Những lầm lẫn trong nghiên cứu Khổng giáo

Cập nhật 08:12 ngày 25/07/2018
(Chính trị) - Trong khoảng vài chục năm trở lại đây, ở Việt Nam có nhiều nghiên cứu về Khổng giáo. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, Khổng giáo là một tôn giáo, ra đời trong chế độ phong kiến, chiếm địa vị thống trị về tư tưởng ở Trung Quốc từ khi được xác lập đến Cách mạng Tân Hợi năm 1911. Nhận định trên là chưa chính xác, Khổng giáo là một loại hình Nho giáo, Khổng giáo không phải là tôn giáo; xuất hiện trong xã hội chiếm hữu nô lệ; không phải bao giờ cũng là hệ tư tưởng chính thống ở Trung Quốc và Việt Nam.
1. Mở đầu
 
Khổng giáo khi du nhập vào Việt Nam có bước phát triển thăng trầm, khi lên cao, lúc xuống thấp, có thời kỳ chiếm địa vị cao hơn Phật giáo và Lão giáo. Theo nhiều nhà nghiên cứu, Khổng giáo ở Việt Nam bên cạnh những mặt tích cực, còn có không ít những tiêu cực. Nhận định khái quát như thế là đúng. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu còn lầm lẫn về bối cảnh lịch sử xuất hiện của Khổng giáo, về bản chất, nội dung và vai trò của Khổng giáo. Bài viết làm rõ thêm những lầm lẫn này.
 
2. Lầm lẫn về bối cảnh lịch sử xuất hiện của Khổng giáo
 
Một trong những nội dung quan trọng khi nghiên cứu về Khổng giáo là tìm hiểu bối cảnh lịch sử xã hội (tức hoàn cảnh ra đời), đối tượng được học thuyết ấy phản ánh.
 
Dưới thời cổ đại, Trung Quốc phân chia ra hàng trăm nước nhỏ (Ngày xưa ở Trung Quốc cũng như Việt Nam, các khái niệm trăm, nghìn, vạn được dùng để chỉ số nhiều, chứ không phải đúng trăm, nghìn, vạn. Thí dụ: Trường Đại học Bách khoa là trường có nhiều khoa, không phải có đủ trăm khoa). Vì thế, thời ấy ở đấy mới có khái niệm “vạn bang” [6, tr.35, 46]. Vua của nước lớn tự xưng là thiên tử (con trời), hoàng đế, thống trị tất cả các nước dưới gầm trời. Các nước nhỏ trong thiên hạ là chư hầu của nước có hoàng đế, phải phục tùng mệnh lệnh do hoàng đế ban truyền, hàng năm phải triều cống (tiền bạc, báu vật, gái đẹp…) cho hoàng đế. Trong bối cảnh lịch sử xã hội nói trên, Nho giáo hình thành những người có công nhất trong phát triển Nho giáo là Khổng Tử và Mạnh Tử.
 
Khổng Tử, sinh năm 551 trước Công nguyên, mất năm 479 trước Công nguyên. Ông tổ của Khổng tử vốn là người gốc nước Tống (Hà Nam, Trung Quốc ngày nay), sau dời sang nước Lỗ (Sơn Đông, Trung Quốc bây giờ). Khổng Tử học rộng, biết nhiều; có công phát triển, bổ sung, chỉnh đốn Nho giáo (học thuyết đã được xác lập bởi các nhà nho trước Khổng Tử về cuộc biến hóa của vũ trụ có quan hệ đến vận mệnh nhân loại, về các mối luân thường đạo lý trong xã hội, về các nghi lễ của cuộc sống, làm cho nho giáo có ảnh hưởng to lớn đến quảng đại quần chúng trong thiên hạ). Vì thế, Khổng Tử được tôn vinh là ông tổ của Nho giáo, và Nho giáo còn được gọi là Khổng giáo.
 
