Hội thảo Khoa học quốc tế trực tuyến “Nho giáo truyền thống Việt Nam và Hàn Quốc: Nét tương đồng và dị biệt”

Cập nhật 17:22 ngày 23/12/2020
(Hội thảo khoa học) - Sáng ngày 19/12/2020, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Triết học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) phối hợp với Viện Nghiên cứu Hàn Quốc học Trung ương (Hàn Quốc) tổ chức Hội thảo Khoa học quốc tế trực tuyến với chủ đề “Nho giáo truyền thống Việt Nam và Hàn Quốc: Nét tương đồng và dị biệt”.
PGS.TS. Nguyễn Tài Đông và PGS.TS. Lê Thị Lan chủ trì phiên thứ nhất Hội thảo

Tham dự hội thảo có: PGS.TS. Nguyễn Tài Đông, Viện trưởng Viện Triết học; PGS.TS. Cao Thu Hằng, Phó Viện trưởng Viện Triết học; đại diện các chuyên gia, học giả Hàn Quốc tham dự trực tuyến có GS. Chung Soon Woo, giáo sư danh dự của Viện Nghiên cứu Hàn Quốc học Trung ương; GS. Lee Woo Jin, Đại học Quốc gia Gongju; GS. Han Jae Hoon, Đại học Yonsei… cùng đại diện các cán bộ nghiên cứu, giảng viên đến từ các cơ quan, trường đại học (Học viện báo chí và Tuyên truyền, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nôi; Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Học viện An ninh nhân dân; Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải; Học viện Quản lý giáo dục; Trường Đại học Ngoại thương..).
 
Nho giáo ra đời ở Trung Quốc trong thời kỳ Xuân Thu- Chiến Quốc là một học thuyết chính trị - xã hội hướng tới mục tiêu ổn định trật tự xã hội. Du nhập vào Việt Nam và Hàn Quốc, Nho giáo được các triều đình phong kiến tiếp nhận, sử dụng trở thành hệ tư tưởng chính thống của giai cấp phong kiến thống trị, định hình nhiều giá trị trong văn hóa truyền thống Việt Nam và Hàn Quốc, trở thành giá trị ăn sâu, bám rễ trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam và Hàn Quốc trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.
 
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, thay mặt Lãnh đạo Viện Triết học, PGS.TS. Nguyễn Tài Đông nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đủ của các đại biểu và nhấn mạnh đến tầm quan trọng của văn hóa truyền thống trong việc giúp người dân Hàn Quốc kiểm soát tốt dịch bệnh cũng như tự quản trị xã hội. Đồng thời, PGS Viện trưởng khẳng định, mối quan hệ sâu sắc giữa Việt Nam – Hàn Quốc không chỉ thể hiện ở sự hợp tác trong lĩnh vực tài chính, kỹ thuật, mà còn chia sẻ lẫn nhau những giá trị Đông Á mà Nho giáo đã mang lại trong thời gian qua. Các giá trị tôn trọng sự sống, đề cao nhân văn, coi trọng cộng đồng, coi trọng gia đình, tiềm thức tập thể, ý thức trật tự, trách nhiệm xã hội… là những giá trị mang đậm nét Nho giáo được phát huy phần nào trong xã hội ngày nay.
 
Toàn cảnh Hội thảo trực tuyến

Phát biểu chào mừng Hội thảo, GS. Chung Soon Woo khẳng định giá trị, sự tái sinh và tính ứng dụng của Nho giáo trong giải quyết mối quan hệ cá nhân, giữa con người với xã hội và toàn nhân loại thời đại ngày nay. Giáo sư cũng nhấn mạnh, bối cảnh đại dịch Covid-19 góp phần xác lập mối quan hệ và phương thức mới trong quan hệ con người và Hội thảo là diễn đàn trao đổi học thuật hữu ích giúp các chuyên gia, nhà khoa học hai nước cùng thảo luận sâu sắc cũng như khẳng định lại những giá trị của Nho giáo.
 
Trong số nhiều bài viết gửi đến Hội thảo, có 06 tham luận được trình bày qua 02 phiên thảo luận với các nội dung chính như sau: Việc thi hành lễ giáo tại Hàn Quốc và Việt Nam; Tiếp nhận di sản giáo dục truyền thống trong việc xác lập lại thuyết giáo dục đa văn hóa tại Hàn Quốc; Về đặc điểm của quá trình dân tộc hóa Nho giáo ở Việt Nam trong lịch sử; Quan điểm của Jeong Yak Yong về “nhân” trong Luận ngữ cổ kim chú; Nho giáo và tính bản địa của cộng đồng làng xã ở nông thôn (Đỗng Khế của Hàn Quốc và hương ước của Việt Nam); Vị thế của người phụ nữ trong quan niệm của Nho giáo Việt Nam và Nho giáo Hàn Quốc- những nét tương đồng và khác biệt.
 
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Hội thảo là diễn đàn trao đổi học thuật quí báu giữa các chuyên gia, nhà khoa học và học giả Việt Nam- Hàn Quốc cùng làm sáng tỏ hơn nữa giá trị Nho giáo truyền thống trong xã hội ngày nay, cũng như nhìn nhận những nét tương đồng và khác biệt của Nho giáo tại hai quốc gia nhằm chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau trong nghiên cứu Nho học; qua đó, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ hợp tác khoa học và tình hữu nghị giữa Việt Nam – Hàn Quốc trong thời gian tới.
 
Theo Vss.gov.vn
 
Cập nhật tin tức về khoa học xã hội tại: tapchikhxh.vass.gov.vn