Quan hệ giữa người sản xuất với công cụ sản xuất
Cập nhật 08:30 ngày 23/05/2022
(Chính trị) - Tóm tắt: Người sản xuất là yếu tố quyết định sự phát triển của lực lượng sản xuất. Tuy nhiên, để xác định trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, ta cần căn cứ vào trình độ phát triển của công cụ sản xuất, chứ không căn cứ vào trình độ phát triển của người sản xuất. Nhà khoa học cũng là người sản xuất nếu tri thức khoa học của các nhà khoa học được ứng dụng trong sản xuất. Ngay từ cách đây hàng ngàn năm, tri thức khoa học của các nhà khoa học đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp vì đã được ứng dụng trong sản xuất. Sức lao động của người sản xuất trong đó có sức lao động của người lao động trí óc nói chung và nhà khoa học nói riêng, là nguồn gốc duy nhất tạo ra giá trị trao đổi của hàng hóa và giá trị gia tăng của hàng hóa.
1. Mở đầu
Lực lượng sản xuất (LLSX) gồm có người sản xuất (hoặc người lao động, hoặc nói ngắn gọn hơn là con người) và tư liệu sản xuất. Khi xác định trình độ phát triển của một xã hội, ta cần xác định trình độ phát triển của LLSX. Khi xác định trình độ phát triển của LLSX của xã hội, ta cần xác định trình độ phát triển của cả người sản xuất và tư liệu sản xuất. Tuy nhiên, liên quan đến người sản xuất trong LLSX, có một số vấn đề còn bất đồng ý kiến. Trong đó có ba vấn đề như sau: cái gì (người sản xuất hay công cụ sản xuất) là căn cứ để xác định trình độ phát triển của LLSX, khi nào khoa học trở thành LLSX trực tiếp, người sản xuất hay tư liệu sản xuất tạo ra giá trị gia tăng của hàng hóa. Bài viết này góp thêm ý kiến trao đổi về ba vấn đề này.
2. Cái gì là căn cứ để xác định trình độ phát triển của lực lượng sản xuất?
Trình độ phát triển của LLSX phụ thuộc vào cả trình độ phát triển của người sản xuất và trình độ phát triển của tư liệu sản xuất (gồm công cụ sản xuất và đối tượng sản xuất). Trong LLSX, yếu tố quyết định là người sản xuất. Bởi vì, người sản xuất tạo ra và sử dụng công cụ sản xuất, không có người sản xuất thì công cụ sản xuất (kể cả người máy) và đối tượng sản xuất sẽ không có tác dụng. Về điều này C.Mác viết: “Một cái máy không dùng vào quá trình lao động là một cái máy vô ích. Ngoài ra, nó còn bị hư hỏng đi do sức mạnh hủy hoại của sự trao đổi chất của tự nhiên. Sắt thì han rỉ, gỗ thì bị mục. Sợi không dùng để dệt hoặc đan thì chỉ là một số bông bị hư hỏng. Lao động sống phải nắm lấy những vật đó, cải tử hoàn sinh cho chúng, biến chúng từ những giá trị sử dụng chỉ có tính chất khả năng thành những giá trị sử dụng hiện thực và tác động” [6, tr.271].
Mặc dù trình độ phát triển của LLSX phụ thuộc vào cả trình độ phát triển của người sản xuất, nhưng cái quyết định trình độ phát triển của LLSX không nhất thiết là căn cứ để xác định trình độ phát triển của LLSX. Vì thế, vấn đề cần xem xét là ở chỗ, để xác định trình độ phát triển của LLSX, ta cần căn cứ vào trình độ phát triển của công cụ sản xuất, hay phải căn cứ vào trình độ phát triển của người sản xuất. Khi bàn về quan hệ giữa các yếu tố của LLSX, ta cần đặt ra và trả lời vấn đề này. Bàn về vấn đề đó là xác định cơ sở lý luận để so sánh trình độ phát triển cao hay thấp về LLSX của hai xã hội.
