Tăng cường liên kết với các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài

Cập nhật 08:04 ngày 17/08/2018
(Kinh tế) - Bài viết trình bày tổng quan các vấn đề chính sách trong quá trình tăng cường các mối quan hệ hiệu quả với khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trên cơ sở đó đưa ra một số đề xuất cho Việt Nam nhằm chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng về số lượng sang tăng trưởng chất lượng thông qua chuyển giao công nghệ trong liên kết FDI và xác định chính sách ưu tiên.
1. Những kỳ vọng từ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài
 
Cũng như các nước trên thế giới, kỳ vọng của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bao gồm tạo việc làm và thu nhập, chuyển giao công nghệ, tham gia vào mạng lưới sản xuất quốc tế, đóng góp vào doanh thu thuế và giảm bớt khó khăn tài chính.
 
Tạo việc làm và thu nhập là một trong những tác động tích cực của FDI. Một đất nước có dân số trẻ và đang gia tăng với nhiều lao động mới gia nhập thị trường việc làm mỗi năm như Việt Nam, sự xuất hiện của FDI thâm dụng lao động rất đáng hoan nghênh, vì đã tạo ra công ăn việc làm và thu nhập cho những lao động mới này, làm giảm các vấn đề về thất nghiệp và thiếu việc làm. Tình trạng này thường thấy ở một quốc gia có thu nhập thấp với một lượng lớn lao động không có tay nghề. Hầu hết các nước ASEAN như Malaysia, Thái Lan đã áp dụng chính sách như vậy trong thời gian trước đây. Tạo việc làm vẫn là mục tiêu chính sách tổng thể ở Ấn Độ ngày nay. Tuy nhiên, khi các quốc gia vượt qua giai đoạn sản xuất công nghệ thấp, tiền lương bắt đầu tăng và tình trạng thiếu lao động có tay nghề cao xuất hiện, chính sách cần chuyển hướng từ tạo ra bất kỳ công việc nào sang tạo ra công việc có mức lương cao.(*)
 
Chuyển giao công nghệ là một lợi ích nước chủ nhà mong đợi nhất từ FDI. Thu hút các tập đoàn đa quốc gia (MNCs) có cả vốn và công nghệ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển giao kỹ thuật và bí quyết kinh doanh, góp phần làm tăng năng suất và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước. Trên thực tế tồn tại hai loại hiệu ứng lan tỏa là lan tỏa ngang (trong một ngành công nghiệp) và dọc (liên ngành). Lan tỏa ngang xảy ra khi MNCs và doanh nghiệp trong nước thuộc cùng một ngành, lan tỏa dọc xảy ra khi có sự tương tác giữa các công ty trong nước và nước ngoài thuộc các ngành công nghiệp khác nhau (liên kết ngược hoặc xuôi). Hiệu ứng lan tỏa có thể phát triển thông qua việc thực hiện dự án trình diễn tốt nhất, sau đó triển khai trên quy mô lớn việc xây dựng liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước. Theo đó, doanh nghiệp trong nước sẽ trở thành nhà cung cấp hoặc khách hàng, hoặc có sự dịch chuyển của các kỹ sư giàu kinh nghiệm và công nhân từ doanh nghiệp nước ngoài sang các doanh nghiệp trong nước. Sự tham gia của MNCs cũng có thể tăng tính cạnh tranh trong ngành và buộc các doanh nghiệp trong nước kém cạnh tranh phải rút lui khỏi thị trường và doanh nghiệp trong nước còn tồn tại phải bắt chước và sáng tạo.
 
Tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu là một lợi thế tiềm năng khác của việc thu hút FDI. Mạng lưới sản xuất toàn cầu và khu vực đang rất phát triển trong các ngành như ô-tô, máy móc, điện tử và may mặc. Doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, có thể gián tiếp tham gia vào mạng lưới toàn cầu bằng cách trở thành nhà cung cấp phụ tùng linh kiện hoặc các dịch vụ thuê ngoài của MNCs. Tham gia vào các mạng lưới này có thể cung cấp thêm cho các công ty trong nước kiến thức và kinh nghiệm tiếp cận trực tiếp thị trường xuất khẩu.
 
Một ưu điểm khác của FDI liên quan đến nguồn lực tài chính. Ở các nước khan hiếm vốn, sức mạnh tài chính của MNCs khiến cho các khoản đầu tư lớn vượt quá khả năng của doanh nghiệp trong nước có thể thực hiện được. Các dự án đầu tư trong ngành công nghiệp nặng, như tổ hợp hóa dầu, nhà máy thép liên hợp hoặc nhà máy phát điện là những ví dụ cụ thể.
 
