Phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp nước ta từ góc nhìn thể chế

Cập nhật 08:40 ngày 07/03/2018
(Kinh tế) - Phát triển nông nghiệp công nghệ cao có thể tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau. Dưới góc nhìn thể chế, tác giả đề cập đến ba nội dung trọng yếu: 1- Cơ cấu lại ngành nông nghiệp là yêu cầu bức thiết nhằm phát triển nông nghiệp nước ta thành nền nông nghiệp hàng hóa lớn, hiện đại, đạt giá trị gia tăng cao. 2- Nông nghiệp công nghệ cao và vai trò của nó trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp nước ta. 3- Định hướng và những điều kiện thiết yếu về thể chế nhằm phát huy vai trò của nông nghiệp công nghệ cao trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp nước ta.

(Ảnh: nongnghiep.vn)

1. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp là yêu cầu bức thiết nhằm phát triển nông nghiệp nước ta thành nền nông nghiệp hàng hóa lớn, hiện đại, đạt giá trị gia tăng cao

Ở Việt Nam, nông nghiệp là ngành sản xuất tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, giữ vai trò “trụ đỡ” rất hữu hiệu, trọng yếu trong việc duy trì, bảo đảm sự ổn định kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội của nước ta trước những “cú sốc” kinh tế từ bên ngoài.

Ngành nông nghiệp nước ta sau 30 năm đổi mới, nhất là từ năm 1989 đã đạt được những bước tiến vượt bậc. Tuy vậy, xét về tổng thể những đổi mới trong nông nghiệp nước ta đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế về điều kiện sinh thái tự nhiên, lao động và những cơ hội do cách mạng khoa học - công nghệ cùng kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế tạo ra cho đất nước. Nông nghiệp nước ta về tổng thể vẫn là nền nông nghiệp lạc hậu, sản xuất còn manh mún, chất lượng và giá trị gia tăng của nông phẩm thấp, nhất là chưa đạt độ đồng đều theo yêu cầu của công nghiệp chế biến và xuất khẩu; động lực phát triển của nông nghiệp theo cơ cấu hiện nay đã tới hạn, khả năng chống đỡ thiên tai do biến đổi khí hậu rất hạn chế. Đây là những trở lực làm cho nông nghiệp nước ta lâm vào tình trạng suy giảm tăng trưởng và sức cạnh tranh yếu kém. Để khắc phục những trở lực nêu trên, đưa nền nông nghiệp nhiệt đới của nước ta phát triển theo hướng bền vững, có sức cạnh tranh cao, ngang tầm với những tiềm năng, lợi thế so sánh của nó, cấp thiết phải cơ cấu lại nền nông nghiệp phù hợp với tiềm năng, lợi thế về điều kiện sinh thái tự nhiên và nhu cầu tăng trưởng, đạt trình độ hiện đại.

Những giải pháp cơ bản để cơ cấu lại nền nông nghiệp nước ta thành nền nông nghiệp hàng hóa lớn, hiện đại, đạt giá trị gia tăng cao là:

- Xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý triển khai thực thi thể chế về cơ cấu lại ngành nông nghiệp nước ta phù hợp với tiềm năng, lợi thế về điều kiện sinh thái tự nhiên của mỗi địa phương và vùng lãnh thổ.

- Nhà nước làm tốt vai trò tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của các thành phần kinh tế; hỗ trợ nghiên cứu phát triển và chuyển giao khoa học công nghệ, phát triển thị trường, cơ sở kết cấu hạ tầng, cung cấp thông tin và dịch vụ.

- Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, chủ động phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các bộ, ban, ngành liên quan và các địa phương tiến hành xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm nông nghiệp và quy hoạch xây dựng hệ thống cơ sở kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp theo lợi thế so sánh của từng vùng lãnh thổ sinh thái ở tầm quốc gia và từng địa bàn... đảm bảo thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và yêu cầu cao của hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì kết hợp với các bộ, ban, ngành có liên quan hỗ trợ các địa phương trên từng vùng lãnh thổ sinh thái xây dựng chiến lược sản phẩm chủ lực cho mỗi vùng nông nghiệp sinh thái nhằm khai thác, phát huy tối đa lợi thế so sánh và thích ứng có hiệu quả với điều kiện biến đổi khí hậu, thời tiết bất thường.

