Lễ hội dân gian và sự phát triển du lịch

Cập nhật 14:10 ngày 02/02/2018
(Xã hội) - Có thể nói Việt Nam là đất nước của những lễ hội dân gian. Và trong bức tranh văn hóa, từ quá khứ cho đến hiện tại, thì lễ hội dân gian luôn là điểm nhấn quan trọng, là mảng màu đặc sắc thể hiện tập trung và đa dạng những nét tinh hoa văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Lễ hội làng Dâu (huyện Bình Lục, Hà Nam) - Nguồn: nhandan.com.vn

Lễ hội dân gian - nguồn lực quan trọng cho phát triển du lịch

Với số lượng 7.039 lễ hội dân gian (theo thống kê chính thức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2008) trải rộng khắp các làng quê, vùng, miền trên cả nước, có thể thấy Việt Nam có tiềm năng vô cùng to lớn để phát triển du lịch. Hơn thế, các lễ hội dân gian rất đa dạng về loại hình, mỗi lễ hội lại có những giá trị đặc sắc gắn với từng vùng, miền, như lễ hội Pháo Đồng Kỵ (tỉnh Bắc Ninh), lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn (thành phố Hải Phòng), lễ hội Trò Trám (tỉnh Phú Thọ), lễ hội Nghinh Ông ở nhiều địa phương ven biển miền Trung và Nam Bộ,...

Lễ hội và du lịch luôn gắn bó chặt chẽ với nhau. Những hội làng tưng bừng thuở xưa, cho dù chưa xuất hiện thuật ngữ du lịch, đã luôn hấp dẫn những người tham gia từ các làng khác, vùng khác hay ít nhất cũng là những làng kết chạ hay có quan hệ mật thiết với làng có lễ hội. Có thể nói không có (hoặc là rất hiếm có) lễ hội dân gian nào lại chỉ được tổ chức với số người tham dự chỉ của cộng đồng ấy mà không có sự tham dự của những người ngoài cộng đồng. Yếu tố hành hương, yếu tố du lịch đã manh nha từ đó. Hiện nay, trong xu thế phát triển nở rộ của các lễ hội dân gian, trong bối cảnh một thế giới hội nhập, một xã hội hiện đại, các lễ hội dân gian ngày càng trở thành đối tượng thu hút đông đảo khách du lịch, khách hành hương. Chính trong sự nở rộ của lễ hội dân gian và sự phát triển nhanh chóng của du lịch mà sự gắn kết của hai loại hình này đã dẫn đến sự hình thành và phổ biến của các thuật ngữ “du lịch văn hóa”, “du lịch cộng đồng”, “du lịch khám phá”, “du lịch trải nghiệm”, “du lịch về nguồn”,... trong đó lễ hội luôn là đối tượng quan trọng và đặc biệt đã xuất hiện thuật ngữ chỉ mối quan hệ này là “du lịch lễ hội”.

Lễ hội dân gian đáp ứng nhu cầu thực hành tín ngưỡng ngày càng cao của người dân. Người đi hội có thể không chơi, không xem hội nhưng việc lễ bái cho cá nhân thì không thể thiếu. Thực tế cho thấy đi lễ là nhu cầu lớn nhất, quan trọng nhất và thiêng liêng nhất của hầu như tất cả những người đi lễ hội. Đây cũng là lẽ thường tình của người hành hương từ xưa đến nay. Hầu hết những lễ hội của các làng đã được khôi phục lại và hấp dẫn khách thập phương đến thực hành tín ngưỡng. Chúng ta có những lễ hội kéo dài, như lễ hội chùa Hương, lễ hội đền Hùng, lễ hội Yên Tử,... thu hút số lượng khách hành hương rất đông. Điều này cho thấy loại hình du lịch lễ hội ngày càng là một nhu cầu lớn đối với nhiều người dân.

