Nghiên cứu chính sách an sinh xã hội cho gia đình Việt Nam

Cập nhật 14:05 ngày 20/04/2018
(Xã hội) - Nghiên cứu an sinh xã hội (ASXH) trong bối cảnh hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ở Việt Nam đòi hỏi phải chú ý đến chính sách an sinh đối với các gia đình. Tuy nhiên, có rất ít chính sách an sinh xã hội dành riêng cho gia đình, lấy gia đình làm đơn vị thụ hưởng hay can thiệp ở Việt Nam. Trong khi đó, các chính sách an sinh xã hội dành cho đối tượng cụ thể hay những thành viên xác định trong mỗi gia đình lại có khá nhiều. Thực tế đóphản ánh sự thiếu hụt các chính sách an sinh cho gia đình hiện nay.

1. Đặt vấn đề

An sinh xã hội được xây dựng trên mô hình quản lý rủi ro, trong đó có ba chiến lược: phòng ngừa rủi ro, giảm nhẹ rủi ro và khắc phục rủi ro. Hệ thống ASXH được hiểu là toàn bộ các chính sách nhà nước nhằm giúp đỡ các cá nhân, gia đình và các nhóm xã hội quản lý các rủi ro, bất trắc của mình và hỗ trợ cho những người nghèo, yếu thế nhất. Một hệ thống ASXH tốt sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển của quốc gia. Mặt khác, thông qua các chính sách ASXH, nhà nước cũng thực hiện phân phối lại thu nhập và dịch vụ cho các nhóm xã hội dễ bị tổn thương và các gia đình thu nhập thấp, góp phần giảm nghèo và chống nguy cơ tái nghèo, tiến tới thu hẹp bất bình đẳng xã hội. Có thể nhận thấy ASXH là một trong những hợp phần quan trọng trong các chương trình xã hội của các quốc gia nhằm mục đích ổn định xã hội, giảm phân hoá giàu nghèo, điều tiết quá trình phân tầng xã hội, tạo nên sự đồng thuận giữa các giai tầng, các nhóm dân cư trong tiến trình phát triển. Do đó, ASXH vừa có tính kinh tế, vừa mang tính xã hội và nhân văn sâu sắc.

Có sự nhất trí rằng một hệ thống ASXH tốt được thể hiện ở khả năng và các biện pháp bảo vệ các cá nhân và các nhóm xã hội trước những rủi ro, tổn thương do tác động thiên tai, hay những tác động bất lợi về kinh tế - xã hội, nhằm  duy trì được mức sống và điều kiện sinh kế thiết yếu. ASXH là một chính sách xã hội cơ bản của nhà nước nhằm thực hiện các chức năng phòng ngừa, hạn chế và khắc phục rủi ro, bảo đảm an toàn thu nhập và cuộc sống cho người dân. Chiến lược ASXH của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 nêu rõ: “An sinh xã hội là sự bảo đảm mà xã hội cung cấp cho mọi thành viên trong xã hội thông qua việc thực thi hệ thống các cơ chế, chính sách và biện pháp can thiệp trước các nguy cơ, rủi ro có thể dẫn đến suy giảm hoặc mất đi nguồn sinh kế” [5]. Bài viết chỉ ra những khoảng trống nghiên cứu ASXH cho gia đình, để từ đó có những giải pháp chính sách nhằm tăng cường an sinh gia đình và gợi mở một số hướng tiếp cận phù hợp với chủ đề nghiên cứu cấp thiết này.

