Quan điểm của V.I.Lênin về tính quy luật của sự chuyển hóa từ sản xuất tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa tư bản chủ nghĩa

Cập nhật 08:20 ngày 18/02/2018
(Chính trị) - V.I.Lênin khẳng định: chủ nghĩa tư bản là một giai đoạn phát triển của sản xuất hàng hóa, không những sản phẩm lao động của con người trở thành hàng hóa mà sức lao động của con người cũng trở thành hàng hóa, nghĩa là sự phát triển của chủ nghĩa tư bản gắn liền với sự hình thành của các loại thị trường; phân công lao động xã hội càng phát triển thì quy mô thị trường càng được mở rộng… Những quan điểm của V.I.Lênin có ý nghĩa thực tiễn trong việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta hiện nay.

1. Tính quy luật của sự chuyển hóa từ sản xuất tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa TBCN

Theo V.I.Lênin, “Sản xuất hàng hóa chính là cách thức tổ chức của kinh tế xã hội, trong đó sản phẩm đều do người sản xuất cá thể, riêng lẻ, sản xuất ra, mỗi người chuyên làm ra một thứ sản phẩm nhất định, thành thử muốn thỏa mãn các nhu cầu của xã hội thì cần phải mua bán sản phẩm (vì vậy sản phẩm trở thành hàng hóa) trên thị trường”(1).

CNTB là một giai đoạn phát triển của sản xuất hàng hóa, trong đó, không những sản phẩm lao động của con người trở thành hàng hóa, mà ngay cả bản thân sức lao động của con người cũng trở thành hàng hóa.

V.I.Lênin khẳng định, trong sự phát triển của CNTB có hai nhân tố quan trọng, đó là sự chuyển hóa nền kinh tế tự nhiên sang nền kinh tế hàng hóa và sự chuyển hóa nền kinh tế hàng hóa thành nền kinh tế TBCN. Sự chuyển hóa thứ nhất xảy ra là do xuất hiện phân công lao động xã hội, nghĩa là sự chuyên môn hóa những người sản xuất cá thể, điều không thể thiếu trong nền kinh tế. Sự chuyển hóa thứ hai là do những người sản xuất riêng lẻ cạnh tranh với nhau khi sản xuất hàng hóa ra thị trường - “người nào cũng cố bán đắt hơn, mà mua thật rẻ”. Kết quả là một số ít giàu có lên còn quần chúng nhân dân bị phá sản, khiến cho những người sản xuất độc lập biến thành công nhân làm thuê, số đông những doanh nghiệp nhỏ biến thành số ít những xí nghiệp lớn.

Để thể hiện sự chuyển biến của hai nhân tố quan trọng nói trên đối với nền kinh tế TBCN, V.I.Lênin đã minh họa bằng sơ đồ về 6 thời kỳ sản xuất của nền kinh tế.

Thời kỳ thứ nhất: trong nền kinh tế tự nhiên thuần tuý, sản phẩm làm ra thỏa mãn trực tiếp nhu cầu của người sản xuất ra nó, trong trường hợp này chưa hình thành thị trường.

Thời kỳ thứ hai: bắt đầu xuất hiện phân công lao động với mức độ thấp. Trong thời kỳ này, quy mô của thị trường phù hợp hoàn toàn với trình độ chuyên môn hóa lao động xã hội.

Thời kỳ thứ ba: sự phân công tiếp tục phát triển, lan khắp các ngành công nghiệp. Một lần nữa, quy mô của thị trường lại hoàn toàn phù hợp với trình độ chuyên môn hóa (phân công) của lao động xã hội.

