Hội thảo khoa học "Tiếp cận lý thuyết, phương pháp và hệ thống chỉ báo đo lường bình đẳng giới”
Cập nhật 08:00 ngày 11/06/2023
(Hội thảo khoa học) - Ngày 09/6/2023, tại trụ sở 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, thuộc Viện Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Tiếp cận lý thuyết,phương pháp và hệ thống chỉ báo đo lường bình đẳng giới”, Hội thảo thuộc đề tài độc lập cấp Nhà nước “Nghiên cứu, đánh giá tổng thể về bình đẳng giới phục vụ phát triển bền vững”, mã số: 02/22-ĐTĐL.XH-XNT do PGS.TS. Trần Thị Minh Thi làm chủ nhiệm.
TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm phát biểu khai mạc
Tham dự Hội thảo, về phía Viện Hàn lâm có TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; TS. Nguyễn Đình Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới; PGS.TS. Trần Thị Minh Thi, Chủ nhiệm đề tài. Về phía cơ quan phối hợp đề tài có bà Lê Thị Nguyệt, Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Đại diện Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam, Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Vụ Các vấn đề xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương; Đại diện các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới; Tổ chức OXFARM tại Việt Nam; Đại sứ quán Australia tại Việt Nam. Tham dự Hội thảo còn có sự góp mặt đông đảo của các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện Xã hội học, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững vùng, Học viện Khoa học xã hội, Viện Nhà nước và Pháp luật (Viện Hàn lâm); Bộ Nội vụ, Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội; Tổng cục Thống kê, Ủy ban Dân tộc và các bộ ngành khác liên quan.
Bà Lê Thị Nguyệt Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự và phát biểu tại Hội thảo
Theo quan điểm phát triển bao trùm, bình đẳng giới cần được coi là một nội dung trọng tâm trong phát triển, cần lồng ghép trong mọi chiến lược, chính sách phát triển kinh tế xã hội đảm bảo sự tham gia, đóng góp và thụ hưởng công bằng. Thúc đẩy bình đẳng giới, đặc biệt là đảm bảo sự phát triển và tiến bộ của phụ nữ trong quá trình phát triển xã hội, có tầm quan trọng đặc biệt trong quá trình phát triển vì phụ nữ có xu hướng là nhóm bị bỏ lại đằng sau trong hầu hết các xã hội. Bên cạnh đó, phụ nữ chiếm một nửa dân số và lực lượng lao động hiện nay, thúc đẩy cơ hội phát triển cho nguồn nhân lực nữ thuộc các tầng lớp xã hội sẽ góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển cân bằng hơn giữa các vùng miền, giữ ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, quốc phòng để phát triển đất nước
Thay mặt Lãnh đạo Viện Hàn lâm, TS. Đặng Xuân Thanh nhiệt chào mừng sự có mặt đông đủ của các đại biểu đến từ các viên nghiên cứu, trường đại học, bộ, ngành và các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực giới. Phó Chủ tịch Đặng Xuân Thanh cho biết, tại Việt Nam, bình đẳng giới theo hướng thúc đẩy tiến bộ của phụ nữ luôn là một trọng tâm ưu tiên nhằm tạo điều kiện phát huy mọi tiềm năng của phụ nữ trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn đánh giá cao đóng góp và vai trò của phụ nữ và thực hiện hàng loạt các chính sách cả cấp vĩ mô và vi mô nhằm tăng cường bình đẳng giới, thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ và đảm bảo phụ nữ được bảo vệ, chăm sóc và phát triển. Về quốc tế, Việt Nam tham gia ký kết nhiều công ước quốc tế liên quan đến đảm bảo quyền cho phụ nữ. Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) – văn kiện quan trọng và toàn diện nhất về quyền bình đẳng của phụ nữ đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc phê chuẩn năm 1979. Công ước đã khẳng định sự phân biệt đối xử chống lại phụ nữ vi phạm các nguyên tắc bình đẳng về các quyền và tôn trọng nhân phẩm, là một trở ngại với sự tham gia của phụ nữ, trên cơ sở bình đẳng với nam giới, vào đời sống văn hóa, kinh tế, xã hội và chính trị của quốc gia họ, làm ảnh hưởng tới sự thịnh vượng của xã hội và gia đình, gây nhiều khó khăn cho sự phát triển đầy đủ các khả năng tiềm tàng của phụ nữ trong việc phục vụ đất nước và loài người.
