(Chính trị) - Từ xa xưa con người luôn khát vọng về một chế độ xã hội công bằng, bình đẳng, tự do. Trong thực tiễn, các cuộc đấu tranh và cách mạng đã đưa lại cho xã hội loài người nhiều tiến bộ về tự do, bình đẳng, công bằng. Thời đại tư sản đã đóng góp vào sự tiến bộ đó, song chính sự phát triển của nó đã làm nảy sinh những bất bình đẳng, bất công mới mà bản thân nó không giải quyết được. Cách mạng tháng Mười mở ra con đường mới giải quyết những bất công, bất bình đẳng của chủ nghĩa tư bản và trong thực tế đã đạt được nhiều thành tựu không thể phủ nhận. Ngày nay, một mặt, cần đánh giá đúng những thành tựu của chủ nghĩa xã hội (CNXH) hiện thực, song cũngcần chỉ ra những hạn chế trong việc giải quyết vấn đề công bằng, bình đẳng đã góp phần dẫn đến sự sụp đổ của nó, và rút ra những bài học cần thiết.
1. Mở đầu
Cuộc cách mạng tháng Mười Nga đã nổ ra cách đây 100 năm. Sự kiện lịch sử đó làm rung chuyển thế giới, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại. Thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga đã khai sinh ra CNXH hiện thực. Một thế kỷ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội diễn ra với rất nhiều thăng trầm: có cả những thành tựu to lớn và cả những thất bại. Nhưng cũng chính từ thực tiễn thăng trầm đó, mỗi nước, trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực, đã đúc rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho mình trong việc giải quyết vấn đề công bằng, bình đẳng. Bài viết này phân tích ý nghĩa thời đại của Cách mạng tháng Mười Nga và chủ nghĩa xã hội hiện thực trên thế giới.
2. Ý nghĩa của Cách mạng tháng Mười
Từ khi xã hội loài người nảy sinh giai cấp, nhà nước và chế độ người bóc lột người, các nhà tư tưởng tiến bộ và giai cấp bị áp bức luôn mong ước về một xã hội bình đẳng, công bằng, tự do, hạnh phúc. Khát vọng ấy được các nhà triết học, nhà văn ở mọi thời đại thể hiện trong các tác phẩm nổi tiếng của mình. Các tôn giáo (từ Phật giáo tới Thiên Chúa giáo…) ra đời cũng với mong muốn đưa con người tới một cuộc
sống bình đẳng, công bằng, tự do, hạnh phúc thực sự.
Chủ nghĩa tư bản (CNTB) ra đời và phát triển ở Châu Âu chỉ trong vòng 200 năm đã tạo nên khối của cải khổng lồ bằng tất cả các thời đại trước cộng lại (như lời của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản năm 1848) [2]. Nó cũng đem lại bước tiến về xã hội, đó là pháp quyền tư sản với quyền tự do sở hữu và tự do thân thể và các quyền cơ bản khác của con người mà thời đại phong kiến và nô lệ không cho phép. Song kể cả 100 năm sau Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, CNTB vẫn không xóa được bất công, bất bình đẳng, mà chỉ thay bằng bất công, bất bình đẳng dưới hình thức mới. Đó là bất công, bất bình đẳng giữa các nhà tư bản với đa số lao động bị bóc lột là giai cấp công nhân.
Sự xuất hiện các nhà xã hội chủ nghĩa (XHCN) thế kỷ XVIII như là sự tiếp nối của dòng chảy khát vọng của loài người về một xã hội công bằng, bình đẳng, hạnh phúc hơn. Tuy nhiên, không chỉ quan điểm mà cả phương án có tính thực nghiệm của các ông cũng không thành hiện thực. Mô hình tổ chức kinh tế - xã hội của R. Owen rất tiến bộ nhưng không thể phát triển trên quy mô quốc gia. Đó là lý do Mác, Ăngghen gọi các nhà XHCN thế kỷ XVIII là không tưởng.
