Tư tưởng Hồ Chí Minh về tiết kiệm
1. Đặt vấn đề
Tiết kiệm là phẩm chất đạo đức cơ bản của con người. Từ bao đời nay người ta đã nói về tiết kiệm, nhưng ở Hồ Chí Minh, tư tưởng về tiết kiệm có nội dung sâu sắc, mới mẻ, nhân văn. Tư tưởng Hồ Chí Minh về tiết kiệm là một phần quan trọng trong tư tưởng đạo đức của Người. Đặc biệt, Hồ Chí Minh không chỉ nói hay về tiết kiệm, mà còn là tấm gương ngời sáng về thực hành tiết kiệm. Những câu chuyện về sự tiết kiệm của Hồ Chí Minh trong chuyện ăn, ở, mặc, đi lại, làm việc đã trở thành huyền thoại của đạo đức cách mạng. Người sống một đời sống vật chất giản dị, đạm bạc và chỉ sử dụng cho mình những vật dụng tối cần thiết. Tư tưởng và sự thực hành tiết kiệm của Hồ Chí Minh đã thể hiện năng lực tư duy khoa học, sáng tạo và lối sống thanh cao của một danh nhân văn hóa kiệt xuất. Hồ Chí Minh nói nhiều đến tiết kiệm như một phẩm chất đạo đức của con người nói chung và của người cách mạng nói riêng. Chữ “kiệm” của Hồ Chí Minh vừa cụ thể, vừa khái quát, vừa truyền thống, vừa hiện đại; bởi lẽ, Người đứng trên mảnh đất thực tiễn của cách mạng Việt Nam để luận giải về một phẩm chất đạo đức chung của nhân loại và bổ sung những nội hàm mới vào một khái niệm cũ. Nói đến tư tưởng Hồ Chí Minh về tiết kiệm, trước hết là nói đến tư tưởng của Người về vai trò, nội dung của tiết kiệm, về đối tượng và giải pháp thực hành tiết kiệm.
2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của tiết kiệm
Tiết kiệm (hay kiệm) được Hồ Chí Minh định nghĩa ngắn gọn “là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi” [4, t.6, tr.122]. Theo định nghĩa đó, tiết kiệmlà sử dụng hợp lý và hiệu quả các nguồn lực để gia tăng sức mạnh toàn diện của đất nước. Người tiết kiệm phải biết cân đối, tính toán các nguồn lực để chi phí bỏ ra nhỏ nhất mà lại đạt được mục tiêu cao nhất theo phương châm “1 giờ làm xong việc của 2, 3 giờ. 1 người làm bằng 2, 3 người. 1 đồng dùng bằng 2, 3 đồng” [4, t.6, tr.124].
Nếu Nho giáo và văn hóa Việt Nam truyền thống coi vai trò chủ yếu của tiết kiệm là tạo ra sự tích lũy của cải vật chất cho từng cá nhân, thì Hồ Chí Minh đánh giá vai trò của tiết kiệm ở nhiều khía cạnh và phạm vi khác nhau, không chỉ ở phạm vi cá nhân mà còn ở phạm vi quốc gia, dân tộc.Bất kể quốc gia nào muốn phát triển cũng phải có tiềm lực kinh tế, trong đó tiền vốn là yếu tố hàng đầu. Một số nước huy động vốn chủ yếu bằng cách vay mượn nước ngoài, một số nước thậm chí huy động vốn chủ yếu bằng cách cướp bóc thuộc địa và bóc lột nhân dân lao động trong nước. Chúng ta không thể huy động vốn bằng cách cướp bóc thuộc địa và bóc lột nhân dân lao động trong nước. Chúng ta có thể huy động vốn bằng cách vay mượn nước ngoài nhưng không coi đó là cách chủ yếu để huy động vốn. Cách huy động vốn chủ yếu của chúng ta chỉ có thể là tăng gia sản xuất và tiết kiệm. Đặc biệt, trong giai đoạn vừa kháng chiến vừa kiến quốc, chúng ta càng không được làm lãng phí nguồn lực vốn đã ít ỏi của mình. Ngoài mục tiêu kinh tế, tiết kiệm còn hướng tới mục tiêu chính trị là để giữ vững sự độc lập, tự chủ. Hồ Chí Minh nói: “Mỗi một người dân phải hiểu: có tự lập mới độc lập, có tự cường mới tự do” [4, t.5, tr.553]. Trong quan hệ quốc tế, muốn có độc lập thực sự mỗi quốc gia phải dựa vào nội lực của mình, nội lực đó được tạo dựng bằng cách đẩy mạnh sản xuất và thực hành tiết kiệm.