Mạnh Tử sinh năm 372 trước Công nguyên, mất năm 289 trước Công nguyên. Ông sinh sau Khổng Tử 179 năm, cách xa Khổng Tử hẳn một thời đại, nhưng tôn vinh Khổng Tử như một người thầy thực thụ của mình. Hơn nữa, ông phát triển, bổ sung Khổng giáo. Vì thế, Mạnh Tử đồng thời được thừa nhận là một tác giả của Khổng giáo. Cũng bởi thế, Khổng giáo còn được gọi là học thuyết Khổng Mạnh.
 
Trong lịch sử tư tưởng của nhân loại đã có hai lý thuyết mang tên Nho giáo. Một là Nho giáo nguyên thủy (có từ trước Khổng Tử). Hai là Nho giáo được Khổng Tử phát triển, bổ sung, chỉnh đốn lại, hơn một trăm năm sau nữa được Mạnh Tử làm cho đầy đủ, phong phú thêm; đó là Khổng giáo, hoặc học thuyết Khổng Mạnh.
 
Khổng giáo từ thời cổ đại đến trung đại đã có những bước phát triển thăng trầm. Nhà Tần đã thi hành chính sách đốt sách, chôn nhà nho; làm cho sách vở của thầy trò Khổng Tử thất thoát đi rất nhiều. Đến đời nhà Hán kinh điển của Khổng Tử mới được phục hồi [13, tr.6].
 
Khổng giáo du nhập Việt Nam cũng có bước phát triển khi lên cao, lúc xuống thấp. Có thời kỳ nó chiếm địa vị cao nhất về tư tưởng trong xã hội, cao hơn hẳn Phật giáo và Lão giáo. Vì thế mới có giai thoại bằng thi phẩm bình luận bức tranh nổi tiếng như sau: “Lão thị thuyết Pháp/ Phật thị đàm Kinh/ Khổng Tử văn chi/ Tiếu nhi trụy địa” (dịch nghĩa: “Lão Tử thuyết pháp/ Thích Ca giảng Kinh/ Khổng Tử nghe thấy/ Cười bò ra đất”) [10, tr.182-183]. Ở đây, người làm thi phẩm tỏ ra hết sức kính trọng Khổng Tử và học thuyết của ông. Trong khi đó, người vẽ tranh (Khổng Tử bò phủ phục dưới đất nghe Lão thuyết pháp, Phật đàm kinh) lại đề cao tư tưởng của Lão Tử và Phật, (coi thường Khổng Tử, cho rằng khi nghe Lão Tử cùng Phật đàm đạo, Khổng Tử thấy đúng, hay, tuyệt vời quá, đến mức phải úp mặt xuống đất bái phục).
 
Đến thời cận hiện đại, Khổng giáo (cũng như các học thuyết ngoài chủ nghĩa xã hội khoa học) tỏ ra bất lực trước các nhiệm vụ lịch sử (như Giáo sư Trần Văn Giàu đã luận chứng rất thuyết phục trong phần đầu tác phẩm Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng tháng Tám)[3].
 
Nho giáo được các triều đại phong kiến Trung Quốc (Hán, Tùy, Đường, Tống) và nhiều triều đại phong kiến Việt Nam xóa bỏ đi và bồi đắp thêm vào không ít nội dung. Nho giáo này là nho giáo phong kiến, tức học thuyết của các nhà nho chính thống trong các triều đại phong kiến, quân chủ chuyên chế. Trong đấy có nhiều tư tưởng mang giá trị nhân văn (như thuyết tứ đức khuyên dạy người phụ nữ về công, dung, ngôn, hạnh) [7, tr.1962]. Tuy nhiên, ở đó có thuyết phản con người như thuyết trung quân (theo thuyết này vua xử bề tôi chết thì bề tôi phải chết, nếu không chết là bất trung) và thuyết tam tòng (theo thuyết này người phụ nữ lúc nhỏ ở nhà phải nghe theo cha, khi lấy chồng phải nghe theo chồng, khi chồng mà chết, phải theo con, không được tái giá cho dù tuổi còn trẻ và khỏe mạnh). Khổng Mạnh đã bàn về phụ nữ với nội dung đầy đủ, phong phú, hấp dẫn hơn so với thuyết tứ đức nói trên. Thuyết tam tòng và thuyết trung quân là phản động, phản con người. Khổng Tử tuyệt đối không bao giờ có đề xuất hai thuyết này.
 