Thời kỳ thứ tư: mô tả sản xuất TBCN: quá trình chuyển hóa nền sản xuất hàng hóa thành sản xuất TBCN. Thời kỳ trước, mỗi người sản xuất là một người sản xuất riêng biệt, biệt lập với các nhà sản xuất khác; mỗi người đều sản xuất cho thị trường, nhưng không một người nào biết được quy mô của thị trường. Theo V.I.Lênin: “Mối quan hệ như vậy giữa những người sản xuất riêng rẽ, sản xuất cho một thị trường chung, thì gọi là cạnh tranh”(2). Quy luật cạnh tranh liên tục thúc đẩy sản xuất phát triển, tuy nhiên cùng với quá trình đó, sự phân hóa giàu nghèo bắt đầu xuất hiện ngày càng lớn, dần đặc biệt là trong nền kinh tế TBCN, “Người sản xuất khéo léo hơn, tháo vát hơn và mạnh hơn, sẽ ngày càng mạnh lên nhờ những sự biến động đó; còn người yếu ớt và vụng về thì bị những sự biến động đó đè bẹp. Một số ít người trở nên giàu có, còn quần chúng thì bị bần cùng hoá, đó là hậu quả không tránh khỏi của quy luật cạnh tranh. Kết cục là những người sản xuất bị phá sản mất hết sự độc lập về kinh tế của mình và trở thành công nhân làm thuê trong doanh nghiệp”(3).

Trong thời kỳ này, ngoài sự phân công lao động tăng thêm, quy mô thị trường được mở rộng, thị trường sức lao động hình thành. Điều này xuất phát từ tác động của quy luật cạnh tranh, một số người sản xuất trước đây ngày càng nghèo đi, bị tước đi các tư liệu sản xuất quan trọng để sản xuất, vì vậy để phục vụ nhu cầu của bản thân họ phải bán sức lao động của mình. Ngươc lại, một bộ phận người sản xuất trở nên giàu có, mở rộng sản xuất nên cần phải thuê thêm người lao động. Tại đây, xuất hiện cung cầu sức lao động và thị trường lao động hình thành. Mặt khác, những người làm thuê bị người chủ chiếm hữu phần giá trị thặng dư tạo ra. “Những người sản xuất còn lại làm thuê cho hai người này, và từ nay họ không còn được lĩnh toàn bộ sản phẩm lao động của họ nữa, vì giá trị thặng dư đã bị người chủ chiếm hữu mất”(4) và bắt đầu xuất hiện bần cùng hóa.

Thời kỳ thứ năm: sự phân công sâu hơn, sự phân hóa những người sản xuất bao trùm ngành sản xuất còn lại của nền kinh tế. Kết quả là sự phân công tiếp tục tăng lên, quy mô thị trường mở rộng trên cả hai thị trường hàng hóa và thị trường sức lao động; quần chúng tiếp tục bị “bần cùng hóa”.

Thời kỳ sáu: là thời kỳ sự chuyên môn hóa các nghề nghiệp, tức là sự phân công lao động xã hội đã hoàn thành. Đây là thời kỳ mà “tất cả các ngành công nghiệp tách rời nhau để trở thành nghề chuyên môn của các nhà sản xuất này khác. Công nhân làm thuê đã hoàn toàn mất cơ sở kinh doanh độc lập của mình và từ nay chỉ sống bằng lao động làm thuê của họ mà thôi”(5). Kết quả tương tự như thời kỳ 4 và thời kỳ 5, đó là CNTB phát triển, “quần chúng bị bần cùng hóa” và quy mô thị trường tiếp tục được mở rộng.

Từ phân tích sơ đồ về các thời kỳ sản xuất, V.I.Lênin rút ra những kết luận liên quan đến tính quy luật của sự chuyển hóa từ sản xuất tự cung tự cấp sang nền kinh tế TBCN như sau:

Một là, khái niệm “thị trường” hoàn toàn không thể tách rời khái niệm phân công lao động xã hội. V.I.Lênin khẳng định: “Sự phân công này, như Mác nói, là “cơ sở chung của mọi nền sản xuất hàng hóa” (và do đó, - chúng tôi xin nói thêm, - là cơ sở của nền sản xuất TBCN). Hễ ở đâu và khi nào có phân công xã hội và sản xuất hàng hóa thì ở đó và khi ấy, có “thị trường”(6). Như vậy, theo V.I.Lênin, quy mô của thị trường gắn chặt với trình độ chuyên môn hóa của lao động xã hội, giới hạn phát triển của thị trường xã hội TBCN là do giới hạn chuyên môn hóa lao động xã hội quyết định, mà sự chuyên môn hóa, xét về bản chất của nó, là vô cùng tận cũng như sự tiến bộ kỹ thuật.

Hai là, cùng với sự phát triển của nền kinh tế TBCN thì sự bần cùng hóa quần chúng nhân dân không những không làm trở ngại cho sự phát triển của CNTB, mà trái lại nó chính điều kiện phát triển của CNTB.