Hồ Chí Minh hết sức chú trọng vai trò của tiết kiệm trong việc tu dưỡng đạo đức của mỗi cá nhân. Đối với mỗi cá nhân, kiệm là một trong chuỗi phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính”. Có kiệm thì mới có liêm, có liêm thì mới có chính. Kiệm là tiền đề, điều kiện để con người vươn tới liêm và chính. Đối với cả dân tộc, tiết kiệm là sức mạnh mềm - sức mạnh của văn hóa và đạo đức. Bởi vì, “một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh và tiến bộ” [4, t.6, tr.128]. Vị thế, sức hấp dẫn của một dân tộc trên trường quốc tế cũng phụ thuộc vào việc dân tộc đó có thấm nhuần tinh thần tiết kiệm hay không. Như vậy, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, tiết kiệm là nhân tố đảm bảo sự phát triển bền vững, sự thành công, sự giàu mạnh về mọi mặt không chỉ cho từng cá nhân như trong quan niệm truyền thống, mà còn cho cả dân tộc.
3. Tư tưởng Hồ Chí Minh về nội dung của tiết kiệm
Nội hàm chữ “kiệm” trong tư tưởng Hồ Chí Minh rất rộng, bao gồm tiết kiệm của cải vật chất, tiết kiệm thời gian, tiếtkiệm sức dân, tiết kiệm nhân tài, tiết kiệm lời... (chứ không chỉ là tiết kiệm vật chất theo kiểu “ăn dè hà tiện” trong quan niệm truyền thống).
Thứ nhất là tiết kiệm của cải vật chất. Kế thừa tư tưởng của ông cha, Hồ Chí Minh chỉ rõ rằng, tiết kiệm trước hết là tiết kiệm của cải vật chất. Việt Nam là một nước nghèo, ngân khố quốc gia hạn hẹp nên Nhà nước phải có chính sách tài khóa phù hợp để dồn tiền chosản xuất, đặc biệt cho những ngành quan trọng đối với quốc kế, dân sinh. Nước nghèo thì đại bộ phận dân chúng cũng nghèo nên mỗi người và mỗi gia đình vừa phải cần cù vừa phải tiết kiệm. Tiết kiệm trong chi tiêu để vừa đảm bảo sinh hoạt tối thiểu, vừa có tích lũy, để dần dần từ nghèo thành đủ ăn, từ đủ ăn thì thành khá giàu, từ khá giàu thành giàu thêm. Như vậy, tiết kiệm của cải suy cho cùng là chi tiêu hợp lý, chi tiêu phải thấp hơn so với khả năng cho phép để tạo ra sự tích lũy vật chất cho cá nhân cũng như xã hội.