Thế kỷ XIX là thời kỳ phong trào XHCN nối kết và hoà vào phong trào công nhân. Song sự phát triển tự thân của chủ nghĩa tư bản thế giới đã làm xuất hiện nguy cơ về một cuộc chiến tranh thế giới đầu thế kỷ XX; đồng thời làm bộc lộ sự khác nhau giữa hai đường lối trong phong trào XHCN và công nhân. Một là, đường lối nhu nhược theo đuôi giai cấp tư sản của các nhà XHCN dân chủ (mà Becstain là đại biểu dưới vỏ bọc của chủ nghĩa yêu nước). Theo đó giai cấp công nhân ở các nước sẽ đánh giết lẫn nhau. Hai là, đường lối cách mạng của những người mác xít chân chính (mà Lênin và những người Bônsêvích ở Nga, Rôda Lúcxămbua và Các Lípnếch ở Đức là đại biểu). Theo đó giai cấp công nhân ở các nước sẽ giành lấy chính quyền về tay mình để chấm dứt cuộc chiến tranh đó.
Cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất chứng minh rằng các nước đế quốc tranh giành thuộc địa bằng chiến tranh, đẩy người dân ở các nước vào lò lửa tương tàn, mà lợi ích thì thuộc về giai cấp tư sản. Sự tham gia của nước Nga Sa hoàng vào cuộc chiến tranh vừa làm cho nước Nga kiệt quệ, vừa không làm giai cấp tư sản Nga vừa lòng. Giai cấp tư sản cần nắm lấy chính quyền để tiến hành cuộc chiến tranh theo đường lối của mình. Đó là nguyên nhân dẫn đến cuộc cách mạng tháng Hai năm 1917 ở Nga với sự ủng hộ của các đảng chính trị khác ở Nga, trong đó có cả Đảng Bônsêvich. Khác với các nước mà giai cấp tư sản đã cầm quyền, vào thời điểm này ở Nga, đa số các đảng phái và các tầng lớp nhân dân vẫn
tin vào giai cấp tư sản, do vậy dù mâu thuẫn giữa giai cấp vô sản với tư sản đã sâu sắc, song nếu thực hiện ngay cuộc cách mạng vô sản chưa đúng lúc, thì không thể giành được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân.
Cuộc cách mạng dân chủ tư sản Nga tháng 2 năm 2017 đã đem lại quyền lợi chính trị cho giai cấp tư sản và một vài cải cách chính trị có lợi cho các giai cấp khác ở Nga. Tuy nhiên, giai cấp tư sản Nga nhanh chóng khiến cho các giai cấp, tầng lớp lao động ở Nga thất vọng vì nó không làm cho nước Nga thoát khỏi cuộc chiến tranh vô nghĩa đang tham gia. Không những thế, nó càng làm bộc lộ rõ hơn và sâu sắc hơn mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản với giai cấp công nhân và giai cấp nông dân Nga. Tình thế của nước Nga đòi hỏi phải có một lực lượng khác được lòng dân hơn. Lực lượng đó là những người Bônsêvich do Lênin lãnh đạo. Cuộc Cách mạng tháng Mười vì thế là tất yếu.
Cách mạng tháng Mười thành công bởi nước Nga đã hội tụ cả hai nhân tố khách quan và chủ quan mà vào thời điểm đó, không một nước tư bản phát triển nào khác có đủ. Nhân tố khách quan là mâu thuẫn giữa tư sản và vô sản đã đến mức độ sâu sắc mà cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất càng làm cho nó bộc lộ rõ ràng hơn. Mỹ và các nước Châu Âu khác cũng có nhân tố này, nhưng không có được sự trưởng thành về tư tưởng, chính trị và tổ chức của một Đảng cách mạng. Ở Châu Âu, tiếp theo Cách mạng tháng Mười Nga, năm 1918, công nhân Hungari đã khởi nghĩa thành lập Cộng hòa xô viết nhưng sau vài tháng đã bị thất bại. Năm 1919, tại Bavaria (Đức) những người theo đường lối Bônsêvích đã tiến hành cuộc khởi nghĩa để thành lập Cộng hòa xô viết cũng nhưng không thành công. Những người cộng sản lãnh đạo như Lúcxămbua, Lípnếch đã bị bắt và bị giết.
