Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam hiện nay

Cập nhật 09:00 ngày 17/12/2018
(Kinh tế) - Việt Nam đang tích cực đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước (TĐKT, TCTNN), nhằm thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, tích cực hội nhập sâu và toàn diện vào nền kinh tế thế giới. Trong các năm 2011-2015, việc cơ cấu lại DNNN đã được các bộ, ngành triển khai mạnh mẽ, quyết liệt và đạt được những kết quả tích cực. Hiện nay, trong bối cảnh và yêu cầu của thời kỳ mới, tiến độ cơ cấu lại DNNN đang có chiều hướng chậm lại. Vì vậy, Chính phủ, các địa phương và DNNN cần tập trung nghiên cứu, đánh giá kịp thời, chỉ ra những khó khăn và thách thức; từ đó đưa ra những giải pháp thật cụ thể, mạnh mẽ hơn để hoàn thành mục tiêu, kế hoạch đặt ra trong giai đoạn 2016-2020.

1. Mở đầu

 

Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là các TĐKT, TCTNN, đã được xác định rõ trong các nghị quyết của Đảng, kết luận của Bộ Chính trị, đặc biệt trong Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3-6-2017 của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Chủ trương cơ cấu lại DNNN trong những năm qua được các bộ, ngành và địa phương quán triệt sâu sắc, triển khai mạnh mẽ và đạt được những kết quả quan trọng. Số lượng DNNN đã được giảm mạnh; hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục được duy trì; nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp (DN) sau cổ phần hóa (CPH); tác động tích cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng hiện nay tiến trình cơ cấu lại DNNN đang gặp phải nhiều rào cản, thách thức mới, diễn ra chậm, chưa đạt tiến độ, kế hoạch đề ra.

Nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế, thách thức về cơ cấu lại DNNN, ngày 25-5-2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 707/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016-2020”. Mục tiêu cơ cấu lại DNNN bao gồm: 1) sắp xếp, CPH, thoái vốn nhà nước để DNNN có cơ cấu hợp lý hơn, tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt; 2) đầu tư của DNNN tập trung vào các lĩnh vực khoa học, công nghệ, ngành, lĩnh vực mang tầm chiến lược. Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động, sản xuất kinh doanh, tăng sức cạnh tranh, tăng tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của DNNN; 3) xử lý dứt điểm các tồn tại, yếu kém của DNNN và DN có vốn nhà nước phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường; 4) hoàn thiện mô hình quản lý, DNNN, vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại DN; tách chức năng đại diện chủ sở hữu vốn của Nhà nước tại DNNN và DN có vốn nhà nước với chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương.

Cơ cấu lại DNNN đang là vấn đề “nóng” ở Việt Nam trong bối cảnh thực hiện chủ trương tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng. Do vậy, đã có không ít các bài viết, công trình nghiên cứu về cơ cấu lại khu vực DN này. Bài viết góp phần hệ thống hóa và phân tích làm rõ hơn kết quả cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2011-2015; đánh giá tình hình cơ cấu lại DNNN trong nửa đầu giai đoạn 2016-2020; đưa ra các giải pháp cụ thể, mạnh mẽ hơn để hoàn thành mục tiêu cơ cấu lại DNNN trong các năm còn lại của giai đoạn 2016-2020 theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

 

2. Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2015

 

Năm 2011, Việt Nam bắt đầu bước vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI về tái cơ cấu nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, xây dựng phương án tập trung vào 3 trụ cột chính: tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng và  tái cơ cấu DNNN.

Công tác tái cơ cấu DNNN đã được đẩy mạnh và đạt được kết quả tích cực, vượt bậc so với những năm trước đây. Tháng 7-2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là TĐKT, TCTNN giai đoạn 2011-2015. Việc triển khai Đề án được thực hiện đồng bộ từ hoàn thiện thể chế, khung pháp lý, cơ chế, chính sách đến xác định nội dung tái cơ cấu của từng DN và cụ thể hóa kế hoạch triển khai thực hiện. Trong giai đoạn này, các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương và các DN đã triển khai được nhiều nội dung quan trọng mà Đề án đặt ra [14, tr.52-56]. Những nội dung chính như sau.

Thứ nhất, hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Chính phủ và các bộ đã ban hành, sửa đổi, bổ sung khá đồng bộ cơ chế, chính sách về đổi mới tổ chức, hoạt động và quản lý DN 100% vốn nhà nước. Nhiều cơ chế, chính sách quan trọng cho việc đổi mới tổ chức quản lý, giám sát đối với DNNN đã được ban hành. Trong đó có: chế độ giám sát, kiểm tra việc thực hiện chiến lược, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ được giao của DN; chế độ về giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với DNNN trong chấp hành pháp luật và tuân thủ các quy định của chủ sở hữu; điều lệ mẫu của công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu. Các quy định đó đã phân định rõ hơn quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, hội đồng thành viên các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; đồng thời, đã xác định rõ chức năng của bộ quản lý ngành là cơ quan đầu mối thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước (đối với DNNN, đặc biệt là đối với các TĐKT, TCTNN), và là cơ quan chịu trách nhiệm trong việc tổ chức, hoạt động, giám sát, kiểm tra, thanh tra thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, đầu tư phát triển, quản lý, sử dụng, bảo toàn, phát triển vốn, đánh giá cán bộ quản lý và hiệu quả hoạt động của DNNN.

Để hoàn thiện một bước cơ chế, chính sách về hoạt động quản lý, tái cơ cấu, CPH DNNN, Thủ tướng Chính phủ ban hành các Chỉ thị về đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN; giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của DN. Đồng thời, Chính phủ ban hành các quyết định về một số nội dung thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của DNNN. Đây là văn bản pháp lý rất được thị trường mong chờ, góp phần thúc đẩy hơn việc thoái vốn nhà nước, gắn CPH với niêm yết, tạo cơ chế cho việc chuyển DNNN thành công ty cổ phần trong điều kiện chưa thể phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO).

