(Hội thảo khoa học) - Mới đây, Viện Nghiên cứu Kinh thành (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) đã tổ chức Toạ đàm khoa học quốc tế "Nhận diện hình thái kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lê Sơ". Bên cạnh việc giải mã dần những bí ẩn về hình dáng, kiến trúc của cung điện thời Lê Sơ, các công bố này còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với quá trình phục dựng điện Kính Thiên tại Hoàng Thành Thăng Long sau này.
Điện Kính Thiên là tòa điện thiết triều nằm chính giữa trung tâm cấm thành của Kinh đô Thăng Long (Đông Đô - Đông Quan) thời Lê Sơ (1428-1597). Đây là tòa điện quan trọng nhất, mang tính biểu trưng cho quyền lực tối cao của nhà vua và triều đình phong kiến.
Thềm điện Kính Thiên, dấu tích duy nhất cho thấy sự tồn tại của điện Kính Thiên khi xưa còn sót lại trong khuôn viên di tích Hoàng thành Thăng Long
Điện Kính Thiên là di tích trung tâm, trong tổng thể các di tích của khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội. Đây là cung điện quan trọng bậc nhất, nơi cử hành các nghi lễ long trọng nhất của triều đình xưa, nơi đón tiếp sứ giả nước ngoài và là nơi thiết triều bàn những việc quốc gia đại sự. Điện Kính Thiên hiện chỉ còn di tích thềm bậc và nền điện (trong khu Thành cổ Hà Nội). Ngày nay, không gian nơi này đã trở thành một di tích “kép” cho cả hai thời đại: Điện Kính Thiên của Hoàng thành Thăng Long xưa và Bộ Tổng Chỉ huy Quân đội nhân dân Việt Nam - di tích lịch sử quan trọng của lịch sử hiện đại Việt Nam. |
Từ năm 2014 đến nay, Viện Nghiên cứu Kinh thành (thuộc Viện Hàn lâm
Khoa học xã hội Việt Nam) đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tiến hành nhiều cuộc khai quật, nghiên cứu khảo cổ học nhằm tìm hiểu không gian điện Kính Thiên và trục trung tâm của Hoàng thành Thăng Long thời Lê Sơ. Đồng thời hướng tới mục tiêu quan trọng lớn lao hơn đó là nghiên cứu phục dựng lại tòa điện này. Đây cũng là ước mơ, khát vọng và tâm huyết của các nhiều nhà khảo cổ học cũng như các nhà quản lý về văn hóa.
Một số mảnh vật liệu kiến trúc thời Lê Sơ được khai quật tại khu vực điện Kính Thiên năm 2021
Vấn đề khó khăn nhất trong nghiên cứu về điện Kính Thiên hiện nay, đó chính là sự hạn chế tư liệu về diện mạo, quy mô và hình thái nền móng của công trình này do các nhà khảo cổ học chưa khai quật được khu vực nền điện Kính Thiên. Những phát hiện khảo cổ học tại Hoàng thành Thăng Long bao gồm khu vực điện Kính Thiên trước đó đều xác nhận rằng các công trình kiến trúc như cung điện, lều gác tại đây phổ biến là kiến trúc gỗ, trên mái của các công trình được lợp ngói, xuất hiện nhiều là loại ngói men (ngói lưu ly) và ngói đất nung mang phong cách đặc trưng khác biệt hoàn toàn so với với ngói Thời Lý, Trần trước đó, hình dạng phổ biến là ngói ống và ngói cong, trong đó ngói diềm mái là ngói câu đầu và ngói trích thủy giống như loại ngói lợp trên mái của các cung điện cổ ở Trung Quốc hay Hàn Quốc.
Đáng lưu ý là loại ngói rồng đều xuất hiện cả hai loại men vàng và men xanh lục, trên đầu ngói thường trang trí in nổi hình rồng cuộn có phong cách giống như hình rồng trên đồ gốm ngự dụng. Bên cạnh đó còn có sự xuất hiện của ngói đất nung, sự đa dạng này cho thấy sự thú vị trong nghiên cứu giải mã về quy hoạch không gian và tổ hợp các công trình được xây dựng tại điện Kính Thiên, khẳng định có nhiều công trình với quy mô to nhỏ khác nhau đã được xây dựng với những chức năng khác nhau trong cuộc
sống của người xưa.