Tuy là cuộc cách mạng duy nhất thành công, song Cách mạng tháng Mười Nga không chỉ là sản phẩm của riêng nước Nga mà mang ý nghĩa phổ biến, bởi cả nhân tố khách quan và chủ quan mà nước Nga có đều là sản phẩm của thời đại khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản.
Dưới sự lãnh đạo của Lênin, chính quyền xô viết đã đưa nước Nga thoát khỏi cuộc chiến tranh đế quốc vô nghĩa. Về đối ngoại, nước Nga xô viết tuyên bố đường lối hoà bình. Về đối nội, thực hiện chính sách tịch thu tài sản của giới tư bản giao cho công nhân, tịch thu đất đai của địa chủ giàu có chia cho nông dân. Đó là một bước đi thực hiện công bằng xã hội, đưa người lao động trở thành người chủ của đất nước.
Với ý nghĩa đó, Cách mạng tháng Mười Nga đã mở ra một con đường mới cho việc thực hiện khát vọng hàng nghìn năm của loài người về một xã hội công bằng, bình đẳng, tự do, hạnh phúc.
3. Giá trị về công bằng của chủ nghĩa xã hội hiện thực
Trong suốt hơn 70 năm tồn tại, trong đó có hơn 30 năm CNXH trở thành một hệ thống (tính từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến khi sụp đổ), Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu đã làm nên nhiều thành tựu to lớn. Trong đó, thành tựu đáng kể nhất là đã đem đến cho người lao động trong xã hội quyền bình đẳng và công bằng chưa từng có.
Vào những năm 1920, không ở đâu ngoài nước Nga, trong phạm vi một quốc gia, đã không còn sự phân biệt đẳng cấp giữa người giàu và người nghèo, giữa thiểu số bóc lột và đa số bị bóc lột, giữa ông chủ và người làm thuê. Không ở đâu ngoài nước Nga, mọi người, không phân biệt nam nữ, màu da, đều là người làm chủ xã hội, có quyền bình đẳng cầm lá phiếu bầu cử, được hưởng các chế độ giáo dục, y tế không mất tiền và các phúc lợi khác như nhau.
Đó là những ưu việt của chế độ và chính là nguồn động lực xã hội tạo ra sức mạnh tổng hợp của đất nước trước những thử thách gay go nhất, đưa Liên Xô trở thành cường quốc quân sự, cường quốc trong nhiều lĩnh vực khoa học công nghệ, sánh ngang với Mỹ trong nhiều thập kỷ. Lênin khẳng định: “Chiến tranh là thuốc thử về tính ưu việt của một chế độ chính trị” [3, tr.25]. Liên Xô đã vượt qua cuộc can thiệp của 14 nước đế quốc, vượt qua thời kỳ nội chiến khắc nghiệt sau Cách mạng tháng Mười, vượt qua cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại chống phát xít Đức (1941-1945). Sự ưu việt của chế độ đã góp phần quan trọng tạo ra sức mạnh cho phép Liên Xô vượt qua những thử thách vô cùng khắc nghiệt như vậy.
Trong các thập kỷ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, mô hình tổ chức xã hội và sự tiến bộ vượt bậc của Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu đã là hình mẫu để nhiều đảng cộng sản, nhiều phong trào cải cách xã hội trên thế giới trong đó có Hồ Chí Minh và những người cộng sản Việt Nam mơ ước và noi theo. Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu đã trở thành một lực lượng chính trị to lớn đối trọng với các thế lực hiếu chiến của chủ nghĩa tư bản đế quốc; là
hậu thuẫn to lớn cho các phong trào hòa bình, dân chủ, tiến bộ và phong trào giải phóng dân tộc của thế kỷ XX, trong đó có Việt Nam.