Năm 2014, Chính phủ đã phê duyệt thêm 5 nghị định về điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tập đoàn Viễn thông quân đội, Tổng Công ty Lương thực miền Bắc, Tổng Công ty Lương thực miền Nam, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Riêng Bộ Thông tin và Truyền thông chưa trình Chính phủ phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ hoàn thành phê duyệt Đề án tái cơ cấu các TĐKT, TCTNN theo thẩm quyền. Các bộ, ngành địa phương cũng hoàn tất việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu các Tổng công ty (TCT) trực thuộc, ngoại trừ Bộ Quốc Phòng còn chưa phê duyệt Đề án tái cơ cấu của 14 TCT [1, tr.2]. Bộ Tài Chính ban hành 03 Thông tư về: hướng dẫn xử lý tài chính và xác định giá trị DN khi thực hiện chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần; quy chế hoạt động của người đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn nhà nước đầu tư vào DN; chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại SCIC. Bộ Nội Vụ tiếp tục nghiên cứu tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo quy định về người giữ chức danh quản lý tại DN 100% vốn nhà nước và DN mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Thứ hai, cổ phần hóa DNNN và thoái vốn nhà nước. Sau quá trình CPH, số lượng DNNN đã được giảm mạnh từ 5.655 DN năm 2001 xuống còn trên 1.300 DN 100% vốn nhà nước tính đến cuối năm 2011 (không kể các công ty nông, lâm, trường quốc doanh) [7, tr.47]. Bước sang năm 2012, công tác tái cơ cấu DNNN được đẩy mạnh một bước theo Đề án tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011-2015 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo số liệu báo cáo của các bộ quản lý ngành, các ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tính đến hết năm 2013, cả nước còn có 796 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Trong đó, có 8 TĐKT; 100 Tổng Công ty nhà nước (TCTNN) (không bao gồm TCT Công nghiệp tàu thủy Việt Nam); 25 công ty TNHH một thành viên hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con; 309 công ty TNHH một thành viên độc lập hoạt động trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ, sản phẩm công ích; 543 công ty TNHH một thành viên độc lập hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại [3, tr.1].

Trên cơ sở tiến hành sơ kết 3 năm thực hiện tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011-2013 và đặt ra nhiệm vụ cho các năm 2014-2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị về đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN. Theo các phương án sắp xếp, tái cơ cấu DNNN được phê duyệt, trong 2 năm 2014-2015, cả nước phải hoàn thành sắp xếp 479 DN (trong đó: CPH 432 DN; bán, giao, giải thể, phá sản 22 DN; sáp nhập, hợp nhất 25 DN). Trong số 432 DN CPH, đã có 390 DN thành lập ban chỉ đạo, 288 DN đang xác định giá trị DN, 175 DN đã có quyết định công bố giá trị DN, 143 DN đã CPH. Trong số các DN đã hoàn thành CPH có: 1 TĐKT (Tập đoàn Dệt May Việt Nam), 16 TCTNN (11 TCT thuộc Bộ Giao thông vận tải, 2 TCT thuộc Bộ Công Thương, 2 TCT thuộc Bộ Xây Dựng và 1 TCT thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Tính đến 25-12-2014, cả nước đã sắp xếp được 167 doanh nghiệp, trong đó CPH 143 DN, chuyển 01 DN thành công ty TNHH 2 thành viên trở lên, giải thể 03 DN, bán 03 DN, sáp nhập 14 DN [1, tr.3].

Năm 2014, theo số liệu thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, có 76 DN đã bán đấu giá cổ phần lần đầu trên Sở Giao dịch chứng khoán và tại 40/95 công ty chứng khoán. Trong đó, có 64 DN đã thu tiền bán cổ phần, 12 DN đã tổ chức đấu giá bán cổ phần nhưng chưa đến thời hạn thu tiền. Tính chung trong số 64 DN đã thu tiền bán đấu giá cổ phần, bán được gần 49% số cổ phần theo kế hoạch chào bán; thu về 5.115 tỷ đồng, bằng 66% kế hoạch (7.740 tỷ đồng).

Chính phủ cũng đã phê duyệt gần 70% số đề án tái cơ cấu của các TĐKT, TCTNN theo các mục tiêu, định hướng đã đề ra (69/109 đề án). Trong đó, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án của 20/21 TĐKT, TCTNN; quyết định dừng thí điểm mô hình TĐKT đối với 2 tập đoàn trong ngành xây dựng và Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam. Các bộ phê duyệt 39 đề án, các địa phương phê duyệt 10 đề án của các TCTNN trực thuộc.

Trên cơ sở các phương án, đề án đã được phê duyệt, các bộ, ngành, địa phương, các TĐKT, TCTNN tích cực triển khai thực hiện với mục tiêu đến năm 2015 đưa số DNNN hiện có từ 1.254 DN xuống còn 692 DN, tiến tới năm 2020, cơ bản các DNNN sẽ được CPH, Nhà nước chỉ còn giữ lại khoảng 200 DN hoạt động trong lĩnh vực độc quyền nhà nước, công ích, an ninh quốc phòng. Đồng thời, tạo ra những DNNN có cơ cấu hợp lý, có sức cạnh tranh cao, tập trung vào ngành, lĩnh vực then chốt, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội và quốc phòng, an ninh, làm nòng cốt để kinh tế nhà nước thực hiện được vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng, điều tiết nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô [12, tr.28].

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước còn khó khăn (có nhiều biến động, đặc biệt vào những tháng cuối năm 2014, đầu năm 2015, giá dầu giảm sâu liên tục, không theo quy luật; đã tác động lớn đến ổn định nền kinh tế), kết quả tái cơ cấu DNNN như trên là nỗ lực, cố gắng rất lớn. Nhiều bộ (Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Văn hóa - Thể thao và Du lịch…), thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh, Thái Bình, Tập đoàn Hóa chất, Dệt May, TCT Hàng không, TCT Hàng hải… đã tích cực chỉ đạo, thực hiện các biện pháp mạnh mẽ, kiên quyết, sáng tạo phù hợp với quy định của pháp luật, đạt kết quả tốt so với yêu cầu đặt ra.

Về thoái vốn nhà nước của các TĐKT, TCTNN, tính đến ngày 25-12-2014, cả nước đã thoái được 6.076 tỷ đồng (theo giá trị sổ sách) tại 233 DN, thu về 8.002 tỷ đồng, bằng 1,3 lần mệnh giá. Số vốn thoái được trong lĩnh vực: chứng khoán là 204 tỷ đồng; bảo hiểm là 297 tỷ đồng; bất động sản là 185 tỷ đồng; tài chính là 1.489 tỷ đồng; ngân hàng là 1.308 tỷ đồng; bán phần vốn nhà nước tại các DN không cần nắm giữ là 4.519 tỷ đồng (chiếm 56% tổng số vốn thoái) [1, tr.5]. Tuy số tiền thu được từ thoái vốn là khá cao (gấp 3 lần so với năm 2013), nhưng so với số vốn cần thoái thì tiến độ như trên là chậm và thấp so với yêu cầu đặt ra. Hệ quả đó, một phần là do tình hình kinh tế trong nước khó khăn, thị trường chứng khoán chưa hồi phục mạnh; phần nữa là do các khoản đầu tư ngoài ngành của DN có hiệu quả thấp, một số thua lỗ, nên vẫn khó thu hút được các nhà đầu tư chiến lược.