- Quy định rõ và thực thi đúng, tốt vai trò trách nhiệm của mỗi chủ thể trong cơ cấu lại nền nông nghiệp.

Cơ cấu lại nền nông nghiệp không thể là mục đích tự thân của bất kỳ một chủ thể nào. Muốn cơ cấu lại nền nông nghiệp thành công đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tự giác, tích cực của toàn dân. Nhưng chủ thể có vai trò trách nhiệm trọng yếu, quyết định nhất là Nhà nước, Nhà nông, Nhà doanh nghiệp, Nhà tài chính và Ngân hàng, Nhà khoa học. Nếu Nhà nước, nhất là Chính phủ làm đúng, làm tốt vai trò trách nhiệm của người “nhạc trưởng” với sự vào cuộc quyết liệt của các tư lệnh đứng đầu bộ, ngành và địa phương; Nhà nông làm đúng, làm tốt vai trò trách nhiệm của những “ca sĩ”, Nhà doanh nghiệp, Nhà tài chính và Ngân hàng, Nhà khoa học làm đúng, làm tốt vai trò của những “nhạc công”, phát huy tốt những “nhạc cụ” của mình thì “dàn hợp xướng” - cơ cấu lại nền nông nghiệp nước ta sẽ đạt tới mục tiêu mà Đảng, Nhà nước đã hoạch định.

2. Nông nghiệp công nghệ cao và vai trò của nó trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp nước ta

Nông nghiệp công nghệ cao có những đặc trưng sau:

- Nền nông nghiệp được ứng dụng những thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến như công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, công nghệ năng lượng mới, công nghệ môi trường... vào các hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả; tạo ra bước phát triển đột phá về năng suất, chất lượng nông phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong và ngoài nước.

- Để phát triển nông nghiệp công nghệ
cao cần:

+ Yêu cầu vốn đầu tư lớn.

+ Ứng dụng hàm lượng tri thức lớn. Chẳng hạn: Riêng ứng dụng công nghệ sinh học đã cần áp dụng toán học, tin học, nông học, thực vật học, động vật học, vi sinh học, di truyền học, sinh học phân tử,...

+ Xây dựng các xí nghiệp nông nghiệp kiểu mới, thường tập trung vào việc tạo giống mới qua kỹ thuật di truyền, công nghệ gen, sử dụng kỹ thuật mới trong nhân giống.

+ Thị trường tập trung chủ yếu vào một số công ty lớn, do ứng dụng công nghệ cao và đầu tư lớn.

+ Quy trình chăn nuôi gia súc, gia cầm hoàn toàn tự động và được kiểm soát chặt chẽ.

+ Mở ra những ngành nông nghiệp mới chú trọng khai thác tiềm năng, lợi thế. Chẳng hạn: khai thác đại dương để phát triển chăn nuôi ở đại dương, lâm nghiệp đại dương...

Nhiệm vụ trọng yếu của phát triển nông nghiệp công nghệ cao là:

- Ứng dụng công nghệ cao để tạo ra các loại vật tư, máy móc, thiết bị phù hợp để sử dụng trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

- Ứng dụng công nghệ cao để tạo và nhân giống cây trồng, giống vật nuôi có khả năng thích ứng với sự biến đổi của điều kiện tự nhiên, khí hậu, cho năng suất, chất lượng cao.

- Ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao.

- Ứng dụng công nghệ cao trong phòng, trừ sâu bệnh, dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi.

- Ứng dụng công nghệ cao trong thu hoạch và bảo quản nông phẩm đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao.

- Ứng dụng công nghệ cao trong chế biến, đóng gói, xác lập thị trường và phân phối nông phẩm.

- Ứng dụng công nghệ cao trong quản lý sản xuất kinh doanh, xây dựng thương hiệu và hoạt động marketing theo phương thức trực tuyến.