2. Đảm bảo an sinh xã hội cho gia đình

2.1.  An sinh xã hội cho gia đình

Các nghiên cứu xã hội học quốc tế đã chỉ ra vai trò của gia đình như một nguồn ASXH dành cho các thành viên của mình. Cherlin [7] đã xem xét sự tương trợ lẫn nhau trong gia đình, đặc biệt giữa cha mẹ và con cái. Con cái trưởng thành sẽ giúp đỡ cha mẹ, nhưng nhìn chung con cái cũng nhận được sự chăm sóc từ phía cha mẹ. Theo tác giả, mối quan hệ tương trợ qua lại này thể hiện sự thỏa thuận “bao cấp ngầm” trong gia đình, giữa cha mẹ và con cái. Tuy nhiên Cherlin cũng lưu ý rằng, quá trình công nghiệp hóa diễn ra mạnh mẽ vào cuối thế kỷ XIX ở Tây Âu đã kéo các thành viên, mà trước tiên là nam giới, rồi sau đó là phụ nữ, ra khỏi các gia đình. Cuộc sống của các thành viên phụ thuộc nhiều vào tiền công do lao động  mang lại. Những sự kiện như đau ốm, tai nạn, hoặc mất việc làm, sinh kế có thể khiến cho các thành viên và hộ gia đình rơi vào tình trạng khốn khó, tác động tiêu cực đến cuộc sống của họ. Ngay từ những năm 50 của thế kỷ trước, Parson và Bales [10] xem xét quá trình chuyển giao hệ thống chức năng an sinh và chăm sóc của gia đình truyền thống sang các thiết chế xã hội có chức năng chuyên nghiệp như trường học, bệnh viện, nhà dưỡng lão, trung tâm trông giữ trẻ… Quá trình này khi được thực hiện hiệu quả sẽ góp phần giảm nhẹ gánh nặng chăm sóc của các gia đình và tạo điều kiện cho thiết chế này thực hiện tốt hơn các chức năng còn lại. Cách tiếp cận chức năng này vẫn có ảnh hưởng trong nghiên cứu gia đình ở Việt Nam hiện nay.

Trong xã hội phương Đông, gia đình là một thiết chế ASXH truyền thống, có vai trò quan trọng trong việc chăm sóc và đảm bảo đời sống cho các thành viên. Người dân Việt Nam luôn dựa vào các quan hệ gia đình và người thân để tìm sự trợ giúp khi rủi ro [3]. Ngoài những ràng buộc về pháp lý, đó còn là trách nhiệm, nghĩa vụ và bổn phận  vợ chồng, cha mẹ và con cái, trách nhiệm của người lớn đối với trẻ em, người khỏe với người yếu, người khuyết tật, người trẻ với người già, người có khả năng lao động, có thu nhập đối với người mất khả năng lao động, không có thu nhập trong gia đình [4].

Nguồn trợ giúp trước tiên khi gặp khó khăn trong cuộc sống đến từ những người thân trong gia đình, sau đó mở rộng ra họ hàng, bè bạn, cộng đồng và chính quyền. Nhà nước thực hiện phúc lợi xã hội thông qua phương thức phân phối và tái phân phối nguồn lực, thực hiện các chính sách dưới hình thức trợ cấp, hỗ trợ dịch vụ xã hội đối với các nhóm xã hội yếu thế. Do vậy, nơi nào gia đình hỗ trợ tốt cho những thành viên không tự lo được cho bản thân, nơi đó gánh nặng ASXH sẽ được giảm bớt. Mối quan hệ giữa gia đình, nhà nước và ASXH khá phức tạp, bởi đó không chỉ đơn thuần là mối quan hệ bổ sung cho nhau mà còn phụ thuộc vào nhau. Những thay đổi trong thiết chế gia đình sẽ có những tác động đến an sinh của các thành niên và đến sự ổn định xã hội. Sự vận hành của hệ thống ASXH cũng tác động trực tiếp đến các thành viên gia đình, nhất là trẻ em và người cao tuổi. Người già và trẻ em trong gia đình cũng có những đóng góp nhất định đối với phúc lợi của các thành viên khác. Đây là cơ chế giúp cho ASXH của gia đình bền vững, và được tiếp nối qua các thế hệ.

Tuy nhiên, cùng với thời gian, gia đình truyền thống bị tác động và suy yếu bởi quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa. Điều này có thể thấy qua các biểu hiện: 1) ngày càng có nhiều thanh thiếu niên rời nông thôn ra thành phố học tập và lao động kiếm sống, và phần lớn số này không quay về nông thôn; 2) diện tích đất canh tác ngày càng bị thu hẹp khiến cho số lượng lao động bị mất việc làm tăng lên; 3) quá trình công nghiệp hóa thúc đẩy các dòng di cư trong nước và quốc tế, khiến cho tỷ trọng các gia đình thiếu khuyết tăng lên và quy mô gia đình nhỏ đi; 4) xu hướng hạt nhân hóa gia đình ngày càng tăng, gây nên hiện tượng nhiều gia đình cha mẹ đi làm ăn xa và chỉ còn lại ông bà và các cháu. Như vậy, gia đình - nguồn “an sinh” truyền thống - đang bị phá vỡ cấu trúc do tác động của biến đổi kinh tế - xã hội và nhân khẩu [6], [10].