Một số đơn vị, địa phương triển khai thoái vốn đạt kết quả cao. Ví dụ, Tập đoàn Than - Khoáng sản thu về 1.732 tỷ đồng; Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam thu về 151 tỷ đồng; Tập đoàn Cao su Việt Nam thu về 523 tỷ đồng; SCIC đã bán hết vốn nhà nước tại 27 công ty cổ phần, thu về gần 2.017 tỷ đồng; Bộ Xây Dựng thoái vốn 37 công ty trực thuộc tại 11 TCT thu về 1.321 tỷ đồng; Bộ Giao thông vận tải thoái vốn 52 công ty trực thuộc tại 7 TCT thu về 595 tỷ đồng; Thành phố Hồ Chí Minh thoái vốn nhà nước tại 27 công ty cổ phần, thu về gần 318 tỷ đồng. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều TCT, địa phương chưa hoàn tất việc thoái vốn nhà nước đầu tư ngoài ngành hoặc tại những DN mà Nhà nước không cần nắm giữ.

Thứ ba, triển khai tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước theo các nội dung đã được phê duyệt. Các TĐKT, TCTNN đã tập trung xác định lại mục tiêu, nhiệm vụ, làm rõ vai trò, vị trí của từng TĐKT, TCTNN trong nền kinh tế; rà soát, xác định lại ngành, nghề kinh doanh, loại bỏ các ngành, nghề ít hoặc không liên quan để tập trung vào ngành, nghề kinh doanh chính. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tập trung vào 5 ngành, nghề chính, trong đó lĩnh vực kinh doanh chính là tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam tập trung vào ngành sản xuất chính gồm than, khoáng sản, điện, vật liệu nổ công nghiệp, cơ khí mỏ. Tổng Công ty Cà phê Việt Nam xác định lĩnh vực kinh doanh chính là trồng, sản xuất, chế biến và kinh doanh cà phê. Tổng Công ty Hàng hải tập trung vào 3 lĩnh vực kinh doanh chính là vận tải biển, khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải...

Trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ, các TĐKT, TCTNN tổ chức lại sản xuất, kinh doanh, tái cơ cấu các doanh nghiệp thành viên theo hướng chuyên môn hóa, phân công, hợp tác, không dàn trải, tránh cạnh tranh nội bộ, sáp nhập, hợp nhất các doanh nghiệp thành viên kinh doanh cùng ngành, nghề. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam tiếp nhận 6 công ty con sản xuất than và chuyển đổi thành chi nhánh của Tập đoàn, cổ phần hóa 3 công ty thành viên. Tổng Công ty Giấy Việt Nam cổ phần hóa 4 công ty phụ thuộc, chuyển viện nghiên cứu thành doanh nghiệp khoa học công nghệ, chuyển Trường Cao đẳng thuộc Tổng Công ty về trực thuộc Bộ Công Thương. Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện đã hoàn thành sáp nhập 3 công ty con vào Công ty mẹ. Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam đang chuyển 01 công ty con thành chi nhánh Tổng Công ty... 

Các TĐKT, TCTNN xây dựng phương án tài chính để triển khai ngành, nghề kinh doanh chính, đồng thời cũng xây dựng các phương án phù hợp với tình hình thực tế của doanh nghiệp để xử lý tồn tại về tài chính. Đồng thời, các TĐKT, TCTNN chủ động bán vốn, chuyển vốn hoặc tìm kiếm đối tác để thoái vốn phù hợp với đặc điểm, điều kiện và tình hình của doanh nghiệp. Tính đến ngày 30-09-2013, các TĐKT, TCTNN thoái hơn 4.164 tỷ đồng trên tổng số vốn đầu tư ra ngoài ngành, nghề kinh doanh chính là 21.796,8 tỷ đồng. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tái cơ cấu Tổng Công ty Tài chính cổ phần dầu khí Việt Nam theo hướng hợp nhất với Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Tây và thoái vốn theo lộ trình. Một số doanh nghiệp (như Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam, Tổng Công ty Rau quả nông sản...) phối hợp với Công ty Mua bán nợ (DATC) để xử lý các khoản nợ tồn đọng của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước chưa có dấu hiệu hồi phục, việc tái cơ cấu về tài chính và thoái vốn đầu tư ngoài ngành còn khó khăn. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã hai lần tổ chức đấu giá bán cổ phần nhưng chưa thành công; Tập đoàn Hoá chất Việt Nam chưa thoái được vốn đầu tư ngoài ngành do giá thị trường của cổ phiếu thấp hơn so với giá tối thiểu được phê duyệt...

Nhằm sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống quy chế quản lý nội bộ, các TĐKT, TCTNN tiến hành rà soát việc xây dựng, triển khai thực hiện các quy chế, quy định về giám sát, kiểm tra, thanh tra, đánh giá hiệu quả; áp dụng các chính sách quản trị nhân sự hiện đại; sắp xếp lại lao động, giải quyết lao động dôi dư trong quá trình tái cơ cấu.

Cùng với quá trình tái cơ cấu từng TĐKT, TCTNN, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh việc CPH DNNN. “Nhiều doanh nghiệp đang thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp, xây dựng phương án CPH để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, như Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, các tổng công ty trực thuộc Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,... Một số đơn vị triển khai CPH tích cực, hiệu quả, như Bộ Giao thông vận tải (25 doanh nghiệp), Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng (3 doanh nghiệp)” [12, tr.29].

Thứ tư, đổi mới, sắp xếp nông, lâm trường quốc doanh. Cùng với sắp xếp các DNNN, việc sắp xếp các nông, lâm trường quốc doanh đã được triển khai mạnh mẽ từ năm 2003 theo tinh thần Nghị quyết số 28/NQ-TW ngày 16-6-2003 của Bộ Chính trị. Để cụ thể hóa Nghị quyết số 28/NQ-TW, Chính phủ đã ban hành các Nghị định số 170/2004/NĐ-CP ngày 22-9-2004 về sắp xếp, đổi mới và phát triển nông trường quốc doanh và Nghị định số 200/2004/NĐ-CP ngày 03-12-2004 quy định về sắp xếp, đổi mới và phát triển nông trường quốc doanh. Kết quả thực hiện sắp xếp, đổi mới và phát triển nông trường quốc doanh đã làm giảm đáng kể số lượng các nông, lâm trường và cơ bản được chuyển đổi sang mô hình tổ chức công ty TNHH một thành viên, công ty cổ phần. Tính đến thời điểm 30-6-2013, cả nước có 145 DN nông nghiệp gồm 2 công ty TNHH một thành viên và 3 công ty cổ phần; có 91 nông trường quốc doanh được chuyển đổi thành Ban Quản lý rừng, đây là các đơn vị sự nghiệp công ích; có 14 DN được giải thể trong quá trình sắp xếp lại. 