Với những đặc điểm như trên, nông nghiệp công nghệ cao vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy cơ cấu lại ngành nông nghiệp nước ta.

Nông nghiệp công nghệ cao tạo sức cạnh tranh, thúc đẩy và phát huy ảnh hưởng lan tỏa, thu hút, kết nối các chủ thể sản xuất nông nghiệp, phân tán, quy mô nhỏ tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị nông phẩm đạt giá trị gia tăng cao, trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp nước ta.

Nông nghiệp công nghệ cao tạo ra năng suất, chất lượng nông phẩm cao, có giá trị gia tăng lớn và hoạt động theo chuỗi giá trị toàn cầu. Với ưu thể của mình, những chủ thể sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tự liên kết với nhau hình thành nên chủ thể sản xuất nông phẩm có sức cạnh tranh cao, tạo sức hấp dẫn và có khả năng giúp đỡ, hỗ trợ, kết nối những chủ thể sản xuất nông nghiệp khác để hình thành nên chuỗi giá trị. Trên cơ sở liên kết sản xuất mà thu hút sự tham gia của các đối tác cung ứng vật tư, giống cây trồng, vật nuôi; các xí nghiệp chế biến; các nhà vận chuyển, xuất khẩu; các nhà phân phối... tạo thành chuỗi giá trị từ cung ứng các yếu tố đầu vào để sản xuất nông phẩm, đến đưa nông phẩm đã qua đóng gói, chế biến tới người tiêu dùng. Từ đó mà tiến hành xây dựng thương hiệu cho nông phẩm Việt Nam và khai thác tối đa lợi thế của chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tập thể của nông phẩm.

3. Định hướng và những điều kiện thiết yếu dưới góc nhìn thể chế nhằm phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp nước ta

Hiện nay nền nông nghiệp nước ta đã hình thành các vùng lãnh thổ sinh thái. Mỗi vùng có tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu và nhân văn khác nhau. Do đó, để phát huy vai trò trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp, cần phải phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo nhóm sản phẩm có tác dụng khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh của mỗi vùng lãnh thổ sinh thái, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu cực đoan và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng để tăng cao thu nhập ròng trên một đơn vị diện tích canh tác, đem lại đời sống ngày càng cải thiện cho nhân dân.

- Vùng đồng bằng sông Hồng và một số địa phương vùng trung du, miền núi phía Bắc nên tập trung trồng lúa vào những diện tích cho phép sản xuất lúa công nghệ cao theo chuỗi giá trị; mở rộng diện tích sản xuất theo chuỗi giá trị và bằng công nghệ cao những hàng nông sản như: rau, củ, quả các loại theo yêu cầu của thị trường, nhất là bắp cải, tỏi tây, hành tây để xuất khẩu sang Liên bang Nga, vùng viễn Đông và các nước Đông - Bắc Á.

- Vùng núi Đông Bắc và Tây Bắc là các tỉnh địa đầu Tổ quốc, rừng đầu nguồn chiếm diện tích rất lớn, có vai trò đặc biệt quan trọng trong đảm bảo an ninh, quốc phòng và giữ nguồn nước ngầm, phòng chống lũ, lụt. Tại các tỉnh trong vùng có nhiều lâm sản và cây dược liệu quý, nhất là các loại gỗ như: lim, đinh hương, nghiến, pơmu, các cây dược liệu như: quế, hồi, sa nhân, thảo quả,... Do đó, cần đầu tư nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao vào bảo vệ phát triển quỹ rừng, phát triển trồng và chế biến các loại dược liệu quý để xuất khẩu hay tạo ra nhiều loại thuốc chữa bệnh có giá trị cao, cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời, dùng nguồn tiền thu được từ bán lâm sản, dược liệu để mua gạo đáp ứng nhu cầu lương thực của nhân dân trong vùng. Khắc phục tình trạng “du canh du cư”, đốt rừng làm nương để sản xuất ngô, lúa, khoai, sắn nhằm tự túc lương thực tại chỗ, gây nên nhiều thảm họa về môi trường sinh thái. Chuyển đổi đất trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng ngô, đậu tương bằng các loại giống có năng suất cao để làm nguyên liệu chế biến thức ăn để phát triển chăn nuôi hữu cơ, cung cấp thịt sạch cho thị trường trong và ngoài nước.

- Vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ: Tây Nguyên và Đông Nam Bộ là vùng lãnh thổ sinh thái phù hợp với phát triển cây cà phê, cao su và hồ tiêu, nhưng không thể phát triển quá lạm. Phải kịp thời khắc phục tình trạng phát triển quá nóng cây cà phê và hồ tiêu đến mức khai thác cạn kiệt cả nguồn nước ngầm để phục vụ cho sản xuất những cây trồng này. Mặt khác, việc trồng rừng hoán đổi diện tích rừng bị mất do làm thủy điện không thể chỉ lấy phát triển diện tích trồng cao su để thay thế. Vì nhiều nhà khoa học khẳng định, rừng cao su không bao giờ giữ được nguồn nước. Muốn giữ được nguồn nước phải trồng rừng nhiệt đới với đa dạng các chủng loại cây, đa tầng, đa lớp. Do đó cơ cấu lại chủng loại cây trồng đối với vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ là phải sử dụng những giống cà phê, cao su, hồ tiêu và một số cây trồng khác phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn nước, nhu cầu thị trường cho năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt, đem lại giá trị gia tăng vượt trội. Đồng thời phải đặc biệt chú trọng phát triển các loại dược liệu quý của vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ như: Sâm Ngọc Linh, Hồng đẳng sâm, Đương quy, Ngũ vị tử và Đông trùng Hạ thảo - loại dược liệu quý hiếm, mới nuôi trồng thành công. Đây là những biệt dược đem lại giá trị gia tăng rất cao không phải nơi nào cũng phát triển được. Do đó, cần phải có đầu tư thích đáng trên nhiều phương diện để tạo ra những ngành hàng nông phẩm chiến lược, đem lại giá trị gia tăng cao, vượt trội.

- Vùng duyên hải miền Trung: Cơ cấu lại ngành nông nghiệp nước ta phải đặc biệt lấy nông nghiệp công nghệ cao làm hạt nhân để lựa chọn giống cây trồng và vật nuôi có khả năng thích ứng với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt của vùng. Ví dụ như tỉnh Ninh Thuận đã xác định cơ cấu cây trồng và vật nuôi là 5 cây, 3 con. Một số tỉnh khác trong vùng như Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận... lại chú trọng nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản và các loại cây trồng, vật nuôi chịu hạn, cho năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cao.

- Vùng Tây - Nam bộ: Đây là vùng có lợi thế nhất về điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng cho phát triển sản xuất nông nghiệp của cả nước và thực tế những thập niên vừa qua đã chứng minh rõ điều đó. Tuy vậy, thu nhập của số đông nông dân nơi đây vẫn còn thấp, cuộc sống còn nhiều khó khăn, chật vật. Vì thế, cơ cấu lại ngành nông nghiệp của vùng phải lấy phát triển nông nghiệp công nghệ cao làm hạt nhân, bằng cách đưa vào gieo trồng 2 vụ lúa/năm những giống lúa chịu mặn, chịu phèn, cho năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao hơn so với giống lúa hiện nay đang gieo trồng trên những diện tích có lợi thế so sánh cao, nhằm đảm bảo sản lượng lúa như hiện nay và cao hơn, nhưng thu hẹp được diện tích trồng lúa để chuyển sang cải tạo thành diện tích nuôi tôm, cá, cua,... hoặc trồng ngô cao sản, trồng cây ăn quả cho giá trị gia tăng cao hơn trồng lúa. Thực tế hiện nay trên thị trường, 1kg tôm có giá trị gấp mấy chục lần 1kg lúa. Do đó, nhiều tỉnh trong vùng đã làm như vậy. Tỉnh Bạc Liêu đang nuôi tôm công nghệ cao và sử dụng 1/2 diện tích đất nông nghiệp của tỉnh để nuôi tôm, tạo ra 150 nghìn tấn tôm/năm, đưa lại nguồn thu rất lớn. Nhiều tỉnh trong vùng cũng đang phát triển theo hướng đó.

