VASS - Thanh xuân của tôi
Cập nhật 17:39 ngày 20/11/2023
(Tin tức) - Thực hiện chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh niên năm 2023; chào mừng Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (02/12/1953 - 02/12/2023), Đoàn Viện Hàn lâm tổ chức cuộc thi viết “VASS trong tôi” dành cho tất cả đoàn viên, thanh niên nhằm tạo sân chơi bổ ích, thể hiện khả năng sáng tác và bày tỏ tình cảm đối với cơ quan, đơn vị mình đang công tác. Cuộc thi là dịp để các đoàn viên như chúng tôi có cơ hội để viết lên những suy nghĩ, tình cảm chất chứa trong lòng bấy lâu nay mà chưa có dịp để bày tỏ. Cuộc thi cũng là dịp để mỗi đoàn viên, thanh niên nhìn lại quãng thời gian mình gắn bó với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) dù 5 năm, 10 năm hay mới chỉ 1 năm, 2 năm nhưng chắc chắn đó đều là những kỷ niệm của một thời tuổi trẻ vui tươi và sôi nổi.
1. Cơ duyên đến với VASS và INAS
12 năm trước, tôi là một cử nhân đại học 22 tuổi bước chân ra khỏi giảng đường Học viện Ngoại giao với nhiều dự định, hoài bão và ước mơ. Tôi ước mình có thể trở thành một nhà ngoại giao, ước mình sẽ được đi nước ngoài, được khám phá những vùng đất mới. Nhưng với năng lực còn hạn hẹp, một cô gái không quan hệ, không quen biết gì ở thủ đô thì ước mơ được làm việc trong ngành ngoại giao càng trở nên xa vời với tôi. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi xin vào làm ở một công ty tư nhân, vừa để tích lũy thêm kinh nghiệm, tăng thêm kiến thức xã hội vừa để giao lưu, mở rộng thêm nhiều mối quan hệ, trau dồi thêm vốn sống cho bản thân mình. Vừa làm ở công ty đó vừa tìm kiếm công việc phù hợp với chuyên môn, nhưng không hiểu sao tôi vẫn chưa tìm được công việc phù hợp, thì tình cờ vào tháng 10/2010, cô bạn thân cấp 3 của tôi đang học tại trường Đại học Quốc gia Hà Nội gửi cho tôi tờ thông báo tuyển dụng của Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á (INAS), vì cô ấy thấy có tuyển chuyên ngành Quan hệ quốc tế phù hợp với tôi. Không do dự, tôi đã nhanh chóng khai hồ sơ và đến nộp tại tầng 12, số 1 Liễu Giai. Ngay từ khi đọc tờ thông báo tuyển dụng, tôi vẫn mơ hồ vì chưa từng nghe đến tên Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á cũng như Viện Khoa học xã hội Việt Nam, chưa biết công việc ở đây sẽ làm gì, nhưng vì thấy có tuyển dụng đúng chuyên ngành Quan hệ quốc tế nên cũng cứ “xông pha”. Qua vòng hồ sơ, rồi đến vòng thi viết, thi trắc nghiệm, và cuối cùng là vòng phỏng vấn với Ban lãnh đạo của Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, tôi hồi hộp chờ đợi kết quả. Nhận thông báo trúng tuyển mà tôi vỡ òa cảm xúc, tôi không tin là mình đã làm được, tôi không biết là liệu đây có phải là “chốn dừng chân” lâu dài của tôi hay không. Và giờ đây tôi đã làm việc tại INAS nói riêng và VASS nói chung gần 12 năm – 12 năm với bao kỷ niệm vui buồn – 12 năm thanh xuân sôi nổi và nhiệt huyết - 12 năm chứng kiến nhiều thay đổi và trưởng thành.