Để xác định trình độ phát triển của LLSX, ta không thể căn cứ vào trình độ phát triển của người sản xuất. Bởi vì, năng lực của người sản xuất nằm ở trong đầu óc của họ; ta không thể đo lường được trực tiếp trình độ phát triển của người sản xuất bằng những dụng cụ nào đó; ta chỉ có thể xác định được trình độ phát triển của người sản xuất thông qua công cụ sản xuất mà họ chế tạo và thông qua việc họ sử dụng công cụ sản xuất. Nhìn chung, trình độ phát triển của người sản xuất như thế nào thì trình độ phát triển của công cụ sản xuất cũng sẽ như thế. Vì thế, ta có thể căn cứ vào trình độ phát triển của công cụ sản xuất để xác định trình độ phát triển của người sản xuất; qua đó, để xác định trình độ phát triển của LLSX; và tiếp nữa, để xác định trình độ phát triển của xã hội về kinh tế, chính trị và về văn hóa - xã hội.
Để xác định trình độ phát triển của LLSX, ta có thể căn cứ vào năng suất lao động. Năng suất lao động là đại lượng biểu thị tỷ số giữa số lượng sản phẩm mà một người sản xuất được với số thời gian sản xuất ra số lượng sản phẩm đó. Nếu hai người cùng tạo ra một số lượng sản phẩm như nhau với chất lượng như nhau trong hai lượng thời gian khác nhau thì năng suất lao động của họ là khác nhau. Người nào cần ít thời gian để sản xuất ra số lượng sản phẩm như vậy thì người đó có năng suất lao động cao hơn. Nếu công cụ sản xuất càng hiện đại, người sản xuất càng có thể lực tốt (sức khỏe tốt), trí lực tốt (trình độ chuyên môn tốt), tâm lực tốt (có phẩm chất đạo đức tốt), thì năng suất lao động càng cao. Xã hội nào có năng suất lao động cao hơn thì LLSX của xã hội đó có trình độ phát triển cao hơn. Tuy nhiên, nhìn chung năng suất lao động cao hay thấp có sự tương ứng với trình độ phát triển của công cụ sản xuất. Vì thế, để xác định năng suất lao động cao hay thấp, ta có thể căn cứ vào trình độ phát triển của công cụ sản xuất. Ví dụ, khi so sánh được trình độ phát triển của công cụ sản xuất của hai xã hội hoặc hai doanh nghiệp nào đó, ta có thể xác định được ở mức độ cơ bản năng suất lao động của hai xã hội hoặc doanh nghiệp ấy. Như vậy, trình độ phát triển của công cụ sản xuất là căn cứ tốt nhất để xác định trình độ phát triển của người sản xuất, của năng suất lao động, và qua đó,để xác định trình độ phát triển của LLSX. Trình độ phát triển của người sản xuất, trình độ phát triển của công cụ sản xuất, năng suất lao động, trình độ phát triển của LLSX có sự tương ứng với nhau. Khi xác định được trình độ phát triển của công cụ sản xuất thì ta có thể suy đoán ra được năng suất lao động, trình độ phát triển của người sản xuất, trình độ phát triển của LLSX; và qua đó, suy đoán ra được trình độ phát triển của xã hội về kinh tế. Khi xác định được trình độ phát triển của xã hội về kinh tế, ta có thể suy đoán ra được trình độ phát triển của xã hội về chính trị và về văn hóa - xã hội. Việc xác định trình độ phát triển của LLSX dựa vào trình độ phát triển của công cụ sản xuất chỉ là một cách xác định hay cách đo lường tốt nhất về trình độ phát triển của LLSX, chứ không phải là cách đo lường duy nhất; hơn nữa đó không phải là quan điểm coi công cụ sản xuất là cái quyết định trình độ phát triển của LLSX và qua đó quyết định sự phát triển của xã hội. Với việc áp dụng cách đo lường đó, ta dễ dàng xác định sự khác biệt về trình độ phát triển của các xã hội khác nhau. Ví dụ, nếu biết rằng nước A có công cụ sản xuất lạc hậu và nước B có công cụ sản xuất hiện đại, thì ta sẽ suy ra được rằng, về đại thể trình độ phát triển của nước A không thể cao hơn trình độ phát triển của nước B không những về LLSX, mà cả về kinh tế, chính trị và văn hóa - xã hội.