Do những tác động tích cực nêu trên, FDI ngày nay nhìn chung được xem là một yếu tố rất tích cực đối với sự phát triển kinh tế của các nước đang phát triển, thậm chí các nước trên thế giới còn cạnh tranh gay gắt để thu hút FDI. Hiện tượng này có thể được giải thích một phần bởi thực tế không thể phủ nhận rằng, FDI đóng một vai trò quan trọng cho thành công của quá trình công nghiệp hóa và chuyển đổi kinh tế ở Đông Á (mô hình đàn ngỗng bay). Từ quan điểm của chính phủ các nước đang phát triển, điều quan trọng là phải có các cơ chế chính sách để hướng dẫn và điều chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp FDI để tối đa hóa các tác động tích cực và tối thiểu hóa các tác động tiêu cực.
 
2. Thực trạng đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam
 
Từ đầu những năm 1990, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài hay cho phép các doanh nghiệp nước ngoài tiến hành các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam là một trong những nguồn lực cho quá trình công nghiệp hóa bên cạnh các nhân tố khác như tự do hóa nền kinh tế, cải cách doanh nghiệp, viện trợ phát triển chính thức (ODA) và tham gia các hiệp định thương mại song phương, đa phương và khu vực. Trong khoảng hai thập kỷ gần đây, từ một nước nông nghiệp lạc hậu, Việt Nam đã trở thành nước công nghiệp mới với mức thu nhập trung bình thấp. Những thay đổi, cải cách về chính sách thu hút FDI đóng góp một phần quan trọng trong tiến trình này biến Việt Nam trở thành một điểm thu hút FDI lớn. Điều này góp phần cải thiện cơ cấu sản phẩm, lao động và thương mại.   
 
Hình 1 cho thấy, trong giai đoạn 1988 - 2013 dòng vốn FDI vào Việt Nam có xu hướng tăng đều trong dài hạn và biến động nhỏ trong ngắn hạn. Trong giai đoạn 2004 - 2008 số lượng vốn đăng ký và số lượng dự án tăng lên đáng kể. Số lượng vốn thực hiện tăng với tốc độ chậm hơn nên tỷ số vốn thực hiện/vốn đăng ký có xu hướng giảm. Số lượng vốn FDI tăng đột biến trong năm 2008 phản ánh tình hình tăng trưởng mạnh của nền kinh tế thế giới cũng như mối quan tâm lớn của các nhà đầu tư nước ngoài sau sự kiện Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007. Vốn FDI đăng ký năm 2008 bao gồm các dự án lớn như tổ hợp hóa dầu, các nhà máy thép, khu công nghệ phần mềm và các tổ hợp du lịch. Tuy nhiên, cục diện kinh tế thế giới bị suy giảm nặng nề do khủng hoảng tài chính thế giới cuối năm 2008. Hầu hết các dự án trên bị rút vốn hoặc chậm tiến độ. Tỷ lệ vốn thực hiện trong năm 2008 đạt mức thấp nhất là 16%. Theo đó, các hoạt động thu hút FDI trong giai đoạn 2009 - 2012 bị chậm lại mặc dù vẫn giữ ở mức cao với tổng số vốn thực hiện khoảng 10 - 11 tỷ USD. Tuy nhiên tỷ số vốn thực hiện/vốn đăng ký tăng trong giai đoạn này đạt mức 70% trong năm 2011.
 
Hình 1. Số lượng dự án, vốn đăng ký và vốn thực hiện tại Việt Nam
 
 
Nguồn: Tổng cục Thống kê.
 
Hình 2 thể hiện FDI phân loại theo ngành kinh tế. FDI vào Việt Nam chủ yếu tập trung vào ngành sản xuất và bất động sản. Trong năm 2012, FDI vào ngành sản xuất chiếm vị trí cao nhất trong các ngành có vốn FDI cả về số lượng dự án và vốn đăng ký. Tuy nhiên, đây không phải là ngành có số lượng vốn đăng ký trên 1 dự án cao nhất. Khu vực có tỷ lệ vốn đăng ký cao nhất trên 1 dự án là bất động sản. Bất động sản cũng là khu vực có biến động lớn nhất. Trong vòng vài năm trở lại đây, thị trường bất động sản của Việt Nam bị “đóng băng” do việc sụt giảm FDI trong khu vực này với tổng vốn đăng ký giảm từ 34,3% năm 2010 xuống mức 5,8% năm 2011.
 
Hình 2. FDI theo phân ngành kinh tế
(Tổng vốn đăng ký tính đến tháng 5/2014)
 
 
Nguồn: Tổng cục Thống kê.
 
Phần lớn nguồn vốn FDI đến từ các nước khu vực Châu Á. Theo Hình 3, đến cuối tháng 5 năm 2014, 8 trong số 10 nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam là các nước Châu Á. Tổng số vốn đăng ký từ các nước này chiếm khoảng 82% toàn bộ dòng vốn FDI vào Việt Nam.
 