Những yếu tố trên đang thách thức ASXH cho gia đình và đòi hỏi phải nghiên cứu thấu đáo. Mạng lưới ASXH truyền thống dựa trên gia đình đang bị suy giảm chức năng và vai trò, trong khi các thiết chế ASXH hiện đại lại chưa hình thành hoặc chưa đồng bộ, chưa đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội. Việc củng cố lại chức năng của gia đình trong việc đảm bảo ASXH cho các thành viên là rất cần thiết, đồng thời cần phải có sự chuyển hướng [1]. Một trong những giải pháp là tập trung sự đầu tư ASXH từ cấp các cá nhân lên cấp độ hộ gia đình và chú trọng vai trò của cộng đồng, nhất là với những đối tượng không có khả năng thay đổi hoàn cảnh và điều kiện sống của mình. Thực tế hiện nay cho thấy nơi nào gia đình và cộng đồng làm tốt hoạt động ASXH, thì nơi đó gánh nặng an sinh được giảm bớt.

Gần đây, sự thảo luận chính sách hướng vào việc các gia đình tự an sinh cho chính mình thông qua năng lực phòng ngừa, thích ứng và khắc phục rủi ro. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của gia đình đối với ASXH. Song, cũng cần nhận thấy những giới hạn của phương thức “tự an sinh” do quá tải về thời gian, nguồn lực đối với gia đình trong cuộc sống hiện đại. Các thành viên nữ vẫn phải lo toan việc nhà, đi làm và đồng thời chăm sóc cho các thành viên khác. Chức năng kinh tế, chức năng thỏa mãn nhu cầu tình cảm được nhấn mạnh trong các gia đình hiện đại, nhưng phúc lợi không được chia sẻ một cách công bằng. Nguy cơ đổ vỡ gia đình, ly hôn luôn tiềm ẩn với nguyên nhân sâu xa do bất bình đẳng giới, xung đột thế hệ, tranh chấp kinh tế và những mâu thuẫn trong đời sống hôn nhân thường ngày. Sự can thiệp của nhà nước thông qua các quy định, chính sách là cần thiết, bởi gia đình không thể tự an sinh, tự lo toan trong các trường hợp đó.

2.2.  Chính sách an sinh xã hội cho gia đình

Nghiên cứu ASXH trong bối cảnh hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đòi hỏi phải chú ý đến các vấn đề chính sách cũng như thực tiễn ASXH ở cấp độ gia đình. Tuy nhiên, cho đến nay có rất ít chính sách ASXH dành riêng cho gia đình (theo nghĩa toàn bộ gia đình, lấy gia đình làm đơn vị thụ hưởng hay can thiệp). Ngoại trừ một số chính sách đối với gia đình có công, các hộ nghèo, hộ người dân tộc thiểu số, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (như chính sách xóa đói giảm nghèo, cho vay vốn, tạo việc làm, chăm sóc sức khỏe, tạo dựng sinh kế,... cho họ), hầu hết các chính sách ASXH gắn với các thành viên. Có thể thấy các chính sách ASXH dành cho cá nhân và những đối tượng cụ thể lại khá phổ biến. Ví dụ như chính sách trợ giúp người cao tuổi, khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi, chính sách hỗ trợ người khuyết tật, người có HIV, phụ nữ đơn thân nuôi con nhỏ, v.v.. Việc thực thi các chính sách hỗ trợ dành riêng cho đối tượng cá nhân đã góp phần giải quyết những khó khăn chung của gia đình, song nếu chính sách được áp dụng thực hiện ở cấp hộ gia đình thì sẽ phù hợp hơn và đảm bảo tốt hơn sự hòa nhập, bao trùm xã hội.

Hầu hết các chính sách ASXH ở Việt Nam chưa tiếp cận theo hộ gia đình. Các trụ ASXH như bảo hiểm, việc làm liên quan chủ yếu đến cá nhân thành viên trong hộ. Trong khi đó, nhiều lĩnh vực trợ giúp xã hội như chăm sóc người cao tuổi, trẻ em, người nghiện, người khuyết tật... đều có thể tiếp cận hiệu quả từ góc độ gia đình. Những tiêu chí nghèo đa chiều hiện nay đang được triển khai toàn quốc như học hành, tiếp cận thông tin, chăm sóc sức khỏe, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường… được xác định trên cơ sở cá nhân rất bất hợp lý và có thể không thành công. Việc chia nhỏ nguồn lực vốn đã ít ỏi càng làm giảm hiệu quả trợ giúp. Điều này cho thấy cần phải nghiên cứu bổ sung và điều chỉnh các can thiệp chính sách ASXH đối với gia đình và lấy hộ gia đình làm nhóm đích.

