Nâng cao chất lượng Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế

Cập nhật 07:36 ngày 24/10/2022
(Hội thảo khoa học) - Vừa qua, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, đã tổ chức hội thảo quốc tế: Nâng cao chất lượng Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
 
Tham dự hội thảo, có đông đảo các nhà khoa học, các học giả trong và ngoài nước: GS.TS. Nguyễn Quang Liêm, Tổng biên tập Tạp chí Advances in Natural Sciences: Nanoscience and Nanotechnology - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, ThS. Đào Mạnh Thắng, Phó Cục trưởng Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia, PGS.TS. Từ Thúy Anh, Tổng biên tập Tạp chí Quản lý & Kinh tế quốc tế, TS. Tạ Quang Tuấn, Phó Tổng biên tập Tạp chí Quản lý Nhà nước - Học viện Hành chính quốc gia, PGS.TS. Hoàng Thị Mai, Phó Hiệu trưởng, Tổng biên tập Tạp chí khoa học Đại học Hồng Đức, PGS.TS. Hồ Việt Hạnh, Tổng biên tập Tạp chí Nhân lực KHXH, PGS.TS. Vũ Hùng Cường, Tổng biên tập, Viện trưởng Viện Thông tin KHXH, PGS.TS. Đặng Thị Phương Hoa, Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Châu Âu, PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Ngọc, Phó Viện trưởng Viện Xã hội học, TS. Ngô Văn Vũ, Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á... Về phía các nhà khoa học nước ngoài có: GS.TS. Lương Văn Hy, Đại học Toronto, Canada, TS. Nguyễn Hồng Hải - Trung tâm Tương lai chính sách, Đại học Queensland, PGS.TS. Michal Valco, Đại học Comenius, Bratislava… Về phía Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam có: PGS.TS. Nguyễn Duy Lợi, Tổng biên tập, TS. Lê Minh Anh, Phó Tổng biên tập cùng toàn thể cán bộ, công chức và viên chức của Tạp chí.
 

 
PGS.TS. Nguyễn Duy Lợi, Tổng biên tập Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu khai mạc và đề dẫn.
Ảnh: Thu Trang

Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, thay mặt lãnh đạo Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Duy Lợi nhiệt liệt chào mừng sự có mặt đông đảo của các đại biểu, các nhà khoa học tham dự. Tổng biên tập Nguyễn Duy Lợi khẳng định: từ những số tạp chí xuất bản đầu tiên bằng tiếng Pháp và tiếng Anh (năm 1984-1985), Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam đã trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, hiện nay, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam đã có bản tiếng Việt xuất bản 1 tháng/kỳ, bản tiếng Anh Vietnam Social Science Review (VSSR) xuất bản 2 tháng/kỳ với mã số ISSN riêng. Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam luôn hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, là cơ quan báo chí, cơ quan ngôn luận của Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam; đồng thời là Diễn đàn khoa học của giới nghiên cứu và hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn trong và ngoài nước; tuyên truyền, phổ biến quan điểm, đường lối đối nội, đối ngoại của Đảng và Nhà nước; bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế.

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, việc nâng cao chất lượng tạp chí khoa học theo chuẩn quốc tế là đòi hỏi bức thiết. Mặc dù, các tạp chí khoa học của Việt Nam đã có nhiều nỗ lực đổi mới, không ngừng nâng cao chất lượng, nhưng việc phát triển tạp chí khoa học theo các tiêu chuẩn quốc tế còn hạn chế, yếu kém, cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn ở tầm cao hơn với những quyết tâm mới, chính sách mới, nhằm đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới. Các tạp chí cần có sự chủ động chuẩn bị, định hướng và quyết tâm thực hiện phát triển tạp chí theo Chuẩn quốc tế, đặc biệt là tiêu chuẩn của các cơ sở dữ liệu tạp chí quốc tế lớn, uy tín.