TS. Nguyễn Đình Tuấn và PGS.TS. Trần Thị Minh Thi chủ trì Hội thảo
Phó Chủ tịch nhấn mạnh,bình đẳng giới hiện nay còn nhiều thách thức. Sự tham gia của phụ nữ trong hệ thống chính trị hay bình đẳng giới trong chính trị chưa đạt được chỉ tiêu đề ra về tỷ lệ và còn hạn chế về chất lượng tham gia. Vấn đề phụ nữ và bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế còn cần quan tâm đến quyền bình đẳng của phụ nữ, đặc biệt các nhóm phụ nữ yếu thế đối với các nguồn lực kinh tế, cũng như tiếp cận tới các dịch vụ cơ bản, quyền sở hữu và kiểm soát đất đai và các dạng tài sản khác, quyền thừa kế, tài nguyên thiên nhiên, công nghệ mới phù hợp và các dịch vụ tài chính…Đồng thời khẳng định, trong 10 năm tới, Việt Nam cần nhận diện thực trạng bình đẳng giới một cách sâu rộng để có giải pháp hiệu quả đạt được các mục tiêu bình đẳng giưới vào năm 2030 trong mục tiêu phát triển bền vững đã được Liên hiệp quốc thông qua cũng như đạt được các mục tiêu của Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững với 8 mục tiêu cụ thể có liên quan đến bình đẳng giới.
PGS.TS. Trần Thị Minh Thi phát biết đề dẫn Hội thảo
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS Trần Thị Minh Thi, Chủ nhiệm đề tài cho biết, Điều tra quốc gia về bình đẳng giới 2023 thuộc đề tài “Nghiên cứu, đánh giá tổng thể về bình đẳng giới phục vụ phát triển bền vững” được thực hiện lần đầu tiên, với cỡ mẫu dự kiến 9.000 người, tại 48 xã, phường của 12 tỉnh, thành phố trên cả nước. Cuộc Điều tra quốc gia về bình đẳng giới 2023 dự kiến xây dựng 7 hệ thống chỉ báo về bình đẳng giới trong các lĩnh vực: (i) chính trị, lãnh đạo quản lý; (ii) giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ; (iii) kinh tế, lao động, việc làm; (iv) chăm sóc sức khỏe; (v) trong gia đình; (vi) trong phòng ngừa và ứng phó bạo lực trên cơ sở giới; (vii) trong ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và thảm họa môi trường. Hội thảo này là một phần nội dung trong triển khai đề tài. Trên cơ sở lý thuyết văn hóa và bình đẳng giới; Lý thuyết hiện đại hóa và bình đẳng giới; Phát triển bền vững và bình đẳng giới, để tài có những mục tiêu cơ bản sau: (i) Làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn trong nghiên cứu, đánh giá tổng thể về bình đẳng giới; (ii) Xây dựng hệ thống thông tin cơ bản, toàn diện về bình đẳng giới nhằm cung cấp dữ liệu đầu vào cho việc đánh giá việc thực hiện các cam kết quốc tế cũng như mục tiêu bình đẳng giới và phát triển bền vững của Việt Nam; (iii) Nghiên cứu đánh giá toàn diện, tổng thể về thực trạng bình đẳng giới trên các lĩnh vực; (iv) Đề xuất giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030; (v) Các chỉ báo đo lường bình đẳng giới.