Vấn đề đặt ra là, vai trò và chức năng của loại ngói men vàng và men xanh trong quy hoạch tổng thể của Hoàng cung Thăng Long xưa là như thế nào, các loại ngói này được lợp trên mái của các cung điện nào và hình thái bộ mái ra sao. Lật lại tư liệu khảo cổ học cho thấy ngói men vàng được chỉ định là ngói có màu sắc cao quý nhất, cũng thuộc vào loại ngói cao cấp nhất, nó chỉ được sử dụng trong các công trình kiến trúc cung điện trong hoàng cung, thậm chí ngay cả trong hoàng cung, không phải tất cả các tòa nhà đều sử dụng ngói màu vàng. Ngói màu xanh lá cây được chỉ định là màu ngói cao cấp thứ hai, sử dụng nhiều vào các dinh thự của các hoàng tử, thân vương, quận vương, các tòa nhà phụ trong khuôn viên vườn, lăng mộ, đền thờ của hoàng gia. Ngói men xanh lam là một trường hợp đặc biệt, vì màu xanh lam tượng trưng cho bầu trời. Ngói đất nung được xem là loại thấp cấp và phổ biến nhất, các kiến trúc nhà quý tộc, đền, chùa, nhà quan hầu hết được lợp bằng loại ngói này.
Tuy nhiên, với trường hợp Hoàng thành Thăng Long nhất là với điện Kính Thiên, tư liệu để khẳng định về những vấn đề nêu trên là không có. Tuy nhiên từ những nghiên cứu về đồ gốm ngự dụng và các ghi chép của thư tịch về quy định triều phục trong cung có thể kết luận rằng màu vàng là màu cao cấp nhất mang tính biểu trưng cho quyền lực tối cao của hoàng đế. Do đó có thể
tin rằng men vàng thời Lê Sơ cũng là loại ngói cao cấp nhất và nó được dùng để lợp trên mái cung điện quan trọng nhất của hoàng cung, nó cũng là loại ngói cao cấp nhất được sử dụng để lợp trên mái tòa chính điện trong cấm thành, tức là điện Kính Thiên, giống như trường hợp điện Thái Hòa cố cung Bắc Kinh hay điện Thái Hòa (Đại nội Huế).
Trao đổi về hình thái kiến trúc điện Kính Thiên, PGS.TS. Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành cho biết: Trong nghiên cứu kiến trúc cổ Châu Á, muốn giải mã được hình thái bộ mái thì phải giải mã được bộ khung giá đỡ của công trình thì mới biết được đặc trưng bộ mái của công trình đó. Khó khăn lớn nhất khi nghiên cứu phục dựng tòa điện đó chính là diện mạo mặt bằng và quy mô của nó, Bởi lẽ, đến nay chúng ta vẫn chưa khai quật được nền móng của tòa điện. May mắn và duy nhất còn sót lại trên mặt đất đến ngày nay đó là thềm bậc đá chạm rồng của tòa điện Kính Thiên được xác định dựng vào năm 1467. Đây cũng chính là dấu tích quan trọng chứng minh vị trí không gian và lịch sử tồn tại của tòa chính điện trong Cấm thành của Kinh đô Thăng Long xưa.
Ngói men vàng thời Lê Sơ
Phó giáo sư Bùi Minh Trí cũng đặc biệt nhấn mạnh: Trong những năm gần đây, phong trào nghiên cứu phục dựng kiến trúc cung điện và di sản văn hóa Việt Nam đang bùng phát khá mạnh mẽ khi công nghệ 3D phát triển, nhiều công trình 3D sau đó đã được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng hay trên các trang mạng xã hội. trong đó có một số công trình còn tuyên bố sẽ đưa vào giáo trình giáo dục cấp quốc gia. Đây là tín hiệu đáng mừng bởi thành quả nghiên cứu của các nhà khảo cổ học đã và đang trở thành nguồn cảm hứng sáng tác của nhiều họa sĩ, của nhiều nhà nghiên cứu không chuyên hay những nhà công nghệ 3D. Tuy nhiên, tín hiệu vui này cũng tiềm ẩn quá nhiều mối nguy hiểm ảnh hưởng đến khoa học và sự thật lịch sử. Thực tế cho thấy đã có nhiều công trình phục dựng làm sai lệch lịch sử, thậm chí là bản sao của các công trình nghiên cứu của người khác/dân tộc khác hay lấy mẫu từ bên ngoài đưa vào Việt Nam, coi đó là văn hóa Việt Nam.
Như vậy, có thể thấy rằng việc phục dựng hình thái các công trình, cụ thể là kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lý, Trần, Lê Sơ đối với các nhà khoa học là vấn đề vô cùng khó khăn do thiếu tư liệu khoa học. Việc nghiên cứu phục dựng do đó cần phải có sự đầu tư nghiêm túc, công phu, bài bản, bắt buộc phải dựa vào các nguồn tư liệu đáng tin cậy để có để giải mã, phân tích, lý giải, so sánh, thực hành một cách chuyên nghiệp, ưu tiên tiêu chuẩn học thuật và luận hàm khoa học cao để có thể cống hiến vào nền văn hóa nước nhà những giá trị đích thực như nó vốn có.
Nguồn vass.gov.vn