Hội thảo khoa học “Thực trạng, giải pháp và đề xuất tiêu chí quản lý nhà nước ở 5 huyện ngoại thành trong quá trình chuyển thành quận (hoặc thành phố) thuộc Thành phố Hồ Chí Minh”

Cập nhật 08:00 ngày 07/05/2023
(Hội thảo khoa học) - Sáng ngày 05 tháng 5 năm 2023, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ phối hợp với Sở Nội vụ Tp. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học:“Thực trạng, giải pháp và đề xuất tiêu chí quản lý nhà nước ở 5 huyện ngoại thành trong quá trình chuyển thành quận (hoặc thành phố) thuộc Thành phố Hồ Chí Minh”. Hội thảo được tổ chức tại trụ sở Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, 49 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bến Nghé, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh
Chủ trì Hội thảo
 
Chủ trì Hội thảo có PGS.TS. Vũ Tuấn Hưng – Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ và Ông. Huỳnh Thanh Nhân – Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh, cùng với sự tham dự của đại diện các Sở: Văn hóa – Thể Thao; Quy hoạch Kiến trúc, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố HCM; Tham dự hội thảo còn có đại diện Lãnh đạo 5 huyện: Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh và Cần Giờ và các chuyên gia, nhà khoa học, đơn vị tư vấn và Trưởng, Phó các đơn vị Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ và các thành viên Đề án từ Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ.
 
Ông Huỳnh Thanh Nhân, giám đốc sở Nội vụ phát biểu khai mạc Hội thảo
 
PGS.TS. Vũ Tuấn Hưng phát biểu tại Hội thảo
 
Phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo, ông Huỳnh Thanh Nhân (Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM) nhấn mạnh trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu đô thị hóa với quy mô của đại đô thị đang dần hiện hữu với thành phố là trung tâm của cực tăng trưởng và phát triển phía nam. Chính vì lẽ đó, nhu cầu chuyển đổi và nâng cấp các đơn vị hành chính từ huyện thành quận (hoặc thành phố trực thuộc thành phố) ngày một trở thành vấn đề bức thiết. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 vừa qua đã đề ra một mục tiêu quan trọng trong Chương trình đột phá đổi mới quản lý Thành phố Hồ Chí Minh, là thực hiện đề án đầu tư - xây dựng các huyện, để thành lập thành các đơn vị hành chính cấp quận (hoặc thành phố thuộc thành phố) trong giai đoạn 2021-2030. Tuy nhiên, việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước phù hợp với xu thế thời đại và bối cảnh đặc thù của Thành phố Hồ Chí Minh đang đặt ra yêu cầu cần thiết.
 
Các vấn đề được trình bày tại Hội thảo bao gồm: Cơ sở lý luận về hoạt động quản lý nhà nước trong quá trình chuyển từ huyện thành quận hoặc thành phố thuộc thành phố; Thực trạng hoạt động quản lý nhà nước của chính quyền các huyện trong quá trình chuyển từ huyện thành quận hoặc thành phố thuộc Thành phố Hồ Chí Minh; Một số giải pháp nhằm thực hiện tốt hoạt động quản lý nhà nước trong quá trình chuyển từ huyện thành quận hoặc thành phố thuộc Thành phố Hồ Chí Minh; Các tiêu chí trong quản lý nhà nước đối với chính quyền huyện trong quá trình chuyển đổi huyện thành quận hoặc thành phố của Thành phố Hồ Chí Minh.
 
Tại Hội thảo, ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà quản lý đều cho rằng cần có một tiêu chí cụ thể, rõ ràng về vấn đề kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục của quận, thành phố để các địa phương hiểu rõ, nắm vững các tiêu chí đó để thực hiện một cách chủ động và có lộ trình.
 
Ông Trương Tiến Triển (Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ) cho rằng cần có cơ chế phân cấp, phân quyền trong hệ thống quản lý hành chính của địa phương để tạo sự khả thi và hiệu quả của hoạt động.
 
Ông Trần Nhật Thanh (Trưởng phòng Nội vụ huyện Bình Chánh) gợi ý, trong đề án ngoài việc đánh giá, phân tích thực trạng về kinh tế - xã hội, cần quan tâm đến thực trạng của bộ máy hành chính, đánh giá về thuận lợi và khó khăn trong hoạt động, quản lý hành chính hiện nay. Trong xây dựng tiêu chí, nên bổ sung thêm một số tiêu chí cụ thể gắn với đặc trưng của từng huyện. Cần có sự trao đổi, tương tác giữa địa phương và các chuyên gia, nhà khoa học để đưa ra những vấn đề cần thực hiện trong thực tiễn một cách đồng bộ, thống nhất.
 
Ngoài ra, ý kiến của TS. Nguyễn Đức Trí (Đại học Kinh tế TP.HCM) nhấn mạnh – cần xác định mục tiêu về thế mạnh, tiềm năng phát triển kinh tế của mỗi địa phương. Và để thực hiện những mục tiêu phát triển đó cần có nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Vì vậy, bài toán nguồn nhân lực, thu hút nhân tài trong bối cảnh hiện nay cũng là thách thức, cần có cơ chế phù hợp trong việc tuyển dụng, sử dụng nhân tài.
 
Hội thảo đã thảo luận nhằm xây dựng và thực hiện đồng bộ các yếu tố như: tổ chức, bộ máy, thể chế, công tác cán bộ, nguồn nhân lực trong bộ máy quản lý, nhất là đội ngũ nhân lực trong hệ thống chính trị, thường xuyên rà soát tiêu chuẩn, tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy chính quyền có năng lực chuyên môn cao, kỹ năng thực thi công vụ, tinh thần trách nhiệm và đạo đức công vụ, có tác phong và phương pháp làm việc khoa học, đổi mới tư duy, năng động, sáng tạo phù hợp với yêu cầu hội nhập và xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại.

Quang cảnh hội thảo
 
Phát biểu bế mạc Hội thảo PGS.TS. Vũ Tuấn Hưng (Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ) cho rằng các vấn đề trao đổi tại Hội thảo phù hợp với mục tiêu, định hướng của Đề án, đó là đánh giá thực trạng, giải pháp, phân tích, định hướng nhằm xây dựng các tiêu chí quản lý nhà nước ở 5 huyện ngoại thành chuyển thành quận (hoặc thành phố) thuộc Thành phố Hồ Chí Minh. Thay mặt Ban tổ chức và Ban chủ nhiệm Đề án, PGS.TS Vũ Tuấn Hưng cảm ơn các sở, huyện và các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học đã tham dự và phối hợp trong quá trình triển khai Đề án.
 
Theo Vass.gov.vn
Cập nhật tin tức về khoa học xã hội tại: tapchikhxh.vass.gov.vn