Lễ hội dân gian đáp ứng nhu cầu giải trí, thưởng ngoạn của khách du lịch. Khách du lịch ngày càng tìm đến những lễ hội dân gian nhiều hơn do bản chất của du lịch là tìm đến những gì là mới và lạ để được thưởng ngoạn cảnh đẹp, được khám phá cuộc sống hay những đặc sản địa phương và để vui chơi, giải trí. Lễ hội dân gian hoàn toàn đáp ứng được những nhu cầu đó. Bởi vậy, lễ hội dân gian vốn đã gắn bó với cuộc sống của người dân từ lâu nay lại có dịp mở rộng và phát triển ở các vùng quê, từ đồng bằng cho đến miền núi xa xôi, thậm chí lễ hội ở các vùng xa xôi, hẻo lánh và hoang sơ lại càng thu hút du khách. Hơn thế nữa, các lễ hội dân gian lại thường xuyên được tổ chức ở các không gian thiêng, những cơ sở tín ngưỡng có kiến trúc và trang trí đẹp, truyền thống, những địa điểm phong cảnh hữu tình, nên thơ, những khung cảnh làng quê truyền thống,... nên rất hấp dẫn du khách.

Gắn với du lịch, vai trò giải trí của lễ hội dân gian được nâng cao, cả về mặt tinh thần và vật chất, nhưng cao hơn đó là việc giải tỏa về mặt tâm linh cho con người. Sự cân bằng tâm lý, giảm bớt sự căng thẳng trong cuộc sống để tạo ra sự bình tâm cho mỗi con người là yếu tố tích cực của lễ hội dân gian.

Lễ hội dân gian đáp ứng nhu cầu góp công góp sức đầu tư vào các hoạt động tâm linh cũng như các cơ sở tín ngưỡng hiện nay. Với sự tham gia của du khách thập phương, các lễ hội ở khắp nơi được tiếp thêm một nguồn lực mới bao gồm cả vật chất (tiền công đức và chi phí của khách thập phương khi đến hội) và tinh thần (người đến hội đông làm cho người dân vừa có thu nhập, vừa thấy lễ hội của địa phương mình được coi trọng); từ đó càng khuyến khích người dân khôi phục, gìn giữ những giá trị văn hóa mà lễ hội của họ đang có để có thể thu hút được khách du lịch.

Như vậy, du lịch đã góp phần phát triển lễ hội dân gian một cách tích cực. Nhờ sự phát triển của du lịch mà lễ hội dân gian được gìn giữ, phát huy và làm giàu, các phong tục tập quán, các giá trị văn hóa trong lễ hội dân gian được khôi phục lại để phục vụ du khách, các nét bản sắc văn hóa của từng lễ hội, từng vùng, miền được khẳng định trong niềm tự hào và ý thức bảo tồn, phát huy các giá trị đặc sắc của lễ hội ở người dân nơi đó. Ở chiều tương tác ngược lại, lễ hội dân gian hỗ trợ đắc lực cho sự tăng trưởng của ngành du lịch, góp phần làm cho bức tranh du lịch của nước ta thêm phong phú với đa dạng hơn các sự lựa chọn cho du khách, với bản sắc của văn hóa Việt Nam hấp dẫn các du khách nước ngoài. Ngành du lịch dựa vào nguồn lực văn hóa đa dạng và đặc sắc này mà có thêm được số lượng lớn du khách trong nước và nước ngoài.

Các xu hướng thực hành lễ hội dân gian hiện nay và vấn đề đặt ra cho phát triển du lịch

Cùng với không khí đổi mới của đất nước, lễ hội dân gian dần dần được khôi phục mạnh mẽ và đó là cơ sở quan trọng làm hiện rõ xu hướng phục hồi lễ hội dân gian trong đời sống xã hội đương đại. Làng quê nào cũng tìm lại trong vốn văn hóa truyền thống của mình những yếu tố liên quan đến lễ hội để phục dựng, để trình diễn nét đặc sắc văn hóa của địa phương mình. Nếu nơi nào lễ hội chưa bị đứt đoạn, mai một thì họ tiếp tục phát huy, nơi nào đã mai một thì phục dựng lại. Có những địa phương mà lễ hội ở đó đã lùi xa vào dĩ vãng, người dân cũng vẫn cố gắng phục dựng lễ hội từ các nguồn tư liệu cổ, từ trí nhớ của những người già, thậm chí nhiều yếu tố được họ sáng tạo ra hay du nhập mới. Trong rất nhiều nguyên nhân dẫn đến xu hướng này có nguyên nhân quan trọng là phục hồi lễ hội để khẳng định bản sắc địa phương và thu hút khách du lịch. Nhu cầu phục hồi lễ hội dân gian cũng như mục tiêu của việc phục hồi này đều rất chính đáng, song cũng nảy sinh nhiều vấn đề đáng phải bàn, như lễ hội được phục dựng chỉ để phục vụ, thu hút khách du lịch, nhiều yếu tố trong lễ hội được làm mới, xa lạ với truyền thống địa phương, cách thức tổ chức nhiều lễ hội dân gian chưa tốt, thậm chí lộn xộn, gây bất bình cho du khách và xã hội.