Như vậy, có thể nói rằng việc chuyển từ nền kinh tế tự cung tự cấp sang nền kinh tế TBCN là quá trình diễn ra từ từ, có tính quy luật mà nguồn gốc xuất phát từ sự phân công lao động. Phân công lao động diễn ra càng sâu thì quy mô thị trường càng lớn, đầu tiên là thị trường hàng hóa và khi phân công lao động diễn ra một mức độ nhất định xuất hiện thị trường sức lao động, tại đây nền kinh tế TBCN xuất hiện. Cùng với quá trình mở rộng quy mô thị trường là quá trình bần cùng hóa quần chúng lao động, quá trình này làm cho TBCN càng phát triển hơn nữa: “Quần chúng bị bần cùng hóa, một số ít bọn bóc lột thì giàu lên, hai hiện tượng đó đi đôi với nhau, các xí nghiệp nhỏ bị phá sản và suy sụp, còn các xí nghiệp lớn thì mạnh lên và phát triển, hai hiện tượng đó đi đôi với nhau; cả hai quá trình đó đều thúc đẩy thị trường mở rộng”(7).

2. Ý nghĩa thực tiễn trong xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam

- Khẳng định tính đúng đắn của việc thực hiện mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam

Thấy được tính quy luật của sự hình thành nền kinh tế thị trườngvà trên cơ sở tổng kết những bài học kinh nghiệm trong những bước chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, Đảng ta đã xác định kinh tế thị trường định hướng XHCN là mô hình kinh tế tổng quát trong suốt thời kỳ quá độ đi lên CNXH ở Việt Nam. Nền kinh tế này trước hết phải tuân thủ của những quy luật khách quan của kinh tế thị trường như quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh, quy luật cung cầu. Giá cả được xác định trên thị trường tùy thuộc vào quan hệ cung - cầu và độ khan hiếm hàng hóa; các nguồn lực phát triển được phân bổ chủ yếu theo những tín hiệu của thị trường. Bên cạnh đó, Nhà nước thực hiện vai trò điều tiết của mình nhằm đảm bảo định hướng XHCN trên cơ sở tôn trọng quy luật của thị trường; tạo điều kiện, hỗ trợ để kinh tế thị trường vận hành bình thường, đồng thời sẵn sàng can thiệp, điều tiết một khi có thất bại của thị trường. Đại hội XII của Đảng nêu ra khái niệm về nền kinh tế thị trường định hướng XHCN mà Việt Nam đang xây dựng là “nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của nền kinh tế thị trường, đồng thời đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”(8).

- Phân vùng ngành kinh tế, thực hiện chuyên môn hóa sản xuất ở Việt Nam

Sản xuất càng phát triển thì phân công lao động theo ngành càng tỉ mỉ và sự phân công lao động theo vùng càng rõ rệt, các vùng chuyên môn hóa lớn dần hình thành. Ở Việt Nam hiện nay, trình độ phát triển sức sản xuất chưa cao, nhưng sau giai đoạn phát triển lâu dài của lịch sử, một số vùng sản xuất chuyên môn hóa lớn đặc thù cũng đã được hình thành như: Vùng than ‑ nhiệt điện Quảng Ninh, vùng lâm sản ‑ khai thác và chế biến kim loại Việt Bắc, vùng lương thực ‑ cây công nghiệp ngắn ngày, cây thực phẩm phía Đông Nam đồng bằng Bắc Bộ, vùng gỗ giấy và thủy điện Tây Bắc Bắc Bộ, vùng cơ khí và chế biến hàng tiêu dùng ở Hà Nội và xung quanh Hà Nội, vùng khai thác gỗ, hải sản và cây công nghiệp lâu năm dọc Trung Bộ, vùng cơ khí - chế biến hàng tiêu dùng, hải sản, gỗ giấy, thực phẩm, dầu lửa, du lịch,...  ở Đông Nam Bộ, vùng lương thực, thực phẩm Tây Nam Bộ. Mặc dù mức độ chuyên môn hóa chưa cao, khối lượng sản phẩm chưa nhiều, nhưng giữa các vùng lớn trên cả nước đã bắt đầu hình thành những dòng chảy sản phẩm (các mối liên hệ liên vùng) khá bền vững qua nhiều năm và nhiều giai đoạn phát triển kinh tế, từ đó thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Mở rộng và phát triển các yếu tố thị trường và các loại thị trường