Khi bàn về tiết kiệm của cải, tiền bạc, Hồ Chí Minh nói rõ: “Tiết kiệm không phải là bủn xỉn. Khi không nên tiêu xài thì một đồng xu cũng không nên tiêu. Khi có việc đáng làm, việc lợi ích cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của, cũng vui lòng” [4, t.6, tr.123]. Nếu việc đáng tiêu mà không tiêu, luôn “coi tiền to như cái nống” thì đó là bủn xỉn, chứ không phải là tiết kiệm. Hồ Chí Minh khẳng định rằng dân chỉ thấy giá trị của độc lập tự do khi được ăn no, mặc ấm. Vì thế theo Người, không phải vì tiết kiệm mà ép bộ đội, cán bộ và nhân dân nhịn ăn, nhịn mặc đến mức suy kiệt sức lực. Tiết kiệm là quyết không để của cải vật chất bị thất thoát vào những việc lãng phí vô ích. Tiết kiệm nhưng sức dân vẫn phải được nuôi dưỡng, chế độ sinh hoạt của bộ đội chiến sỹ vẫn phải được đảm bảo theo phương châm “ăn no, đánh thắng”. Hồ Chí Minh chỉ ra mục đích nhân văn của kiệm: “Chúng ta phải chặt chẽ hơn nữa trong việc dùng tiền dành dụm của chúng ta, để tiến nhanh tới cuộc sống no ấm, đầy đủ cho mọi người” [4, t.12, tr.467]. Như vậy, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, tiết kiệm của dân để làm lợi cho dân, chứ không phải để cống nộp cho quan. Đây là nét đặc sắc trong tư tưởng của Hồ Chí Minh về tiết kiệm.
Thứ hai là tiết kiệm thời gian. Đối với Hồ Chí Minh, tiết kiệm còn là tiết kiệm thời gian. Thời gian cũng chính là tiền bạc, thậm chí thời gian còn quý hơn tiền bạc. Thời gian và sự làm việc tích cực sẽ đẻ ra tiền bạc, nhưng tiền bạc vẫn không thể mua được thời gian, không thể kéo thời gian quay trở lại. Người viết: “ai đưa vàng bạc vứt đi là người điên rồ. Ai đưa thời giờ vứt đi là người ngu dại” [4, t.6, tr.123]. Mỗi người cần phải tiết kiệm thời gian của mình cũng như thời gian của người khác. Để tiết kiệm thời gian phải giữ vững kỷ luật lao động trong 8 giờ vàng ngọc, phải sắp xếp công việc một cách khoa học, phải hạn chế việc họp hành kéo dài mà không hiệu quả... Người căn dặn cán bộ, công chức: “Từ Chủ tịch, Chính phủ cho đến người chạy giấy, người quét dọn trong một cơ quan nhỏ, đều là những người ăn lương của dân, làm việc cho dân... Làm việc phải đến đúng giờ, chớ đến trễ, về sớm. Làm cho chóng, cho chu đáo. Phải nhớ rằng: Dân đã lấy tiền mồ hôi nước mắt để trả lương cho ta trong những thì giờ đó. Ai lười biếng tức là lừa gạt dân” [4, t.5, tr.122].
Thứ ba là tiết kiệm sức dân. Nếu trong xã hội cũ, giai cấp bóc lột thường nghĩ ra trăm phương ngàn kế để bóc lột sức dân (dẫn đến thảm cảnh “thành xây xương lính, hào đào máu dân”) thì Hồ Chí Minh cho rằng, trong xã hội vốn quý nhất làcon người. Từ đó, Người nhấn mạnh việc tiết kiệm sức dân. Hồ Chí Minh viết: “Phải biết quý trọng sức người là vốn quý nhất của ta. Chúng ta cần hết lòng chăm sóc sức khỏe và sử dụng thật hợp lý sức lao động của nhân dân ta” [4, t.13, tr.70]. Tiết kiệm sức dân có nghĩa là phân công lao động hợp lý, tổ chức dây chuyền sản xuất khoa học (để chẳng hạn 5 người có thể đảm đương được công việc của 10 người).Tiết kiệm sức dân còn có nghĩa là không phô trương hình thức, không làm những công trình chưa thực sự cần thiết. Tiết kiệm sức dân đòi hỏi phải xóa bỏ tư tưởng “nước sông, công lính” - tư tưởng của những kẻ tự cho mình quyền “ăn trên, ngồi trốc”, cai trị nhân dân.