Chính sách ASXH cho gia đình là cần thiết, song cần được xem xét, đánh giá trong mối quan hệ với nhà nước với tư cách là chủ thể chính ban hành cơ chế, chính sách quản lý xã hội. Khi nhu cầu ASXH vượt quá khả năng đáp ứng của các gia đình thì sự can thiệp, hỗ trợ của nhà nước là cần thiết. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là nhà nước nên can thiệp đến mức độ nào và các chính sách ASXH cần ưu tiên và tập trung vào các nhóm gia đình nào, đối tượng nào, thành phần nào, cấu phần nào? Nhà nước cần có những can thiệp chính sách gì để có thể phát huy được vai trò của gia đình trong đảm bảo ASXH cho các thành viên? Rất khó trả lời cho các câu hỏi này từ các công trình nghiên cứu hiện có và càng khó tìm được câu trả lời đúng, nếu như không dựa trên các nghiên cứu khoa học, được thiết kế bằng phương pháp tiếp cận phù hợp.

3. Tiếp cận nghiên cứu an sinh xã hội cho gia đình

Nghiên cứu ASXH và chính sách ASXH cho gia đình đòi hỏi những phương pháp và cách tiếp cận khác nhau, và có thể vận dụng linh hoạt và thích hợp với đối tượng và nội dung nghiên cứu. Các công trình nghiên cứu hiện nay về ASXH cho gia đình còn khiêm tốn và chưa được thực hiện một cách hệ thống. Sau đây là một số hướng tiếp cận nghiên cứu chủ yếu có thể xem xét, tham khảo vận dụng trong nghiên cứu về chủ đề này.

- Tiếp cận hệ thống

Có nhiều chủ thể tham gia vào đảm bảo ASXH mà trong đó gia đình có vai trò quan trọng, đặc biệt là quan hệ với nhà nước. Những chủ thể này có quan hệ tương tác, hỗ trợ lẫn nhau, mỗi chủ thể là điều kiện đảm bảo cho sự vận hành và phát triển bền vững của hệ thống ASXH. Có thể xem xét về mối quan hệ tác động giữa các yếu tố trong sơ đồ “Care Diamonds”của Ochiai Emiko (2009) về 4 chủ thể chăm sóc trong một hệ thống chỉnh thể (Hình 1).

Theo cách tiếp cận trên, quan hệ này đề cập đến gia đình trong mối tương tác với các chủ thể còn lại, đặc biệt là nhà nước và thị trường. Các chính sách về an sinh gia đình ở Việt Nam dường như chưa cân đối, thậm chí thiếu trọng tâm giữa các chủ thể này. Hiện các chính sách có sự nhấn mạnh nhiều hơn tới vai trò/chức năng của chủ thể nhà nước. Xét theo mức độ toàn diện, đầy đủ của hệ thống chính sách ASXH cho gia đình thì ở đây còn tồn tại những khoảng trống hoặc những hạn chế nhất định. Theo cách tiếp cận này, gia đình và cộng đồng là hai chủ thể không kém phần quan trọng trong chăm sóc và an sinh. Sự tham gia của doanh nghiệp và thị trường gần đây đã có sự chuyển biến thông qua hoạt động từ thiện xã hội, chia sẻ khó khăn với các đối tượng thiệt thòi, tuy khung pháp lý cho từ thiện xã hội còn chưa được đổi mới và hoàn thiện [2].

Hình 1. Mô hình các chủ thể chăm sóc (Care Diamonds) [9]

- Tiếp cận chu trình vòng đời gia đình

Bên cạnh cách tiếp cận hệ thống nói trên, các nghiên cứu có thể vận dụng cách tiếp cận chu trình vòng đời gia đình (Hình 2), gắn liền với những rủi ro của các thành viên trong từng giai đoạn vòng đời gia đình. Thuật ngữ “chu trình” mô tả những giai đoạn thay đổi của hộ gia đình trải qua thời gian, mang tính động và liên tục.

