(Chính trị) - Cuộc nội chiến Trịnh - Nguyễn kéo dài gần nửa thế kỷ (1627 - 1672). Họ Trịnh và họ Nguyễn thỏa thuận “lấy sông Gianh làm giới tuyến. Phía nam sông là Nam Hà, phía bắc sông là Bắc Hà. Từ đấy Nam Bắc nghi binh”(1). Sử cũ gọi đất Bắc Hà là Đàng Ngoài, đất Nam Hà là Đàng Trong trong cùng một quốc gia Đại Việt. Khi đã ổn định, các chúa Nguyễn đã chú ý tới các chính sách đối với các dân tộc thiểu số. Bài viết tập trung tới các chính sách của các chúa Nguyễn trong giai đoạn này: đánh dẹp những cuộc nổi dậy của các dân tộc thiểu số để đẩy nhanh quá trình Nam tiến và củng cố sự vững bền của xứ Đàng Trong; sẵn sàng bảo vệ và tin tưởng sử dụng, trọng dụng những người quy phục cùng nhân tài người dân tộc thiểu số; không có thái độ kỳ thị chủng tộc và để cho các dân tộc thiểu số được sống theo truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán của họ.
1.Mở đầu
Nguyễn Hoàng, năm 1558 vào trấn thủ Thuận Hóa, đến năm 1570 được triều đình Lê - Trịnh cho kiêm lãnh cả xứ Quảng Nam. Bấy giờ đất cực Nam của xứ Quảng Nam là huyện Tuy Viễn, thuộc phủ Hoài Nhân, tức thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định ngày nay. Bên kia đèo Cù Mông, ranh giới giữa tỉnh Bình Định và tỉnh Phú Yên, là nước Chiêm Thành.
Có thể nói, ngay từ khi xin vào làm Trấn thủ Thuận Hóa, Chúa Tiên (Nguyễn Hoàng) đã ôm ấp tham vọng rạch đôi sơn hà, phát triển thế lực về phương Nam, để đối đầu với họ Trịnh ở Đàng Ngoài.
Năm 1611, Nguyễn Hoàng sai Chủ sự Văn Phong (không rõ họ) đem quân vào đánh Chiêm Thành, lấy đất bên kia đèo Cù Mông đến núi Thạch Bi (tức núi Đá Bia do vua Lê Thánh Tông dựng năm 1471) đặt làm phủ Phú Yên, gồm 2 huyện: Đồng Xuân và Tuy Hòa, cho Văn Phong làm Lưu thủ cai trị đất ấy(2).
Năm 1613, khi lâm chung, Nguyễn Hoàng dặn người con nối nghiệp là Nguyễn Phúc Nguyên rằng: “Đất Thuận Quảng, phía Bắc có núi Hoành Sơn (Đèo Ngang) và sông Linh Giang (sông Gianh) hiểm trở, phía Nam có núi Hải Vân và núi Thạch Bi vững bền. Núi sẵn vàng, sắt, biển có cá muối; thật là đất dụng võ của người anh hùng. Nếu biết dạy dân, luyện binh để chống chọi với họ Trịnh, thì đủ xây cơ nghiệp muôn đời. Ví bằng thế lực không địch được, thì cố giữ đất đai để chờ cơ hội, chứ đừng bỏ qua lời dặn của ta”(3).
Năm 1629, Lưu thủ Phú Yên là Văn Phong giữ chức đã lâu năm, thân cận với người Chăm, bèn dùng quân đội Chiêm Thành để làm phản. Chúa Nguyễn Phúc Nguyên sai Phó tướng Nguyễn Phúc Vinh đi đánh, dẹp yên, và đổi phủ Phú Yên làm dinh Trấn Biên. Khi mới mở mang lãnh thổ Đàng Trong, những nơi địa đầu biên giới đều được các chúa Nguyễn gọi là Trấn Biên(4).
Năm 1648, quân của chúa Trịnh Tráng xâm lấn đất Nam Hà. Bấy giờ chúa Nguyễn Phúc Lan không được khỏe, nên sai con là Nguyễn Phúc Tần thay làm tướng chỉ huy đánh trả quân địch. Trong trận đánh ở dinh Quảng Bình, quân Nguyễn đại thắng, bắt
sống được nhiều tướng lĩnh và 3 vạn quân Trịnh. Đối với số quân địch nhiều như vậy, chúa Nguyễn Phúc Lan bèn họp các tướng tá bàn cách xử trí thế nào cho ổn thỏa. Có người cho rằng quân giặc vốn tráo trở, để đấy thì sợ sinh biến, không bằng đưa họ đi đến chốn núi sâu, hay nơi hải đảo, để khỏi lo về sau. Có người lại cho rằng nên giết hết các tướng hiệu đi, còn quân lính thì thả về miền Bắc.
