Một số đặc điểm về xu hướng và quá trình ly hôn ở Việt Nam hiện nay

Cập nhật 08:33 ngày 01/06/2022
(Xã hội) - Tóm tắt: Bài viết mô tả một cách khái quát về tình hình ly hôn ở Việt Nam hiện nay về quy mô, mức độ; phân tích quy trình ly hôn, các chủ thể tham gia vào quá trình ly hôn và người đứng đơn ly hôn theo các đặc điểm nhân khẩu xã hội dưới góc độ lý thuyết về hiện đại hóa, tính cá nhân và tập thể và bình đẳng giới ở khu vực Tây Nam Bộ. Bài viết cho thấy có sự khác biệt về thủ tục ly hôn, người đứng đơn xin ly hôn giữa các nhóm xã hội mang đặc điểm truyền thống và hiện đại hơn; xu hướng tăng lên về bình đẳng giới trong đời sống gia đình.
1. Đặt vấn đề
 
Sau 45 năm thống nhất đất nước, tính đến năm 2020, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả trong phát triển kinh tế, xã hội. Từ xuất phát điểm thấp sau nhiều năm chiến tranh, nền kinh tế đã có những chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng nâng cao mức sống, thu nhập của người dân, cải thiện cơ sở hạ tầng, và duy trì sự ổn định xã hội. Công cuộc đổi mới của Việt Nam chuyển sang nền kinh tế thị trường và hiện đại hóa nền kinh tế cũng bắt đầu định hình lại lối sống cũng như các giá trị trong xã hội, trong đó có ly hôn. Ly hôn, vì thế, cũng không còn bị coi là một thất bại trong cuộc đời cá nhân như trước đây. Quá trình hiện đại hóa đất nước đã giúp mỗi cá nhân thoát khỏi sự trói buộc về những quan niệm hôn nhân gia đình truyền thống, và người ta tin rằng, xã hội Việt Nam đang chuyển dần sang lối sống hiện đại.
 
Bài viết này2 tiếp cận và phân tích các thống kê quốc gia về ly hôn tại Tòa án nhân dân tối cao; hồ sơ ly hôn của các cặp ly hôn tại tòa án nhân dân nhằm tìm hiểu những đặc điểm và nguyên nhân của ly hôn. Phương pháp phân tích hồ sơ ly hôn được áp dụng nhằm mô tả một cách khái quát về quy mô, mức độ, khuôn mẫu, và các yếu tố tác động tới ly hôn trong khoảng thời gian một thập niên ở 6 quận, huyện: Ninh Kiều, Thốt Nốt, Ô Môn, Phong Điền, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh giai đoạn 2009-2017 được sự cho phép và hỗ trợ của Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ. Toàn bộ các thông tin của sổ thụ lý hồ sơ ly hôn và sổ kết quả xử lý ly hôn của 8.993 hồ sơ ly hôn của 6 quận, huyện trên (như năm kết hôn, năm ly hôn, năm sinh, học vấn, nơi ở, nguyên nhân ly hôn, số con, v.v..) được phân tích và mã hóa thành các biến số định lượng để cho phép các phân tích thống kê về đặc điểm ly hôn của địa bàn nghiên cứu. Bài viết cũng thực hiện 24 phỏng vấn sâu (PVS) cá nhân ly hôn, 3 PSV cán bộ tòa án, nhằm có thông tin toàn diện, sâu sắc về quá trình, nguyên nhân, hệ quả của ly hôn với cá nhân.

2. Tiếp cận lý thuyết
 
2.1. Lý thuyết hiện đại hóa
 
Các nhà lý luận đã phát triển lý thuyết hiện đại hóa để giải thích các thay đổi về mặt xã hội, ví dụ như việc ly hôn trong thời hiện đại.. Sự phát triển kinh tế xã hội, cùng với quá trình hiện đại hóa và đô thị hóa có thể trong giai đoạn đầu làm giảm tỉ lệ ly hôn, tuy nhiên ở giai đoạn sau tỷ lệ ly hôn tăng lên. Một số thay đổi về mặt xã hội cùng với quá trình hiện đại hóa có thể tác động đến việc giảm tỷ lệ ly hôn, bao gồm: sự gia tăng của hệ thống gia đình vợ chồng, tăng sự tự chủ của giới trẻ và tăng sự tự do khỏi vòng kiểm soát của gia đình dòng họ, độ tuổi kết hôn ngày càng tăng, trình độ giáo dục ngày càng cao, sự đô thị hoá và sự tự do trong việc lựa chọn bạn đời. Đến cuối thế kỷ XX, tỉ lệ ly hôn đã giảm đáng kể. Lập luận này được đưa ra bởi John, người đã khẳng định rằng, việc tăng cường tự chủ của giới trẻ và sự tự do ngày càng tăng trong việc lựa chọn bạn đời, đã góp phần ổn định cuộc sống hôn nhân của các nước Đông Nam Á [6].
 
Tuy nhiên, hầu hết các nhà lý luận cho rằng, trong dài hạn xu hướng bình đẳng đi kèm với quá trình hiện đại hóa và sự thay thế chủ nghĩa gia trưởng sẽ đem lại những ảnh hưởng tích cực. Những cải thiện trong vị thế của người phụ nữ đã góp phần tạo ra một môi trường văn hóa - xã hội khiến cho việc ly hôn dễ dàng đạt được hơn. Sự củng cố vị thế của người phụ nữ tạo ra một môi trường văn hóa - xã hội làm cho ly dị dễ dàng đạt được hơn [4]. Khả năng độc lập về kinh tế được cải thiện, quy mô gia đình nhỏ dần và điểm nhấn tư tưởng về sự tự thỏa mãn trong những mối quan hệ và lựa chọn cá nhân có thể dẫn đến những mối quan hệ thiếu ổn định hơn. Công nghiệp hóa có thể nâng cao vị thế của người phụ nữ theo nhiều cách ngoài vấn đề về lương. Những khía cạnh khác bao gồm: các cơ hội học tập, nghề nghiệp mà phụ nữ có thể làm và khả năng duy trì cuộc sống riêng sau ly hôn. Sự phát triển của kinh tế - xã hội cũng ảnh hưởng đến sự ổn định hôn nhân theo những cách chỉ liên quan tới địa vị của người phụ nữ [7].
 
