Hội thảo khoa học quốc tế “Phê bình sinh thái: Tiếng nói bản địa, tiếng nói toàn cầu”

Cập nhật 08:38 ngày 03/01/2018
(Hội thảo khoa học) - Ngày 14/12/2017, tại Hà Nội, Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Phê bình sinh thái: Tiếng nói bản địa, tiếng nói toàn cầu”.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, nhấn mạnh, trên thế giới và Việt Nam trong những năm qua đang phải đối mặt với những thảm họa lớn về môi trường, những thảm họa đó đã và đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Điều này đặt ra những câu hỏi lớn rằng, các nhà văn cũng như các nhà nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn sẽ làm gì để góp phần bảo vệ và xây dựng môi trường sống xanh - sạch - đẹp? Chúng ta sẽ có những hành động gì để góp phần làm thay đổi nhận thức về môi trường sinh thái; để phát triển văn hóa - xã hội không chỉ bền vững trong hiện tại mà còn an toàn trong tương lai? Trên cơ sở phân tích, đánh giá các vấn đề từ quan điểm sinh thái, các nhà khoa học sẽ góp phần làm sáng tỏ thêm mối quan hệ hài hòa giữa con người với tự nhiên trên tinh thần nhân văn hiện đại. Đây cũng chính là thái độ sống tích cực của chúng ta vì sự phồn vinh trong hiện tại và vì sự bền vững của tương lai.


Toàn cảnh buổi hội thảo

Phát biểu báo cáo đề dẫn, PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học, nhấn mạnh, ý nghĩa quan trọng của Hội thảo là hướng tới cùng bàn luận, đối thoại về phê bình sinh thái, khẳng định vị thế của phê bình sinh thái trong khoa học nhân văn hiện đại, qua đó, góp phần làm sâu sắc hơn nền tảng triết - mỹ và những vấn đề trọng yếu nhất của phê bình sinh thái, từ đối tượng đến bản chất, chức năng, nhiệm vụ và phương pháp tiếp cận, phương pháp phân tích văn bản… Với sự xuất hiện của sinh thái học nhân văn, một trào lưu nhân văn mới sẽ được hình thành trên cơ sở hài hòa giữa tam vị nhất thể: con người - xã hội - tự nhiên trong ngữ cảnh văn hóa đương đại.

Hội thảo tập trung thảo luận, làm sáng tỏ những bình diện quan trọng nhất của phê bình sinh thái với tư cách là một chuyển hướng đầy thích ứng của nghiên cứu văn học trong thời đại khủng hoảng môi trường.

GS.TS. Lã Thụy Vinh, Đại học Dân tộc Quảng Tây, đề cập đến việc xây dựng tâm thức trong văn hóa đọc xanh. Văn hóa đọc xanh là tôn chỉ cốt yếu của thẩm mỹ hóa đời sống; văn hóa đọc xanh và xây dựng tâm thức xanh là hai mặt của một chỉnh thể thẩm mỹ hóa cuộc sống. Xuất phát từ nguyên lý của văn hóa đọc xanh, trên cơ sở lĩnh hội những phạm trù có liên quan đến thẩm mỹ sinh tồn, thẩm mỹ cuộc sống và thẩm mỹ sinh thái chỉnh thể của con người, GS.TS. Lã Thụy Vinh đã làm rõ thêm mối quan hệ biện chứng giữa văn hóa đọc xanh và xây dựng tâm thức xanh, tầm quan trọng của tâm thức xanh đối với thẩm mỹ sinh thái chỉnh thể, tính chất riêng biệt của xây dựng tâm thức xanh, chuẩn mực xây dựng tâm thức xanh, xác định và chỉ ra những khái niệm liên quan đến xây dựng tâm thức xanh và ý nghĩa thực tiễn của nó.

TS. Đặng Lưu, Trường Đại học Vinh, cho rằng, trong các lý thuyết về văn học, phê bình sinh thái có vẻ “cận nhân tình” hơn cả. Trong bối cảnh hiện nay, giáo dục môi trường tất yếu phải là vấn đề được quan tâm đúng mức trong dạy học. Tuy nhiên, giáo dục môi trường trong dạy học nghị luận xã hội thuận lợi bao nhiêu thì trong dạy đọc hiểu tác phẩm văn chương lại khó khăn bấy nhiêu, vì trong chương trình ngữ văn hiện hành vắng bóng những tác phẩm đề cập trực diện đến những hiểm họa, nguy cơ về môi trường, sinh thái; thiếu hẳn tri thức về lý thuyết phê bình sinh thái nên giáo viên sẽ lúng túng trong việc hướng dẫn học sinh khai thác những chủ đề liên quan tới vấn đề này.

Phát biểu tổng kết Hội thảo, PGS.TS. Vũ Thanh, Phó Viện trưởng Viện Văn học,  khẳng định, Hội thảo góp phần làm sáng tỏ những bình diện quan trọng của phê bình sinh thái với tư cách là một khuynh hướng đầy thích ứng của nghiên cứu văn học và văn hóa trong thời đại khủng hoảng môi trường, góp phần xác lập mối quan hệ bền vững giữa con người và tự nhiên trong bối cảnh văn hóa đương đại, tạo mối liên kết đa chiều giữa văn học và các bộ môn khoa học khác, giữa Việt Nam và thế giới, thúc đẩy những liên hệ xã hội và tạo dựng tính thực tiễn của nghiên cứu, phê bình văn học trong giai đoạn kết nối giữa văn hóa, văn học Việt Nam với thế giới.

 Thanh Thủy

Cập nhật tin tức về khoa học xã hội tại: tapchikhxh.vass.gov.vn