Hội thảo khoa học “Tác động của sự vận động quan hệ kinh tế Mỹ - Trung Quốc - Nga đến kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam”

Cập nhật 09:00 ngày 04/05/2022
(Hội thảo khoa học) - 21/04/2022 Trong khuôn khổ thực hiện Đề tài cấp Quốc gia “Quan hệ kinh tế Mỹ - Trung Quốc - Nga trong bối cảnh mới: tác động, ảnh hưởng và đối sách của Việt Nam”, sáng ngày 20/4/2022, tại trụ sở 1B Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp với Trung tâm Kinh tế chấu Á – Thái Bình Dương (cơ quan chủ trì đề tài), tổ chức hội thảo khoa học “Tác động của sự vận động quan hệ kinh tế Mỹ - Trung Quốc - Nga đến kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam”. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
PGS.TS. Võ Đại Lược, Chủ tịch Hội đồng quản lý Trung tâm Kinh tế chấu Á – Thái Bình Dương và PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo
 
Tham dự Hội thảo có TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; PGS.TS. Lê Bộ Lĩnh, nguyên Phó Tổng Thư ký Quốc hội, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cùng nhiều đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học. Chủ trì hội thảo: PGS.TS. Võ Đại Lược, Chủ tịch Hội đồng quản lý Trung tâm Kinh tế chấu Á – Thái Bình Dương và PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.
 
Bối cảnh thế giới đã và đang xuất hiện những yếu tố mới có thể tạo ra những thay đổi đột phá trên quy mô toàn cầu. Sự ổn định của tình hình an ninh, chính trị, kinh tế thế giới phụ thuộc chủ yếu vào mối quan hệ giữa các nước lớn, trong đó mối quan hệ giữa Mỹ - Nga - Trung Quốc giữ vai trò quan trọng. Bản chất mối quan hệ giữa ba nước đó như thế nào và sự tác động của nó đối với an ninh, chính trị, kinh tế khu vực và thế giới ra sao đang là vấn đề được dư luận quốc tế hết sức quan tâm. Nói riêng trong lĩnh vực kinh tế, các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc và Nga đã và đang điều chính mang tính chiến lược trong quan hệ kinh tế với nhau và do đó sẽ tác động lớn đến sự phát triển của kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng.
 

PGS.TS. Võ Đại Lược trình bày báo cáo đề dẫn


Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Võ Đại Lược đánh giá: Cuộc khủng hoảng Nga – Ucraina (chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ucraina) đã và đang làm ảnh hưởng nhiều mặt trên trên toàn thế giới, đặc biệt là sự đứt gãy các chuỗi cung ứng và vấn đề kinh tế, an ninh lương thực.
 
PGS.TS. Võ Đại Lược cho biết, hiện nay vấn đề cơ chế quản trị quốc gia và quản trị toàn cầu đang tồn tại nhiều vấn đề, gây chia rẽ các phe phái. Cơ chế quản trị tốt nhất thế giới là của nước Mỹ cũng đang mất dần sự kiểm soát. Biến đổi khí hậu nghiêm trọng, gây thiệt hại 2000 tỷ/năm, 05 nước ảnh hưởng nặng nhất của biến đổi khí hậu trong đó có Việt Nam. Vấn đề già hóa dân số, số người trên 60 tuổi chiếm tỷ lệ ngày càng cao ở Việt Nam. Tỷ lệ sinh ở Trung Quốc sẽ giảm dần trong các năm tới…
 
Trong tình hình như vậy 3 cường quốc thế giới là Mỹ, Trung Quốc và Nga đang tích cực định hình cơ chế để chi phối thế giới. Mối quan hệ tam giác sẽ quyết định sự vận động kinh tế thế giới. Việc quan hệ 3 cường quốc trên diễn ra vừa hợp tác (chống biến đổi khí hậu, vũ khí hạt nhân....), vừa cạnh tranh quyết liệt và vừa đối đầu gay gắt, gây ra những khủng hoảng nghiêm trọng. Trong bối cảnh hiện nay, theo như đánh giá xu hướng đối đầu ngày càng gia tăng, rõ nhất là cuộc khủng hoảng Nga - Ucraina đang diễn ra.
 
PGS.TS. Võ Đại Lược mong muốn, trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu "Mối quan hệ kinh tế Mỹ - Trung Quốc - Nga trong bối cảnh hiện: tác động, ảnh hưởng và đối sách của Việt Nam", các học giả, nhà khoa học sẽ có những phân tích, kiến giải và đề xuất những đề xuất giải pháp phù hợp cho sự phát triển của Việt Nam trong thời gian tới.
 
Quang cảnh Hội thảo
 
Hội thảo tập trung thảo luận 4 nội dung: (i) Những thay đổi của trật tự kinh tế thế giới sau khủng hoảng Nga – Ucraina: Một số hàm ý cho Việt Nam, của Chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn; (ii) Tác động của sự vận động quan hệ kinh tế Nga – Mỹ trong bối cảnh mới đến kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam, của PGS.TS. Nguyễn An Hà; (iii) Tác động của sự vận động của quan hệ kinh tế Mỹ – Trung Quốc trong bối cảnh mới đến kinh tế thế giới và Việt Nam, của PGS.TS. Cù Chí Lợi; (iv) Tác động của sự vận động của quan hệ kinh tế Trung Quốc - Nga trong bối cảnh mới đến kinh tế thế giới và Việt Nam, của TS. Hoàng Thế Anh.
 

