Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Cập nhật 08:45 ngày 20/04/2018
(Kinh tế) - Trong thời gian gần đây, cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng công nghiệp 4.0) đã trở thành chủ đề được nghiên cứu, phân tích và bàn luận rộng rãi tại nhiều diễn đàn với nhiều góc độ tiếp cận khác nhau. Thực tế cho thấy, cách mạng công nghiệp 4.0 bắt đầu có ảnh hưởng ở những mức độ khác nhau tới các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội, chính trị tại Việt Nam. Trong bối cảnh như vậy, cần thiết phải nghiên cứu, đánh giá đầy đủ về hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, coi đó như một giải pháp phù hợp, một cách thức ứng phó hiệu quả để tranh thủ các cơ hội mà cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến cho Việt Nam.

1. Giới thiệu

Cách mạng công nghiệp được hiểu là quá trình chuyển đổi mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất để ứng dụng các quy trình mới với những thay đổi cơ bản về điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa và kỹ thuật. Cách mạng công nghiệp khiến cho nền kinh tế giản đơn, quy mô nhỏ, dựa trên lao động chân tay được thay thế bằng hoạt động sản xuất công nghiệp và chế tạo máy móc quy mô lớn. Cho dù vẫn còn nhiều tranh luận khác nhau về việc phân chia cách mạng công nghiệp theo các thời kỳ lịch sử phát triển của thế giới, nhưng quan điểm đạt được nhiều đồng thuận của các học giả vẫn cho rằng, nếu lấy mốc thời gian là cuối thế kỷ XVIII khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất bùng nổ ở Vương quốc Anh thì tính đến hiện tại, thế giới đã bước vào giai đoạn đầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sức lan tỏa tăng gấp nhiều lần và các tác động ở cấp độ toàn cầu. Cách mạng công nghiệp 4.0 tiếp sau những thành tựu lớn kế thừa từ cách mạng công nghiệp lần thứ ba, được hình thành trên nền tảng cải tiến của cuộc cách mạng số, với những công nghệ mới như in 3D, robot, trí tuệ nhân tạo, IoT (internet kết nối vạn vật), SMAC2, công nghệ nano, sinh học, vật liệu mới... Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện đã trở thành chiến lược bản lề cho các nước đang phát triển tiến đến để theo kịp với xu hướng phát triển của thế giới.

Xét về trung và dài hạn, cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại nhiều tác động tích cực, giúp cho kinh tế thế giới bước vào giai đoạn tăng trưởng dựa trên động lực không có trần giới hạn là công nghệ và đổi mới sáng tạo, thay cho tăng trưởng chủ yếu dựa vào các yếu tố đầu vào luôn có trần giới hạn. Về ngắn hạn, cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra nhiều thách thức khiến các ngành, lĩnh vực dựa vào công nghệ, vào đổi mới sáng tạo có thể tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng một số ngành lạc nhịp về công nghệ khác phải thu hẹp đáng kể và bị đào thải.

Cùng với các diễn biến nhanh chóng của cách mạng công nghiệp 4.0, một trong những cách thức ứng phó phù hợp được Việt Nam đưa ra là việc đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (start-up). Các định hướng chính sách cho thấy, hoạt động khởi nghiệp doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, đã được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm. Văn kiện Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam (2016) khẳng định, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng. Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 3 tháng 6 năm 2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chủ trương phát triển kinh tế tư nhân cho thấy, việc đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp và khuyến khích tinh thần khởi nghiệp ở Việt Nam dựa trên nền tảng là các doanh nghiệp tư nhân đã trở thành hướng đi đúng đắn.