Thay đổi xã hội gây ra những thay đổi trong gia đình, và những thay đổi trong gia đình đến lượt mình lại gây ra những thay đổi xã hội.
 
Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong hình thành và điều chỉnh những khuôn mẫu hôn nhân và gia đình bằng việc ban hành những văn bản pháp luật và những chính sách phát triển kinh tế-xã hội. Các yếu tố hiện đại hóa ảnh hưởng đến khuôn mẫu hôn nhân và ly hôn chủ yếu thông qua sự phát triển kinh tế, phát triển hệ thống giáo dục và việc làm, giao lưu văn hóa dưới tác động của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế [8].
 
Ngoài những tác động của quá trình hiện đại hóa, các giá trị truyền thống và phong tục về hôn nhân và gia đình cũng góp phần quan trọng hình thành nên những khuôn mẫu chuẩn mực mới. Những yếu tố này có thể điều chỉnh những tác động của quá trình hiện đại hóa đến hôn nhân và gia đình ở nhiều xã hội. Việc bảo lưu những giá trị truyền thống trong quá trình hiện đại hóa là quan trọng trong bảo vệ hệ thống gia đình khỏi những áp lực của quá trình hiện đại hóa [1].
 
2.2. Tính cá nhân và tập thể
 
Hiểu khái niệm về tính tập thể, tính cộng đồng (collectivism) và tính cá nhân (individualism) trong tương quan với gia đình và hiện đại hóa là hết sức cần thiết trong việc lý giải những hành vi hôn nhân, gia đình và ly hôn ở Việt Nam. Văn hóa tập thể của Việt Nam có nguồn gốc từ hệ tư tưởng Nho giáo, vốn coi trọng gia đình và cộng đồng. Khái niệm tập thể trong hầu hết các khía cạnh đời sống được đẩy lên cao hơn trong nhiều thế hệ do nhu cầu cần có sức mạnh và ý chí tập thể trong cuộc kháng chiến gian khổ giành độc lập và tự do dân tộc trong nhiều thập kỷ. Theo Đỗ Long và Phan Thị Mai Hương, mặc dù có những tương tác văn hóa với những dân tộc khác, tính tập thể vẫn trội hơn tính cá nhân ở người Việt Nam so với nhiều dân tộc khác, tính tập thể của phụ nữ cao hơn nam giới, cho dù hệ thống giá trị và hành vi của người Việt khác nhau trong từng hoàn cảnh và trong từng nền văn hóa của mỗi dân tộc [2].
 
Tuy nhiên, những thay đổi xã hội tạo nên những biến đổi về gia đình và với mỗi cá nhân. Tính cá nhân là một chiều cạnh so sánh văn hóa với chủ nghĩa gia đình.
 
Nền tảng cơ bản của tính cá nhân nằm ở chỗ quyền tự do mưu cầu hạnh phúc của mỗi cá nhân. Nhưng điều đó cũng có nghĩa kết hợp với những cá nhân khác để đấu tranh và bảo vệ các thể chế cho phép quyền đó. Tính cá nhân đánh giá cao sự độc lập, riêng tư và tôn trọng người khác. Trong một nền văn hóa đề cao tính cá nhân, gia đình trở nên mờ hơn vì không còn giữ vị trí trung tâm và nhiều chức năng của gia đình đã bị mất đi [8].
 
Tính cá nhân và tính tập thể là một chiều cạnh văn hóa có quan hệ đến quy mô, mức độ và khuôn mẫu của ly hôn. Tính cá nhân, vốn rất bị hạn chế trong xã hội cũ, song càng trở nên mạnh mẽ hơn trong cuộc sống hiện đại và trở thành một trong những nhân tố quan trọng, ảnh hưởng đến ly hôn tăng ngày nay. Trong khi đó, tính tập thể ngày càng yếu hơn [8]. Chẳng hạn, trong các khu vực còn chịu nhiều ảnh hưởng của yếu tố truyền thống, thủ tục ly hôn vẫn còn phức tạp, mang xu hướng hòa giải và mang tính tập thể. Ở những khu vực nông thôn, thủ tục ly hôn thậm chí còn phức tạp hơn. Nó là một quyết định chung có sự can thiệp trực tiếp của nhiều chủ thể khác nhau, như gia đình, họ hàng và tổ chức quần chúng. Trong khi ở khu vực thành thị, tính cá nhân cùng cuộc sống hiện đại hơn khiến người ta dễ dàng đưa ra quyết định ly hôn và đơn giản hóa các quy trình thủ tục.
 
2.3. Ly hôn từ góc độ bình đẳng giới
 
Với nhiều phụ nữ Châu Á, ly hôn không phải là một lựa chọn tốt vì nó bị gắn liền với những kỳ thị xã hội. Tuy nhiên, với trình độ giáo dục ngày càng tăng, các cơ hội việc làm nhiều hơn với phụ nữ, quan điểm về kết hôn muộn hay phụ nữ làm việc trở nên bao dung hơn, vai trò giới theo truyền thống trong hôn nhân dường như đã hạn chế và trở nên lỗi thời. Nhiều phụ nữ ngày nay thích sự độc lập về xã hội và kinh tế mà họ đạt được từ công bằng giới trong giáo dục và thị trường lao động.
 
