-
(Văn hóa) - Do ảnh hưởng của những nhân tố khách quan và chủ quan (dân số, văn hóa - ngôn ngữ, tâm lí - xã hội, chính sách ngôn ngữ và sự việc thực thi chính sách ngôn ngữ này), nên nhiều ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam đang suy yếu. Một số bộ phận đáng kể người dân tộc thiểu số quên tiếng dân tộc mình. Việc bảo tồn và phát triển ngôn ngữ dân tộc thiểu số cần phải được chú ý hơn nữa., Bbởi vì đây là một nét bản sắc trong văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc, đồng thời cũng là phương tiện giúp cho việc giáo dục, truyền thông và phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng dân tộc thiểu số.
(Văn hóa) - Văn hóa Hòa Bình là một nền văn hóa tiền sử nổi tiếng ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Kể từ năm 1932, khi văn hóa Hòa Bình lần đầu tiên được công nhận trên diễn đàn khoa học thế giới, đến nay đã có gần 200 di tích Hòa Bình được phát hiện ở nhiều nước Đông Nam Á, song chưa ở đâu di tích Hòa Bình phân bố dày đặc và phong phú như ở Việt Nam (hơn 150 địa điểm). Việt Nam được nhiều nhà khoa học nước ngoài xem là quê hương của văn hóa Hòa Bình. Các di tích Hòa Bình ở Việt Nam được phát hiện và nghiên cứu trong nhiều thời kỳ khác nhau, do nhiều tổ chức và cá nhân tiến hành. Giới khoa học đã đề xuất nhiều ý kiến khác nhau, từ những vấn đề lý luận đến khái niệm và những vấn đề cơ bản của nền văn hóa này. Do nội dung phong phú và phức tạp của nền văn hóa Hòa Bình, nên đến nay vẫn tồn tại nhiều vấn đề đang thảo luận và nghiên cứu.
(Văn hóa) - Bài viết phân tích về tư tưởng khoan dung và lạc quan của Nguyễn Du trong Truyện Kiều. Điều đó thể hiện ở chỗ, Nguyễn Du sự thấu hiểu và đồng cảm sâu sắc đối với những con người khốn khổ, nạn nhân của tình trạng áp bức và bất công trong xã hội, ông tin vững chắc vào tương lai tươi sáng của những người lương thiện có lòng kiên trì chịu đựng và vượt qua khó khăn, đau khổ. Tư tưởng khoan dung và lạc quan có tầm quan trọng đối với sự phát triển của xã hội ta trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay.
(Văn hóa) - Khi nhận thức về tôn giáo, nhất là về tính chất tự ý thức của tôn giáo, nguồn gốc và bản chất của tôn giáo, chúng ta cần đứng trên quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen. Theo đó, tôn giáo không chỉ là ý thức của con người chủ thể về thế giới hiện thực tự nhiên và xã hội khách quan bên ngoài, mà còn là (và chủ yếu là) tự ý thức của con người về chính bản thân mình; chỉ đến con người mới xuất hiện tự ý thức; ý thức tôn giáo chủ yếu chỉ dừng ở trình độ cảm tính; ý thức tôn giáo là nhân tố an ủi, xoa dịu con người trước sự đau khổ, bất công, tiêu cực trong đời sống thực tồn của họ.
(Văn hóa) - Triết học so sánh Đông - Tây là một môn khoa học thuộc ngành Triết học. Triết học so sánh Đông - Tây nghiên cứu các hệ thống triết học ở phương Đông và phương Tây; đối chiếu, so sánh một cách có chủ đích các tư tưởng của các nhà triết học; phân tích những điểm tương đồng và dị biệt giữa các nền triết học; chuyển tải tư tưởng triết học từ nền văn hóa này sang nền văn hóa khác, từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác.
(Văn hóa) - Để đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam hiện nay cần phải nghiên cứu, tổng kết lịch sử giáo dục học, trong đó bao gồm những di sản về giáo dục của L.Tolstoi. Chỉ với hai tác phẩm Về giáo dục quốc dân và Về giáo dục và đào tạo, L.Tolstoi đã đưa ra những tư tưởng rất sâu sắc về khoa học giáo dục, mối liên hệ giữa nhà trường và cuộc sống, giáo dục đại học và giáo dục quốc dân... Nhưng quán xuyến trong toàn bộ lý thuyết giáo dục của ông chính là tư tưởng triết học về một nền giáo dục tự do và dân chủ. Đây là giá trị cơ bản, lớn lao trong tư tưởng về giáo dục của L.Tolstoi, chúng ta cần tiếp thu để phát triển giáo dục Việt Nam.