3. Khi nào khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp?
Theo C.Mác: “Sự phát triển của tư bản cố định là chỉ số cho thấy tri thức xã hội phổ biến đã chuyển hoá đến mức độ nào thành lực lượng sản xuất trực tiếp, do đó nó cũng là chỉ số cho thấy những điều kiện của chính quá trình sống của xã hội đã phục tùng đến mức độ nào kiểm soát của trí tuệ phổ biến và đã được cải tạo đến mức độ nào cho phù hợp với quá trình ấy, những lực lượng sản xuất xã hội đã được tạo ra đến mức độ nào không những dưới hình thức tri thức, mà cả như là những cơ quan trực tiếp của quá trình sống thực hiện” [7, tr.372-373]. Từ luận điểm này, có ý kiến cho rằng vào thời của C.Mác tri thức khoa học chưa trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp; C.Mác dự đoán trong tương lai tri thức khoa học sẽ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp; trong điều kiện của nền kinh tế tri thức hiện nay thì tri thức khoa học đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp; dự đoán của C.Mác ngày nay đã được chứng minh là đúng. Ví dụ, có tác giả viết: “Cách đây hơn 100 năm, C.Mác đã dự đoán: “Đến một trình độ phát triển nào đó thì “tri thức xã hội phổ biến” (khoa học) biến thành “lực lượng sản xuất trực tiếp”. Ngày nay, với cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, luận điểm đó của C.Mác đang dần trở thành hiện thực một cách đầy thuyết phục” [10].
Ý kiến trên, theo tôi, đã làm phức tạp hóa luận điểm của C.Mác. Bởi vì, ở luận điểm này, C.Mác chỉ muốn nói rằng, lao động của nhà khoa học tạo ra tri thức khoa học, lao động đó cũng sẽ là lực lượng sản xuất trực tiếp nếu như tri thức khoa học mà họ sáng tạo ra được ứng dụng trong sản xuất, chứ không để trong ngăn kéo của họ; sản phẩm lao động của nhà khoa học không phải ngay lập tức tạo ra của cải vật chất; để tạo ra của cải vật chất thì sản phẩm lao động của nhà khoa học phải được hiện thực hóa ở tư liệu sản xuất đồng thời phải được người lao động trực tiếp sử dụng.
Tri thức khoa học là sự hiểu biết của con người về quy luật của thế giới. Nhờ sự hiểu biết về quy luật của thế giới nên con người mới cải tạo được thế giới. Sự cải tạo thế giới bởi con người là quá trình con người sản xuất ra công cụ sản xuất và sử dụng công cụ sản xuất để sản xuất ra của cải vật chất. Tri thức khoa học của con người nếu còn nằm trong ngăn kéo của nhà khoa học thì chưa trở thành lực lượng sản xuất, còn nếu được ứng dụng trong sản xuất thì sẽ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Khi con người chế tạo công cụ sản xuất và sản xuất ra của cải vật chất thì tri thức khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Ví dụ, khi con người sản xuất ra cái cày, cái xe do súc vật kéo, cái máy hơi nước, thì tri thức khoa học của con người đã trở thành LLSX trực tiếp. Kết quả nghiên cứu khoa học của các nhà khoa học, kể cả khoa học cơ bản, sớm hay muộn, ít hay nhiều cũng sẽ được ứng dụng trong sản xuất, tức là cũng sẽ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Trên thực tế, nhiều phát minh khoa học phải chờ đợi hàng trăm năm mới được ứng dụng trong sản xuất. Ngày nay, nhiều phát minh khoa học chỉ sau vài năm đã được ứng dụng trong sản