Nhưng chúa Nguyễn Phúc Lan có lựa chọn sáng suốt và đầy tính nhân đạo, ông nói: “Hiện nay từ miền Thăng Hoa, Điện Bàn trở vào Nam, đều là đất cũ của người Chàm, dân cư thưa thớt, nếu đem chúng an tháp vào đất ấy, cấp cho trâu, cầy bừa, chia ra từng bộ, từng xóm, tính nhân khẩu cấp cho lương ăn để chúng khai khẩn ruộng hoang, thì trong khoảng mấy năm, thuế má thu được có thể đủ giúp quốc dụng, và sau hai mươi năm, sinh sản ngày càng nhiều, có thể thêm vào quân số, có gì mà lo về sau!”(5). Sau đó, ông tha cho số tướng tá họ Trịnh hơn 60 người trở về Bắc, rồi chia số 3 vạn binh ra cho ở các nơi, từ Thăng Hoa, Điện Bàn đến Phú Yên, cứ 50 người cho lập thành một ấp, đều cấp cho lương ăn nửa năm. Lại ra lệnh cho nhà giàu bỏ thóc cho họ vay và cho họ tự tìm kiếm lấy những món lợi núi đầm để sinh sống. Từ đó, từ Thăng Hoa, Điện Bàn đến Phú Yên, làng mạc nối liền nhau, số hộ khẩu gia tăng đáng kể”(6).
Năm 1653, nhận thấy vua Chiêm Thành là Bà Tấm hay xâm lấn Phú Yên, chúa Nguyễn Phúc Tần sai Cai cơ Hùng Lộc (không rõ họ) làm Thống binh, Xá sai Minh Vũ (không rõ họ) làm Tham mưu đem 3.000 quân vào đánh. Quân Nguyễn vượt qua đèo Hổ Dương, núi Thạch Bi, kéo thẳng đến kinh thành của Chiêm Thành, rồi đang đêm phóng lửa đốt thành, đánh bại quân Chiêm. Bà Tấm bỏ thành, chạy trốn. Quân Nguyễn thừa thắng tiến vào đến sông Phan Rang. Bà Tấm sai con là Xác Bà Ân mang thư xin hàng. Chúa Nguyễn Phúc Tần lại chiếm thêm một phần lớn đất Chiêm Thành, từ Phú Yên đến sông Phan Rang, lập thành 2 phủ: Thái Khang (gồm 2 huyện: Quảng Phúc và Tân An) và Diên Ninh (sau đổi là Diên Khánh, gồm 3 huyện: Phúc Điền, Vĩnh Xương, Hoa Châu). Hai phủ mới lập ấy họp thành dinh Thái Khang(7), do Hùng Lộc làm Trấn thủ(8). Như vậy, kể từ đây phần lớn đất đai của 2 tiểu quốc Chiêm Thành và Hoa Anh do Lê Thánh Tông chia lập ra(9) đã bị họ Nguyễn sát nhập vào lãnh thổ Đại Việt, vua Chiêm Thành là Bà Tấm chỉ còn giữ được miền đất phía Nam sông Phan Rang và hằng năm phải triều cống Chúa Nguyễn.
Sau khi cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn (1627 - 1672) chấm dứt, họ Nguyễn càng đẩy nhanh hơn công cuộc Nam tiến. Năm 1693, chúa Nguyễn Phúc Chu sai Thống binh Nguyễn Hữu Kính tiến quân vào đánh Chiêm Thành. Vua Chiêm Thành là Bà Tranh bỏ chạy. Tháng 4 năm ấy, Nguyễn Hữu Kính bắt được Bà Tranh và bầy tôi là Tả Trà Viên Kế Bà Tử với thân thuộc là Năng Mi Bà Ân đem về Phú Xuân. Chúa Nguyễn Phúc Chu liền đổi đất Chiêm Thành còn lại ở phía Nam sông Phan Rang làm trấn Thuận Thành và sát nhập vào lãnh thổ Đại Việt. Từ đây, nước Chiêm Thành hoàn toàn không còn trên bản đồ(10).
Có thể nói, quá trình Nam tiến của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong diễn ra tương đối nhanh và vững chắc là do nhiều nguyên nhân. Theo chúng tôi, trong những nguyên nhân ấy là những chính sách đúng đắn đối với dân tộc thiểu số của chúa Nguyễn tại miền đất mới này. Dưới đây, chúng tôi xin trình bày tóm lược những chính sách ấy.
2. Đẩy nhanh quá trình Nam tiến và củng cố sự vững bền của xứ Đàng Trong
Sau khi bình định xong Chiêm Thành, Thống binh Nguyễn Hữu Kính bắt Bà Tranh đem về Phú Xuân. Chúa Nguyễn Phúc Chu sai kể tội và giam ở núi Ngọc Trản (Hòn Chén), hằng tháng cấp cho tiền, gạo, vải lụa đủ dùng(11). Năm sau, 1694, Bà Tranh mất, chúa Nguyễn Phúc Chu cho 200 quan tiền và gấm vóc, để hậu táng(12).
Để đề phòng sự phản ứng của người Chăm, chúa Nguyễn Phúc Chu sai Cai đội Nguyễn Trí Thắng đem quân giữ Phố Hài, Cai cơ Nguyễn Tân Lễ giữ Phan Rí, Cai đội Chu Kiêm Thắng giữ Phan Rang (Phố Hài, Phan Rí, Phan Rang bấy giờ đều thuộc Bình Thuận). Tháng 9 năm 1693, đổi trấn Thuận Thành làm phủ Bình Thuận. Chúa Nguyễn Phúc Chu muốn vỗ về, phủ dụ người Chăm, nên đã bổ viên quan cũ của Chiêm Thành là Kế Bà Tử làm Khám lý phủ Bình Thuận, ba người con của Bà Ân làm Đề đốc, Đề lãnh và Cai phủ, sai mặc quần áo như người Kinh (Việt) để cai trị người Chăm(13).