 Năm 2013, Chính phủ đã tổ chức tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 28/NQ-TW để đánh giá việc thực hiện sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường, việc thí điểm cổ phần hóa vườn cây, rừng trồng, đàn gia súc gắn với cổ phần hóa cơ sở chế biến, mô hình hoạt động của các nông, lâm trường sau khi chuyển đổi ở một số địa phương, đơn vị cũng như việc quản lý sử dụng đất trong các nông, lâm trường quốc doanh. 

Bộ Chính trị đã đồng tình với những nhận định, đánh giá về thực trạng, kết quả sắp xếp, phương hướng, nhiệm vụ trong giai đoạn tiếp theo và nhất trí ban hành nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 28/NQ-TW tiếp tục sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp. Trên cơ sở đó, Chính phủ tiếp tục triển khai hiệu quả hơn việc sắp xếp các doanh nghiệp thuộc khu vực này. 

 

3. Kết quả cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước trong nửa đầu giai đoạn 2016-2020

 

Bước vào giai đoạn 2016-2020, Việt Nam đẩy mạnh cơ cấu lại chuyển đổi với các DNNN có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp. Do đó, nhiệm vụ cơ cấu lại DNNN ngày càng nặng nề hơn. Mục tiêu cơ cấu lại DNNN đến năm 2020 là giảm số lượng xuống còn gần 200 DN (giảm 50% số lượng tại thời điểm 2015); đồng thời cơ bản hoàn thành việc xử lý các tồn tại về tài chính, lao động dôi dư của khu vực DNNN. Trong 2 năm đầu giai đoạn 2016-2020, công tác cơ cấu lại DNNN đã đạt được những kết quả đáng kể như sau.

Thứ nhất, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số cơ chế, chính sách quan trọng để hoàn thiện khung khổ pháp luật, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ CPH, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN nhằm thực hiện chủ trương Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài Chính xây dựng Đề án thành lập cơ quan mới chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu vốn tại DN. Tháng 2-2018, Chính phủ đã chính thức phê duyệt thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN2. Việc thành lập cơ quan quản lý nhà nước riêng, độc lập và chịu trách nhiệm về quyền sở hữu tại DN sẽ tách quyền chủ sở hữu ra khỏi các bộ, ngành. Để triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN, Chính phủ ban hành Nghị định số 32/2018/NĐ-CP ngày 08-3-2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 13-10-2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN. Trong đó, các quy định về chuyển nhượng vốn nhà nước tại công ty cổ phần và công ty TNHH hai thành viên trở lên có nhiều điều chỉnh, bổ sung (như: nguyên tắc, phương thức chuyển nhượng vốn nhà nước hoặc vốn của DNNN đầu tư tại DN khác, xác định giá khởi điểm khi thực hiện chuyển nhượng vốn nhà nước hoặc vốn của DNNN đầu tư tại DN khác, thẩm quyền quyết định chuyển nhượng vốn nhà nước hoặc vốn của DNNN đầu tư tại công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên, quy định trách nhiệm của người đại diện vốn nhà nước trong việc thu cổ tức, lợi nhuận được chia vào ngân sách nhà nước…). Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án cơ cấu lại của 5 tập đoàn gồm Điện lực Việt Nam, Than - Khoáng sản, Bưu chính viễn thông Việt Nam, Hóa chất Việt Nam, Công nghiệp Viễn thông quân đội; hai tổng công ty gồm: Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, Lương thực miền Bắc; đồng thời phê duyệt Danh mục các DN thực hiện sắp xếp, cơ cấu lại giai đoạn 2017-2020 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam [2, tr.2]. Chính phủ ban hành Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17-8-2017 chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu DNNN về SCIC giai đoạn từ 2017-2020 là 62 DN (năm 2017 là 04 DN, năm 2018 là 55 DN, năm 2019 là 03 DN). Theo báo cáo của Bộ Tài Chính, năm 2017 có 24/62 DN đã chuyển giao về SCIC với số vốn nhà nước là 10.460 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2018, SCIC tiếp nhận được 03 DN [2, tr.5]. Có thể thấy, việc Chính phủ kịp thời ban hành những văn bản quy phạm pháp luât, cơ chế, chính sách mới này đã tháo gỡ được cơ bản những khó khăn, vướng mắc, vừa đẩy nhanh tiến độ CPH, thoái vốn, vừa đảm bảo công tác này ngày càng chặt chẽ, công khai, minh bạch hơn, tối đa hóa lợi ích của Nhà nước.

Thứ hai, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt đưa ra danh sách các DNNN phải tiến hành CPH, thoái vốn theo lộ trình. Theo số liệu thống kê, lũy kế đến tháng 7-2017, có 26 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH. Trong đó, 7/47 DN thuộc danh mục DNNN hoàn thành CPH năm 20173. Số còn lại thực hiện theo Quyết định phê duyệt giai đoạn 2011-2016. Tổng giá trị thực tế của 26 DN đã được phê duyệt phương án CPH là 71.880 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại DN là 18.368 tỷ đồng. Theo phương án CPH được phê duyệt, vốn điều lệ của 26 DN là 22.633 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 11.063 tỷ đồng, bán cho nhà đầu tư chiến lược 6.528 tỷ đồng, bán cho người lao động 156 tỷ đồng, tổ chức công đoàn 16 tỷ đồng, số lượng cổ phần bán đấu giá công khai là 4.869 tỷ đồng [11, tr.2]. Tính đến hết 6 tháng đầu năm 2018, Chính phủ đã phê duyệt CPH 19 DN (bằng 86,2% so với cùng kỳ năm 2017). Theo phương án được phê duyệt, vốn điều lệ của 19 DN này là 22.026,38 tỷ đồng, trong đó nhà nước nắm giữ 12.957,22 tỷ đồng (chiếm 58,83% tổng vốn điều lệ), bán cho người lao động 112,34 tỷ đồng (chiếm 0,51% vốn điều lệ), bán cho nhà đầu tư bên ngoài DN 8.955,47 tỷ đồng (chiếm 40,66% vốn điều lệ). Tổng giá trị của 19 DN là 40.672,09 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 23.084,23 tỷ đồng [2, tr.3]. Bên cạnh đó, có 16 DN4 đã IPO và bán cho cổ đông chiến lược (8 DN phê duyệt phương án năm 2017, 8 DN của năm 2018), thu về 22.457,29 tỷ đồng [2, tr.3].