Từ nền tảng chung như vậy, các nghiên cứu của nước ngoài và trong nước đã ngày càng làm rõ hơn nhận thức về một doanh nghiệp khởi nghiệp. Nghiên cứu của Paul Graham (2005) [8] cho rằng, doanh nghiệp khởi nghiệp là doanh nghiệp được lập ra với kỳ vọng tăng trưởng nhanh. Tốc độ tăng trưởng gắn với ý tưởng sáng tạo mới là yếu tố quan trọng nhất xác định đó là một doanh nghiệp khởi nghiệp. Các yếu tố khác (như doanh nghiệp mới thành lập, thuộc lĩnh vực công nghệ, được quỹ đầu tư rủi ro tài trợ, v.v.) chỉ có ý nghĩa phụ trợ. Tại Việt Nam, phải cho đến năm 2016 thì văn bản chính thức đầu tiên liên quan tới khởi nghiệp mới được ban hành. Đó là Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”3. Đề án này đã làm rõ khái niệm của Việt Nam về doanh nghiệp khởi nghiệp là “loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới”. Bài viết4 nêu những chủ trương, chính sách khởi nghiệp; phân tích thực trạng doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam; đưa ra một số nhận xét và định hướng giải pháp hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra nhanh và mạnh.

2. Chủ trương, chính sách khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam

Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra với tốc độ nhanh và sức lan tỏa rộng khắp trên mọi mặt, mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội. Điều đặc biệt là trong bối cảnh này, Việt Nam đang phải thực hiện một số nhiệm vụ lớn, mang tính chiến lược để cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chủ yếu dựa theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, vừa mở rộng quy mô, vừa chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả5. Năm 2016, Quốc hội đã ra Nghị quyết thông qua kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, trong đó xác định mục tiêu tổng quát là tập trung nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng các nguồn lực phát triển, qua đó thay đổi cơ cấu và trình độ của nền kinh tế, hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn, có năng suất cao hơn, có năng lực cạnh tranh cao hơn, có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn và đảm bảo tăng trưởng xanh, sạch, bền vững. Để thực hiện mục tiêu này, vấn đề phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân trong nước và thu hút hợp lý đầu tư trực tiếp nước ngoài, cải thiện môi trường kinh doanh được xác định là trọng tâm chính sách của Chính phủ.

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra, yêu cầu về phát triển kinh tế tư nhân đang ngày càng trở nên cấp thiết và một loạt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã được ban hành bao gồm: Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3 tháng 6 năm 2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có các quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ ngày 16 tháng 5 năm 2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Quyết định số 844/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 18 tháng 5 năm 2016 phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.

 Theo các chủ trương, chính sách đã công bố, đặc biệt là Nghị quyết số 35 của Chính phủ, mục tiêu đặt ra đến năm 2020 là: sẽ xây dựng doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững; cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó có các doanh nghiệp quy mô lớn, nguồn lực mạnh; khu vực tư nhân Việt Nam đóng góp khoảng 48-49% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp khoảng 30-35% GDP; năng suất lao động xã hội tăng khoảng 5%/năm. Hàng năm, khoảng 30-35% doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo. Tiếp đó, đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” thể hiện các mục tiêu cụ thể là: (1) đến năm 2020 hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thiết lập được Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; hỗ trợ được 800 dự án, 200 doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó 50 doanh nghiệp gọi được vốn thành công từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập, với tổng giá trị ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng; (2) đến năm 2025, hỗ trợ phát triển 2.000 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ phát triển 600 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; 100 doanh nghiệp tham gia Đề án gọi được vốn đầu tư từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập, với tổng giá trị ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng.