Nhưng người Chăm vẫn nổi dậy chống đối kịch liệt. Tháng 12 năm Quý Dậu (1693), viên quan Chiêm Thành là Hữu Trà Viên Ốc Nha Thát liên kết với một người Hoa kiều ở Thuận Thành, tên là A Ban. Trước đó, khi Bà Tranh bị bắt, thì hai người chạy về đất Đại Đồng mưu nổi loạn. Ở đây A Ban đổi tên là Ngô Lãng tự xưng mình có phép hô phong, hoán vũ, gươm đao không thể làm bị thương. Một người Chăm ở Thuận Thành là Chế Vinh kêu gọi dân Chăm đi theo A Ban. Đến đây, A Ban đem đảng chúng cướp Phố Hài, Cai đội Nguyễn Trí Thắng đuổi theo, bị phục binh giết chết. Cai đội dinh Bà Rịa là Dực và Thư ký là Mai (đều không rõ họ) đem quân đến cứu viện, đều bị chết cả. A Ban bèn mưu đánh Phan Rí, biết Cai cơ Nguyễn Tân Lễ có sức mạnh, khó đánh được, bèn sai một cô gái Chăm bỏ thuốc độc vào quả chuối cho Tân Lễ ăn. Nguyễn Tân Lễ bị câm. A Ban lại tung nhiều tiền bạc để ngầm liên kết với quân của Tân Lễ làm nội ứng. Đến khi lâm trận, Nguyễn Tân Lễ bị bọn phản binh đâm chết, dinh trại của cải bị đốt và cướp phá gần hết. A Ban lại kéo quân đến Phan Rang. Cai đội Chu Kiêm Thắng vì ít quân nên đóng cửa thành tử thủ. Vừa lúc ấy Khám lý Kế Bà Tử đến, Chu Kiêm Thắng bắt trói lại, để ngoài cửa thành, bảo sẽ đem chém. Ốc Nha Thát sợ Kế Bà Tử bị giết, nói với A Ban giải vây Phan Rang, Chu Kiêm Thắng bèn thả cho Kế Bà Tử về.
Tháng 2 năm 1694, A Ban lại đem quân vào vây Phan Rang. Chu Kiêm Thắng báo
tin gấp về dinh Bình Khang. Trấn thủ Nguyễn Hữu Oai và Lưu thủ Nhuận (không rõ họ) tiến binh theo đường thượng đạo để giải vây Phan Rang. A Ban tiến quân giữ làng Ô Liêm. Lưu thủ Nhuận và các Cai cơ Tống Tuân, Nguyễn Thành chia quân giáp đánh. A Ban chạy về Phố Châm, quân Nguyễn đuổi theo sát. A Ban lại chạy về Thượng Dã là biên giới với Chân Lạp. Lưu thủ Nhuận đưa quân về
báo lên chúa Nguyễn Phúc Chu. Nguyễn Phúc Chu ra lệnh cho Cai cơ Nguyễn Hữu Kính và Văn chức Trinh Tường (không rõ họ) tùy nghi xử trí. Cai cơ Nguyễn Thắng Hổ đem quân tiến đánh, mới dẹp yên được bọn A Ban(14).
Người Chăm vẫn thỉnh thoảng nổi lên chống đối Chúa Nguyễn. Năm 1746, ở Thuận Thành, người Chăm là Dương Bao Lai và Diệp Mã Lăng nổi loạn. Lưu thủ dinh Trấn Biên là Nguyễn Cương, đem quân đi đánh, đắp lũy Cổ Tỉnh để chống giặc, rồi thừa lúc sơ hở đánh úp bắt được Dương Bao Lai và Diệp Mã Lăng giết đi(15).
Việc đánh dẹp các cuộc nổi dậy của các thủ lĩnh người Chăm liên kết với một số kẻ phiêu lưu chính trị người Hoa của các Chúa Nguyễn vừa kể trên là cần thiết và hợp với quy luật phát triển của lịch sử. Công cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam, trong đó có cả người Kinh (Việt) và người Chăm..., còn kéo dài hơn nửa thế kỷ nữa mới kết thúc. Thử hỏi, nếu các cuộc nổi loạn cứ xảy ra liên tục, năm này qua năm khác tại xứ Đàng Trong, thì dân tộc Việt Nam lấy đâu ra sức mạnh đoàn kết để tiến hành sứ mệnh lớn lao là mở mang rộng bờ cõi về phương Nam mà lịch sử đã giao phó?
3. Tin tưởng trọng dụng những người quy phục và nhân tài người dân tộc thiểu số
Trong các biến cố vừa kể trên, một số người Chăm chạy vào vùng đất Chân Lạp ở phía Nam, hay miền Cao nguyên phía Tây(16). Tháng 9 năm 1694, Khám lý Kế Bà Tử trình bày với chúa Nguyễn Phúc Chu rằng: “Từ khi vị hiệu đời trước thay đổi đến giờ, xảy ra nạn đói kém luôn, nhân dân (Chăm) chết về tật dịch rất nhiều”. Ý của Kế Bà Tử là muốn phục hồi vương hiệu cho nước mình. Chúa Nguyễn Phúc Chu bèn cho đổi lại là trấn Thuận Thành, vẫn cho Kế Bà Tử làm Tả Đô đốc để thống trị(17).