Tiết kiệm sức dân còn là tiết kiệm xương máu của bộ đội, chiến sỹ và nhân dân. Trong cuộc đấu tranh cách mạng để giành và giữ độc lập dân tộc, sự hy sinh xương máu của bộ đội, chiến sỹ và nhân dân là điều khó tránh khỏi. Mặc dù buộc phải tiến hành các cuộc chiến tranh, nhưng với lòng yêu thương con người sâu sắc, Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc tiết kiệm xương máu của bộ đội, chiến sỹ và nhân dân. Hồ Chí Minh từng nói về sự hy sinh của những người lính: “Trong công cuộc kháng chiến cứu nước, nhân dân hy sinh là hy sinh một phần của cải và thời giờ. Của cải hết có thể làm ra, thời gian qua, thời gian lại đến. Nhưng bộ đội hy sinh là hy sinh xương máu. Có khi hy sinh cả tính mệnh. Cụt chân gãy tay, chân tay không thể mọc lại; người chết không thể sống lại. Đó là sự hy sinh tuyệt đối” [4, t.7, tr.334-335]. Hồ Chí Minh không chấp nhận quan điểm “nhất tướng công thành vạn xác khô”. Ngược lại, Người luôn nhấn mạnh việc “phải giữ gìn từng giọt máu của đồng bào để xây đắp tương lai của Tổ quốc” [4, t.4, tr.229]. Hồ Chí Minh yêu cầu các nhà chỉ huy quân sự phải biết đánh một cách trí tuệ nhất, sao cho sự tổn hại ở mức thấp nhất. Người từng căn dặn Võ Nguyên Giáp trước khi ông ra trận chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh” [2, tr.900]. Khắc ghi lời dặn đó, Võ Nguyên Giáp đã thay đổi cách đánh từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, thắng chắc” và giành được thắng lợi huy hoàng. Ngay cả khi đánh theo cách mới, cuộc chiến ở Điện Biên Phủ vẫn vô cùng ác liệt, quân ta cũng tổn thất nhiều, Võ Nguyên Giáp đã triệu tập cuộc họp cán bộ cỡ trung đoàn và nói: “Đảng giao cho các đồng chí 1 tiểu đoàn có nghĩa là phó thác sinh mệnh của gần 500 con người cho các đồng chí. Đảng giao cho các đồng chí 1 trung đoàn có nghĩa là các đồng chí quyết định sự sống chết của gần 3000 người. Đảng giao cho các đồng chí 1 đại đoàn là 1 vạn người ưu tú của Đảng. Cho nên các đồng chí phải biết tiếc thương từng giọt máu của đồng chí, đồng đội” [5]. Câu nói trên của Võ Nguyên Giáp là sự quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về tiết kiệm xương máu của bộ đội, chiến sỹ và nhân dân.
Thứ tư là tiết kiệm nhân tài. Kế thừa quan điểm “hiền tài là nguyên khí quốc gia” của ông cha, Hồ Chí Minh chủ trương tiết kiệm nhân tài bằng cách phân công công việc đúng sở trường của từng người và vận động mọi nhân tài ra gánh việc nước. Vì mỗi con người đều có sở trường và sở đoản nên người lãnh đạo phải tuỳ tài mà dùng người, tránh dùng người theo kiểu thợ rèn thì bảo đi đóng tủ, thợ mộc thì bảo đi rèn dao.Hồ Chí Minh yêu cầu:“Tài to ta dùng việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì ta đặt ngay vào việc ấy” [4, t.4, tr.43]. Trong nhân dân không thiếu người tài, vấn đề là ở chỗ người lãnh đạo có muốn dùng