Hình 3. Top 10 nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
 
 
Nguồn: Tổng cục Thống kê.
 
Thành công của Việt Nam trong việc thu hút nguồn vốn FDI đóng góp tích cực cho nền kinh tế. Hình 4 cho thấy, trong giai đoạn 2000 - 2012 tỷ trọng đóng góp của FDI trong GDP có xu hướng gia tăng từ 13,3% trong năm 2000 lên mức 18,1% trong năm 2012.
 
Hình 4. Cơ cấu tổng sản phẩm quốc nội (GDP) theo hình thức sở hữu
 
 
Nguồn: Tổng cục Thống kê.
 
Đóng góp của khu vực FDI về tạo việc làm mặc dù tương đối nhỏ nhưng có xu hướng gia tăng. Khu vực FDI trực tiếp tạo ra khoảng 3,4% tổng số việc làm trong năm 2011 so với mức 1,0% năm 2000 và 2,6% năm 2005. Nếu tính thêm cả số công việc gián tiếp tạo ra, thì tỷ lệ đóng góp của khu vực FDI về tạo việc làm sẽ lớn hơn rất nhiều.
 
Về đầu tư toàn xã hội, mặc dù giá trị tuyệt đối gia tăng, đóng góp của dòng vốn FDI trong tổng đầu tư toàn xã hội giảm từ 30,4% năm 1995 xuống còn 14,2% năm 2004 chủ yếu do tăng đầu tư công. Sau đó, tỷ trọng FDI trong đầu tư toàn xã hội tăng lên mức 14,9% năm 2005 và đạt mức 23,3% trong năm 2012. Trong khi đó tỷ trọng của khu vực nhà nước giảm xuống sau năm 2001 một phần do các hoạt động cải cách doanh nghiệp nhà nước và giảm chi tiêu công.
 
Doanh nghiệp FDI góp phần quan trọng tăng kim ngạch xuất khẩu. Năm 2011 khu vực FDI đạt 55 triệu USD kim ngạch xuất khẩu, hay khoảng 49,5% tổng xuất khẩu của cả nước. Hình 5 thể hiện xu hướng tăng trưởng xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI giai đoạn 1995 - 2011 với tốc độ nhanh hơn hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước. Xuất khẩu bị giảm trong năm 2009 do suy giảm kinh tế thế giới nhưng tăng đều trong những năm sau. Điều này khẳng định một thực tế là FDI đóng góp quan trọng trong các hoạt động thương mại và cơ cấu kinh tế của Việt Nam.
 
Hình 5. Kim ngạch xuất khẩu theo các hình thức sở hữu
 
 
Nguồn: Tổng cục Thống kê.
 
Về xuất khẩu ròng (xuất khẩu trừ nhập khẩu), vai trò của khu vực FDI khá quan trọng. Rất nhiều ngành sản xuất nhập khẩu một số lượng lớn máy móc, thiết bị và nguyên liệu. Điều này làm giảm mức độ đóng góp của ngành trong việc tạo ra thu nhập ngoại tệ. Đã từ lâu, khu vực FDI được xem là nhà xuất khẩu ròng còn khu vực trong nước là nhà nhập khẩu ròng.
 
Các doanh nghiệp FDI đóng góp đáng kể vào thu ngân sách và các cân đối vĩ mô. Mặc dù được hưởng nhiều chính sách ưu đãi đầu tư về miễn/giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế xuất nhập khẩu nhưng đóng góp của khu vực FDI về thu ngân sách vẫn có xu hướng tăng từ 5,2% tổng thu ngân sách năm 2000 lên 11,0% năm 2011.
 
Mặc dù có những đóng góp hết sức tích cực, dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn chưa đạt được kì vọng của quốc gia về chuyển giao công nghệ và đưa các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu rộng hơn vào mạng lưới sản xuất quốc tế.
 
Bảng 1. Liên kết sản xuất với các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài
 

Các nguồn cung cấp đầu vào

% đầu vào của các nguồn cung

Nhập khẩu qua công ty mẹ

20,4

Nhập khẩu trực tiếp

38

Mua từ nhà sản xuất trong nước tại Việt Nam

26,6

Mua từ nhà sản xuất nước ngoài đóng tại Việt Nam

12,5

Nhập khẩu từ nhà nhập khẩu/phân phối đóng tại Việt Nam

2,5

 
Nguồn: Báo cáo Đầu tư công nghiệp Việt Nam, 2011.
 
