Chính sách ruộng đất tư của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong thế kỷ XVII - XVIII
Cập nhật 08:16 ngày 03/06/2022
(Xã hội) - Tóm tắt: Khi vào quản lý vùng đất Đàng Trong, các chúa Nguyễn đã đưa ra rất nhiều chính sách khai hoang và quản lý ruộng đất, đặc biệt là đối với ruộng đất tư hữu. Chính sách đó có sự khác nhau giữa vùng Thuận - Quảng 2 và Gia Định tùy thuộc vào hoàn cảnh chính trị và điều kiện tự nhiên của mỗi vùng. Vùng Thuận - Quảng ruộng đất tư hữu và ruộng đất công được quy định và kiểm soát chặt chẽ, nên số địa chủ có điền sản lớn cũng ít hơn và chủ yếu rơi vào quan lại. Trong khi ở Gia Định vì diện tích ruộng đất rộng lớn, và chính quyền chúa Nguyễn chỉ mới đặt ra mục đích mở rộng lãnh thổ mà chưa có những chính sách cụ thể đối với vấn đề ruộng đất nên ruộng đất tư và các địa chủ có điền sản lớn rất phát triển.
1. Mở đầu
Vùng đất Đàng Trong dưới thời các chúa Nguyễn được tính từ phía Nam sông Gianh tỉnh Quảng Bình đến gần hết vùng đất Nam Bộ ngày nay. Đến giữa thế kỷ XVI, diện tích ruộng đất ở Đàng Trong mới được khai thác một phần ở Thuận Hóa, còn lại là đất hoang hóa, âm u, bụi rậm và vô chủ ở vùng Gia Định. Khẩn hoang và ruộng đất là hai vấn đề quan trọng trong lịch sử vùng đất Đàng Trong. Vai trò lớn nhất của các chúa Nguyễn và nhà Nguyễn sau này đó là đã khai khẩn, mở rộng diện tích lãnh thổ và ruộng đất cho sản xuất nông nghiệp. Những thành quả đó không chỉ đến từ những chính sách cởi mở, quan tâm đến đời sống người dân của các chúa Nguyễn mà còn là sự nỗ lực, quá trình đấu tranh của cư dân người Việt và các tộc người khác trên vùng đất mới. Vì thế, ruộng đất tư hữu ở Đàng Trong có điều kiện phát triển mạnh mẽ. Cho đến nay, đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về vấn ruộng đất ở từng địa phương hoặc lấy giai đoạn chúa Nguyễn làm tiền đề cho những phân tích về quá trình phát triển ruộng đất tư hữu thế kỷ XIX, nhưng chưa có công trình nghiên cứu nào đi sâu vào phân tích về những chính sách, biện pháp cụ thể trong quản lý ruộng đất tư của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong và những thành quả đạt được. Do đó, những điểm khác biệt trong chính sách quản lý đối với ruộng đất tư ở hai vùng Thuận - Quảng và Gia Định chưa được làm rõ. Bài viết sẽ phân tích rõ hơn vấn đề này.
2. Chính sách ruộng đất tư của các chúa Nguyễn ở vùng Thuận - Quảng
Khi mới vào làm quan Trấn thủ ở vùng đất Thuận Hóa năm 1558 và kiêm quản vùng đất Quảng Nam năm 1570, các chúa Nguyễn phải đối diện với nhiều khó khăn thử thách, đó là điều kiện khí hậu không mấy thuận lợi, dân cư thưa thớt, lại chủ yếu là cư dân bản địa chưa khuất phục và những người bị đày ải trong các thế kỷ trước phần nhiều không phải là những người nông dân chất phác. Sau cuộc chiến liên miên Nam - Bắc triều, số ruộng đất bỏ hoang ngày càng nhiều, nhà nước không thể kiểm soát được ruộng đất của dân. Do đó, để có thể từng bước đặt nền móng cho cơ nghiệp dòng họ Nguyễn lâu dài, Tiên chúa Nguyễn Hoàng đã thi hành những chính sách tích cực đối với cư dân vùng đất mới. Trong đó, vấn đề khẩn hoang, thu phục lòng dân được đưa lên hàng đầu. Vì thế, các chính sách đối với ruộng đất sau khai hoang ở vùng Thuận Hóa, Quảng Nam từ thời Nguyễn Hoàng đến Nguyễn Phúc Lan (1558-1648) hết sức rộng rãi. Theo đó, người dân (bao gồm cả cư dân tại chỗ và dân di cư mới đến) ba năm đầu có quyền tự do khai phá, chính quyền không khám đạc, các phủ huyện tự làm sổ kê khai và nộp thuế tùy ý, chưa có định ngạch, đất khai khẩn được thuộc về người đó [14, t.1, tr.32,112].