Các hoạt động nâng cao bình đẳng giới đã nâng cao vị thế và quyền phụ nữ trong gia đình và xã hội. Sự độc lập về kinh tế cùng với thể chế pháp luật ưu tiên cho người phụ nữ, khiến họ có những độc lập về suy nghĩ và tình cảm, khiến họ đủ dũng cảm để bước ra khỏi cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Với cuộc sống vật chất được cải thiện đáng kể, cá nhân hiện nay đã không còn hài lòng với những cuộc hôn nhân chỉ để duy trì gia đình hay đòi hỏi sự phục tùng hay hi sinh quá nhiều của phụ nữ. Đã có bằng chứng cho thấy, bình đẳng giới trong ly hôn đã tăng lên ở khu vực Đồng bằng sông Hồng [8].

3. Quy mô ly hôn ở Việt Nam

Ly hôn ở Việt Nam vẫn tiếp tục cho thấy xu hướng đang tăng lên cả về số lượng và tỷ lệ. Trong những năm 1960 và 1970, số lượng các cuộc ly hôn vào khoảng 15.000 trường hợp mỗi năm. Ly hôn tăng nhẹ vào những năm 1980 và 1990, sau đó bắt đầu tăng nhanh vào những năm trở lại đây (Hình1).


Hình 1: Số cuộc ly hôn ở Việt Nam giai đoạn 1965-2017
 
Nguồn: Tác giả thống kê từ số liệu hàng năm của Tòa án nhân dân tối cao
 
Sau mỗi khoảng mười năm, số các cuộc ly hôn lại tăng gấp đôi. Tương tự, tỷ lệ ly hôn ở Việt Nam đang tăng nhanh. Năm 2000, tỷ lệ ly hôn thô (CDR) (CDR của một vùng/quốc gia trong một năm/giai đoạn cụ thể được tính bằng số cuộc ly hôn trên 1.000 dân số của vùng/quốc gia trong một năm/giai đoạn đó) là 0,66%, tăng lên 2,22% vào năm 2017 (Hình 2).
 
  

Hình 2: Tỷ lệ ly hôn thô ở Việt Nam giai đoạn 2000-2017 (%)
Nguồn: Tác giả tính toán từ số liệu hàng năm của Tòa án nhân dân tối cao và Tổng cục Thống kê


Tỷ lệ ly hôn chung (GDR) (GDR của một vùng/quốc gia trong một năm/giai đoạn cụ thể được tính bằng số cuộc ly hôn trên 1.000 dân số từ 15 tuổi trở lên của vùng/quốc gia trong một năm/giai đoạn đó) đã tăng từ 0,97% năm 2000 lên 2,69% vào năm 2017 (Hình 3). 


Hình 3: Tỷ lệ ly hôn chung ở Việt Nam giai đoạn 2000-2016 (%)
Nguồn: Tác giả tính toán từ số liệu hàng năm của Tòa án nhân dân tối cao và Tổng cục Thống kê

Chính sách của Nhà nước về hôn nhân, gia đình và bình đẳng giới nâng cao vị thế kinh tế xã hội cho phụ nữ; quá trình phát triển kinh tế xã hội gắn liền với công nghiệp hóa, hiện đại hóa, và sự hội nhập quốc tế làm biến đổi và xuất hiện nhiều giá trị mới, là các yếu tố góp phần giải thích xu hướng ly hôn ở Việt Nam hiện nay.
 
Trong một thời gian dài, tư tưởng Nho giáo và hôn nhân phong kiến, bao gồm hôn nhân sắp đặt, tình cảm nam nữ hạn chế trước khi kết hôn, tư tưởng trọng nam khinh nữ, học vấn thấp khiến cho vị thế của phụ nữ thấp. Trình độ học vấn thấp và quyền phụ nữ hạn chế trong ly hôn, sự phụ thuộc vào gia đình là đặc điểm của phụ nữ theo Khổng giáo. Bên cạnh đó, sự sẵn sàng hy sinh cho gia đình và nam giới đi chiến trường trong thời kỳ kháng chiến, cũng như trách nhiệm chăm sóc con cái và việc nhà khiến tỷ lệ ly hôn ở mức thấp. Nói cách khác, văn hóa truyền thống Việt Nam không khuyến khích ly hôn. Bên cạnh đó, những đặc điểm riêng về lịch sử có các cuộc kháng chiến giành độc lập tự do cho dân tộc đặt trách nhiệm chăm sóc con cái và gia đình lên người phụ nữ để nam giới đi chiến trường và tính tập thể rõ nét cũng góp phần làm cho ly hôn ở Việt Nam những năm 1960-1970 thấp.
 
Văn hoá tập thể của Việt Nam bắt nguồn từ hệ tư tưởng Khổng học, được định hướng mạnh mẽ xung quanh gia đình và cộng đồng, được thúc đẩy ở mọi thế hệ từ nhu cầu huy động sức mạnh tập thể cho những cuộc chiến tranh bảo vệ tự do và độc lập trong nhiều thế kỷ của Việt Nam [9]. Nền văn hóa mang tính tập thể thường có tỷ lệ ly hôn thấp hơn so với các nền văn hóa theo chủ nghĩa cá nhân [10] do mức độ khoan dung với ly hôn thấp, nên các cặp đôi phải trải qua một thủ tục rất phức tạp để ly hôn. Định kiến xã hội với ly hôn khiến các cặp vợ chồng tiếp tục chung sống trong hôn nhân không hạnh phúc. Các quan điểm, chính sách nói chung, ví dụ như thủ tục ly hôn, cũng phản ánh các giá trị đạo đức của nền văn hóa mang tính tập thể không khuyến khích ly hôn.
 