Về cơ bản, các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam nhập nguyên liệu đầu vào cho sản xuất chủ yếu thông qua nhập khẩu trực tiếp (Bảng 1). Mặc dù tỷ trọng cung ứng đầu vào của doanh nghiệp Việt Nam chỉ đứng sau kênh nhập khẩu trực tiếp (26,6% so với 38%) nhưng điều này chứng tỏ các doanh nghiệp Việt Nam không tận dụng được lợi thế “sân nhà” trong việc đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu đầu vào cho doanh nghiệp FDI. Tại các nước khác, tỷ lệ này thường ở mức trên 50%, thậm chí  có thể là 90% đối với một số ngành đặc thù. Ngay cả đối với công ty Honda Việt Nam, đạt tỷ lệ nội địa hóa 90% thì số lượng các nhà cung cấp nội địa cũng chỉ đạt mức 19% trong năm 2009.
 
Hình 6. Cung cấp nội địa của công ty Honda Việt Nam
 
 
Nguồn: Viện Chiến lược chính sách công nghiệp.
 
Nhìn chung, tăng trưởng kinh tế cao của Việt Nam trong 2 thập kỷ qua gắn liền với nguồn vốn và các hoạt động của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Xu hướng gia tăng tỷ trọng đóng góp của FDI trong các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, như GDP, đầu tư, lao động, xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước là những minh chứng thể hiện vai trò quan trọng của nguồn vốn FDI đối với Việt Nam. Mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng kể trong giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức và vấn đề mới. Để đạt được mức thu nhập và trình độ công nghệ cao hơn, mô hình tăng trưởng theo kiểu cũ vốn dựa trên số lượng và tự do hóa thương mại cần phải được thay thế bởi mô hình tăng trưởng mới có khả năng tạo ra nhiều giá trị nội địa gia tăng bằng cách nâng cao tay nghề, năng suất và đổi mới. Trong bối cảnh đó, chính sách thu hút FDI, vốn được xem là một trụ cột của phát triển cũng cần phải hoàn thiện. Những thay đổi/cải cách về thủ tục pháp lý và qui trình thu hút đầu tư vẫn đã, đang được tiến hành. Nhưng chỉ thay đổi về nội dung này sẽ không thể đưa Việt Nam tiến xa hơn về trình độ công nghệ. Để từ một nền công nghiệp giản đơn thâm dụng nhân công lao động rẻ mạt, tay nghề thấp tiến lên nền công nghiệp hiện đại với mức thu nhập cao tương ứng, chính sách FDI phải mang tính định hướng khách hàng, chọn lọc và phù hợp với chiến lược công nghiệp hóa của quốc gia.
 
Trước mắt chúng ta mở ra ít nhất hai viễn cảnh cho nền kinh tế Việt Nam (Hình 7).
 
Hình 7. Thời điểm lịch sử quan trọng cho Việt Nam
 
 
Nguồn: Ohno và các cộng sự (2014).
 
Với tình trạng hiện tại của Việt Nam, khi mà giai đoạn đầu của công nghiệp hóa đã được hoàn thành một cách tương đối dễ dàng và hiện đối mặt với tình trạng tăng trưởng chậm lại, mục tiêu của chính sách là cần tạo ra đà tăng trưởng mới mà không chỉ phụ thuộc đơn thuần vào nâng cao số lượng lao động đầu vào, số lượng doanh nghiệp, cơ hội thương mại, đầu tư trong nước, FDI, ODA hay dòng tài chính. Các yếu tố của sự chuyển dịch từ số lượng sang chất lượng được mô tả trong Hình 8. 
 
Hình 8. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng mới.
 
 
Nguồn: Ohno và các cộng sự (2014).
 
Trong bối cảnh đó, hai động lực tăng trưởng mới cho Việt Nam cần xác định rõ ràng là (i) lấy năng suất làm trọng tâm; và (ii) chuyển giao công nghệ, thúc đẩy liên kết FDI. Phần tiếp theo đặt trọng tâm thảo luận vào nội dung thứ 2. 
 
3. Tăng cường liên kết với các doanh nghiệp FDI
 
3.1. Chuyển giao công nghệ
 
Cần phải nhấn mạnh rằng, thu hút FDI không tự động nâng cao trình độ công nghệ và năng lực công nghiệp của quốc gia. Chỉ có các các doanh nghiệp FDI sản xuất mới có thể đóng góp đáng kể vào việc cải thiện năng lực công nghiệp của một quốc gia, chứ không phải là các công ty khai thác mỏ, các nhà phát triển bất động sản, hay các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng lớn. Các khoản đầu tư khổng lồ vào các lĩnh vực nói trên, dù là đầu tư công hay tư, có thể giúp xây dựng cơ sở hạ tầng hoặc mang lại tiền bạc cho đất nước, nhưng ít hy vọng tạo ra sự tích lũy về kiến ​​thức, kỹ năng và công  nghệ nói chung.
 