Cũng nằm trong mục tiêu phát triển lễ hội dân gian để phục vụ du lịch, trong khoảng hơn chục năm qua đã xuất hiện xu hướng làm mới lễ hội dân gian để phục vụ cho việc quảng bá du lịch của các địa phương. Trên cơ sở và hình mẫu của những lễ hội dân gian, những lễ hội du lịch này truyền tải những thông điệp mới, mục đích mới, được tổ chức chủ yếu tại các khu vực đô thị đông đúc với mục đích quảng bá du lịch, thu hút khách du lịch. Bên cạnh sự thành công của xu hướng hình thành lễ hội mới trên cơ sở của các lễ hội dân gian gắn với việc quảng bá du lịch thì cũng còn có nhiều vấn đề đặt ra khiến cho các lễ hội dạng này không phải khi nào cũng hấp dẫn khách du lịch, ví như sự kết hợp nhiều khi vụng về, chắp vá vội vàng các yếu tố của lễ hội dân gian trong các lễ hội du lịch hay sân khấu hóa nhiều loại hình nghệ thuật dân gian khó được du khách chấp nhận, rồi “hội chứng kỷ lục” (như cặp bánh chưng bánh dày lớn nhất, dàn nhạc dân tộc có số lượng nhạc công đông nhất, nồi nấu nước phở lớn nhất, rồng gốm dài nhất, tà áo dài dài nhất,...) cũng bộc lộ rõ sự khoa trương, tùy tiện, kém chất lượng,... khiến cho các lễ hội này trở nên pha tạp, lai căng, kém hấp dẫn khách du lịch.

Xu hướng thương mại hóa có lẽ là xu hướng phổ biến trong các lễ hội dân gian hiện nay cho dù xã hội đã lên tiếng nhiều về tình trạng này. Những chiêu trò thu hút khách du lịch bằng nhiều cách, hòm công đức đặt khắp nơi, các dịch vụ tín ngưỡng nở rộ, tình trạng dựa vào lễ hội đông người để chèn ép khách, tranh giành khách, cò mồi, dịch vụ lấn át hoạt động hội, giá cả phục vụ ăn uống, thu lệ phí chưa hợp lý,... xảy ra thường xuyên trong các lễ hội. Tình trạng bán vé và công khai thu các loại phí dịch vụ quá nhiều đã làm mất đi nét đẹp của lễ hội, tính thương mại cũng đã len lỏi cả vào các không gian thực hành nghi lễ linh thiêng.

Nhìn vào số lượng lễ hội có thể thấy lễ hội dân gian ở nước ta rất đa dạng, phong phú, song hiện nay xu hướng đồng dạng hóa lễ hội đang trở nên phổ biến và khiến cho lễ hội dân gian phần nào trở nên nhạt nhòa, các lễ hội mất dần tính đặc trưng và ảnh hưởng lớn đến du lịch lễ hội. Lễ hội dân gian vốn gắn bó với từng làng quê, từng vùng, miền và mang tính đặc trưng, song hiện nay lại được tổ chức theo một khuôn mẫu, một trình tự, một kịch bản gần như nhau, tạo nên sự đơn điệu, kém hấp dẫn.

Bên cạnh đó, xu hướng thế tục hóa cũng đã mang tới cho lễ hội dân gian những màu sắc mới, đời thường hơn và cũng ít thiêng hơn. Xu hướng thế tục hóa đã tạo ra sự đa dạng và gần gũi cho lễ hội dân gian. Nhiều người dân đi lễ hội không phải vì để khấn vị thần được tôn thờ, nhiều người đi hội cũng không biết lễ hội đó tôn vinh vị thần nào, họ cứ đi và được hòa vào không khí tâm linh, như vậy đã là đủ. Đó là chưa kể nhiều người dân đi lễ hội không vì mục đích đi lễ mà mục đích của họ chỉ là đi chơi, lấy lễ hội làm không gian gặp gỡ, tụ họp,... Nhiều người có mục đích đi lễ nhưng không hiểu biết về trình tự nghi lễ, lễ vật,... Họ cầu cúng trong tâm lý chung là kéo thần thánh về gần với cuộc sống đời thường để phục vụ cho những nhu cầu cũng hết sức đời thường. Xu hướng này cũng góp phần làm hạn chế tính thiêng của lễ hội, khiến cho lễ hội trở nên tự do, thậm chí có phần tùy tiện, lộn xộn, không còn đáp ứng được sự trông đợi của khách du lịch.