Đến đời chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687), năm 1669 mới tiến hành thu tô thuế trên loại ruộng khẩn hoang, song vẫn thừa nhận quyền tư hữu đối với loại ruộng này: “Nếu có người khai khẩn rừng hoang mà cày thành ruộng thì cho trưng làm ruộng tư (bản bức tư điền) cho cày mãi mà nộp thuế riêng, xã dân không được tranh chiếm” [14, t.1, tr.82]. Đối với những người dân nghèo không có ruộng quê ở Đàng Ngoài, đang tìm cách tránh loạn, tránh thiên tai, đói khát và chết chóc thì chính sách ruộng đất đó có tính hấp dẫn nhất định. Chính sách đó đã đem lại kết quả quan trọng là đất đai được khai phá triệt để, các bầu đầm, đất thổ ương chiêm trũng, vùng nhiễm mặn, vùng rừng rú đều được từng gia đình hoặc từng nhóm người lần lượt tìm đến khai phá, cải tạo, hình thành nên hàng loạt các làng xã mới. Kết quả là năm “Giáp Ngọ (1714), 8 huyện ở Thuận Hóa đã khẩn hoang thêm được 1510 mẫu 3 sào 3 thước 9 tấc” [10, tr.130], chúa Nguyễn buộc phải đặt thêm ty Nông sứ để giữ việc bổ thu thuế ruộng mới khai phá.
Sau khi tình hình kinh tế và dân cư ở vùng Thuận - Quảng đã đi vào ổn định, số dân ngày càng đông và quan lại trong bộ máy quản lý của các chúa Nguyễn cũng tăng lên gấp bội. Chính quyền chúa Nguyễn bắt đầu có những biểu hiện của sự suy thoái, trong đó việc cho phép mua bán ruộng đất đặc biệt là ruộng đất bãi màu ven sông mới khai phá mà thực chất là một hình thức chiếm đoạt ruộng đất của tầng lớp trên đối với dân chúng diễn ra công khai, rầm rộ dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát. Chính sách nêu rõ: ở Thuận Hóa nếu “dân có tậu mua, làm giấy trình xin, thì cho nộp tiền nội lễ mỗi sào 2 tiền” và chúa Nguyễn “tự phê điền ngày vào mà cho” [10, tr.131]. Đối với những xã, huyện không có tiền để bồi thường thuế thiếu cho nhà nước, dù là ruộng công hay tư đều “được chữ châu phê cho bán đoạn làm của tư, hoặc tự viết là ruộng tư mà đem bán đoạn” [10, tr.137].
Thông qua chính sách cho phép dân được tự khai thác những vùng đất hoang làm ruộng tư và chính sách cho phép mua bán ruộng đất đã dẫn đến ruộng đất tư nhân ngày càng phát triển mạnh mẽ. Để kiểm soát số ruộng đất này, năm 1770, chúa Nguyễn Phúc Thuần đã sai quan và thông lại các huyện soạn ruộng tư các họ ở các xã quy lại thành tập để dễ bề quản lý, trong đó xứ Thuận Hóa có 51 tập được phân bổ như sau: huyện Hương Trà 8 tập, huyện Quảng Điền 4 tập, huyện Phú Vang 15 tập, huyện Đăng Xương 8 tập, huyện Minh Linh 5 tập, huyện Khang Lộc 6 tập, huyện Lệ Thủy 4 tập, châu Nam Bố Chính 1 tập. Trong đó tập trung chủ yếu ở các huyện Hương Trà, Phú Vang, Đăng Xương là nơi đóng dinh phủ hoặc gần dinh phủ, nên ruộng đất tư ở đây chủ yếu thuộc về quan lại.
Việc chúa Nguyễn cho làm thành từng tập về số ruộng tư các họ như trên là một hình thức để nhà nước kiểm soát đối với ruộng tư và hạn chế hiện tượng biến công vi tư đang xuất hiện và phát triển mạnh mẽ ở một số nơi. Song hiện tượng mua bán và chiếm đoạt ruộng đất vẫn diễn ra thường xuyên, dân chúng một phần khổ sở vì thuế khóa, một phần khổ vì thiên tai nên số ruộng đất bán đoạn ngày càng nhiều. Họ chủ yếu làm thuê cho các quan đồn điền, quan điền trang của phủ chúa, đến khi giá gạo đắt, giá thuê ruộng cũng tăng cao khiến tình trạng kiện tụng vì cầm ruộng, chuộc ruộng trở nên phổ biến. Vì thế, sau khi chúa Trịnh đánh chiếm Phú Xuân (1776) đã ra hiểu dụ để nói rõ hơn về vấn đề cầm cố và bán đoạn ruộng đất3. Điều đó cho thấy, tình trạng mua bán ruộng đất đã trở nên phổ biến ở Thuận Hóa.
