Tọa đàm khoa học 'Chính sách liên minh đang mở ra của Mỹ và trật tự Đông Á mới: Những gợi ý cho hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc'

Cập nhật 08:45 ngày 02/02/2018
(Hội thảo khoa học) - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm - VASS) phối hợp với Đại học Ngoại giao Hankuk (HUFS) tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề “Chính sách liên minh đang mở ra của Mỹ và trật tự Đông Á mới: Những gợi ý cho hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc”.
Trong khuôn khổ dự án Mạng lưới Nghiên cứu Toàn cầu (GRN) do Quỹ Nghiên cứu Quốc gia Hàn Quốc (NRF) tài trợ về chủ đề “The Linkage of US-led Alliances in the Asia – Pacific and beyond” (Mối liên hệ các liên minh do Mỹ đứng đầu trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương và hơn thế), chiều ngày 23/01/2018, tại trụ sở số 1, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm - VASS) phối hợp với Đại học Ngoại giao Hankuk (HUFS) tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề “Chính sách liên minh đang mở ra của Mỹ và trật tự Đông Á mới: Những gợi ý cho hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc”.
 
 
Tham dự Tọa đàm có PGS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; GS. Daewon Ohn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khu vực quốc tế, HUFS cùng các chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu về các vấn đề quốc tế của hai cơ quan.
 
 
Phó Chủ tịch VASS- PGS.TS. Đặng Nguyên Anh phát biểu khai mạc tại Tọa đàm


Toàn cảnh Tọa đàm

Các liên minh do Hoa Kỳ dẫn đầu ở khu vực Châu Á- Thái Bình Dương đang chịu áp lực rất lớn phải chuyển đổi, do các nhân tố trong nước (kinh tế và chính trị) và quốc tế. Trong bối cảnh này, cuộc tọa đàm này tập trung thảo luận ba vấn đề:
 
(1) Các cấu trúc an ninh mới mà Hoa Kỳ đang hướng đến trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (và Ấn Độ Dương) dự kiến ​​sẽ làm gì, và các cấu trúc này có thể bị ảnh hưởng như thế nào bởi các thách thức chiến lược và an ninh mới nổi trong khu vực, như cuộc khủng hoảng hạt nhân của Triều Tiên, sự trỗi dậy của Trung Quốc, và tranh chấp Biển Đông;
 
(2) Các sáng kiến ​​chiến lược của Hoa Kỳ sẽ bị thách thức hoặc bị ảnh hưởng thế nào bởi các thiết kế địa-chiến lược vĩ mô mới được Trung Quốc triển khai như Belt and Road Initiative; và
 
(3) Các lựa chọn chính sách tốt nhất cho các nước trong khu vực, đặc biệt là các nước hạng trung quan trọng như Việt Nam và Hàn Quốc, hợp tác với nhau để thúc đẩy sự nghiệp chung bảo đảm hòa bình và sự thịnh vượng khu vực trong tương lai sắp tới?
 
Thay mặt Lãnh đạo Viện Hàn lâm, phát biểu khai mạc tại Tọa đàm, Phó Chủ tịch VASS- PGS.TS. Đặng Nguyên Anh nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt của các chuyên gia, học giả hai cơ quan nghiên cứu. Đồng thời PGS Phó Chủ tịch đánh giá cao sáng kiến về chủ đề tọa đàm của Đại học Ngoại giao Hankuk góp phần nâng cao nhận thức về chính sách ở khu vực Đông Bắc Á cũng như cùng bàn luận về chính sách đồng minh Mỹ và trật tự mới ở Đông Bắc Á, từ đó rút ra hàm ý cho sự hợp tác giữa Việt Nam – Hàn Quốc.
 
Phát biểu chào mừng tại Tọa đàm, Ông Daewon Ohn bày tỏ niềm vinh dự được đến thăm và làm việc tại VASS; đồng thời giới thiệu khái quát các hoạt động nghiên cứu nổi bật và chia sẻ vài nét về kế hoạch hợp tác khoa học của Đại học Ngoại giao Hankuk. GS Daewon Ohn mong muốn, buổi tọa đàm sẽ là khởi đầu cho sự hợp tác giữa hai cơ quan nghiên cứu và hi vọng hai bên sẽ cùng nỗ lực mở rộng qui mô tọa đàm để các học giả tiếp tục thảo luận, trao đổi sâu sắc hơn về chủ đề nghiên cứu trên trong thời gian tới.
 
Tọa đàm nhận được 08 tham luận, được chia làm 02 phiên thảo luận của các diễn giả (Ông Jae Jeok Park, chuyên gia về an ninh quốc tế, HUFS; PGS.TS. Nguyễn Huy Hoàng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á; PGS.TS. Cù Chí Lợi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Mỹ; PGS.TS. Phạm Hồng Thái, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á; Mason Richey, chuyên gia các vấn đề quốc tế, HUFS; TS. Hoàng Huệ Anh, Viện Nghiên cứu Trung Quốc; Ông Tomohiko Satake, Viện Nghiên cứu Quốc phòng, Nhật Bản; PGS.TS. Chu Đức Dũng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới; TS. Trần Quang Minh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á) tập trung phân tích, thảo luận những nội dung chính liên quan đến chính sách liên minh đang mở ra của Mỹ (tác động chiến lược xoay trục Châu Á của Mỹ; mối quan hệ Mỹ và Đông Nam Á, Việt Nam; mối quan hệ Hoa Kỳ- Nhật Bản- Hàn Quốc). Bên cạnh đó, các báo cáo cũng đề cập đến những thách thức an ninh mới nổi của Đông Á (khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên, mối quan hệ Mỹ - Trung, mối quan ngại về chủ quyền lãnh thổ…), từ đó đề xuất những định hướng hợp tác đa phương giữa các nước trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
 
 
 
 
PGS.TS. Đặng Nguyên Anh tặng quà lưu niệm cho GS. Daewon Ohn và chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tham dự Tọa đàm
 
Thảo luận về triển vọng quan hệ hợp tác giữa Việt Nam – Hàn Quốc, các chuyên gia, nhà khoa học trân trọng mối quan hệ ngoại giao hai nước trong 25 năm qua; bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, hai bên cần phát huy hiệu quả hơn nữa thành tựu trong quan hệ ngoại giao ở giai đoạn trước, hướng tới tập trung khai thác tiềm năng hợp tác đi vào chiều sâu ở tất cả các khía cạnh (kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng) đặc biệt là các lĩnh vực mới (công nghệ thông tin, năng lượng xanh…); tận dụng cơ hội trong bối cảnh mới để tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước, hướng tới duy trì sự ổn định, hòa bình trong khu vực.
 
Những ý kiến trao đổi thẳng thắn của các đại biểu sẽ là nguồn tham khảo hữu ích nhằm gợi mở hướng nghiên cứu, hợp tác khoa học về những vấn đề hai bên cùng quan tâm, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc trong bối cảnh mới.
 
Nguyễn Thu Trang
Cập nhật tin tức về khoa học xã hội tại: tapchikhxh.vass.gov.vn