Hội nghị thường niên lần thứ nhất về Phát triển Khoa học, Công nghệ và đổi mới sáng tạo nguồn nhân lực

Cập nhật 10:00 ngày 16/12/2021
(Hội thảo khoa học) - Ngày 11/12/2021, tại tỉnh Vĩnh Phúc, Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM đã phối hợp tổ chức Hội nghị thường niên lần thứ nhất với chủ đề “Phát triển Khoa học, Công nghệ và đổi mới sáng tạo nguồn nhân lực”.
Tham dự hội nghị có các đồng chí: Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên BCH TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN; Châu Văn Minh, Ủy viên BCH TƯ Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam; Bùi Nhật Quang, Ủy viên BCH TƯ Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; Vũ Hải Quân, Ủy viên BCH TƯ Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; Vũ Việt Văn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc. Tham dự Hội nghị còn có các đồng chí lãnh đạo, các cán bộ chủ chốt của Bộ KH&CN, Viện Hàn lâm KH&CN VN, Viện Hàn lâm KHXH VN, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. HCM và Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, cùng đại diện của các sở ban ngành.
 
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu khai mạc Hội nghị (Ảnh: TTXVN)
 
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm từ 2021 - 2030 của nước ta đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Trong đó, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) là một nội dung quan trọng trong các đột phá chiến lược và được xác định là động lực chính để tăng trưởng kinh tế.
 
Từ thực tiễn hoạt động KHCN&ĐMST trong thời gian qua và yêu cầu cấp thiết của công cuộc phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh, Hội nghị này được sáng lập và dự kiến tổ chức hằng năm, tập trung thảo luận, góp ý cho việc hoàn thiện pháp luật về KHCN&ĐMST, tập trung vào các chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi nhất cho hoạt động Nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ; các chính sách nhằm phát triển thị trường KHCN, thương mại hoá kết quả nghiên cứu;... Quá trình xây dựng văn bản pháp luật này rất cần sự tham gia của các nhà khoa học, các nhà quản lý khoa học công tác tại hai Viện Hàn lâm, hai Đại học Quốc gia, là các đầu mối quản lý KHCN&ĐMST lớn nhất của đất nước, để giúp các chính sách này sớm đi vào thực tiễn cuộc sống.
 
Bộ Trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, Hội nghị này cũng được kỳ vọng là nơi để chia sẻ, bàn bạc về việc thử nghiệm các chính sách có tính đột phá để các cơ quan cùng thống nhất trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành. Đồng thời, Hội nghị có thể tập hợp nguồn lực, nhất là nhân lực chất lượng cao để hình thành và giải quyết các bài toán lớn cho đất nước, là nơi cùng bàn việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ.
 
Đoàn chủ tịch điều hành Hội nghị
 
Báo cáo "Xây dựng Chiến lược phát triển KHCN&ĐMST giai đoạn 2021 - 2030", ông Hoàng Minh, Giám đốc Học viện KHCN&ĐMST khẳng định, phát triển KHCN&ĐMST được khẳng định là một nội dung đột phá chiến lược trong giai đoạn mới, là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và tăng sức cạnh tranh để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững nhằm đạt mục tiêu đến năm 2030 nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Việc xây dựng Chiến lược phát triển KHCN&ĐMST giai đoạn 2021 - 2030 là một bước cụ thể hóa các nội dung về KHCN&ĐMST được đề cập trong các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước và được nhấn mạnh trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.
 
Mục tiêu trong 10 năm tới, ngành KH&CN sẽ đóng góp 45 - 50% vào chỉ số năng suất nhân tố tổng hợp (TFP); Đạt tối thiểu 45% tỉ trọng giá sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo; Đến năm 2030, đầu tư cho KH&CN đạt 1,5% - 2% GDP, trong đó tổng chi quốc gia cho nghiên cứu và phát triển đạt 1% - 1,2% GDP và đóng góp từ xã hội chi cho nghiên cứu và phát triển chiếm từ 65% - 70%. Phấn đấu đến năm 2030, số doanh nghiệp đạt tiêu chí của doanh nghiệp KH&CN và số doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST tăng khoảng 2 lần so với năm 2020, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động ĐMST đạt 40% trong tổng số doanh nghiệp...
 
Quang cảnh Hội nghị
 

PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung, Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Mỹ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Về vấn đề phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung, Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Mỹ, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, cho biết, để phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với khoa học xã hội và nhân văn. Nhiều vấn đề lý luận cơ bản và thực tiễn về sự phát triển của đất nước cần tiếp tục được làm sáng tỏ, cần có những câu trả lời thoả đáng từ những người làm công tác khoa học xã hội nói chung, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nói riêng.
 
Trong thời gian tới, để góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 - 2030, PGS.TS Nguyễn Xuân Trung cho rằng, cùng với việc tập trung nghiên cứu các vấn đề khoa học xã hội cơ bản về đất nước, văn hóa và con người Việt Nam cần "tích cực cung cấp luận cứ cho việc xây dựng đường lối, chính sách; bảo vệ, phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng; xây dựng, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, con người Việt Nam" mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra. Trong thời gian tới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có kế hoạch, cụ thể, tiếp tục tập trung nghiên cứu, giải đáp những vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản của sự phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, gắn kết chặt chẽ khoa học xã hội với khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ trong quá trình triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thu hút, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư cho khoa học xã hội. Đổi mới căn bản hoạt động công bố, quảng bá các kết quả nghiên cứu khoa học theo hướng điện tử hóa, số hóa; nâng cao năng lực hội nhập quốc tế trong nghiên cứu Khoa học xã hội và nhân văn.
 