Ở Quảng Nam đến đầu thế kỷ XIX, ruộng đất tư ở vùng đồi núi, cát bồi chiếm phần lớn diện tích trong vùng, có nơi chiếm một trăm phần trăm diện tích. Tuy nhiên, nếu so với ruộng đất tư hữu ở Đàng Ngoài và ruộng tư ở khu vực phía Nam thì có thể thấy diện tích ruộng đất tư nhân ở vùng Thuận Quảng không nhiều. Bởi vì, điều kiện tự nhiên ở đây không mấy thuận lợi, những cánh đồng nhỏ hẹp nằm rải rác ven biển và thường hay bị bão lũ, lụt lội lại bị cắt xẻ bởi các con sông ngắn, cho nên đồng ruộng ở đây chủ yếu là ruộng cấy một vụ, số ruộng đất thực sự có thể sử dụng được trong tổng số diện tích khai hoang ở Thuận Quảng chỉ chiếm khoảng 50%, thậm chí có nơi như Nam Bố Chính chỉ có 30% [10, tr.136,140]. Hơn nữa, do dân số ở vùng Thuận Quảng tăng lên quá nhanh, nếu như đầu thế kỷ XVI, số dân ở vùng Thuận Hóa ước tính là 378.400 người, ở Quảng Nam là 29.040 người thì đến thế kỷ XVII con số tương ứng đã lên tới 789.800 người và 86.680 người, tốc độ tăng bình quân từ 0,15% đến 0,78%/năm [12, tr.57,59], vì vậy, số ruộng đất trong các gia đình tư nhân không nhiều, và diện tích không lớn. Điều này được thể hiện qua các bia cổ ở Quảng Nam ghi nhận số người cúng ruộng cho chùa rất ít và số diện tích ruộng cúng cũng không cao: như trường hợp bà Nguyễn Thị Diệp và Lê Cao Trí (xã Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc) cúng 5 mẫu 4 sào 8 thước đất tư cho chùa làm ruộng Tam bảo, hay như quan cai thuộc Nguyễn Văn Châu, cai hợp Trần Hữu Lễ cùng bần đạo ở xã Nại Hiên, huyện Hòa Vang cúng cho chùa Thử Long 4 mẫu 2 sào 2 thước làm ruộng Tam bảo; xã Hải Châu cũng chỉ cúng 1 mẫu, xã Hóa Khuê cúng cho chùa Linh Sơn 1 mẫu 8 sào, xã Cẩm Lệ cúng 3 mẫu 2 sào [2, tr.148]. Qua những bia cúng ruộng nêu trên cho thấy sở hữu ruộng đất tư nhân ở vùng Bắc Quảng Nam thuộc loại thấp và không nhiều, do đó chưa xuất hiện tầng lớp địa chủ lớn.
Đối với ruộng đất ở vùng Ninh Thuận, Bình Thuận, mặc dù đã thuộc về chúa Nguyễn, nhưng việc duy trì trấn Thuận Thành cho phép vua Chăm tiếp tục được quyền quản lý trên diện tích này nên nhà nước hàng năm không có khám đạc. Chỉ đến năm 1832, sau khi sáp nhập trấn Thuận Thành vào tỉnh Bình Thuận, nhà Nguyễn mới quan tâm đến việc kiểm kê ruộng đất của người Chăm [14, t.3, tr. 303-304]. Theo địa bạ năm 1836, ở Bình Thuận có diện tích điền thực là 40.264 mẫu 5 sào 4 thửa 0 tấc, được chia làm 4 loại: dân điền, trà nương điền, phiên liêu điền và dương điền. Trong đó dân điền có 10.146 mẫu 3 sào 10 thửa 3 tấc, phiên liêu điền có 1630 mẫu 1 sào 9 thửa 4 tấc, trà nương điền là 4.038 mẫu 6 sào 0 thửa 8 tấc, dương điền là 800 mẫu 3 sào 3 thửa 5 tấc [6, tr.48-52]. Như vậy, dưới thời các chúa Nguyễn, phần đất ở trấn Thuận Thành thuộc về ruộng đất tư do các vua Chăm trực tiếp quản lý. Ngoài ra cũng có một phần ruộng đất tư do người Kinh khai phá ở khu vực ven sông cũng trở thành ruộng đất tư hữu.
Để quản lý chặt chẽ hơn đối với ruộng đất tư ở Thuận - Quảng, các chúa Nguyễn đã đặt ra chính sách thuế ruộng đất. Giai đoạn đầu từ năm 1558 đến trước năm 1669, để thu phục lòng dân nên các chúa Nguyễn chưa có một thể lệ thu thuế cụ thể nào. Do đó, phần lớn ruộng ở đây là dân điền, ít được đo đạc và không phải nộp thuế. Lê Quý Đôn khi làm quan ở Thuận Hóa đã cho biết ruộng đất ở vùng châu Bắc Bố chính lấy đồng tiền Khang Hy lớn làm thước4, lại tha thuế ruộng công, ruộng tư nên năng suất lúa rất lớn, mỗi mẫu gặt đến 120 gánh, hạng kém cũng 100 gánh [10, tr.100]
Đến năm 1669, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Tần chính sách ruộng đất và thuế khóa mới được quy định do Ty Nông sứ phụ trách. Tuy nhiên, lệ thuế vẫn được đánh như nhau giữa ruộng công và ruộng tư với mức: ruộng nhất đẳng thu 40 thăng 8 cáp, nhị đẳng thu 30 thăng 6 cáp, tam đẳng thu 20 thăng 4 cáp. Khi diện tích ruộng đất tư điền tăng lên đáng kể, năm 1714 chúa Nguyễn Phúc Chu mới có quy định cụ thể đối với từng loại ruộng như sau: loại quan lương điền (ruộng lương của quan lại): có hơn 8 sào ở phường La Sơn, huyện Phú Vang chia làm 3 hạng: hạng nhất thu thuế mỗi mẫu 10 thăng, hạng 2 hạng 3 thu mỗi mẫu 5 thăng; loại ruộng vụ mùa có 246 mẫu 3 sào 8 thước 4 tấc, nhất loạt thu thuế một mẫu 24 thăng, nhưng tùy theo năm có thể thu bằng thóc hay tiền; loại ruộng vụ chiêm và ruộng xấu có 1.249 mẫu 3 sào 9 thước 7 tấc thu thuế mỗi mẫu 3 tiền5 [10, tr.130-131].
