Giới thiệu sách: Chính sách xã hội hóa giáo dục và y tế ở Việt Nam hiện nay - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn

Cập nhật 09:18 ngày 18/01/2018
(Giới thiệu sách) - - Tác giả: TS. Cao Thu Hằng - Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, năm 2016, 227 trang.
 
Tóm tắt nội dung:
 
Chương 1: Một số vấn đề lý luận về chính sách xã hội hóa giáo dục và y tế ở Việt Nam
 
Tác giả nêu quy trình của một chính sách bao gồm: việc xây dựng chính sách, thực hiện chính sách, đánh giá chính sách và điều chỉnh chính sách. Các quy trình này có mối liên hệ, tác động ảnh hưởng lẫn nhau. Nếu một quy trình nào đó làm không tốt, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, sự đúng đắn và hiệu quả của chính sách. Chẳng hạn, nếu việc xây dựng chính sách là đúng đắn, hướng được đến mục tiêu, nhưng phần thực hiện chính sách không được tốt, thì mục tiêu của chính sách cũng không thực hiện được. Dĩ nhiên, nếu giai đoạn xây dựng chính sách không được chính xác thì việc thực hiện chính  sách rất khó và cũng không thể thành công. Quá trình xây dựng chính sách còn liên quan đến việc đánh giá chính sách để xem chính sách đó có trúng mục tiêu hay không và nếu không thì cần điều chỉnh gì, điều chỉnh việc xây dựng chính sách hay điều chỉnh ở quá trình thực hiện.
 
Chương 2: Thực trạng việc thực hiện chính sách xã hội hóa giáo dục và y tế ở Việt Nam hiện nay
Trong chương này, tác giả phân tích thực trạng thực hiện chính sách xã hội hóa giáo dục và y tế trên các mặt khác nhau. Về mặt hoạt động, xã hội hóa giáo dục và y tế chính là đa dạng hóa các loại hình hoạt động giáo dục và y tế. Điều đó có nghĩa là, bên cạnh việc củng cố các tổ chức của Nhà nước (các tổ chức công lập), thì khuyến khích, phát triển hoạt động của các tập thể hoặc cá nhân thực hiện trong khuôn khổ đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước. Xét về mặt nguồn lực, đó chính là dạng hóa, là mở rộng các nguồn đầu tư, khai thác các tiềm năng về nhân lực, vật lực và tài lực trong xã hội. Xét về mặt trách nhiệm, xã hội hóa không có nghĩa là giảm nhẹ trách nhiệm của Nhà nước, giảm bớt phần ngân sách nhà nước; trái lại, Nhà nước vẫn phải thường xuyên tìm kiếm các nguồn thu để tăng thêm ngân sách chi cho giáo dục và y tế; đồng thời, quản lý tốt để nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn kinh phí đó, cũng như hiệu quả các hoạt động ngoài công lập về giáo dục và y tế. Xã hội hóa không chỉ là nâng cao mức hưởng thụ của người dân mà đồng thời còn có nghĩa là nâng cao trách nhiệm của xã hội, của người dân đối với sự nghiệp giáo dục và y tế.
 
Chương 3: Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách xã hội hóa giáo dục và y tế ở Việt Nam
 
Trong chương này, tác giả đã đưa ra sự cần thiết nâng cao vai trò của Nhà nước trong việc thanh kiểm tra, tăng nguồn thu cho ngân sách, nâng cao nhận thức của xã hội về vấn đề này. Trong lĩnh vực giáo dục, cần phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập; nâng cao nhận thức và vai trò của các tầng lớp nhân dân trong thực hiện xã hội hóa giáo dục, như góp ý, viết sách giáo khoa, kiểm định độc lập,… Trong lĩnh vực y tế, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân, phát triển hệ thống tư nhân,… Các giải pháp có sự thống nhất và tác động lẫn nhau, không thể thực hiện thành công nếu các giải pháp tách rời riêng rẽ. Thực hiện đồng bộ các giải pháp được đưa ra ở chương 3 sẽ là cơ sở đảm bảo cho việc thực hiện thành công chính sách xã hội hóa giáo dục và y tế ở Việt Nam hiện nay.
                                                                                 
Thanh Thủy
Sự kiện: Giới thiệu sách
Cập nhật tin tức về khoa học xã hội tại: tapchikhxh.vass.gov.vn