Đến đây đã có ba loại Nho giáo khác nhau. Đó là: Nho giáo nguyên thủy (có trước Khổng Mạnh), Nho giáo Khổng Mạnh (còn gọi là Khổng giáo), Nho giáo chính thống của lực lượng phong kiến thống trị (có sau Khổng Mạnh).
 
Nhà nghiên cứu Đào Duy Dzếnh viết: “Nho giáo nguyên thủy (tức nho giáo đầu tiên) mà biểu hiện tập trung là học thuyết Khổng - Mạnh” [14, tr.88]. Ý kiến này không đúng; bởi vì, học thuyết Khổng Mạnh, như trên đã bàn, là bước phát triển, bổ sung, chỉnh sửa Nho giáo nguyên thủy, chứ bản thân nó không phải là Nho giáo nguyên thủy.
 
Khổng giáo ra đời trong bối cảnh lịch sử nào và tác giả của nó sống trong thời đại nào? Vấn đề này cần được làm rõ và hiểu đúng trong nghiên cứu học thuyết đang bàn. Không xác định được tác giả của Khổng giáo sống trong thời đại nào thì khó có thể nêu lên được những nhận xét và rút ra được kết luận thỏa đáng về học thuyết ấy. Một nhà nghiên cứu Nho giáo viết: “Khổng Tử sống vào cuối thế kỷ VI, đầu thế kỷ V trước Công nguyên (551 - 479). Vậy xã hội lúc bấy giờ là chế độ gì? Chưa ai khẳng định nổi cả. Người thì bảo chế độ phong kiến có trước Khổng Tử 5, 6 trăm năm (Tây Chu), người thì bảo có sau Khổng Tử 6, 7 trăm năm (Tùy, Đường). Vậy thì quy định thành phần học thuyết Khổng Tử thế nào đây? Khổng Tử là con đẻ của phong kiến, hay là bà đỡ của phong kiến?” [14, tr.561]. Nghị luận trên chứng tỏ rằng một số nhà nghiên cứu về Khổng giáo còn chưa rõ về thời đại mà Khổng Tử sinh sống. Trong bộ Luận ngữ, tại tiết 1 của chương 18, Khổng Tử viết: “Vi Tử đã từ quan bỏ đi, Cơ Tử bị giáng chức xuống làm nô lệ, Tử Cán bị xử tội chết” [5, tr.495]. Thời đại có nô lệ là thời đại chiếm hữu nô lệ. Ở đoạn trích dẫn trên đây trong Luận ngữ, chính Khổng Tử đã khẳng định thời đại mà Khổng Tử sống là thời đại chiếm hữu nô lệ, chứ không phải là thời đại phong kiến.
 
Còn thời đại mà Mạnh Tử sống là thời đại nào? Câu hỏi này cũng được chính Mạnh Tử trả lời rất rõ trong tiết 7 của chương 4 quyển sách mang tên ông: “Thời thượng cổ (tức thời đại nguyên thủy) người ta không có một quy định nào về đóng quan quách. Đến thời trung cổ (tức là thời phong kiến) người ta đã có quy định gỗ đóng quan trong dày bảy tấc, còn quách ngoài cũng dày gần như vậy là được” [5, tr.613]. Lời giảng giải ấy về lịch sử của Mạnh Tử (cho Sùng Ngu nghe) chứng tỏ rằng Mạnh Tử đang sống trong thời đại phong kiến.
 