3. Thực trạng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam

Với những diễn tiến rất nhanh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tinh thần khởi nghiệp cũng được đề cao với các chủ trương, chính sách bước đầu được đưa ra để thúc đẩy khởi nghiệp. Dù vậy, một doanh nghiệp chỉ có thể được coi là doanh nghiệp khởi nghiệp khi thể hiện được tính đổi mới sáng tạo. Điều này khiến cho việc xác định rõ thực trạng doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam là một nhiệm vụ không dễ dàng. Thực tế cho thấy, Việt Nam chưa có số liệu thống kê riêng về doanh nghiệp khởi nghiệp. Hơn nữa, chính khái niệm doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn còn tương đối mới và thường bị nhầm lẫn với các hoạt động khác như hoạt động “dựng nghiệp”, “lập nghiệp” hay nói chung là thành lập doanh nghiệp mới. Từ sự thiếu rõ ràng như vậy, cơ bản mới chỉ thống kê được về số doanh nghiệp thành lập mới tại Việt Nam trong những năm gần đây và không thể tách được nhóm các doanh nghiệp khởi nghiệp ra khỏi các doanh nghiệp thành lập mới. Với tình hình như vậy, nghiên cứu về thực trạng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam được giới hạn ở một số khía cạnh cụ thể như sau:

- Số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam. Theo đánh giá không chính thức của Diễn đàn Khởi nghiệp trẻ6, tính đến hết năm 2016, Việt Nam có khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp và phần lớn trong số đó là các doanh nghiệp công nghệ, được thành lập trong khoảng 4 năm tính đến thời điểm tiến hành khảo sát sơ bộ (2016). Như vậy, nghiên cứu tổng thể về các trường hợp doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực công nghệ cho thấy, các doanh nghiệp khởi nghiệp tăng mạnh trong những năm gần đây chủ yếu là nhờ tác động lan tỏa của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 khi khả năng kết nối IoT gia tăng cùng với nhiều ứng dụng, điều kiện phụ trợ khác trở nên sẵn có hơn. Cộng đồng khởi nghiệp đồng thời cũng cho rằng, Việt Nam “đang ở trong thời kỳ bùng nổ của làn sóng khởi nghiệp thứ hai, với mốc thời gian 2016 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc nhân rộng và đặt nền tảng cho những chặng đường tiếp theo của cộng đồng khởi nghiệp trong nước” [9]. Thực tế thì việc làm rõ về số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam hiện nay mới chỉ dừng ở mức ước tính chứ chưa có điều tra, thống kê đầy đủ.

Một đánh giá khác của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, mặc dù số lượng doanh nghiệp thành lập mới của Việt Nam tăng mạnh trong thời gian gần đây, nhưng các doanh nghiệp thực sự được xác định là doanh nghiệp khởi nghiệp trong số đó không nhiều. Trong khi số lượng doanh nghiệp thành lập mới năm 2016 là khoảng 110.000 doanh nghiệp (Biểu đồ 1) thì tổng số doanh nghiệp có thể được xác định là doanh nghiệp khởi nghiệp tính đến hết năm 2016 chỉ vào khoảng 1.500 doanh nghiệp7. Mặc dù vậy, nếu tính trên đầu người thì số các công ty khởi nghiệp của Việt Nam cao hơn các quốc gia khác như Trung Quốc (2.300 công ty khởi nghiệp), Ấn Độ (7.500 công ty khởi nghiệp) và Indonesia (2.100 công ty). So sánh giữa các lĩnh vực hoạt động cho thấy, doanh nghiệp công nghệ thông tin có con số vượt trội so với các doanh nghiệp trong lĩnh vực khác. Thực tế này phản ánh đúng xu hướng phát triển trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0 với các đặc điểm: (1) doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin không cần quá nhiều vốn đầu tư ban đầu như nhiều lĩnh vực truyền thống khác; (2) doanh nghiệp trong lĩnh vực này dựa chủ yếu vào ý tưởng mới và cách làm mang tính sáng tạo cao, có khả năng tăng trưởng nhanh; (3) khả năng dễ dàng kết nối toàn cầu qua công nghệ IoT giúp cho các ý tưởng sáng tạo tốt dễ dàng đến được với thế giới và ngược lại, doanh nghiệp cũng dễ dàng học hỏi được từ các mô hình thành công khác của quốc tế. 