Cuộc nổi loạn của người Chăm do A Ban cầm đầu, cùng với lời trình bày của Kế Bà Tử, có lẽ đã khiến cho chúa Nguyễn Phúc Chu thấy rằng bỏ ngay nước Chiêm Thành, đặt ngay người Chăm dưới quyền cai trị của người Kinh (Việt) là chưa tiện, nên tháng 12 năm 1694, đã phong Kế Bà Tử làm Phiên vương trấn Thuận Thành. Từ đây, Phiên vương Kế Bà Tử trực tiếp cai trị người Chăm, hằng năm nộp cống. Chúa Nguyễn Phúc Chu lại sai trả hết những ấn, gươm, yên, ngựa và những người Chăm bị bắt trước đây cho Phiên vương Kế Bà Tử(18). Lệ cống hằng năm gồm có: voi đực 2 thớt(19), bò vàng 20 con, ngà voi 6 chiếc, sừng tê 10 tòa, khăn vải trắng 500 bức, sáp ong 50 cân(20), da cá 200 tấm(21), cát sủi 400 thúng(22), chiếu tre trắng 500 lá, gỗ mun 200 cây, thuyền dài 1 chiếc(23).
Năm 1679, các viên tướng cũ của nhà Minh (1368 - 1644) là Tổng binh Long Môn(24) Dương Ngạn Địch, Phó tướng Hoàng Tiến, Tổng binh Cao Lôi Liêm(25) Trần Thượng Xuyên, Phó tướng Trần An Bình, đem binh lính và gia quyến hơn 3.000 người và hơn 50 chiếc thuyền, chạy vào đậu dọc theo bờ biển từ của Eo (cửa Tư Dung) đến cửa Đà Nẵng. Tuần quan cửa Tư Dung là Trí Thắng hầu, đi thuyền nhỏ ra hỏi, Dương Ngạn Địch treo cờ trắng rồi trình lên rằng: “Chúng tôi là tôi lưu vong của nhà Đại Minh, vì nước thề hết lòng trung, nay lực kiệt, thế cùng, quốc tộ nhà Minh đã chấm dứt, chúng tôi chẳng chịu làm tôi nhà Thanh, nên chạy đến quý quốc, thành tâm xin làm tôi tớ”(26).
Sau đó, Dương Ngạn Địch sai Hoàng Tiến, Quách Tam theo Trí Thắng hầu đến phủ Chúa trình bày ý muốn. Chúa Nguyễn Phúc Tần (1648 - 1687) cùng với bầy tôi bàn bạc cách xử trí. Có người bàn rằng: “Phong tục tiếng nói của họ đều khác, khó bề sai dung, nhưng họ bị thế cùng bức bách đến đây thì không nỡ cự tuyệt. Nay đất Đông Phố (tức đất Gia Định) nước Chân Lạp đồng ruộng phì nhiêu nghìn dặm, triều đình chưa rỗi mà kinh lý, chi bằng nhân lấy sức họ cho đến khai khẩn để ở, làm một việc mà lợi ba điều”(27). Chúa Nguyễn Phúc Tần theo lời bàn ấy bèn sai đặt yến tiệc, an ủi, khen ngợi cho các tướng lĩnh y chức cũ, phong thêm quan tước mới, khiến vào ở đất Đông Phố để mở mang đất ấy. Chúa lại sai Xá sai Văn Trình, Tướng thần lại Văn Chiêu gửi thư cho vua Chân Lạp yêu cầu chia cấp đất đai cho họ. Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên đến phủ Chúa để tạ ơn, vâng theo chỉ dụ vào Nam. Chúa lại sai Văn Trình, Văn Chiêu đi theo họ để hướng dẫn. Binh thuyền của Dương Ngạn Địch và Hoàng Tiến vào cửa Lôi Lạp (thuộc Gia Định), đến định cư ở Mỹ Tho; binh thuyền của Trần Thượng Xuyên, Trần An Bình theo cửa Cần Giờ, lên định cư ở Bàn Lân thuộc Biên Hòa(28). Sách Đại Nam thực lục chép: “Họ vỡ đất hoang, dựng phố xá, thuyền buôn của người Thanh (tức người Hoa) và các nước Tây Dương, Nhật Bản, Chà Và(29) đi lại tấp nập, do đó mà phong hóa Hán (phong hóa văn minh) thấm dần vào đất Đông Phố”(30).
Ở Biên Hòa, Trần Thượng Xuyên tập trung thương nhân người Hoa ở Đại phố Châu (tức Cù Lao Phố) ở giữa sông Nông Nãi (tức sông Đồng Nai) phía Nam tỉnh lỵ Biên Hòa (thuộc tỉnh Đồng Nai ngày nay). Tại Cù Lao Phố, người Châu Âu, người Nhật, người Mã Lai, người Trung Quốc… đến mua bán ngày càng phát triển, phồn thịnh, trở thành một trung tâm thương nghiệp quan trọng của đất phương Nam.
Ở Mỹ Tho, Dương Ngạn Địch(31) cũng lập Mỹ Tho Đại phố; tàu thuyền nước ngoài lui tới buôn bán đông đúc; người Hoa, người Khơme, người Kinh vỡ đất hoang làm ruộng, chia lập trang trại, thôn ấp.
Từ khi Dương Ngạn Địch đến ở Mỹ Tho (1679), Nguyễn Hữu Kính lập phủ Gia Định (1698), thì đất thuộc tỉnh Gia Định, tỉnh Biên Hòa sau này đã công nhiên thuộc vào bản đồ xứ Đàng Trong. Còn trên vùng đất Mỹ Tho, chúa Nguyễn cũng cho đặt được một thứ bán chính quyền.