Ngoài ra, còn có loại ruộng đất tự do, các đại điền chủ giao cho dân cày lĩnh canh, thì hoa lợi, tô thuế nộp cho chủ đất, không có sự quy định chung của phủ chúa mà hoàn toàn do chủ đất quy định. Tùy thuộc theo hạng đất tốt xấu, và tùy theo quyền lực của tầng lớp địa chủ trên tầng lớp tá
điền, thường tô thuế ruộng đất ở các địa phương có thể có khác nhau và có nơi rất nặng, chẳng hạn trong Phủ biên tạp lục có ghi ở huyện Minh Linh giá tiền thuê một mẫu ruộng có nơi đến 50, 60 quan tiền kẽm tương đương 17 đến 20 quan tiền đồng [10].
Đó mới chỉ là ngạch tô thuế chính, chưa kể đến vô số những khoản phụ thu, các lễ vật trong dịp thu thuế. Ngoài gạo điền mẫu và phụ tiền còn có tiền cung đốn, tiền gạo ngụ lộc cho quan thu thuế, tiền nộp thóc vào kho, tiền khoán khố để sửa chữa kho, tiền phên tre để làm kho, tiền bao mây để trữ thóc gạo, tiền giàu đèn, tiền trầu cau và các lễ trình diện cung cấp phí tổn cho các quan lại thu thuế. Những khoản phụ thu và lễ vật này đều tính theo diện tích ruộng đất hay số tô thuế phải nộp. Chẳng hạn, riêng tiền thuế phên tre ở Đàng Trong năm 1769, các chúa Nguyễn đã thu vào đến 5.595 quan 7 tiền. Số tiền đó dùng làm ngụ lộc cho quan cai trưng, cai bạ và quan bản đường, làm lễ biếu cho các quan tứ trụ, lục bộ, tri bạ, tri thuế, còn bao nhiêu nộp vào kho. Điều này được thể hiện rõ ở Quảng Nam là nơi có chế độ thuế khóa hà khắc và nặng nề, thì các loại thuế này được tính như sau:
Lệ gạo ngụ lộc và thóc cũ, thóc 1000 thăng thì thu gạo 5 thăng, 3 tiền 30 đồng. Ngoài ra còn có lệ gạo cấp và thóc thêm cứ 1000 thăng thì thu gạo 5 thăng, 2 tiền 30 đồng. Lại có lệ tiền thóc tô vào kho cứ 1000 thăng thóc thu tiền gánh 5 tiền; lệ tiền cót tre, cứ 1000 thăng thóc thì thu 4 tấm cót tre; tiền khoán kho và cất trữ mỗi mẫu 35 đồng; tiền dầu đèn cho mỗi quan là 18 đồng; tiền thập vật mỗi sào 5 đồng; tiền khâu bao mỗi bao gạo 40 thăng thì thu 1 tiền; lễ trình diện cai trưng mỗi 1000 thăng thóc nộp 2 tiền rưỡi và gạo 2 thăng [10, tr.165]. Như vậy, thuế ruộng đất ở Quảng Nam phức tạp hơn nhiều so với vùng Thuận Hóa và Gia Định.
Với một chế độ thuế khóa nặng nề và nhiều khoản phụ thu như vậy đã tạo điều kiện cho quan lại xứ Thuận Quảng mặc sức tham ô và đục khoét của dân, làm cho đời sống nông dân thêm đói khổ và dẫn đến tình trạng nông dân bỏ ruộng đi vào phía Nam ngày càng nhiều.
3. Chính sách ruộng đất tư của các chúa Nguyễn ở vùng Gia Định
Gia Định là vùng đất được khai phá sau cùng trong lãnh thổ Đại Việt nhưng lại là vùng có diện tích rộng lớn thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp vào loại bậc nhất cả nước.
Trước khi chúa Nguyễn thiết lập cơ quan quản lý ở Gia Định, ruộng đất tư ở đây đã khá phát triển. Đó là ruộng của người Kinh, người Chăm nghèo không có ruộng đất ở vùng Thuận - Quảng di cư tự phát, lẻ tẻ theo từng nhóm nhỏ hoặc theo từng gia đình, dòng họ vào đây từ khoảng giữa thế kỷ XVII. Khi chúa Nguyễn vào khai phá năm 1698, nơi đây đã có số dân hơn 4 vạn hộ [14, t.1, tr.111], với số dân đông như vậy thì diện tích ruộng đất cũng không phải là nhỏ. Tuy nhiên, những lớp dân di cư từ vùng Thuận - Quảng vào đây dường như không có sự cố định địa bàn cư trú ngay từ đầu mà họ có thể dễ dàng di chuyển từ nơi này sang nơi khác để tìm ruộng đất tốt hơn, do đó chính quyền chúa Nguyễn chưa thể quản lý hết số ruộng đất này. Bên cạnh đó, diện tích ruộng đất của người Khmer trên các vùng đất cao, họ sống thành từng Sóc, Phum6 ven các con suối, với một diện tích rộng lớn, họ có thể dễ dàng mở rộng địa vực khi nhân khẩu tăng lên, và số ruộng khai hoang được chia cho con cháu thừa kế.