Về thoái vốn, Bộ Tài Chính cho biết, tính đến tháng 7 năm 2017, các DN đã thoái được 3.693 tỷ đồng, thu về 15.770 tỷ đồng (bao gồm cả các khoản thoái vốn trong năm 2016 các DN mới báo cáo trong 7 tháng đầu năm 2017). Trong đó, thoái vốn tại 05 lĩnh vực nhạy cảm đạt 103 tỷ đồng, thu về 103 tỷ đồng. Ngoài 05 lĩnh vực nhạy cảm, thoái vốn đầu tư ở DN khác đạt 2.195 tỷ đồng, thu về 3.428 tỷ đồng. Đối với SCIC, đơn vị đã bán vốn tại 20 DN với giá trị là 1.394 tỷ đồng, thu về 12.238 tỷ đồng (trong đó bao gồm cả số thoái vốn trong năm 2016 của Vinamilk5) [11, tr.2]. Theo số liệu của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN, đến hết tháng 6-2018, đã thoái vốn nhà nước được 42 DN, với giá trị sổ sách 1.813 tỷ đồng, thu về 5.598 tỷ đồng (gấp 3,08 lần giá trị sổ sách), trong đó 10 DN thuộc danh sách thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg. Như vậy, tổng thu từ CPH, thoái vốn trong 6 tháng đầu năm 2018 đạt 28.055,29 tỷ đồng, trong đó thu từ CPH là 22.457,29 tỷ đồng, thu từ thoái vốn là 5.598 tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2016 đến nay, tổng số thu từ CPH, thoái vốn đạt khoảng 198.000 tỷ đồng (năm 2016 là 30 nghìn tỷ; năm 2017 là 140 nghìn tỷ và năm 2018 là 28 nghìn tỷ đồng). Theo Nghị quyết của Quốc hội, tổng số thu từ CPH, thoái vốn DN nộp vào ngân sách giai đoạn 2016-2020 phải đáp ứng tối thiểu 250.000 tỷ đồng. Tính đến nay, lũy kế từ năm 2016 đến hết tháng 6-2018 đã thực hiện chuyển từ Quỹ Hỗ trợ Sắp xếp và Phát triển DN về ngân sách nhà nước là 115.000 tỷ đồng, đạt 46% kế hoạch cả giai đoạn 2016-20206 [2, tr.4].

Thứ ba, tính đến thời điểm hiện nay, Chính phủ đã phê duyệt hầu hết các phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp của các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, TCTNN (bao gồm 249 DN phải thực hiện sắp xếp theo quy định; còn 01 địa phương là thành phố Hà Nội chưa phê duyệt). Thực hiện sắp xếp lại 160/249 đơn vị. Trong đó: 78 đơn vị theo hình thức Nhà nước tiếp tục duy trì giữ 100% vốn điều lệ; 42 DN hoàn thành phương án CPH; 12 DN chuyển thành công ty TNHH hai thành viên trở lên; 23 DN đã được phê duyệt phương án giải thể; 5 DN chuyển thành Ban Quản lý rừng [2, tr.4]. 

 

4. Những vấn đề đặt ra đối với việc cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam hiện nay

 

Cho đến nay, chủ trương tái cơ cấu DNNN mới chỉ được thể hiện ở các nghị quyết của Đảng, cụ thể hóa ở các văn bản dưới luật của Chính phủ. Công tác CPH, thoái vốn cũng còn thiếu cơ sở luật định (ở nhiều nước trên thế giới, để thực hiện cải cách DNNN, họ ban hành Luật Tư nhân hóa). Bên cạnh đó, Chính phủ ban hành nhiều văn bản với các quy định mới về CPH, thoái vốn nhà nước theo hướng chặt chẽ hơn, bảo đảm tối đa lợi ích của Nhà nước, mà chưa kịp có văn bản hướng dẫn cụ thể nên các địa phương, DNNN gặp vướng mắc, lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện. Có thể nêu những vấn đề đang đặt ra đối với việc cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước như sau.

Thứ nhất, trong quá trình CPH, thoái vốn nhà nước tại DN, có một số văn bản hướng dẫn chưa được các bộ, ngành ban hành để tháo gỡ vướng mắc kịp thời. Đó là các quy định mới tại các Nghị định 126/2017/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 01-01-2018 nhưng đến nay mới có Bộ Tài Chính ban hành thông tư hướng dẫn; các bộ, cơ quan: Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng nhà nước, Bảo hiểm xã hội chưa hướng dẫn), Nghị định 32/2018/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 01-5-2018 đến nay chưa có hướng dẫn). Theo Nghị định 126/2017/NĐ-CP, một số DN không bán được cổ phần cho cổ đông chiến lược theo phương án được duyệt vì đã quá thời hạn 4 tháng sau IPO, như các Tổng công ty: Dầu, Điện lực dầu khí, Lọc hóa dầu Bình Sơn, Becamex Bình Dương [2, tr.8]. Các DN này phải thực hiện lại một số nội dung, công đoạn trong quá trình CPH, điều đó khiến thời gian CPH kéo dài.Nghị định 32/2018/NĐ-CP yêu cầu xác định giá trị văn hóa, lịch sử, bề dầy truyền thống, xác định giá trị quyền sử dụng đất đối với đất thuê trả tiền hàng năm… Khi xây dựng phương án, tổ chức thực hiện nghị định này, các đơn vị còn lúng túng, thiếu sự thống nhất. Trên thực tế, các DN tiến hành CPH đã phải rà soát thực hiện lại một số nội dung, công đoạn và vì vậy khiến thời gian CPH kéo dài hơn kế hoạch.