Ngay cả với FDI sản xuất, chuyển giao công nghệ không diễn ra tự phát. Sự có mặt của các doanh nghiệp “công nghệ cao” toàn cầu như Intel, Samsung, Canon v.v.. không có nghĩa là công nghệ cao sẽ tự động chuyển giao cho Việt Nam. Những công ty đa quốc gia như vậy thường đến các nước đang phát triển để thực hiện các công đoạn lắp ráp thâm dụng lao động, vốn là phân khúc tạo ra giá trị thấp nhất của chuỗi cung ứng toàn cầu, bởi các công đoạn này quá tốn kém khi thực hiện ở các nước đang phát triển. Các dự án FDI như vậy về bản chất không khác gì FDI trong ngành may mặc và chế biến thực phẩm theo nghĩa họ tìm đến Việt Nam như nguồn cung lao động phổ thông và tìm kiếm các các ưu đãi bổ sung (nếu có), chứ không phải là nơi để chuyển giao và tiếp nhận công nghệ cao.
 
Trong khi các nước đang phát triển thường mong muốn công nghệ cao, thì kiến thức độc quyền là bí mật của công ty được bảo vệ nghiêm ngặt bởi quyền sở hữu trí tuệ và sẽ không được chuyển giao cho các đối tác là các nước phát triển nếu không được trả phí cao. Hơn nữa, chuyển giao công nghệ sẽ không xảy ra trừ khi nước chủ nhà được đánh giá là có khả năng hấp thụ và là vị trí tốt nhất cho mục đích này, và rằng việc chuyển giao sẽ mang lại lợi ích cho MNCs trong chiến lược kinh doanh toàn cầu của mình.
 
Do vậy, chính sách FDI phải xem xét lại hai điểm sau đây một cách nghiêm túc nếu muốn thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong một đất nước đang phát triển. Thứ nhất, phải ý thức rằng điều học hỏi chính từ FDI trong giai đoạn đầu của công nghiệp hóa không phải là “công nghệ cao”, mà là những kiến thức không độc quyền có thể tiếp cận được trên toàn cầu và miễn phí nhưng chưa được triển khai ở trong nước, ví dụ như kiến thức về quản lý chiến lược, kỷ luật làm việc, bảo trì và vận hành nhà máy, marketing, nâng cao năng suất thông qua kaizen hoặc chuẩn đối sánh, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế về kế toán, an toàn, lao động, môi trường v.v.. Thứ hai, vì ngay cả việc học này cũng không tự nhiên xảy ra, cần có một cơ chế/chính sách quốc gia có thể đem lại lợi ích chung cho cả bên chuyển giao và bên nhận chuyển giao hay giáo viên và học viên. Điều này có thể bao gồm, ví dụ, chương trình quốc gia về học tập công nghệ với sự cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo cấp cao, có mục tiêu rõ ràng và có cơ quan chịu trách nhiệm; tăng cường các tổ chức hỗ trợ; trợ cấp và tài trợ vốn cho các hoạt động đủ điều kiện; cạnh tranh và trao giải thưởng cho những cá nhân và doanh nghiệp xuất sắc; và huy động hỗ trợ kỹ thuật nước ngoài cho Kaizen, Shindan, và những hoạt động khác.
 
Như đã đề cập ở trên, trong bối cảnh đổi mới hiện nay, mô hình chuyển giao công nghệ thích hợp nhất cho các nước có mức thu nhập trung bình thấp trong đó có Việt Nam là học hỏi các kiến thức/công nghệ phổ cập do các công ty nước ngoài truyền đạt lại. Các công ty nước ngoài truyền đạt lại công nghệ vì họ muốn mua được các thiết bị đã được cải tiến từ các công ty tiếp nhận chuyển giao công nghệ sau quá trình giảng dạy. Chuyển giao công nghệ theo cách này thực sự hữu dụng, tránh được việc chỉ học lý thuyết và sẽ lãng quên ngay sau đó. Việc giảng dạy như vậy diễn ra hoàn toàn tự động vì các đa quốc gia cần các nhà cung cấp đáng tin cậy để cạnh tranh toàn cầu. Việt Nam cũng đã có những trường hợp tự phát như Colgate và Sanyo huấn luyện công ty ép nhựa địa phương, Honda tập huấn doanh nghiệp nhà nước về kỹ thuật sản xuất các linh kiện kim loại, các công ty thủy sản của Nhật Bản hướng dẫn cách xuất khẩu tôm đông lạnh đảm bảo chất lượng và an toàn sang thị trường Nhật Bản v.v.. Tuy nhiên, những cải tiến bằng lợi ích cá nhân thường bị giới hạn về quy mô so với quy mô của nền kinh tế quốc dân và không thể tạo ra kết quả đáng kể để thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa. Do vậy cần có chính sách để thúc đẩy và mở rộng hoạt động dạy và học theo hướng “đôi bên cùng có lợi”.
 