xuất và đem lại lợi ích to lớn cho xã hội. Ví dụ, nhờ phát minh ra máy hơi nước (của James Watt năm 1780) nên nền sản xuất của nhân loại đã có một năng suất lao động cao hơn, từ đó của cải được tạo ra nhiều hơn, đời sống vật chất của con người được nâng cao hơn. Định lý Pitago (của Pitago), định luật vạn vật hấp dẫn (của Newton) là những phát minh khoa học có giá trị to lớn đối với sản xuất. Những phát minh khoa học có được nhờ có nền sản xuất, và ngược lại, nền sản xuất phát triển nhanh hay chậm lại phụ thuộc phần lớn vào các phát minh khoa học. Đời sống vật chất của nhân loại ngày nay khác rất xa so với thời cổ đại; điều đó chủ yếu có được nhờ kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học. Lợi ích của Nghiên cứu khoa học đối với đời sống con người là vô giá. Chúng ta không thể đo lường được chính xác giá trị của một phát minh. Ví dụ, ta không thể đo lường được chính xác giá trị của phát minh ra máy hơi nước, phát minh ra máy điện toán và internet. Thực tế đó đã chứng tỏ rằng, hoạt động của các nhà khoa học là một phần trong hoạt động sản xuất ra của cải vật chất, chứ không phải chỉ là hoạt động tinh thần đơn thuần như hoạt động chính trị, nghệ thuật, tôn giáo.
Mọi sản phẩm mà con người sản xuất ra (từ lúa gạo để ăn, áo quần để mặc, nhà cửa để ở và các đồ dùng khác) ít nhiều đều chứa đựng tri thức khoa học. Hàm lượng tri thức khoa học trong các sản phẩm ngày càng nhiều. Lúa gạo và nhà ở mà ngày nay con người sản xuất ra chứa đựng nhiều tri thức khoa học hơn lúa gạo và nhà ở mà con người cách đây một ngàn năm sản xuất ra. Trong nền sản xuất cổ đại, giá trị của các sản phẩm chủ yếu là giá trị từ lao động chân tay, chứ không phải chủ yếu từ giá trị từ lao động trí óc. Trái lại, trong nền sản xuất hiện đại, giá trị của các sản phẩm chủ yếu là giá trị từ lao động trí óc, chứ không phải chủ yếu từ giá trị từ lao động chân tay. Người lao động trí óc tuy không trực tiếp tạo ra sản phẩm nhưng gián tiếp tạo ra sản phẩm. Giá trị của lao động của họ trong sản phẩm ngày càng chiếm tỷ trọng lớn. Ví dụ, một nhà máy có vài công nhân lao động trực tiếp với các “người máy” có thể tạo ra số lượng sản sản phẩm bằng số lượng sản phẩm được sản xuất bởi một nhà máy có hàng ngàn công nhân lao động trực tiếp với dây chuyền sản xuất lạc hậu. Dây chuyền sản xuất tự động và các “người máy” là cánh tay nối dài của những người lao động trí óc. Chính lao động phức tạp của những người lao động trí óc, chứ không phải là lao động giản đơn của vài công nhân trực tiếp đứng máy, là lao động chủ yếu tạo ra sản phẩm của nhà máy. Khi xem xét sản xuất trên phạm vi toàn xã hội, ta sẽ thấy rằng, lao động trí óc cũng là lao động tạo ra sản phẩm, hơn nữa là lao động có chất lượng cao. Một phát minh công nghệ của một người lao động trí óc có thể có giá trị bằng lao động của hàng triệu người lao động giản đơn. Đầu tư cho nghiên cứu khoa học nói chung và cho nghiên cứu phát minh công nghệ mới có thể sẽ đem lại lợi nhuận khổng lồ đến mức không thể tính toán hết được. Tri thức khoa học do các nhà khoa học sáng tạo ra đã trở thành lực lượng sản xuất từ hàng ngàn năm trước và ngày càng là một lực lượng sản xuất quan trọng.