và có đủ tâm đức quy tụ người tài hay không, có vượt qua căn bệnh hẹp hòi để sử dụng người tài hay không. Ngay sau Cách mạng tháng Tám, Hồ Chí Minh đã công bố “chiếu cầu hiền tài” khi viết bài Nhân tài và kiến quốc và bài Tìm người tài đức. Người nói: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết phải cần có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài, có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bực tài đức không thể xuất thân” [4, t.4, tr.504]. Không chỉ tuyên bố chính sách cầu hiền, nhờ tầm cao trí tuệ, tấm gương đạo đức ngời sáng và nghệ thuật dùng người tinh tế nên Hồ Chí Minh đã quy tụ được nhiều nhân sỹ, trí thức tài giỏi và đưa họ một lòng đi theo cách mạng. Đó là những trí thức Nho học như Huỳnh Thúc Kháng, Phan Kế Toại, Bùi Bằng Đoàn, Nguyễn Văn Tố… Đó là những trí thức Tây học như Trần Đại Nghĩa, Hồ Đắc Điềm, Hồ Đắc Di, Nguyễn Văn Huyên, Phạm Huy Thông, Trần Hữu Tước... Hiếm có một chính phủ cách mạng nào sử dụng nhiều nhân sỹ của chính quyền cũ như Chính phủ Hồ Chí Minh. Cũng hiếm có một lãnh tụ cách mạng nào được giới trí thức tin yêu như Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh đã đưa những người trí thức cũ “từ thung lũng đau thương đến cánh đồng vui”, đã “khơi dậy trong con người lòng tự hào và niềm tin, ý chí và nhiệt tình cách mạng để rồi con người tự mình làm ra tất cả” [1, tr.205]. Tư tưởng tiết kiệm nhân tài, trọng dụng nhân tài không chỉ là biểu hiện của sự khôn ngoan chính trị của Hồ Chí Minh, mà còn là biểu hiện của chủ nghĩa nhân văn sâu sắc của Người.
Thứ năm là tiết kiệm lời. Tiết kiệm đốivới Hồ Chí Minh còn là tiết kiệm lời. Phương châm hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh là “nói thì phải làm”, “nói ít, làm nhiều, chủ yếu là hành động”. Đó là biểu hiện của tư tưởng tiết kiệm lời. Yêu cầu tiết kiệm lời được Hồ Chí Minh đặt ra với từng cá nhân cũng như toàn bộ tổ chức Đảng. Với mỗi cá nhân, Hồ Chí Minh yêu cầu: “nói ít, bắt đầu bằng hành động” [4, t.3, tr.457]. Với các cơ quan đoàn thể, Người khuyên không nên họp nhiều, phải hết sức tránh “tình trạng là hội mà không nghị, nghị mà không quyết, quyết rồi mà không làm” [3, tr.139]. Nếu coi hành động là biểu hiện của đạo đức thì có thể coi sự tiết kiệm lời (chỉ nói những điều thiết thực nhất) là biểu hiện của đức tính cẩn trọng, trung tíncủa con người.
4. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đối tượng thực hành tiết kiệm
Hồ Chí Minh đã làm một cuộc cách mạng về đối tượng cần phải thực hành tiết kiệm.Ngườiviết: “Bọn phong kiến ngày xưa nêu ra cần, kiệm, liêm, chính, nhưng không bao giờ làm mà lại bắt nhân dân phải tuân theo để phụng sự quyền lợi cho chúng. Ngày nay ta đề ra cần, kiệm, liêm, chính cho cán bộ thực hiện làm gương cho nhân dântheo để lợi cho nước cho dân” [4, t.7, tr.220].