Sự gia tăng số lượng ly hôn và tỷ lệ ly hôn có liên quan đến quá trình đô thị hóa và hiện đại hóa trong xã hội. Việt Nam đã đạt được kết quả đáng chú ý trong phát triển kinh tế-xã hội. Từ điểm khởi đầu rất thấp sau nhiều thế kỷ chiến tranh, nền kinh tế đã phát triển mạnh mẽ giúp cải thiện đáng kể mức sống, thu nhập và dịch vụ cơ sở hạ tầng, và duy trì sự ổn định xã hội. Thay đổi kinh tế đã đi kèm với hiện đại hóa như sự phổ biến rộng rãi của giáo dục, giao thông hiện đại và các phương tiện truyền thông đại chúng. Nhiều chỉ số phát triển, như mức độ tử vong rất thấp và trường trung học phổ thông gần như phổ biến đang tiếp cận các tiêu chuẩn hiện hành. Sự phát triển kinh tế-xã hội nhanh chóng kể từ khi đổi mới đã thay đổi đáng kể con người, thái độ đối với việc ly hôn và phần lớn nới lỏng các thủ tục pháp lý và hành chính hạn chế của ly hôn [8]. Phụ nữ nói chung có địa vị cao dễ dàng cho họ quyền tự chủ hơn trong các quyết định hôn nhân và ly hôn [5].

Phép màu phát triển kinh tế-xã hội sau đổi mới (năm 1986) và chính sách mở cửa đã thay đổi đáng kể các chuẩn mực xã hội.
 
Ly hôn không còn bị kỳ thị xã hội như trước đây. Tính tập thể trở nên yếu hơn và tính cá nhân trở nên mạnh mẽ hơn. Với mức sống vật chất được cải thiện rất nhiều, cá nhân không còn hài lòng với những cuộc hôn nhân mà chỉ đáp ứng nhu cầu nối dõi dòng giống và đòi hỏi sự vâng lời và hy sinh từ phụ nữ.
 
Quá trình hiện đại hóa mang lại sự tự chủ lớn hơn cho người Việt Nam. Ly hôn mang tính chất phản ánh các quyết định tự chủ và lựa chọn hợp lý để theo đuổi hạnh phúc cá nhân. Nền tảng của chủ nghĩa cá nhân nằm ở quyền đạo đức của cá nhân trong việc đạt được hạnh phúc của chính mình. Việc theo đuổi này đòi hỏi một mức độ độc lập, chủ động và tự chịu trách nhiệm lớn. Chủ nghĩa cá nhân coi trọng sự độc lập, riêng tư và tôn trọng người khác.

4. Quy trình, thủ tục ly hôn

Thực tế cho thấy, thủ tục ly hôn có sự khác nhau giữa các nhóm xã hội và môi trường.Ở nông thôn, chấm dứt hôn nhân không phải là một sự kiện đơn lẻ, mà là một quá trình khá phức tạp. Các nghiên cứu trước đây cho biết, phụ nữ Việt Nam có lối sống cộng đồng, chịu ảnh hưởng của văn hóa tập thể cao hơn nam giới, nhưng cũng khác nhau giữa các khu vực văn hóa miền Bắc và miền Nam, nông thôn và thành thị, dân tộc Kinh và dân tộc thiểu số. Hơn nữa, tính tập thể và tính cá nhân trong hệ thống giá trị Việt Nam có những khác biệt theo từng tình huống thực tế [2]. Ví dụ, chẩn đoán trước sinh của phụ nữ Việt Nam có sự tham gia quyết định của nhiều chủ thể quyền lực khác nhau [3].
 
Một số nghiên cứu về quy trình ly hôn ở Đồng bằng sông Hồng cho thấy, quyết định ly hôn chịu ảnh hưởng bởi văn hóa tập thể, là quyết định không hoàn toàn của cá nhân mà có sự tham gia tập thể của nhiều nhóm chủ thể quyền lực khác nhau. Sự tham gia đó bao gồm gia đình, họ hàng, các tổ chức đoàn thể như hội phụ nữ, chính quyền địa phương, thể hiện sự gắn kết xã hội chặt chẽ và tính tập thể khá cao [9]. Sự tham gia của tập thể mạnh đến mức nào trong mỗi vụ ly hôn phụ thuộc vào mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình và mức độ độc lập của cá nhân về kinh tế, giáo dục và mạng xã hội. Gia đình, cha mẹ và họ hàng là nguồn hỗ trợ đáng kể cho các cá nhân trong quá trình ly hôn. Phụ nữ đã kết hôn không chỉ định vị mình trong mối quan hệ với nhà chồng, mà vẫn duy trì mối quan hệ gắn bó với gia đình ruột. Khi phụ nữ gặp vấn đề trong hôn nhân, như khó khăn về kinh tế, bạo lực gia đình, ngoại tình hoặc mâu thuẫn với luật pháp, họ thường xin lời khuyên, động viên và giúp đỡ từ cha mẹ ruột và anh chị em ruột của họ. Do đó, quyết định ly hôn thường là kết quả của một thỏa thuận chung với gia đình ruột [9]. Nghiên cứu về quy trình ly hôn ở khu vực Tây Nam Bộ cho thấy, có sự tham gia của một số chủ thể quyền lực (như gia đình, tổ hòa giải, cán bộ tòa án) nhưng mức độ can thiệp và ảnh hưởng của họ nhẹ hơn.
 