Người ta không thể hình dung mức độ tiến bộ của loài người trong thế kỷ XX sẽ ra sao nếu không có CNXH hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu. Cho dù đã không còn tồn tại từ đầu những năm 1990 thế kỷ trước, song chắc chắn trong sự trưởng thành của loài người về nhận thức và thực tiễn tổ chức
đời sống xã hội tương lai của mình, mô hình CNXH hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu vẫn sẽ là một kinh nghiệm hữu ích, không bao giờ bị lãng quên. Ngay cả những thất bại của nó cũng là những bài học bổ ích cho loài người trên con đường đi tới xã hội ngày càng tự do, bình đẳng, công bằng, hạnh phúc như khát vọng hàng nghìn năm của mình.
Sự sụp đổ của Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu xác nhận rằng sự tiến bộ của loài người ngay cả khi có một khởi đầu tốt cũng không phải theo con đường thẳng tắp không có bước thụt lùi, khúc quanh. Sự sụp đổ của CNXH hiện thực là một bước thụt lùi của lịch sử. Nhưng trong thực tiễn, 30 năm sau sự sụp đổ của mô hình CNXH hiện thực Liên Xô và Đông Âu, lý tưởng và nỗ lực xây dựng xã hội XHCN vẫn được duy trì ở một số nơi. Tương lai của CNXH vẫn ở phía trước và là con đường dài lâu của loài người. Cách mạng tháng Mười Nga và các cuộc cách mạng theo gương nó ở thế kỷ XX không thể bị coi là những sai lầm của lịch sử loài người.
4. Bài học về công bằng, bình đẳng của chủ nghĩa xã hội hiện thực
Thứ nhất, tổ chức nền sản xuất có năng suất cao, làm cơ sở kinh tế cho bình đẳng, công bằng XHCN. Lênin từng khẳng định: “Suy cho cùng sự chiến thắng của một chế độ xã hội này với một chế độ xã hội kia là ở chỗ nó tạo ra năng suất lao động xã hội cao hơn” [3]. Đúng là Liên Xô đã từng tạo nên kỳ tích trong phát triển kinh tế, xây dựng cơ sỏ vật chất kỹ thuật cho CNXH, tăng cường tiềm lực quốc phòng của đất nước. Liên Xô tập trung và động viên được lòng yêu nước trước nguy cơ xâm lược của chủ nghĩa phát xít, đạt được năng suất lao động cao hơn hẳn so với thời kỳ trước cách mạng và từ đó có những thành tựu về phát triển cơ sở vật chất của đất nước, về sức mạnh quân sự.
Cũng phải kể thêm rằng, CNXH những năm đầu là nguồn động lực to lớn đối với hàng triệu người lao động trong các công xưởng, trên các cánh đồng và cả giới trí thức xuất thân từ giai cấp lao động.
Tuy nhiên, bước vào những năm 1970, trong điều kiện phát triển hoà bình, thậm chí trong hoàn cảnh quốc tế rất thuận lợi cho CNXH khi các thế lực đế quốc, đứng đầu là Mỹ, đang sa lầy trong chiến tranh Việt Nam, nền sản xuất của Liên Xô và các nước Đông Âu lại thiếu động lực và giảm dần sự năng động. Những dấu hiệu này thực ra đã bắt đầu ở Nam Tư, Tiệp Khắc vào những năm 1960, ở Hungari vào những năm 1970, nhưng không được đánh giá đúng mức.
Nền kinh tế tập trung, quan liêu, mệnh lệnh, không tuân theo quy luật giá trị, phủ nhận lợi nhuận và cạnh tranh, thiếu đổi mới, sáng tạo trong tổ chức sản xuất và áp dụng công nghệ hiện đại, làm năng suất lao động ở Liên Xô và các nước XHCN khác ngày càng suy giảm.