Ông Bùi Ngọc Sơn, chuyên gia kinh tế phát biểu, trình bày tham luận
 
Bàn về trật tự kinh tế thế giới, chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn cho biết, hệ thống trật tự kinh tế thế giới được hình thành từ năm 1944 đang có nhiều thay đổi. Yếu tố thay đổi này chủ yếu đến từ sự trỗi dậy của Trung Quốc trong vài thập kỷ qua. Đặc biệt từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 quốc gia này lớn mạnh và có nhiều nỗ lực tranh giành quyền lực trong trật tự kinh tế thế giới. Đại dịch Covid-19 và khủng hoảng Nga – Ucraina được cho là đang tạo ra nhiều yếu tố mới có thể làm thay đổi trật tự này thêm nữa.
 
Trên cơ sở phân tích tình hình, chuyên gia Bùi Ngọc Sơn cho rằng, Việt Nam bị kẹt giữa một bên Mỹ và phương tây vừa để có an ninh và phát triển kinh tế với một bên là Trung Quốc và Nga. Hiện nay Việt Nam chưa có hoặc ít nhất là chưa cho thấy một kế hoạch chủ xây dựng những nền tảng để thu hút các chuỗi cung ứng quan trọng như: cơ sở hạ tầng qui mô lớn (cảng, sân bay) và sự kết nối chúng, đặc khu kinh tế, công nghiệp hỗ trợ, lao động kỹ năng cao, logistics phát triển cao, tiến bộ trong cải cách môi trường kinh doanh…
 
PGS.TS. Nguyễn An Hà phát biểu, trình bày tham luận
 
PGS.TS. Nguyễn An Hà khi đánh giá về tác động trong quan hệ kinh tế giữa Nga - Mỹ và ảnh hưởng đến Việt Nam ông cho biết, quan hệ thương mại song phương Việt Nam – Liên bang Nga đạt khoảng 5,4 tỉ USD trong năm 2021, trong đó Nga chiếm khoảng 1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Những tác động tiêu cực như lệnh cấm vận, gián đoạn thanh toán v.v.. do khủng hoảng Nga – Ucraina sẽ không ảnh hưởng nhiều đến kinh tế Việt Nam. Còn các tác động gián tiếp từ việc giá năng lượng, phân bón, ngũ cốc, kim loại …và chi phí logistic không hề nhỏ do Việt Nam phụ thuộc vào nhập khẩu hàng loạt các nguyên liệu này. Ảnh hưởng rõ nét nhất là giá nguyên nhiên liệu tăng dẫn tới lạm phát tăng cao. Việt Nam có thể tăng cường quan hệ với Mỹ và EU ở một số lĩnh vực như nông phẩm, lương thực, cải thiện cán cân thanh toán, và đa dạng hóa thị trường. Việt Nam có cơ hội đẩy mạnh hơn nữa quan hệ năng lượng nguyên liệu với Nga dựa trên FTA: dầu, khí hóa lỏng, than, phân bón, kim loại, gỗ v.v.. giải quyết các thiếu hụt trong nước.
 
PGS.TS. Nguyễn An Hà gợi ý, trong xu thế trật tự thế giới đang dịch chuyển mạnh, Việt Nam cần chủ động linh hoạt trong điều chỉnh chính sách đối ngoại, vừa tận dụng được các mối quan hệ truyền thống, vừa khai thác hiệu quả các FTA, cân đối hài hòa giữa lợi ích kinh tế và an ninh quốc phòng cho phù hợp với tình hình mới.
 
PGS.TS. CùChí Lợi phát biểu, trình bày tham luận
 
PGS.TS. Cù Chí Lợi thì cho rằng, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã gây ra những xáo trộn trong quan hệ kinh tế Mỹ – Trung, dẫn đến thương mại và đầu tư bị suy giảm. Việt Nam được hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, tuy nhiên, cơ hội này đang trôi mau, và Việt Nam không thể trông chờ vào các cơ hội đến từ bên ngoài này, mà Việt Nam cần cải cách và xoá bỏ các nút thắt về hạ tầng và nhân lực là cốt tử trong tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng thương mại…
 
Hội thảo nhận được nhiều tham luận và nhiều ý kiến thảo luận. Đây là dịp để các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo, quản lý, các chuyên gia tiếp tục làm rõ và sâu sắc hơn những vấn đề về quan hệ kinh tế Mỹ - Trung Quốc - Nga trong bối cảnh tình hình mới, những tác động, ảnh hưởng đối với Việt Nam. Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp đúng đắn, sáng tạo phù hợp cho sự phát triển của Việt Nam.
 
Theo Vass.gov.vn
Cập nhật tin tức về khoa học xã hội tại: tapchikhxh.vass.gov.vn