Khổng Tử và Mạnh Tử đã từng làm quan ở thời đại chiếm hữu nô lệ [5, tr.311] và thời đại phong kiến [5, tr.613]. Hai nhà hiền triết này đã có các tác phẩm trong bối cảnh lịch sử của hai xã hội ấy. Vì thế, học thuyết của họ tất nhiên có phần chủ yếu bàn luận về thời đại mà họ đang sống, thời đại chiếm hữu nô lệ và thời đại phong kiến. Đào Duy Dzếnh viết rằng, học thuyết Khổng Mạnh “vốn là phản ánh của hiện thực cộng đồng nguyên thủy” [14, tr.90]. Nhận định trên của Đào Duy Dzếnh là sai lầm vì hiện thực cộng đồng nguyên thủy là chế độ cộng sản nguyên thủy; chưa có sự phân chia thành giai cấp chủ nô và nô lệ; không có vua, quan, quân tử, kẻ sĩ; chưa xuất hiện nhà nước.
 
3. Lầm lẫn về bản chất của Khổng giáo
 
Nghiên cứu Khổng giáo cũng rất cần phải nắm được bản chất của học thuyết này một cách chính xác. Khổng giáo là gì? Về bản chất, Khổng giáo là một khoa học hay là một tôn giáo? Trả lời cầu hỏi ấy, một số nhà nghiên cứu đã có lầm lẫn. Trong công trình nghiên cứu Một số vấn đề về Nho giáo Việt Nam, tại phần kết luận, Phan Đại Doãn viết: “Khổng Tử, người sáng tạo ra đạo Nho... Chúng tôi dùng chữ Nho giáo ở đây để chỉ một loại học thuyết khi đi vào các mặt của đời sống được kinh điển hóa, giáo điều hóa như một lý luận có ý nghĩa tôn giáo, một “đạo”” [2, tr.267]. Như vậy, theo tác giả của câu trích này, Nho giáo là một đạo, một tôn giáo; người tạo lập nó là Khổng Tử.
 
Xác định Khổng giáo là tôn giáo như trên là lầm lẫn. Hồ Chí Minh nói: “Khổng giáo không phải là tôn giáo mà là một thứ khoa học về kinh nghiệm đạo đức và phép ứng xử” [9, tr.477].
 
Muốn biết một học thuyết có phải là tôn giáo hay khoa học thì cần làm rõ những đặc trưng cơ bản của nó. Tôn giáo nào cũng có hai đặc trưng cơ bản, đó là phản ánh hư ảo về hiện thực và thừa nhận yếu tố siêu nhân (như thánh, thần, chúa trời, Thượng đế).
 
Về điều này Ph.Ăngghen viết: “Tôn giáo chẳng qua chỉ là sự phản ánh hư ảo...; chỉ là sự phản ánh trong đó những lực lượng ở trần thế đã mang hình thức những lực lượng siêu trần thế... Những nhân vật ảo tưởng, lúc đầu chỉ phản ánh những sức mạnh huyền bí của các lực lượng tự nhiên, thì nay lại vì thế, có cả những thuộc tính xã hội và trở thành những đại biểu cho các lực lượng lịch sử. Đến một giai đoạn tiến hóa cao hơn nữa, thì toàn bộ những thuộc tính tự nhiên và thuộc tính xã hội của nhiều vị thần được chuyển sang cho một vị thần vạn năng duy nhất, bản thân vị thần này cũng lại chỉ là sự phản ánh của con người trừu tượng” [8, tr.437-438]. Ở đây, Ph.Ăngghen nói đến hai đặc trưng cơ bản của tôn giáo, đó là sự phản ánh hư ảo và thừa nhận yếu tố siêu nhiên.
 
Đối tượng phản ánh của Khổng giáo là con người, sự việc thực tế, có thật. Khổng giáo có một hệ thống các khái niệm như tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, nhân dân, giáo hóa, thơ ca, chân lý, nhân, nghĩa, lễ, trí, dũng, hiếu, đễ, trung thứ, chính danh, quân tử, kẻ sĩ, vua, quan, nô lệ… Trong Khổng giáo không có yếu tố siêu nhiên (thần thánh, ma quỷ). Khổng Tử có nói đến mệnh trời, nhưng mệnh trời mà ông dùng với nghĩa là “quy luật của tự nhiên, quy luật khách quan” [5, tr.46]. Khổng Tử cũng có nói về quỷ thần, “nhưng không phải đề cao thuyết có quỷ thần, mà là muốn nói về một loại đức hạnh uyên thâm, khó diễn đạt, đó là sự thành thật của con người” [5, tr.67]. Như vậy, Khổng giáo về bản chất không phải là tôn giáo.
 