Hòa giải là bước can thiệp chính thức đầu tiên do đại diện chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội thực hiện. Ở cấp thôn, chính quyền thôn, bao gồm đại diện của hội phụ nữ thôn/làng, trưởng thôn và cán bộ tư pháp thôn gặp gỡ cặp vợ chồng nhằm khuyến khích họ xem xét lại đề nghị ly hôn. Việc hòa giải này dẫn đến nhiều kết quả tích cực trong một số trường hợp, chẳng hạn như người chồng kiềm chế không đánh vợ hoặc vợ rút đơn xin ly hôn. Khi hòa giải cấp thôn không thành, nghĩa là không thể gặp được vợ chồng, hoặc vợ chồng kiên quyết ly hôn, đơn xin ly hôn được gửi đến tòa án và trong từng trường hợp cụ thể, tòa án tiến hành hòa giải trước khi xử ly hôn. Nhìn chung, hòa giải cấp gia đình và cộng đồng thường hướng đến hàn gắn, và mong đợi cá nhân, nhất là phụ nữ hy sinh vì lợi ích của gia đình và con cái.
 
Khảo sát những người ly hôn ở khu vực Tây Nam Bộ về quy trình hòa giải cho thấy, người hòa giải bao gồm người thân, bạn bè, hội phụ nữ, đồng nghiệp hoặc tổ hòa giải của thôn, tổ dân phố. Tuy nhiên, có một số trường hợp ly hôn mà không có hòa giải. Theo địa bàn cư trú, khu vực đô thị có gần 50% số cuộc ly hôn mà không qua thủ tục hòa giải, trong khi ở nông thôn là chưa đến 30%, chứng tỏ việc ly hôn ở đô thị phần nhiều là quyết định cá nhân, còn ở nông thôn vẫn có sự tham gia quyết định tập thể.
 
Ở nông thôn, người hòa giải chính trong các cuộc ly hôn là tổ hòa giải và người thân gia đình, đồng nghiệp và hội phụ nữ. Ở đô thị, người hòa giải chính là đồng nghiệp, tổ hòa giải và sau đó mới là người thân trong gia đình. Như vậy, sự tham gia của gia đình, dòng họ, cộng đồng ở trong quyết định ly hôn ở nông thôn là mạnh hơn, trong khi ở đô thị, ly hôn là quyết định mang tính cá nhân nhiều hơn (Bảng 1).
 
Theo giới tính, nam giới thường tìm đến đồng nghiệp để có lời khuyên hòa giải, trong khi phụ nữ trông cậy nhiều vào tổ hòa giải và người thân gia đình. Điều đó cho ngoài gia đình, một bên phần nhiều là gia thấy mạng lưới xã hội và không gian sống đình hoặc cộng đồng mình sinh sống.
 
khác nhau giữa nam và nữ, một bên là ngoài gia đình, một bên phần nhiều là gia đình hoặc cộng đồng mình sinh sống.
 
Bảng 1: Người tham gia hòa giải ly hôn (%)
 

Nguồn: Tác giả khảo sát về ly hôn ở khu vực Tây Nam Bộ, 2018.
 
Có khác biệt theo nhóm tuổi khá rõ đối với người tham gia hòa giải ly hôn. Nhóm ly hôn ở độ tuổi dưới 30 thường có người hòa giải chính là người thân gia đình, có thể do chưa thực sự độc lập, trưởng thành trong cuộc sống và mức độ gắn bó với gia đình chặt chẽ hơn. Nhóm tuổi cao hơn, nhất là nhóm từ 51 trở lên, cũng có người hòa giải chính là đồng nghiệp, người thân và tổ hòa giải. Điều đó cho thấy ở độ tuổi cao, các mối quan hệ xã hội nhiều trải nghiệm và có độ tin cậy qua thời gian thì nhóm cao tuổi thường trao đổi nhiều với đồng nghiệp. Thành viên gia đình tiếp tục đóng vai trò quan trọng với nhóm trên 51 tuổi, chủ yếu là con cái, theo nghĩa mong muốn hàn gắn để nương tựa tuổi già và tránh những thay đổi lớn trong cuộc sống.

Trong mọi nhóm xã hội, tổ hòa giải luôn đóng vai trò rất quan trọng, song song với vai trò quan trọng của người thân trong gia đình. Điều đó cho thấy, quan điểm của cộng đồng, của xã hội về ly hôn vẫn mang tính chất của nền văn hóa tập thể và chưa hoàn toàn khuyến khích ly hôn.
 
Thành phần tham gia hòa giải gồm có tổ dân phố, trưởng khu vực, trưởng các đoàn thể ở chi hội ở khu vực. Hòa giải thì phân tích mâu thuẫn chỗ nào, nếu giải quyết được hoặc là hóa giải được thì là thành. Đa số em thấy ngoại tình thì là hơi khó hòa giải, ví dụ xích mích hay đánh nhau thì em thấy hòa giải dễ, còn ngoại tình thì… (PVS cán bộ phụ nữ phường Hưng Lợi, Cần Thơ).
 
Mọi người cũng khuyên là tôi chưa có thấy cuộc hôn nhân nào mà thử thách như cuộc hôn nhân của chú thím, năm nay là 11 năm rồi, mà chú thím cũng vậy, mà phải chi chú có vợ khác rồi, thím có chồng khác rồi thì tôi không nói, còn đằng này là không có chồng không có vợ, mà thím lại tự lập, tự trọng thím rất cao, tại sao mà thím không quay về. Tôi bảo dạ không phải, em cũng rất muốn quay về, em đâu muốn bỏ hạnh phúc đâu, nhưng mà em chưa thấy được, anh thấy được nhưng mà em chưa thấy được, lên hỏi cô phụ trách cái đơn của thím tới đâu rồi, cô bảo con mời chú Ba hoài mà chú Ba không có ra mà con mời thím thì con không biết thím ở đâu con mời (N.T.V, sinh 1952, kết hôn năm 74 quen nhau thì là người láng giềng).
 