Vì thế, khi chúa Nguyễn thiết lập chính quyền ở Gia Định, nhằm đảm bảo sự ổn định ở vùng đất mới và chúa “chưa rỗi để kinh dinh đất này” nên việc đưa ra những chính sách, những biện pháp khuyến khích ruộng đất tư hữu phát triển chỉ cốt sao cho “đồng ruộng được mở mang” là những việc ưu tiên hàng đầu của các chúa Nguyễn trong vùng đất mới. Chúa Nguyễn vẫn cho phép người dân di cư có quyền được tự phân chiếm ruộng đất, chính quyền không can thiệp vào việc phân loại đẳng hạng ruộng đất, không hạn chế số lượng ruộng đất khẩn hoang, không khám đạc hay ràng buộc gì, và thu thuế theo sự tự nguyện khai báo của dân. Chúa Nguyễn còn cho phép dân ở tỉnh này có thể tự do đi khai khẩn đất ruộng ở tỉnh khác, ai muốn đến đâu ở, khai khẩn ruộng gò, ruộng thấp ở nơi nào, lập làng lập ấp ở đâu tùy ý. Sau khi lựa chọn đất đai rồi chỉ cần báo với nhà cầm quyền là mình trở thành nghiệp chủ của đất ấy, chính quyền cũng không đo đạc, không cần biết đất ấy tốt xấu thế nào. Điều này được Trịnh Hoài Đức ghi lại rất rõ trong Gia Định thành thông chí: “Địa phương Nông Nại nguyên xưa có nhiều ao chằm rừng rú. Khi đầu thiết lập ba dinh (Trấn Biên, Phiên Trấn và Long Hồ) pháp chế còn khoan dung giản dị, có đất ở hạt Phiên Trấn mà kiến trưng làm đất ở hạt Trấn Biên, hoặc có đất ở hạt Trấn Biên mà kiến trưng làm đất ở hạt Phiên Trấn, như vậy cũng tùy theo dân nguyện không có ràng buộc gì cả, cốt yếu khiến dân mở đất khẩn hoang cho thành điền, lập làm thôn xã, lại hoặc có đất hiện còn bùn cỏ mà trưng làm sơn điền, hoặc đất gò đống mà trưng làm ruộng cỏ cũng có phần nhiều, đến như sào mẫu, khoảnh sở tùy theo miệng khai rồi biên vào bộ chứ không hạ thước đo khám, phân bổ đẳng hạng tốt xấu” [11, tr.80]. Như vậy, để động viên và khuyến khích người dân khai hoang, các chúa Nguyễn đã có chính sách hết sức cởi mở. Chính sách này của chúa Nguyễn về sau được vua Gia Long nhắc lại rõ ràng hơn trong Đại Nam thực lục chính biên: “Buổi quốc sơ, đất Gia Định còn là nơi nhiều rừng núi đầm lầy, mộ dân tới ở, cho tùy tiện lập ấp vỡ hoang, các thửa ruộng chỉ ước số đại khái, không chia ra hạng tốt, hạng xấu” [14, t.1, tr.207]. Việc cho dân “tự chiếm” là một hình thức công nhận đất đai mà dân khai phá được cho phép là ruộng tư hữu. Thông qua chính sách rộng rãi này mà số dân nghèo lưu vong vào khẩn hoang phía Nam ngày càng nhiều, diện tích khai thác ngày một lớn7. Từ đó đã hình thành nên hàng loạt nông dân tư hữu với những khu đất sở hữu tương đối rộng rãi, dân cư chuyên nghề làm vườn ruộng đều có sản nghiệp, được gọi là nơi giàu có đông đúc.
Các chúa Nguyễn còn chủ trương xá tội cho những tù phạm, miễn sưu dịch cho các đinh sưu nếu họ tự nguyện đi khẩn hoang. Đồng thời, chúa Nguyễn Phúc Tần còn “chiêu mộ những dân có vật lực ở xứ Quảng Nam, các phủ Điện Bàn, Quảng Ngãi, Quy Nhơn cho dời tới đây, phát chặt mở mang hết thảy thành bằng phẳng, đất đai màu mỡ cho dân tự chiếm trồng cau và làm nhà cửa” [10, tr.345]. Thông qua chính sách này, hàng loạt các địa chủ vùng Thuận Quảng do diện tích tự nhiên của xứ hạn hẹp, lại bị quan lại gần phủ chúa ức hiếp, nên đã nhanh chóng chiêu mộ dân vào Nam khai hoang. Họ thuê mướn nhân công, thậm chí chúa Nguyễn còn cho phép họ có quyền mua bán người dân tộc thiểu số làm nô tỳ8 với giá từ 10 quan đến 20 quan [10, tr.345] để làm nhân công trong các nông trại (mỗi gia đình có tới 50-60 người, 300-400 con trâu), nhờ đó ruộng cấy được rất nhiều thóc và có nhiều ruộng tốt [4, tr.201]. Chính sách cho dân tự chiếm ruộng đất làm nhà cửa được duy trì ở Nam Bộ trong thời gian dài, ngay cả khi nhà Nguyễn lên ngôi, người dân vẫn chưa có sự đăng ký nơi cư trú cố định. Khi Tả quân Lê Văn Duyệt vào Gia Định năm 1829, ông vẫn