(Văn hóa) - Pháp Loa (1284 - 1330) là một Thiền sư Việt Nam thuộc dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Sư là môn đệ của Trần Nhân Tông, là Tổ thứ hai của dòng thiền này. Sư là người ấn hành Đại tạng kinh tại Việt Nam khoảng năm 1329 và đã để lại nhiều tác phẩm Thiền học và luận thuyết về các kinh Nhập Lăng Già, Diệu pháp liên hoa, Bát nhã ba la mật đa. Bài viết trình bày những nét cơ bản trong cuộc đời và những đóng góp của Pháp Loa đối với Phật giáo Việt Nam đặc biệt với Thiền phái Trúc Lâm.
(Văn hóa) - Nói đến tư duy là nói đến ý thức, tri thức, văn hóa, đạo đức của con người. Ngôn ngữ không phải là tư duy, nhưng ngôn ngữ không tách rời tư duy, vì ngôn ngữ là vỏ vật chất của tư duy. Ngôn ngữ là phương tiện để con người thực hiện hoạt động tư duy và truyền đạt tư duy cho nhau. Những hình thức cơ bản nhất của ngôn ngữ là tiếng nói và chữ viết. Giữa tư duy với tiếng nói và chữ viết có quan hệ phức tạp. Điều đó đúng đối với mọi thứ tiếng, trong đó có Tiếng Việt. Tiếng Việt dưới hình thức tiếng nói và chữ viết là tài sản tinh thần vô giá của người Việt Nam. Tiếng nói Việt có khả năng biểu đạt rõ ràng tư duy phong phú, sâu sắc và tinh tế của người Việt. Chữ viết Việt hiện nay là chữ Quốc ngữ; chữ đó dễ đọc, dễ viết, dễ ghi được tiếng nói Việt, dễ tương thích với các phương tiện công nghệ thông tin hiện đại, dễ hội nhập quốc tế. Người Việt Nam cần được trân trọng, nâng niu, giữ gìn và phát triển Tiếng Việt. Trân trọng, nâng niu, giữ gìn và phát triển Tiếng Việt cũng là trân trọng, nâng niu, giữ gìn và phát triển tư duy, văn hóa, tâm hồn của người Việt.
(Văn hóa) - Giá trị văn hóa Việt Nam chính là giá trị con người Việt Nam, hay về cơ bản trùng với hệ giá trị con người Việt Nam. So với vài thập niên trước đây, văn hóa Việt Nam hiện nay, ở tất cả các dạng hoạt động và với tất cả các loại hình của nó, đều có những thay đổi theo cả hai chiều tích cực và tiêu cực. Ở khá nhiều loại hình thuộc hoạt động văn hóa, hệ giá trị văn hóa Việt Nam đã không còn lạc lõng, không còn thua kém bao nhiêu so với các nền văn hóa có kinh nghiệm.Tuy nhiên, hệ giá trị văn hóa Việt Nam hiện nay đang có các hiện tượng tiêu cực: đạo đức bị xuống cấp, con người bị tha hóa,sự lệch lạc về giá trị và sự giả dối lại được coi là bình thường,niềm tin bị suy giảm. Muốn cho đất nước phát triển, văn hóa trở lại với các chân giá trị, thì mỗi cá nhân và các tổ chức xã hội phải thật sự nghiêm khắc với những thói hư tật xấu này.
(Văn hóa) - Trong những năm gần đây, hiện tượng tôn giáo mới (HTTGM) ở Việt Nam đã được một số ngành và nhà khoa học chú ý nghiên cứu. Mặc dù các công trình công bố còn hạn chế, nhưng các nghiên cứu bước đầu đã đánh giá khái quát về các HTTGM. Bài viết tập trung phân tích một số đặc điểm và ảnh hưởng chủ yếu đến sự phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH), ổn định chính trị và trật tự xã hội của các HTTGM ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS) Tây Nguyên hiện nay. Đây là địa bàn có nhiều HTTGM nhất của nước ta, đặc biệt là những tổ chức xuất hiện và phát triển trong các dân tộc thiểu số tại chỗ (DTTSTC), một số tổ chức có những đặc điểm riêng, phạm vi hoạt động tương đối rộng và mức độ ảnh hưởng khá sâu sắc, nhưng vẫn còn ít được nghiên cứu.