Ở khu vực nông thôn, ly hôn thường có sự tham gia mang tính tập thể. Tính tập thể trong ly hôn thể hiện rõ nét ở khu vực nông thôn và nhóm có học vấn thấp. Theo đó, ly hôn có sự tham gia quyết định của cả gia đình bên vợ và gia đình bên chồng (Bảng 2). Nhóm ly hôn ở độ tuổi dưới 30 cũng cần sự tham gia của hai bên gia đình nhiều hơn hẳn nhóm ly hôn ở độ tuổi cao hơn.
 
Các cặp vợ chồng có hai lựa chọn sau khi tham gia vào các cuộc họp hòa giải.
 
Một là cặp đôi có thể rút yêu cầu ly hôn. Đơn xin ly hôn sau đó sẽ bị đình chỉ ở cấp xã. Thứ hai, một hoặc cả hai bên có thể không muốn tái hợp và muốn ly hôn. Trong trường hợp này, hồ sơ ly hôn, bao gồm đơn xin ly hôn, biên bản cuộc họp được gửi tòa án nhân dân huyện thụ lý. Thời gian thực hiện quy trình này, từ khi nộp đơn xin ly hôn đến hòa giải có thể dao động từ một tháng đến vài tháng đến năm, tùy thuộc vào mức độ phức tạp của vụ việc.
 
Phán quyết ly hôn bao gồm một số thủ tục: thụ lý ly hôn, hòa giải, phán quyết và quyết định ly hôn. Trong quá trình xử lý, xét ly hôn sẽ bị đình chỉ nếu nguyên đơn rút đơn. Sau khi thẩm phán ra quyết định ly hôn, trong đó nêu rõ quyết định về sắp xếp con cái, nhà ở và tài sản, trợ cấp, v.v., cặp vợ chồng có 15 ngày để xem xét và phản hồi quyết định về chăm sóc con cái, trợ cấp và phân chia tài sản. Sau khoảng thời gian đó, ly hôn có hiệu lực và cuộc hôn nhân chính thức bị chấm dứt. Vì vậy, ly hôn là một thủ tục bao gồm nhiều bước hòa giải, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, và do đó, trong quá trình xin ly hôn, vợ chồng có nhiều thời gian để xem xét lại và thay đổi quan điểm của họ. Họ có nhiều hơn một cơ hội để kiểm tra cảm xúc của mình, đánh giá tình hình và tham khảo ý kiến với các cán bộ hòa giả, người thân gia đình, bạn bè và đồng nghiệp ở các bước hòa giải và tư vấn hôn nhân. Tuy nhiên, đôi khi những nỗ lực hòa giải là vô ích.
 
Ngược lại, trong môi trường đô thị, quan hệ gia đình ít chặt chẽ hơn, điều này có thể dẫn đến tính cá nhân nhiều hơn trong các quyết định ly hôn và thủ tục ly hôn ít phức tạp hơn. Cặp vợ chồng có thể không trải qua toàn bộ quá trình gặp gỡ, hòa giải, v.v. khi nộp đơn xin ly hôn nhưng vẫn có thể xin lời khuyên từ các thành viên gia đình và bạn bè thân thiết về các vấn đề liên quan đến ly hôn, như phân chia con cái và tài sản sau ly hôn. Tương tự, khi kết hôn được thời gian càng dài, độ tuổi càng cao, tính tự chủ, tự quyết định trong ly hôn càng rõ nét.


Bảng 2: Chủ thể tham gia quyết định ly hôn theo các đặc điểm nhân khẩu (%)

 
 
Nguồn: Tác giả khảo sát về ly hôn ở khu vực Tây Nam Bộ, 2018.
 
Bảng 3: Chủ thể tham gia quyết định ly hôn theo các đặc điểm nhân khẩu (%)


Nguồn: Tác giả khảo sát về ly hôn ở khu vực Tây Nam Bộ, 2018.
 
Sau thời kỳ đổi mới, ly hôn tăng lên khá nhanh chóng. Trong giai đoạn này, mức độ đô thị hóa và hiện đại hóa và phát triển kinh tế tăng lên, cùng với nhiều thay đổi trong hôn nhân và gia đình (như tăng tuổi kết hôn, tăng trình độ học vấn, tự do hơn trong lựa chọn bạn đời, tình cảm vợ chồng thân mật cởi mở hơn). Những thay đổi xã hội đi cùng với hiện đại hóa đã làm phai nhạt nhiều chuẩn mực truyền thống, và có thể giải thích cho việc tăng ly hôn ở nhiều góc độ khác nhau. Những giá trị xã hội mới về hôn nhân và gia đình trong lựa chọn bạn đời, mức độ thể hiện tình cảm cá nhân, quyền phụ nữ, tính cá nhân đã trở nên quan trọng hơn. Quá trình toàn cầu hóa cũng dẫn đến những thay đổi theo hướng các chuẩn mực truyền thống về giới và quan hệ gia đình giảm sút. Khi cá nhân trở nên tự do hơn trong các quyết định hôn nhân, và dư luận xã hội về ly hôn trở nên cởi mở hơn, thì ly hôn trở nên dễ dàng hơn.
 
Số liệu cho thấy các chủ thể tham gia vào quyết định ly hôn bao gồm cả hai vợ chồng, một trong hai vợ chồng, gia đình vợ, gia đình chồng, con cái, và tổ chức đoàn thể. Trong mọi nhóm xã hội, ly hôn do cả hai vợ chồng cùng quyết định ly hôn là phương án phổ biến nhất, sau đó là bên nguyên đơn (Bảng 2 và Bảng 3).