Trên cơ sở đó, Tổng biên tập Nguyễn Duy Lợi mong muốn các đại biểu, các nhà khoa học tham dự Hội thảo nghiên cứu, thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến có chất lượng, sâu sắc để nâng cao chất lượng Tạp chí Khoa học của Việt Nam nói chung và Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam nói riêng trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Đồng thời, Tổng biên tập Nguyễn Duy Lợi có những đề xuất, gợi mở cụ thể để các đại biểu, các nhà khoa học cùng trao đổi, thảo luận như: những thách thức đối với các Tạp chí trong lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn tại Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế; cách thức để 1 tạp chí trở thành một tạp chí quốc tế uy tín; kinh nghiệm liên kết xuất bản trong nước và quốc tế để xây dựng một tạp chí đạt chuẩn quốc tế, đặc biệt là chiến lược phù hợp để liên kết xuất bản tạp chí khoa học quốc tế, liên kết đội ngũ với các trường đại học, viện nghiên cứu có uy tín trong khu vực và trên thế giới; kinh nghiệm phát triển tạp chí điện tử; cấu trúc nội dung của tạp chí điện tử; đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong tạp chí; đảm bảo đạt chuẩn hệ thống trích dẫn Đông Nam Á (ACI); kinh nghiệm xây dựng nguồn nhân lực chất lượng để đáp ứng đòi hỏi nâng cao chất lượng các Tạp chí khoa học của Việt Nam nói chung theo chuẩn quốc tế…
 

 
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Thu Trang

Hội thảo có 03 phiên thảo luận. Các diễn giả đã cùng chia sẻ, trao đổi về các vấn đề như: những thách thức của các Tạp chí trong lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn tại Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế; hệ thống Tạp chí khoa học Việt Nam trực tuyến (VJOL), thúc đẩy chuyển đối số và nâng cao chất lượng tạp chí khoa học của Việt Nam; tổ chức liên kết xuất bản - Giải pháp nền tảng phát triển tạp chí khoa học của Việt Nam tiệm cận tiêu chuẩn tạp chí khoa học quốc tế; chiến lược nâng cao tầm ảnh hưởng và hình ảnh tạp chí khoa học hiện nay; kinh nghiệm hợp tác IOPP (UK) trong liên kết xuất bản quốc tế tạp chí…
 

 
PGS.TS. Hồ Việt Hạnh và PGS.TS. Nguyễn Duy Lợi chủ trì Phiên đầu tiên của Hội thảo. Ảnh: Thu Trang
 
Mở đầu trao đổi, thảo luận tại hội thảo, từ Đại học Toronto, Canada, GS.TS. Lương Văn Hy cho rằng: trong tiến trình hội nhập quốc tế, các tạp chí Khoa học xã hội và nhân văn xuất bản ở Việt Nam gặp nhiều thách thức rất lớn. Cụ thể, chính sách của tạp chí (đa dạng địa lý của các tác giả, đa dạng địa lý của Hội đồng biên tập, cách xét duyệt bài…), vị thế của tạp chí (% bài được trích dẫn trong Scopus và số trích dẫn); các đại học ở những nước đang phát triển khuyến khích mạnh giảng viên và đội ngũ nghiên cứu công bố kết quả trong các tạp chí ISI/Scopus. Áp lực này rất mạnh lên đội ngũ trẻ. Họ xem khả năng xuất bản ở những tạp chí này là một cách tự khẳng định mình, và cũng giúp cơ hội tìm việc làm tốt và thăng tiến trong nghề nghiệp. Ông cũng cho rằng, để hội nhập và có tên trong sân chơi học thuật quốc tế, ở cấp độ tạp chí, các tạp chí xuất bản ở Việt Nam nói chung và các tạp chí Khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam nói riêng cần thay đổi mục tiêu và hướng đi: không còn/chỉ là để giới thiệu với quốc tế những công trình của các nhà học thuật Việt Nam, mà là một tạp chí quốc tế. Cần thay đổi cái nhìn về bài hội thảo và việc đăng tạp chí. Theo đó, hội thảo là một cơ hội trao đổi và thử lửa, còn đăng/xuất bản phải qua một tiến trình phản biện kín rất nghiêm ngặt, có tính quốc tế và cần nhiều thời gian. Ngoài ra, để tăng tính quốc tế, GS.TS. Lương Văn Hy cho biết, cần định vị nghiên cứu và kết luận của tác giả trong tổng thể những nghiên cứu trên thế giới xoay quanh đề tài của tác giả, những bài trong Khoa học xã hội và nhân văn cũng cần trình bày về phương pháp tiếp cận và thu thập dữ liệu.
 