3.2. Các lĩnh vực/hoạt động ưu tiên
 
Ba lĩnh vực được đề xuất trong chuyển giao công nghệ trong liên kết FDI, bao gồm: (i) thu hút FDI có định hướng/chọn lọc, (ii) nâng cao năng lực cho doanh nghiệp nội địa và (iii) chính sách liên kết giữa FDI với doanh nghiệp nội địa.
 
(i) Thu hút FDI có định hướng/chọn lọc là thu hút các công ty nước ngoài có thể chuyển giao công nghệ một cách phù hợp với tầm nhìn và mục tiêu công nghiệp của quốc gia. Chính sách FDI phải chuyển từ thu hút đại trà sang thu hút có điều kiện và có chiến lược. Trong giai đoạn này, cần tập trung thu hút các doanh nghiệp FDI có khả năng tạo ra giá trị trong nước, đồng thời giảm bớt các doanh nghiệp thâm dụng lao động, sản xuất đơn giản. Đối với các nước đã thu hút một số lượng lớn vốn FDI như Việt Nam, việc thay đổi chính sách từ số lượng sang chất lượng là rất quan trọng.
 
Để làm được điều đó, bên cạnh việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động, sàng lọc và theo dõi sau đầu tư, FDI marketing cần được thực hiện nhằm thu hút dòng vốn FDI có chất lượng hơn cho mục đích phát triển đất nước. Marketing FDI phải có tính chiến lược và khác biệt tùy theo từng nhóm nhà đầu tư để đáp ứng nhu cầu của mỗi nhóm. Ví dụ, một số cuộc khảo sát cho thấy các doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất của Nhật Bản (đặc biệt là doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ) xem Thái Lan và Việt Nam là điểm đến mong muốn nhất và họ muốn có nhà xưởng xây sẵn cho thuê, dịch vụ một cửa đáng tin cậy bằng tiếng Nhật, hỗ trợ tiếp thị ở thị trường trong nước và tuyển dụng nhân viên v.v..  để giảm thiểu chi phí và rủi ro ban đầu. Hội thảo đầu tư hướng vào nhóm này nên tập trung vào một vài điểm để thu hút với thông số cụ thể, chi phí, số liệu thống kê, bản đồ, hình ảnh v.v.. chứ không phải trình bày các qui định chung áp dụng cho tất cả các nhóm. Các điều kiện và ưu đãi dành cho các công ty có quan tâm có thể được đàm phán lại nếu phù hợp với chính sách phát triển quốc gia.
 
Một vấn đề khác liên quan đến marketing FDI của Việt Nam là thẩm quyền bị phân tán và chồng chéo. Quy trình, thủ tục cấp phép được phân cấp ở Việt Nam, khiến mỗi tỉnh, thành phố đều có thể tự mình tổ chức các đoàn và hội thảo xúc tiến đầu tư. Ngoài ra, các khu công nghiệp cũng tham gia vào hoạt động này một cách độc lập. Ở một mức độ nào đó, hoạt động FDI marketing theo địa phương là lẽ tự nhiên và thậm chí đáng khen ngợi. Nhưng trong trường hợp của Việt Nam, các nhà đầu tư trở nên mệt mỏi vì tiếp đón quá nhiều các đoàn xúc tiến đầu tư với các thông tin tương tự. Để giải quyết vấn đề này, mỗi thành phố và tỉnh cần thiết kế một chương trình xúc tiến độc đáo và cụ thể phù hợp hơn cho nhóm đối tượng mục tiêu của mình. Ngoài ra, cần có một cơ chế phối hợp giữa các đoàn địa phương ở cấp trung ương để có thể chia sẻ những thông tin chung về nền kinh tế Việt Nam, pháp luật, ưu đãi, v.v..
 
Một khía cạnh khác của marketing FDI là cung cấp đất công nghiệp hấp dẫn dưới hình thức khu công nghiệp hay hình thức khác. Về cơ bản hoạt động này bao gồm 2 bước: một là tích tụ công nghiệp, trong đó khu công nghiệp với các dịch vụ và hỗ trợ cần thiết được thành lập để mời một công ty chủ đạo/công ty lớn (anchor firms), hai là đổi mới, trong đó hợp tác ba bên giữa ngành công nghiệp, chính phủ và các trường đại học và viện nghiên cứu sẽ tạo ra giá trị cao. Cơ quan, tổ chức có liên quan ở các bước sau là chính quyền địa phương và trung ương, các tổ chức phi lợi nhuận, tổ chức bán - chính phủ và các doanh nghiệp tư nhân. Qui trình này chỉ ra tầm quan trọng của việc cung cấp các điều kiện và thể chế cần thiết với sự phối hợp tốt giữa các bên liên quan để trước hết thu hút FDI và sau đó tạo ra giá trị nội tại. Bố trí một khu đất và công bố lĩnh vực ưu tiên và ưu đãi vẫn chưa đủ để bảo đảm xây dựng thành công khu công nghiệp.
 
