 06/04/2018
(Giới thiệu sách) - Con đường củng cố an ninh và hợp tác ở Đông Á do GS. TS. Nguyễn Quang Thuấn, GS. TSKH. Mazyrin v.m. (Đồng chủ biên) được xuất bản năm 2016.
Tóm tắt nội dung:
Phần I: Tình hình an ninh khu vực Đông Á: Những xu hướng chung
Phần này là tập hợp các bài viết của các tác giả của Viện Hàn lâm Khoa học Nga và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Nội dung phần này bàn tới xu hướng chung của an ninh khu vực Đông Á. Xu hướng đó bao gồm: sự phát triển một cách hòa bình, ổn định, thịnh vượng và các bên cùng có lợi dù tình hình trong khu vực có những tồn tại về sự không đồng đều trong phát triển kinh tế - tài chính; sự khắc nghiệt của thiên nhiên; sự thiếu trách nhiệm của con người; năng lực yếu kém của khu vực, của từng nước trong việc giải quyết những vấn đề quy mô lớn, phức tạp và nghiêm trọng; sự thiếu đồng bộ trong quản lý nhà nước; sự gia tăng ý thức chủ quyền quốc gia của nhiều nước trong khu vực…
Phần II: Chính sách của các nước lớn đối với khu vực
Các bài viết ở phần này phân tích chính sách của Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc. Theo các tác giả Trung Quốc đang trỗi dậy trên các phương diện: kinh tế, quân sự và sức mạnh mềm. Điều này có tác động tới lý luận về con đường và mô hình phát triển của các nước trên thế giới, về trật tự thế giới phải điều chỉnh với vai trò to lớn của nước Trung Quốc, về sự cạnh tranh và thỏa hiệp với các nước lớn sẽ gia tăng, về sự phát triển của Trung Quốc (nhất là sức mạnh quân sự, có thể dẫn tới chạy đua vũ trang ở các mức khác nhau trong khu vực và trên thế giới…).
Phần III: Ảnh hưởng của Trung Quốc - Nga - ASEAN tới an ninh khu vực
Trong phần này, các tác giả phân tích vai trò của Nga đối với ASEAN trong lĩnh vực chính trị và kinh tế. Sau khi Liên Xô sụp đổ, các nhà lãnh đạo Nga đã hoàn toàn phi lý thi hành chính sách đối ngoại thân phương Tây, coi Hoa Kỳ, Tây Âu là các đồng minh chính trị. Nhưng cuộc sống cho thấy rằng đó chỉ là ảo tưởng. Khi V. Putin được bầu làm Tổng thống nước Nga, Maskova đã thực hiện một bước đi thông minh và hợp lý “trở lại” khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Từ đây, Nga có hàng loạt chính sách đối với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (thể hiện ở Tuyên bố chung Nga ASEAN - Nga về Quan hệ Đối tác Toàn diện và Tiến bộ, Chương trình Hành động Toàn diện thúc đẩy Hợp tác ASEAN - Nga, Hội nghị Thượng đỉnh Nga - ASEAN…).
Các tác giả cũng bàn tới “Giấc mộng Trung Hoa” của Trung Quốc, chiến lược “xoay trục sang Châu Á” của Mỹ… Trong bối cảnh đó, Việt Nam vừa tận dụng được những tác động tích cực, đồng thời cũng phải đối mặt với những thách thức, rủi ro. Khó khăn lớn nhất đối với Việt Nam là nguy cơ quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với Hoàng Sa, Trường Sa cùng một số vùng biển khác tại Biển Đông trước những tham vọng của Trung Quốc. Biển Đông trong quan hệ Việt - Trung đang bắt đầu một thời kỳ mới hòa bình, ổn định và hợp tác dựa trên các Hiệp định phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong vịnh Bắc bộ, Hiệp định hợp tác nghề cá ở vịnh Bắc Bộ, Tuyên bố chung về hợp tác toàn diện trong thế kỷ mới nhưng thực tế diễn ra trong những năm qua cho thấy. Tuy xu thế chung là hòa bình ổn định vẫn được duy trì, nhưng tình hình Biển Đông vẫn diễn biến rất phức tạp, ẩn chứa nhiều nguy cơ trong quan hệ khu vực, quốc tế nói chung, cũng như trong quan hệ Việt - Trung. Chính trong khó khăn, Việt Nam đã nhận rõ con đường phải đi ở phía trước. Việt Nam có đủ sức mạnh và nhất định sẽ có những phương thức phù hợp và văn minh trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ.
Xin trân trọng giới thiệu.
Triệu Hạnh