GS.TS. Nguyễn Quang Liêm, Tổng biên tập Tạp chí Advances in Natural Sciences: Nanoscience and Nanotechnology - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã có những trao đổi thẳng thắn, bổ ích về những kinh nghiệm trong liên kết xuất bản quốc tế tạp chí. GS.TS. Nguyễn Quang Liêm khẳng định, việc lựa chọn tạp chí để xuất bản bài báo khoa học là rất quan trọng, phải phù hợp về chuyên môn, lĩnh vực, khả năng được nhận đăng cao, có ý kiến phản biện hữu ích để hoàn thiện, nâng cao chất lượng, phải là tạp chí danh tiếng, có uy tín cao, phủ rộng độc giả quốc tế trình độ cao (IF cao, được chỉ mục trong nhiều cơ sở dữ liệu lớn). Ông nhấn mạnh việc liên kết xuất bản quốc tế tạp chí, điều đó nâng cao chất lượng, vị thế, uy tín của tạp chí, đẩy nhanh hội nhập quốc tế, đáp ứng cơ bản các yêu cầu về tính chuyên nghiệp trong công tác xuất bản (hội đồng biên tập quốc tế, phần mềm phục vụ chuyên môn, thời hạn đăng, số lượng và chất lượng các bài báo, thỏa thuận các điều kiện cụ thể, thời hạn, hình thức xuất bản (online, hybrid, OA/trả tiền đọc,...). Hiện nay, các tạp chí khoa học trên thế giới thường liên kết xuất bản với các nhà xuất bản như: Springer, John Wiley & Sons, Elsevier, Taylor & Francis, AIP Publishing, IOPP, ACS Publications. Tuy nhiên, việc liên kết xuất bản quốc tế tạp chí cần được chính tạp chí chuẩn bị trước để cơ bản đủ điều kiện cần và cân nhắc hình thức liên kết phù hợp.

Với quan điểm, cần có chiến lược nâng cao tầm ảnh hưởng và hình ảnh tạp chí khoa học, từ thực tiễn hoạt động của đơn vị, PGS. TS. Từ Thúy Anh, Tổng Biên tập Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế - Trường Đại học Ngoại thương đã chỉ ra một số bước cần làm như: xây dựng hình ảnh tạp chí, đăng tải đầy đủ các thông tin về tạp chí, p-ISSN/e-ISSN, tôn chỉ và phạm vi tạp chí, các chính sách tạp chí, thông tin về các thành viên Hội đồng Biên tập, tóm tắt và toàn văn bài viết xuất bản, tránh bị hiểu lầm là tạp chí săn mồi, tạp chí ma. Nâng cao tầm ảnh hưởng trong cộng đồng khoa học, tham gia vào các danh mục/cơ sơ dữ liệu uy tín trong nước và quốc tế. Đồng thời, đồng hành cùng các Hội thảo khoa học chuyên ngành, nâng cao hình ảnh tạp chí với tư cách là bên bảo trợ, đồng hành với hoạt động truyền bá và chuyển giao tri thức, xây dựng kế hoạch xuất bản số đặc biệt giới thiệu tạp chí đến cộng đồng các nhà khoa học, tăng lượt trích dẫn bài tạp chí…

Sau một ngày làm việc sôi nổi, nghiêm túc, chất lượng, Hội thảo “Nâng cao chất lượng Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế” đã thành công tốt đẹp. Thay mặt Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Duy Lợi đã cảm ơn những ý kiến đóng góp quý báu của các đại biểu, các nhà khoa học và khẳng định: các tham luận, các ý kiến trao đổi trong hội thảo có hàm lượng khoa học cao, sâu sắc, là những thông tin có giá trị trong công tác biên tập, xuất bản tạp chí Khoa học xã hội và nhân văn của Việt Nam, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng Tạp chí Khoa học của Việt Nam nói chung và Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam nói riêng trong bối cảnh hội nhập quốc tế, hướng tới trở thành tạp chí thành viên trong chỉ mục khu vực Đông Nam Á (ACI) hoặc cao hơn nữa là nằm trong hệ thống xuất bản của các tạp chí khoa học danh tiếng trên thế giới như ISI, SCOPUS, v.v.
 
Bùi Hồng
Cập nhật tin tức về khoa học xã hội tại: tapchikhxh.vass.gov.vn