Đối lập lại, nền kinh tế thị trường ở các nước tư bản chủ nghĩa (TBCN) dựa trên quy luật giá trị và lợi nhuận vẫn tạo nên động lực cho sáng tạo khoa học, công nghệ, sự đổi mới trong sản xuất, vừa kích thích, vừa đáp ứng nhu cầu ngày càng mới của người tiêu dùng. Bước vào những năm 1980, với học thuyết Tự do mới, Mỹ, Anh và các nước tư bản khác đã tạo nên một sự bứt phá về kinh tế, và kèm theo đó là tiến bộ về khoa học công nghệ được áp dụng vào sản xuất các sản phẩm phục vụ đời sống. Vào những năm này, người dân ở các nước XHCN đã thấy ngày càng rõ tác dụng của sự đổi mới liên tục của nền kinh tế thị trường, mong ước được hưởng thụ những sản phẩm tiêu dùng của các nước TBCN tạo ra và không còn thỏa mãn với nền sản xuất của chính mình.
Cuộc chạy đua vũ trang ở những năm 1980 (đặc biệt là chạy đua chế tạo các vũ khí chiến lược và đối phó với chủ trương “đưa chiến tranh lên các vì sao” của Mỹ) khiến Liên Xô phải sử dụng một phần quan trọng tiềm lực kinh tế, tài chính của mình cho mục đích quân sự, điều đó bộc lộ rõ hơn thế yếu của một nền sản xuất đang dần mất đi động lực sáng tạo và năng suất. Hai sai lầm lớn của CNXH hiện thực góp phần tạo nên một nền sản xuất thiếu động lực là: không thấy hết các động cơ thúc đẩy người lao động, trong đó có động cơ lợi nhuận, tư hữu và quyền con người; đánh giá sai vai trò của cơ chế thị trường trong nền sản xuất; đề cao quá mức vai trò điều hành của nhà nước.
Từ thực tiễn đó cần rút ra bài học: trong thời đại ngày nay, cơ chế thị trường vẫn là cần thiết bởi nó tạo nên động lực cho sự sáng tạo, năng suất và đổi mới của nền sản xuất xã hội. Vấn đề là nhà nước XHCN cần sử dụng những công cụ phù hợp để khắc phục “những thất bại” của nó và hướng nền sản xuất theo cơ chế thị trường tới việc phục vụ cho con người, bảo đảm hạnh phúc hơn cho mọi người.
Thứ hai, bảo đảm bình đẳng, công bằng trên tất cả các lĩnh vực. Đúng là, thời kỳ đầu thành lập chế độ xô viết, nước Nga và Liên Xô sau này đã đem lại một chế độ bình đẳng giữa người với người, trong đó mọi người đều không bị phân biệt đối xử, đều có quyền làm chủ xã hội, được đối xử công bằng hơn. Đó là sự ưu việt chưa từng có trong lịch sử hàng nghìn năm trước đó. Tuy nhiên, những vấn đề về bình đẳng, công bằng cũng dần bộc lộ và ngày càng rõ hơn dưới những hình thức mới, chính trong thời kỳ hoà bình xây dựng và phát triển của CNXH hiện thực.
Dưới nền chuyên chính vô sản và sự thống trị của kinh tế nhà nước, các thành phần kinh tế “phi xã hội chủ nghĩa” bị phân biệt đối xử, thậm chí bị thủ tiêu. Giới chủ doanh nghiệp tư nhân bị loại khỏi đời sống chính trị và xã hội. Con em họ cũng bị phân biệt đối xử như thành phần “không cơ bản”. Đó là một biểu hiện của bất bình đẳng giữa các thành phần kinh tế và xã hội.
Về mặt chính trị, những đảng phái không cộng sản bị triệt tiêu, nếu còn tồn tại chỉ là hình thức (ví dụ Đảng Nông dân Thống nhất Ba Lan).