4. Lầm lẫn về nội dung và vai trò của Khổng giáo
 
Trong quyển Từ điển tiếng Việt do Giáo sư Hoàng Phê chủ biên (Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành năm 2008), có định nghĩa mục từ Khổng giáo là “học thuyết đạo đức - chính trị của Khổng Tử, là hệ tư tưởng chính thống ở Trung Quốc cho đến Cách mạng Tân Hợi 1911” [12, tr.634]. Ở đây, học thuyết của Khổng Tử (tức Khổng giáo) gồm hai nội dung gắn bó chặt chẽ hữu cơ với nhau là đạo đức và chính trị. Khổng giáo có vai trò to lớn, quan trọng, chiếm địa vị chính thống về tư tưởng ở Trung Quốc từ khi nó được xác lập cho đến Cách mạng Tân Hợi 1911. Định nghĩa trên chưa đầy đủ. Bởi vì, Khổng giáo có nội dung rất phong phú như tư tưởng trọng dân, quan điểm về giáo dục, học thuyết về tính thiện, học thuyết về nhận thức... Nhiều nội dung giá trị của Khổng giáo chưa được khái quát trong định nghĩa nói trên. Mệnh đề “Khổng giáo là hệ tư tưởng chính thống ở Trung Quốc cho đến Cách mạng Tân Hợi 1911” cũng tỏ ra không ổn vì phản ánh không đúng với lịch sử. Trong thời đại phong kiến ở Trung Quốc, nhà Tần đã thực hiện chính sách đốt sách, chôn các nhà nho, tiêu hủy các tác phẩm của Khổng giáo. Nhà Hán sau đó mới có phục hồi, sưu tầm sách của nho gia. Trong hoàn cảnh lịch sử từ năm 247 trước Công nguyên đến năm 202 trước công nguyên dưới ách thống trị của nhà Tần, Khổng giáo không thể nào đóng vai trò là hệ tư tưởng chính thống được.
 
Bộ Đại từ điển tiếng Việt do Nguyễn Như Ý chủ biên (Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin ấn hành năm 1999) cũng định nghĩa Khổng giáo là “Học thuyết đạo đức - chính trị của Khổng Tử, trở thành hệ tư tưởng chính thống dưới thời phong kiến ở Trung Quốc và một số nước lân cận” [15, tr.922]. Định nghĩa này về cơ bản giống như định nghĩa Khổng giáo trong Từ điển tiếng Việt. Vì thế, phần giống nhau của hai định nghĩa mục từ Khổng giáo tất nhiên là không phải bàn lại. Ở đây, chúng tôi chỉ nói đôi điều về chi tiết được bổ sung trong định nghĩa này so với định nghĩa tại công trình do Hoàng Phê chủ biên. Nói rằng Khổng giáo trở thành hệ tư tưởng chính thống dưới thời phong kiến ở một số nước lân cận Trung Quốc là không chính xác. Bởi vì, Khổng giáo được du nhập Việt Nam và tại đây cũng có bước phát triển thăng trầm. Tại Việt Nam, Phật giáo phát triển đến giai đoạn hoàng kim vào đời Lý - Trần. Từ cuối thế kỷ X và đầu thế kỷ XI, triều đình phong kiến Việt Nam đã sử dụng các nhà sư có tri thức vào các mục đích chính trị, vì thế, địa vị của Phật giáo được nâng cao. Trong mấy thế kỷ của thời kỳ nước ta giành được nền độc lập, tự chủ, nhất là trong các triều đại Lý - Trần, Phật giáo thiền tông chiếm ưu thế. Thời kỳ này Phật giáo ở nước ta rất hưng thịnh. Theo Nguyễn Đức Sự: “Phật giáo là một yếu tố quan trọng trong kiến trúc thượng tầng của xã hội Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XIV. Nó đã đáp ứng được yêu cầu củng cố địa vị thống trị của giai cấp phong kiến Việt Nam, đã được giai cấp phong kiến Việt Nam sử dụng để thu phục nhân dân và ổn định trật tự xã hội ... Nhưng với giáo lý duy tâm chủ quan... nó đã sa sút dần từ giữa thế kỷ XIV để nhường bước cho Nho giáo” [11, tr.198, 199, 200, 219]. Nhận xét này của giáo sư Nguyễn Đức Sự là thuyết phục và xác đáng. Trong thời kỳ phong kiến ở Việt Nam, có lúc Phật giáo chiếm địa vị thống trị chính thống trong xã hội, thời kỳ khác Nho giáo (Khổng giáo) thay thế vai trò của Phật giáo. Điều đó cũng có nghĩa rằng Khổng giáo không phải luôn chiếm giữ địa vị chính thống trong xã hội phong kiến Việt Nam.
 
