Hội thảo 'Kinh nghiệm xây dựng tạp chí khoa học điện tử và bài học cho Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam'

Cập nhật 08:31 ngày 19/11/2021
(Hội thảo khoa học) - Ngày 16/11/2021, tại Hà Nội, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) đã tổ chức Hội thảo “Kinh nghiệm xây dựng tạp chí khoa học điện tử và bài học cho Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam”.
Tham dự Hội thảo, có Ths. Đào Mạnh Thắng, Phó Cục trưởng Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia; GS.TS. Lê Quốc Hội, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và Phát triển; PGS.TS. Nguyễn Tiến Trung, Phó Tổng biên tập Tạp chí Giáo dục (Bộ GD&ĐT); TS. Nguyễn Thị Hương Giang, Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí khoa học và Công nghệ Việt Nam; Ông Vũ Văn Hưng, Trưởng ban Tạp chí điện tử (Tạp chí KH&CN VN). Về phía Viện Hàn lâm có PGS.TS. Hồ Việt Hạnh, Tổng biên tập Tạp chí Nhân lực Khoa học xã hội; PGS.TS. Đinh Quang Hải, Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử; PGS.TS. Phạm Thái Quốc, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Những vấn đề Kinh tế và Chính trị Thế giới; PGS.TS. Vũ Ngọc Hà, Tổng biên tập Tạp chí Từ điển học và Bách khoa thư; TS. Ngô Văn Vũ, Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, PGS.TS. Phạm Minh Phúc, Q. Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Khoa học xã hội, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hà, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam.

Về phía Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam có PGS.TS. Nguyễn Duy Lợi, Tổng biên tập; TS. Lê Minh Anh, Phó Tổng biên tập cùng toàn thể cán bộ, viên chức Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Duy Lợi, Tổng biên tập Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam cho biết: Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam là cơ quan ngôn luận của Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam; đồng thời là Diễn đàn khoa học của giới nghiên cứu và hoạt động thực tiễn trong khoa học xã hội,... Phát triển tạp chí điện tử là xu hướng tất yếu trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế do những ưu thế về tốc độ cập nhật thông tin nhanh, tương tác cao với độc giả, xã hội hóa cao và số hóa tốt. Tạp chí KHXHVN điện tử khi đi vào hoạt động sẽ tạo thêm một môi trường công bố nghiên cứu khoa học có sức lan tỏa lớn hơn, góp phần nâng cao vị thế của Viện Hàn lâm KHXHVN.
 

 
PGS.TS. Nguyễn Duy Lợi, Tổng biên tập Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo

Báo cáo tham luận tại hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN quốc gia Đào Mạnh Thắng cho rằng: Ở Việt Nam cũng có nhiều tạp chí mới chỉ có Tạp chí in, năm 2019, chỉ khoảng 1/3 tạp chí trong Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước có phiên bản online. Tuy nhiên, đa phần các website của các tạp chí in mới chỉ đưa bài của tạp chí in trên website. Có 33% tạp chí khoa học xuất bản cả trên giấy và điện tử. Chỉ có 1% tạp chí khoa học chỉ xuất bản dạng điện tử. Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam điện tử cần xác định mô hình phát triển, mục tiêu phát triển, không chỉ là đưa bài lên website mà còn cần gia nhập vào hệ thống khác, ví dụ như tham gia vào hệ thống Tạp chí Khoa học Việt Nam trực tuyến. Có thể các tạp chí cũng gặp nhiều khó khăn khi điện tử hoá song, xuất bản tạp chí điện tử là xu thế tất yếu, mang lại nhiều lợi ích cho các tạp chí, nhà xuất bản, bạn đọc và cộng đồng khoa học.
 