Trong suốt 3 thập kỷ từ khi trở thành hệ thống, ở Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu không có một cuộc trưng cầu dân ý nào. Các cuộc bầu cử vào cơ quan đại biểu từ trung ương tới địa phương đã được sắp đặt, người dân không có sự lựa chọn khác; điều đó phản ánh rõ sự bất bình đẳng giữa người trong Đảng và người ngoài Đảng. Quyền lực chính trị của Đảng không được giám sát, kiểm soát; trách nhiệm chính trị không tương ứng với quyền hạn. Những biểu hiện của bất bình đẳng về mặt chính trị như thế đã không làm cho nhân dân hải lòng.
Về mặt công bằng, nhà nước từng nói thực hiện chế độ phân phối chủ yếu dựa trên nguyên tắc “làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm không hưởng” nhưng thực tế phân phối với sự chênh lệnh rất ít, không phản ánh đúng sự chênh lệch giá trị sức lao động của các cá nhân, dẫn tới chủ nghĩa bình quân trong phân phối chính thức. Các chế độ phúc lợi đồng đều với mọi người cũng đem lại mặt trái tương tự. Đối với những người đóng góp thực sự cho xã hội bằng công sức, trí tuệ, kể cả của cải của mình, chế độ phân phối và phúc lợi đó trở nên bất công bằng, đúng như Aristotle từng nói từ gần 200 năm trước Công nguyên: “Công bằng quá cũng là mất công bằng” [1]. Chủ nghĩa bình quân đã làm nảy sinh và khuyến khích thói lười biếng, ỷ lại của một bộ phận người lao động, ngược lại làm suy giảm sự nhiệt tình, hăng hái phấn đấu của một bộ phận kia. Để bù đắp cho sự thiếu công bằng về mặt phân phối chính thức, một bộ phận có quyền lực, địa vị xã hội tìm cách thiết lập những đặc quyền, đặc lợi, kể cả tham nhũng công khai dưới nhiều hình thức.
Sự bất công không chỉ giữa cá nhân và cá nhân mà còn giữa cộng đồng và cộng đồng. Sự điều tiết theo yêu cầu chính trị của chính quyền trung ương đã khiến cho nhiều vùng, nhiều nước cộng hòa của Liên Xô, vốn giàu có, đóng góp phần lớn của cải cho quốc gia, không được nhận lại những lợi ích kinh tế, chính trị tương xứng. Đó là một trong những lý do góp phần thúc đẩy xu hướng ly khai sau này của một số nước trong Liên bang Xô viết.
Những vấn đề về công bằng, bình đẳng như vậy góp phần làm mất dần đi sự ủng hộ của nhân dân đối với chế độ, là nguồn gốc của những bất bình âm ỉ. Những bất bình đó khi có sự kích động từ bên ngoài thì biến thành xung đột giữa người dân và chính quyền. Sự ra đời và xung đột quyết liệt của Công đoàn Đoàn kết với chính quyền và Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan những năm 1980 là một ví dụ. Đây là tác nhân chính trị chủ chốt trực tiếp dẫn đến việc Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan mất quyền lãnh đạo.
Bài học rút ra từ đây là: không thể thỏa mãn với những thành tựu về bình đẳng, công bằng đạt được trong những năm tháng sau cách mạng, mà cần phải không ngừng hoàn thiện, nâng cao hơn nữa, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của người dân về công bằng, bình đẳng trong môi trường hòa bình, hội nhập quốc tế.
Thứ ba, bảo đảm công bằng, bình đẳng trong Đảng Cộng sản cầm quyền. Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu đều thực hiện nguyên tắc độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Đó là biểu hiện tập trung của chuyên chính vô sản mà ưu việt của nó đã được thể hiện trong những hoàn cảnh khó khăn của đất nước sau cách mạng hoặc chiến tranh bảo vệ tổ quốc. Sự thống nhất ý chí và hành động của Đảng, sự kết tinh trí tuệ và đức hy sinh của giai cấp công nhân tạo cho Đảng bản lĩnh, năng lực và uy tín dẫn dắt dân tộc vượt qua khó khăn, thử thách và mối đe dọa từ bên ngoài.