4. Người sản xuất hay tư liệu sản xuất tạo ra giá trị gia tăng của hàng hóa?
Một vấn đề liên quan đến mối quan hệ giữa người sản xuất và tư liệu sản xuất là ở chỗ, người sản xuất hay tư liệu sản xuất tạo ra giá trị gia tăng của hàng hóa. Trong nền sản xuất hàng hóa ta đều thấy có một hiện tượng là, tuy nhà tư bản mua sức lao động của người lao động làm thuê theo đúng quy luật ngang giá, tức là mua đúng với giá trị của sức lao động, nhưng nhà tư bản vẫn có lợi. Vậy, vì sao có sự gia tăng giá trị của hàng hóa?
Theo quan niệm của các nhà kinh tế học trước C.Mác và cũng là quan niệm của C.Mác, chỉ có sức lao động của con người mới tạo ra giá trị của hàng hóa; tư liệu sản xuất không tạo ra giá trị của hàng hóa. Tuy nhiên, các nhà kinh tế học trước C.Mác không giải thích được vì sao nhà tư bản mua sức lao động của người lao động làm thuê theo đúng quy luật ngang giá nhưng nhà tư bản vẫn có lợi. Theo C.Mác, vì sức lao động khi được tiêu dùng đã tạo ra giá trị lớn hơn giá trị của nó. Đây là quan điểm cốt lõi trong học thuyết kinh tế học của ông. Một số tác giả cho rằng, quan điểm đó của C.Mác là không đúng hoặc ngày nay không còn đúng. Ví dụ, có ý kiến cho rằng: “Không phải chỉ có lao động sống, mà cả lao động vật hóa và điều kiện tự nhiên cũng tham gia vào việc tạo ra và làm tăng giá trị thặng dư” [4, tr.52]. Hoặc có tác giả viết: luận điểm coi lao động là nguồn gốc duy nhất tạo ra giá trị của hàng hóa có nguồn gốc từ những nhà kinh tế học trước C.Mác; luận điểm đó ra đời trong hoàn cảnh mà thời đại kinh tế nông nghiệp về cơ bản còn đóng vai trò thống trị; trong thời đại đó lao động cơ bắp là nguồn lực quan trọng nhất, dẫn dắt, chi phối các quá trình tạo ra của cải; lý luận giá trị - lao động là sự phản chiếu tầm quan trọng có tính chất lịch sử của nguồn lực này; khi thời đại kinh tế nông nghiệp bị vượt qua và lùi vào quá khứ, lý luận giá trị - lao động cũng mất dần chỗ đứng trong các lý thuyết kinh tế học hiện đại; nó được thay bằng các lý thuyết mới giải thích tốt hơn các yếu tố chi phối sự vận động lên xuống của giá cả và tiền lương; kinh tế học hiện đại giải thích chính xác hơn bản chất tiền lương, tiền công của mọi loại hình lao động; khác với thời của C.Mác, ngày nay nhiều người trung lưu hay giàu có vẫn có thể là người lao động làm thuê [3, tr.25-26]. Theo hai ý kiến này, không nhất thiết lao động của con người là nguồn gốc tạo ra giá trị của hàng hóa và giá trị gia tăng của hàng hóa; lý luận giá trị - lao động (lý luận coi lao động của con người là nguồn gốc tạo ra giá trị của hàng hóa) trong thời đại ngày nay là sai lầm. Hai ý kiến trên trái ngược với quan điểm của C.Mác.
Như chúng ta đã biết, theo C.Mác, chỉ có sức lao động của con người mới tạo ra giá trị của hàng hóa; các sự vật không do con người làm ra (ví dụ, không khí để thở mà ai cũng có thể sử dụng theo nhu cầu là của cải trời cho mọi người và không phải là hàng hóa để mua bán) tuy có thể có giá trị sử dụng đối với con người nhưng không có giá trị để trao đổi và không phải là hàng hóa; lao động trí óc và lao động quản lý cũng là lao động và cũng góp phần tạo ra giá trị của hàng hóa. Quan điểm đó không phải là quan điểm mới của C.Mác. Đây là quan điểm do các nhà kinh tế học trước C.Mác nêu ra. Quan điểm này, theo chúng tôi, là đúng đắn ngay từ đầu và ngày nay càng được chứng minh là đúng đắn.