5. Người đứng đơn xin ly hôn
 
Thứ nhất, địa bàn cư trú. Số liệu cho thấy, tỷ lệ phụ nữ đứng đơn xin ly hôn cao hơn hẳn so với nam giới ở mọi nhóm tuổi, mức sống, năm, địa bàn cư trú và các đặc điểm nhân khẩu xã hội khác. Trong số 8.992 hồ sơ ly hôn được phân tích trong giai đoạn 2000-2017, có 31,3% nam giới đứng đơn và 68,7% nữ giới đứng đơn. Ly hôn trở nên được chấp nhận về mặt xã hội hơn, nên đơn xin ly hôn những năm gần đây chỉ cần vợ hoặc chồng đứng đơn, không ghi nhận hồ sơ cả hai vợ chồng cùng đứng đơn như trước kia. Điều này cho thấy bình đẳng giới không ngừng tăng và phụ nữ tự chủ, độc lập trong cuộc sống cao hơn. Tuy nhiên, mức độ chủ động xin ly hôn của phụ nữ và nam giới có khác biệt theo một số bối cảnh nhất định.

Bảng 4: Người đứng đơn xin ly hôn theo địa bàn cư trú và mức sống (%)
 
 
Nguồn: Tác giả tính toán từ thống kê các hồ sơ ly hôn ở các quận, huyện Cần Thơ giai đoạn 2009-2017
 

Trong bối cảnh đó, xu hướng phụ nữ đứng đơn ly hôn là chủ yếu và thuộc bất kỳ nhóm xã hội nào. Theo địa bàn cư trú, phụ nữ ở nông thôn đứng đơn xin ly hôn cao hơn phụ nữ ở đô thị (73,2% so với 67,7%). Theo mức sống, phụ nữ có mức sống thấp hơn thì đứng đơn xin ly hôn cao hơn (Bảng 4).
 
Thứ hai, năm ly hôn. Từ năm 2010 đến nay, tỷ lệ phụ nữ đứng đơn xin ly hôn đều cao hơn nhiều so với nam giới, và có xu hướng tăng trong một vài năm trở lại đây (Bảng 5).
 
Bảng 5: Người đứng đơn xin ly hôn theo năm (%)
 

Nguồn: Tác giả tính toán từ thống kê các hồ sơ ly hôn ở các quận huyện Cần Thơ giai đoạn 2009-2017

Thứ ba, lí do ly hôn. Theo các lí do xin ly hôn, mức độ đứng đơn xin ly hôn của chồng và vợ vì lí do khác biệt lối sống, con cái, kinh tế, bạo lực hay tệ nạn xã hội là tương đương nhau. Sự khác nhau rõ hơn giữa vợ và chồng đứng đơn xin ly hôn là lí do ngoại tình, theo đó, tỷ lệ vợ đứng đơn vì lí do này là 8,3% và của chồng là 6,9%. (Bảng 6).

Bảng 6: Người đứng đơn xin ly hôn theo lý do ly hôn (N=6420) (%)
 
Nguồn: Tác giả tính toán từ thống kê các hồ sơ ly hôn ở các quận huyện Cần Thơ giai đoạn 2009-2017

Thứ tư, số con và độ dài hôn nhân. Theo số con, phụ nữ có nhiều con hơn thì ít chủ động ly hôn hơn phụ nữ ít con hơn hoặc không có con. Số con càng tăng, tỷ lệ phụ nữ chủ động càng giảm, cho thấy sự hi sinh cao hơn của phụ nữ và chấp nhận những vấn đề của hôn nhân nhiều hơn khi có nhiều con hơn. Tương tự, theo độ dài hôn nhân, độ dài hôn nhân càng lâu, tỷ lệ phụ nữ đứng đơn xin ly hôn càng giảm. Việc chịu đựng hôn nhân ở nhóm cao tuổi dường như mạnh hơn, thể hiện tính truyền thống khá mạnh mẽ ở nhóm tuổi này hoặc sự chấp nhận và muốn yên ổn của phụ nữ khi tuổi cao hơn (Hình 4).
 
 

Hình 4: Người đứng đơn xin ly hôn theo số con và độ dài hôn nhân
 
Nguồn: Tác giả tính toán từ thống kê các hồ sơ ly hôn ở các quận huyện Cần Thơ giai đoạn 2009-2017
 
Thứ năm, độ tuổi. Mức độ đứng đơn xin ly hôn theo tuổi của phụ nữ và nam giới cũng tương tự với độ dài hôn nhân. Phân tích về các đặc điểm tuổi khi ly hôn cho thấy một xu hướng khá rõ ràng là phụ nữ ở độ tuổi càng cao thì mức độ chủ động xin ly hôn thấp hơn so với nhóm phụ nữ ở độ tuổi trẻ trung hơn. Điều này cho thấy mức độ hiện đại hóa, tự chủ cao hơn ở nhóm phụ nữ trẻ hơn (Bảng 7).