Thứ hai, việc phê duyệt phương án sử dụng đất của DN CPH ở các địa phương triển khai chậm chạp, thời gian thực hiện kéo dài. Theo quy định mới hiện nay thì các DN CPH phải rà soát, phê duyệt phương án sử dụng đất trước khi thực hiện xác định giá trị DN, trong khi việc phê duyệt phương án sử dụng đất của DN CPH ở các địa phương (đặc biệt là tại các thành phố lớn như thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh) gặp không ít khó khăn. Một số địa phương chưa kiên quyết trong việc thu hồi, xử lý đất đai của các DN sử dụng đất không đúng mục đích, vi phạm pháp luật về đất đai. Nhiều DNNN có quy mô lớn, đất đai nhiều, phạm vi hoạt động rộng, tình hình tài chính phức tạp dẫn đến việc xác định giá trị DN, Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán kết quả xác định giá trị DN để CPH, thoái vốn, IPO gặp nhiều khó khăn.

Thứ ba, việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu về SCIC, đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán, chấp hành chế độ báo cáo chưa được thực hiện nghiêm túc, quyết liệt ở một số bộ, ngành, địa phương, TĐKT, TCTNN. Ngày 15-8-2017, Bộ Tài Chính đã công khai danh sách 747 DN chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Theo báo cáo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ngày 30-3-2018, tính đến hết quý I năm 2018, đã có 139 DN niêm yết và đăng ký giao dịch trên Upcom7; 72 DN chưa đăng ký giao dịch, niêm yết; 23 DN đã hủy đăng ký công ty đại chúng [2, tr.7].

Thứ tư, áp lực thực hiện tiến độ CPH, thoái vốnDNNN theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giai đoạn 2016-2020 là rất lớn. Theo kế hoạch đặt ra, năm 2018 phải hoàn thành CPH 85 DN (bao gồm 21 DN thuộc danh mục năm 2017 chuyển sang và 64 DN thuộc danh mục năm 2018). Đến nay mới CPH được 19 DN (trong đó có 3 DN: Công ty Môi trường đô thị An Giang, Công ty Truyền hình cáp, Công ty Thương mại dầu khí Đồng Tháp thuộc danh mục CPH năm 2018). Cũng theo kế hoạch năm 2018, Thành phố Hồ Chí Minh phải thực hiện CPH 39 DN, thành phố Hà Nội phải thực hiện CPH 11 DN (lần lượt chiếm 61% và 17,1% kế hoạch CPH năm 2018 của cả nước), nhưng cho đến nay chưa CPH được DN nào. Tiến độ thoái vốn nhà nước tại DN diễn ra rất chậm so với kế hoạch. Theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg thì năm 2017 có 135 DN phải thực hiện thoái vốn, nhưng chỉ thoái vốn được 17 DN. Năm 2018, có 181 DN phải thực hiện thoái vốn, nhưng đến nay mới thực hiện được 10 DN [2, tr.7]. Như vậy, năm 2018, yêu cầu số lượng 181 DN phải thực hiện thoái vốn (nghĩa là mỗi tháng phải thoái vốn tại hơn 15 DN, chưa kể số lượng DN thoái vốn tại SCIC thực hiện theo kế hoạch riêng) đang trở thành áp lực lớn trong quá trình cơ cấu lại DNNN. Một trong những nguyên nhân làm cho tiến độ CPH, thoái vốn nhà nước chậm là do người đứng đầu DN phải CPH, cũng như các cơ quan đại diện chủ sở hữu TĐKT, TCTNN chưa nghiêm túc, chưa làm đúng chỉ đạo của Chính phủ về CPH, thoái vốnDNNN; chưa chủ động theo thẩm quyền hoặc tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ các vướng mắc, bất cập trong CPH, thoái vốn; còn tâm lý thận trọng, không dám làm, chờ đợi để chuyển giao nhiệm vụ cho Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN.

 

5. Giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước đến năm 2020

 

Kết quả đạt được của cơ cấu lại DNNN trong thời gian qua cho thấy, có sự cố gắng rất lớn của các ngành, các cấp từ Trung ương tới địa phương và doanh nghiệp. Tuy nhiên, số lượng DNNN cần phải sắp xếp, CPH, thoái vốn nhà nước theo Đề án cơ cấu lại giai đoạn 2016-2020 vẫn còn nhiều. Để thực hiện có kết quả các nội dung mà Đề án cơ cấu lại DNNN đề ra, cần tập trung vào những giải pháp sau.

Thứ nhất, Chính phủ cần hoàn thiện cơ chế, chính sách sắp xếp, CPH, thoái vốn nhà nước theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN (Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03-6-2017). Theo đó, các bộ, cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao cần đẩy nhanh việc hoàn thiện các văn bản pháp luật để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành đầy đủ và đúng tiến độ các cơ chế, chính sách và đề án cơ cấu lại DNNN năm 2017 chưa hoàn thành, các DN theo kế hoạch năm 2018 và các năm tiếp theo. Bộ Tài Chính cần sớm ban hành Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định số 32/2018/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN; đồng thời ban hành quy chế mẫu về bán đấu giá cổ phần để các DNNN thực hiện một cách thống nhất, từ đó đẩy nhanh tốc độ CPH, thoái vốn, vừa đảm bảo sự chặt chẽ, công khai minh bạch. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Kiểm toán nhà nước cần khẩn trương rà soát và ban hành các thông tư hướng dẫn Nghị định 126/2017/NĐ-CP ngày 16-11-2017 về chuyển DNNN và công ty TNHH một thành viên do DNNN đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần. Việc ban hành thông tư hướng dẫn một cách cụ thể đối với Nghị định 126 này sẽ tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện IPO đối với các DN đã được Thủ tướng Chính phủ, cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH; đặc biệt là, trong trường hợp DN CPH có cổ đông chiến lược sẽ kịp thời bán cổ phần trong thời hạn 4 tháng theo Nghị định 126. Việc chậm trễ tạo lập cơ chế, chính sách, ban hành thông tư hướng dẫn các Nghị định kịp thời để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện sẽ cản trở nỗ lực quá trình cơ cấu lại, CPH, thoái vốn doanh nghiệp.

Thứ hai, căn cứ Đề án cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2016-2020 đã được Chính phủ, các cấp có thẩm quyền phê duyệt, các bộ quản lý ngành, các ủy ban nhân dân cấp tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ CPH, thoái vốn nhà nước theo đúng kế hoạch đề ra. Bộ Tài Chính cần chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN theo dõi, đôn đốc theo tuần, tháng, quý đối với các ngành, địa phương, TĐKT, TCTNN (thậm chí cử cán bộ tham gia Ban Chỉ đạo CPH tại DN), kịp thời xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, hướng dẫn một cách cụ thể trong quá trình thực hiện CPH, thoái vốn nhà nước. Ngoài ra, Chính phủ cần tăng cường việc làm rõ trách nhiệm người đứng đầu DN trong việc lập đề án cơ cấu lại DN, triển khai đúng tiến độ CPH, thoái vốn.