Phát biểu tại Hội nghị, GS.VS. Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN VN chia sẻ, mặc dù mỗi đơn vị đều có cách tiếp cận riêng nhưng đều hướng tới mục tiêu phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Tuy nhiên Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN VN cho rằng, để phát triển đồng bộ không thể bỏ qua nghiên cứu cơ bản, bởi nghiên cứu cơ bản cung cấp luận cứ cho phát triển đồng bộ, liên ngành về khoa học và công nghệ. Viện Hàn lâm KH&CN VN kiến nghị thành lập Hội đồng đổi mới sáng tạo quốc gia bởi đây là hoạt động có tính liên ngành cao, cần sự điều phối và phối hợp giữa các bên để có kết quả đi vào thực chất. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có các quỹ đầu tư hỗ trợ các spin-off tại các viện nghiên cứu và cơ sở giáo dục đại học lớn; đồng thời, cần hoàn thiện chính sách để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư cho KHCN nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
 
Cũng tại Hội nghị, GS.TS. Lê Quân, Giám đốc ĐHQGHN, nhấn mạnh phát huy thế mạnh liên ngành, tích hợp trí tuệ chặt chẽ giữa các lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội - nhân văn, công nghệ và kỹ thuật, ĐHQGHN đã thực hiện thành công nhiều nhiệm vụ tầm cỡ quốc gia, giải quyết nhiều vấn đề lớn, phức tạp của thực tiễn cuộc sống mà các trường đại học đơn ngành khó giải quyết được. Để nhanh chóng chuyển giao những thành quả trong đào tạo và nghiên cứu phục vụ xã hội, ĐHQGHN đặc biệt chú trọng tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp, đối tác trong và ngoài nước. Các doanh nghiệp, tập đoàn vừa là đối tác phát triển, vừa là bên sử dụng nguồn nhân lực đồng thời là đơn vị hỗ trợ ĐHQGHN tăng cường năng lực phát triển, cung ứng dịch vụ chất lượng cao cho xã hội.
 
Để thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ hình thành từ kết quả nghiên cứu, theo đại diện của Đại học Quốc gia TP. HCM, cần lấy đổi mới mô hình quản trị làm “nền tảng”, nhân sự - hợp tác – tài chính là “trụ cột” và các định hướng đột phá là “mũi nhọn”; đầu tư tập trung các lĩnh vực có tiềm lực và thế mạnh. Tiếp tục đầu tư các nhóm nghiên cứu mạnh, trung tâm xuất sắc nghiên cứu liên ngành làm chủ công nghệ nền. Định hướng phát triển liên kết đại học - doanh nghiệp theo kinh nghiệm quốc tế; định hướng phát triển khởi nghiệp gắn với môi trường học thuật; cần xây dựng hạ tầng kinh tế số về giáo dục, y tế; các trường đại học cần xây dựng lộ trình công nghệ nhất định để có chất lượng đào tạo cũng như sản phẩm nghiên cứu khoa học cao; cùng nhau giải quyết bài toán đặt hàng của nhà nước và doanh nghiệp; cần gắn chiến lược KHCN&ĐMST với giáo dục đào tạo; tạo môi trường bình đẳng cạnh tranh về nghiên cứu KH&CN công lập và tư nhân; hình thành trung tâm nghiên cứu đổi mới sáng tạo đầy đủ các lực lượng như viện/trường/doanh nghiệp…; cần đo lường hoạt động về ĐMST cụ thể để đánh giá toàn diện khía cạnh KH&CN Việt Nam, để làm được cần xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ; nên có chiến lược đào tạo nhân lực khoa học giai đoạn 10 năm theo hướng cá thể hóa.
 
Tham luận tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung làm rõ các mục tiêu của Chiến lược phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực, giai đoạn 2021 - 2030; việc xây dựng môi trường đổi mới sáng tạo; đề xuất các mô hình tư vấn, cơ chế, chính sách phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực; các chương trình hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo…
 
Phát biểu kết thúc Hội nghị, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho rằng các báo cáo tham luận tại Hội nghị đã trình bày những vấn đề quan trọng về phát triển KHCN&ĐMST và phát triển nguồn nhân lực từ quy mô địa phương đến quốc gia, từ các tổ chức đào tạo đến các tổ chức nghiên cứu hàng đầu, từ những vấn đề vướng mắc cụ thể đến các vấn đề về cơ chế, chính sách thúc đẩy ứng dụng KHCN&ĐMST... Bộ trưởng khẳng định: Với trách nhiệm là đơn vị quản lý nhà nước trong lĩnh vực KHCN&ĐMST, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. HCM để tiếp thu các vấn đề đã được trao đổi và chia sẻ tại Hội nghị, cũng như các vấn đề liên quan nhằm cụ thể hóa Chương trình phối hợp bằng những hành động thiết thực, từng bước góp phần khẳng định vai trò động lực quan trọng của KHCN&ĐMST trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ đất nước.
Ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2022
 

Ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2022
 
Tại Hội nghị, các cơ quan tham dự cũng đã cùng nhau ký kết Chương trình phối hợp công tác trong giai đoạn tới nhằm gắn kết giữa các cơ quan, tiến tới có những hoạt động phát huy sức mạnh, tiềm lực chung để góp phần giải quyết các vấn đề của quốc gia và lan tỏa sự liên kết này đến các thành phần rộng rãi hơn. Chương trình nhằm tư vấn chính sách, định hướng giải pháp phát triển KHCN&ĐMST và nguồn nhân lực; chia sẻ thông tin về thành tựu, sản phẩm nghiên cứu và đào tạo tiêu biểu…; xây dựng các mô hình liên kết giữa các cơ quan nghiên cứu, đào tạo hàng đầu đất nước để phát huy sức mạnh chung cùng giải quyết các vấn đề quan trọng của quốc gia.
 
Theo vass.gov.vn
Cập nhật tin tức về khoa học xã hội tại: tapchikhxh.vass.gov.vn