thấy dân cư ở đây “mãi chẳng bao giờ có một sự đăng ký cố định nào. Thậm chí, chúng ta thấy có trường hợp một người dời đến 3 thôn khác nhau trong một năm” [14, t.4, tr.60]. Đến năm 1836, vua Minh Mạng mới chính thức sai quan đi kinh lý Nam Kỳ lục tỉnh, vì nhận thấy nơi đây, người dân không có thói quen đo đạc ruộng đất, quan lại các tỉnh cũng không một ai “am tường về địa phận đông tây, về phân số mẫu sào và những cách nêu ruộng, ghi nhận, tính đo” nên Vua có dụ: “Xưa nay ruộng đất đều có ghi rõ mẫu, sào thước tấc, đó là phép thường không thay đổi. Các tỉnh trong cả nước đều như thế cả, há có lý nào sáu tỉnh Nam Kỳ lại khác hay sao? Trong sổ ruộng ít thấy ghi rõ mẫu sào và hạng bậc hay đẳng điền mà cứ tính ra một dây một thửa, như vậy không những hầu như quê mùa, không phải là quy chế thống nhất mà ranh giới không rõ ràng, lại để sinh ra mối tệ” [14, t.4, tr.879]. Trên cơ sở đó, ruộng đất tư hữu ở Nam bộ được kê khai cụ thể. Chỉ tính riêng tỉnh Biên Hòa, tư điền tư thổ có 12.597 mẫu 7 sào 7 thước 5 tấc. Trong đó, tư điền có 10.636 mẫu 2 sào 8 thước 5 tấc (chiếm 84,43%) và tư thổ có 1.961 mẫu 4 sào 14 thước (chiếm 15,57%). Trong tổng số diện tích ruộng tư điền thì ruộng thuộc sở hữu tư nhân chiếm ưu thế, ruộng tư của tập thể và ruộng của nhà chùa chưa đến 1% [8, tr.136]. Mặc dù đây là số liệu đo đạc và ghi lại vào năm 1836 song cũng có thể lấy đó làm căn cứ để biết được diện tích ruộng đất tư hữu giai đoạn trước đó phát triển khác hẳn so với vùng Thuận Quảng và Đàng Ngoài. Điều đó cho thấy, không chỉ dưới thời chúa Nguyễn mà ngay cả khi lên ngôi, các vua nhà Nguyễn vẫn dành riêng cho vùng đất Nam Bộ một đặc ân riêng về chế độ ruộng đất. Vì vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, vùng đất Đồng Nai, Gia Định đã thu hút được đông đảo dân khai hoang đến lập nghiệp, đặc biệt là lưu dân từ Bố Chánh trở vào nhanh chóng trở thành những địa chủ, phú hào. Hiện nay, các địa danh của vùng đất Nam Bộ vẫn gọi theo tên gọi của những người chủ đứng ra khai phá. Chẳng hạn Giồng Cai Lữ ở Tiền Giang được Trịnh Hoài Đức chép lại rằng: ông Nguyễn Văn Lữ, tục gọi là Cai Lữ đến vùng đất mà ngày nay thuộc các xã Nhị Bình, Dưỡng Điềm (Châu Thành). Khi ông mất, tên và chức vụ của ông được đặt cho một giồng đất ở đây: giồng Cai Lữ. Địa danh Cai Lậy cũng được đặt theo tên của người vào khai khẩn đầu tiên; vùng đất Bà Nghè cũng được đặt tên theo tên bà Nguyễn Thị Khánh là con gái đầu của Vân Trường hầu, bà là người đầu tiên cùng chồng khai mở vùng đất mới này nên người ta lấy tên bà đặt cho vùng đất cũng như dòng sông và cây cầu bắc qua con sông trên vùng đất ấy… [11].
Cũng cần phải thấy thêm rằng, chúa Nguyễn còn có nhiều chính sách ưu ái đặc biệt cho chế độ sở hữu ruộng đất tư nhân, cho họ quyền quản lý và có quyền thế tập trên vùng đất mà họ khai phá được. Tiêu biểu trong số đó là chính sách ưu đãi đối với Mạc Cửu và con cháu dòng họ Mạc trên đất Hà Tiên. Các chúa Nguyễn cho phép họ Mạc có mọi quyền hành trên vùng đất mới, có quyền thu thuế và mộ dân khai hoang, số ruộng đất khai hoang được có quyền thế tập từ đời này sang đời khác, và con cháu Mạc Cửu được phong là Tổng trấn. Nhờ chính sách thoáng và cởi mở như vậy đã khiến cho họ Mạc dốc hết sức mình để xây dựng và bảo vệ Hà Tiên, đưa Hà Tiên từ vùng “mang khảm” nhanh chóng trở thành trung tâm thương mại quốc tế, vùng đô thị phát triển của Nam Bộ thế kỷ XVIII. Đúng như Trịnh Hoài Đức miêu tả: “nơi đây đến phố lớn, đều là Mạc Tôn trước kia kinh doanh, đường phố ngang dọc, cửa nhà liên tiếp. Người Kinh, người Hoa, người Cao Miên, người Chà Và theo từng loại mà họp ở. Thuyền biển, thuyền đi lại như mắc cửi, là một nơi đô hội miền biển” [11, tr.201].