Tuy nhiên, chính thời kỳ hòa bình lại là môi trường làm bộc lộ nguy cơ tiềm ẩn bên trong Đảng, trong đó có vấn đề bất công, bất bình đẳng giữa bộ phận đảng viên này với bộ phận đảng viên kia.
Trong thực tế, khoảng cách về hưởng thụ giữa bộ phận lãnh đạo cao cấp với đa số đảng viên bình thường ngày càng xa. Không có cơ chế hữu hiệu để đông đảo đảng viên giám sát, kiểm soát người nắm các chức vụ cao cấp của chính quyền. Nhiều kẻ cơ hội chui vào Đảng và bằng nhiều thủ đoạn luồn lách lên vị trí ngày càng cao. Không ít trường hợp đảng viên cao cấp tham nhũng không bị xử lý hoặc xử lý không thích đáng. Những điều này gây nên bất bình ngay trong nội bộ Đảng.
Những khuyết tật và nguy cơ tiềm ẩn của chế độ XHCN hiện thực không phải không được nhiều đảng viên cộng sản nhận thức từ sớm. Nhưng sự hạn chế dân chủ trong Đảng đã khiến các Đảng bỏ qua các cơ hội sửa chữa, để cho những bất bình nhỏ tích tụ thành bất bình lớn, tới mức vào những thời điểm sống còn, người dân và cả đảng viên đã thờ ơ hoặc quay lưng với Đảng, với chế độ, như ở Liên Xô vào tháng 8 năm 1991 là ví dụ điển hình.
Bài học cần rút ra là: một mặt, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật, mặt khác, phải có cơ chế bảo đảm dân chủ, công bằng, bình đẳng trong Đảng. Một mặt, coi trọng đạo đức đảng viên, nhất là của những người lãnh đạo Đảng, mặt khác phải xây dựng nhà nước pháp quyền, đặt Đảng trong khuôn khổ chế độ pháp trị, sự giám sát và kiểm soát của nhân dân, sự phán xử công bằng của xã hội. Có như thế mới có thể khắc phục được nguy cơ suy thoái của Đảng độc quyền lãnh đạo.
5. Kết luận
Có thể nhìn nhận giá trị của CNXH hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu cũng như bài học từ sự sụp đổ của nó bằng nhiều lăng kính, từ nhiều góc độ. Nếu đứng từ góc độ bình đẳng, công bằng như là những giá trị và khát vọng mà loài người đã phấn đấu hàng nghìn năm nay và sẽ còn tiếp tục phấn đấu, thì phải khẳng định, Cách mạng tháng Mười và CNXH hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu đã để lại những thành tựu không thể lãng quên. Những nguyên nhân khiến cho nó thất bại trong việc giải quyết vấn đề công bằng, bình đẳng mới nảy sinh chính là những bài học cần phải rút ra để hướng tới CNXH hiện thực mới và đáp ứng khát vọng của loài người.
Tài liệu tham khảo
[1] Aristotle (2013), Chính trị luận, Nxb Thế giới, Hà Nội.
[2] C.Mác, Ph.Ăngghen (1988), Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà nội.
[3] V.I.Lênin (1979), Toàn tập, t.39, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva.
[4] https://en.wikipedia.org/wiki/Social Democratic Party of Germany
[5] http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/ 34610802-100-nam-cach-mang-thang-muoi-nga-va-chu-nghia-xa-hoi-hien-thuc-gia-tri-lich-su-va-y-nghia-thoi-dai.html
Tác giả: PGS.TS. Vũ Hoàng Công
Nguồn: Khoa học xã hội Việt Nam, số 1 - 2018