Biểu đồ 1: Số lượng doanh nghiệp thành lập mới giai đoạn 2011 - 2016 (Nguồn Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

- Trình độ công nghệ của doanh nghiệp. Một trong những yếu tố quyết định việc doanh nghiệp mới thành lập có phải là doanh nghiệp khởi nghiệp hay không, chính là trình độ công nghệ làm nền tảng cho tính đổi mới sáng tạo. Trình độ công nghệ của doanh nghiệp góp phần quan trọng tạo điều kiện cho tinh thần khởi nghiệp và doanh nghiệp khởi nghiệp. Các nước có trình độ công nghệ cao cũng thường là các quốc gia có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp thành công. Số liệu khảo sát năm 2014 được công bố [3] cho thấy, trong tổng số 7.450 doanh nghiệp được khảo sát, chỉ có 464 doanh nghiệp khẳng định là có các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) chiếm 6,23%. Điều này có nghĩa rằng, đại bộ phận các doanh nghiệp chưa quan tâm đến các hoạt động phát triển, ứng dụng công nghệ. Ngoài ra, nghiên cứu về nhân sự của các doanh nghiệp cũng cho thấy, tỷ trọng cán bộ nghiên cứu và kỹ thuật trong các doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp quy mô lớn chỉ ở mức dưới 40%. Đối với một doanh nghiệp có quy mô trung bình thì nhân lực kỹ thuật chỉ chiếm tỷ lệ 36,4%, tiếp đến là nhân lực hỗ trợ với 29,5%. Còn lại là nhân lực cho các vị trí công việc thông thường khác [5]. Số liệu khảo sát cũng cho thấy, các doanh nghiệp chưa quan tâm đến hoạt động R&D do hầu hết đều là các doanh nghiệp hoạt động trong nhóm ngành công nghệ thấp (chiếm 44,2% năm 2014) và chỉ có 17,3% số doanh nghiệp được coi là hoạt động trong các ngành công nghệ cao. Với tỷ lệ nhân lực khoa học và công nghệ còn thấp, việc thực hiện đổi mới sáng tạo là rất hạn chế. Đây là tình trạng khá phổ biến của doanh nghiệp Việt Nam nói chung và cũng là lý do khiến cho tuy số lượng doanh nghiệp được thành lập mới tương đối nhiều, nhưng chỉ có 23,9% là thành lập trong lĩnh vực khoa học, công nghệ (Biểu đồ 2) và rất ít trong số đó được coi là doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Biểu đồ 2: Doanh nghiệp thành lập mới theo ngành (đơn vị: %, năm 2016), (Nguồn Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

- Quy mô lao động của doanh nghiệp. Số liệu thống kê cho thấy, tính cho toàn bộ doanh nghiệp trong cả nước, số doanh nghiệp có lao động dưới 10 người chiếm 68%, từ 10 người đến 49 người chiếm 25% và từ 50 người đến 199 người chiếm 5%. Như vậy, có đến 93% số lượng doanh nghiệp có số lượng lao động dưới 50 người và 98% số lượng doanh nghiệp có số lượng lao động dưới 200 người. Số lượng doanh nghiệp có lao động từ 200 người trở lên chỉ chiếm 2%.

Biểu đồ 3 phản ánh hiện trạng là, các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô lao động rất nhỏ. Điều này khiến cho các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc nâng cao năng lực đầu tư, cải tiến và nâng cấp công nghệ để bắt kịp với yêu cầu phát triển của đất nước. Tuy nhiên, yếu tố tích cực ở đây là cách mạng công nghiệp 4.0 có thể đem đến nhiều cơ hội tăng trưởng nhanh cho các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ ngay khi các doanh nghiệp khởi nghiệp có được ý tưởng tốt, do các điều kiện để hiện thực hóa các ý tưởng hiện đã thuận lợi hơn nhiều so với trước đây.

4. Định hướng giải pháp thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam

Biểu đồ 3: Quy mô lao động của các loại hình doanh nghiệp (đơn vị: %, năm 2014) [7].