Tháng 9 năm 1708, chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 - 1725) cho Mạc Cửu(32) (1658 - 1735) làm Tổng binh trấn Hà Tiên. Mạc Cửu quê ở phủ Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông, vốn là một chủ tầu buôn, thường buôn bán với Philippin… Ông có quan hệ mật thiết với Trịnh Thành Công ở Đài Loan, trong việc khuếch trương mậu dịch Đài Loan ở hải ngoại. Sau khi thấy nhà Minh không thể phục hưng được, ông không chịu cạo tóc, gióc bím theo nhà Thanh. Vào khoảng năm 1680, Mạc Cửu chạy sang cư ngụ ở Chân Lạp, làm chức Ốc nha tại nước này. Thấy chính sự nước này rối ren, mà ở phủ Sài Mạt của nước ấy có nhiều người buôn các nước tụ họp, bèn mở sòng bạc, để thu thuế “Hoa chi”, lại đào được một hố bạc chôn, nên trở thành giàu có. Mạc Cửu bèn xây một ngôi thành trên bờ biển, mở phố xá, rồi chiêu tập lưu dân đến ở các nơi: Phú Quốc, Cần Bột (Kampot), Giá Khê (Rạch Giá), Luống Cày, Hương Úc (tức Vũng Thơm, Kompong Som), Cà Mau, lập thành 7 xã, thôn. Thấy truyền rằng đất ấy có tiên hay hiện ra ở trên sông, nhân thế Mạc Cửu đặt tên đất ấy là Hà Tiên (河 仙). Vào khoảng những năm 1687, 1688, quân Xiêm La (Thái Lan) vào cướp Hà Tiên, bắt được Mạc Cửu về Xiêm, cho ở hải cảng Vạn Tuế Sơn (Muang Gialapuri). Sau một thời gian, ông lén trở về Long Kỳ, rồi vào khoảng năm 1700 trở về Hà Tiên(33).
Từ năm 1698, chúa Nguyễn lập phủ Gia Định, địa vị của người Kinh (Việt) trên đất Thủy Chân Lạp vững chãi, còn ở Chân Lạp thì nội loạn liên tục, người Xiêm La luôn luôn can thiệp và chờ cơ hội để xâm lấn. Trước tình hình ấy vì muốn duy trì địa vị của mình, nên Mạc Cửu đã theo lời khuyên của mưu sĩ họ Tô, cho bộ thuộc là Trương Cầu, Lý Xã đem ngọc, lụa đến Phú Xuân dâng biểu xưng thần, xin cho làm Hà Tiên trưởng. Chúa Nguyễn nhận cho, trao cho chức Tổng binh(34). Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức cũng chép: “Tháng 8, mùa Thu năm thứ 18, Mậu Tý (1708): Chuẩn ban cho Mạc Cửu làm Tổng binh trấn Hà Tiên và phong tước Cửu Ngọc hầu. Mạc Cửu lo xây dựng dinh ngũ và đóng binh tại Phương Thành (Hà Tiên), từ đó dân càng quy tụ đông đúc”(35).
Những chính sách đúng đắn của các chúa Nguyễn đối với số di thần của nhà Minh nói trên đã khiến họ và con cháu nhanh chóng hội nhập vào đời sống vật chất, cũng như
đời sống tinh thần trên quê hương mới. Không lâu sau đó, họ và con cháu họ đã trở thành người Hoa (hay đúng hơn là người Việt gốc Hoa) trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Các chúa Nguyễn không bao giờ tỏ ra kỳ thị chủng tộc đối với hậu duệ của số người Hoa này. Nếu con cháu họ có tài đức đều được Chúa Nguyễn trọng dụng.
Năm 1735, khi Tổng trấn Hà Tiên Mạc Cửu mất, chúa Nguyễn Phúc Trú truy tặng Khai trấn Thượng trụ quốc Đại tướng quân, ban tước Vũ Nghị công; năm sau (1736), lấy con Mạc Cửu là Mạc Thiên Tứ làm Đô đốc trấn Hà Tiên(36).
Sau khi Trần Thượng Xuyên mất, Chúa Nguyễn cho con trai ông ta, Trần Đại Định, được ấm tử(37). Trần Đại Định làm quan tới chức Thống binh. Con trai của Trần Đại Định là Trần Đại Lực làm đến Cai đội(38).
Trịnh Hoài Đức (1765 - 1825), tác giả cuốn sách Gia Định thành thông chí, làm quan vào đầu triều Nguyễn, dưới thời Gia Long (1802 - 1819) và đầu thời Minh Mệnh (1820 - 1841). Vào đầu thời Minh Mệnh, Trịnh Hoài Đức giữ chức Tổng trấn Gia Định thành, sau đó về Kinh đô Phú Xuân, lãnh chức Thượng thư bộ Lại. Tổ tiên của ông gốc người huyện Trường Lạc, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Đầu đời Thanh (1644 - 1911), ông nội của Trịnh Hoài Đức là Trịnh Hội, hiệu là Sư Khổng, di cư qua Việt Nam, ngụ tại Trấn Biên (Biên Hòa). Cha của Trịnh Hoài Đức là Trịnh Khánh, vào đời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738 - 1765) được bổ làm Cai thụ, sau được thăng Cai đội. Khi cha mất, Trịnh Hoài Đức mới 10 tuổi, sau theo mẹ dời vào Phiên Trấn (Gia Định - Tp. Hồ Chí Minh). Từ đây, ông theo học Xử sĩ Võ Trường Toản. Tìm hiểu hành trạng và sự nghiệp của Trịnh Hoài Đức, ta thấy ông đã hoàn toàn trở thành một người Việt trên quê hương thứ hai của mình(39).