(ii) Nâng cao năng lực cho doanh nghiệp nội địa là vấn đề quan trọng nếu quốc gia muốn chuyển sang quá trình công nghiệp hóa thực chất thông qua việc sáng tạo các giá trị nội địa. Việt Nam từ lâu đã phải đối mặt với vấn đề kém phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ, có nghĩa là doanh nghiệp trong nước quá yếu để tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu ngay cả khi có sự hiện diện của các doanh nghiệp FDI. Các doanh nghiệp cần phải được nâng đỡ cho đến khi có đủ khả năng cạnh trên trên thị trường toàn cầu như một đối tác sản xuất đáng tin cậy đối với khu vực FDI. Để nâng cao năng lực nội địa cho các doanh nghiệp Việt Nam, chúng tôi xin giới thiệu một số biện pháp chính sách sau với tư cách là những điểm khởi đầu. Những biện pháp này được sử dụng ở nhiều nước đang phát triển nhưng không được sử dụng hay thậm chí là không được biết đến ở Việt Nam. Nếu được áp dụng một cách hiệu quả, chúng sẽ tạo điều kiện đáng kể cho chuyển giao công nghệ trong liên kết FDI. 
 
Chuẩn đối sánh (benchmarking) - đây là một quy trình chuẩn để thiết lập mục tiêu, trong đó đối thủ cạnh tranh được xác định, các kết quả hoạt động được nghiên cứu dưới nhiều khía cạnh, sau đó xây dựng mục tiêu cụ thể. Qui trình này được thực hiện ở cả cấp độ doanh nghiệp và quốc gia. Việc thiết lập mục tiêu với con số cụ thể sử dụng phương pháp chuẩn đối sánh rất quan trọng, thay vì cứ nói một cách chung chung rằng “năng suất phải được cải thiện” hay “chất lượng phải được tăng cường”. Ví dụ, trong bối cảnh Việt Nam, các cảng mới như cảng Lạch Huyện và cảng Cái Mép Thị Vải phải đặt ra các mục tiêu như công suất, tốc độ và chi phí xử lý, hải quan điện tử, số giờ hoạt động, các điểm vào thành phố, các cơ sở lưu trữ v.v.. và so sánh với các cảng đứng đầu trên thế giới, như Singapore, Hong Kong, Kaohsiung v.v.. Tương tự, các ưu đãi FDI, khu công nghiệp, khu dịch vụ và những yếu tố khác cũng có thể được chuẩn hóa với các đối thủ trong khu vực.
 
Mở rộng quy mô của một dự án thí điểm - đó là một thực tế phổ biến trong viện trợ phát triển khi yêu cầu các dự án thí điểm phải nhân rộng về mặt địa lý và/hoặc theo ngành. Vì các nguồn tài trợ tương đối hạn chế nên các dự án phát triển nông nghiệp, công nghiệp thường được thực hiện với quy mô nhỏ như nâng cấp một trường đại học kỹ thuật, 2 ngôi làng, 30 công ty v.v.. Những dự án như vậy, ngay cả khi thành công, cũng chỉ có tác động rất nhỏ đối với nền kinh tế quốc dân. Mục tiêu của việc hỗ trợ kỹ thuật sẽ không nên dừng ở đó. Dự án cần được coi là mô hình mẫu để lan rộng đến các lĩnh vực và các khu vực khác nhau cho đến khi trở thành mô hình của quốc gia. Hơn nữa, việc mở rộng phải được thực hiện bằng sự chủ động và nguồn tài nguyên của nước đang phát triển chứ không phải phụ thuộc vào nguồn tài trợ của nhà tài trợ. Các nhà tài trợ có thể dạy cách đánh cá nhưng đào tạo ngư dân và xây dựng tàu thuyền đánh cá trên toàn quốc phải được thực hiện tại từng địa phương, từng doanh nghiệp. Để chiến lược này thành công cần phải có 2 điều kiện: thứ nhất là, ngay từ khi bắt đầu chính phủ phải có kế hoạch và cam kết mở rộng quy mô và thứ hai là, trong dự án thí điểm người dân/doanh nghiệp phải làm việc trực tiếp, sát cánh với các chuyên gia nước ngoài để có được kiến thức thực tế để thay thế các chuyên gia nước ngoài ngay sau khi dự án thí điểm kết thúc.
 