Thông thường, các giai đoạn phát triển của gia đình dựa trên những biến cố/sự kiện chính của các thành viên như kết hôn, sinh đẻ, trưởng thành, đi học, đi làm gắn liền với sự thoát ly khỏi gia đình của con cái. Số lượng các thành viên trong gia đình thay đổi và các thành viên đều trải nghiệm cùng nhau những rủi ro, sự kiện và hỗ trợ cho nhau vượt qua những khó khăn, thách thức. Nhu cầu ASXH của gia đình biến thiên không chỉ theo sự thay đổi giai đoạn cuộc sống của từng thành viên mà còn phụ thuộc vào mức độ tăng giảm nhân khẩu và gắn kết của các thành viên trong gia đình.    

Hình 2. Mô hình an sinh xã hội theo chu trình vòng đời gia đình [1]

- Tiếp cận văn hóa

Do tính đa dạng của gia đình Việt Nam gắn với các đặc trưng phong phú của văn hóa dân tộc, tập quán, lối sống vùng miền, đời sống xã hội, nên các nghiên cứu cần chú ý đến yếu tố văn hóa trong đánh giá thực trạng và luận chứng các mục tiêu, định hướng, giải pháp cùng với kiến nghị chính sách. Cách tiếp cận văn hóa cần chú trọng tới những đặc điểm đa dạng văn hóa của gia đình, cộng đồng cũng như sự chênh lệch khá lớn trong trình độ phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng miền, khu vực hiện nay. Bên cạnh đó, loại hình gia đình đa văn hóa đang có xu hướng gia tăng ở Việt Nam, đòi hỏi cách tiếp cận văn hóa trong nghiên cứu.

- Tiếp cận liên ngành, xuyên ngành

Các hợp phần ASXH vừa có quan hệ tương hỗ với nhau, vừa có mối quan hệ với những lĩnh vực khác (như kinh tế, xã hội, dân số, sức khỏe, tâm lý học…). Sự phát triển (hay suy giảm) của mỗi lĩnh vực (yếu tố) đều tác động đến yếu tố kia (là nguyên nhân và hệ quả hoặc song hành diễn biến). Mặc dù tiếp cận xã hội học là phổ biến và hiệu quả cao trong nghiên cứu về gia đình và ASXH cho gia đình, nhưng tiếp cận nhân học và dân tộc học giúp tìm hiểu các thực hành ASXH truyền thống của các dân tộc ở Việt Nam. Kinh tế học giúp ước lượng và giải thích các mô hình thống kê định lượng về tác động của chính sách ASXH cho gia đình, cũng như xác định các yếu tố ảnh hưởng đến an sinh gia đình. Nghiên cứu dân số, sức khỏe cho phép đánh giá, phân loại chu trình vòng đời của gia đình gắn với nhu cầu ASXH của từng giai đoạn cuộc sống. Gần đây, tiếp cận xuyên ngành (transdisciplinarity) xóa bỏ ranh giới và sự tách biệt giữa các chuyên ngành, với sự tham gia của các chủ thể ngoài cộng đồng khoa học trong từng giai đoạn nghiên cứu nhằm đưa ra được giải pháp chính sách đồng bộ, khả thi đối với những vấn đề ASXH của thực tế.

- Tiếp cận so sánh

Việc so sánh sự thay đổi và định hướng chính sách giữa các thời kỳ và giai đoạn phát triển của Việt Nam giúp cho việc phân tích, đánh giá, đề xuất sâu sắc hơn, rõ ràng hơn và khách quan hơn các khuyến nghị chính sách. Bản thân các chính sách ASXH (bảo hiểm, dịch vụ công, lương, trợ cấp,…) cho các gia đình cần được nhận diện, đánh giá, phân tích theo những hạn chế, tồn tại, và những nguyên nhân của những hạn chế. Hơn nữa, có thể nghiên cứu so sánh theo các kiểu loại gia đình, địa bàn nơi cư trú để từ đó đề xuất những chính sách phù hợp. Chính sách ASXH cho gia đình không thể “mặc đồng phục” áp dụng chung cho các loại hình gia đình khác nhau, nơi cư trú khác nhau.