Tổ tiên của Ngô Nhân Tĩnh, một trong Gia Định tam gia (Ba tác gia lớn của Gia Định: Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tĩnh, Lê Quang Định), cũng là người Quảng Đông, sang Việt Nam và cư ngụ ở Gia Định; có lẽ lý do cũng giống như các nhân vật vừa kể trên(40).
Trong các bộ chính sử của triều Nguyễn (như Đại Nam thực lục tiền biên, Đại Nam liệt truyện tiền biên, Đại Nam chính biên liệt truyện, Đại Nam nhất thống chí...) hay các bộ địa lý học - lịch sử, bộ tư sử (như Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, Nam triều công nghiệp diễn chí(41) của Nguyễn Khoa Chiêm (1659 - 1736)...) còn chép về nhiều di thần nhà Minh, những người này phản Thanh thất bại, chạy sang xin cư ngụ tại Việt Nam, đều được các Chúa Nguyễn chấp thuận và tạo những điều kiện thuận lợi để sinh sống. Sau này, họ và con cháu họ đã trở thành dân tộc Hoa, một trong 54 dân tộc anh em trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, cùng nhau chung lưng đấu cật, cải tạo vùng đất phương Nam của Tổ quốc trở nên yên bình, trù phú như hiện nay.
4. Các dân tộc thiểu số được sống theo truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán của họ
Sự thực lịch sử công cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam cho thấy: năm 1693 nước Chiêm Thành tuy bị mất, nhưng người Chăm vẫn tồn tại, năm 1757 nước Thủy Chân Lạp(42) bị mất nhưng người Khơme vẫn tiếp tục định cư trên vùng đất phía Nam của xứ Đàng Trong. Lịch sử Việt Nam cũng chứng minh rằng: các chúa Nguyễn không thi hành những chính sách kỳ thị chủng tộc, đồng hóa về văn hóa với hai dân tộc Chăm, Khơme nói riêng và các dân tộc thiểu số ở đất Nam Hà nói chung.
Sách Đại Nam thực lục tiền biên cho biết một vài chính sách khá đúng đắn đối với người Chăm của chúa Nguyễn Phúc Chu như sau: “Tháng 9 năm Nhâm Thìn (1712), Phiên vương Thuận Thành là Kế Bà Tử xin định điển lệ cho hạt ấy. Chúa sai văn thần định 5 điều ban cho:
1. Viên nào có sự trạng gì đến cáo ở Vương phủ, thì tiền đòi xét mỗi viên Tả Hữu trà(43) phải nộp 20 quan, mỗi viên Tả Hữu Phan dung(44) phải nộp 10 quan. Đến cáo ở dinh Bình Khang thì mỗi viên Tả Hữu trà nộp 10 quan, mỗi viên Tả Hữu Phan dung nộp 2 quan.
2. Phàm người Kinh kiện nhau với dân Thuận Thành (tức người Chăm) thì do Phiên vương và Cai bạ, Ký lục xử đoán; dân Thuận Thành kiện nhau thì một mình Phiên vương xử đoán.
3. Hai trạm Kiền Kiền và Ô Cam sai quân canh giữ nghiêm mật để phòng kẻ gian, người sai đi không được bắt ép dân trạm đài đệ.
4. Khách buôn đến các sách Man (chỉ sách của người Chăm) để buôn bán thì phải trình với người cai phái tấn sở của nguồn để cấp giấy thông hành.
5. Dân Thuận Thành xiêu tán đến dinh Phiên Trấn, đều đã thả cho về làm ăn, nên để lòng thương yêu, đừng nên bóc lột hà khắc, cho dân được ở yên”(45).
Tháng 11 năm 1714, Phiên vương Thuận Thành Kế Bà Tử lại xin cho lập nhà công đường. Chúa Nguyễn Phúc Chu sai vẽ đồ thức “Tả sư - Hữu tướng” (tức Tả văn, Hữu võ), để định thứ tự chỗ ngồi các phẩm hàm, khi làm việc công và khi xử kiện(46).