Đối với những công thần, những người có công trong việc khai phá và giữ vững biên cương lãnh thổ, các chúa Nguyễn đã ban thưởng cho họ một diện tích ruộng đất không nhỏ làm ruộng tư. Khác với vùng đất Thuận Quảng, các chúa Nguyễn ban hành chế độ phong thưởng rất hạn chế như quý thần 10 mẫu, chưởng cơ cũng chỉ được 5 mẫu, không thấy nhắc đến ruộng phong cấp làm tự điền, thì đến vùng đất Nam Bộ chính sách ban thưởng này có phần rộng rãi hơn. Chẳng hạn: năm 1694, chúa Hiển Tông đã truy cấp 18 mẫu tự điền cho Nguyễn Hữu Tiến, 3 mẫu tự điền cho Nguyễn Hữu Dật; năm 1725, phê cho Nguyễn Cửu Triêm, con trai Nguyễn Cửu Vân “2 thửa ruộng cày hạng hai, hạng ba làm ruộng quan điền ăn riêng” [11; tr.36], ruộng đất ấy thuộc vào ba thôn Bình Khang, Bình Trung, Bình Tuyên thuộc tổng Bình Cách và được chuẩn cho làm ruộng tự điền của Nguyễn Công; năm 1716 cấp cho Khám Lý Trần Đức Hòa 10 mẫu tự điền, cấp 500 mẫu tự điền cho thiếu úy Tôn Thất Hiệp [14, t.1, tr.136-172]. Số ruộng đất này được truy cấp vĩnh viễn làm ruộng tư của gia đình.
Do đất đai rộng lớn và trong thực tế rất khó để quản lý chặt chẽ vùng đất mới này, nên để nhanh chóng khai phá, các chúa Nguyễn đã áp dụng một thiết chế quản lý hành chính và kinh tế lỏng lẻo. Điều này đã tạo điều kiện cho bộ phận ruộng đất tư hữu phát triển mạnh mẽ và chiếm vị trí áp đảo trong toàn bộ diện tích khai khẩn được ở Gia Định.
Chính sách thuế khóa đối với ruộng đất tư ở Gia Định cũng nhẹ hơn nhiều so với vùng Thuận - Quảng. Chúa Nguyễn Phúc Khoát cho rằng, khi đầu mới thiết lập không thể lấy pháp luật mà ràng buộc nên cho phép dân được tự ý kê khai nộp thuế.
Sau khi ổn định, chúa Nguyễn có đưa ra các mức thuế khác nhau tùy thuộc vào điều kiện khai thác của từng huyện, từng thuộc, nhưng nhẹ hơn ở Thuận - Quảng. Lê Quý Đôn đã tìm được bản kê đinh điền và số thuế của dinh Long Hồ do cai bạ Nguyễn Khoa Thuyên tâu báo rất cụ thể về các thuộc như sau: “Huyện Tân Bình hai thuộc Quy An, Quy Hóa dân đều hơn 3000 đinh, ruộng đều hơn 5000 thửa, thuế lệ mỗi thửa hạng nhất 6 hộc, hạng nhì 5 hộc, hạng ba 4 hộc; thuộc Tam Lạch dân hơn 4000 đinh, ruộng hơn 5000 thửa. 3 trại thuộc Bả Canh, Bà Lai, Bà kiến dân hơn 4000 đinh, ruộng hơn 4000 thửa, thuế lệ mỗi thửa hạng nhất 4 hộc, hạng nhì 3 hộc, hạng ba 2 hộc. Huyện Phước Long thuộc dinh Trấn Biên, ruộng hơn 6000 thửa, thuế lệ mỗi thửa hạng nhất 10 hộc, hạng nhì 8 hộc, hạng ba 6 hộc. Châu Định Viễn dân hơn 7000 đinh, ruộng hơn 7000 thửa, thuế lệ mỗi thửa hạng nhất 4 hộc, hạng nhì 3 hộc, hạng ba 2 hộc” [10, tr.140-141].
Thuế ruộng đất thu bằng thóc đối với vùng đất Gia Định - Đồng Nai cũng được thu theo đầu người, quy định cụ thể trong sổ thuế năm Kỷ Sửu (1769) như sau: huyện Tân Bình (châu Định Viễn) ruộng núi thực nộp là 751 người, thóc thuế 1.902 hộc; huyện Phúc Long, ruộng núi thực nộp là 245 người, thóc thuế 576 hộc; châu Định Viễn ruộng núi và ruộng cỏ thực nộp là 2.937 người, thóc thuế 6.144 hộc. Bên cạnh đó còn có tiền nộp thay về đất dâu, đất mía, đất vườn trầu, tiền nộp thay về tô ruộng các họ, tiền nộp thay về ruộng quan đồn điền lĩnh canh tính riêng.
Tiền thuế gạo cung đốn theo đầu mẫu được ghi chép lại vào năm Kỷ Sửu ở một số huyện như sau: “Huyện Tân Bình gạo cung đốn theo đầu mẫu là 303 bao 34 thưng 4 cáp, tiền là 19 quan 3 tiền 56 đồng. Huyện Phúc Long, gạo cung đốn theo đầu mẫu và các hạng gạo thường tân, gạo cánh trắng, cộng là 113 bao 3 thưng 5 cáp 3 thược” [10, tr.42]. So với Thuận Quảng thì số gạo cung đốn theo đầu mẫu ở vùng Nam Bộ nhẹ hơn rất nhiều, riêng ở phủ Điện Bàn xứ Quảng Nam gạo điền mẫu đã hơn 600 bao và tiền cung đốn lên đến 200 quan, lớn hơn rất nhiều so với vùng đất Nam Bộ.