2. Chặng đường phát triển tại VASS và INAS
Quãng thời gian 12 năm chưa phải là dài nhưng cũng không hề ngắn. Tôi nhớ những ngày đầu mới bước chân vào cơ quan, tôi cảm thấy vô cùng bỡ ngỡ và lạ lẫm khi làm việc trong một môi trường mới, khác hẳn với môi trường như ở công ty cũ tôi từng làm 3 tháng trước đó. Tôi bắt đầu đọc và tìm hiểu các thông tin về Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á nói riêng, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam (khi đó tên là Viện Khoa học xã hội Việt Nam) nói chung. Tôi được các cô, chú trong cơ quan chỉ dẫn tận tình, được ban lãnh đạo Viện tạo điều kiện để tham gia nhiều lớp học do VASS tổ chức như các lớp Nghiên cứu liên ngành, lớp Hội nhập quốc tế… Đặc biệt, tôi đã được Viện trao cơ hội cử đi học tiếng Trung 1 năm tại Đài Loan. Cơ hội học tập ở nước ngoài là một kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời và sự nghiệp của tôi. Tuy quãng thời gian chỉ là một năm ngắn ngủi, nhưng đó là một năm quý báu khi tôi vừa được nâng cao thêm trình độ ngoại ngữ, vừa có cơ hội được giao lưu, gặp gỡ với những nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, từ đó tích lũy được thêm nhiều kinh nghiệm quý báu về chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng các bài viết nghiên cứu của mình. Bên cạnh đó, tôi còn được tham gia rất nhiều các khóa học ngắn hạn trong nước, giúp nâng cao năng lực chuyên môn và hiểu biết sâu rộng về các chính sách, đường lối của Đảng, Nhà nước ta nói chung và VASS nói riêng.
Nếu hỏi tôi trong 12 năm công tác tại VASS, tôi đã được gì và mất gì, tôi sẽ không ngần ngại mà nói rằng, tôi chỉ nhận được những “trái ngọt”. Từ một cô sinh viên mới tốt nghiệp đại học, kinh nghiệm không có, năng lực hạn chế, với sự chỉ dẫn, dìu dắt, hỗ trợ của các cô chú, anh chị đồng nghiệp trong cơ quan, tôi đã nỗ lực, cố gắng để tự hoàn thiện bản thân. Từ một người viết bài chuyên môn gửi Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á bị sửa đi sửa lại nhiều lần, thậm chí vẫn không đủ điều kiện để có thể đăng tạp chí thì sau 12 năm được “rèn giũa”, tôi đã tự tin viết bài, gửi bài viết cho cả các tạp chí ngoài Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, thậm chí có cả các tạp chí chuyên ngành ngoài Viện Hàn lâm. Từ một nghiên cứu viên tập sự rồi đến chính thức, được gọi là nghiên cứu viên trẻ trong cơ quan thì đến hiện tại chữ “trẻ” đó đã không còn xuất hiện nữa. Từ một cán bộ được các cô chú trong cơ quan tạo điều kiện tham gia viết các phần tổng thuật tài liệu trong Đề tài cấp Bộ thì đến bây giờ tôi đã làm chủ nhiệm 11 Đề tài cơ sở, đảm nhiệm vai trò Thư ký, thành viên chính của 02 Đề tài cấp Bộ và thành viên tham gia của nhiều Đề tài cấp Bộ khác. Điều đó không phải để nói tôi giỏi, tôi cao siêu gì, vì tôi chỉ là “một hạt cát nhỏ” trong “biển cả tri thức” mênh mông của VASS. VASS đã và đang hội tụ rất nhiều những “nhân tài”, nhiều bạn trẻ tầm tuổi tôi đã có các công trình nghiên cứu đăng tạp chí nước ngoài, đã làm chủ nhiệm Đề tài cấp Bộ… Nhưng đối với tôi, những “trái ngọt” tôi đạt được đến thời điểm hiện tại là những nỗ lực và phấn đấu, là một hành trình hơn 10 năm khẳng định và cố gắng không ngừng của bản thân. Chắc chắn hành trình đó vẫn sẽ còn tiếp tục và chắc chắn tôi vẫn sẽ còn gắn bó với VASS dài lâu.
3. Kỷ niệm với tổ chức Đoàn của VASS và INAS
Bên cạnh những kiến thức, những kinh nghiệm về chuyên môn tôi đã tích lũy được trong thời gian công tác 12 năm tại VASS và INAS, “điểm nhấn” lớn nhất, ấn tượng sâu sắc nhất đối với tôi chính là khoảng thời gian được sinh hoạt trong tổ chức Đoàn Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.