Để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng là các doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam trong giai đoạn tới, nhằm ứng phó với sự tác động nhanh và mạnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, có thể đưa ra một số giải pháp chủ yếu như sau:

Thứ nhất, rất cần có quan điểm nhất quán từ các cấp quản lý trong việc phân loại các doanh nghiệp khởi nghiệp trong số các doanh nghiệp được thành lập mới. Việc thiếu vắng các số liệu cụ thể về doanh nghiệp khởi nghiệp, các doanh nghiệp đã thành công, doanh nghiệp không thành công khiến cho các giải pháp chính sách mới dừng ở mức các khuyến khích chung, chưa thể phát huy tác dụng trực tiếp vì chưa gắn với các đối tượng điều chỉnh cụ thể.

Thứ hai, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra nhanh và mạnh, vấn đề khởi nghiệp cần được đánh giá một cách đầy đủ hơn với nhiều đặc tính mới, đặc biệt là khi đánh giá vấn đề đó cần chú trọng tới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Yếu tố đổi mới sáng tạo chính là mấu chốt của vấn đề này để xác định đúng doanh nghiệp khởi nghiệp và có các chính sách khuyến khích phù hợp giúp cho các doanh nghiệp này thực sự đi đúng hướng và tranh thủ được các cơ hội của bối cảnh phát triển mới.

Thứ ba, số lượng doanh nghiệp được thành lập mới tại Việt Nam tăng tương đối nhanh trong những năm gần đây. Mặc dù vậy, hầu hết doanh nghiệp hiện có của Việt Nam đều là các doanh nghiệp nhỏ với tiềm lực hết sức hạn chế cả về vốn, lao động cũng như trình độ khoa học - công nghệ. Do tính chất của doanh nghiệp khởi nghiệp là hướng tới tăng trưởng nhanh, chú trọng tính sáng tạo với các ý tưởng mới nên các biện pháp chính sách cần đặt trọng tâm vào khuyến khích hoạt động R&D, đầu tư để nâng cao trình độ, khả năng ứng dụng khoa học, công nghệ trong các doanh nghiệp. Đây là cách thức hiệu quả để làm nền tảng cho đổi mới sáng tạo và thúc đẩy tăng trưởng nhanh dựa trên các ý tưởng, sáng kiến mới.

Thứ tư, cơ hội của doanh nghiệp khởi nghiệp khi cách mạng công nghiệp 4.0 đang tăng tốc là rất lớn và rất hứa hẹn. Nếu như trước đây, rất khó có doanh nghiệp nhỏ nào có thể nhanh chóng trở thành doanh nghiệp lớn, thành công nếu không có các bước phát triển tuần tự qua một quá trình lâu dài, thì ngày nay, việc ứng dụng công nghệ mới, các thành quả của cách mạng công nghiệp 4.0 đã giúp ích rất nhiều. Chỉ cần một ý tưởng tốt gắn với các điều kiện thuận lợi thì doanh nghiệp khởi nghiệp có thể nhanh chóng vào cuộc và vượt lên nhờ tốc độ tăng trưởng nhanh gắn với tính sáng tạo cao, từ đó có thể trở thành các doanh nghiệp lớn, vươn tới phạm vi toàn cầu. Với thực tế như vậy, các giải pháp chính sách ở cấp vĩ mô là cần nhưng chưa đủ. Chính sách cần gắn với các giải pháp cụ thể ở cấp vi mô, hướng tới các nhóm dân cư cụ thể để từng cá nhân có thể tự do đưa ra ý tưởng sáng tạo và xã hội phải có quan điểm cởi mở hơn nhằm khuyến khích các ý tưởng sáng tạo đó, bất kể ý tưởng đó có trở thành hiện thực hay không.