Với sự nở rộ của lễ hội dân gian, việc quản lý được đặt ra là cần thiết, song quản lý lễ hội theo xu hướng nhà nước hóa lại đang mang tới cho lễ hội dân gian nhiều bất cập. Không ít những lễ hội dân gian cũng đã theo xu hướng nhà nước hóa và mất dần đi giá trị truyền thống vốn có. Ví dụ những sự lạm dụng kịch bản trong lễ hội, sự ganh đua danh tiếng, sự can thiệp quá sâu của chính quyền địa phương và những định hướng, chỉ đạo, hướng lễ hội nghiêng về mục đích tuyên truyền,... đã khiến cho nhiều lễ hội phai nhạt màu sắc dân gian và giảm sút quyền chủ động của người dân trong vai trò là chủ thể của lễ hội. Nhà nước hóa lễ hội cũng thể hiện qua việc phân cấp lễ hội. Không chỉ vậy, “hội chứng xin nâng cấp lễ hội” cũng khiến cho sự ganh đua xảy ra, dẫn đến lãng phí và cả sự không đoàn kết trong cộng đồng. Điều này đang có nguy cơ khiến cho lễ hội bị sa đà vào xu hướng hình thức, không còn thực chất là ngày hội của nhân dân,...

Lễ hội dân gian thường gắn chặt với các cơ sở tín ngưỡng, vì thế cùng với sự phát triển của lễ hội dân gian thì các cơ sở tín ngưỡng cũng trong xu hướng được chú trọng trùng tu, tôn tạo và xây mới, tạo ra không gian rộng rãi hơn cho việc tổ chức lễ hội. Hiện nay, việc trùng tu, tôn tạo và xây mới các di tích đã trở thành hoạt động thường xuyên và liên tục từ những ngôi chùa, đình, đền, miếu, phủ,... ở các vùng quê xa xôi cho đến các di tích ở các đô thị. Việc mở mang các di tích tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đến tham quan di tích và tham dự lễ hội. Song việc này cũng gây nên nhiều bàn luận và mâu thuẫn, đây đó việc trùng tu các di tích được thực hiện tùy tiện, làm mất đi giá trị vốn có của những không gian tâm linh, nhiều di tích sơn tượng mới lòe loẹt, thay cột gỗ bằng cột xi-măng, những bức chạm khắc cổ nhuốm màu thời gian thay bằng những bức chạm mới,... khiến cho các di tích cũng dần trở nên giống nhau, khiến cho du khách không còn có nhu cầu khám phá nhiều di tích và lễ hội khác nhau nữa. Lễ hội, di tích, theo đó mà dần trở nên mờ nhạt, không còn thu hút được du khách, nhất là du khách nước ngoài.

Để lễ hội dân gian trở thành một nguồn lực quan trọng cho phát triển du lịch

Cũng như nhiều hiện tượng văn hóa khác, lễ hội dân gian trong xã hội đương đại vừa có những sự đổi mới, sáng tạo, vừa giữ gìn, khôi phục được những giá trị truyền thống sau những thăng trầm nhất định mà nó phải trải qua. Có cái mất đi, có cái thay đổi và có cả những sáng tạo mới mẻ, nhưng điều quan trọng là lễ hội dân gian vẫn đáp ứng được nhu cầu văn hóa của đông đảo người dân và phần nào đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu của du khách quốc tế khi mà du lịch hiện đang là một ngành công nghiệp quan trọng ở nhiều quốc gia.