Tiết kiệm là một phẩm chất đạo đức cá nhân. Trong cuộc sống sinh hoạt đời thường cũng như trong công việc, cơ quan nào cũng cần và có thể tiết kiệm, người nào cũng có thể và cũng nên tiết kiệm. Dù toàn dân phải tiết kiệm nhưng tùy thuộc vào công việc cụ thể mà mỗi người, mỗi cơ quan cần thực hiện tiết kiệm một cách khác nhau. Bộ đội phải tiết kiệm súng đạn; công nhân phải tiết kiệm máy móc, nguyên liệu sản xuất; cán bộ hành chính phải tiết kiệm thời gian, giấy mực; cán bộ và chiến sĩ quân nhu phải tiết kiệm thực phẩm; thầy thuốc phải tiết kiệm bông băng, thuốc men, đạo cụ; nông dân phải tiết kiệm con giống, phân bón, nước tưới; học sinh phải tiết kiệm giấy, bút... Ai cũng phải tiết kiệm thời gian, sức lực và tiền bạc của riêng mình. Sự cần thiết phải tiết kiệm không chỉ xuất phát từ yêu cầu đạo đức cá nhân, mà còn xuất phát từ yêu cầu của bộ máy và dây chuyền sản xuất. Trong bộ máy và dây chuyền đó, chỉ cần một kẽ hở tồn tại thì tiền bạc sẽ theo đó lọt ra ngoài và công phá mạnh mẽ vào toàn bộ hệ thống, làm kẽ hở ngày càng bung ra. Vì thế, muốn “vít kín các lỗ thủng, các kẽ hở, không để của cải dành dụm của chúng ta bị hao hụt, phân tán” [4, t.12, tr.467], tất cả mọi người đều phải chung sức, đồng lòng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ phải là lực lượng tiên phong trong cuộc thi đua thực hành tiết kiệm. Người viết: “Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước... Hô hào dân tiết kiệm, mình phải tiết kiệm trước đã” [4, t.6, tr.16]. Tiết kiệm không đơn thuần là làm gương mà còn là đạo lý theo tinh thần “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Tất thảy mọi người đều muốn ăn ngon, mặc đẹp. Tuy nhiên, người nào ăn ngon, mặc đẹp bằng cách vơ vét của dân, ăn ngon mặc đẹp khi nhân dân còn lầm than, khốn khó thì người đó chưa có đầy đủ tính người. C.Mác cũng từng nói rằng, chỉ có súc vật mới có thể quay lưng lại với nỗi khổ đau của đồng loại và chăm lo riêng cho bộ lông của nó. Khi cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc đều là mồ hôi nước mắt của nhân dân thì mọi sự lãng phí đều làtội ác. Yêu cầu cán bộ, đảng viên phải đi tiên phong trong thực hành tiết kiệm để toàn dân noi theo là điểm mới trong tư tưởng Hồ Chí Minh về tiết kiệm.
5. Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải pháp thực hành tiết kiệm
Hồ Chí Minh đề ra hệ thống giải pháp toàn diện, hữu hiệu nhằm thực hành tiết kiệm. Hồ Chí Minh luôn đề cao nguyên tắc “xây đi đôi với chống” trong tu dưỡng đạo đức. Vì vậy theo Người muốn thực hành tiết kiệm thì toàn Đảng, toàn dân phải ra sức chống lãng phí.Do nguy cơ lãng phí hiện hữu mọi nơi, mọi lúc nên cuộc đấu tranh chống lãng phí phải được tiến hành một cách thường xuyên, triệt để, rộng khắp, có kế hoạch, có tổ chức, có lãnh đạo, có phương pháp. Tuyệt đối không được phát động phong trào rồi “đánh trống bỏ dùi” để tránh sự “nhờn thuốc” và làm nhân dân mất lòng tin vào Đảng và Chính phủ.
Hồ Chí Minh yêu cầu phải “đánh thông về tư tưởng” [4, t.7, tr.358]vì trong nhân dân và cán bộ vẫn tồn tại quan điểm sai lầm về lãng phí. Ví dụ, có nhiều người cho rằng tham ô là có tội, còn lãng phí chỉ là một khuyết điểm. Hồ Chí Minh nói rõ: “Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ. Có khi tai hại hơn nạn tham ô” [4, t.7, tr.357]. Nó tai hại hơn bởi chỉ những cán bộ có chức có quyền mới có thể tham ô nhưng bất kể con người nào, ở vị trí nào cũng dễ dàng lãng phí tiền bạc, thời gian, sức lực của mình, của cơ quan và của xã hội. Sự thất thoát do lãng phí mang lại có khi còn lớn hơn sự thất thoát do tham ô. Một số người cho rằng, do nước ta còn nghèo nên không có gì để tiết kiệm, hoặc cho rằng “ai tham ô, lãng phí mặc ai, mình không tham ô, lãng phí thì thôi”. Rõ ràng, muốn thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hiệu quả thì phải loại bỏ những quan điểm sai lầm đó, phải“đánh thông về tư tưởng” như Hồ Chí Minh nói ở trên.