4. Kết luận

Mặc dù hệ thống ASXH Việt Nam đã và đang từng bước được mở rộng về phạm vi, đối tượng và mức thụ hưởng, song hệ thống này chưa phát triển đồng bộ và chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy mức độ bao phủ ASXH thực tế còn thấp, khả năng tiếp cận các nhóm dân cư trong một số chương trình, dự án còn hạn chế. Các chính sách được ban hành tuy nhiều về số lượng, song bất cập, thiếu đồng bộ, ít liên kết, chưa sử dụng hiệu quả nguồn lực và chưa bảo đảm được tính bền vững. Một trong những nguyên nhân của hạn chế nói trên là do các chính sách ASXH vẫn thiên về các cá nhân mà chưa xem xét ở cấp độ gia đình như một thiết chế quan trọng bảo vệ và an sinh đối với các thành viên.

Dưới tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, và trong bối cảnh mức sinh giảm nhanh và quá trình di dân - đô thị hóa gia tăng, quy mô gia đình Việt Nam không chỉ ngày càng nhỏ hơn, mà các quan hệ giữa các thế hệ và các thành viên cũng trở nên lỏng lẻo hơn. Sự suy giảm chức năng truyền thống của gia đình trong việc chăm sóc và bảo vệ các thành viên dẫn đến những khó khăn, thách thức về chính sách để có thể đảm bảo ASXH cho gia đình hiện nay. Thách thức đang đặt ra với công tác chăm sóc và trợ giúp xã hội, duy trì thu nhập cho gia đình và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi - nhóm nhân khẩu có tốc độ gia tăng nhanh nhất ở Việt Nam hiện nay.

Bước sang giai đoạn 2017-2020, yêu cầu hoàn thiện chính sách ASXH trở nên bức thiết nhằm thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Các nghiên cứu cần đi sâu nhận diện và tìm hiểu các vấn đề liên quan đến ASXH cho gia đình, đề xuất các giải pháp chính sách phù hợp, nhằm phát huy hiệu quả, độ che phủ và hoàn thiện hệ thống chính sách ASXH cho gia đình Việt Nam, đồng thời tăng cường tính bền vững của thiết chế xã hội quan trọng này. Các chính sách ASXH cho gia đình phải hướng tới phục vụ trực tiếp cho nhu cầu phát triển của gia đình và các thành viên, thông qua đó góp phần ổn định chính trị xã hội. Với mục đích đó, bài viết này bước đầu chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất cách tiếp cận nghiên cứu phù hợp, góp phần mở ra một góc nhìn mới về chính sách ASXH cho gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ở Việt Nam.

Tài liệu tham khảo

[1]     Đặng Nguyên Anh (2014), “Đảm bảo an sinh xã hội vì mục tiêu phát triển con người ở Việt Nam: định hướng, mô hình và giải pháp”, Tạp chí Nghiên cứu Con người, số 4.

[2]     Đặng Nguyên Anh (2016), “Hoạt động từ thiện của người dân qua một khảo sát xã hội học ở cộng đồng”, Tạp chíXã hội học, số 3.

[3]     Vũ Mạnh Lợi, Vũ Tuấn Huy và đồng nghiệp (2006), Báo cáo Đề tài cấp Viện: Vai trò và nhu cầu của gia đình về an sinh xã hội, Viện Xã hội học, Hà Nội.

[4]     Lê Ngọc Văn (2002), “Mức sinh và Phúc lợi gia đình”, Gia đình trong tấm gương xã hội học, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

[5]     Viện Khoa học Lao động và Xã hội (2009), “Chiến lược an sinh xã hội Việt Nam thời kỳ 2011-2020”,Tạp chí Lao động và Xã hội, số 19.

[6]     Đặng Nguyên Anh (2014), “Social protection in Vietnam: Issues, challenges and prospects”, Vietnam Journal of Family and Gender Studies, Vol. 9, No.1.

[7]     Cherlin, J.  Andrew (1999),  Public and Private Families - An Introduction, The McGraw - Hill Companies, Inc.

[8]     Giang Thanh Long (2010), Toward an Aging Population: Mapping the Reform Process in the Public Delivery of Social Protection Services in Vietnam, Background paper for the 2010 Vietnam Human Development Report, VASS and UNDP, Hanoi.

[9]     Ochiai, Emiko (2009), “Care diamonds and welfare regimes in East and South-East Asian societies: bridging family and welfare sociology”, International Journal of Japanese Sociology, No.18.

[10]   Parson, Talcott, Robert F. Bales (1955), Family, Socialization and Interaction Process, Free Press.

Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam (số 8 - 2017)

Tác giả: GS.TS. Đặng Nguyên Anh

Cập nhật tin tức về khoa học xã hội tại: tapchikhxh.vass.gov.vn