Kaizen – đây là một phương pháp nâng cao năng suất của người Nhật xuất hiện vào cuối những năm 1950 với một số đóng góp của Hoa Kì. Đặc điểm của Kaizen là cải tiến nhỏ nhưng liên tục, làm việc theo nhóm từ dưới lên và không cần phải đầu tư máy móc mới hoặc công nghệ. Mục đích chính của Kaizen là loại bỏ muda (bất kỳ hành động không cần thiết, chuyên chở, chờ đợi v.v.. không mang lại giá trị). Kaizen không phải là một công cụ mà là sự thay đổi tư duy đối với cuộc sống và công việc. Sự hiểu biết kaizen không đòi hỏi bằng cấp hoặc các kỹ năng chuyên nghiệp bởi dựa trên thực tiễn thường ngày, như chào hỏi to, dõng dạc, họp buổi sáng, nhà vệ sinh sạch sẽ, loại bỏ những thứ không cần thiết từ các nhà máy, các công cụ giúp tìm địa điểm đơn giản v.v.. Các bài học ban đầu thường bắt đầu với 5S và các vòng tròn kiểm soát chất lượng (QCC). Ngày nay, Kaizen đã được thực hiện trên toàn thế giới. Một số quốc gia và vùng lãnh thổ thực hiện Kaizen nghiêm túc là Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ, Argentina, Mauritius, Tunisia và Ethiopia. Hiện nay, rất nhiều quốc gia Châu Phi bao gồm Ethiopia, Zambia, Ghana, Tanzania và Liên minh Châu Phi, quan tâm đến việc phổ biến phương pháp này. Một số người cho rằng Kaizen Nhật Bản dựa trên tinh thần đồng đội từ dưới lên sẽ không có giá trị trong xã hội với truyền thống văn hóa khác như chủ nghĩa cá nhân và phẩm cấp xã hội từ trên xuống. Về mặt lý thuyết những lời chỉ trích như vậy là hợp lý nhưng trên thực tế, chưa có quốc gia nào - cho dù là ở Châu Phi hay khu vực Mỹ Latin - cho thấy Kaizen không cải thiện được tình hình sản xuất. Không có rào cản văn hóa nào trong việc loại bỏ muda hoặc giữ cho các nhà máy sạch sẽ, ngăn nắp.
 
(iii) Chính sách liên kết giữa FDI với doanh nghiệp nội địa thúc đẩy hình thành các mối quan hệ sản xuất và bổ sung cho hai lĩnh vực chính sách trên.
 
Ngoài ra, có hai lĩnh vực chính sách nữa cũng cần được củng cố là: hiệu quả của hoạt động logistics và nguồn nhân lực công nghiệp. Những chính sách này không những góp phần chuyển giao công nghệ trong liên kết FDI mà còn mang đến những lợi ích tích cực cho các hoạt động công nghiệp khác.
 
 
Tài liệu tham khảo
 
1. Aldaba, Rafaelita M. & Fernando T. Aldaba (2012), Does FDI Have Positive Spillover Effects?: The Case of the Philippine Manufacturing Industry. ARTNeT Conference on Empirical and Policy Issues of Integration in Asia and the Pacific. Colombo, Sri Lanka.
 
2. Asian Development Bank (2013), Key Indicators for Asia and the Pacific 2013, Manila, Philippines.
 
3. Markusen James R (1995), The Boundaries of Multinational Enterprises and the Theory of International Trade. Journal of Economic Perspectives, Vol. 9, pp 169-189.
 
4. Ohno K (2013), Learning to industrialize: from given growth to policy-aided value creation. Abingdon: Routledge.
 
5. Ohno K., Lê Hà Thanh (2014), “Những vấn đề cơ bản trong hoạch định lại chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam”, Tạp chí Kinh tế & Phát triển, số 204.
 
6. Ohno, Kenichi (chủ biên) (2014), Tiếp cận bẫy thu nhập trung bình: Một số gợi ý chính sách cho Việt Nam. Diễn đàn Phát triển Việt Nam, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Nxb Giáo dục, Hà Nội, Việt Nam.
 
7. Organisation for Economic Co-operation and Development (2010), OECD Investment Policy Reviews Indonesia.
 
8. Rodrik D (2007), Normalizing Industrial Policy. Cambridge, MA: HarvardUniversity.
 
9. Tổng cục Thống kê (2013), Niên giám thống kê 2012, Nxb Thống kê, Hà Nội.
 
10. United Nations Conference on Trade and Development (2013), UNCTAD statistics 2012
 
11. World Bank (2013), Doing business project data. http://data.worldbank.org/indicator/ IC.REG.DURS. Retrieved in August 2013. 
 
(*) Giáo sư, Viện Nghiên cứu Chính sách quốc gia Nhật Bản (GRIPS).
 
(**) Tiến sĩ, Trường Đại học Kinh tế quốc dân.

Tác giả: Kenichi Ohno *

Lê Hà Thanh **

Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam (số 2-2015)

Cập nhật tin tức về khoa học xã hội tại: tapchikhxh.vass.gov.vn