Được đứng trong hàng ngũ của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh từ năm 2003, tôi luôn phấn đấu, tích cực tham gia vào các công tác đoàn đội trong trường học từ thời học sinh đến thời sinh viên, nhưng phải đến năm 2014, khi là một viên chức của Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, tôi đã được Ban lãnh đạo Viện và các anh chị cán bộ đoàn thế hệ trước tín nhiệm, tạo điều kiện để tôi đảm nhiệm vị trí Phó Bí thư Chi đoàn rồi Bí thư Chi đoàn Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á. Tính đến thời điểm hiện tại, tôi đã đảm nhiệm vị trí cán bộ Đoàn được gần 10 năm – khoảng thời gian đong đầy bao kỷ niệm đáng trân quý. Các anh chị em trong Chi đoàn Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á dù mỗi người đều bận rộn với những công việc chuyên môn của riêng mình nhưng trong các hoạt động do Chi đoàn hay Đoàn VASS phát động, mọi người đều tích cực đóng góp ý kiến và nhiệt tình tham gia. Đó cũng chính là động lực để cá nhân tôi tiếp tục nỗ lực hơn trong việc sáng tạo, đổi mới các hoạt động, phong trào của Đoàn để không bị lặp lại, gây sự nhàm chán, thiếu sự đa dạng, đột phá.
Đoàn viên Chi đoàn cơ sở Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á năm 2011 và năm 2022
Bên cạnh các hoạt động của Chi đoàn Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, bên cạnh các anh chị em, bạn bè của Viện Đông Bắc Á, thanh xuân của tôi còn may mắn khi được gặp những người anh, người chị, người bạn thân trong Viện Hàn lâm. Ngay từ khi bước chân vào VASS, tôi đã có cơ hội được tham gia Hội trại Thanh niên làm theo lời Bác tổ chức tại Làng Văn hóa các dân tộc Đồng Mô vào tháng 5/2012. Vừa mới “chân ướt chân ráo” vào VASS được mấy tháng, chưa quen biết ai, tham gia một Hội trại lớn như vậy, ban đầu tôi cũng có chút e ngại. Nhưng đúng là tinh thần thanh niên, nơi nào có thanh niên là nơi đó có niềm vui, có nhiệt huyết, có tinh thần sôi nổi, hết mình vì mọi phong trào, hoạt động, Tôi nhanh chóng làm quen và hòa nhập cùng các anh chị, các bạn đoàn viên, thanh niên. Chính 2 ngày Hội trại năm đó đã cho tôi thêm rất nhiều anh chị em tốt, cho tôi mở rộng thêm nhiều mối quan hệ thân tình ở VASS. Cho đến bây giờ, có người đã rời khỏi VASS, có người chuyển công tác sang Viện, Ban khác trong VASS nhưng tình cảm giữa chúng tôi vẫn còn vẹn nguyên, vẫn thắm thiết như ngày đầu mới quen nhau. Mối quan hệ đó không thể diễn tả bằng lời, mối quan hệ đó không thể đong đếm bằng vật chất, bởi lẽ anh chị em chúng tôi chơi với nhau từ thời tuổi trẻ vô lo vô nghĩ đến bây giờ ai cũng đã có gia đình riêng, nhưng bất cứ khi nào gặp khó khăn, cần giúp đỡ gì là ngay lập tức mọi người sẽ cho nhau lời khuyên, bên cạnh nhau, chia sẻ cùng nhau. Tôi thật sự trân quý những tình cảm gắn bó này.
Những gương mặt anh chị em thân quen từ Hội trại Đoàn năm 2012 tới Hội trại Đoàn năm 2021
12 năm sinh hoạt đoàn, gần 10 năm đảm nhiệm vị trí cán bộ Đoàn tại Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, cũng đã có lúc tôi cảm thấy mệt mỏi vì áp lực công việc, đã có lúc tôi muốn từ bỏ, đã có lúc tôi xin lãnh đạo cho tôi rút khỏi vị trí hiện tại. Nhưng tình yêu đoàn, tình yêu với màu áo xanh thanh niên, tình cảm với các anh chị em cùng làm công tác đoàn trong VASS lại níu giữ bước chân tôi. Đã có người hỏi tôi, tôi làm Đoàn thế này để làm gì, Đoàn có cho tôi cái gì không, tôi nhận được gì từ Đoàn mà cứ phải cống hiến, phải mất thời gian nhiều đến như thế, tôi cũng chỉ biết cười mà đáp lại rằng: Đoàn đã cho tôi nhiều thứ quan trọng hơn cả những giá trị vật chất – những thứ mà không có gì có thể đong đếm hay so sánh được. Không phải nói phóng đại, không phải nói quá lên, nhưng thực sự khoảng thời gian gần 10 năm công tác Đoàn của tôi tại Chi đoàn INAS nói riêng và Đoàn VASS nói chung, tôi đã nhận lại được rất nhiều “trái ngọt”. Tôi có thêm nhiều anh chị em bạn bè; tôi được tham gia nhiều hoạt động, phong trào thiết thực, có ý nghĩa; tôi được đóng góp, được ghi nhận những nỗ lực của bản thân…
