Hội thảo quốc tế “Cải thiện năng suất và tính cạnh tranh: Bài học từ Đông Á và các nước ASEAN”
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, nhấn mạnh, năng suất và cạnh tranh quốc tế là các yếu tố cốt lõi để giúp Việt Nam có thể tăng trưởng nhanh và bền vững trong bối cảnh mới ở trên thế giới cũng như ở trong nước. Nâng cao năng suất là một trong những ưu tiên hàng đầu của chương trình nghị sự của Chính phủ Việt Nam. Nhờ những cải cách sâu rộng được thực hiện nhất quán kể từ khi Việt Nam tiến hành công cuộc Đổi mới, đến nay Việt Nam đã bước vào quá trình chuyển đổi từ giai đoạn 1 của phát triển với tăng trưởng chủ yếu dựa vào gia tăng các yếu tố đầu vào sang giai đoạn 2 của phát triển với tăng trưởng dựa chủ yếu vào hiệu quả và năng suất.
GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch VASS phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc, Đại diện thường trú UNDP, đã điểm lại báo cáo Phát triển con người - sản phẩm chung của VASS và UNDP năm 2016. Theo ông, tăng năng suất và khả năng cạnh tranh để tạo ra nhiều việc làm với năng suất cao hơn cho tất cả người Việt Nam là chìa khóa để tạo điều kiện cho tăng trưởng bao trùm của Việt Nam trong giai đoạn phát triển tiếp theo và giúp Việt Nam đạt được khát vọng vượt qua bẫy thu nhập trung bình thấp.
TS. Nguyễn Thắng, Giám đốc Trung tâm Phân tích Dự báo, cho rằng, việc nghiên cứu của Việt Nam về năng suất và cạnh tranh là một nghiên cứu mới, giúp xác định những trở ngại trong thực tế, cung cấp thông tin cho việc xây dựng các hành động cụ thể, giúp nâng cao năng suất và tính cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong một số tiểu ngành cụ thể.
GS. Rajah, Đại học Malaya, Cố vấn cao cấp, nhấn mạnh rằng, Việt Nam cần nâng cấp công nghệ để kích thích tăng trưởng năng suất, đồng thời cần tập trung vào các chính sách nhằm kích thích đổi mới cơ cấu từ các hoạt động có giá trị gia tăng thấp sang các hoạt động có giá trị gia tăng cao, nhằm làm sống lại đà tăng trưởng năng suất trong nền kinh tế. Việt Nam phải rà soát lại các chính sách về phát triển nguồn vốn con người, tăng cường giáo dục kỹ thuật và đào tạo tay nghề mang tầm thế giới cũng như giáo dục khoa học và công nghệ. Bên cạnh đó, Việt Nam cần thực hiện các chiến lược nhằm liên kết các công ty trong nước với các công ty đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và với các chuỗi giá trị toàn cầu.
Hội thảo là diễn đàn trao đổi học thuật hữu ích, gợi mở cho các đại biểu cách để lựa chọn nhập khẩu công nghệ hay đổi mới sáng tạo, thu hút nguồn lực chất xám của Việt kiều.
Thanh Thủy