Thực tế ai cũng nhận thấy rằng một doanh nghiệp chỉ có vài công nhân và các “người máy” vẫn có thể tạo ra lợi nhuận nhiều hơn một doanh nghiệp với hàng nghìn công nhân. Nếu chỉ dừng lại ở việc quan sát bề ngoài thì ta dễ lầm tưởng rằng, người máy chứ không phải công nhân, đã tạo ra lợi nhuận cho chủ doanh nghiệp. Nhưng nếu phân tích kỹ hơn thì ta sẽ thấy rằng, người máy chỉ là cánh tay nối dài của người lao động khoa học. Giá trị lao động của người lao động khoa học phát minh ra người máy là rất lớn. Chủ doanh nghiệp đã mua người máy từ người lao động khoa học với giá thấp hơn giá trị của người máy. Mọi giá trị gia tăng của doanh nghiệp đều do người lao động làm ra, tư liệu sản xuất (kể cả người máy) không tạo ra giá trị gia tăng.
Không phải chỉ ngày nay và ngay ở thời của C.Mác, nhiều người vừa là nhà tư bản (người thuê lao động) vừa là người lao động làm thuê; họ làm thuê cho người khác hoặc cho chính mình. Không phải chỉ ngày nay và ngay ở thời của C.Mác, nhiều nhà tư bản có lãi và nhiều nhà tư bản bị lỗ, nhưng nhìn chung tổng số lãi nhiều hơn tổng số lỗ. Không phải chỉ ngày nay và ngay ở thời của C.Mác, vẫn có doanh nghiệp với số ít lao động nhưng lại tạo ra được số lượng sản phẩm nhiều gấp bội lần so với số lượng sản phẩm được làm ra bởi do doanh nghiệp với số đông lao động. Ai cũng biết những điều này. Không phải C.Mác không biết những điều này. Tuy nhiên, khi nghiên cứu khoa học thì C.Mác buộc phải áp dụng thao tác trừu tượng hóa. Với thao tác này, C.Mác giả định rằng nhà tư bản không phải là người lao động, họ chỉ mua và bán hàng hóa, hơn nữa họ mua và bán theo đúng nguyên tắc trao đổi ngang giá, nhưng họ vẫn có lợi nhuận. Trước khi nhận xét quan điểm của C.Mác là đúng hay sai, ta cần phải chú giải đúng quan điểm của C.Mác. Để chú giải đúng quan điểm của C.Mác, ta phải thực hiện thao tác trừu tượng hóa như C.Mác. Vấn đề đặt ra đối với các nhà kinh tế học là ở chỗ, dù lao động là nguồn gốc duy nhất tạo ra giá trị trao đổi của hàng hóa, dù nhà tư bản mua bán hàng hóa theo đúng nguyên tắc trao đổi ngang giá tư liệu sản xuất của người khác, dù nhà tư bản mua đúng giá trị sức lao động của người lao động làm thuê, dù nhà tư bản không tham gia lao động kể cả lao động quản lý để tạo ra giá trị của hàng hóa, dù nhà tư bản bán ngang giá hàng hóa sau khi sản xuất, dù như vậy nhưng sau chu trình mua rồi bán hàng hóa, nhà tư bản vẫn thu được lượng tiền có giá trị nhiều hơn giá trị của lượng tiền đã ứng trước; vậy cái gì là nguyên nhân tạo ra giá trị gia tăng. Vấn đề này đã không được các nhà kinh tế học trước C.Mác lý giải đúng đắn. C.Mác đã lý giải đúng đắn vấn đề này khi cho rằng hàng hóa sức lao động khi được tiêu dùng đã tạo ra giá trị nhiều hơn giá trị của nó. Luận điểm này chính là một phát minh của C.Mác. Về phát minh này, Ph.Ăngghen viết: “Mác cũng tìm ra quy luật vận động riêng của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa hiện nay và của xã hội tư sản do phương thức đó đẻ ra. Với việc phát hiện ra giá trị thặng dư, thì trong lĩnh vực này một ánh sáng đã hiện ra, trong khi tất cả các công trình nghiên cứu trước đây của các nhà kinh tế học tư sản cũng như các nhà phê bình xã hội chủ nghĩa vẫn mò mẫm trong bóng tối” [5, tr.662].