Bảng 7: Người đứng đơn xin ly hôn theo năm sinh của người ly hôn (N=6439) (%)
 
Nguồn: Tác giả tính toán từ thống kê các hồ sơ ly hôn ở các quận huyện Cần Thơ giai đoạn 2009-2017


Bảng 8: Người đứng đơn xin ly hôn theo độ tuổi kết hôn (%)
 
 
Nguồn: Tác giả tính toán từ thống kê các hồ sơ ly hôn ở các quận huyện Cần Thơ giai đoạn 2009-2017

Bảng 9: Người đứng đơn xin ly hôn theo độ tuổi ly hôn (%)


Nguồn: Tác giả tính toán từ thống kê các hồ sơ ly hôn ở các quận huyện Cần Thơ giai đoạn 2009-2017

Theo độ tuổi khi kết hôn của người ly hôn, tuổi kết hôn của người vợ càng trẻ thì mức độ xin ly hôn của người vợ càng cao so với các nhóm tuổi kết hôn khác (Bảng 8). Nam giới kết hôn ở độ tuổi trẻ cũng có mức độ vợ xin đứng đơn ly hôn cao hơn các nhóm tuổi khác. Điều này cho thấy kết hôn sớm có mối quan hệ với việc phụ nữ xin ly hôn cao hơn. Xu hướng cũng tương tự theo độ tuổi ly hôn của nam và nữ. Độ tuổi ly hôn trẻ hơn thì tỷ lệ phụ nữ đứng đơn xin ly hôn cao hơn (Bảng 9).
 
Chính phủ Việt Nam ưu tiên thúc đẩy bình đẳng giới, nhằm nâng cao vị thế và quyền phụ nữ trong gia đình và xã hội. Bình đẳng giới và vị thế của người phụ nữ Việt Nam đang được cải thiện đáng kể theo thời gian. Sự độc lập về kinh tế cùng với thể chế pháp luật ưu tiên cho người phụ nữ khiến họ có những độc lập về suy nghĩ và tình cảm, khiến họ đủ dũng cảm để bước ra khỏi cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Sự độc lập, tự chủ của phụ nữ trong kinh tế đã làm thay đổi bản chất của quan hệ hôn nhân và gia đình, mà chính nó, làm thay đổi các đặc điểm của cuộc sống gia đình, và tạo nên sự dân chủ và bình đẳng hơn. Đặc điểm nổi bật về phụ nữ đứng đơn xin ly hôn này tương ứng với bình đẳng giới và sự độc lập, tự chủ ngày càng cao của phụ nữ trong hôn nhân và gia đình ở Châu Á, nhất là với phụ nữ trẻ tuổi.

6. Kết luận

Hiện đại hóa, đi cùng với sự phát triển của công bằng xã hội, bình đẳng giới, nâng cao vị thế kinh tế xã hội của phụ nữ và mở rộng chủ nghĩa cá nhân, là những chiều cạnh giải thích cho việc ly hôn đang ngày càng tăng ở Việt Nam. Ly hôn trở nên dễ dàng hơn trong quá trình hiện đại hóa.
 
Chính sách và chiến lược của Nhà nước về hôn nhân, gia đình, dân số và bình đẳng giới; phát triển kinh tế xã hội; hội nhập quốc tế về văn hóa xã hội; và truyền thông đại chúng cũng ảnh hưởng quan trọng đến xu hướng ly hôn này. Những thay đổi về cấu trúc xã hội và pháp lý theo quá trình hiện đại hóa ngày càng tăng khiến các cá nhân chấp nhận nhiều giá trị tự do hơn đối với hôn nhân, gia đình và ly hôn so với trước đây. Chủ nghĩa tập thể đang suy yếu trong khi chủ nghĩa cá nhân trở nên mạnh mẽ hơn. Chủ nghĩa cá nhân, vốn ít biểu hiện trong xã hội truyền thống, đã trở thành một trong những yếu tố ảnh hưởng nhất đến tỷ lệ ly hôn gia tăng.

Chú thích

2 Bài viết này được thực hiện trong khuôn khổ đề tài “Vấn đề ly hôn của các cộng đồng tộc người ở Tây Nam Bộ hiện nay: Thực trạng, nguyên nhân và hệ quả xã hội”, mã số 504.05-2016.04, do Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Việt Nam (NAFOSTED) tài trợ.
 
Tài liệu tham khảo

[1] Cho, Lee-Jay and Yada, Moto (1994), Tradition and change in the Asian family, University of Hawaii Press, East West Center, Honolulu.

[2] Do Long and Phan Thi Mai Huong (2002), Collectivism, Individualism and “the self” of the Vietnamese Today, Chinh tri quoc gia Publisher, Hanoi.
 
[3] Gammeltoft, T (2007), “Prenatal diagnosis in postwar Vietnam: Power, subjectivity and citizenship”, American Anthropologist, Vol 109, No. 1.
 
[4] Goode, W.J. (1993), World Changes in Divorce Patterns, University Press, Yale New Haven.
[5] Hirschman, C and Teerawichitchainan
 
Bussarawan (2003), “Cultural and Socioeconomic Influences on Divorce during Modernization: Southeast Asia: 1940s to1960s”, Population and Development Review, 29 (2).
 
[6] Jones, Gavin W. (1997), “Modernization and Divorce: Contrasting Trends in Islamic Southeast Asia and the West”, Population and Development Review, Vol. 23, No. 1.
 
[7] Thornton, Arland (2001), “The Development Paradigm: Reading History Sideways, and Family Change”, Demography, No. 38.
 
[8] Tran Thi Minh Thi (2014), Divorce in Contemporary Viet Nam: A Socio-economic and structural analysis of divorce in the Red River Delta in 2000s, Social Sciences Publishing House, Hanoi.
 
[9] Tran Thi Minh Thi (2015), “Divorce prevalence under the forces of individualism and collectivism in ‘shortcut’ modernity in Vietnam”, Weaving Women's Spheres in Vietnam: The Agency of Women in Family, Religion and Community, Brill Publishers Asian Studies, The Netherlands.
 

Trần Thị Minh Thi

Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam. Số 2 - 2020


Cập nhật tin tức về khoa học xã hội tại: tapchikhxh.vass.gov.vn