Ở mấy nước liền kề với Trung Quốc, Khổng giáo không phải là hệ tư tưởng chính thống. Ví dụ Afganistan có đại bộ phận nhân dân theo đạo Islam; Lào có đa số dân theo đạo Phật; Miến Điện cũng có đa số dân theo đạo Phật [1, tr.12, 50, 61]. Vì thế, định nghĩa về Khổng giáo trong Đại từ điển tiếng Việt là không chính xác.
 
Trần Trọng Kim là học giả nghiên cứu khá nhiều về học thuyết của Khổng Tử. Trong tác phẩm Nho giáo của mình do (Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2003), Trần Trọng Kim khái quát học thuyết của Khổng Tử thành 5 nội dung lớn. Một là thiên mệnh và quỷ thần. Theo Trần Trọng Kim, “Khổng Tử tin có Trời và quỷ thần”; “Vậy nên đối với Trời và quỷ thần, người ta phải lấy lòng kính cẩn và thành thực mà thờ phụng” [6, tr.83, 84]. Nhận xét của Trần Trọng Kim như vậy là duy tâm hóa và tôn giáo hóa Khổng giáo. Nhận xét ấy là không đúng. Bởi vì, Khổng giáo, như trên đã nói, là một khoa học, không phải là tôn giáo. Tác giả của học thuyết này dùng khái niệm mệnh trời (thiên mệnh) với nghĩa là quy luật của tự nhiên, quy luật khách quan; đề cập quỷ thần để nói về một phẩm chất đạo đức của con người, chứ không phải với nghĩa duy tâm, tôn giáo. Hai là người quân tử và kẻ tiểu nhân. Quân tử là quý, yêu người, chuộng nghĩa và dũng, cao minh, thư thái mà không kiêu căng, hòa với mọi người…; còn tiểu nhân thì ngược lại với người quân tử. Ba là sự học của người quân tử. Quân tử học để sửa mình. Bốn là cách dạy học của Khổng Tử. Trước hết, Khổng Tử dùng thi, thư; tiếp theo lấy hiếu đễ, nhân nghĩa, lễ nhạc; sau cùng mới lấy văn, lấy đức để làm cho học trò nên người [6, tr.125-126]. Về phương pháp dạy học, Khổng từ dạy những điều người ta có thể hiểu được rồi sau đó mới dạy những điều cao xa và làm cho học trò cố gắng suy nghĩ [6, tr.126]. Khổng Tử cho rằng, đối với những điều cao xa, người có tư chất có thể hiểu được, nhưng hạng người không có tư chất dầu có học cũng không hiểu được [6, tr.127]. Năm là chính trị. Theo Khổng Tử, làm chính trị phải dùng người hiền tài, phải chính danh phận, phải có quyền tối cao, tức là quyền chủ tể cả một nước; vua thay trời trị dân; dân muốn thế nào là trời muốn thế ấy; vua phải thích cái thích của dân, ghét cái ghét của dân; người cầm quyền phải dùng cả hình pháp và đức, bao giờ dùng đức mà không được thì mới dùng hình pháp; người cầm quyền phải làm cho dân nhiều, làm cho dân giàu, và dạy cho dân biết lễ nghĩa”; người quân tử làm việc chính trị không nên khinh suất, không vội vàng và tham, phải có tài và đức, nhân ái với dân, kính cẩn giữ mình [6, tr.151, 154, 155, 156, 157, 159, 161, 164, 165].
 