 
Ths. Đào Mạnh Thắng, Phó Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN quốc gia báo cáo tham luận tại hội thảo

PGS.TS. Nguyễn Tiến Trung chia sẻ: Trong hội thảo, chúng ta mới đặt mục tiêu xây dựng tạp chí điện tử, tôi cho rằng chúng ta cần đặt ra câu hỏi, xây dựng tạp chí điện tử để làm gì, index ở đâu, tôi nghĩ chúng ta có thể index được ở ACI (Trung tâm Trích dẫn ASEAN - ASEAN Citation Index). Theo tìm hiểu của chúng tôi thì 40% tạp chí điện tử trên thế giới sử dụng mã nguồn mở Open Journal Systems (OJS), đây là phần mềm mã nguồn mở dành riêng cho tạp chí điện tử. Theo tôi, có 3 kinh nghiệm cần chú ý khi phát triển tạp chí khoa học điện tử, đó là: sử dụng mã nguồn mở OJS; học tập kinh nghiệm các tạp chí đi trước; và gặp gỡ trực tiếp các chuyên gia.

Trong báo cáo tham luận tại hội thảo, ông Vũ Văn Hưng, Trưởng ban Tạp chí điện tử Tạp chí KH&CN VN chia sẻ những kinh nghiệm xây dựng Tạp chí KH&CN VN điện tử, trong đó có những nội dung rất cụ thể từ quá trình triển khai thực tế như: tôn chỉ mục đích, cơ cấu nội dung, kết quả hoạt động, các chỉ số đo lường; từ đó chỉ ra những thuận lợi và khó khăn trong quá trình xây dựng tạp chí tạp chí khoa học điện tử.

Phát biểu tại hội thảo, GS.TS. Lê Quốc Hội cho rằng: thuận lợi hiện nay là Cục báo chí đã đồng ý cấp phép cho các tạp chí có 2 loại hình, tạp chí in và tạp chí điện tử, như vậy về mặt pháp lý đó cũng là thuận lợi rất lớn. Nhiều tạp chí đã chủ động điện tử hoá để chuẩn bị khi được cấp phép có thể vận hành tốt. Để xây dựng tạp chí điện tử cần quan tâm đến chỉ số E-ISSN (Electronic ISSN), cổng nhận diện quốc tế. Muốn có tạp chí điện tử thì cần xây dựng một trang web và hệ thống phần mềm quản lý biên tập xuất bản điện tử. Ngoài ra, hiện nay chúng ta cần quan tâm đến việc triển khai mã định danh tài liệu số DOI, điều đó thể hiện tính số hoá của tạp chí. Tôi cho rằng, tạp chí khoa học điện tử ngoài lượng truy cập, lượng tải bài viết thì quan trọng là cần tăng chỉ số trích dẫn.

Các ý kiến trao đổi, chia sẻ của PGS.TS. Phạm Thái Quốc, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hà, TS. Ngô Văn Vũ, TS. Nguyễn Thị Hương Giang trong hội thảo cũng đề cập đến nhiều vấn đề liên quan đến công tác xuất bản tạp chí như: giấy phép xuất bản điện tử, nguồn kinh phí và nhân sự cho việc vận hành tạp chí khoa học điện tử, nội dung thông tin của tạp chí khoa học điện tử, việc xuất bản tạp chí khoa học điện tử ảnh hưởng thế nào đến việc phát hành tạp chí in…

Phát biểu tổng kết Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Duy Lợi khẳng định, những báo cáo tham luận và các ý kiến đóng góp, trao đổi, chia sẻ của các nhà khoa học và các đại biểu trong Hội thảo sẽ giúp Tạp chí KHXHVN có thêm những kinh nghiệm trong việc xây dựng Tạp chí KHXHVN điện tử. Nhiều vấn đề quan trọng đã được đặt ra trong Hội thảo như: (1) Tạp chí KHXHVN cần sự ủng hộ của cơ quan chủ quản (Viện Hàn lâm) để thúc đẩy sự phát triển; (2) cần sự năng động sát sao của Ban lãnh đạo tạp chí, sự tích cực đồng lòng của cán bộ, viên chức trong đơn vị; (3) Tạp chí cần có tầm nhìn và những bước đi với một lộ trình phù hợp để tham gia các chỉ số như: DOI, e-ISSN....

Hội thảo diễn ra sôi nổi với các tham luận và ý kiến trao đổi thiết thực, hữu ích đối với công tác xuất bản tạp chí khoa học điện tử, đây là những kinh nghiệm quý báu cho Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam trong lộ trình xây dựng Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam điện tử thời gian tới.

Ban biên tập
Cập nhật tin tức về khoa học xã hội tại: tapchikhxh.vass.gov.vn