Theo Hồ Chí Minh, để thực hành tiết kiệm mỗi người cần phải thường xuyên tiến hành tự kiểm điểm công tác thực hành tiết kiệm của mình trên tinh thần tự giác, phải dựa vào quần chúng và phải phát động phong trào thi đua của quần chúng về tiết kiệm, phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, tổng kết kinh nghiệm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của cá nhân và tập thể, phải nghiêm khắc kỷ luật những kẻ không chịu sửa lỗi dù đã bị nhắc nhở, phải khen thưởng những người làm tốt và khuyến khích những người đang cố gắng làm tốt. Khi quần chúng hiểu rằng, tiết kiệm vì lợi ích của họ, chống lãng phí cũng vì chính bản thân họ, quần chúng nhân dân sẽ tự ý thức mà khinh ghét sự lãng phí. Người cho rằng, cần “biến hàng ức, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp” [4, t.13, tr.419]. báo chí cách mạng cũng phải tích cực vào cuộc để tạo áp lực dư luận đối với những kẻ làm điều sai trái, “gây quanh chúng một không khí công chúng công phẫn và tẩy chay về mặt đạo đức. Phải không còn một ai vỗ vai gượng nhẹ với chúng nữa” [4, t.12, tr.469].
6. Kết luận
Nước ta sau hơn 30 năm đổi mới đã có sự phát triển vượt bậc về kinh tế, nhưng công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí lại chưa tương xứng với những thành tựu kinh tế đạt được. Mặc dù Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được Quốc hội khóa XI thông qua (vào ngày 29 tháng 1 năm 2005 và có hiệu lực từ ngày 1 tháng 6 năm 2006), sau đó Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIII thông qua (vào ngày 26 tháng 11 năm 2013 và có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2014), nhưng đến nay ở đâu cũng vẫn có sự lãng phí. Lãng phí nằm ở những dự án quy hoạch “treo” một cách tràn lan, những thất thoát lớn và không đồng bộ trong xây dựng kết cấu hạ tầng. Lãng phí là sự thất nghiệp của hơn 225.000 cử nhân và thạc sỹ ở thời điểm quý I năm 2016 [6]; là sự thua lỗ kéo dài của nhiều nhà máy quy mô ngàn tỷ đồng của các tập đoàn nhà nước [7]; là đội ngũ công chức đông mà không mạnh. Lãng phí là do kỷ luật lao động lỏng lẻo; là tình trạng hội họp, lễ lạt, tiếp khách triền miên; là lối sống hưởng thụ vật chất, chạy theo hình thức bề ngoài theo kiểu “phú quý sinh lễ nghĩa”... Tất cả những hiện tượng đó đang đè nặng lên nguồn ngân sách eo hẹp của Nhà nước, làm hao tổn nguồn lực của nhân dân. Nếu khắc phục được những sự lãng phí to lớn đó, đất nước sẽ phát triển nhanh hơn, đời sống của nhân dân sẽ được nâng cao hơn. Trong bối cảnh sự lãng phí đang tràn lan hiện nay, tư tưởng Hồ Chí Minh về tiết kiệm càng trở nên giá trị và mang tính thời sự.
Tài liệu tham khảo
[1]Phạm Văn Đồng (1990), Hồ Chí Minh, một con người, một thời đại, một sự nghiệp, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[2]Võ Nguyên Giáp (2006), Tổng tập Hồi ký, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[3]Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (1996), Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử, t.10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[4]Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, t.3, t.4, t.5, t.6, t.7, t.12, t.13, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[5]http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/dai-tuong-vo-nguyen-giap/5-diem-khac-biet-cua-dai-tuong-voi-tuong-linh-the-gioi-143804.html
[6]http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/ca-nuoc-co-225-500-cu-nhan-thac-si-that-nghiep-20151224112508471.htm
[7]http://nld.com.vn/kinh-te/tap-doan-nha-nuoc-thua-lo-chon-von-ca-chuc-ngan-ti-dong-20160711100646857.htm
Trần Thị Minh Tuyết (Học viện Báo chí và Tuyên truyền)