Với việc khái quát như trên, Trần Trọng Kim có sai lầm vì cho rằng Khổng Tử muốn là “làm cho dân nhiều”. Khổng Tử không hề chủ trương “làm cho dân nhiều” lên. Khi đi sang nước Vệ, trông thấy dân đông quá, Khổng Tử kêu lên: “Dân đông quá!”. Nhiễm Hữu hỏi: “Dân quá đông, nên làm như thế nào?”. Khổng Tử nói: “Phải làm cho họ giàu lên”. Nhiễm Hữu lại hỏi: “Dân đã giàu lên rồi thì nên làm như thế nào nữa?”. Khổng Tử nói: “Phải giáo hóa dân” [5, tr.373]. Ở đoạn trích dẫn trên, Trần Trọng Kim đã thêm cho Khổng Tử một ý tưởng ngược hẳn với suy nghĩ Khổng Tử.
 
5. Kết luận
 
Trong mấy chục năm trở lại đây, một số nhà nghiên cứu Việt Nam còn lầm lẫn về bối cảnh xuất hiện của Khổng giáo, về bản chất, nội dung và vai trò của Khổng giáo. Khổng giáo là một khoa học, không phải là một đạo, một tôn giáo. Khổng giáo là một học thuyết quan trọng có nội dung rất phong phú và giá trị như tư tưởng trọng dân, quan điểm về giáo dục, học thuyết về tính thiện, học thuyết về nhận thức... Khổng giáo nói riêng và Nho giáo nói chung cần tiếp tục được nhận thức đúng đắn hơn.
 
Tài liệu tham khảo
 
[1]     Các nước trên thế giới, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1990.
 
[2]     Phan Đại Doãn (Chủ biên) (1998), Một số vấn đề nho giáo Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
 
[3]     Trần Văn Giàu (2008), Tổng tập, t.3, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội.
 
[4]     Mai Thanh Hải (2002), Từ điển tôn giáo, Nxb Từ điển bách khoa, Hà Nội.
 
[5]     Tứ thư, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2003.
 
[6]     Trần Trọng Kim (2012), Nho giáo, Nxb Thời đại, Hà Nội.
 
[7]     Nguyễn Lân (2000), Từ điển từ và ngữ Việt Nam, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh.
 
[8]     C.Mác và Ph.Ăngghen (1994), Toàn tập, t.20, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
 
[9]     Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập, t.1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
 
[10]   Hoàng Ngọc Phách, Kiều Thu Hoạch (1965), Giai thoại văn học Việt Nam, Nxb Văn học, Hà Nội.
 
[11]   Nguyễn Tài Thư (Chủ biên) (1993), Lịch sử tư tưởng Việt Nam, t.I, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
 
[12]   Trung tâm Từ điển học (2007), Từ điển tiếng Việt 2008, Nxb Đà Nẵng, Trung tâm Từ điển học, Hà Nội.
 
[13]   Khổng Tử (2004), Kinh Thư, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
 
[14]   Viện Triết học, Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia (1994), Nho giáo tại Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
 
[15]   Nguyễn Như Ý (Chủ biên) (1999), Đại từ điển tiếng Việt, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
 
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam (số 9 - 2017)
Tác giả: Lê Huy Thực
Cập nhật tin tức về khoa học xã hội tại: tapchikhxh.vass.gov.vn