Trong nền kinh tế thị trường có hiện tượng gia tăng giá trị của hàng hóa. Đối với hiện tượng này, ai cũng nhận thấy nhưng không phải ai cũng giải thích đúng nguyên nhân sinh ra nó. Hiện tượng này thuộc về quan hệ giữa người sản xuất và tư liệu sản xuất. Khi xem xét quan hệ giữa người sản xuất và tư liệu sản xuất, ta cần xác định nguyên nhân sinh ra sự gia tăng giá trị của hàng hóa. Quan điểm đúng đắn về nguyên nhân sinh ra sự gia tăng giá trị của hàng hóa là quan điểm của C.Mác.
5. Kết luận
Trong LLSX, yếu tố con người, chứ không phải yếu tố tư liệu sản xuất, bao giờ cũng là yếu tố quyết định. Ở giai đoạn hiện nay mối quan hệ giữa yếu tố con người với yếu tố tư liệu sản xuất có sự khác biệt so với giai đoạn từ thế kỷ XX trở về trước. Bởi vì, trình độ phát triển của tư liệu sản xuất, đặc biệt là công cụ sản xuất, ở giai đoạn hiện nay cao hơn rất nhiều so với các giai đoạn từ thế kỷ XX trở về trước. Mặc dù yếu tố con người là yếu tố quyết định, nhưng ta cần căn cứ vào trình độ phát triển của công cụ sản xuất để xác định trình độ phát triển của LLSX, hơn nữa cần cho rằng khoa học đã trở thành LLSX trực tiếp ngay từ khi con người sản xuất ra công cụ sản xuất, sức lao động của người lao động trong đó có sức lao động của người lao động trí óc nói chung và nhà khoa học nói riêng, mới tạo ra giá trị gia tăng của hàng hóa.
Tài liệu tham khảo
[1] Nguyễn Chí Dũng (2015), “Học thuyết C.Mác về hình thái kinh tế - xã hội dưới ánh sáng thời đại ngày nay”, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 2.
[2] Nguyễn Ngọc Hà (2004), “Về vấn đề đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân”, Tạp chí Triết học, số 10.
[3] Phí Mạnh Hồng (2018), “Quan điểm của C.Mác về vấn đề sở hữu”, Tạp chí khoa học xã hội Việt Nam, số 6.
[4] Nguyễn Huy (2002), ““Bóc lột” và hướng giải quyết “vấn đề bóc lột” trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa””, Tạp chí Triết học, số 12.
[5] C.Mác và Ph.Ăngghen (1983), Tuyển tập, t.5, Nxb Sự thật, Hà Nội.
[6] C.Mác và Ph.Ăngghen (1995), Toàn tập, t.23, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[7] C.Mác và Ph.Ăngghen (2000), Toàn tập, t.46, phần II, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[8] Dương Văn Thịnh (2016), “Về học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác”, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 5.
[9] Nguyễn Anh Tuấn (2019), “Học thuyết giá trị lao động: một số vấn đề cần quan tâm”, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 3.
[10] Phạm Thị Ngọc Trầm (2008), “Luận điểm khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp của C.Mác và vấn đề phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam hiện nay”, Tạp chí Triết học, số 8.
Nguyễn Ngọc Hà - Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
Phạm Thanh Hà - Học viện Chính trị khu vực I, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam. Số 1 - 2020