Phục hồi và tăng trưởng kinh tế ở các nước ASEAN sau đại dịch COVID-19

Cập nhật 09:00 ngày 06/12/2022
(Kinh tế) - Sáng 25/11/2022, tại Hà Nội, Hội nghị thường niên lần thứ 45 của Liên đoàn các Hội Khoa học Kinh tế ASEAN (FAEA-45) chính thức khai mạc với chủ đề "Phục hồi và tăng trưởng kinh tế ở các nước ASEAN sau đại dịch COVID-19 và trong bối cảnh nền kinh tế quốc tế có những biến động lớn". Liên đoàn FAEA có 7 nước tham gia chính thức là Campuchia, Indonesia, Malaysia, Philipin, Singapo, Thai Lan và Việt Nam và 4 nước khác là khách mời gồm: Brunei, Lào, Myanma và Đông Timo. Hội nghị khoa học lần này có sự tham gia của 9/10 nước ASEAN (Brunei vắng mặt), trong đó có 40 đại biểu đến từ nước ngoài.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội nghị
 
Đại dịch Covid-19 vốn đã làm đình trệ hoạt động kinh tế trên quy mô toàn cầu, vừa mới có dấu hiệu kết thúc thì những xung đột chính trị căng thẳng ở một số khu vực lại đang làm cho thế giới có nguy cơ lâm vào những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về an ninh chính trị, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, lạm phát và suy thoái kinh tế. Phát biểu tại Hội nghị, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, FAEA-45 được tổ chức sau hai năm gián đoạn do đại dịch COVID-19 bùng phát, là dịp để đông đảo các nhà kinh tế của các nước ASEAN trực tiếp gặp gỡ, cùng nhau thảo luận, đánh giá tiến trình phục hồi và triển vọng của các nền kinh tế trong khu vực sau đại dịch, trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh chưa từng thấy, có nhiều bất định, bất ổn, những tình huống đảo chiều, đột biến và rủi ro khó lường.
 
Theo các dự báo, tăng trưởng của các nền kinh tế lớn có thể giảm mạnh và kinh tế thế giới sẽ rất khó khăn trong năm 2023, tác động mạnh đến các nền kinh tế ASEAN vốn vẫn bị lệ thuộc nhiều vào nền kinh tế bên ngoài. Phục hồi và phát triển kinh tế đã trở thành tâm điểm tại hội nghị các cấp của ASEAN và là chủ đề quan trọng của các cuộc trao đổi, thảo luận giữa các nhà lãnh đạo ASEAN và các nước đối tác liên tục trong những tháng qua. Các nước đều nhận thức sâu sắc về yêu cầu phải phối hợp hành động, từ các giải pháp của mỗi quốc gia cho đến các giải pháp khu vực và quốc tế; từ phối hợp trong những lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường cho đến giải quyết các điểm nóng của khu vực và các xung đột, mâu thuẫn, cạnh tranh địa chính trị trên toàn cầu…
 
GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng đề nghị, với vị thế là những người đi tiên phong trong đổi mới tư duy kinh tế, các nhà kinh tế học cần tích cực đóng góp trí tuệ, khởi thảo ý tưởng, đề xuất cơ chế, chính sách phát triển mới, có tính đột phá, sáng tạo, với phương châm: Tư duy toàn cầu, tầm nhìn quốc gia, hành động địa phương, trách nhiệm của từng cá nhân và cộng đồng. Đồng thời, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng cũng gợi mở một số vấn đề cần nghiên cứu với các đại biểu để FAEA phát huy mạnh mẽ hơn vai trò như một cơ cấu bình đẳng trong cộng đồng ASEAN theo các quy định của Hiến chương ASEAN 2007.
 
 
Quang cảnh Hội nghị
 
GS.TSKH. Nguyễn Quang Thái, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh các nền kinh tế trong khu vực ASEAN đối mặt nhiều thách thức về hồi phục hậu Covid, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động. Trong lúc chưa phục hồi vững từ cú sốc do COVID gây ra, các nền kinh tế Đông Nam Á tiếp tục phải ứng phó với sự leo thang của lạm phát, biến động tỷ giá và lãi suất toàn cầu, cũng như nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới. Với chủ đề lớn là “Phục hồi và tăng trưởng kinh tế ở các nước ASEAN sau đại dịch COVID-19 và chiến lược ứng phó trong bối cảnh nền kinh tế có những biến động lớn”, hội nghị có 3 phiên họp toàn thể và 7 phiên họp song song, với gần 40 tham luận thuộc 14 nhóm chủ đề của các chuyên gia đến từ Việt Nam và các quốc gia khác trong khu vực ASEAN. 7 phiên họp với các chủ đề: (i) Khôi phục và tăng trưởng kinh tế sau đại dịch COVID-19; (i) Tình hình an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp; (iii) Mục tiêu phát triển bền vững, phát triển con người dưới ảnh hưởng của đại dịch COVID-19; (iv) An ninh và chuyển đổi cơ cấu năng lượng, giao thông vận tải và hậu cần, du lịch; (v) Tài chính, tiền tệ, lạm phát, chứng khoán; (vi) Tác động của đại dịch COVID-19 đối với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp; (vii) Hợp tác kinh tế và hội nhập quốc tế của ASEAN trong bối cảnh toàn cầu mới.
 
PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, phát biểu tại Hội nghị
TS. Phạm Bích Ngọc, Viện Kinh tế Việt Nam, báo cáo tham luận tại Hội nghị
 

Các phiên thảo luận diễn ra sôi nổi và tâm huyết, xoay quanh cả các cơ hội và thách thức mà nền kinh tế khu vực đang đối mặt. Rất nhiều phân tích, đánh giá thực nghiêm, phát hiện mới, ý tưởng mới đa dạng đã được đưa ra, tạo cơ hội cho các nhà kinh tế và nghiên cứu tiếp tục đi sâu nghiên cứu và đề xuất các kiến giải khoa học một cách chủ động, đa chiều với lãnh đạo, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức xã hội.
 
Hội thảo là dịp để đông đảo các nhà kinh tế của các nước ASEAN trực tiếp gặp gỡ, cùng nhau thảo luận, đánh giá tiến trình phục hồi và triển vọng của các nền kinh tế trong khu vực sau đại dịch, trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh chưa từng thấy, có nhiều bất định, bất ổn, những tình huống đảo chiều, đột biến và rủi ro khó lường. Đây cũng là sự kiện đối ngoại nhân dân quan trọng góp phần nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam trong bối cảnh mới.
 
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị
 
Cập nhật tin tức về khoa học xã hội tại: tapchikhxh.vass.gov.vn