Việt Nam chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp sang nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, do đó các yếu tố thị trường chưa hoàn thiện, chưa phát triển đồng bộ để nền kinh tế thị trường phát triển theo đúng nghĩa của nó. Để phát triển đồng bộ các loại thị trường, Đại hội XII của Đảng đã xác định: “Tiếp tục phát triển đồng bộ và vận hành thông suốt các loại thị trường. Thực hiện đa dạng thị trường hàng hóa, dịch vụ theo hướng hiện đại, chú trọng hình thành khung pháp lý, phát triển hệ thống phân phối thông suốt và hiệu quả…”(9).

Chú trọng giải quyết phân hóa giàu nghèo.

Một trong những mặt trái của nền kinh tế thị trường là sự phân hóa giàu nghèo ngày càng rõ rệt. Cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế trong thời gian gần đây, khoảng cách chênh lệch thu nhập giữa nhóm 20% người giàu nhất và 20% người nghèo nhất đang ngày càng tăng lên. Điều này được thể hiện rõ trong bảng 1.

Bảng 1: Thu nhập bình quân đầu người và chênh lệch thu nhập

Bên cạnh đó, tình trạng chênh lệch tuyệt đối ở Việt Nam cũng đang rất đáng lo ngại. Hệ số Gini (chỉ số đo sự chênh lệch về thu nhập của xã hội) của Việt Nam tăng từ 0,42 năm 2004 lên 0,43 năm 2012, năm 2016 là 0,436(10). Theo chuẩn quốc tế, hệ số Gini ở mức 0,4 trở lên thể hiện sự bất bình đẳng ở mức nguy hiểm. Chênh lệch về thu nhập tuyệt đối giữa khu vực nông thôn và thành thị cũng ngày càng tăng. Điều này cho thấy một thực tế là chênh lệch về thu nhập tuyệt đối ở Việt Nam đang tăng lên nhanh. Tuy nhiên, cũng cần phải nhận thấy rằng chênh lệch này ở Việt Nam không phải là hiện tượng người giàu giàu lên, người nghèo nghèo đi, mà là người giàu ngày càng giàu nhanh hơn người nghèo, vì thực tế cho thấy ngay trong bối cảnh khoảng cách chênh lệch giàu nghèo càng lớn thì thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo đã tăng lên và tỷ lệ hộ nghèo đã giảm mạnh trong thời gian qua.

Hình 1: Thu nhập theo đầu người của khu vực nông thôn và thành thị

Như vậy, muốn phát triển nền kinh tế thị trường thì phải chấp nhận phân hóa giàu nghèo như là một mặt trái của nó. Vấn đề đặt ra làm sao để giảm thiểu sự phân hóa giàu nghèo đó. Điều này đòi hỏi vai trò của Nhà nước. Bên cạnh sử dụng các công cụ về thuế, trợ cấp để phân phối lại thu nhập, thì cũng cần phải ngăn ngừa, hạn chế sự giàu lên một cách bất thường và bất chính do tham nhũng, làm ăn theo kiểu chụp giật. Đồng thời, phảituyên dương, nhân rộng các điển hình làm giàu hợp pháp; khuyến khích các hộ đã giàulên một cách hợp pháp hỗ trợ người nghèo. Mặt khác, phải nâng cao mứcsống của người nghèo thông qua việc nâng cao năng lực và sự tự ý thức vươnlên thoát nghèo của chính họ.

__________________

(1), (2), (3), (4), (5), (6), (7) V.I.Lênin: Toàn tập, t.1, Nxb Chính trị quốc gia, 2005, tr.106, 111, 111, 111, 113, 114, 118

(8), (9) ĐCSVN:Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.102, 109

(10) Tổng cục thống kê, http://www.gso.gov.vn/

 

Nguyễn Thị Quỳnh Anh

Viện Kinh tế chính trị học

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Nguồn:http://lyluanchinhtri.vn

Cập nhật tin tức về khoa học xã hội tại: tapchikhxh.vass.gov.vn