Thúc đẩy hợp tác Việt Nam-châu Phi, bảo đảm an ninh lương thực và dinh dưỡng cho tất cả mọi người

Cập nhật 08:16 ngày 06/06/2022
(Xã hội) - Nhằm thúc đẩy hợp tác Việt Nam - Châu Phi trên tất cả các lĩnh vực, Việt Nam đã và đang tích cực đồng hành với Tổ chức Pháp ngữ (OIF) tại châu Á - Thái Bình Dương và các đối tác quốc tế khác hỗ trợ các nước Châu Phi phát triển trên mọi phương diện, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm bảo đảm an ninh lương thực và dinh dưỡng cho tất cả người dân.
Nhân dịp Ngày Châu Phi (25/5/2022), Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông (IAMES) trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS), Liên hiệp hợp tác kinh tế Việt Nam - Châu Phi (VAECA) phối hợp với Tổ chức Pháp ngữ (OIF) tại Châu Á-Thái Bình Dương đồng tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “An ninh lương thực và dinh dưỡng cho mọi người”.
 
Thúc đẩy hợp tác Việt Nam-châu Phi, bảo đảm an ninh lương thực và dinh dưỡng cho tất cả mọi người
Toàn cảnh Hội thảo

Sự kiện được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến vào chiều 25/5/2022 (giờ Việt Nam) với sự tham gia của đại diện lãnh đạo Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO), IAMES, Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam; các nhà quản lý, ngoại giao, hoạch định chính sách, Nghiên cứu khoa học, các doanh nghiệp Việt Nam, Châu Phi…
 
Hội thảo là diễn đàn để các đại biểu chia sẻ ý kiến, kinh nghiệm và biện pháp phát triển nông nghiệp nhằm bảo đảm an ninh lương thực và dinh dưỡng cho mọi người, đặc biệt là nhóm những người dễ bị tổn thương trên nguyên tắc các bên cùng có lợi.
 
Hội thảo là diễn đàn để các đại biểu cấp ngoại giao khu vực Châu Phi - Trung Đông chia sẻ ý kiến, kinh nghiệp và các biện pháp phát triển nông nghiệp và là cơ hội tạo lập sự kết nối giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B), doanh nghiệp với khách hàng (B2C) và doanh nghiệp với chính phủ (B2G) của Việt Nam, các nước Châu Phi, các nước nói tiếng Pháp và cộng đồng quốc tế nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư trong nhiều lĩnh vực thuộc ngành nông nghiệp nói chung, các vấn đề về phát triển và mở rộng canh tác các giống cây trồng như: lúa gạo, ngô, hạt điều, cả phê và nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc... nhằm giúp Châu Phi thực hiện lộ trình Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) đến năm 2030 và Chương trình nghị sự của Liên minh Châu Phi đến năm 2063.
 

Bà Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch VUFO phát biểu khai mạc Hội thảo

Khai mạc hội thảo, bà Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch VUFO nói: “Châu Phi hiện đang là khu vực thu hút sự quan tâm của rất nhiều quốc gia trong nỗ lực phát triển bền vững toàn cầu. Dự báo đến năm 2050, dân số Châu Phi sẽ đạt mức 2.5 tỷ người, chiếm ¼ dân số toàn cầu. Theo đó, thế kỷ XXI sẽ là thế kỷ của Châu Phi, vì vậy các quốc gia trong khu vực này đang nỗ lực hết sức mình trong việc chuyển đổi phát triển kinh tế, xã hội một cách ấn tượng và kêu gọi cộng tác, hỗ trợ từ các đối tác quốc tế ủng hộ các sáng kiến, Chương trình Nghị sự 2063 của Liên minh Châu Phi”. Với tư cách là Chủ tịch VUFO bà Nga khẳng định, trên cơ sở có nhiều nét tương đồng cũng như giữa Việt Nam và Châu Phi vốn có sẵn mối quan hệ tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, Việt Nam sẽ luôn là đối tác tin cậy, sát cánh cùng bạn bè Châu Phi trong mọi công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
 
“Việt Nam sẽ tích cực đồng hành với OIF và các đối tác quốc tế khác hỗ trợ các nước Châu Phi phát triển trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp có liên quan đến chuyển giao kỹ thuật, đào tạo trồng lúa, ngô, bông, cà phê, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc... trên nguyên tắc “đôi bên cùng có lợi" nhằm bảo đảm an ninh lương thực và dinh dưỡng cho tất cả người dân Châu Phi, vì một Châu Phi tăng trưởng bao trùm và phát triển bền vững và vì một thế giới thịnh vượng và hòa bình” Chủ tịch VUFO nhấn mạnh.
 

PGS.TS. Lê Phước Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông phát biểu tại Hội thảo

Đại diện đơn vị đồng tổ chức hội thảo, PGS.TS. Lê Phước Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông cho biết, năm nay, chủ đề của hội thảo hiện đang là vấn đề cấp bách đối với Châu Phi và nhận được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.
 
Theo báo cáo từ FAO tiềm năng phát triển nông nghiệp của Châu Phi rất lớn. Diện tích đất trồng của châu lục này là khoảng 1 tỷ ha, song diện tích đất nông nghiệp hiện nay được sử dụng mới chỉ khoảng 210 triệu ha và còn khoảng 600 triệu ha đất nông nghiệp vẫn bị bỏ hoang đã cho thấy tiềm năng phát triển về nông nghiệp ở khu vực này là rất lớn.
 