10 năm tham gia đội văn nghệ Đoàn VASS từ Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam năm 2012 đến Đại hội Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam năm 2022
4. Đề xuất cá nhân
Nhiều người vẫn cho rằng, tham gia đoàn là để vui chơi, giải trí chứ không có ích lợi, vô bổ, mất thời gian. Nhưng trên thực tế, từ khi tôi trực tiếp tham gia vào công tác đoàn tại VASS, tôi mới thấy được rằng, các hoạt động, phong trào do Đoàn cấp trên phát động hoặc do cơ sở đoàn tự đề ra đều đã gắn liền với đời sống chính trị - xã hội, gắn liền với công tác chuyên môn của đơn vị mình. Từ những hoạt động trong công tác giáo dục, công tác khoa học đến các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng đều đã gắn liền với thực tiễn cuộc sống, không còn chạy theo hình thức mà đã thực sự có chiều sâu, có sự lan tỏa, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Bởi vậy, để những hoạt động đó được truyền thông rộng rãi, đặc biệt với đặc thù là một cơ quan Nghiên cứu khoa học, thì những hoạt động về khoa học, hội thảo của Đoàn VASS nên và cần được xã hội hóa, được “đầu tư” hơn nữa. Muốn như vậy, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam có thể xây dựng các chương trình đào tạo và hỗ trợ để phát triển tài năng trẻ, tạo điều kiện cho họ tham gia vào nhiều công trình, dự án hơn, thúc đẩy trao đổi kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm; xây dựng các mối liên kết với các Viện Hàn lâm quốc tế, từ đó thúc đẩy thanh niên tham gia vào các dự án nghiên cứu đa quốc gia; tận dụng các kênh truyền thông để chia sẻ các kết quả nghiên cứu, các Hội thảo khoa học có giá trị…
Từ thực trạng các cơ sở đoàn trực thuộc Đoàn VASS hiện nay có thể thấy, số lượng đoàn viên trẻ ngày càng ít đi, thậm chí có cơ sở đoàn đã hết đoàn viên trong độ tuổi quy định, phải giải tán chi đoàn. Do đó, “bài toán” đặt ra đối với Viện Hàn lâm chúng ta là làm thế nào để thu hút được các bạn sinh viên mới ra trường chọn VASS là “điểm dừng chân” lâu dài trong sự nghiệp. Bên cạnh công tác truyền thông thì tôi thiết nghĩ không gì thực tế và hiệu quả hơn là để chính các thanh niên trẻ, nhất là những đoàn viên, thanh niên đã và đang được đào tạo, rèn luyện, trưởng thành ở VASS, được VASS cử đi học tập ở nước ngoài trực tiếp chia sẻ kinh nghiệm với những bạn sinh viên đó. Tôi tin rằng, chỉ cần chứng minh VASS là một “ngôi nhà” đáng tin cậy, đáng để gửi gắm thì việc thu hút đội ngũ tri thức trẻ sẽ không còn là khó khăn và thách thức trong thời gian tới.
5. Lời kết
Vì “tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại”, vì thời gian sẽ chẳng đợi một ai, cũng sẽ đến lúc tôi phải trưởng thành Đoàn, tôi không còn được mang trên mình màu áo xanh thanh niên, nhưng chắc chắn những tháng năm thanh xuân, tháng năm tuổi trẻ tôi được hoạt động, được cống hiến cùng Chi đoàn Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, cùng Đoàn Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam sẽ mãi là những kỷ niệm đẹp không bao giờ quên. Chúc cho Đoàn VASS thời gian tới sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa, đạt được nhiều thách tích đáng ghi nhận hơn nữa. “Chúc mừng sinh nhật” Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á tròn 30 tuổi và Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam tròn 70 tuổi. Tôi muốn mượn đôi dòng thơ chợt hiện lên trong đầu để thay cho lời kết, thay cho lời cảm ơn:
Đông Bắc Á – “ngôi nhà thân thương”.
Mười hai năm vấn vương bao điều.
Có vui, có buồn, có hờn giận.
Vẫn vẹn nguyên tình cảm ban đầu.
Thời gian trôi tuổi đời in dấu.
Những tháng ngày tuổi trẻ sục sôi.
Sẽ mãi nhớ mười năm đoàn đội.
Cùng INAS, cùng VASS tôi yêu.
Phan Thị Diễm Huyền