Tư liệu về Phiên vương người Chăm Kế Bà Tử và con cháu của ông bẵng đi tới 80 năm không thấy sử sách ghi chép gì. Đến tháng 3 năm 1794, thì có một người tên là Tá, có thể là cháu đời thứ 4 hoặc thứ 5(47) của Kế Bà Tử, được chính sử triều Nguyễn ghi chép, nhưng không rõ danh tính cụ thể. Sách Đại Nam thực lục chép: “Tháng 2 năm Giáp Dần (1794): Đặt chức Chánh và Phó ở Thuận Thành. Thuận Thành từ con cháu vua Phiên Kế Bà Tử truyền nhau đến Chưởng cơ Tá mà chịu mệnh triều đình, coi giữ việc trấn. Năm Nhâm Dần (1782), Tây Sơn vào cướp. Tá đem hết những khí bảo truyền quốc hàng giặc. Năm Mậu Thân (1788), vua (chỉ Nguyễn Ánh) lấy lại được Gia Định, nhiều lần dụ bảo, Tá sợ tội không dám ra, trộm giữ động man. Quân ta (chỉ quân của Nguyễn Ánh) qua Bình Thuận nhiều lần bị đón giết. Mùa hè năm ngoái (1793), quân ta tiến đánh Phan Rí, Tá theo Đô đốc giặc (chỉ quân Tây Sơn) là Hồ Văn Tự, trốn lên miền thượng đạo. Cai cơ Nguyễn Văn Hào dẫn quân đuổi bắt, Tá cuối cùng bị bắt, sai xử tội giết đi. Từ đó bèn bỏ vương hiệu Thuận Thành, cho Nguyễn Văn Hào chức Chưởng cơ, làm Chánh trấn Thuận Thành, Cai cơ Nguyễn Văn Chấn làm Phó trấn, cai quản các quan phiên và sách man, lệ vào dinh Bình Thuận”(48).
Đối với vùng đất Thủy Chân Lạp cũng vậy, các chúa Nguyễn vẫn để cho những dân tộc thiểu số ở đây (như người Khơme, người Hoa...) được sống theo phong tục tập quán của họ. Trong Gia Định thành thông chí, tác giả Trịnh Hoài Đức chép: “Gia Định ở về phía Nam nước Việt, khi mới khai thác, thì có lưu dân nước ta (chỉ người Kinh) cùng người kiều ngụ như: Đường(49) (tức người Hoa), người Tây Dương(50) (chỉ người phương Tây nói chung), Cao Miên (người Khơme), Đồ Bà (người Chà Và)... những người nước ấy đến sinh sống chung, sau rất đông, nhưng về y phục, đồ dùng thì đều theo kiểu dân tộc họ...”(51).
Ở Trung Quốc, khi người Mãn Thanh vượt qua Vạn Lý Trường thành tiến vào Trung Nguyên, lật đổ vương triều Minh (1368 - 1644) lập nên triều đại nhà Thanh (1644 - 1911), thì họ đã thi hành chính sách đồng hóa mạnh mẽ đối với người Hán, cuối cùng họ không những thất bại mà còn bị chính dân tộc Hán “đồng hóa lại”. Dân tộc bị chinh phục (người Hán) đã đồng hóa dân tộc đi chinh phục (người Mãn), đó là vì dân tộc Hán có nền văn hóa cao hơn và lâu đời hơn. Ở Việt Nam, vào các thế kỷ XVII, XVIII, tại xứ Đàng Trong, các chúa Nguyễn cũng tiến hành các cuộc chinh phục Chiêm Thành và Thủy Chân Lạp, nhưng họ không thi hành chính sách đồng hóa với các dân tộc thiểu số Chăm và Khơme trên vùng đất mới. Vì sao có hiện tượng ấy? Theo chúng tôi có mấy nguyên nhân dưới đây:
Thứ nhất, các vương triều quân chủ Việt Nam, kể từ khi giành độc lập từ tay phong kiến phương Bắc ở đầu thế kỷ X trở về sau, luôn thi hành đường lối mềm dẻo, nhân đạo (tức đường lối Nhu viễn) đối với các dân tộc thiểu số cùng cư trú trên lãnh thổ Việt Nam. Các chúa Nguyễn thi hành chính sách với các dân tộc thiểu số (Chăm, Khơme, Giarai, Ê Đê...) như đã trình bày ở trên, thực chất là học tập và kế thừa các chính sách có tính truyền thống của Nhà nước quân chủ Đại Việt.
Thứ hai, dân tộc Việt Nam, về canh tác chủ yếu trồng lúa nước, quen sống yên bình trong các làng xóm, bản mường, sách trại, yêu hòa bình, ghét chiến tranh. Người Kinh, người Chăm, người Khơme... sống trên đất Nam Hà thời các chúa Nguyễn có nhiều điểm dễ đồng cảm; họ đều là những con người lao động và cùng phải chịu sự bóc lột của chính quyền quân chủ... Mặt khác, dân tộc Chăm, dân tộc Khơme đều là những người đằm tính và tương đối dễ chan hòa trong cuộc sống chung với người Kinh, cũng như các dân tộc khác ở Tây Nguyên.(51)
Thứ ba, từ thời các chúa Nguyễn đến thời Tây Sơn và nhà Nguyễn sau này, việc mở đất và giữ yên lãnh thổ là quy luật phát triển, cũng là lý tưởng, mơ ước của mọi con dân Việt Nam (trong đó kể cả người Kinh, người Chăm, người Khơme...), do vậy, họ chỉ mong cùng nhau sống yên ổn và phát triển.
Có thể nói chính sách đối với các dân tộc thiểu số ở Đàng Trong của các chúa Nguyễn ở các thế kỷ XVII, XVIII vừa trình bày trên đây là hết sức cần thiết, thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau giữa chính quyền và người dân, cùng nhau xây dựng vì lợi ích chung.
(*) Phó giáo sư, tiến sĩ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Bài viết này được tài trợ bởi Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Nafosted) trong đề tài mã số IV4-2013.13.
(1) Quốc sử quán triều Nguyễn (2004), Đại Nam thực lục, t.1,Nxb Giáo dục, tr.88.
(2) Sđd, tr.36.
(3) Sđd, tr.37.
(4) Sđd, tr.44.
(5) Sđd, tr.59.