Tuy nhiên, “trên thực tế, theo số liệu thống kê năm 2020, số người bị đói của Châu Phi là 282 triệu người và hơn 1/3 dân số châu Phi bị thiếu dinh dưỡng. Châu Phi hiện là một trong những châu lục chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu khiến hạn hán gia tăng kéo theo mất mùa. Bên cạnh đó, hệ lụy từ các xung đột, suy thoái kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch Covid -19, đặc biệt là cuộc khủng hoảng gần đây giữa Nga và Ukraine cũng khiến số lượng người bị đói ở Châu Phi liên tục gia tăng, ước tính có khoảng 1,9%-16,5% trẻ em ở châu lục này rơi vào tình trạng bị thiếu dinh dưỡng trở thành thực trạng rất đáng báo động về an ninh lương thực cũng như nhu cầu dinh dưỡng ở khu vực này.
 
Là đơn vị nghiên cứu về Châu Phi hàng đầu của Chính Phủ Việt Nam, Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông đang nỗ lực tích cực phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước nhằm nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp giúp Chính phủ kịp thời trong các tư vấn chính sách nhằm tăng cường sự hiểu biết, thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam - Châu Phi ngày càng phát triển. Ông Lê Phước Minh khẳng định: “Với những kinh nghiệm xóa đói, giảm nghèo trong phát triển nông nghiệp, Việt Nam luôn sẵn sàng sát cánh cùng các bạn Châu Phi trong công cuộc xóa đói, tự lực tự cường về lương thực, phát triển bao trùm và bền vững”.
 
Tại 2 phiên thảo luận của hội thảo với các chủ đề: “Tăng cường hợp tác ba bên: Nhu cầu và triển vọng” và “Làm gì để bảo đảm an ninh lương thực và dinh dưỡng cho tất cả mọi người ở châu Phi?”, các đại biểu đã thảo luận về cách thức để tăng cường hợp tác giữa Việt Nam-châu Phi, hợp tác Nam-Nam, hợp tác 3 bên để khai thác tốt hơn tiềm năng của châu Phi, giúp nâng cao đời sống, đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng cho người dân tại châu lục này.
 

Đại biểu tham dự trình bày tham luận tại Hội thảo

Theo ông Kaloyan Kolev, đại diện OIF tại Châu Á-Thái Bình Dương: Châu Phi hiện đang trên đà phát triển, số lượng tầng lớp trung lưu tăng nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề an ninh lương thực và tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng còn cao. Việt Nam là hình mẫu để châu Phi học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt trong xóa đói giảm nghèo, phát triển nông nghiệp.
Ông Kolev cho rằng, tiềm năng hợp tác Nam - Nam hay hợp tác 3 bên giữa Việt Nam, châu Phi và OIF là rất lớn và cần được khai thác tốt hơn, hiệu quả hơn. OIF cũng đã, đang, sẽ dành sự quan tâm và nguồn lực lớn cho hợp tác Nam - Nam và hợp tác 3 bên. Theo đó, thời gian tới, mục tiêu của IOF là tăng cường hợp tác giữa Việt Nam với các thành viên, chuyển giao công nghệ, chia sẻ kiến thức, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp như trồng lúa gạo, tiêu, điều... thúc đẩy ký kết các thỏa thuận thương mại tự do… Và đó sẽ là những công cụ để tăng cường hợp tác Việt Nam - Châu Phi trong thời gian tới.
 

Đại biểu tham dự trình bày tham luận tại Hội thảo

Thực tế cho thấy Việt Nam từ một quốc gia nhỏ bé thiếu lương thực đã trở thành nhà xuất khẩu gạo lớn thứ 2 trên thế giới. Hiện nay, Việt Nam đang xuất khẩu gạo cho nhiều nước Châu Phi, cụ thể vào năm 2019, Việt Nam đã xuất khảo cho 35/55 nước Châu Phi với tổng trị giá đạt gần 630 triệu USD bao gồm các thị trường chính như: Bờ biển Ngà, Ghana, Senegal, Mozambique, Cameroon, Gabon, Tanzania và Ai Cập…. Trong hơn 20 năm qua, Việt Nam đã cử hơn 2000 chuyên gia nông nghiệp sang giúp các nước Châu Phi trồng lúa, ngô và nuôi cá dưới hình thức hợp tác ba bên như FAO - Châu Phi - Việt Nam, IFAP - Châu Phi - Việt Nam hoặc JICA - Châu Phi - Việt Nam… các chương trình này đã gặt hái được một số thành công nhất định giúp sản xuất lúa và nuôi cá của một số nước Châu Phi tăng lên đáng kể. Theo đó Việt Nam sẽ luôn sẵn sàng sát cánh cùng Châu Phi trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, tự lực tự cường về lượng thực, phát triển bao trùm và bền vững vì mục tiêu thúc đẩy hợp tác Việt Nam-châu Phi, bảo đảm an ninh lương thực và dinh dưỡng cho tất cả mọi người.
 
Nguồn: Phạm Vĩnh Hà/vass.gov.vn
Cập nhật tin tức về khoa học xã hội tại: tapchikhxh.vass.gov.vn