Mặt khác, sản lượng lúa, gạo do các tỉnh này sản xuất ra cần cung ứng theo hợp đồng kinh tế lâu dài cho nhân dân các địa phương vùng Đông Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên không có lợi thế về sản xuất lúa gạo để mua lại các nông, lâm sản khác như ngô, đậu tương, cà phê, dược liệu,... làm nguyên liệu cho phát triển công nghiệp chế biến. Ngoài ra, gạo cần được sử dụng làm nguyên liệu để chế biến tinh dầu và mỹ phẩm nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho cây lúa.

Để phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, về mặt thể chế cần:

Một là, Nhà nước phải làm tốt vai trò kiến tạo, hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp nước ta.

- Nhà nước với vai trò “nhạc trưởng” phải hỗ trợ, tạo được môi trường thuận lợi cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp nước ta, từ thiết lập hệ thống hành lang pháp lý và xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững theo vùng lãnh thổ sinh thái cấp quốc gia, lấy phát triển nông nghiệp công nghệ cao làm hạt nhân. Đồng thời tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, làm cho các chủ thể liên quan nhận thức rõ khung khổ pháp luật, chính sách và nội dung cơ bản, trọng yếu của chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển nông nghiệp đã được xác lập để tự giác, chủ động thực hiện.

- Nhà nước phải có sự đầu tư thích đáng thúc đẩy nghiên cứu phát triển và ứng dụng những thành tựu tiến bộ khoa học - công nghệ hiện đại ở tất cả các khâu của quá trình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp nước ta, hướng tới tạo ra một nền nông nghiệp công nghệ cao, chứ không chỉ dừng lại ở một số khu công nghiệp công nghệ cao như hiện nay.

- Nhà nước cần sử dụng nhiều phương thức huy động vốn đầu tư, nhất là hợp tác công tư (PPP) để nhân bội nguồn vốn đầu tư phát triển còn hạn hẹp của Ngân sách nhà nước Trung ương và địa phương để đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở kết cấu hạ tầng trọng yếu và những khu đô thị hạt nhân trọng điểm ở mỗi vùng nông nghiệp sinh thái. Nhất là các công trình kè đê chắn sóng chống biển xâm thực và các công trình thủy lợi nội đồng, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

- Nhà nước cần hoàn thiện và thúc đẩy thực thi đồng bộ, nhất quán, nghiêm minh các chế tài và kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ sự tuân thủ của các chủ thể có liên quan, nhất là người đứng đầu; xử lý nghiêm khắc đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng kết cấu hạ tầng trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp nước ta.

- Nhà nước cần hoàn thiện và thực thi nhất quán pháp luật, chính sách thúc đẩy tích tụ và tập trung ruộng đất để tạo ra nhiều cánh đồng lớn phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hàng hóa tập trung có quy mô trung bình và lớn theo tiêu chuẩn GAP. Đồng thời khuyến khích các doanh nhân tạo lập các doanh nghiệp bao tiêu, chế biến nông sản bằng công nghệ cao đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu Chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Hai là, Nhà nước phải có chính sách đầu tư và giao trách nhiệm cho các bộ, ngành hữu quan phối, kết hợp chặt chẽ với nhau tạo ra đội ngũ nông dân và doanh nhân chuyên nghiệp cùng một số điều kiện thiết yếu khác nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp nước ta. Cụ thể là:

- Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phải chủ trì phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng cục Dạy nghề, Hội Nông dân Việt Nam xác lập chương trình, kế hoạch và tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo vùng lãnh thổ sinh thái cho nông dân, nhất là thanh niên nông thôn, tạo ra đội ngũ nông dân và doanh nhân chuyên nghiệp có trình độ, kỹ năng phát triển nông nghiệp công nghệ cao ngày càng hùng hậu.