Để đảm bảo cho sự trưng thu thuế khóa ở Nam Bộ, năm 1741, chúa bèn cho lập 9 khố trường hay còn gọi là các kho biệt nạp để nộp riêng, chở riêng, sắp đặt quan lại trưng thu cho có quy định rõ ràng. Bao gồm các kho: Quy An, Quy Hóa, Cảnh Dương, Thiên Mụ, Quản Thảo, Tam Lạch, Bả Canh, Tân Thịnh, Hoàng Lạp [14, t.1, tr.149]. Sự ra đời của các kho biệt nạp nhằm mục đích hạn chế sự chuyên chở đường xa, mặt khác nhằm khẳng định quyền lực của các chúa Nguyễn ở vùng đất mới. Tại các kho biệt nạp, nhân dân có thể đóng thuế bằng lúa hoặc bằng tiền mặt, vừa thuận lợi cho dân mà các quan cũng khỏi lo sợ nạn thất thu. Tuy nhiên, với một vùng đất rộng lớn như vậy, dân cư lại thưa thớt, các chúa Nguyễn vẫn chưa thể kiểm soát hết được số diện tích đất đai khai phá, nên việc đánh thuế vẫn chủ yếu dựa trên số đinh cân đối với diện tích đất đai đo đạc được.
Như vậy, có thể thấy các chúa Nguyễn đánh thuế điền thổ thấp để khuyến khích nhân dân khai hoang “đến đây mới tham chước mà đặt tiêu chuẩn công bằng, nhưng so sánh với các dinh trấn ở phía bắc thì Gia Định pháp chế rộng mà thuế nhẹ” [10, tr.80].
4. Kết luận
Với chính sách nới lỏng trong quản lý ruộng đất, các chúa Nguyễn đã khuyến khích được mọi tầng lớp dân cư tham gia vào quá trình khai hoang, mở rộng diện tích lãnh thổ và ổn định an ninh nơi vùng đất mới. Dù ở Thuận - Quảng hay Gia Định, khi mới quản lý, các chúa Nguyễn đều cho dân được tự ý khai phá, khi nào xong thì khai báo mà chính quyền chưa có sự khám đạc cụ thể. Tuy nhiên, ở Thuận - Quảng, vì là đất đóng đô của bộ máy chính quyền chúa Nguyễn và diện tích ở đây không lớn nên ruộng đất tư nhân không có điều kiện phát triển mạnh mẽ như ở Nam Bộ, nếu có cũng chỉ một phần nhỏ ở Quảng Nam, còn ở vùng đất thuộc Bình Định (ngày nay) với sự lớn mạnh của phong trào Tây Sơn nửa sau thế kỷ XVIII nên ruộng đất tư ở đây tập trung nhiều hơn.
Đối với vùng đất Gia Định, mục đích chính của các chúa Nguyễn cũng như nhà Nguyễn là mở rộng diện tích canh tác, hạn chế diện tích đất hoang để tạo ra của cải, lúa gạo và mở rộng diện tích lãnh thổ của đất nước hơn là việc quản lý về ruộng đất, vì thế chính quyền hầu như chưa có chính sách đo đạc, quản lý hay đánh thuế cụ thể đối với ruộng đất. Do đó, Nam Bộ sớm có nền kinh tế hàng hóa phát triển.
Tài liệu tham khảo
[1] Dương Văn An (1997), Ô châu cận lục, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
[2] Huỳnh Công Bá (2002), Công cuộc khẩn hoang và phát triển làng xã Bắc Quảng Nam từ giữa thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII, Luận án Tiến sĩ, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
[3] Choi Buyng Wook (2011), Vùng đất Nam Bộ dưới triều Minh Mạng, Nxb Thế giới, Hà Nội.
[4] Phan Huy Chú (2008), Lịch triều hiến chương loại chí, t.1, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[5] Phan Đại Doãn, Cao Văn Bền (1994), “Di dân người Việt từ thế kỷ X đến giữa thế kỷ XIX”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, Phụ san số 3.
[6] Đổng Thành Danh (2018), “Tình hình sở hữu ruộng đất của người Chăm thời Nguyễn qua địa bạ (1836)”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 9.
[7] Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (2006), Hà Tiên trấn Hiệp trấn Mạc thị gia phả, Nxb Thế giới, Hà Nội.
[8] Nguyễn Đình Đầu (1992), Chế độ công điền công thổ trong lịch sử khẩn hoang lập ấp ở Nam kỳ lục tỉnh, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hà Nội.
[9] Nguyễn Đình Đầu (1994), Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn, Biên Hoà, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh.
[10] Lê Quý Đôn (1977), Phủ biên tạp lục, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
[11] Trịnh Hoài Đức (1998), Gia Định thành thông chí, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[12] Li Tana (1999), Xứ Đàng Trong lịch sử kinh tế xã hội Việt Nam thế kỷ XVII, XVIII, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh.
[13] Trần Thị Thu Lương (2006), “Chế độ sở hữu ruộng đất ở Nam Bộ từ thế kỷ XVII đến nửa đầu thế kỷ XIX”, Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ, t.9, số 3.
[14] Quốc sử quán triều Nguyễn (2004), Đại Nam thực lục, t.1, 3, 4, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[15] Trương Hữu Quýnh (2009), Chế độ ruộng đất và một số vấn đề lịch sử Việt Nam, Nxb Thế giới, Hà Nội.
Nguyễn Thị Hải
Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam. Số 2 - 2020