(6) Dinh Thái Khang: nay là tỉnh Khánh Hòa.
(7) Sđd, tr.62.
(8) Năm 1471, sau khi đánh bại và bắt được vua Chiêm Thành là Trà Toàn, vua Lê Thánh Tông chia phần đất còn lại của Chiêm Thành làm 3 nước: Chiêm Thành, Hoa Anh và Nam Bàn để “dễ ràng buộc”.
(9) Sđd, tr.106 - 107.
(10) Sđd, tr.106 - 107.
(13) Sđd, tr.107.
(14) Sđd, tr.108.
(15) Sđd, tr.154.
(16) Sau này gọi là Tây Nguyên.
(17), (18) Sđd, tr.109.
(19) Thớt: nguyên chữ Thất 匹 đọc biến âm mà thành Thớt. Chữ để đếm ngựa, voi, hoặc tấm vải, tấm lụa.
(20) Cân: cân ta là 16 lượng. Tục ngữ: “Kẻ 8 lượng, người nửa cân”.
(21) Da cá nhám để nấu làm đồ ăn.
(22) Cát sủi: chữ Hán là Phị sa 沸 沙 - một thứ cát có chứa chất xút, bỏ vào nước thì sôi lên, người ta dùng để gội đầu.
(24) Long Môn: là huyện Long Môn, thuộc phủ Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.
(25) Cao Lôi Liêm: phủ Cao Châu, phủ Lôi Châu, phủ Liêm Châu đều thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.
(26) Phan Khoang (2001), Việt sử xứ Đàng Trong, Nxb Văn học, Tp. Hồ Chí Minh, tr.315.
(27) Sđd, tr.91.
(28) (1962), Đại Nam thực lục tiền biên, t.1, Nxb Sử học, Hà Nội, tr.125.
(29) Chà Và: danh từ chỉ người Java, người Mã Lai thuở ấy.
(31) Năm 1688, Phó tướng Hoàng Tiến giết Chủ tướng Dương Ngạn Địch, rồi tự xưng Phấn Dũng Hổ oai Tướng quân, thống lãnh binh sĩ Long Môn, cho quân đi cướp phá khắp nơi. Năm 1689, Hoàng Tiến bị Thống binh Mai Vạn Long giết chết.
(32) Mạc Cửu 莫阝玖: Chữ Mạc họ của Mạc Cửu, nguyên là chữ Mạc 莫, chứ không phải viết thêm bộ Ấp (邑 = 阝) bên phải chữ. Sở dĩ thư tịch cổ Việt Nam chép như vậy là muốn tránh sự lầm lẫn với nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê (1527).
(33) Phan Khoang (2001), Việt sử xứ Đàng Trong, Nxb Văn học, Tp. Hồ Chí Minh, tr.326 - 327.
(34) Sđd, tr.122.
(35) Trịnh Hoài Đức (2005), Gia Định thành thông chí, Nxb Tổng hợp Đồng Nai, tr.159.
(36) Sđd, t.1, tr.145.
(37) Ấm tử hay Tập ấm: là ông cha làm quan có công lao với Nhà nước quân chủ, thì con cháu được bổ dụng làm quan.
(38) (1993), Đại Nam liệt truyện, t.1, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr.186-187.
(39) Gia Định thành thông chí, sđd, tr.6.
(40) Đại Nam liệt truyện, sđd, t.2, tr.192.
(41) Còn có tên là Việt Nam khai quốc chí truyện.
(42) Chân Lạp: tên nước Chân Lạp xuất hiện lần đầu trong thư tịch Trung Quốc khoảng những năm 618 - 649, khi nước Phù Nam (thế kỷ I SCN - VII) biến mất. Sách Đường thư cho biết Chân Lạp đến đời Đường Trung Tông (705 - 707) chia làm 2 vùng với thế lực cát cứ: Lục Chân Lạp ở phía Bắc nhiều núi đồi, thung lũng (vùng Hạ Lào, một phần Campuchia và vùng tiếp giáp Lào, Thái). Thủy Chân Lạp ở phía Nam có biển bao bọc, có nhiều ao hồ (vùng đồng bằng sông Cửu Long ngày nay).
(43) Tả Hữu trà: tức Tả Trà viên và Hữu Trà viên là các chức quan của Chiêm Thành. Thí dụ: Tả Trà viên Kế Bà Tử, Hữu Trà viên Ốc Nha Thát...
(44) Tả Hữu phan dung: tức Tả Phan dung và Hữu Phan dung là các chức quan của Chiêm Thành.
(45) Sđd, tr.128.
(46) Sđd, tr.131.
(47) Đời, chữ Hán là Thế世: chiết tự của Tam thập 三 十: 30 năm. Nhưng theo cách tính của người Việt Nam chỉ vào khoảng 25 năm là 1 đời.
(48) Sđd, tr.306.
(49) Nguyên chú: Tục gọi người Đại Thanh là Đường nhân - Người Đường, người Đường ở đây không phải Lý Đường (chỉ Lý Uyên lập nên nhà Đường (618 - 907) ở Trung Quốc).
(50) Nguyên chú: Các nước như Phú Lãng Sa (Pháp), Hồng Mao (Anh), Mã Cao (Áo Môn) đều gọi là Tây Dương.
(51) Gia Định thành thông chí, sđd, tr.181.
Tác giả: Nguyễn Minh Tường
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 2 - 2015