Trên thực tế cho thấy, nếu cơ quan đại diện chủ sở hữu chấp hành nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, có sự hỗ trợ của các bộ, ngành, trên cơ sở đề xuất xử lý vướng mắc của DN, thì tiến độ CPH, thoái vốn sẽ được đảm bảo theo đúng kế hoạch. Theo số liệu thống kê, trong quý I năm 2018, đã tiến hành IPO thành công một số DN lớn của Tập đoàn Cao su, Tổng Công ty Lương thực miền Nam, Tập đoàn Dầu khí quốc gia (Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tổng Công ty Dầu Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực dầu khí Việt Nam…) [6, tr.5]. Bộ Xây Dựng đẩy nhanh tiến độ CPH Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam và Tổng Công ty Phát triển nhà và Đô thị; thực hiện thoái vốn tại các DN thuộc các danh mục thoái vốn năm 2018 theo quy định. Bộ Công Thương đã tập trung chỉ đạo CPH tại Tổng Công ty giấy Việt Nam; thoái vốn tại các DN quy mô lớn thuộc Tập đoàn Xăng dầu, các Tổng Công ty Xây dựng và Công nghiệp Việt Nam, Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội, Máy động lực và Máy nông nghiệp…, và dự kiến sẽ hoàn thành kế hoạch trong năm 2018 [2, tr.10].

Thứ ba, các cơ quan quản lý ngành cần sớm hoàn thiện Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN để Ủy ban nhanh chóng đi vào hoạt động. Việc tuyển chọn, bổ nhiệm những người lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN cần thực hiện theo cơ chế cạnh tranh, công khai, minh bạch. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN sẽ được trao quyền trở thành cơ quan duy nhất quyết định và chịu trách nhiệm giải trình trong toàn bộ quá trình CPH DNNN. Đồng thời, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN cần đóng vai trò điều phối hợp lý các đợt IPO lớn để tránh thừa cung đột ngột khi khả năng hấp thụ của thị trường có giới hạn.

Thứ tư, Chính phủ cần thiết lập cơ chế hợp tác mua bán nợ tại các DN theo lộ trình thoái vốn nhà nước. Để triển khai thuận lợi hoạt động bán vốn của SCIC tại DN, góp phần đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại DNNN, SCIC cần đề xuất cơ quan quản lý nhà nước sớm ban hành văn bản hướng dẫn các nội dung liên quan đến chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại DN (như cách xác định giá trị quyền sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm, giá trị quyền sở hữu trí tuệ và tài sản vô hình khác). Bên cạnh đó, Bộ Tài Chính cần sớm ban hành Thông tư mới thay thế Thông tư số 118/2014/TT-BTC hướng dẫn chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC. Các DN SCIC tiếp nhận chuyển giao từ các bộ, các ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố cần thực hiện chuyển giao ngay cả trong trường hợp DN chưa hoàn thành việc quyết toán CPH tại thời điểm chuyển thành công ty cổ phần (như đã được quy định tại Nghị định số 147/2017/NĐ-CP). SCIC cần đề xuất cho phép thiết lập cơ chế hợp tác mua bán nợ giữa SCIC và các tổ chức mua bán nợ trên thị trường (như Công ty TNHH một thành viên Mua bán nợ Việt Nam (DATC). Nếu cơ chế này được xây dựng và thực thi, những khoản nợ xấu, nợ khó đòi tại các DN theo lộ trình thoái vốn của SCIC sẽ được xem xét, đàm phán để bán lại cho DATC. Điều này giúp cho SCIC đẩy nhanh tiến trình bán vốn, kịp thời thu hồi vốn cho nhà nước, hoàn tất quá trình CPH toàn bộ vốn nhà nước tại DN.

Thứ năm, các DN cần tiến hành xử lý tài chính và xác định giá trị DN trước khi CPH. Căn cứ vào danh mục DN thực hiện CPH đã được các cấp phê duyệt, DN cần chủ động thực hiện xử lý các vấn đề về tài chính theo quy định hiện hành; đồng thời xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước. Các DN cần thực hiện tổ chức kiểm kê, phân loại tài sản, nguồn vốn xác định giá trị DN theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16-11-2017 để lập báo cáo tài chính tại thời điểm DN CPH chuyển sang công ty cổ phần. Việc tổ chức tư vấn xác định giá trị DN phải thực hiện xác định giá trị DN theo phương pháp tài sản quy định tại Mục 2, Chương III, Nghị định số 126/2017/NĐ-CP và hướng dẫn cụ thể tại thông tư này; đồng thời lựa chọn thêm các phương pháp xác định giá trị DN thích hợp theo quy định của pháp luật giá và thẩm định giá để xác định giá trị DN, đảm bảo mỗi DN CPH phải được áp dụng tối thiểu 2 phương pháp xác định giá trị DN khác nhau, trình cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, quyết định. Tại thời điểm xác định giá trị DN, DN cần lập bảng kê xác định đúng số lượng, hiện trạng thực tế, chất lượng và giá trị của tài sản hiện có8 do DN đang quản lý và sử dụng; kiểm quỹ tiền mặt, đối chiếu số dư tiền gửi ngân hàng; xác định tài sản, tiền mặt thừa, thiếu so với sổ kế toán; phân tích rõ nguyên nhân thừa, thiếu và trách nhiệm của những người có liên quan; xác định mức bồi thường theo quy định của pháp luật. Quá trình xử lý tài chính và xác định giá trị DN CPH phải chặt chẽ, công khai, minh bạch, đúng quy định của Nhà nước. Các tổ chức, cá nhân có liên quan khi thực hiện xử lý tài chính và xác định giá trị DN không chấp hành đúng chế độ quy định, gây ra tổn thất hoặc thất thoát tài sản nhà nước thì phải chịu trách nhiệm hành chính, bồi thường vật chất hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật [9, tr.12-13].

 

6. Kết luận

 

Việt Nam đang quyết tâm đẩy nhanh tái cấu trúc nền kinh tế, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nhằm hướng tới một nền kinh tế thị trường có hệ thống pháp luật tiên tiến, bảo đảm cho tất cả các loại hình DN hoạt động bình đẳng, lành mạnh. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang tích cực đàm phán và ký kết tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Việc tham gia các FTA thế hệ mới sẽ mở ra cho nền kinh tế nói chung, cộng đồng DN nói riêng vận hội mới để hội nhập và phát triển. Vì vậy, việc tích cực đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành mục tiêu cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là các TĐKT, TCTNN giai đoạn 2016-2020 có ý nghĩa quan trọng, khẳng định cam kết hội nhập sâu và toàn diện của Việt Nam với khu vực và thế giới.