Muốn lễ hội dân gian luôn là một nguồn lực bền vững cho phát triển du lịch, trước tiên, phải giữ được tính đa dạng của lễ hội dân gian (đa dạng loại hình, đa dạng các thực hành nghi lễ, đa dạng các biểu đạt văn hóa gắn với đặc thù của từng lễ hội, từng cộng đồng địa phương, có như vậy khách du lịch mới có nhu cầu khám phá, trải nghiệm nhiều lễ hội khác nhau, ở nhiều vùng, miền, địa phương khác nhau.

Thứ hai, khắc phục tối đa tình trạng phục hồi, làm mới tràn lan lễ hội dân gian, đưa những yếu tố mới vào lễ hội một cách tùy tiện, không phù hợp, chạy theo hình thức. Việc phục hồi, sáng tạo, làm mới lễ hội nên được thực hiện bởi những chủ thể của lễ hội trong sự kết hợp chặt chẽ với các cơ quan văn hóa, các nhà chuyên môn để quá trình này đáp ứng đúng nhu cầu và nguyện vọng của người dân.

Thứ ba, khắc phục thương mại hóa một cách quá mức ở các lễ hội dân gian, bố trí các hòm công đức phù hợp, quản lý chặt chẽ các hình thức dịch vụ trong lễ hội, tránh việc coi khách du lịch đến lễ hội như đối tượng để kiếm lợi - một trong những nguyên nhân khiến du khách không muốn trở lại điểm du lịch đó.

Thứ tư, cần thiết củng cố yếu tố thiêng - yếu tố cốt lõi trong lễ hội dân gian, để lễ hội dân gian thực sự là điểm thiêng, điểm thăng hoa của cả cộng đồng địa phương và khách du lịch.

Thứ năm, lễ hội dân gian chỉ hấp dẫn khách du lịch khi đó là sản phẩm văn hóa của người dân, do chính người dân sáng tạo ra, gìn giữ, thực hành và trao truyền. Quản lý nhà nước là cần thiết, nhưng không có nghĩa là giành lấy quyền quản lý hoàn toàn, “ngoài lề hóa” người dân với chính lễ hội của họ.

Thứ sáu, thận trọng với việc trùng tu, tôn tạo và làm mới các di tích - không gian quan trọng của lễ hội, khách du lịch luôn muốn được nhìn thấy những giá trị nghệ thuật, giá trị truyền thống của các di tích chứ không phải những công trình chắp vá, lai căng, quá hiện đại hoặc quá phô trương.

Có thể thấy rõ, lễ hội dân gian bằng chính sự đa dạng, phong phú và đặc sắc của nó đã là một nguồn lực quan trọng cho phát triển du lịch. Song khi mối quan hệ giữa lễ hội dân gian và du lịch được nhìn nhận đúng mức hơn và có sự gắn kết chặt chẽ với nhau hơn thì nguồn lực đó sẽ được vận hành tốt hơn và tạo ra hiệu quả thực sự. Lễ hội dân gian trở nên sôi động hơn và có thể phát triển, mở rộng được, có được nhiều hơn nguồn lợi vật chất khi có du lịch, du lịch cũng trở nên nhộn nhịp hơn, có chiều sâu hơn và hấp dẫn hơn khi dựa trên các giá trị văn hóa đặc sắc như lễ hội dân gian. Tuy nhiên, tự bản thân lễ hội dân gian khó có thể trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn nếu không có bàn tay của những người làm du lịch và du lịch cũng khó có thể phát triển được nếu thiếu điểm tựa là các giá trị văn hóa, trong đó có lễ hội dân gian. Điều này có nghĩa là những chủ nhân của lễ hội dân gian và những người làm du lịch cần có sự gắn kết chặt chẽ với nhau trên cơ sở cả hai bên cùng có lợi và cùng vì mục đích lâu dài, có như vậy thì nguồn lực lễ hội dân gian mới được vận hành tốt trong phát triển du lịch./.

------------------------------------------------------------------------

Bài viết này là một phần kết quả nghiên cứu trong khuôn khổ đề tài “Lễ hội truyền thống của người Việt trong đời sống xã hội Việt Nam đương đại” (mã số VIII1.99-2013.04), được tài trợ bởi Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED)

Nguyễn Thị Phương Châm
PGS, TS, Viện Nghiên cứu văn hóa

Theo Tạp chí Cộng Sản

Cập nhật tin tức về khoa học xã hội tại: tapchikhxh.vass.gov.vn