Hội thảo quốc tế “Làn sóng di dân từ Bắc Phi - Trung Đông: Tác động và chính sách ứng phó”

Cập nhật 09:15 ngày 03/01/2018
(Hội thảo khoa học) - Ngày 14/12/2017, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế “Làn sóng di dân từ Bắc Phi - Trung Đông: Tác động và chính sách ứng phó”.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, nhấn mạnh, thế giới hiện đại đã chứng kiến nhiều cuộc di cư trong lịch sử loài người, nhưng chưa khi nào có một cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất và phức tạp nhất như hiện nay xuất phát từ khu vực Bắc Phi - Trung Đông. Nội chiến, xung đột, bất ổn và dòng người tị nạn đã tạo ra nhiều áp lực về kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh quốc gia đối với các nước láng giềng, đặc biệt đối với Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon, Jordan và nhiều nước Châu Âu, trong việc tiếp nhận người tị nạn từ Syria và các nước Bắc Phi - Trung Đông khác. Cuộc khủng hoảng di cư lần này ở Bắc Phi - Trung Đông đang phải đối diện với rất nhiều vấn đề phát triển do người tị nạn không có việc làm, không có nhà cửa, đất đai, không được hưởng các chính sách giáo dục và chăm sóc sức khoẻ và phải hứng chịu nhiều rủi ro tiềm tàng khác do chủ nghĩa khủng bố (những bất ổn về chính trị, an ninh, xã hội…) mang lại. Trái với nhận định chung cho rằng, khủng hoảng di cư ở khu vực Bắc Phi - Trung Đông chủ yếu là thách thức đối với khu vực Châu Âu, có thể thấy làn sóng di cư lần này đang đặt ra cho toàn khu vực Bắc Phi - Trung Đông một thách thức nặng nề hơn cả, đặc biệt khi khu vực này đang phải khó khăn vượt qua khủng hoảng chính trị từ mùa xuân Arab, từ các phong trào tôn giáo cực đoan, từ Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và từ sự nhận diện lại sức mạnh và quyền lực của mỗi quốc gia trong khu vực.


Toàn cảnh hội thảo

Hội thảo đã tập trung bàn luận các vấn đề: di cư, di dân, tị nạn với các làn sóng di cư lớn trong lịch sử Trung Đông - Bắc Phi, thực trạng di dân từ khu vực Bắc Phi - Trung Đông sau mùa xuân Arab và các tác động của nó đối với khu vực và thế giới, luật pháp quốc tế, quan hệ quốc tế về di cư từ Bắc Phi và Trung Đông, dự báo tình hình di cư ở Bắc Phi - Trung Đông, các kênh, các phương cách để các nghiên cứu học thuật của Hội thảo có tác động tích cực đối với các quyết sách của thế giới, khu vực và quốc gia.

Ông Nguyễn Quang Khai, nguyên đại sứ Việt Nam tại UEA nhấn mạnh, việc giải quyết vấn đề di dân hiện nay cần có sự hợp tác của cộng đồng quốc tế. Để giải quyết tận gốc vấn đề người tị nạn, Liên Hợp Quốc cần phối hợp chặt chẽ với cộng đồng quốc tế và sớm tìm ra giải pháp chấm dứt các cuộc xung đột vũ trang, khôi phục lại hoà bình cho khu vực Trung Đông và Châu Phi, đặc biệt là ở Syria, Iraq và Libya. Về lâu dài, Liên Hợp Quốc cần giúp đỡ các nước Trung Đông và Châu Phi xây dựng và phát triển kinh tế, thoát khỏi cảnh nghèo nàn và lạc hậu. Ông Nghiêm Tuấn Hùng, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, cho rằng, vấn đề người di cư và tị nạn ở Syria đã, đang và sẽ diễn ra đầy phức tạp. Dòng người này là sự kết hợp của cả ba dạng thức di cư, tị nạn và đi xin tị nạn. Động lực của dòng người Syria rời bỏ đất nước không chỉ là yếu tố cá nhân hay những điều kiện thúc đẩy mới trong hệ thống quốc tế, mà còn là nguyên nhân cơ bản, chủ yếu nằm tại cuộc khủng hoảng và xung đột kéo dài hơn 6 năm qua.

Phát biểu tổng kết Hội thảo, PGS.TS. Lê Phước Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông, nhấn mạnh, các học giả, các nhà ngoại giao đã chia sẻ quan điểm của mình đối với cuộc khủng hoảng di cư từ Bắc Phi - Trung Đông; từ đó, rút ra những bài học, các giải pháp nhằm giúp các nước quản lý hiệu quả làn sóng di cư này. Qua chủ đề được thảo luận tại Hội thảo, nhiều vấn đề mới cũng sẽ được tiếp tục nghiên cứu và có những trao đổi tiếp theo giữa các nhà khoa học, các nhà quản lý và những người thực hiện chính sách.

 Thanh Thủy

Cập nhật tin tức về khoa học xã hội tại: tapchikhxh.vass.gov.vn