 

Chú thích

 

2 Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 3-2-2018 của Chính phủ về thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN. Ủy ban là cơ quan đại diện chủ sở hữu của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và 18 công ty mẹ các tập đoàn, tổng công ty thuộc diện Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc có cổ phần chi phối lâu dài. Giá trị vốn ước tính của chủ sở hữu nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty này tương đương 50% tổng giá trị vốn chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước. 

3 Bao gồm: Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex), Tổng Công ty Sông Đà, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp (IDICO), Công ty THHH một thành viên Dịch vụ truyền hình Viễn thông Việt Nam (VTC Broadcom), Công ty THHH một thành viên cấp nước Sóc Trăng, Công ty THHH một thành viên công trình đô thị Sóc Trăng, Công ty THHH một thành viên kinh doanh nước sạch Hưng Yên.

4 Theo phương án CPH được phê duyệt, vốn điều lệ của 16 DN này là 136.205,37 tỷ đồng; Nhà nước nắm giữ 54,12%, người lao động nắm 0,52%, bán cho cổ đông bên ngoài là 45,36%. Trong đó, có một số DN quy mô lớn như: Tổng Công ty Điện lực dầu khí Việt Nam, Tổng Công ty Dầu VN, Công ty THHH một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tổng Công ty Phát điện 3, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội.

5 Trong năm 2017, SCIC triển khai bán tiếp một phần vốn tại Vinamilk. Tổng lượng vốn bán đợt này là 48,33 triệu cổ phiếu, tương ứng 3,3% vốn tại Vinamilk.

6 Bao gồm: năm 2016 đã chuyển 30.000 tỷ đồng; năm 2017 đã chuyển 60.000 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2018 đã chuyển 25.000 tỷ đồng. Số còn lại phải chuyển về ngân sách nhà nước (NSNN) là 135.000 tỷ đồng, trong đó năm 2018 còn phải nộp về NSNN là 40.000 tỷ đồng, năm 2019 là 50.000 tỷ đồng, năm 2020 là 45.000 tỷ đồng.

7Sàn Upcom (Unlisted Public Company Market) là tên gọi cho các công ty đại chúng chưa lên sàn chứng khoán. Upcom được tổ chức tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Hàng hóa hiện nay trên sàn chứng khoán Upcom chủ yếu là cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi của các công ty đại chúng không niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán. Upcom quy định các công ty có cổ phiếu giao dịch phải công bố thông tin định kỳ và bất thường theo yêu cầu của HNX. Các công ty này còn phải công bố thông tin về giao dịch cổ phiếu quỹ, giao dịch của thành viên hội đồng quản trị, ban giám đốc, ban kiểm soát và những người có liên quan…

8 Tài sản đã kiểm kê được phân loại theo 09 nhóm: (1) tài sản dùng trong hoạt động sản xuất - kinh doanh; (2) tài sản ứ đọng, chờ thanh lý; (3) tài sản hình thành từ nguồn quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi; (4) tài sản thuê, mượn, nhận ký gửi; (5) tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước phải xử lý theo phương án sắp xếp lại theo quyết định phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền; (6) tài sản của các đơn vị sự nghiệp có thu; (7) tài sản chờ quyết định xử lý của các cơ quan có thẩm quyền; (8) các khoản đầu tư tài chính, đầu tư bằng giá trị quyền sử dụng đất; (9) tài sản khác (nếu có).

 

Tài liệu tham khảo

[1]     Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp (2014), Tình hình tái cơ cấu DNNN năm 2014, nhiệm vụ, giải pháp năm 2015, Hà Nội.

[2]     Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp (2018), Báo cáo tình hình sắp xếp, CPH, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN và phát triển DN 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2018, Hà Nội. 

[3]     Bộ Tài chính (2014), Báo cáo hoạt động sản xuất, kinh doanh của DNNN, Hà Nội.

[4]     Nguyễn Anh Dũng (2014), “Bước chuyển biến mới trong cổ phần hóa”, Báo Nhân Dân, số ra ngày 28-7.

[5]     Thu Hằng (2014), “Luật hóa đầu tư và quản lý vốn nhà nước tại DN: Tạo lập lộ trình mới cho cải cách DNNN”, Tạp chí Tài chính doanh nghiệp, số 6.

[6]     Thu Hằng (2018), “Trách nhiệm người đứng đầu vẫn là đầu tiên”, Tạp chí Tài chính doanh nghiệp, số 7.

[7]     Hồ Sỹ Hùng (2012), “Đổi mới, sắp xếp doanh

 nghiệp nhà nước và một số thách thức đặt ra”, Tạp chí Cộng sản, số 10.

[8]   Hồ Sỹ Hùng (2014), “Thực hiện quyền của chủ sở hữu nhằm thúc đẩy cổ phần hóa và nâng cao hiệu quả DNNN”, Báo Nhân Dân, số ra ngày 9-4.

[9]   Nguyễn Huyền (2018), “9 nguyên tắc xử lý tài chính khi thực hiện cổ phần hóa”, Tạp chí Tài chính doanh nghiệp, số 7.

[10]   Trang Lê (2014), “Sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp: Cần cú huých từ DATC”, Tạp chí Tài chính doanh nghiệp , số 11.

[11]   Hà Minh (2017), “Tái cơ cấu DNNN: Nhiều DN mới phê duyệt nhập cuộc”, Tạp chí Tài chính doanh nghiệp, số 8.

[12]   Vũ Văn Ninh (2014), “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, những kết quả đạt được và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2015”, Tạp chí Cộng sản, số 2.

[13]   Nguyễn Quang Thuấn (Chủ biên) (2014), Cải cách doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam sau gần 30 năm đổi mới: Thực trạng và giải pháp, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

[14]   Ngô Văn Vũ (2015), “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước Việt Nam giai đoạn 2011-2015”, Tạp chí Những vấn đề Kinh tế và Chính trị thế giới, số 6 (230).

[15]   Ngo Van Vu (2015), “Restructuring of State-owned enterprises: results, challenges, and solutions”, Political Theory, Research Journal and Scientific Voice of Ho Chi Minh National Academy of Politics, Hanoi.

 
Nguồn: Khoa học xã hội Việt Nam, số 10 - 2018
Tác giả: TS. Ngô Văn Vũ
Cập nhật tin tức về khoa học xã hội tại: tapchikhxh.vass.gov.vn