- Bộ Khoa học và Công nghệ cần huy động và tổ chức tốt sự vào cuộc quyết liệt của các nhà khoa học, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu phát triển khoa học - công nghệ, ứng dụng và tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến về phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Nhật Bản, Ixraen,... để chuyển giao cho nông dân Việt Nam một cách thiết thực, hiệu quả trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp nước ta. Đặc biệt là phải hết sức quan tâm hỗ trợ và nhân rộng những phát kiến của nông dân; khuyến khích giúp đỡ những điển hình khởi nghiệp phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

- Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu, đưa ra dự báo có căn cứ xác đáng về xu hướng biến đổi khí hậu và những hệ lụy của nó; chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các địa phương và Bộ, ngành liên quan điều tra thổ nhưỡng, khí hậu, kiểm kê quỹ đất, kiểm kê, đánh giá tài nguyên nước,... và khuyến nghị các phương án phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp nước ta thích ứng với tiềm năng, lợi thế về tài nguyên, nguồn lực và xu hướng biến đổi khí hậu.

- Bộ Công thương có vai trò rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phải gắn kết mật thiết với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp nước ta. Vì rằng, để cơ cấu lại ngành nông nghiệp nước ta thành công, tạo ra một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, hiện đại, đạt giá trị gia tăng vượt trội thì phát triển nông nghiệp công nghệ cao phải là hạt nhân. Mỗi loại nông sản do nông nghiệp công nghệ cao tạo ra ở mỗi vùng lãnh thổ sinh thái đều phải được quản lý theo chuỗi giá trị. Muốn vậy, hai chủ thể quan trọng là Nhà nông và Nhà doanh nghiệp bao tiêu, chế biến nông sản phải gắn kết với nhau. Trong đó, Nhà doanh nghiệp phải đóng vai trò chủ đạo tổ chức thực hiện chuỗi giá trị ngành hàng. Những doanh nghiệp này phải đảm bảo cung ứng giống cây trồng, vật nuôi, các loại vật tư nông nghiệp khác một cách đúng, đủ, kịp thời về chủng loại, số lượng, chất lượng cho nông dân. Đồng thời phải hướng dẫn cặn kẽ cho nông dân thực hiện quy trình kỹ thuật sản xuất theo Việt GAP để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Doanh nghiệp còn phải xây dựng thương hiệu cho nông phẩm trên thị trường trong và ngoài nước.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước cần chú trọng đầu tư và hỗ trợ, khuyến khích thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp nước ta.

+ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và Ngân hàng nhà nước để ra chương trình mục tiêu và có cơ chế hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp công nghiệp và dịch vụ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung, nông nghiệp công nghệ cao nói riêng. Hiện nay có khoảng hơn 40.000 doanh nghiệp hoạt động ở khu vực nông thôn, nhưng chỉ có khoảng 1.500 doanh nghiệp ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản làm ăn hiệu quả. Còn lại đang gặp nhiều khó khăn, nhất là thiếu vốn và năng lực cạnh tranh thấp. Tính đến tháng 2-2017 cả nước mới chỉ có 25 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng số vốn đầu tư 21.200 tỷ đồng.

+ Bộ Tài chính cần có những chính sách ưu đãi liên quan đến phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhất là chính sách thuế, thủ tục hải quan, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp.

+ Ngân hàng nhà nước cần có chính sách tín dụng ưu đãi đối với phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp nước ta. Nhất là chính sách cho vay vốn đối với các doanh nhân khởi nghiệp trong lĩnh vực chế biến, tiêu thụ nông phẩm. Trước mắt cần triển khai cho vay đúng đối tượng và có hiệu quả khoản 100 nghìn tỷ đồng dành cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao mà Chính phủ đã công bố.

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính tri số 8-2017

GS, TS Hoàng Ngọc Hòa

Theo lyluanchinhtri.vn

Cập nhật tin tức về khoa học xã hội tại: tapchikhxh.vass.gov.vn