Quang cảnh Hội thảo
PGS.TS.Trần Thị Minh Thi mong muốn đề tài sẽ có một số đóng góp như: Thứ nhất, thúc đẩy việc thực hiện các cam kết quốc tế về bình đẳng giới, cung cấp luận cứ khoa học để đánh giá kết quả thực hiện các cam kết quốc tế của chính phủ Việt Nam về bình đẳng giới, phát triển bền vững và các báo cáo thực hiện định kỳ theo yêu cầu; Thứ hai, góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, đánh giá cung cấp các luận cứ khoa học cho quá trình xây dựng và đổi mới đất nước; phục vụ rà soát, tổng kết về kết quả bình đẳng giới trong các văn bản pháp luật về hôn nhân, gia đình, và các lĩnh vực văn hóa – xã hội; cung cấp số liệu để đánh giá kết quả việc thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-20230 cũng như giải quyết một số vấn đề cấp thiết về bình đẳng giới thúc đẩy xã hội phát triển bền vững đến năm 2030; Thứ ba, cung cấp hệ thống thông tin theo dõi, đánh giá về bình đẳng giới.
Qua Hội thảo này, PGS.TS. Trần Thị Minh Thi hy vọng sẽ thu được nhiều ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự nhất là những vấn đề có liên quan đến phương pháp đánh giá, đo lường cũng như cách tiếp cận mới về bình đẳng giới giúp đề tài bổ sung thêm hệ thống lý luận và thực tiễn nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển bền vững ở Việt Nam phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong thời gian tới.
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Định Tuấn khẳng định Hội thảo này hết sức có ý nghĩa đối với nhóm thực hiện đề tài. Bởi vậy rất mong các đại biểu thảo luận nhiệt tình, sôi nổi và thẳng thắn từ đó giúp nhóm thực hiện đề tài có các hướng nghiên cứu hoàn thiện hơn và xây dựng được hệ thống chỉ báo sát với thực tế hơn.
Hội thảo nhận được 12 báo cáo, được chia làm 02 phiên thảo luận, tập trung đánh giá, phân tích những kết quả thực hiện bình đẳng giới hiện nay; Ảnh hưởng của bình đẳng giới trên phạm vi toàn cầu và hướng áp dụng cho Việt Nam; Phương pháp và hệ thống chỉ báo đo lường bình đẳng giới; Hướng tiếp cận, lý thuyết đương đại về bình đẳng giới trong ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai và thảm họa môi trường và những chỉ báo đo lường bình đẳng giới cần quan tâm…
Các đại biểu trình bày báo cáo tham luận tại Hội thảo
Đề cập đến những thách thức trong xây dựng hệ thống chỉ báo và hệ thống thông tin của đề tài, GS.TS. Trịnh Duy Luân, Hội Xã hội học Việt Nam cho biết đây là một nhiệm vụ rất phức tạp, phạm vi rộng, nhiều cấp độ chuyên sâu. Trong đó có 6/7 lĩnh vực gắn với các thiết chế chính trị, xã hội, văn hóa, môi trường; đa dạng về cấu trúc như nhóm xã hội, các tiểu lĩnh vực/ngành/nghề và các cấp độ… do đó đòi hỏi nhiều phân tích, cân nhắc và lựa chọn giữa sự đa dạng về cấu trúc các yếu tố/bộ phận/chiều cạnh…cấu thành của từng lĩnh vực.
Các đại biểu đóng góp ý kiến và thảo luận tại Hội thảo
Tại buổi Hội thảo, các đại biểu đã có những đóng góp trên tinh thần xây dựng và cung cấp thêm nhiều thông tin, hướng nghiên cứu, cách tiếp cận mới như quan điểm bao trùm bao gồm cả người khuyết tật, người cao tuổi, mối quan hệ giữa giới với biến đổi khí hậu, bản sắc văn hóa riêng của Việt Nam trong phạm trù bình đẳng giới, mở rộng khái niệm gia đình (gia đình ghép) trong việc chọn mẫu điều tra, nghiên cứu… Đây là những ý kiến hết sức quý báu giúp nhóm tác giả tiếp tục triển khai đề tài một cách hiệu quả nhất trong thời gian tới.
Theo Vass.gov.vn