5. Kết luận

Xem xét thực trạng hoạt động khởi nghiệp doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay cho thấy đây vẫn là vấn đề mới, chưa thực sự được nhận thức một cách đầy đủ. Kể từ khi Thủ tướng Chính phủ công bố Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, vấn đề khởi nghiệp bắt đầu được chú ý nhiều hơn. Mặc dù vậy, cụm từ  “khởi nghiệp” được nhắc tới tương đối thường xuyên hoàn toàn không có nghĩa rằng, Việt Nam đã sẵn sàng cho thúc đẩy khởi nghiệp xét từ góc độ thể chế, chính sách và các điều kiện liên quan. Trái lại, những yêu cầu cụ thể liên quan tới khởi nghiệp và các điều kiện phụ trợ cho hoạt động này hiện vẫn còn rất thiếu vắng. Đại bộ phận công chúng Việt Nam vẫn chưa có nhiều thông tin và có nhận thức thực sự rõ ràng, đầy đủ thế nào là một doanh nghiệp khởi nghiệp.

Hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam tuy còn non trẻ nhưng có tiềm năng phát triển rất lớn. Với những lợi thế sẵn có và sự phối hợp đồng bộ giữa các Bộ, ngành, địa phương, hệ thống các giải pháp nêu trên đây sẽ là cơ sở cho việc xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách cần thiết, đặc thù để hỗ trợ, thu hút nhiều nhà đầu tư, khai phá được tiềm năng phát triển cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn biến nhanh chóng hiện nay.

Chú thích

2 SMAC là nền tảng mới nhất của ngành công nghệ thông tin, dựa trên 4 xu hướng hiện đại, đó là S (Social = xã hội), M (Mobile = di động), A (Analytics = phân tích dữ liệu) và C (Cloud = đám mây). SMAC giúp kết hợp toàn bộ cấu thành hệ thống một cách chặt chẽ và tạo ra một hệ sinh thái hoàn chỉnh, lấy con người làm trọng tâm, định hình phát triển xu hướng thông minh mới.

3 Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.

4 Bài viết là kết quả của Đề tài khoa học cấp Bộ “Chính sách khuyến khích tinh thần khởi nghiệp của doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn hiện nay” do Văn phòng Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam là cơ quan chủ trì.

5 Chủ trương được khẳng định trong Văn kiện Đại hội XI (2011) của Đảng Cộng sản Việt Nam.

6 Diễn đàn mạng tại địa chỉ http://khoinghieptre.vn

7 Đánh giá trong báo cáo của TS. Hoàng Quang Phòng, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hà Nội, 2017.

Tài liệu tham khảo

[1]     Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ  XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[2]     Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ  XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[3]     Lương Minh Huân, Nguyễn Thị Thùy Dương (2016), “Thực trạng đầu tư cho Khoa học và Công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam”, Tạp chí Khoa học Công nghệ Việt Nam, số 9A.

[4]     Chính phủ (2016), Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Hà Nội.

[5]     Nhiều tác giả (2015), Báo cáo kết quả nghiên cứu Đề tài khoa học cấp Nhà nước, mã số KX06.06/11-15 Nghiên cứu, phân tích hệ thống khoa học, công nghệ và đổi mới/sáng tạo (STI) Việt Nam trong xu thế hội nhập khoa học và công nghệ quốc tế, Hà Nội.

[6]     Thủ tướng Chính phủ (2016), Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, Hà Nội.

[7]     Tổng cục Thống kê (2016), Kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn 2010-2014, Nxb Thống kê, Hà Nội.

[8]     Paul Graham (2005), How to start a start-up?, http://paulgraham.com/start.html

[9]     https://khoinghieptre.vn/het-nam-2016-khoi-nghiep-viet-nam-da-di-den-dau/

Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam (số 10 - 2017)

Tác giả: PGS.TS. Bùi Nhật Quang
Sự kiện: Bùi Nhật Quang
Cập nhật tin tức về khoa học xã hội tại: tapchikhxh.vass.gov.vn