Hội thảo khoa học quốc tế “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản – Giá trị lý luận và thực tiễn trong thời đại ngày nay”
Phát biểu khai mạc, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nêu rõ những giá trị to lớn của tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản với cách mạng thế giới và lịch sử nhân loại. Tác phẩm là bản cương lĩnh chính trị của toàn bộ phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, có giá trị lịch sử vĩ đại và ý nghĩa thực tiễn to lớn trong xã hội hiện đại ngày nay. Trong tác phẩm, với thế giới quan duy vật và biện chứng về nhân loại, C.Mác và Ph.Ăngghen đã có những lý giải khoa học về tiến trình phát triển của xã hội loài người, và trình bày những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác. Tác phẩm trở thành ngọn cờ lý luận soi đường, là kim chỉ nam hành động cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Giá trị cách mạng, khoa học và sức sống trường tồn của bản Tuyên ngôn đã được thực tiễn lịch sử chứng minh, điển hình là sự thắng lợi Công xã Pari, Cách mạng Tháng Mười Nga, sự thành công của quá trình xây dựng mô hình Chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu và Liên Xô. Đồng chí Võ Văn Thưởng khẳng định, 88 năm qua, được soi sáng bởi tư tưởng của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, huy động được mọi nguồn lực của đất nước, kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh thời đại để giành những thắng lợi vẻ vang và đang vững bước đi lên CNXH.
Toàn cảnh hội thảo
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, khẳng định rằng từ khi ra đời đến nay, thực tiễn đã có nhiều đổi thay, nhưng giá trị khoa học và sức sống vững bền của Tuyên ngôn với tư cách là cương lĩnh chính trị của giai cấp công nhân trên toàn thế giới vẫn còn nguyên giá trị. Tác phẩm Tuyên ngôn là cương lĩnh chính trị của giai cấp công nhân hiện đại, ngọn cờ lý luận của các Đảng Cộng sản và công nhân quốc tế trong sự nghiệp đấu tranh vì lý tưởng nhân văn cao cả: giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng loài người khỏi mọi sự áp bức, bất công, hướng tới mục tiêu hòa bình độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ và phát triển con người toàn diện.
Các tham luận và phát biểu tại Hội thảo khẳng định, trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác và Ph.Ăngghen đã sử dụng phương pháp duy vật biện chứng để phân tích lịch sử xã hội và đã luận giải một cách khoa học và thuyết phục rằng sự diệt vong của chủ nghĩa tư bản (CNTB) và sự thành công của CNXH là “tất yếu như nhau”, là quy luật phát triển tất yếu của xã hội loài người. Bản Tuyên ngôn đã khẳng định, trong xã hội hiện đại, chỉ có giai cấp vô sản là giai cấp cách mạng nhất, kiên quyết và triệt để nhất; có khả năng lật đổ CNTB, xây dựng thành công xã hội cộng sản chủ nghĩa (CSCN); sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân, giải phóng xã hội là sự nghiệp đấu tranh lâu dài của chính “những công nhân hiện đại, những người vô sản”.
PGS.TS. Thongsalith Mangnomek, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Lào, nhấn mạnh những giá trị lý luận của Tuyên ngôn đối với quá trình xây dựng và phát triển của cách mạng và Đảng Cộng sản Lào. Những nguyên lý khoa học trong bản Tuyên ngôn đã được Đảng nhân dân cách mạng Lào vận dụng sáng tạo để phát triển quốc gia Lào từ một nước có nền kinh tế lạc hậu, yếu kém tiến lên CNXH, bỏ qua giai đoạn phát triển CNTB, tiến hành đổi mới đất nước với các nguyên tắc: kiên định mục tiêu tiến lên CNXH, kiên định lấy chủ nghĩa Mác – Lênin làm kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng, kiên định sự lãnh đạo của Đảng; củng cố và phát triển dân chủ, lấy dân làm gốc dưới sự lãnh đạo của Đảng…
Theo GS. A.Ostrovskii, Viện Nghiên cứu Viễn Đông, Viện Hàn lâm khoa học Nga, bối cảnh ra đời tác phẩm Tuyên ngôn là giai đoạn bất ổn với những cuộc khủng hoảng về tài chính; bản Tuyên ngôn đã nêu những luận điểm mang tính mấu chốt về bản chất của chế độ tư bản chủ nghĩa (TBCN), tính bất bình đẳng liên quan đến tài sản tư hữu của các tầng lớp trong xã hội. Tuy nhiên, còn nhiều điểm C.Mác và Ph.Ăngghen chưa tiên liệu được. Với các quốc gia phát triển, để mang lại hiệu ứng tích cực cần phải từng bước điều tiết quá trình chuyển đổi. Với Việt Nam, Nhà nước phải kiểm soát được thị trường, vẫn cần phải phát huy doanh nghiệp nhà nước nhưng cần quản lý doanh nghiệp nhà nước một cách chặt chẽ, đồng thời cần kiểm soát và giảm thiểu bất bình đẳng trong xã hội và nâng cao năng suất lao động.
GS. Chu An Đông, Học viện Chủ nghĩa Mác, Đại học Thanh hoa (Trung Quốc), phân tích những giá trị của tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản với quá trình phát triển cách mạng và xây dựng Đảng Cộng sản Trung Quốc. Theo ông, bản Tuyên ngôn đã đem lại một thế giới quan, phương pháp tư duy khoa học về quy luật phát triển của xã hội loài người; giúp hình thành Đảng Cộng sản Trung Quốc từ chính giai cấp vô sản Trung Quốc; và là ngọn cờ lý luận soi rọi con đường cách mạng đấu tranh giành độc lập và phát triển đất nước Trung Hoa.
Phát biểu kết luận Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng khẳng định rằng, các ý kiến và phát biểu tại Hội thảo đã phân tích làm rõ những giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản; thể hiện sự khách quan, khoa học, trách nhiệm và tâm huyết. Những phát biểu dù tiếp cận từ nhiều góc độ nhưng đều khẳng định ý nghĩa của Tuyên ngôn với cách mạng thế giới và Việt Nam. Những nguyên lý của CNXH khoa học được trình bày khoa học, cô đọng trong Tuyên ngôn, là thế giới quan và phương pháp luận khoa học để nhận thức và cải tạo thế giới. Tuyên ngôn là cương lĩnh chính trị, ngọn cờ dẫn dắt cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân thế giới, tiến lên CNXH. Các tham luận và phát biểu tại Hội thảo đã phân tích khoa học, khách quan về những thử thách mà Tuyên ngôn gặp phải trong thời gian qua, về những nhận thức lệch lạc, phiến diện, giáo điều, nôn nóng của chính những người cộng sản, những nhận thức này đã gây ra tổn thất cho cách mạng. Do đó, cần đấu tranh giữ vững những giá trị tinh thần của Tuyên ngôn; tiếp tục vận dụng và phát triển sáng tạo tinh thần của Tuyên ngôn trong bối cảnh mới, phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn của mỗi quốc gia.
Lê Minh